Tản mạn về việc dịch sách “Cưỡi Ngọn Sấm”

Spread the love

Trịnh Bình An

dichSau một thời gian làm việc với sách vở và viết lách, tôi nhận thấy một điều là sách cũng như người: có người đến với mình rồi đi, nhưng có người đến và ở lại.

Nguồn: ReAnimus Press (2014)
Nguồn: ReAnimus Press (2014)

“Ride The Thunder” không phải là tác phẩm đầu tiên đến với tôi, trước đấy tôi đã muốn được dịch hai cuốn khác, một là “Dear America: Letters Home From Vietnam” của Bernard Edelman và “Vietnam’s Forgotten Army” của Andrew Wiest, thế nhưng đều không thực hiện được dù đã có dịp nói chuyện trực tiếp với cả hai tác giả. Ông Edelman là một cựu phóng viên Việt Nam và hiện sống ngay tại Maryland. Tôi đã đến gặp ông tại văn phòng “Vietnam Veterans of America” tại Silver Spring. Ông tỏ ra mừng rỡ với ý định dịch cuốn sách “Dear America” sang tiếng Việt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là làm sao xin phép được từng ấy chủ nhân của những lá thư, một việc xem ra quá khó khăn và phức tạp, cuối cùng đành chào thua. Còn về “Forgotten Army” của giáo sư Wiest thì không thành vấn đề, ông rất sẵn sàng nếu nhà xuất bản đồng ý. Thế nhưng, khi liên lạc với nhà xuất bản, tôi được biết đã có người khác xin phép dịch rồi. Vậy coi như mình không có “duyên” với cả hai cuốn sách ấy. Sau đó, tôi dịch một cuốn khác, “The Appointment” của Nobel Văn Chương 2009 – Herta Muller. Dịch xong nhưng để đó vì không kiếm được ai đọc lại dùm cho. Nguyên bản bằng tiếng Đức, trong khi tôi dịch từ bản tiếng Anh nên không cảm thấy an tâm. Kết quả là có làm mà cũng như không có.

Từ đó tôi… thề không dịch sách nữa. Nói vui thôi, chứ với một người đang học viết văn thì việc dịch văn là điều không thể thiếu. Lý do là khi viết mình có thể … lách, nếu đoạn nào không đủ chữ để diễn tả, hay không đủ bằng cớ để dẫn chứng, mình chọn cách “đi vòng”, hoặc viết cách khác, hoặc… lơ đi. Nhưng khi dịch thì khác, bắt buộc phải dịch cho hết ý của tác giả, thậm chí khi tác giả nói về những đặc sản địa phương, mình phải đi tìm cho ra hình ảnh để nhìn cho rõ ràng. Và rồi, dịp may đã tới…

Đó là vào tháng Tư – 2014, khi tôi bắt đầu phụ các anh Uyên Thao và anh Trần Phong Vũ thực hiện bản “Tin Sách” đầu tiên. Tin Sách là một bản tin mỗi tháng một kỳ với nội dung giới thiệu ngắn gọn khoảng 10 cuốn sách của các văn hữu tại hải ngoại trong đó có 1, 2 cuốn của người ngoại quốc với những đề tài có liên quan tới Việt Nam. Uyên Thao bảo tôi phải ráng kiếm cho được cuốn “Ride The Thunder” của Richard Botkin để giới thiệu. May mắn sao, cuốn sách đang được các anh trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y chuyển ngữ. Khi hỏi thăm thêm tôi được làm quen với hai anh trong nhóm dịch thuật, anh Lý Văn Quý và anh Nguyễn Hiền.

Tôi email anh Quý, xin phép được đăng bài giới thiệu sách của Đại Tướng Walter Boomer đã được các anh dịch qua tiếng Việt. Nói đăng lại, nhưng tôi vẫn xin được sửa, “một chữ thôi”. Anh Quý hỏi lại “chữ nào?” Trả lời: “Nếu anh Quý đã hỏi, thì xin cho sửa thêm… mấy chữ nữa”. Bài gởi đi rồi tôi đâm lo, sợ các anh sẽ giận vì đã dám đòi sửa văn của các anh, “văn mình – vợ người” ông bà mình đã có dạy. Nhưng thật bất ngờ, anh Quý không những không giận, lại còn khen tiếng Việt của Bình An khá lắm, rồi anh gọi cùng làm chung việc dịch thuật. Thực tình, lần đó tôi bị một phen hú vía. May sao anh Quý và anh Hiền không tự ái khi thấy văn bị sửa, nhất là bị sửa bởi một người nhỏ tuổi hơn. Có thể nói đó là một khởi đầu may mắn cho tôi: cái may thứ nhất là gặp được một cuốn sách hay, cái may thứ hai là gặp được các anh có tinh thần bình đẳng, cởi mở và phóng khoáng.

