Trong đống rác lịch sử (III)

Nguyễn Hữu

ttdiemNhững lời lẽ ngạo mạn, hỗn láo, chửi cha (Trần Văn Chương) mắng chú (Trần Văn Đỗ), xem thường Phật Giáo và dân chúng đã gây công phẫn cả trong cả nước lẫn ngoài nước.

Đặt vấn đề về trước những sự kiện lịch sử

Chương I Lịch sử đế quốc Thực Dân Mỹ với chính sách “Cây Gậy Lớn và Đồng Dollar” để thống trị các nước nhược tiểu trên thế giới

(Tiếp theo phần II)

Trang 203-216, Ông Phu cóp nhặt tài liệu về chính sách của Mỹ trong việc muốn thôn tính Cuba vì “người Mỹ nghĩ rằng Mỹ Châu là của người Mỹ ” (trang 208) và Panama để “ “cưỡng chiếm kinh đào Panama ” (trang 215) qua những cuộc đảo chánh để thao túng và củng cố quyền lợi kinh tế tại Cuba và Panama.

Trong phạm vi bài này, vấn đề Cuba hay Panama không cần phải phân tích mà cứ tạm thời cho là ông Phu viết đúng nhưng đặt vào bối cảnh lịch sử sau đệ nhị thế chiến, người Mỹ cần đồng minh Việt Nam trên mặt trận chống Cộng ở châu Á mà không phải là quyền lợi kinh tế hay thôn tính đất Việt. Vì vậy so sánh việc Mỹ nhảy vào Việt Nam với Cuba hay Panama là sự so sánh quá gượng ép.

Đặt vấn đề: Người Mỹ nhảy vào Việt Nam có đặt quyền lợi kinh tế hay có ý muốn biến Việt Nam thành thuộc địa của họ như thực dân Pháp hay không?

Chương II Cây Gậy Lớn và Đồng Dollar Mỹ tại Việt Nam: Từ Viện Trợ rồi vi phạm chủ quyền Việt Nam đến các đối sách của chính quyền Ngô Đình Diệm

 

Dân di cư ở Đồng Tháp chào mừng TT Diệm (1955) Nguồn: LIFE
Dân di cư ở Đồng Tháp chào mừng TT Diệm (1955)
Nguồn: LIFE

Viện trợ của bất cứ quốc gia nào cũng không phải là không có điều kiện. Bang giao quốc tế là sự lợi dụng và củng cố quyền lời cho nhau, ít có khoản viện trợ nào mà không có những mục đích được lớp son phấn giả tạo bên ngoài che dấu. Hơn nữa, chính quyền Mỹ hay nói rõ hơn chính khách Mỹ là những cánh tay nối dài của những thế lực tư bản Mỹ nên trong những khoản viện trợ đều có bàn tay tư bản nhúng vào như việc bán một số quân trang, quân dụng, vũ khí, máy bay, tàu thủy…cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Tiết I – Mưu toan vi phạm chủ quyền Quốc Gia trong lĩnh vực quân sự

Trang 226-231, Để trình bày việc người Mỹ “mưu toan vi phạm chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực quân sự”, ông Phu nêu lên việc Mỹ muốn đặt thêm cố vấn, tăng cường quân nhân thiện chiến Mỹ, xin sử dụng hải cảng Cam Ranh, muốn loại bỏ ngành Hiến Binh mà họ cho là cồng kềnh, không cần thiết vì đã có Cảnh Sát và một số cố vấn xen vào quyền hạn của những sĩ quan quân đội Việt Nam mà ông Diệm không đồng ý.

