Magna Carta: Một cách nhìn khác
David Allen Green | Trà Mi dịch
Huyền thoại tiêu cực của Đại Hiến chương (Magna Carta) trong vẻ huyền ảo thời trung cổ và hằn nét tình cảm, tài liệu thêu dệt này đã cho phép các chính khách và quan tòa nói những lời đãi bôi về quyền và pháp trị – trong khi thực sự không nói gì cả.
Hiến pháp Anh thường được mô tả là một hiến pháp “bất thành văn”. Điều này không đúng hẳn. Đúng là không có một văn kiện luật lệ nào gọi là “Hiến pháp Anh” gồm tất cả các luật và truyền thuyết về tác động thực tế của hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp Anh đã được viết xuống; nó chỉ được viết ra ở một vài nơi. Nó gồm một hợp tuyển các quy chế, những cuốn sách thiêng, các học thuyết cổ xưa, và các quy ước tiến hóa. Trong số này, nổi tiếng nhất là cái gọi là Magna Carta năm 1215.
Hiến chương này vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 800 vào ngày 15 tháng 6, và trong những tuần trước đó, nó là chủ đề của những hội nghị và các cuộc triển lãm, các bài phát biểu và bài nghị luận (như bài này), ở cả Vương quốc Anh và các nơi khác trong thế giới theo luật tập tục (common law, luật theo tập quán thông thường).
Thật rất dễ để cùng đi với sự cường điệu. Magna Carta (theo ước lệ không có mạo từ xác định) là, theo như người ta nói, nền tảng của tự do của nước Anh và đá móng của tinh thần tôn trọng luật pháp (pháp trị). Văn kiện pháp lý được Vua John đóng dấu tại Runnymede vì sự đốc thúc của những thủ lĩnh nổi dậy và Giáo hội phóng chiếu tư tưởng của một hiến pháp dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp (pháp trị), rồi trở thành nền tảng của một trật tự chính trị và luật pháp tự do. Và do đó, nó tiến lên và từ đó đi đến nền dân chủ hiện đại hôm nay.
Quả cũng rất dễ để chế nhạo cách giải thích như vậy là điều phi lý. Văn kiện năm 1215 chỉ có hiệu lực một vài tháng trước khi bị bãi bỏ. Hiến chương, mà chúng ta gọi là Magna Carta, thực sự chỉ có từ 1297. Hiến chương đó không được John hoặc người cùng thời với ông gọi là Magna Carta, hay Đại Hiến chương; biệt danh đó xuất hiện sau này. Phần lớn của văn kiện đó liên hệ đến những việc đời thường như thủy sản, rừng, và bây giờ gần như tất cả đã bị hủy bỏ.
Magna Carta chắc chắn là một văn kiện nổi tiếng. Một đoạn văn đặc biệt được tôn trọng như một tuyên bố có tầm quan trọng cao nhất, và đúng như vậy:
“Không người dân nào có thể bị bắt hoặc bị bỏ tù, hoặc bị tước đoạt quyền sở hữu, sự tự do, hoặc phong tục tự do, hoặc bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, hoặc bị lưu đày, hoặc bị tiêu diệt; cũng không phải chúng ta sẽ không xét xử, hay cũng không lên án họ, nhưng phải theo phán xét hợp pháp của những người dân khác, hoặc theo luật pháp quốc gia. Chúng ta sẽ không bán cho ai, chúng ta sẽ không từ chối hoặc trì hoãn quyền và công lý với bất kỳ người dân nào.”
Đây là một tuyên bố rõ ràng không thể so sánh về điều kiện tiêu chuẩn mà chính phủ cần phải tuân theo luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, thì nó vô giá trị.
Rất ít, nếu có, những vụ án trước các tòa án của Anh Quốc đã sử dụng tuyên bố này. Tuyên bố này dường như đã không làm thay đổi kết quả trong bất kỳ một vụ án nào đã được biết, mặc dù nó thường được đề cập đến. Thậm chí gần đây, người ta đã không thành công trong việc sử dụng nó để thách thức án lệnh trục xuất người biểu tình chính trị và các nỗ lực nhằm hạn chế trợ giúp pháp lý. Chắc chắn nó đã thường được trích dẫn với sự chấp thuận của quan tòa, cũng như của chính khách. Và đó là chỉ dấu của sự quan trọng của nó: Đó là một khẩu hiệu hay một lời nói vô vị. Nó không phải là luật, ít nhất là trong bất kỳ ý nghĩa nào. Không ai có thể ra trước tòa án và trích dẫn Đại Hiến chương, và những người làm thế lại không được tòa án coi là thành thật. Vài năm trước đây khi một người biểu tình đã thử dựa vào Magna Carta chống lại lệnh giải tán những người biểu tình Chiếm cứ Nhà thờ St. Paul, lập tức quan tòa đã chế giễu thách thức đó. Người biểu tình tuyên bố ông là một “người thừa kế Magna Carta”; thẩm phán đã phủ nhận vị trí đó của ông, nói rằng đó là “một khái niệm không được biết tới trong pháp luật”.
