“Nén bạc đâm toạc tờ giấy”
Trần Phong Vũ
Vẫn theo tiết lộ của nhà báo Rushford thì trên trang mạng của CSIS đã vô tình tiết lộ trong năm 2014 Việt Nam trả cho CSIS trong khoảng từ 50.000 USD tới 500.000 USD. Nhưng trang này không hề cho biết khoản tiền đó được sử dụng vào việc gì!
Chuyện Hà Nội “mua” được cả CSIS?
Bối cảnh
Chỉ còn không đầy 5 tháng nữa là đến Đại Hội Đảng Cộng Sản 12 được dự liệu khai diễn vào đầu tháng 1 năm 2016. Và càng gần tới thời điểm mà theo ngôn ngữ CNXHVN gọi là “nhậy cảm” này, chuyện đấu đá trong nội bộ cộng đảng cấp cao càng trở nên quyết liệt. Cao điểm là cái chết “theo qui trình” của những khuôn mặt lớn như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh. Gần đây nhất, là sự xuất hiện trong tư thế kẻ chiến bại của tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau một tháng biến mất một cách khó hiểu cùng với những tin đồn ông bị ám sát, trong khi tin chính thức nhà nước cho hay ông tướng được đưa vào bệnh việc Georges Pompidoux ở Paris để cắt khối u trong phổi!
Trước những biến cố ấy cộng thêm chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng bí thư (TBT) đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng, những người lạc quan tin rằng khuynh hướng thân Mỹ trong đảng CSVN đã thắng khuynh hướng ngả theo Tàu lâu nay. Tâm lý lạc quan quá sớm này càng được củng cố thêm khi những viên chức cao cấp trong hai Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ đi về Việt Nam tấp nập kèm theo những lời tuyên bố đầy hứng khời. Nội dung diễn văn của ông Danial Russell, Trợ Lý Ngoại Trưởng Mỹ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies, gọi tắt là CSIS) hôm 21-6-2015 và câu đối đáp sau đó giữa ông Russell và Ngô Sĩ Tồn, một nghiên cứu gia cao cấp của Bắc Kinh, càng khiến cho dư luận tin rằng Hoa Thịnh Đốn đã có kế hoạch buộc Hà Nội phải đáp ứng những đòi hỏi về nhân quyền, về tự do tôn giáo trước khi gia nhập TPP.
Nhưng sự thể đã có những chuyện bất bình thường không ai ngờ trước!
Một tiết lộ động trời
Trên trang mạng Rushfordreport.com của Grey Rushford, một nhà báo Mỹ chuyên viết phóng sự điều tra về chính trị liên quan tới mậu dịch quốc tế, hôm 4 tháng 8 đã đăng một bài do chính ông viết dưới tiêu đề “How Hanoi ‘Buy’ Influence in Washington, D.C.”, tạm dịch “Bằng cách nào Hà Nội đã ‘mua’ được ảnh hưởng tại Washington, D.C.?”
Người đọc không khỏi choáng váng khi lướt qua những tiết lộ động trời của Rushford chung quanh những chứng từ cụ thể và trắng trợn về những trao đổi bằng tiền giữa chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Mỹ. Dư luận cho rằng, ảnh hưởng của nó sẽ không chỉ ngừng lại ở Trung Tâm này và một cách nào đó, chắc chắn còn chi phối tới những quyết định của cả hai cơ cấu đầu não trong hệ thống quyền lực nước Mỹ là tòa Bạch Ốc và hai viện Quốc Hội liên quan tới vận mạng dân tộc Việt Nam.
Bài viết của Gray Rushford nói gì?
