Những nẻo đường Canada
Kính Hòa
Nhân câu chuyện nghị quyết 36 xưa và nay của người bạn vong niên ở Montreal làm tôi nhớ kỷ niệm của hơn 20 chục năm về trước. Xin kể ra đây như một chuyện bâng khuâng cuối tuần vậy.Năm đó tôi lưu lạc giang hồ sang Canada. Tôi vốn là một gã giang hồ kha khá nhiều nơi trên cõi trần ai này, nhưng phải nói là giai đoan Canada của tôi để lại nhiều suy ngẫm hình thành nên kiểu cách của mình sau này.
(À nhân đây nhắn các bạn hay nghĩ là những người ở hải ngọai như tôi thì biết cái gì trong nước mà bàn rằng không hẳn thế đâu. Tôi tuy sống ở hải ngọai nhưng cũng đã thường xuyên incognito khắp nẻo trên mảnh đất hình chữ S kia, và chắc chỉ có hai nơi khá nổi tiếng mà tôi chưa biết là Lũng Cú và Móng Cái thôi.)
Người đón tôi và cho tôi tá túc những ngày đầu tiên trên xứ này là anh Quang, vốn là một sĩ quan VNCH định cư ở Montreal. Anh Quang thực ra không muốn đi định cư ở nước ngòai, anh còn có rất nhiều tình cảm, họ hàng ở Việt nam. Nhưng chị Phúc vợ anh lại cương quyết ra đi vì lúc ấy họ có một cậu con trai nhỏ, và chị Phúc lại là giáo viên cho nên chị rất hiểu chương trình giáo dục lúc đó của Việt nam như thế nào. Chị nói với tôi như thế này:
“Mình thấy họ dạy dỗ gì mà bạo lực nhiều quá, đến môn tóan mà cũng đếm xác lính Mỹ nữa, cho nên mình quyết định đi di cư.”
Sau mấy ngày ở với anh chị Quang trong khu Tiểu Italie, tôi đến ở chung với anh Tính, một người đồng trang lứa ở Việt nam mới sang. Anh Tính gốc miền Trung, cha mẹ tập kết ra bắc cho nên anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà nội, rồi có học bổng sang Canada. Tôi biết Tính là nhờ mạng Internet. Lúc đó tuy chưa mạnh như bây giờ nhưng mọi người cũng có thể liên lạc nhau nhanh chóng hơn trước. Một người bạn thân của tôi đang học ở Stanford lên mạng thông báo chuyến giang hồ của tôi sang Canada, và thế là tôi gặp Tính.
Từ anh Tính tôi quen hai người nữa cũng là du học sinh là anh Tám, và chị Quỳnh cũng cùng trang lứa với tôi.
Không thỏa mãn với cảnh đô hội ở thành phố Montreal, tôi làm một chuyến du hành lên đến tận vùng Témiscamingue, Val d’Or,… để hưởng những đống tuyết cuối mùa xuân. Lang bạt qua bình nguyên Canada tôi không gặp bóng dáng một nhà hàng Việt nào, suốt ngày chỉ có McDonald hay KFC thôi. Ấy vậy mà ở Val d’Or tôi lại gặp anh Hiệp, cũng ra đi từ Sài gòn. Hiệp ra đi bằng thuyền vượt biển sau năm 1975, và lúc đó là kỹ sư trưởng trong một mỏ vàng ở Val d’or. Trong chuyến thăm mỏ vàng lần đó tôi lần đầu tiên biết thế nào là một cuộc đình công, biết công đòan đại diện thực sự cho công nhân như thế nào.
Trở về Montreal, qua anh chủ nhà tôi lại quen anh Dũng một cựu xạ thủ trực thăng trước 75. Anh Dũng cũng có máu giang hồ thế là chúng tôi làm một chuyến du hành Montreal, Quebec, Toronto, Niagara.
Nhưng những chuyện để lại đậm dấu ấn nhất với tôi lại là câu chuyện những người Việt mà tôi gặp ở Montreal.