Việc xin đặt cố vấn, tăng cường quân nhân thiện chiến vào các hoạt động quân sự không phải vì Mỹ muốn nắm toàn bộ những hoạt động quân sự lúc bấy giờ nhưng lý do chính là tình hình mất an ninh ngày càng trở nên trầm trọng làm người Mỹ mất dần niềm tin vào khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam, dù niềm tin này là ý kiến chủ quan cộng vào sự thiếu kiến thức về chiến tranh du kích. Việc một số cố vấn Mỹ xen vào việc chỉ huy không phải là chủ trương chung mà là do tâm lý của kẻ cả của kẻ chi tiền muốn nắm quyền lãnh đạo. Thái độ trịch thượng của một số sĩ quan Mỹ cho là sĩ quan Quân Đội Việt Nam kém tài cũng đã xảy ra những va chạm. Với những sự việc nêu trên, kết luận mà ông Phu đưa ra là “Mỹ mưu toan xâm phạm chủ quyền Quốc Gia trong lĩnh vực quân sự” chưa xác đáng vì cần chứng cớ cụ thể hơn.

Đặt vấn đề: Đặt vai trò miền Nam Việt Nam như chính quyền Mỹ viện trợ cho chính phủ Cao Miên để cùng nhau chống Cộng nhưng khi thấy những báo cáo không đạt như ý, chính quyền Việt Nam sẽ làm gì? Nếu chính quyền ông Diệm chống Cộng hữu hiệu, người Mỹ có đòi tham gia vào các hoạt động quân sự không ?

Tiết II – Mưu toan vi phạm chủ quyền Quốc Gia trong lĩnh vực chính trị nội bộ

Trang 232, Trong việc Bảo Đại lựa chọn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, ông Phu viết “Lúc bấy giờ các bộ mặt chính trị gia quá quen thuộc, từng đã múa rối trên chính trường và được mọi người biết đều là những lá bài cũ rúch, bẩn thỉu, tiêu tùng, đốt cháy cả rồi. Chỉ còn duy nhất một Ngô Đình Diệm chưa bị tiêu tùng.”

Điều này không hẳn như vậy. Việc lựa chọn ông Ngô Đình Diệm thay vì các người khác không có nghĩa là trí thức Việt Nam và nhiều người quốc gia đã tiêu tùng mà là ông Bảo Đại từng biết Ngô Đình Diệm khi còn là Lại Bộ Thượng Thư. Hơn nữa, theo ông Phu, ông Bảo Đại biết ông Ngô Đình Luyện, em của Ngô Đình Diệm, thì việc liên lạc và nói chuyện dễ dàng hơn.

Người Mỹ nhảy vào Việt Nam lúc ấy trong tư thế chần chờ vì thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đối với chính quyền Mỹ lúc bấy gờ, Ngô Đình Diệm, Phan Huy Quát hay Nguyễn Văn Hinh đều là người Việt thì việc ủng hộ cá nhân này hay cá nhân kia không phải chỉ là khả năng mà là có thích hợp với chính sách của Mỹ trong giai đoạn ấy hay không. Hơn nữa, những người Mỹ tham gia vào vấn đề Việt Nam lúc ấy đều có cách hành xử, thái độ khác nhau. Ông Lansdale cũng là một trong những người Mỹ đã gúp ông Diệm trong việc mua chuộc các giáo phái để họ ủng hộ ông Diệm bước đầu, trình bày âm mưu đảo chánh của Nguyễn Văn Hinh khiến ông Bảo Đại phải kêu Nguyễn Văn Hinh qua Pháp và cất chức. Vì vậy, nói rằng “mưu toan vi phạm chủ quyền quốc Gia trong lĩnh vực chính trị nội bộ” này có ích lợi cho ông Diệm và chính quyền Việt Nam lúc ấy hay không?

Đặt vấn đề: Việc xen vào nội bộ chính trị Việt Nam của ông Lansdale có giúp cho ông Diệm thống nhất quân đội hay không?

Trang 236, sau vụ binh biến 11-11-1960, “Chính Elbridge Durbrow là người sau đó đã đề nghị Hoa Thịnh Đốn phải thay thế Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì không chấp hành các đề nghị của Mỹ.”

