Trong đống rác lịch sử (I)
Nguyễn Hữu
Đặt vấn đề về trước những sự kiện lịch sử
Dẫn nhập
Là một trong những người lớn lên trong buổi đất nước nhiễu nhương, học hành không toại ý, kiến thức không bao nhiêu nên người viết không dám bàn luận về sách vở, nhất là sách vở về lịch sử đòi hỏi kiến thức lẫn khả năng phân tích và tổng hợp. Vừa rồi, nhận được quyển sách từ một người thân thuộc hàng cha chú gởi tặng và khuyến khích đọc để tìm hiểu thêm về những biến đông trong lịch sử Việt Nam thời ông Ngô Đình Diệm. Thú thật là đời sống người Việt trên đất Mỹ nói chung và cá nhân tôi nói riêng, thì giờ dùng để đọc sách là xa xỉ phẩm thượng hạng nhưng tôi cố gắng để không phụ lòng người đã tặng sách.
Càng đi sâu vào sách, tôi càng cảm thấy ngỡ ngàng và quá thất vọng vì nhận ra chủ điểm của cuốn sách này không phải là để trình bày và phê phán những sự kiện đã xảy ra một cách trung thực để rút ra những bài học cho hậu thế như tác giả đề ra mà chỉ để biện minh cho một chế độ bị sụp đổ vì mất nhân tâm; tác giả chỉ trích những người không cùng phe phái thậm tệ bằng ngôn ngữ mà dân “đầu đường, xó chợ” cũng ít dùng và tự phô trương học vấn, văn chương bao trùm đông tây kim cổ kiểu ếch ngồi đáy giếng của một kẻ bị thất sủng sau thời ông Diệm cầm quyền.
Nhận thấy sự gian trá nguy hiểm và ảnh hưởng tai hại của loại sách này, dù không phải là người trong giới cầm bút, kiến thức lịch sử hạn hẹp và khả năng viết lách kém cỏi, tôi bất đắc dĩ phải đặt lại vấn đề, nói lên lời nhận xét dù mất thì giờ cho những việc khác ích lợi hơn.
Tôi không muốn nói về bản thân mình vì cá nhân tôi không có gì đáng nói nhưng để tránh những ngộ nhận, nghi kỵ mà một số người Việt mình thường có thói quen chụp mũ sau khi đọc một bài viết không cùng quan điểm rồi cho là người viết bài này thuộc phe này hay nhóm kia, viết dưới sự hướng dẫn hay chỉ đạo của ai, tôi xin nói rõ là tôi chỉ là một người Việt tầm thường. Trong thời ông Diệm cầm quyền đến nay, tôi chưa hề được có dịp cầm súng hay hay nắm giữ một chức vụ nhỏ nào trong các đảng phái dưới chế độ Quốc Gia hay Cộng Sản. Trong thời gian còn ở Việt Nam, tôi chưa hề quen biết những người mà tác giả, ông Lê Nguyên Phu, mạ lỵ nhan nhản trong sách ông viết. Sống trên đất Mỹ nhiều năm qua, tôi chỉ là một trong những người thầm lặng và chưa hề tham gia đảng phái chính trị nào.
Đối với ông Ngô Đình Diệm, tôi vẫn nghĩ rằng ông là người liêm khiết và có lòng ái quốc hơn nhũng kẻ chỉ biết làm tay sai cho ngoại bang, xem nhẹ đất nước và dân tộc. Ông Diệm đã giành lại độc lập và chủ quyền quốc gia từ tay của thực dân Pháp, nỗ lực xây dựng và kiến thiết miền Nam qua sự viện trợ tận tình của chính phủ Mỹ trong giai đoạn ông cầm quyền. Tuy nhiên, theo những tài liệu khả tín, chính thái độ và cách hành xử của ông Diệm đã làm mất niềm tin của dân chúng trong nước và mất dần sự ủng hộ của quốc tế. Ông đã dung dưỡng cho người nhà ông và nhiều kẻ nịnh bợ, qụy lụy ông để cuối cùng họ phản ông qua cuộc đảo chánh 1-11-1963.
Trong bài này, người viết đặt những vấn đề cho chính mình và chia sẻ với người đọc để cùng tìm hiểu mục đích và hậu quả do quyển sách này gây ra. Mỗi người tự tìm cho mình câu trả lời. Những điều nhận xét được viết ra đây là ý kiến cá nhân có thể đúng hay sai nhưng được căn cứ vào sử liệu. Người viết xin chân thành ghi nhận ý kiến của người đọc để bổ sung những điều sai sót vì không biết là những sử liệu được trích dẫn cho bài này đúng hay sai. Người viết mong ước là sau khi đọc xong bài này, những người trẻ còn khả năng, thích đọc tiếng Việt và còn quan tâm đến lịch sử Việt Nam nên đăt lại vấn đề khi đánh giá một sư kiện lịch sử từ một tài liệu nào đó. Không phải là người trong giới cầm bút nên chắc chắn là có những lỗi lầm và bài viết này và không phải là bài biên khảo nên người viết chỉ nêu ra những tài liệu khả tín chính yếu.
Giới thiệu tác phẩm
“Trong Bóng Tối Lịch Sử” với phụ đề Khảo Luận Về Ngô Đình Diệm của ông Mai Thạch Lê Nguyên Phu dày 510 trang. Hình bìa trước có bức tranh cây trúc, biều tượng cho người quân tử Đông phương với tấm lòng “tiết trực tâm hư” cùng ấn triện của ông Mai Thạch Lê Nguyên Phu khá trang nhã. Bìa sau, ngoài hình cây trúc còn có ghi số đăng ký Thư viện Quốc Gia tại Quebec. Ngoài những trang dẫn nhập và bài thơ tức sự để kết thúc, quyển sách được chia làm 3 phần chính:
Phần 1: Ngô Đình Diện từ khó khăn đến thành công.
