Những lon bia với chú Sỹ

Cánh Chuồn Chuồn – Truyện ngắn

rice-1Học thì phải tập.
Học luôn đi đôi với hành.
Tôi là kẻ chứng nào, tật nấy – lười học, nhác tập lại biếng hành.
Xin cám ơn những vị thầy đã chỉ dạy cho tôi tình người và kinh nghiệm sống.

Tới bây giờ tôi vẫn không rỏ là chú Sỹ liên quan với ba má tôi ra sao? Bao lâu nay gia đình tôi và chú Sỹ đối xử với nhau rất thân thiết.

Chú Sỹ người miền Nam, tính tình sởi lởi, vui vẻ; trên môi lúc nào cũng có một nụ cười. Tôi nghĩ không có chuyện gì trên đời có thể làm cho chú thay đổi nét mặt. Khi nói với tôi, chú thường kết thúc câu nói bằng hai chữ “nghen mậy!” nghe rất là miền Nam và rất là dễ thương.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, chú Sỹ đi tù cải tạo; để lại người vợ bệnh hoạn, ốm yếu và hai đứa con gái nhỏ tuổi. Thím Sỹ đem hai đứa con về Long Thành sống với mẹ chú; vài năm sau thì thím Sỹ qua đời. Mẹ chú Sỹ phải tần tảo, khốn khó nuôi hai đứa cháu nội. Đến khi chú Sỹ được thả về thì mẹ chú mất.

Năm 1983, ba tôi nhận được thư của chú Sỹ báo tin là chú vượt biên thành công, hiện đang ở trại tị nạn Pulau Galang, Nam Dương và đã được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho đi định cư tại Hoa Kỳ. Ba tôi viết thư khuyên chú về Nam California để sống cho “có anh, có em”; nhưng chú từ chối với lý do là chú phải theo người vợ sau đi định cư ở Tân Ngọc Lan (New Orlean), tiểu bang Louisiana.

Tám tháng sau thì chú gọi điện thoại cho ba tôi và nhờ sắp xếp nơi ăn, chốn ở tạm cho ba cha con chú vì chú sắp dọn qua Nam Cali. Tôi nghe phong phanh từ ba tôi là vài tháng sau khi đặt chân đến Mỹ người vợ sau của chú đã bỏ chú.

Không bao lâu sau thì chú “an cư, lạc nghiệp” gần nhà tôi. Chú xin được việc làm trong một hãng lắp ráp dụng cụ y khoa, còn hai đứa con chú thì đi học Trung học. Chú vui vẻ sống cảnh gà trống nuôi con.

Vào những ngày cuối tuần, rãnh rổi, không đi chơi thể thao với đám bạn thì tôi xách mấy lon bia qua uống và nói dóc với chú.

Có lần trong lúc ngồi uống bia, tôi hỏi chú về tên gọi trong nhà của hai đứa con gái chú; đứa chị là Hiền và đứa em là Ái.

-Vì sao mà chú thím đặt tên cho con Hiền là Thương Em và con Ái là Thương Chị? Lộn xộn quá vậy chú?

Nuốt xong ngụm bia, chú giảng cho tôi biết.

-Hồi tao đi cải tạo, má tụi nó mất, tụi nó sống với bà nội. Tao từ trong tù biên thư về nói cho má tao đặt tên tụi nó như vậy, để có gì thì chị em nó nhớ mà thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Cái tên của con người cũng quan trọng và liên hệ với vận mạng và cuộc sống lắm nghen mậy!

***

Chú Sỹ, binh chủng pháo binh. Nguồn: D.T.Vu's Photo Collection
Chú Sỹ, binh chủng pháo binh. Nguồn: D.T.Vu’s Photo Collection

Tôi có nghe phong phanh từ ba tôi là chú Sỹ khi đi học tập cải tạo thì bị bọn cai tù đánh đập và hành hạ dã man vì chú khai là chú với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã bỏ học Đại học và tình nguyện gia nhập quân ngũ – binh chủng Pháo Binh. Những chuyện này chú không hề nói với tôi.

Một lần khác trong lúc uống bia, tôi tò mò hỏi chú.

– Chú có thù những người Việt Cộng cai tù cải tạo không?

Chú nhún vai nhẹ rồi chậm rãi nói cho tôi biết.