Chính quyền Mỹ muốn thay thế ông Diệm không phải chỉ vì những chính sách mà Mỹ yêu cầu không được chấp hành hoặc những nhân vật được Mỹ nâng đỡ và đề nghị không được ông Diệm đồng ý mà vì những việc khác quan trọng hơn như: mâu thuẫn trong vấn đề viện trợ, kết quả của sự viện trợ để chống Cộng. Theo những tài liệu được phơi bày, với tình hình an ninh càng ngày càng tồi tệ cùng uy tín của chính phủ ông Diệm đối với dân chúng Việt Nam lúc ấy, chính quyền Mỹ cho rằng chính phủ ông Diệm nỗ lực đàn áp đảng phái và trí thức đối lập hơn là chống Cộng.

Điều đáng nói là ngay cả chính sách của Mỹ đối với phe Cộng Sản của Mỹ cũng có quá nhiều sai lầm, ngần ngại không dám đánh mạnh Bắc Việt vì sợ đụng độ lớn với phe Nga, Tàu có thể dẫn đến chiến tranh lớn hơn. Thêm vào đó, thái độ kẻ cả cố hữu của người Mỹ nên họ thích dùng đám tay sai chỉ biết nghe lời cũng là một trong những yếu tố chính. Qua những tài liệu lịch sử khả tín, có thể nói rằng Mỹ bắt đầu có ý định thay thế ông Diệm bằng một chính quyền khác mà họ nghĩ rằng có thể thực hiện theo sách lược chống Cộng kiểu Mỹ hữu hiệu hơn dù rằng sách lược này trước sau gì cũng bỏ chạy.

Đặt vấn đề: Nếu ông Diệm thay đổi chánh sách, mở rộng quyền hành để các đảng phái, tôn giáo và dân chúng cùng tham gia vào việc chống Cộng thì người Mỹ có xen vào nội bộ chính trị Việt Nam dễ dàng được không?

Tiết III – Mưu toan vi phạm chủ quyền Quốc Gia trong lĩnh vực noại giao, qua việc Trung Lập Hóa Lào Quốc

Việc trung lập hóa Lào quốc là một trong những khuyết điểm, một sự thất bại lớn của chính quyền Kennedy về cả hai mặt chính trị lẫn ngoại giao vì kém hiểu biết về cách làm việc chứa đầy sự dối trá của khối Cộng Sản. Chính quyền Kennedy không thấy những nguy hại có thể xảy ra cho miền Nam Việt Nam nhưng nếu ông Diệm thấy và thẳng thắn từ chối là đúng. Vậy tại sao ông Diệm phải ký vào thỏa ước theo yêu cầu của Averell Harriman. Có sự hứa hẹn hoặc uy hiếp nào không?

Đặt vấn đề: Tại sao ông Diệm thấy nguy hiểm cho miền Nam Việt Nam mà vẫn ký vào Thỏa Uớc về sự trung lập hóa Lào quốc?

Chương III Những lý do được Mỹ và bè lũ nô tài của Mỹ viện dẫn để lật đổ chính quyền bất khuất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Tiết I Gia đình trị

Trang 242, Để biện hộ cho chính quyền ông Diệm, ông Phu so sánh khi John F. Kennedy đắc cử Tổng Thống và “em ruột Kennedy được cất nhắc làm Bộ Trưởng Tư Pháp…. Dân chúng Mỹ có ai trách Kennedy là gia đình trị không? Chắc chắn là không!”