Phần 2: Ngô Đình Diệm từ thành công đến sụp đổ.
Phần 3: Thời kỳ sau Ngô Đình Diệm từ 1-11-1963 đến 30-04-1975.
“Trong bóng tối lịch sử,” Lê Nguyên Phu
Nguồn: Lê Nguyên Phu
Trong khuôn khổ của bài này, người viết chú trọng vào phần I và phần II, nhận xét và đặt vấn đề những điều khá quan trọng mà bỏ qua những chi tiết nhỏ.
Nội dung quyển sách
Phần 1 Ngô Đình Diện từ khó khăn đến thành công
Chương 1: Bốn Giai Đoạn Trong Cuộc Đời Ngô Đình Diệm
Thời kỳ cử nghiệp
Ông Lê Nguyên Phu viết là ông Diệm sinh năm 1901, tốt nghiệp trường Hậu bổ năm 1922 nhưng theo tài liệu của ông Chính Đạo thì ông Diệm sinh ngày 27-7-1897 (1). Điều này không phải là chủ điểm trong bài này nhưng là một quyển khảo luận về lịch sử, nên có ngày tháng chính xác theo tài liệu nào.
Thời kỳ xuất chính (1922-1933)
Trang 25, ông Diệm thành công trên con đường hoạn lộ, từ Tri huyện Hương Thủy lên đến Lại Bộ Thượng Thư là nhờ sự nâng đỡ tận tình của ông Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài rồi Ngô Đình Diệm trả ấn từ quan “để phản đối chính quyền Pháp không thi hành đứng đắn Hòa Ước năm Giáp Thân (1884) và ngăn chặn mọi sự cải tổ” của ông Diệm.
Hòa ước năm Giáp Thân có nhiều điều khoản, ông Phu không nói rõ là ông Diệm chống điều khoản nào hay là chống cả mọi điều. Theo những tài liệu khả tín (1), ông Diệm bất đồng ý kiến với thực dân Pháp vì không được họ trao toàn quyền lập pháp. Với thái độ “có thì có hết còn không thì thôi”, ông Diệm trả ấn từ quan nếu không nói là bị loại ra khỏi ngạch quan lại (3).
Bất đồng ý kiến vì không có toàn quyền quyết định, ông Diệm trả ấn từ quan là hành động tiêu cực để phản đối chính quyền Pháp hay là không muốn làm quan cho Pháp? Nếu không muốn làm quan cho Pháp thì tại sao không từ chức sớm hơn mà làm quan 11 năm? Trong thời gian làm quan, ông Diệm từng thấy rõ thái độ của Thực dân Pháp đối với người Việt và những sự tàn bạo, dã man mà thực dân Pháp đổ lên đầu dân chúng Việt Nam mà.
Đặt vấn đề: Vì lý do nào ông Diệm trả ấn từ quan? Sự quyết định trả ấn từ quan này được thúc đẩy vì lý do nào?
Thời kỳ ẩn dật (1933-1954)
Trang 28, dù ẩn dật, ông Diệm vẫn âm thầm hoạt động và là “lãnh tụ của một đảng phái chính trị lấy tên là Đại Việt Phục Hưng.”
Ông Phu không cho biết là đảng Phục Hưng được thành lập khi nào, chủ trương và đường lối của đảng thế nào hay những thành quả chính trị mà đảng này đã thực hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi ông Diệm cầm quyền, có bao nhiêu thành viên của đảng Đại Việt Phục Hưng tham gia chính quyền ông Diệm? Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì trong giai đoạn này chỉ có các đảng phái là: Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội, Việt Nam Độc Lập, Tân Việt Cách Mệnh Đảng (Phục Việt), Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân Chính, Đại Viêt Quốc Xã, Dân Chủ Đảng (4) mà không hề nhắc tới cái đảng Đại Việt Phục Hưng với ông Diệm là lãnh tụ cả.
Đặt vấn đề: Nếu thực sự chẳng có đảng Đại Việt Phục Hưng mà ông Diệm là lãnh tụ thì mục đích ông Phu nói về đảng này để làm gì? Có phải là sự bịa đặt để chứng minh là ông Diệm là một chí sĩ nặng lòng ái quốc, dù ẩn dật nhưng vẫn lo chuyện nước non không?
Trang 30, khi ông Diệm bị sốt rét nặng, được đưa về Hà Nội điều trị, ông Nhu đến thăm và “sau đó với sự hỗ trợ của các dì phước đưa ông đào thoát khỏi bệnh viện, về trú ẩn tại Nhà Dòng Chúa Cứu Thế.”
Theo nhiều tài liệu, ông Hồ thả ông Diệm là đúng hơn. Có thể là ông Hồ muốn lợi dụng ông Diệm để lôi kéo những thành phần chưa theo Việt Minh mà trong giai đoạn ấy nhiều người không biết Việt Minh là Cộng Sản trá hình. Đồng thời cũng để tránh xung đột với Kitô giáo vì lúc ấy Việt Minh còn phải đối phó với nhiều mặt: Đảng phái Quốc Gia, thực dân Pháp, giặc Tàu… Với mạng lưới chằng chịt của Việt Minh ở miền bắc lúc ấy, nếu ông Hồ thực sự không muốn thả ông Diệm thì họ muốn bắt ông Diệm lại không khó lắm. Thả và đào thoát là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thả là do người khác chủ động mà cá nhân người được thả không có sự quyết định còn trốn hay đào thoát là do cá nhân ấy chủ động.