Lấy chuyến công du Việt Nam của Ngoại Trưởng Hoa Kỷ John Kerry làm cột mốc cho những gì được tiết lộ sau đó, tác giả cho rằng vấn đề nhân quyền hẳn sẽ được nêu ra trong các cuộc gặp gỡ của ông Kerry với giới lãnh đạo Hà Nội. Ông bảy tỏ niềm hy vọng là công an sẽ không có những hành vi sách nhiễu man rợ đối với các nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhận quyền, nhân phẩm Việt Nam như họ đã làm hồi tháng 5 vừa qua, thời điểm ông Tom Malinowski, cố vấn cao cấp của ông Kerry vừa kết thúc cuộc thăm viếng thủ đô Việt Nam. Nhà báo Rushford nhắc lại sự kiện chỉ hai ngày sau khi ông Malinowski vừa chấm dứt những cuộc trao đổi được coi là “kết quả tốt” với giới lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, blogger Anh Chí (tức Nguyễn Chí Tuyến), một blogger từng có những bài viết chống Trung Cộng xâm lược, đã bị công an chìm với sự tiếp tay của du đãng đả thương vào đầu khiến máu chảy đầy mặt và ngực áo.
Trước đó nhà báo nhắc lại những lời tuyên bố trơ trên của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế sau khi phó hội với TT Obama tại tòa Bạch Ốc như “Tôi đoan quyết Việt Nam luôn coi trọng vấn đề nhân quyền”, “Vấn đề bảo vệ và duy trì quyền của con người là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Việt Nam.” Từ đấy, nhà báo Rushford công khai đề cập một biến cố mà ông coi là xấu xí, là một vết nhơ lẽ ra không nên để xảy ra khi Hoa Kỳ vừa lên tiếng cho rằng Việt Nam đã có những “tiến bộ về phương diện nhân quyến”. Đó là sự kiện Bác Sĩ Nguyễn Thể Bình đã bị bắt buộc phải rời phòng họp của CSIS vì một khẩu lệnh của những nhân viên an ninh trong phái đoàn CSVN cấm không cho bà tham dự buổi nói chuyện của ông Trọng tại đây(*). Điều trớ trêu là BS Bình vốn là một trong những khách mời nhưng khi sự kiện xấu này xảy ra người ta lại giải thích lá bà thuộc diện ‘không được ưu ái’ (Persona Non Grata)! Câu hỏi đặt ra là: ai, cơ quan nào là chủ thể dẫn tới sự ‘không ưu ái’ này?
Nguyễn Phú Trọng tại CSIS (14 Tháng 7, 2015). Nguồn: CSIS
Được biết bác sĩ Nguyễn Thể Bình vốn là một người tranh đấu nổi tiếng cho tự do và nhân quyền Việt Nam. Bà là cánh tay mặt(*) của BS Nguyễn Quốc Quân bào Huynh BS Nguyễn Đan Quế trong Cao Trào Nhân Bản. Bà từng được tòa Bạch Ốc mời cùng với một số trí thức, đại diện chính đảng, trong số có luật sư Cù Huy Hà Vũ, gặp Tổng Thống Obama trước ngày ông tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng. Bài viết của nhà báo Rushford cũng đề cập sự hiện diện của BS Bình trong cuộc biểu tình ở Hoa Thịnh Đốn của cả ngàn đồng bào để bày tỏ quan điểm chống đối hôm phái đoàn ông Trọng tới Nhà Trắng. Theo Rushford thì an ninh trong phái đoàn CSVN đã chụp được hình bà và do đó, theo quán tính hung hãn khi tác nghiệp trong nước, họ đã công nhiên có những hành vi ngang ngược ngay trên xứ sở tự do này. Một cách nào đó ông gián tiếp nói lên sự hoài nghi với ý nghĩ những viên chức an ninh CSVN trong phái đoàn ông Trọng tỏ ra là họ có quyền làm thế khi được bảo đảm đã có ‘tay trong’ hỗ trợ cho hành vi của họ!