Điều so sánh quá thiển cận vì kiến thức eo hẹp. Robert F. Kennedy không phải chỉ do Tổng Thống Kennedy đề nghị mà còn phải được cả đảng Dân Chủ Hoa Kỳ chấp nhận (Điều 2, đoạn 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ ghi, Tổng thống “shall nominate, and by and with the Advice and Consent of the Senate” (đề nghị người vào trách nhiệmĐại sứ, Bộ trưởng, v.v… phải được ý kiến và chấp thuận của Thượng viện – DCVOnline). Sự nghiệp chính trị của Robert Kennedy kéo dài từ 1951, trải qua nhiều chức vụ trên chính trường và được dân chúng Mỹ biết đến trước khi trở thành Bộ Trưởng Tư Pháp thời John F. Kennedy (21), không phải như ông Ngô Đình Nhu chỉ ló mặt ra từ khi Ngô Đình Diệm trở thành Thủ Tướng. Đồng thời, ông Robert F. Kennedy không lạm dụng chức vụ lập thêm một đảng phái để củng cố địa vị của John F. Kennedy.

Đặt vấn đề: Việc Robert F. Kennedy làm Bộ Trưởng Tư Pháp thời John F. Kennedy có thể đem so sánh với trường hợp ông Ngô Đình Nhu thời Ngô Đình Diệm hay không?

Trang 242, Ông Phu khẳng định ông Ngô Đình Thục “là nhà tu hành, không thể tham gia chính trị”.

Điều này có phải giả vờ ngây thơ không? Tu hành là một việc và có ý muốn tham gia chính trị, dù với ý tốt hay xấu, là vấn đề khác. Những kẻ mặc áo thầy tu như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan đã từng kêu gọi con chiên hãy “mở rộng vòng tay chào đón người anh em” trước khi Cộng Sản tấn công Sài Gòn từng được báo chí Sài Gòn đăng tải, còn rành rành trong Tù Binh và Hoà Bình của nhà văn Phan Nhật Nam. Và những ông như Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh không phải là thầy tu đó sao? Tên Thực dân Thierry d’Argenlieu là linh mục đấy! Ai dám khẳng định là Tòa Thánh Vatican không có những hoạt động chính trị?

Chính việc ông Thục khuyến khích dân chúng Huế treo cờ Kitô giáo vào dịp lễ Ngân Khánh của ông nhưng sau đó khi cờ Phật giáo được treo lên vào dịp lễ Phật đản lại sinh lòng đố kỵ và gọi cho ông Diệm phàn nàn là nguyên nhân vụ bùng nổ Phật Giáo năm 1963.

Đặt Vấn đề: Ông Ngô Đình Thục có lợi dụng ảnh hưởng của chính quyền Ngô Đình Diệm để phát triển Kitô giáo không?

Trang 242, Ông Phu ca tụng ông Ngô Đình Nhu là “người có kiến thức uyên bác, học vấn cao thâm, tốt nghiệp trường “Ecole des Charles” ở Ba lê (Paris), một trường danh tiếng nhất của Pháp, thông kim bác cổ, rất ít người được vào học và thi đậu ra trường, vì đa số đều không nỗi [nổi] phải bỏ học nửa chừng.” (Tên đúng của trường ông Ngô Đình Nhu đã theo học là “École Nationale des Chartes”, một học viện đào tạo Chuyên viên lưu trữ (archivist) và Quản thủ thư viện (librarian), thuộc Đại học Paris – DCVOnline).

Trường Chartes tại Paris hiện nay Nguồn: Google Maps
Trường Chartes tại Paris hiện nay
Nguồn: Google Maps

Việc học hành và đỗ đạt là điều quý nhưng học giỏi không có nghĩa là làm giỏi. Trên thế giới này, nhiều ông bà tiến sĩ, thạc sĩ có kiến thức và học vấn uyên thâm, tốt nghiệp từ các trường danh tiếng nhưng khi đụng vào thực tế trong một việc nào đó cũng thua xa những người không có bằng cấp cao. Bằng cấp chỉ là tờ giấy xác nhận là một người đã hoàn thành một chương trình học nào đó đạt theo tiêu chuẩn đã đặt ra mà không phải là thước đo tài năng, đức độ hay cách ứng biến trước cuộc đời muôn mặt. Học thức và bằng cáp là hai việc khác nhau. Bằng cấp là thứ yếu, không phải là điều ắt có và đủ để thành công, nhất là về mặt chính trị. Điều tốt nhất khi đánh giá con người là đừng giở bằng cấp ra để lòe!