Đặt vấn đề: Sự thay đổi từ ngữ này có phải để ngầm chứng minh ông Diệm là người mưu lược có thể làm chủ bản thân trong mọi tình huống không?
Thời kỳ tái xuất chính: (7-7-1954 – 2-11-1963)
Trang 33, giai đọạn ông Diệm cầm quyền, “dân chúng Miền Nam thật sự đã được an bình, thịnh vượng, sinh hoạt ổn định trong một nền an ninh trật tự khả quan so với thời gian trước và sau khi ông cầm quyền.”
Vấn đề này sẽ được đặt vào những chương kế tiếp và sự yên bình tạm thời này chỉ kéo dài đến năm 1960.
Đặt vấn đề: Những yếu tố và hoàn cảnh nào đã đưa tới thành công cho ông Diệm? Đất nước yên bình hay là sự yên bình tạm thời?
Chương II: Những khó khăn sơ khởi lúc Ngô Đình Diệm mới lên cầm quyền
Tiết II – Từ bàn tay gây rối của Pháp và việc thọc gậy bánh xe phá đám của Bảo Đại đến vụ truất phế chức vị Quốc Trưởng của Bảo Đại và thành lập chính thể VNCH
Mục II Pháp đưa người nằm vùng trong chính quyền để thăm dò tin tức và đường lối của chính quyền Ngô Đình Diệm
Trang 54, ông Lê Ngọc Chấn, (người có ký tên vào Bản Tuyên Cáo Caravelle) bị “kết án 5 năm cấm cố thời Pháp thuôc, bị sa thải ngạch quan lại Nam triều. Cái thói tham nhũng của Lê Ngọc Chấn, trãi [trải] qua nhiều biến thiên của cuộc đời, vẫn không thay đổi.”
Ông Phu viết theo tài liệu nào? Điều này thực hư không rõ vì trong bối cảnh chính trị đen tối thời Pháp thuộc, người Pháp hoặc các phe phái quan lại, tay sai của Pháp có thể tìm cách loại bỏ một số cá nhân nào đó bằng cách quy cho họ tội tham nhũng cũng chẳng ai rõ nội vụ thực sự ra sao?
Trang 55, ông Phu cho biết ông “Hồ Văn Di Hinh, anh em bạn rễ [rể]” của ông Phu nói: “Ông Lê Ngọc Chấn ra nhìều lệnh bất hợp pháp, như bảo phải giao gạo cho thương gia này hay thương gia khác, mà ông không thể chấp hành được.”
Trong việc cung cấp quân nhu, chính quyền ký hợp đồng với nhà thầu này hoặc nhà thầu khác thì việc phải giao cho thương gia này hay thương gia kia cũng không có gì sai trái. Với tư cách chỉ là đại úy, ông Hinh có thể không biết được lý do ông Tổng Trưởng Quốc Phòng bảo ông tại sao phải giao cho chỗ này hay chỗ kia vì có thể đã ký hợp đồng trước rồi. Hơn nữa, ông Hồ Văn Di Hinh cũng không nói là lệnh nào mới hợp pháp.
Ông Ngô Đình Diệm lập nội các đầu tiên có toàn quyền quyết định việc chọn người hợp tác thì những người “thân Pháp” mà ông lựa chọn chắc chắn là không phải do người Pháp đưa vào. Nếu thực sự những người này “thân Pháp” thì nên trách ông Diệm chọn lầm người mới đúng. Thân Pháp, thân Mỹ, thân Nhật… không có nghĩa là làm tay sai cho người Pháp, người Mỹ, người Nhật… Trong môi trường chính trị, nếu vì ích quốc lợi dân thì việc thân thiện với kẻ thù là điều nên làm để nhờ đó mà biết thêm thái độ, đường đi nước bước của đối phương để đối phó.
Trừ những kẻ mà mọi người đều biết như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân … đã từng làm tay sai cho Pháp tiêu diệt người Việt yêu nước hay ông Hồ và nhóm Việt Cộng làm tay sai ngoại bang đã thủ tiêu những thành phần quốc gia để đưa đất nước vào gông cùm Cộng sản Quốc tế, trong việc đánh giá một người làm tay sai cho một thế lực nào đó, chúng ta cần nên cẩn thận, có chứng cớ rõ rang và không nên kết luận vội vàng, bừa bãi. Hoàng thân Cường Để thân Tàu, thân Nhật nhưng có bán đứng và tàn hại người Việt yêu nước hay không? Ông Nguyễn Thế Truyền xuất thân từ trường Pháp, quen biết nhiều người Pháp nhưng cuộc đời ông dâng hiến cho việc tranh đấu dành tự do, độc lập cho Việt Nam. Học giả Trần Trọng Kim bị những kẻ không cùng phe phái kết tội là thân Nhật (điều này không hẳn đúng) nhưng có làm tay sai cho Nhật Bổn không?
Đặt vấn đề: Việc bới móc đời tư ông Lê Ngọc Chấn (Việt Nam Quốc Dân Đảng) có phải vì ông Chấn không cùng đảng phái, bất đồng chính kiến với ông Diệm hay là do những lý do nào khác? Có bằng chứng nào Pháp đưa ông Chấn vào chính quyền ông Diệm không?