So sánh điều này với bất kỳ quyền lợi nào quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ. Vài trong số này – Tu chính án Thứ nhất bảo đảm tự do báo chí, hay quyền của bị đơn để “dựa vào tu chính án Thứ năm” [đặc quyền cho phép một nhân chứng từ chối trả lời những câu hỏi có thể buộc tội mình, mà không bị phạt] – là những quyền thực sự có ý nghĩa đời thường cho công dân Mỹ. Đây là những quyền sinh động và có tác động thực sự vào những gì nhà nước có thể và không thể làm.
Đây không phải là trường hợp của Magna Carta. Ngay cả phương tiện mạnh nhất ở Anh để thách thức những vụ bị giam giữ bất hợp pháp – lệnh bảo hộ nhân thân [the writ of habeas corpus] – là một phát triển riêng và không có liên quan với Magna Carta.
Vì vậy, tại sao là Magna Carta nổi tiếng đến thế nếu nó không có bất kỳ sự quan trọng nào trong pháp luật? Và nó thực sự quan trọng không nếu nó chỉ để làm cảnh hơn là có giá trị pháp lý?
Magna Carta nổi tiếng trong giới học giả và luật sư không phải từ thể kỷ 13 mà ở những năm 1600, đặc biệt nhờ một người tuyên truyền và luật gia thiên tài tên là Sir Edward Coke. Ông đã tái sinh Magna Carta như một văn kiện chính về dân quyền chống lại vương triều trong thời cai trị áp bức của vua Charles đệ I, cũng rõ ràng như Shakespeare đã kể lại những câu chuyện của một loạt các vị vua thời Trung cổ và Malory diển giải chuyện về vua Arthur. Ông lấy một tài liệu khá mơ hồ và đầy bụi – gọi là “vĩ đại” vì chiều dài chứ không phải vì ý nghĩa của nó – và làm nó trở thành nền tảng của một bản hiến pháp hiện đại. Thật vậy, phần lớn những gì tưởng là văn hóa và xã hội Anh Quốc thời Trung Cổ chỉ hàng dỏm và lời ra láo lếu về các triều đại Tudor và Stuart.
Nhưng thế thì đã sao? Chắc chắn phải có một cái gì đó để Magna Carta trở thành một “biểu tượng” chứ? Tệ nhất, người ta cũng chỉ có thể nói là nó vô hại, và tốt nhất thì nó là nguồn cảm hứng. Có lẽ như thế; nhưng cũng còn một quan điểm khác, nhiều hoài nghi hơn.
Các chính phủ và những người tầm thường trân quý Magna Carta không bất chấp sự thiếu ý nghĩa pháp lý của nó, nhưng vì chính sự thiếu ý nghĩa pháp lý này. Nó là phương tiện để những người không muốn quyền lực pháp lý của họ bị thách thức hay hạn chế bởi bất kỳ tòa án nào vẫn có thể nói đãi bôi về cái truyền thống hiến pháp tuyệt vời. Chính phủ Bảo thủ hiện tại của Anh Quốc muốn chúng ta hoan hô nhân dịp kỷ niệm 800 năm Magna Carta, một văn kiện không thể thi hành tại tòa án, trong khi họ lại tìm cách bãi bỏ Đạo luật Nhân quyền năm 1998, cái mà người có thể sử dụng trước tòa.
Rốt cuộc, Magna Carta không phải là về một nguyên tắc hiến định nhưng là biểu tượng của sự thiếu nguyên tắc hiến định. Đó là một loại văn kiện mà nhóm quyền lực muốn người dân ca ngợi, thay vì cho người dân bất kỳ quyền hiến định thực tế nào.
Đừng sa ngã vì nó.
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Destructive Myth of the Magna Carta. By David Allen Green. Foreign Policy, June 15, 2015.