Trường hợp ông Nhu đáng nói vì ông là người Việt, viết tiếng Pháp lưu loát nhưng viết tiếng Việt không rành lắm, ăn nói vụng về, đầu óc thiếu thực tế và tự cao tự đại (22). Sự “thông kim bác cổ” của ông Nhu, nếu có, chỉ là mớ kiến thức sách vở gom góp ở nhà trường mà thực tế thì ông chẳng giải quyết được việc gì ra hồn. Bằng chứng là ông lợi dụng địa vị để lập đảng Cần Lao Nhân Vị mà ngay cả những thành phần nòng cốt cũng chẳng mấy người thông hiểu lý thuyết Cần Lao, Nhân Vị là gì. Sự kết nạp đảng viên phần đông là phường nịnh hót nên khi có biến thì các ông “Cần Lao theo” trốn biệt để “Cào Lân”.

Ông Nhu tự hào về Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng và Thanh Niên Cộng Hòa nhưng đến ngày 1-11-1963, Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng đã phát triển và xây dựng được gì? Cũng chẳng có nhóm Thanh Niên Công Hòa nào lên tiếng ủng hộ ông Nhu, ông Diệm khi cuộc đảo chánh xảy ra dù chỉ trên hình thức. Chương Trình Ấp Chiến Lược được ông Nhu xem như là con đẻ của ông nhưng thực tế là dựa vào những cách tổ chức làng xã chống Pháp lúc trước. Khi đem ra thực hành thì, chương trình này được làm cho có lượng mà không có phẩm. Tại nhiều địa phương, việc thực hiện chỉ có lệ vì chính quyền ép buộc.

Là Cố Vấn Chính Trị, ông Nhu phải hiểu rằng việc đi ngoại giao đòi hỏi khả năng ăn nói, có kiến thức và biết ứng biến nhưng ông Nhu đã để bà vợ kém kiến thức, không có khả năng ngoại giao, ăn nói cao ngạo, lỗ mãng và tiếng Anh “ù ù cạc cạc” đi “giải độc” ở Mỹ thì ai nghe. Thật là quá thất sách! Vậy thì kiến thức uyên bác, thông thái lắm sao?

[“What … have… What did he done (do) comparatively? The only thing they have done… They have barbequed one of the monk(s) whom they have intoxicated… whom they have abused the confidence. Even that barbequing was done … not even with sufficient means because they used imported gaseoline…” – D.B. Trần Lệ Xuân (August 14, 1963: Madame Nhu Calls Self-Immolating Buddhists a “Monk Barbecue”, Great Events from History: Modern Scandals, Editor: Carl L. Bankston III, Tulane University) – DCVOnline].

Trong việc củng cố chính quyền ông Diệm, những người như các ông Nguyễn Bảo Toàn (Hòa Hảo), Hồ Hán Sơn (Cao Đài), Tạ Chí Diệp, Vũ Tam Anh, Trương Tử An (em ruột Trương Tử Anh)… và nhiều trí thức, đảng phái đối lập đã bị ông Nhu cho đám mật vụ thủ tiêu. Ngay cả ông Trình Minh Thế (Cao Đài) cũng đã bị ông Nhu giết vì sợ uy tín ông Thế quá lớn. Sau khi thanh toán ông Thế, chính phủ Ngô Đình Diệm cho làm lễ quốc táng kiểu “nước mắt cá sấu” mà ngày nay thân nhân ông Thế cho phanh phui sự việc (23). Ông Nguyễn Tôn Hoàn (Đại Việt) đã phải xin thẳng với ông Diệm cho đi ngoại quốc vì nếu ở lại Việt Nam sẽ bị chế độ ông Diệm thủ tiêu (24).