-Hồi mới đi tù, tao luôn tính là sẽ dùng tay không bẻ cổ, vặn họng tụi nó rồi tới đâu thì tới. Bị bọn nó đánh riết rồi tao cũng hèn; cái ý chí chống đối thì tiêu tan đi mất, nhưng lòng căm thù thì tăng. Có lần có một vị Cha Tuyên Úy trong tù giảng cho tao biết là đám cai tù vì kém may mắn nên họ bị bọn cầm đầu lợi dụng, họ chỉ biết và sống trong thù hận và sắt máu. Mình may mắn hơn họ, nên được biết và sống trong tự do, nhân ái và tâm linh. Tao kém về phần tâm linh nên không thương yêu được họ, nhưng vị đó giảng là mình nên tập thương hại và tội nghiệp cho đám cai tù Việt Cộng thì mình dễ sống hơn. Chuyện thù oán giữa tao với bọn cai tù là chuyện nhỏ, cá nhân; chuyện lớn là tao cũng như mọi người Việt Nam thù cái chế độ Việt Cộng, cái lũ hại nước, hại dân mình. Nhớ là tao không có đội trời chung với Việt Cộng, nghen mậy!

***

Rượu vào thì lời ra! Có lần tôi bạo miệng nên hỏi chú về người vợ sau của chú.

-Lý do nào mà thím mới qua Mỹ còn lạ nước, lạ cái mà bỏ chú với hai đứa nhỏ?

Chú Sỹ trầm tỉnh trả lời.

-Tao đã suy nghĩ nhiều về những sự kiện lớn xảy ra trong đời tao và tao thấy đó là lỗi của tao! Hồi mới qua, tao chỉ có lo kiếm sống mà không lo lắng chuyện gia đình. Ở New Orlean, tao theo tàu đi đánh tôm. Đi được ba, bốn chuyến, thì cô ấy bỏ tao và hai đứa nhỏ mà đi mất. Cô ấy bên Việt Nam là chủ tàu đánh cá, mà tao là Sỹ Quan Pháo Binh nên biết coi la bàn, hải bàn; nhờ hợp lại và hên mà vượt biên thành công. Tao và hai đứa nhỏ sống sót đến được bến bờ tự do là nhờ ơn cô ấy.

Ngừng một lúc rồi chú nói tiếp.

-Mầy thấy trên đời chuyện gì mà không có cái tình làm căn bản thì chuyện ấy sớm muộn, chóng chầy gì cũng tan rả hay đổ vở. Phải có tình, có nghĩa mới sống với nhau lâu bền được nghen mậy!

***

Rồi thời gian trôi qua, tôi ra trường, đi làm xa nhà. Chú Sỹ vẫn thường qua đánh cờ, uống trà với ba tôi, hoặc lái xe chở ba tôi xuống Little Saigon mua sách báo hay đi chợ.

***

Đám tang của Ái Thương Chị là đám tang đầu tiên mà tôi đi dự trong đời. Tôi nghe phong phanh là trên đường đi học về, đứa bạn chở Ái Thương Chị chạy vượt đèn vàng hay đèn đỏ gì đó với tốc độ cao và tông vào chiếc xe đang quẹo trái tại ngã tư đường.

Sau khi hỏa thiêu xong, thì tôi lái xe đưa chú Sỹ và Hiền Thương Em về nhà. Về đến nhà thì Hiền Thương Em đi thẳng vào phòng, chú Sỹ thì đặt tấm hình của Ái Thương Chị lên bàn thờ và thắp ba cây nhang, còn tôi thì mở tủ lạnh lấy hai lon bia khui nắp rồi đưa cho chú Sỹ một lon. Chú cầm lấy, không uống và đặt lon bia lên bàn ăn.

-Đừng buồn nghe chú! Tôi không biết nói gì nhưng ráng lên tiếng để đánh tan sự im lặng.

-Mày biết tao thì không sao; chỉ tội cho con Thương Em. Tụi nó lâu nay có hai chị em xì xào với nhau; nay chỉ còn một mình nó. Nó là đứa con gái đang lớn, có những chuyện nó không thể chia xẻ hay nói cho tao được. Tao có tài cách mấy cũng không thể đóng và thế vai trò người má hay em gái của nó.

Chú nhấc lon bia lên rồi lại đặt xuống.

