Kẻ bạo ngược làm gì để tồn tại
Bruce Bueno de Mesquita & Alastair Smith | Trà Mi dịch
Tại sao một số kẻ độc tài sống sót trong khi một số khác lại bị hạ bệ? Trong suốt dòng lịch sử, người dân bị áp bức cố thoát ra khỏi ách của những kẻ đàn áp, nhưng cách mạng, giống như phong trào nổi dậy ở thế giới Ả Rập, là chuyện rất hiếm.
Kẻ cai trị bạo ngược duy trì quyền lực bằng cách thưởng công cho một đám bộ hạ trung thành, thường gồm đám tướng lãnh chủ chốt, cán bộ công chức cấp cao và người trong gia đình hoặc dòng họ. Một trách nhiệm chính của những đầy tớ trung thành đó là đàn áp người đối lập với chế độ. Nhưng họ chỉ làm những việc bẩn thỉu, khó chịu này nếu họ được trả công. Do đó những kẻ chuyên quyền cần phải bảo đảm được nguồn lợi liên tục cho đám tay sai của họ.
Nếu những bọn tay sai của kẻ độc tài từ chối đàn áp cuộc nổi dậy của quần chúng, hoặc nếu họ bỏ sang phe địch, thì kẻ độc tài sẽ thực sự có vấn đề. Đó là lý do tại sao những kẻ chuyên quyền thành công ban phát cho bộ hạ của họ trước nhất, và dân chúng là những người sau cùng. Miễn là bọn tay chân của họ được bảo đảm quyền lợi xa hoa, mọi cuộc chống đối sẽ được dập tắt không khoan nhượng. Một khi quần chúng nghi ngờ lòng trung thành của đám bộ hạ bị lung lay thì đó là một cơ hội để cuộc nổi dậy thành công. Ba loại người cai trị đặc biệt dễ bị bộ hạ bỏ rơi là những người lãnh đạo mới, kẻ đã hết thời và người bị phá sản.
Những kẻ độc tài mới lên ngôi không biết tiền ở đâu hoặc họ có thể mua lòng trung thành của những ai với giá rẻ và hiệu quả. Vì vậy, trong lúc chuyển đổi, các nhóm làm cách mạng có thể nắm bắt thời cơ để lật đổ một chế độ mới, chưa vững.
Nguy hiểm có khi còn lớn hơn sẽ rình rập đám chuyên chế già nua mà thủ hạ không còn có thể dựa vào để hưởng những đặc quyền và hoặc được trả công cho sự bảo kê của họ. Họ biết hắn không thể trả tiền cho họ từ thế giới bên kia. Sự già yếu giảm bớt lòng trung thành của thủ hạ, nâng cao xác xuất các lực lượng an ninh sẽ ngồi nhìn chứ không ngăn chặn một cuộc nổi dậy, cho quần chúng một cơ hội thực sự để nổi loạn. Đây là những gì xẩy ra đưa dến sự kết thúc của các chế độ độc tài ở Philippines, Zaire và Iran.
Ngoài những tin đồn về mối quan tâm tới sức khỏe của Zine el-Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak, Tunisia và Ai Cập còn bị ảnh hưởng vấn đề kinh tế nghiêm trọng đã châm mồi cho cuộc nổi loạn. Giá ngũ cốc và nhiên liệu tăng, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong số người có học vấn, rất cao và, trong trường hợp của Ai Cập, đã có một sự giảm sút đáng kể về mặt viện trợ của Mỹ (sau này Tổng thống Obama đã phục hồi). Giới quân sự ủng hộ ông Mubarak, những người dã “ăn” tiền viện trợ đó, lo ngại rằng họ không còn là một nguồn thu nhập đáng tin cậy nữa.
Khi tiền trở nên khan hiếm, giới lãnh đạo không thể trả công cho đám thủ hạ của họ, vì thế không có ai để ngăn chặn người dân nếu họ nổi loạn. Điều này chính xác là những gì đã xảy ra trong những cuộc cách mạng ở Nga và Pháp và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu – và lý do tại sao chúng tôi dự đoán sự sụp đổ của ông Mubarak trong một bài thuyết trình cho các nhà đầu tư hồi tháng Năm [2011].