Pháp xúi dục các nhân sĩ đã tham gia nội các của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tẩy chay, bất hợp tác với nội các này qua trung gian Bình Xuyên
Trang 58, bàn về việc “Pháp xúi dục [giục] các nhân sĩ bất hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm”, ông Phu cho là Tướng Nguyễn Văn Xuân từ chức Phó Thủ tướng nội các cải tổ là vì Pháp“không muốn Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân thân tín của Pháp liên can vào một chính phủ mà Pháp sắp lật đổ để khỏi uổng một lá bài còn dùng được sau này.”
Lập luận kiểu này quá hời hợt! Khi muốn lật đổ một phe phái, chính quyền nào đó, nếu có được nội tuyến nằm vùng ở chức vị càng cao thì càng dễ hành động. Với chức vụ Phó Thủ Tướng, một khi Pháp lật đổ ông Diệm thì Phó Thủ Tướng thành Thủ Tướng có dễ dàng hơn là phải tìm người khác hay không?
Trang 58, ông Diệm nói với ông Phu về ông Phan Khắc Sửu là:
“Trước khi cải tổ nội các, tôi đã mời ông ta ở lại và ông ta đã nhận lời với tôi vào buổi sáng. Nhưng tối đến, người Pháp do Bình Xuyên đại diện đến nhà tìm ông ta, vừa hăm dọa, vừa mua chuộc, cho ông một số tiền lớn để không tham gia chính phủ. Ông ta không có đảm lược, không có lập trường kiên quyết nên sáng hôm sau đã tìm tôi từ chối chức vị Tổng Trưởng Canh Nông”
Cái lỗ hổng trong câu chuyện nầy là yếu tố thời gian và cách nói. Làm sao trong thời gian một ngày mà ông Diệm biết được người liên lạc là người Pháp do Bình Xuyên đại diện vừa mua chuộc, vừa hăm dọa và cho một số tiền lớn? Ai đưa tin này? Số tiền bao nhiêu?
Nội các cải tổ ngày 24-9-1954 có sự tham gia của các ông Trần Văn Soái (Hòa Hảo), Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) nhưng không có Bình Xuyên vì ông Diệm cương quyết không chấp nhận. Cảnh sát Bình Xuyên chưa hợp tác chặt chẽ với ông Diệm thì ông lấy tin tức từ đâu? Không có sự hợp tác giữa Bình Xuyên và ông Diệm nhưng chưa có đụng độ lớn thì ông Phan Khắc Sửu không có lý do bị Bình Xuyên uy hiếp và mua chuộc? Hơn nữa, cái ghế Tổng Trưởng Canh Nông có giá hơn cái ghế dân biểu nhiều thì tại sao ông Sửu từ chức Tổng Trưởng mà sau này lại ứng cử dân biểu làm gì? Chúng ta có thể đặt nghi vấn là ông Phan Khắc Sửu bị buộc phải từ chức hơn là tự nguyện từ chức. Cuộc nói chuyện này chỉ ông Phu và ông Diệm biết nên không thể coi là chứng cớ khả tín.
Trang 58, “Làm sao có thể buộc tội Thủ Tướng Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, gạt bỏ sự hợp tác của Hòa Hảo và Cao Đài?”
Ít có sách vở nghiêm chỉnh nào nói là ông Diệm kỳ thị tôn giáo mà phần đông đều nói là ông Diệm dung dưỡng cho những hành động lấn lướt của ông Ngô Đình Thục và bà Nhu dành cho Ki-tô giáo dễ dẫn đến sự hiểu lầm là kỳ thị tôn giáo. Vấn đề này sẽ được đặt ra ở mục khác vì đi ra ngoài trọng tâm của việc Pháp xúi dục các nhân sĩ tẩy chay, bất hợp tác với nội các này qua trung gian Bình Xuyên.
Trang 59, “Tuy bị ép buộc từ chức nhưng các nhân vật Hòa Hảo và Cao Đài bất mãn vì thái độ của Pháp và Bình Xuyên.”
Điều này mâu thuẫn với ý kiến là ông Diệm chấp nhận sự hợp tác của Cao Đài, Hòa Hảo mà ông Phu đã viết và cũng là sự biện hộ hàm hồ vì các nhân vật Cao Đài, Hòa Hảo bị ông Diệm gạt ra chứ không phải Bình Xuyên hay Pháp thì họ phải giận ông Diệm mới đúng.
Đặt vấn đề: Bị ông Diệm buộc phải từ chức, không cho tham gia chính phủ mà chính phủ này không phải của người Pháp hay Bình Xuyên lập ra thì người bị gạt ra khỏi chính phủ bất mãn ông Diệm hay là bất mãn với Pháp và Bình Xuyên?
Ông Phu chứng minh kết luận đúng bằng cách đưa ra giả thiết (có thể đúng hoặc sai) rồi lại quả quyết là kết luận đúng. Lý luận ông đưa ra thế này:
A: các nhân sĩ bị Pháp xúi dục ( A’: các nhân sĩ không bị Pháp xúi dục)
B: các nhân sĩ từ chức.
A => B (A dẫn đến B)
A v A’ (giả thiết A bị triệt tiêu vì A có thể đúng hoặc có thể sai)
B (A đúng hay sai không cần biết, B vẫn đúng)
Cách chứng minh “nhị đoạn luận” này là lý luận hai xu, là lối “cãi vặt” chẳng chứng minh điều gì cả.
Trang 59, ông Phu lại viết rằng những người trong nhóm Tinh Thần đã rút lui khỏi nội các của ông Diệm vì Bình Xuyên gây áp lực phải từ chức nhưng không có bằng chứng cụ thể là họ bị Bình Xuyên gây áp lực thế nào hoặc là sợ là chính quyền ông Diệm không đứng vững.