– Mấy ngày nay tao thức trắng để suy nghĩ và tìm câu trả lời cho chuyện tre khóc măng này. Tao tin là Ơn Trên và Tạo Hóa không trao cho ai một gánh nặng mà họ không gánh nổi. Tao biết con Thương Em gánh nổi gánh nặng này; nhưng làm ba nó mà không gánh phụ được cho con thì tao cũng hơi xót xa. Tao cám ơn mày đã về chia buồn và phụ giúp gia đình tao trong lúc khó khăn. Nhớ là thánh giá của ai thì tự người nấy vác, nghen mậy!

***

Tôi làm phụ rể “bất đắc dỉ” cho đám cưới của Hiền Thương Em. Khi tiệc tan, tôi lấy mấy lon bia trên bàn đem theo và lái xe đưa chú Sỹ về nhà. Về đến nhà chú, tôi đặt mấy lon bia lên bàn ăn và nói với chú.

-Chú còn hứng để uống với cháu vài lon bia không?

Chú đáp lại.

-Nếu mày chưa mệt thì chú cháu mình ngồi uống bia, nói dóc chơi; lâu quá mới có dịp gặp mày.

-Cám ơn mày đã về phụ giúp và chung vui với gia đình tao.

-Có gì đâu chú; người trong gia đình mà! Sao chú không bắt rể, để hai đứa tụi nó sống ở nhà với chú cho vui? Vì thấy nhà trống trơn, nên tôi thắc mắc hỏi chú.

Chú Sỹ đặt lon bia xuống bàn rồi nói.

-Tại tao chưa nói cho mày biết; thằng Tuấn chồng con Thương Em đang làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện ở Chicago nên hai đứa nó về đó ở; con Thương Em đang nộp đơn xin học Cao Học về Quản Trị Kinh Doanh tại Đại Học Illinois – Chicago.

Chú đưa mắt nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ mà bên ngoài thì tối đen vì trời đã về khuya.

-Nuôi con cũng gần giống như thả diều! Khi thả diều thì mình muốn diều mình lộng gió, tung bay xa và cao; nuôi con thì cũng vậy, mình muốn con mình luôn bay cao và xa. Nhưng khác với thả diều là khi con mình đã lộng gió, vững vàng tung bay thì mình phải biết mà buông tay để cho con mình bay cao hơn và xa hơn, và thoát ra sự kiểm soát và điều khiển của mình. Không có một người cha mẹ nào trong lúc con mình đang lộng gío tung bay mà lại cuốn dây, kéo xuống đem con mình về nhà mà cất. Ông bà có câu “Con hơn cha là nhà có phước”, nghen mậy!

***

Tôi không biết cảm giác sét đánh ngang tai ra sao; nhưng cú điện thoại mà ba tôi gọi trong lúc tôi đang làm việc mang lại cho tôi một cảm giác như bị sét đánh ngang tai. Ba tôi tin cho tôi biết là chú Sỹ bị cướp xe và bị bắn mấy phát đạn vào người. Chú đã được bác sĩ giải phẫu lấy đạn trong người ra và hiện đang nằm trong phòng hồi phục với sức khỏe trong tình trạng nguy ngập.

Từ phi trường về nhà, ba tôi cho biết là theo cảnh sát thì chú Sỹ vẫn bị kẻ cướp xe bắn mặc dù chú đã trao chìa khóa xe và ví tiền của chú cho hung thủ.

Tôi lái xe đến bệnh viện sau khi ghé ngang chợ mua một chục cam và một kết bia và gói vào trong bao giấy. Khi tôi bước vào phòng dưỡng bệnh của chú thì thấy chú nằm trên giường, da mặt chú trắng bệch, mủi có gắn ống thở oxygen, tay thì được chuyền nước biển, ngực thì có gắn giây đo mạch và nhịp tim. Như có linh tính báo trước, tôi bước vào thì chú mở mắt nhìn tôi.

-Mạnh khỏe, chú? Tôi nói giởn để xả giao cho không khí trong phòng bớt ngột ngạt.

-Mạnh khỏe thì đâu có nằm trong đây, mậy! Chú nói gượng gạo.

-Chú cần nghỉ ngơi không? Chú có khỏe thì nói chuyện chơi, còn không khỏe thì uống lon bia với cháu!