Tôi không nhớ cơ duyên như thế nào mà tôi lại lọt vào nhóm cựu sinh viên phản chiến trước năm 75. Những cựu sinh viên này vốn ở Canada cũng có và từ Mỹ chạy sang sau vụ Nguyễn Thái Bình cũng có. Và có 3 buổi gặp gỡ mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Buổi thứ nhất. Đây là một buổi sinh họat mang tính chính thức của nhóm cựu sinh viên này. Buổi họp mặt do anh Lương Châu Phước điều khiển. Những gì tôi nhớ về anh Phước là gịong nói nhẹ nhàng, hơi buồn buồn. Trong buổi họp đó có cả giáo sư Nguyễn Văn Trung mới sang định cư. Lúc ấy hình như giáo sư Trung cũng nghĩ rằng mình vẫn còn có thể đóng 1 vai trò gì đó. Trong buổi họp đó, ông Trung nói về những phát biểu của ông Võ Văn Kiệt (câu chuyện không cho phép biết là ông Trung có gặp ông Kiệt hay không.) Đại khái là ông Kiệt nói gì đó về dân chủ tập trung, về vai trò của cộng đồng hải ngọai, … tôi không nhớ lắm. Hai mươi năm sau tôi phỏng vấn giáo sư Trung thì dĩ nhiên ông không còn dự án nào trong đầu nữa, chỉ là những hòai niệm. Trong buổi họp đó có người nói với tôi là sở dĩ Giáo sư Trung có tiếng vì trước năm 75, khi mà trình độ ngọai ngữ nói chung của xã hội còn thấp, ông là người dịch thuật nhiều sách triết học để giới thiệu cho sinh viên. Tôi nghe có người nhận xét ông Trung là người hiền lành và cả tin, không chỉ tin ở những điều viễn vông, mà ông còn tin cả những người khó có thể tin được.
Buổi thứ hai. Đó là một buổi tối thân mật trong vườn nhà anh Phước. Trong không khí giữa mùa hè hơi oi oi, chúng tôi cảm thấy rất thỏai mái. Buổi tối hôm đó có cả Tính, Tám, và Quỳnh, những bạn du học sinh tôi mới quen. Hôm đó tôi cũng biết đuợc anh Võ Quang Tu, một người gốc Huế nói chuyện rất thân mật. Nhưng cảm xúc để lại nhiều cho tôi về anh Tu là ở anh có một điều gì đó lớn không hài lòng về cuộc đời mà anh không nói ra được. Buổi tối đó có anh Vũ Quang Việt một chuyên viên về thống kê. Câu chuyện hôm đó xoay quanh vấn đề nợ của Việt nam mà anh Việt trình bày rất gọn gàng và dễ hiểu. Sau này tôi được biết là anh Việt từng được các vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam hỏi ý kiến trong những ngày đầu họ cải cách. Câu chuyện lan sang cả địa hạt chính trị, thể chế,… Lúc đó anh Việt vẫn còn xài hộ chiếu…. Việt Nam. Trên đường về nhà tôi và Tính cùng chia sẻ ý nghĩ về chuyện thể chế, về điều gì đó dường như là định mệnh của dân tộc chúng ta. Tám và Quỳnh không quan tâm, họ nói với nhau về những món mà thương xá Eaton đang giảm giá, có thể xách tay về Việt nam.
Buổi thứ ba. Chúng tôi có suốt một ngày trong khu nhà của một vị bác sĩ tại ngoại ô Montreal, ngay cạnh bờ sông hay hồ gì đó mà tôi không còn nhớ vì phải bận rộn với việc nướng thịt. Hôm đó khá đông, độ khỏang gần 20 người, đều là cựu sinh viên và gia đình họ. Trên cái bàn gỗ lớn để giữa vườn có một chồng tạp chí in giấy trắng đẹp tên là Diễn đàn. Tôi không biết có liên quan gì không với trang Diễn Đàn của nhóm Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp, nhưng một anh nói đùa là nên giấu đi vì Ottawa không thích mấy tờ đó đâu.
Ottawa là từ để chỉ các vị ở Đại sứ quán Việt Nam ở Canada cũng được mời đến chung vui. Có một người phụ nữ và hai người đàn ông từ Ottawa đến, trong đó người phụ nữ dường như có vị trí lớn nhất. Bà ta có một nụ cười… hơn cả ngọai giao, một kiểu cười thương mại ở các shopping mall bên Mỹ mà người Mỹ hay gọi là những nụ cười bằng ny lông.