Mối đe dọa với chế độ Bashar al-Assad tại Syria có thể xem như một vụ tương tự. Với một dự tính thâm hụt khoảng 7 phần trăm của GDP cho năm 2011, nguồn thu từ dầu suy giảm và thất nghiệp cao trong giới trẻ, ông Assad phải đối phó với những điều kiện hoàn hảo cho một cuộc cách mạng. Assad có thể đàn áp hôm nay, nhưng chúng tôi tin rằng một là cuối cùng ông sẽ thực hiện những cải cách khiêm tốn, hay hai là một người nào khác sẽ thay ông làm như vậy.
Sự lây nhiễm cũng đóng một phần quan trọng trong thời cách mạng. Khi quần chúng biết rằng giới lãnh đạo ở các nước lân cận không thể mua chuộc được lòng trung thành, họ cảm thấy rằng họ cũng có thể có cơ hội. Nhưng điều đó không tự động dẫn đến những cuộc cách mạng bắt chước. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước vùng Vịnh nhiều dầu mỏ, hoặc là đã có không có phản kháng, hoặc chống đối đã bị đàn áp bằng bạo lực. Ví dụ, ở Bahrain, 60% doanh thu của chính phủ xuất phát từ lĩnh vực dầu khí; do đó các giới lãnh đạo tại đây đã ít khi phải ứng phó với các cuộc biểu tình bằng đàn áp bạo lực.
Lý do là những kẻ chuyên quyền giàu tài nguyên sẵn có một nguồn thu nhập vững chắc để thưởng công cho đám thủ hạ – và các cuộc đàn áp quần chúng không gây nguy hiểm đến nguồn tiền. Sự giàu có nhờ tài nguyên thiên nhiên giải thích lý do tại sao những người đã ở tuổi tám mươi như Robert Mugabe không cho thấy có dấu hiệu nào muốn rời khỏ ghế quyền lực ở Zimbabwe và Đại tá giàu vì dầu mỏ Muammar el-Qaddafi đã không có một sự thỏa hiệp nào từ đầu ở Libya. Tuy vậy, khi NATO bỏ bom Tripoli, Qaddafi mới thấy rằng ông cần phải thuyết phục những bộ hạ trung thành còn lại là ông có thể tái kiểm soát Libya hay họ cũng sẽ quay đầu chống lại ông. Đáng buồn thay, nếu quân nổi dậy chiến thắng thì họ có lẽ cũng đàn áp tự do để đảm bảo quyền kiểm soát của cải từ những mỏ dầu.
Các chế độ giàu nhờ tài nguyên thiên nhiên hoặc tràn ngập với viện trợ nước ngoài có thể dễ dàng đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và, quan trọng nhất, quyền hội họp. Ngược lại, các người lãnh đạo nước nghèo tài nguyên không thể dễ dàng giới hạn sự vận động quần chúng mà không đồng thời làm cho công việc sản xuất trở nên quá khó có thể cắt đứt các nguồn thu thuế họ cần để mua lòng trung thành của thủ hạ.
Trong trường hợp như vậy, giới lãnh đạo ở vị trí dưới búa trên đe, nên khôn ngoan để cởi mở trước khi quá trễ. Đây là lý do tại sao chúng tôi mong đợi các nước như Morocco và Syria sau này sẽ đổi mới ngay cả khi phản ứng ban đầu của họ là đàn áp người đối lập. Động cơ thúc đẩy tương tự để dân chủ hóa hiện có ở nhiều nước không có tài nguyên thiên nhiên như Trung Quốc và Jordan – là một điềm xấu cho giới cầm quyền độc tài và là tin mừng cho quần chúng đang bị áp bức trên thế giới.
Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith là giáo sư Khoa Chính trị học tại Đại học New York và là đồng tác giả của cuốn “The Dictator’s Handbook.”Bài bình luận này đã đăng ở trang A35 trong ấn bản ngày 10 tháng sáu năm 2011 của Nữu Ước Thời báo (The New York Times) với tựa đề: “How Tyrants Endure.”
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: How Tyrants Endure. By Bruce Bueno De Mesquita And Alastair Smith. The New York Times, June 9, 2011. DCVOnline minh họa bổ túc.