Không biết chuyện “vợ người” (ngoong lành hơn vợ mình) hư thực ra sao, nhưng vụ “văn mình” (ngoong lành hơn văn người khác) không sai lắm đâu. Nhất là trong lúc dịch sách chung với nhau, không sao tránh khỏi việc bất đồng ý kiến.

Một chuyện nhỏ thôi, đó là chữ “xử dụng”. Từ nào giờ tôi vẫn dùng ích-xì (x) trong khi các anh muốn xài chữ ét-sờ (s). Tôi viện dẫn chữ xử dụng có “xử” như trong các chữ “xử sự, xử thế, xử lý, xử án, phân xử, xét xử”; còn sử dụng không đúng vì “sử” chỉ thấy trong các chữ “sử sách, lịch sử, sử quan”. Nhưng anh Nguyễn Hiền không đồng ý vì cho rằng chữ “sử dụng” đã được chọn dùng bởi đa số người Việt khắp nơi. Tôi bèn đem thắc mắc đi hỏi thăm. Kết quả, Uyên Thao – người sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương, bỏ phiếu cho chữ “xử dụng”, nhưng Trương Anh Thụy – người sáng lập Tủ Sách Cành Nam lại bảo “Xin lỗi bạn, tôi đành phải đồng ý với các anh của bạn thôi!” Cuối cùng, tôi đành “xử dụng” chữ “sử dụng” vậy. Các anh lớn, mình nhỏ – kính già, già ban tuổi cho!

Trước đó, trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y, các anh đã đề ra một số nguyên tắc trong việc dịch thuật. Điều ấy rất tốt, nhất là khi nhiều người cùng làm việc chung với nhau. Tôi đề nghị thêm một điều: ngoài những chữ cần phải tránh như “thì, là, mà, của” (điều có lẽ ai cũng được học từ những ngày đầu trung học) còn cần dùng cho đúng chữ “phải”. Nếu chữ “phải” không mang nghĩa “phải làm” như chữ “must” trong tiếng Anh thì không nên dùng, ngoài trường hợp “phải” là “không sai” như trong câu “nói phải – củ cải cũng nghe”. Anh Hiền (tên “Hiền” chứ không “hiền” khi tranh luận) phản pháo ngay, bảo có nhiều khi dù không là phải vẫn phải dùng chữ phải, ví dụ trong câu “ngày mai tôi phải đi thăm con tôi”. Ở đây “phải” được hiểu là “nên” như trong tiếng Anh là chữ “need” hay “should”. Tôi nghe xong, chợt hiểu ra một điều, người Việt mình thường có câu “vậy mới là phải đạo”. Một cách vô hình, chúng ta thường làm theo những điều được cho là chuẩn mực đạo đức, không ai bắt mình “phải làm”, nhưng ta vẫn “phải làm” nếu không thì thấy lòng không được bình an. Do đó, việc nên làm thành ra việc phải làm, việc không ai bắt buộc mình, chỉ có lương tâm bắt buộc mà thôi.

Tuy nhiên, tôi có lý do riêng, đó là vì tôi thường “phải” rất cẩn thận khi dùng chữ “phải”. Chữ “phải” là chữ của ra lệnh, chữ người lớn nói với người nhỏ. Riêng tôi, vì một định mệnh… kỳ cục, lúc nào cũng “phải” làm việc chung với những người tử lớn tuổi hơi hơi đến lớn tuổi nhiều nhiều, từ trong công ty với các người Mỹ, tới trong sinh hoạt chữ nghĩa với người Việt, đó là chưa kể trong nhà lại là con út. Tôi không bao giờ dám dùng chữ “phải” với ai ngoài con … mèo trong nhà (nói vậy chứ, con mèo cũng sức mấy thèm nghe). Ngược lại, các anh đều là người cha trong gia đình, người anh lớn trong sinh hoạt cộng đồng, nên có dịp dùng chữ “phải” với người khác cũng là điều tự nhiên thôi. Tuy nhiên, chắc thấy tôi nói phải nên các anh đồng ý ngầm, nên suốt cuốn sách không thấy có chữ “phải” nào nằm không phải chỗ.