Vậy thì những kẻ “kiến thức uyên bác”, “thông kim bác cổ” như ông Nhu dùng được vào việc gì ngoài việc ám toán đối lập? Tàn hại thành phần trí thức để độc quyền làm lãnh tụ là tiêu hủy tiềm lực quốc gia, gián tiếp đưa đất nước, dân tộc vào tay Việt Cộng. Cái tội này có phải do những kẻ “hữu tài, bất đức” như ông Nhu gây ra hay không?

Đặt vấn đề: Trừ việc củng cố quyền hành cho ông Diệm, ông Nhu đã thực sự góp công gì trong việc xây dựng và ổn định miền Nam trước hiểm họa Cộng Sản? Bằng cấp hay học giỏi có phải là yếu tố quyết định sự thành công của chính khách hay không?

Trang 242, Về ông Ngô Đình Cẩn, ông Phu chạy tội là “cư trú thường xuyên tại Huế, xuất thân từ chủng viện Thiên Chúa Giáo, ở nhà phụng dưỡng mẹ già, có danh xưng là “Cố vấn các đoàn thể chính trị miền Trung”, một chức vị không do chính phủ bổ nhiệm, không ăn lương bỗng của chính phủ, không có nhà ở…”

Cách chạy tội cho ông Cẩn thế này mâu thuẫn với những điều ông Phu viết ở các chương khác khi nới về ông Cẩn hằng tháng đài thọ cho Thích Trí Quang 30.000 đồng để lo hương khói cho chùa Từ Đàm (trang 288). Với giá gạo là 5.85 đồng Việt Nam1 ký vào khoảng tháng 8 năm 1962 (25) thì không phải là số tiền nhỏ. Ngoài tiền hương khói, ông Cẩn còn cho xi măng, gạch ngói, vật liệu xây dựng… Ông Cẩn không chỉ cho chùa Từ Đàm mà còn các chùa khác và đám tay sai bu quanh ông. Không có lương chính phủ, không có chức vụ, không nhà ở thì lấy tiền đâu và quyền gì để đài thọ cho nhóm này nhóm nọ? Tiền đâu mà nhiều thế! Ông Cẩn không có chức vụ thì lấy uy thề gì để tha ông Tỉnh Trưởng Trần Điền trong vụ diệt trừ đảng Đại Việt ở Ba Lòng như ông Phu đã viết (trang 84). Cái tự xưng, chính phủ không bổ nhiệm nhưng quyền hành to lớn như vậy có phải là dựa thế anh em không? Ông Cẩn nổi danh là “Lãnh Chúa Miền Trung” vì có nhiều hoạt động chính trị lắm.

Trang 243, Ông Phu vơ đũa cả nắm là các đại biểu chính phủ, các tướng tá lớn nhỏ

“tự mình đến qụy lụy Ngô Đình Cẩn, trong khi Ngô Đình Cẩn không bổ nhiệm họ và họ cũng không phải là thuộc cấp của Ngô Đình Cẩn. Vậy nếu có gia đình trị thì tại ai đã tạo ra tình trạng này? Tôi nghĩ đâu phải là Ngô Đình Cẩn, mà là những công chức, quân nhân cao cấp không biết tự trọng, không có liêm sỉ, đã tìm đấn Ngô Đình Cẩn như tìm chỗ dựa lưng núp bóng.”

Vì sao nhiều người ông Phu nêu tên (dù chưa chắc ông Phu đã nêu đúng) đã tìm đến chỗ ông Cẩn để tìm chỗ núp bóng? Có thể vì nhân cách họ hèn kém, có thể vì sợ ghen ghét trả thù vì họ đã từng thấy thủ đoạn của ông Cẩn đối với những người ông Cẩn không ưa và cũng có thể vì muốn tâng công với chính phủ ông Diệm. Nếu ông Cẩn không có sự bao che của chính quyền ông Diệm và không có quyền hành gì thì chắc chắn là không ai tìm tới ông ấy để “núp bóng”. Không có bóng thì lấy gì để núp?