Trang 60, về ông Trần Văn Hương, ngoài việc châm biếm ông Hương đi xe đạp làm việc, ông Phu chêm thêm bằng cớ là bạn bè ông Hương “nói cho tôi biết ông quen giả đạo đức và giả nhân gỉa nghĩa (tiếng Pháp họ dùng là hypoctite không biết có đúng hay không.)”
Dù ông Trần Văn Hương có thể là người đạo đức giả, việc ông Hương dùng xe đạp đi làm có thể là điều lập dị đối với một số cá nhân nào đó nhưng không thể dẫn đến kết luận là ông ấy đạo đứa giả. Giả đạo đức và giả nhân giả nghĩa có khác nhau lắm không mà phải chêm tiếng Pháp vào? Ông Phu có lối trưng bằng cớ là những người bạn, người quen, người thân mà ông không nêu tên là ai hoặc dùng những người đã chết không còn tiếng nói để làm nhân chứng.
Trang 60, ông Phu phỉ báng những người từ chức không tham gia chính quyền ông Diệm là “Ra làm việc giúp dân giúp nước mà khi dân nước hữu sự lại tìm đường tránh né, cái thái độ ấy có gọi là chính nhân quân tử không?”
Không có bằng chứng là những người này bị Bình Xuyên làm áo lực mà dù có bị áp lực đi nữa, chưa hẳn những người này đều sợ Bình Xuyên mà phải từ chức. Việc từ chức tham gia nội các có nhiều lý do mà người ngoại cuộc không thể biết trừ phi có tài liệu khả tín. Hay là những người này bị ông Diệm gạt tên ra khỏi nội các? Nếu đã bị gạt tên, bị buộc phải từ chức mà còn bị những kẻ không biết kết tội là sợ sệt, tìm đường tránh né thì thật oan cho họ. Nếu đúng như vậy thì cách viết này là hành động côn đồ, “vừa la làng vừa ăn cướp.”
Đặt vấn đề: Vì những lý do ẩn khuất nào mà các nhân sĩ đã từ chức? Ông Diệm có buợc các nhân sĩ phải từ chức trong chính phủ cải tổ không?
Pháp xúi dục quân đội quốc gia bất tuân thượng lệnh, chống lại chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm
Trang 60 – 63, để chứng minh quan điểm “Pháp xúi dục quân đội quốc gia bất tuân thượng lệnh, chống lại chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm”, ông Phu nêu lên việc tranh chấp quyền lực giữa Nguyễn Văn Hinh và Ngô Đình Diệm.
Việc chính yếu ở đây là Nguyễn Văn Hinh là người “thân Pháp” lúc bấy giờ là Tổng Tham Mưu Trưởng dưới quyền Quốc Trưởng Bảo Đại, tranh chấp quyền lực với ông Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mới nhậm chức nhưng ông Phu viết không rõ ràng. Ông Phu cũng không nêu ra là ông Nguyễn Văn Hinh đã không tuân lệnh gì và Pháp xúi thế nào. Những việc ông trình bày là những hành động bất tuân thượng cấp, đầu óc bè phái của những sĩ quan ông nêu tên. Thượng lệnh và thượng cấp là hai ý niệm hoàn toàn khác nhau.
Đặt vấn đề: Việc tranh chấp quyền lực giữa Nguyễn Văn Hinh và Ngô Đình Diệm có thể nói rằng Pháp xúi quân đội quốc gia bất tuân thượng lệnh không?
Vụ phiến loạn Bình Xuyên kết hợp với thiểu số Cao Đài và Hòa Hảo trong “Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia”
Trang 63-65, Ông Phu bắt đầu việc Paul Ely qua Việt Nam với ý đồ thao túng các giáo phái để “làm áp lực lật đổ chính quyền Việt Nam” rồi việc các tướng lãnh Cao Đài, Hòa Hảo tham gia chính quyền ông Diệm “vô điều kiện” lại xoay qua Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia do Giáo Chủ Cao Đài Phạm Công Tắc thành lập với sự tham gia của Hòa Hảo và Bình Xuyên do “Bình Xuyên lãnh đạo” chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm.
Có nhiều điều không đúng sự thật vì Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia do Giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc thành lập ngày 22-2-1955 (5) mà thành phần chính yếu là Cao Đài với Hòa Hảo. Sự tham gia của Bình Xuyên chỉ là các giáo phái muốn lợi dụng Bình Xuyên để hư trương thanh thế và có thêm phương tiện liên lạc. Ngày 24-3-1955, ông Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng các giáo phái gới tối hậu thư, hẹn trong 5 ngày phải cải tổ chính phủ theo đường lối của các nhóm (6). Ông Diệm với sự giúp đỡ của ông Lansdale đã dùng tiền của Mỹ mua chuộc các tướng Cao Đài, Hoà Hảo như Nguyễn Thành Phương 3.6 triệu, Trình Minh Thế 2 triệu, Trần Văn Soái 3 triệu để họ ủng hộ ông Diệm (7), tránh đi những cuộc tranh chấp quyền lực trong bước khởi đầu.
Đặt vấn đề: Có phải quân đội Cao Đài và Hòa Hảo đã tham gia chính phủ vô điều kiện hay do một số điều kiện nào đó? Tại sao Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia với sự tham gia đông đảo của các giáo phái làm áp lực buộc ông Diệm phải cải tổ chính phủ? Sau khi cải tổ, tại sao ông Diệm ép buộc các thành viên trong các giáo phái này từ chức? Bình Xuyên có thực sự nắm quyền lãnh đạo các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo không?