Với vai trò là một chú nhóc nướng thịt, tôi cứ quanh quẩn hóng chuyện chứ không phát biểu gì. Họ nói với nhau cái gì tôi cũng không nhớ, chỉ nhớ một điều là giữa Ottawa và nhóm cựu sinh viên là một khỏang cách vô hình mặc dù họ dường như có cùng một lý do để đứng chung với nhau, điều mà người Mỹ gọi là chemistry. Điều đó sau này tôi nghiệm ra là do họ rất khác nhau về nền tảng giáo dục.
Tối đó chúng tôi đốt lửa trại. Ottawa đã về hồi trưa cho nên không khí buổi tối ẩy êm đềm thỏai mái, một không khí làm ta cứ tưởng tượng câu chuyện những cây phúc bồn tử trong vườn của Anton Tshekhov. Ông bác sĩ nói với tôi là trước năm 75, những buổi lửa trại như thế này có khi đến cả mấy trăm người đấu tranh phản chiến.
Câu chuyện cứ tiếp tục xung quanh đống lửa trại. Người ta nói là sau năm 1975, có cả những cựu sinh viên xung phong làm tài xế cho những cơ quan ngọai giao đầu tiên của Việt nam được mở ở phương Tây. Nhưng cũng gần như cùng lúc đó có người phát biểu như thế này:
“Hà Nội không công nhận chúng mình anh em ơi!”
Thế là nhiều người quay về học lại để kiếm sống, để tiến thân nơi xứ người. Có người còn kịp như anh Việt và vị bác sĩ kia, nhưng cũng có người lại muộn màng quá nửa chừng xuân rồi, không còn làm gì được nữa. Có người vẫn hăng hái góp ý cho chính phủ Việt nam, đến nỗi mà ông ta về Việt Nam thì bị đuổi trở ra!
Lời kết. Trong chuyến giang hồ Canada tôi thấy những tâm hồn mơ mộng, dù đã hơn nửa đời người mà họ vẫn còn mơ mộng. Tôi cũng thấy những người có những tiêu chuẩn sống và đạo đức bình thường nên phải dứt bỏ quê hương mà ra đi như anh Quang, chị Phúc. Tôi gặp những người lớn lên trong khung cảnh khác tôi nhưng cùng chia sẻ những ước nguyện chung với tôi là Tính. Và những người tôi hơi e dè về những quan tâm của họ như anh Tám và chị Quỳnh. Lúc đó anh Tám đã là đảng viên cộng sản, con của một gia đình cách mạng vùng Củ Chi, còn chị Quỳnh là con gái rượu của một gia đình mà bây giờ có thể gọi là đại gia ở Sài gòn, phất lên trong buổi nhập nhọang giao thời. Cả Tám và Quỳnh đều về Việt nam, còn Tính thì ở lại.
Tính ở lại vì cho là sự ngăn nắp của xã hội xứ người sẽ không làm bận tâm anh với tư cách một công dân lương thiện. Quỳnh và Tám là những người rất thực tế, họ không chút nào quan tâm đến những giấc mơ cũ kỹ của các cựu sinh viên, mà họ quyết tâm nhắm tới tương lai đầy lợi lộc đang mở ra cho họ ở quê nhà.Tôi đóan là chị Quỳnh bây giờ hẳn cũng là một đảng viên như anh Tám.
Tên người trong hồi ức này đều được đổi trừ anh Lương Châu Phước, Võ Quang Tu, Vũ Quang Việt, Nguyễn Văn Trung đều đã lộ hàng từ lâu, và dĩ nhiên ông Võ Văn Kiệt nữa.
Tôi viết tặng hai anh Khanh và Thủy ở Canada, và có thể nhiều bạn xứ lá phong khác nữa mà tôi không biết.
DC đầu hè 6.12.15
Nguồn: Những nẻo đường Canada. Kính Hòa. Facebook, 12/06/2015. DCVOnline minh họa.