Tôi tiếp tục nói giởn.

-Công việc ra sao mậy?

-Chuyện nhỏ mà chú! Ở Mỹ này đi cày, đóng thuế suốt đời. Không có việc này làm thì có việc kia! Tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh giường chú.

-Sao mày chưa chúc mừng tao? Chú bất ngờ hỏi tôi.

Tôi rất ngạc nhiên, trong hoàn cảnh này mà chú muốn tôi chúc mừng chú; nhưng tôi vẫn nói xuôi.

-Có tin mừng gì, hả chú?

-Tao lên vai ông ngoại rồi, nghen mậy! Chú nói với vẻ mặt hảnh diện.

-Chúc mừng chú! Chú cháu mình vô một lon!

Tôi mở lon bia, đặt lên khay kế đầu giường của chú và mở một lon cho tôi. Nếu mấy người y tá trong bệnh viện biết tôi khui bia cho chú Sỹ chắc họ cạo đầu tôi.

-Hôm trước thằng Tuấn chồng con Thương Em gọi điện thoại báo cho tao biết là con Thương Em mới sanh con gái và nhờ tao đặt tên Việt giùm bọn nó. Tao đặt tên cho cháu ngoại tao là Hoài Thương. Nghe được không mậy?

-Cái tên nghe có lý quá đó chú! Vô một lon nữa không chú? Tôi nói vậy cho chú vui.

-Tao bị chích thuốc tê, thuốc mê gì đó, bây giờ nhắm mắt lại là thấy ông bà, Tiên, Chúa, Phật; đầu óc cứ lờ mờ, lơ lửng. Mày nghĩ chuyện này giùm cho tao được không? Tao không hiểu vì sao mà tao đã đưa cho thằng đó bóp và chìa khóa xe rồi mà nó vẫn bắn tao?

– Nhiều khi thằng đó đang phê hay lên cơn ghiền!?! Khi chú khỏe rồi tính sau, chú ơi! Tôi bàn vô và cố tình nói lảng qua chuyện khác.

-Hay là vì nó không hiểu tao nói gì!?! Hay là vì tao với nó khác tiếng nói, màu da!?! Ơn Trên cho tao mấy viên đạn vào người chắc là để nhắc cho tao việc gì đó!?! Tao thấy là mình sống trên đất nước này bấy lâu nay mà chưa hòa đồng, hòa nhập, phục vụ và xây dựng cái xã hội này. Chú nói với vẻ không bằng lòng với chính mình.

"Tao thấy là mình sống trên đất nước này bấy lâu nay mà chưa hòa đồng, hòa nhập, phục vụ và xây dựng cái xã hội này." Nguồn: lovesdemisewithin.blogspot.com
“Tao thấy là mình sống trên đất nước này bấy lâu nay mà chưa hòa đồng, hòa nhập, phục vụ và xây dựng cái xã hội này.” Nguồn: lovesdemisewithin.blogspot.com


-Chú nói vậy nghe sao được! Chú là công dân gương mẫu, làm ăn lương thiện, đóng thuế, nuôi con ăn học thành tài, bằng này cấp nọ, gởi tiền về Việt Nam giúp đở bà con nghèo khó, tham gia sinh hoạt hội đoàn. Nước Mỹ giàu mạnh là nhờ có những người như chú!Tôi tạt ngang.

-Không đủ mày ơi!!!

-Chú ráng lo nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, uống thuốc để mau khỏe mạnh lại rồi tính ba cái chuyện nhỏ này sau. Tôi nói vuốt và khuyên chú.

Đột nhiên chú đổi giọng.

-Mày may mắn sống bên đây, có ăn học, biết suy nghĩ, đi nhiều, nhìn xa, thấy rộng; vậy mày hãy làm giùm cho tao những việc mà tao vô tình không làm được nghen mậy!

Tôi “Dạ” cho qua chuyện.

– Tao không có chết đâu, tao sẽ sống qua con và cháu của tao. Đừng buồn, nghen mậy! Chú nhắm mắt và giọng chú nhỏ dần.

Tôi cắn môi, nhứt quyết không khóc; nhưng bia hôm nay vừa đắng lại vừa mặn.

Và chú sẽ sống qua tôi!

 


Bài do tác giả gởi. DCVOnline trình bày và minh họa.