Trang 71, về việc Bình Xuyên chống đối ông Diệm, ông Phu đổ tội là “dù sao Cao Đài và Hòa Hảo đều có phần trách nhiệm trong vụ phiến loạn Bình Xuyên” và cho là ông Phạm Công Tắc vì“áy náy lo lắng, nhất là vì áp lực tranh chấp trong nộ bộ Cao Đài, Hộ Pháp Phạm Công Tắc rời bỏ Tòa Thánh Tây Ninh ngày 19-2-1956 để lẫn [lẩn] tránh sang Cao Miên. ”
Bình Xuyên là một nhóm do các tay anh chị “dao búa” được người Pháp dùng trong mục đích chia để trị, đã gây ra những hậu quả không tốt trong xã hội nhưng các giáo phái không phải là những thế lực hoàn toàn làm tay sai cho Pháp. Cao Đài, Hòa Hảo đặt căn bản trên niềm tin tôn giáo và quân đội Cao Đài và Hòa Hảo cũng đã từng chống Pháp và chống Việt Minh. Vì nhu cầu kinh tài, việc quân đội các nhóm này có đứng đường thu thuế cũng chưa phải là những chuyện tàn bạo. Chính vì thế, ông Lansdale đã tìm cách mua chuộc các giáo phái và làm áp lực với ông Diệm để ông chấp nhận cho họ tham gia chính phủ.
Ngày 30-04-1955 ông Diệm cho Quân Đội Quốc Gia tấn công nhóm Bình Xuyên. Sau khi Bình Xuyên thất bại và bỏ chạy về Rừng Sát, ông Diệm tiếp tục cho lệnh càn quét và làm chủ được tình hình. Ngày 10-06-1955 ông Diệm tiến thêm bước nữa là đặt Tướng Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ra ngoài vòng pháp luật với dụ số 43. Ngày 19-6-1955, ông Diệm cho Quân Đội Quôc Gia tấn công Hòa Hảo (8). Trong suốt thời gian quân đội quốc gia đụng độ với nhóm Bình Xuyên và trước khi bị tấn công, quân đội Cao Đài và Hòa Hảo vẫn án binh bất động mà không giúp đỡ cho nhóm Bình Xuyên chứng tỏ là không có sự kết hợp nào.
Về việc ông Phạm Công Tắc phải bỏ chạy sang Cao Miên vì ngày 19-2-1056 Quân đội Quốc Gia vây Toà Thánh Tây Ninh, Hộ Pháp Phạm Công Tắc lo sợ bị chính phủ ông Diệm bắt. Nếu vì “lo lắng, áy náy hay tranh chấp nội bộ” tôn giáo thì ông Phạm Công Tắc phải ở lại Việt Nam để dàn xếp, giải quyết chứ không phải bỏ trốn qua Cao Miên. Vì vậy, những kết luận mà ông Phu đưa ra là hoàn toàn sai sự thật.
Đặt vấn đề: Khi gán ghép chung Cao Đài, Hòa Hảo vào nhóm Bình Xuyên, ông Phu có hàm ý các giáo phái này cũng là những đám xã hội đen hay không?
Trang 72, ông Phu nhắc sơ qua việc ông Lê Quang Vinh (Ba Cụt) đã bị ông “Nguyễn Ngọc Thơ gài bẩy bắt được tại Chắc Cà Đao”.
Vụ án Lê Quang Vinh là một vết nhơ của chính quyền ông Diệm. Vụ án kéo dài từ 13-4-1956 đến 13-7-1956. Ông Diệm biết rõ lắm nhưng vẫn để cho ông Nguyễn Ngọc Thơ (?) hoặc là những kẻ “bầy tôi” của ông muốn làm thế nào tùy ý. Điều đáng nói ở đây là việc sau khi xin ân xá không được, luật sư Lê Ngọc Chấn đại diện thân chủ xin Tổng Thống ban cho ân huệ cuối cùng được xử bắn thay vì xử chém vì tử tội cũng là một trung tá trừ bị trong lực lượng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam nhưng ông Diệm cũng không cho. Sau khi chết còn bị đối xử tàn tệ, xác còn bị chặt ra nhiều khúc (9).
Có thể là ông Ba Cụt đã có những đòi hỏi hay hành động quá đáng hoặc muốn giải quyết tư thù cho ông Nguyễn Ngọc Thơ nên ông Diệm không tha cho ông Ba Cụt nhưng cái ân huệ cuối cùng này có quá đáng không? Những người từng xử án ông Ba Cụt như ông Chánh Án Huỳnh Hiệp Thành, ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh (Bộ Trưởng Nội Vụ thay thế ông Nguyễn Hữu Châu) nghĩ thế nào về cái ân huệ tối thiểu này khi các ông thi hành luật pháp của chính phủ ông Diệm? Nghĩa tử là nghĩa tận, kẻ có ít nhiều tinh thần Nho học có thấy được sự bất nhân của ông Diệm hay không? Cũng vì vụ án bất nhân này, nhiều thành viên của Hòa Hảo thân tín của ông Ba Cụt dù đã từng chống Việt Minh đã phải nuốt căm hờn theo Việt Cộng để chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm.
Đặt vấn đề: Tại sao ông Diệm nhất quyết đem Ba Cụt ra xử chém? Cái ân huệ cuối cùng của người tử tù có quá đáng không mà ông Diệm không cho?
Phối hợp bạo động của Đại Việt Quốc Dân Đảng tại khu Ba Lòng tỉnh Quảng Trị
Trang 72, Ông Phu dùng chữ “phối hợp” vì “Đại Việt Miền Trung đã phụ họa với Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo ở Miền Nam để gây rối ở Miền Trung, tạo thêm khó khăn cho chính quyền trung ương” mà ở trang 83, với “Chiến khu Ba Lòng lại hữu danh vô thực, vì chỉ có cái võ [vỏ] bên ngoài mà không có ruột bên trong.”
