Thay đổi hệ hình viết sử ở Việt Nam
Le Minh Khai | Hoa Quốc Văn dịch
Khái niệm “thay đổi hệ hình” thường được các học giả hàn lâm sử dụng. Nó là một khái niệm do Thomas Kuhn tạo ra vào năm 1962 trong cuốn The Structure of Scientific Revolutions (Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học).
Trong khi khái niệm này có một nghĩa chuyên sâu liên quan đến những ngành khoa học có tính ổn định cao trong cuốn sách này, thì các học giả ngày nay ở các lĩnh vực khác thường sử dụng nó với nghĩa phổ quát hơn để bàn về một sự thay đổi xảy ra khi một cái nhìn đã lâu về cái gì đó bị lật nhào.
Một sự biến đổi hệ hình xảy đến như thế nào? Vâng nó thường là trường hợp người ta bắt đầu chú ý đến những cách thức một cái nhìn hay một sự diễn giải nào đó về một vấn đề không còn ý nghĩa nữa. Rồi rốt cuộc ai đó nắm lấy chứng cớ này và đưa ra một lập luận mạnh mẽ nhằm ủng hộ một cách nhìn hay diễn giải mới về vấn đề, và điều này dẫn người ta đến việc ngừng quan niệm/diễn giải vấn đề hay sự kiện bằng cách thức cũ và chào đón góc nhìn mới đó.
Gần đây tôi có nói đến một cuốn sách mới của Nguyễn Liên Hằng có tên Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam [Cuộc chiến của Hà Nội: Một lịch sử quốc tế về Chiến tranh và Hoà bình ở Việt Nam]. Cuốn sách này có tiềm năng đưa lại một sự biến đổi hệ hình, vì nó cung cấp nhiều chứng cớ chống lại những cách diễn giải hiện hành.
Những chứng cớ đó bắt nguồn từ đâu? Trước hết đến từ công việc của Liên Hằng trong các văn khố từ khắp nơi trên thế giới. Thứ hai, từ những công trình mà các học giả khác gần đây đã dẫn dụng về chủ đề này, cũng như những nghiên cứu khác đó cũng cung cấp những chứng cứ cho thấy rằng hệ hình đang [giữ vai trò] chi phối là không chính xác.
Điều này dẫn đến những câu hỏi. Nếu các học giả khác đã cung cấp những dẫn chứng chống lại hệ hình hiện có, thì tại sao nó chưa thay đổi? Cái gì sẽ xảy ra cho một hệ hình khi rốt cuộc nó phải thay đổi?
Đây là những câu hỏi khó trả lời. Người ta không bao giờ có thể dự đoán chính xác được khi nào một hệ hình sẽ bị lật nhào. Một học giả có thể biết được qua toàn bộ sự nghiệp của mình rằng có những điều nào đó người ta nói và nghĩ không còn là sự thật nữa, nhưng những cái nhìn đó có lẽ không bao giờ thay đổi trong cuộc đời của một vị học giả xác định.
Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, cách nhìn nhận một chủ đề hay một lĩnh vực nào đó có thể thay đổi triệt để trong một thời gian ngắn.
Điều đó đưa chúng ta đến với lịch sử Việt Nam. Có nhiều hệ hình lý giải về quá khứ của Việt Nam là không chính xác, và những gì nhiều người biết cũng không chính xác. Chúng ta có thể lập một danh sách dài dài.
Nhiều người thực sự tin rằng có một vương quốc tên là Văn Lang ở thiên niên kỷ đầu trước Công nguyên do các vua Hùng được cai trị.
Nhiều người không có ý niệm về việc cách thức những người Việt có học nhìn nhận thế giới đã bị thay đổi hoàn toàn thế nào trong thế kỷ XX, và hệ quả là, sử dụng hồn nhiên những khái niệm hiện đại kiểu như “dân tộc” để bàn về thời kỳ trước thế kỉ XX (khi các trí thức Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX cho thấy rõ rằng đây là một khái niệm mới đối với họ).