“Ride The Thunder” là một cuốn vừa dễ dịch cũng vừa khó dịch, đặc biệt với tôi, một người lớn lên sau chiến tranh và chưa tình đi lính.

Nguồn: WND Books; 1 edition (July 13 2009)
Nguồn: WND Books; 1 edition (July 13 2009)

Dễ vì nhờ chính tác giả Richard Botkin. Ông đã viết cuốn sách này với một thứ tiếng Anh giản dị và dễ hiểu. Ông còn dành nhiều bút mực để mô tả tâm tư, đời sống của những con người bình thường như những người vợ lính, hay cuộc sống của người lính bên ngoài quân ngũ. Thế nên, có nhiều đoạn được viết như một cuốn tiểu thuyết tình cảm xã hội. Những đoạn đó thì không quá khó với tôi. Còn khó là do những danh từ chuyên môn của quân sự. Nội việc phân biệt thế nào là sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn đã là rắc rối, nói chi tới các danh từ chuyên môn như Hot Landing Zone, C-Rations,… rồi tên các loại máy bay, tên các loại súng. Người Mỹ dùng tiếng lóng trong quân sự cũng không ít, ví dụ họ gọi Việt Cộng là Victor Charlie (V-C), nhưng quân đội của Hoa Kỳ được đặt tên theo vần A, B, C, nên lại có Đại Đội Charlie. Vì thế, tôi gần như phải tra wikipedia liên tục để tìm hiểu. Vậy mà cũng dịch sai tới sai lui. Nhưng các anh thông cảm, “lính kiểng” mà. May, các anh là dân ka-ki thứ thiệt nên sửa sai chớp nhoáng dùm đàn em.

Đến cái tựa sách mới “đụng độ” lớn!

Nguyên tác: “Ride The Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph” – Chữ “honor” đơn giản rồi, tiếng Việt là “danh dự” ai cũng đồng ý; nhưng đến chữ “triumph” có người đề nghị dùng “vinh quang”, trong khi nghĩa thông thường của chữ này là “chiến thắng”. Vậy chọn đàng nào: “Danh Dự và Vinh Quang” hay “Danh Dự và Chiến Thắng”?

Sau một hồi thảo luận sôi nổi, mới thấy dùng chữ “vinh quang” không ổn. Lý do vì người miền Nam chúng ta không lấy chuyện chém giết anh em là vinh quang. Người lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ tự do, bảo vệ mạng sống của đồng bào, của người thân và của chính mình, chứ không chiến đấu để dành lấy một hào quang nào cả. Chỉ có cộng sản mới ca ngợi việc giết người, mới lấy việc tàn sát là vinh quang; điển hình là trong bản quốc ca của Việt Cộng có câu “đường vinh quang xây xác quân thù” . Cuối cùng, tất cả đều đồng ý chọn chữ “chiến thắng”. Tựa đề, do đó, được chọn đặt là “Cưỡi Ngọn Sấm: Một Câu chuyện về Danh dự và Chiến thắng trong Cuộc chiến Việt Nam”.

Một điều may mắn khác với tôi là cả ba anh – sau này, có thêm anh Nguyễn Hoàng Diệu, đều là những người cẩn thận và kỹ lưỡng. Các anh từng dịch sách và viết văn đã lâu. Nhất là anh Hiền – người hiệu đính sau cùng, luôn luôn tìm ra những lỗi mà người khác không thấy. Vì ỉ có các anh nên tôi sinh tật… làm biếng. Do phần tôi chỉ có hai chương cuối nên những chương kia tôi chỉ lướt nhìn sơ sơ. Chừng đến lúc tổng kết, ai cũng có bổn phận phải đọc lại toàn bộ với tổng cộng 23 chương, thì trời ơi … tới lúc đó tôi mới hãi hùng, sao mà nhiều quá trời quá đất! Bốn người, mỗi người luân phiên đọc và sửa 4 lần. Rồi tới khi lên khuôn để đưa cho nhà in còn đọc và sửa thêm vài lần nữa. Tôi cả thảy gần 10 lần mà vẫn… không nhớ gì hết. Thế là hứa từ nay xin chừa, chừa tật làm biếng, nếu không muốn chạy nước rút ná thở vào phút chót.

Cuối cùng “Cưỡi Ngọn Sấm – Phần I” ra mắt bạn đọc. Các anh lại phải (chữ “phải” này rất đúng nghĩa của nó, vừa là “phải làm” vừa là “phải đạo”) lo lắng vụ ra mắt sách, và hơn thế, ra mắt cuốn phim tài liệu có diễn viên “Ride The Thunder” tới bà con khắp nơi.