Đến nay, chưa có tài liệu khả tín nào chứng minh là Đại Việt kết hợp với Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo trước tháng 3-1955 để chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 14-3-1955, quân đội Quốc Gia kết liễu chiến dịch càn quét chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị (10) dưới sự chỉ đạo của ông Ngô Đình Cẩn trước khi chính quyền ông Diệm cho khai hỏa tấn công nhóm Bình Xuyên vào ngày 30-04-1955.
Điều cần nói ở đây là đến ngày 31-5-1955 Quân Đội Quốc Gia mới kết liễu Chiến Dịch “Giải Phóng” tiếp thu Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi (11). Có thể là Đảng Đại Việt muốn lợi dụng cơ hội trong thời gian chuyển tiếp này với Việt Minh rút dần vào bóng tối và người Pháp mất dần quyền hành để tạo thực lực và để trả thù Việt Cộng đã bắt tay với thực dân Pháp tiêu diệt các chánh đảng vào những năm 1945-1947 cũng hợp lý. Việc tảo thanh chiến khu Ba Lòng xảy ra nhiều tháng trước khi ông Diệm cho quân đội tấn công Bình Xuyên. Hai sự kiện này xảy ra cách nhau nhiều tháng, không có gì liên can và việc phối hợp mà chỉ là kết luậm lừa bịp.
Trang 73, để mạ lỵ những người thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông Phu cố tình dịch chữ Résidus tiếng Pháp thành chữ “cặn bã” rồi “tôi đã tự động thay đổi chữ nghĩa của ông, cặn bã thành tàn dư.”
Trong tác phẩm “Le Livre Noir du Colonialisme”, Alain Ruscio muốn nói là “những thành viên còn lại” của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà không có ý thóa mạ như ông Phu đã cố tình dịch ra như vậy. Chữ résidus tiếng Pháp dùng để chỉ thành phần còn lại sau một phản ứng hoặc biến cố nào đó. Nếu dùng cho vật chất thì có thể dịch là thành phần còn lại, cặn bã nếu đúng vì thành phần còn lại không có nghĩa là cặn bã, nhưng nếu cho người thì những thành viên còn lại hay những người còn lại. Sự lộng ngôn, nếu không nói là hiếp dâm ngôn ngữ này, không phải là sự dốt nát mà còn là sự cố tình lăng mạ những người Việt yêu nước từng xả thân vì độc lập, tự do cho tổ quốc.
Đặt vấn đề: Để tăng mức độ khả tín, khi phê bình, đánh giá một sự kiện hay một nhân vật lịch sử, chúng ta có nên lộng ngôn, lạm dụng loại từ ngữ thô bỉ quá đáng không?
Trang 74, nhằm để khinh thị chữ Quốc Dân Đảng, ông Phu viết lan man đến việc người bác ông đã qua đời mà ông Phu không biết là bác ông đã tham gia đảng phái nào: Việt Nam Quốc Dang Đảng hay Đại Việt Quốc Dân Đảng? Điều này không có gì khó hiểu, nếu sách không viết sai thì bác ông Phu thuộc loại đi hàng hai, khi theo đảng này, lúc đầu đảng nọ hoặc có thể cả hai đảng cùng một lúc cũng đâu có gì là lạ.
Trang 75, trong việc bôi bác tác phẩm Đại Việt Quốc Dân Đảng của Quang Minh, ông Phu vặn vẹo
“Tôi không hiểu được chữ nghĩa của Quang Minh. Nội tổ hay cụ nội đều chỉ chung một thế hệ gọi nôm na là ông nội.” và “ông [Trương Tử Anh] bị bắt cóc, bị thủ tiêu hay thanh toán nội bộ? Mà kẻ đối lập là ai? Thanh toán nội bộ lúc nào? Vì lý do gì? Đảng Đại Việt cần làm sáng tỏ để đời sau vinh danh cho ông.”
Từ Hán Việt nội tổ có nghĩa là tổ tiên phía nội hay ngoại tổ là tổ tiên phía ngoại khi không cần xác định là ông nội, ông cố, ông cao, ông tằng, ông tổ. Nội tổ hay ngoại tổ không phải là ông nội hay ông ngoại. Điều ông Quang Minh viết không có gì sai cả mà dù có sai đi nữa cũng không phải là điều đáng bắt bẻ. Việc bắt bẻ từ ngữ để khinh bỉ là điều không cần thiết đã để lộ ra bản chất dốt nát mà còn lên mặt dạy đời.
Trang 76, “Quang Minh không nói rõ Trương Tử Anh ra Hà Nội theo học ở trường nào và năm nào. Nếu có bằng Thành Chung ít nhất Trương Tử Anh phải ghi danh vào một trường cao đẳng.”
Theo nhiều tài liệu khả tín thì ông Trương Tử Anh là một sinh viên Luật Khoa ở Đại Học Hà Nội nhưng chuyện học hành của ông Trương Tử Anh, ông Quang Minh không viết rõ ràng vì điều đó không phải là điểm quan trọng trong tác phẩm của ông ấy và không phải ai cũng thích khoe khoang bằng cấp như ông Phu nghĩ. Về việc ông Trương Tử Anh mất tích, chúng ta nên xét lại bối cảnh lịch sử: Sau 1945, thực dân Pháp bắt tay với Việt Minh tàn sát các đảng phái Quốc Gia thì việc ông Trương Tử Anh mất tích năm 1947 là do Pháp thanh toán hay Cộng Sản thủ tiêu chưa được rõ cũng không có gì lạ. Không có chứng từ rõ ràng thì không đổ oan cho người như những kẻ đụng đâu chụp mũ đó theo cách Việt Công hay làm. Những cố gắng làm sáng tỏ cái chết của ông Trương Tử Anh là việc của đảng Đại Việt mà không phải là việc của những kẻ đứng bên ngoài không rõ được nội bô mà phê phán. Ông Phu cố tình viết mấy chữ “thanh toán nội bộ” ở đây có hàm ý gì không?