Nếu các ông Thục, Diệm, Nhu, Cẩn không dung dưỡng cho thái độ nịnh bợ thì kẻ xu nịnh dám đến cầu lụy các ông ấy không? Đừng trách là tại sao kẻ dưới là bọn nịnh bợ mà nên hỏi người trên có dung dưỡng, khuyến khích cho thói xu nịnh và thích được nịnh bợ hay không. Dòi bọ sanh nở ở những nơi bẩn thỉu, hôi hám chứ nếu có đầy đủ ánh sáng sạch sẽ, chúng sẽ tự động giãy chết. Chính quyền ông Diệm có phải là cái bong tối dơ bẩn ấy không? Ông Phu xuất thân từ gia đình thâm Nho chắc cũng hiểu: “Thượng bất chính hạ tắc loạn”!

Đặt vấn đề: Ông Ngô Đình Cẩn có lợi dụng quyền thế để làm những việc ám muội không? Ông Cẩn có tiêu diệt những người không cùng phe phái để củng cố quyền hành cho chính phủ ông Diệm không?

Ngoài ông Thục, ông Nhu, ông Cẩn còn phải kể đến bà dân biểu Trần Thị Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu. Bà là kẻ đã góp phần làm sụp đổ chính quyền ông Diệm. Những lời lẽ ngạo mạn, hỗn láo, chửi cha (Trần Văn Chương) mắng chú (Trần Văn Đỗ), xem thường Phật Giáo và dân chúng đã gây công phẫn cả trong cả nước lẫn ngoài nước. Bà đại diện chính quyền đi “giải độc” nhưng đi tới đâu cũng bị đả đảo đến nỗi chính ông bà Trần Văn Chương cảm thấy xấu hổ với bạn bè và người thân quen nên phải công khai từ con. Nhiều người nói rằng sau 1-11-1963, cái mà dân chúng ở Sài Gòn phá trước nhất là tượng Hai Bà Trưng vì được tạc giống như bà Nhu. Câu nói của bà Trần Văn Chương thổ lộ với ông Hà Thúc Ký là “gia đình tôi vô phước sanh ra con quỷ cái, nó hại cả gia đình” có thể dùng để thay lời phê phán (26). Độc giả có thể tìm hiểu bà Nhu với giấc mộng chính trường qua nhiều tài liệu khác (27).

Đặt Vấn đề: Nhiều người cho rằng chế độ ông Ngô Đình Diệm là chế độ gia đình trị có quá lắm không?

Tiết II Độc tài, độc đoán

Trang 246-254, để chứng minh ông Diệm không độc tài, độc đoán, ông Phu dùng những chuyện mà chỉ có riêng ông và ông Ngô Đình Diệm biết. Điều này chỉ là ý kiến cá nhân, không chứng minh được điều gì cả. Một người dù độc tài, độc đoán vẫn đối xử với tay sai dễ dàng nếu bọn tay sai nịnh bợ giỏi.

Chính bản thân “ông Diệm cũng không chối cãi là ông trị nước với bàn tay độc tài. Nhưng ông bện minh là nếu không có cách cai trị cứng rắn này, với tình trạng xã hội bất ổn và nạn bè phái, sẽ làm cho xã hội đổ vỡ trước những trường hợp nguy cấp.“ (28)

Ông Edward G.Lansdale, người rất quý mến ông Diệm, cũng từng khuyên ông Diệm nên “nâng cao tinh thần đồng bào”, “chính phủ hoan nghênh sự giúp đỡ của mọi người dân”, “đàn áp đối lập bằng cách bắt giam hay đóng cửa báo chí sẽ làm cho những lời chỉ trích biến thành những cảm xúc thù hận đưa dến sự thành lập các tổ chức bí mật” (29). Ông Diệm có làm theo những điều ông Lansdale đề nghị không? Rõ rang là không!