Riêng với tôi, xảy ra một chuyện nho nhỏ khác.

Số là tôi gởi tặng sách cho một anh bạn vốn từng có mặt trong vai trò phóng viên ngay tại Quảng Trị lúc “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” nổ ra. Tặng sách với hy vọng anh sẽ kể cho nghe những điều chính mắt anh từng thấy. Vậy mà anh viết email bảo “Nói thẳng cái này nha, đừng tặng sách cho anh làm chi, không có thì giờ đọc, uổng công Bình An gởi tặng.” Gì chứ chuyện này tôi biết dư. Thời nay, nhiều người ớn xương sườn vì mấy vụ tặng sách, ra mắt sách. Tôi thông cảm với anh lắm. Nhưng bỗng dưng thấy buồn cười, nghĩ, tại sao không lấy đó làm đề tài viết một bài nhỉ; sẽ lấy tựa là “Đừng Gởi Sách Cho Tao”. Tôi nhớ mang máng có một bài thơ khá nổi tiếng có tên “Gởi Súng Cho Tao”. Nhớ cái tựa thôi nhưng chưa từng đọc thơ, vì thế tôi kiếm bài thơ đọc cho biết. Không ngờ, bài thơ cảm động quá. Nên nhiều người đã làm thơ trả lời tác giả. Tôi cũng muốn làm thơ trả lời dù trong đời chỉ làm vài bài thơ chưa đầy hai bàn tay. Tôi đặt tựa cho bài thơ của mình là “Có Súng Đây Anh.”

[…] Tôi, cũng từng được ôm khẩu súng
Bắn đúng ba viên, giả thật chẳng hay?
Lúc Việt Nam chống Tàu thật hăng say
Sinh viên cũng phải đi ra tập bắn […]

Những câu chuyện về chữ nghĩa, sách vở, cứ thế nối tiếp nhau, không dứt. Cứ cuốn sách này đóng lại, cuốn sách khác mở ra. Những trang sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và câu chuyện của những người lính Việt Nam Cộng Hòa nối tiếp nhau đến với tôi. Thành thực mà nói, chúng đem lại cho tôi những giây phút chẳng hề… bình an. Đó là những khi tôi hiểu được phần nào tâm trạng của những người lính trong giai đoạn ấy. Người lính chiến đấu là để chiến thắng chứ không để chiến bại, vậy mà người lính VNCH đã phải chiến đấu một cuộc chiến tuy chưa chấm dứt nhưng lại nắm chắc phần thua. Vậy thử hỏi tâm trạng của họ ra sao? Vậy mà, những người lính ấy đã làm nên những trận đánh oai hùng, đã từng đẩy lùi làn sóng tàn bạo của Cộng quân ra khỏi bờ cõi.

Sau “Ride The Thunder” tôi đọc “Inside An Loc”(*). Sau trận đánh hào hùng và sự chịu đựng kiên cường trong trại cải tạo của Thiếu Tá Lê Bá Bình, tôi được biết đến chiến tích lẫy lừng và cái chết anh dũng của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. 40 năm qua đi như một chớp mắt, vậy mà tôi chỉ mới lật dở được vài trang của một chiến sử bi tráng. May mắn thay, đã có những người anh, người chị đã để lại những pho sách để làm tài liệu cho người đi sau hiểu được những gì các thế hệ trước đã phải chịu đựng, đã phải trải qua.

Tôi lại nhận ra một điều, người cũng như sách, có sách hay, có sách dở, có sách dối trá, có sách ngay thật. Sách nào viết đúng sự thật sẽ được mãi mãi lưu truyền, người nào anh hùng thật sự sẽ được mãi mãi ghi ơn.

Tháng 2, 2015


Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh họa.

(*) “Inside An Loc: The Battle to Save Saigon, April-May 1972” của hai tác giả Văn Nguyên Dưỡng (tức Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng) và Nghĩa M. Võ.

Tiểu sử Trịnh Bình An: Sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1990. Hiện cư ngụ tại tiểu bang Maryland (USA). Làm việc kỹ thuật xây dựng. Bắt đầu viết từ năm 2008 trên trang báo điện tử DCVOnline.net. Hiện cộng tác với Tủ Sách Tiếng Quê Hương trong nhóm phụ trách Tin Sách. Liên lạc: [email protected]