Đặt vấn đề: Việc dài dòng bới móc chuyện học hành, châm biếm khả năng của ông Trương Tử Anh và gia đình ông nhằm để chê bai có biểu lộ cho chúng ta thấy tâm tính và khả năng người viết quyển sách này thuộc loại nào không?
Trang 77-79, Để tiếp tục thóa mạ đảng Đại Việt, ông Phu nêu tên những người tham gia Đại Việt bằng loại ngôn ngữ khá bẩn thỉu. Ông viết về Nguyễn Ngọc Huy “sự toan tính ra Ba Lòng về sau bị bại lộ, Nguyễn Ngọc Huy nhờ có quốc tịch Pháp, được Pháp “hồi hương về cố quốc”, được nuôi dưỡng học hành gần 10 năm trời” và sau này “nhận tiền của Nguyễn Văn Thiệu lập đảng Quốc Gia Cấp Tiến làm đối lập cuội.”
Nguyễn Ngọc Huy là đảng viên đảng Đại Việt thi việc muốn tham gia vào vụ Ba Lòng cũng không có gì đáng nói hay đáng xấu hổ. Điều đáng nói ở đây là việc bại lộ xảy ra như thế nào? Ai phát giác được? Tang chứng ở đâu?
Đạt vấn đề: Ông Nguyễn Ngọc Huy được Pháp nuôi ăn học hay tự nuôi thân và phải trả tiền học? Ông Nguyễn Ngọc Huy nhận bao nhiêu tiền từ ông Thiệu khi nào và ai biết?
Trang 79, ông Phu lấy tài liệu từ sách của ông Nguyễn Văn Minh và cho là: “Việt Nam Quốc Dân Đảng được trao quyền quản trị hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đại Việt Quốc Dân Đảng chịu trách nhiệm về tủnh Quảng Trị.”
Điều này nếu có chỉ là một sự đồng ý ngầm vì không một chính quyền nào trao một tỉnh cho một đảng phái nào đó cai trị cả. Điều này mâu thuẫn với chính ông Phu viết là “Ngô Đình Diệm chủ trương thống nhất hành chính.” Có thể nói là trong tỉnh ấy có nhiều đảng viên Đại Việt hay Việt Nam Quốc Dân Đảng nắm các chức vụ quan trọng thì được.
Sự việc Ba Lòng có thể nói là ông Trần Điền làm sai nhưng ông Ngô Đình Cẩn lấy quyền gì mà tha ông Trần Điền? Ông Phu nói là ông Cẩn “không nhận chức vị của chính phủ và không ăn lương.” Nhiều hình phạt khổ sai dành cho những người cộng sự với ông Trần Điền nhưng ông Trần Điền là kẻ chủ mưu thì tại sao không bị tù? Luật pháp thời ông Diệm áp dụng thế nào và cho ai?
Cũng cần nhắc lại việc tàn sát Đại Việt Quốc Dân Đảng ở Phú Yên mà nhiều người còn nhớ những hành động dã man mà chính quyền đối xử với đồng bào lúc ấy. Vụ án ấy đã được báo chí Sài Gòn gọi là vụ án chính trị lớn nhất với kết quả “137 người bị đưa ra tòa và 54 người bị truy tố với tội danh phá rối trị an” (12) và 54 người này chỉ đưọc một luật sư biện hộ. Đại Việt ở Quảng Trị, Phú Yên cũng như Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum và nhiều nơi khác cũng chịu hậu quả nặng nề do bàn tay của ông Ngô Đình Cẩn (13) với sự đồng ý của chính quyền ông Diệm.
Đặt vấn đề: Đảng Đại Việt có phối hợp với Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo trước tháng ba năm 1955 hay không? Nếu có xin dẫn chứng ? Nếu không, đây có phải là sự lừa bịp không?
© 2010-2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
(1) Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, Văn Hóa, 2004, trang 12.
(2) Bernard B. Fall, The Two VietNams: A Political and Military Analysis, Frederick A. Praeger, Publishers, 1967, trang 239.
(3) Stanley Karnow, Vietnam A History, The Viking Press 1983, trang 215.
(4) Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, Thư Lâm Ấn Quán, 1960, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ không đề năm, trang 700-703.
(5) Đoànn Thêm, Hai Mươi Năm Qua Việc Từng Ngày (1945-1964), Xuân Thu tái bản không ghi năm, trang 164.
(6) Đoàn Thêm, Sđd, trang 166.
(7) Bernard B. Fall, Sđd, trang 246.
(8) Đoàn Thêm, Sđd, trand 178.
(9) Trịnh Bá Lộc, Xác Chết của Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt Giờ Ở Đâu? http://www.take2tango.com/?display=4594
(10) Đoàn Thêm, Sđd, tang 165.
(11) Đoàn Thêm, Sđd, trang 177.
(12) Quang Minh, Cách Mạng Việt Nam Thời Cận Kim, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000, trang 227-232.
(13) Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1955, Tập I, Tiên Rồng, 2004, trang 437.
Xu00e1c tu00edn, khoa hu1ecdc.