Nhiều người tin rằng ý tưởng cho người Việt đã “luôn chống lại sự xâm lược của ngoại bang” là một phần của ý thức về “dân tộc Việt” ngay từ đầu, mà không thấy rằng đây là một diễn ngôn hiện đại được tạo ra ở thế kỷ XX để tập hợp mọi người thực hiện chính xác một điều mà họ đang không làm [trong hiện tại] – phản kháng.
Những cách nhìn này là một phần của một hệ hình, một cách nhìn quá khứ, và có một lượng rất lớn chứng cứ chống lại hệ hình này cũng nhiều nhân tố của nó. Cũng có nhiều người đã nhận ra rằng hệ hình này là không đúng, và hệ hình đó vẫn tồn tại dai dẳng.
Tại sao nó vẫn còn dai dẳng? Nó dai dẳng ở bên ngoài Việt Nam bởi vì quá ít người bên ngoài đất nước này nghiên cứu về quá khứ Việt Nam. Vì vậy rất khó có đủ chứng cứ để tích luỹ nhằm rốt cuộc đủ sức lôi cuốn sự chú ý của mọi người.
Bên trong Việt Nam, hệ hình này vẫn còn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Người ta không xem xét lịch sử Việt Nam theo kiểu so sánh và vì vậy không thấy được những cách thức mà bằng nó sự phát triển của lịch sử Việt Nam tương hợp với sự phát triển lịch sử của các khu vực khác, và rồi họ đưa ra những tuyên bố về quá khứ Việt Nam khá là vô nghĩa trong một phạm vi có tính so sánh.
Người ta không được biết đến nhiều ý tưởng và lý thuyết vốn đã trở thành kiến thức phổ thông ở phương Tây từ cách đây vài thập kỷ, là những gì tôi đã viết ở đây.
Cuối cùng, bằng những cách thức nào đó tính hợp pháp về chính trị được gắn chặt đối với các hệ hình hiện hữu, và điều đó gây trở ngại cho người ta khi muốn thách thức những hệ hình hiện tại bởi vì có khả năng nghiên cứu của họ có thể bị diễn giải như là một sự thách thức chính trị (điều dĩ nhiên là không nên, nhưng người ta không thể điều khiển cách người khác nghĩ được).
Vì vậy, nếu bạn là một học giả và bạn thấy rằng một hệ hình hiện hữu không chính xác, bạn sẽ làm gì?
Có một hướng tiếp cận là phải giới thiệu những ý tưởng mới – cái có thể làm thay đổi một cái nhìn lạc hậu, nhưng việc đó không đả động đến những chủ đề có thể bị xem là “nhạy cảm chính trị”. Có công trình chất lượng tốt gần đây, trong đó các học giả đã chỉ dẫn về lịch sử mậu dịch quốc tế chẳng hạn, đã làm được điều này. Những học giả này đã sử dụng các lý thuyết và góc nhìn được vận dụng bởi các học giả trên toàn cầu, và trong quá trình đó, họ tham dự vào một cuộc đối thoại học thuật quốc tế, và viết ra những góc nhìn mới về quá khứ Việt Nam.
Điều đó là tốt, nhưng đồng thời, nó bỏ lại không đụng đến toàn bộ những vấn đề cơ bản còn cần phải bàn đến trong lịch sử Việt Nam. Vì vậy, rốt cuộc, không nhiều thay đổi. Nói vậy, nhưng đó có thể là cách khôn ngoan hơn để giới thiệu những ý tưởng mới. Hoặc chúng ta có thể sống cả cuộc đời biết rằng khá nhiều cái đã được viết và nói về quá khứ Việt Nam là không chính xác, mà không bao giờ thấy nó thay đổi tí nào cả.
Nguồn:
– Nguyên bản Anh ngữ: Paradigm Shifts in Vietnamese History. Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 06 sep 12.
– Bản dịch tiếng Việt: Thay đổi hệ hình viết sử ở Việt Nam. By Le Minh Khai. Người dịch: Hoa Quốc Văn. DCVonline biên tập.