Một chuyện sau đây mà nhiều người biết có thể nói lên cách làm việc của ông Diệm:

“Tại Cần Thơ trong một cuộc mít tinh do Tỉnh Trưởng Đỗ Văn Phước tổ chức dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Diệm, một kỳ lão đọc diễn văn xin hoãn việc lập Khu Trù Mật lại một thời gian ngắn đợi cho dân chúng gặt lúa xong sẽ làm.“Kính thưa Tổng Thống” ông nói, “nhờ ơn mưa móc của Tổng Thống, trong mười năm nay lần này là lần đầu tiên dân chúng tôi mới được mùa. Kính xin Tổng Thống cho phép dân chúng tôi thu hoạch để lấy hên rồi dân chúng tôi sẽ làm Khu Trù Mật sau.”

Không trả lời cho dân chúng, ông Tổng Thống xoay qua hỏi Thiếu Tá Hoàng Văn Thường, Quận Trưởng Châu Thành: “Anh có làm được không?” Thường trả lời “Dạ được.” Thế là trong ngày sau có công điện của Tổng Thống phủ chỉ định Thiếu Tá Thường làm Tỉnh Trưởng thay thế ông Đỗ Văn Phước bị rút về Sài gòn.” (30)

Trang 251, Việc Thiếu Tướng Nguyễn Văn Là làm giàu trong việc bắt nhiều thương gia đóng tiền quảng cáo rồi bị ông Phu cho Hiến Binh điều tra, ông viết là “Thiếu Tướng Là không dám chỉa mũi dùi vào tôi vì mọi người đều biết tôi liêm chính”.Khi một người, nhất là những kẻ hèn hạ nhưng có địa vị, không dám chỉa mũi dùi tấn công người khác không phải là vì người kia liêm chính hay không mà vì người kia có thế lực hơn hoặc có khả năng chống lại sẽ bị thiệt thòi hơn nên không dám tấn công. Trong trường hợp này, Tướng Là biết ông Lê Nguyên Phu là Giám Đốc Hiến Binh, Ủy Viên Chính Phủ và là tay chân thân tín của ông Diệm thì đúng hơn.

Đặt Vấn đề: Ông Diệm có độc tài và độc đoán như nhiều người từng nói không? Nếu có, sự độc tài này có cần thiết trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh không? Nếu không thì tại sao có quá ít tái liệu khả tín biện hộ cho chính phủ ấy?

(Còn tiếp phần Kêt)

© 2010-2015 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


(21) Robert F. Kennedy, http://www.answers.com/topic/robert-f-kennedy
(22) Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Quang Vinh & Kim Loan & Quang Hiếu, Hoa Kỳ 2001, trang 165.
(23) Giải tỏa bí mật về Cái Chết của tướng Trịnh Minh Thế, http://www.dongduongthoibao.net/view.php?storyid=336
(24) Nguyễn Văn Canh, Đọc cuốn hồi ký của Hà Thúc Ký,
http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=c427e6ab4ea94198960d497eeb8348ab
(25) Đoàn Thêm, Sđd, trang 326.
(26) Vĩnh Phúc, Những Huyền Thoại và Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm, Tam Vĩnh, England 2006, trang 234.
(27) Phan Thứ Lang, Trần Lệ Xuân Giấc Mộng Chính Trường, Á Châu, Hoa Kỳ 1998.
(28) Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare, Harper & Row, Pub., 1965 trang 171.
(29) Foreign Relations of the United States 1961-1963, I:22-23.
(30) Nguyễn Trân, Công Và Tội Hồi Ký Lịch Sử Chính Quyền Miền Nam Việt Nam 1945-1975, Xuân Thu, 1992, trang 331-332.