Để có một ý niệm cụ thể về sự kiện hy hữu này, mời độc giả đọc trích đoạn sau đây trong bài viết của nhà báo Guy Rushford:
“Binh, an invited guest, cleared CSIS security at the entrance, as she had on several previous occasions. But when she went upstairs to join the audience, a CSIS senior fellow was waiting. Murray Hiebert, accompanied by a CSIS security guard, insisted that Binh leave the premises. An obviously uncomfortable Hiebert explained that he was so sorry, but the communist security operatives simply would not permit Binh to hear Trong’s speech. The apologetic Hiebert told Dr. Binh that he had tried his best to reason with the Vietnamese security officials, but to no avail. They were not interested in negotiating, and were adamant that Binh would not be allowed to hear Trong’s speech, Hiebert related.”(**)
Tạm dịch:
“Như những lần khác trong quá khứ, Bà Bình, một khách mời đã thông qua vòng kiểm soát của an ninh CSIS ở cổng vào. Nhưng khi bà bước lên lầu để cùng cử tọa tham dự buổi họp thì ông Hiebert, một viện sĩ của CSIS chờ sẵn cùng với trật tự viên của sở. Ông nài nỉ bà rời khỏi phòng. Với một thái độ thiếu thoải mái, ông ta giải thích là ông rất buồn, nhưng các nhân viên an ninh cộng sản không cho phép bà Bình nghe diễn từ của ông Trọng. Với giọng xin lỗi, ông Hiebert nói với bà Bình rằng ông đã cố hết sức viện dẫn lý lẽ với viên chức an ninh Việt Nam nhưng vô hiệu. Họ không muốn thảo luận và dứt khoát không cho phép bà Bình nghe diễn văn của ông Trọng.”
Nhân sự kiện này, nhá báo Gray Rushford cho rằng “công an Hà Nội đã công khai tác nghiệp ngay trên đất Mỹ”. Vẫn theo ông thì chuyện không đẹp này là một bằng chứng cụ thể cho thấy Hà Nội đã thành công trong việc dùng sức mạnh của đồng tiền để tạo ảnh hưởng tới tính độc lập, vô tư của CSIS. Ông viết: Sự việc đáng hổ thẹn tại CSIS cho ta thấy một chỉ dấu về việc Đảng Cộng sản đã âm thầm mua ảnh hưởng nhằm thúc đẩy nghị trình ngoại giao ở Washington theo chiều hướng họ muốn. Đây là chiến dịch vận động tinh vi đã như đạt được hiệu quả. Hà Nội dường như biết được rằng ở Washington, có tiền là mua được mọi sự (money talks).
Những chỉ dấu của “Money Talks”
Đọc lại trích đoạn trên đây của nhà báo Rushford, ta thấy ông đề cập tên Hiebert, một viên chức uy tín của CSIS. Vậy Hiebert là ai?
Theo tiết lộ của Rushford trong bài viết trên blog của ông và sau đó được phát tán khắp nơi, Hiebert (tên đầy đủ, Murray Hiebert) là người có thâm niên trong nghề báo và từng làm cho Far Eastern Economic Review, The Wall Street Journal, The Diplomat và dĩ nhiên cả cho CSIS. Tại viện Nghiên Cứu này ông theo dõi những bloggers viết về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có những nhân vật tên tuổi. Rushford nhận xét: “tuồng như Hiebert khi bày tỏ quan điểm thường tỏ ra dè dặt không muốn làm mếch lòng các lãnh đạo trong hệ thống cầm quyền ở Hà Nội.” Tác giả bài báo cho biết, Hiebert là đồng tác giả bản Nghiên Cứu của CSIS năm 2014 mang tiêu đề “Một Kỷ nguyên Mới trong quan hệ Mỹ-Việt – “A New Era in U.S.-Vietnam Relations” mà theo ông, trong đó có những chi tiết không phản ánh trung thực những gì đã và đang xảy ra trong lãnh vực nhân quyền ở Việt Nam. Thí dụ như: Hồ sơ này không hề nói tới sự kiện chế độ CSVN không tuân thủ Công ước Quốc tề về Quyền Dân sự và Chính trị mà họ đã công nhận và tham gia. Bản Nghiên Cứu cũng không hề đề cập tới chi tiết quan trọng là các điều luật trong bộ luật hình sự của Hà Nội đã cố tình ‘hình sự hóa’ tự do ngôn luận, tự do hội họp để mặc tình xách nhiễu, bắt bớ giam cầm các nhà tranh đấu cho những quyền căn bản này.
Chĩa thẳng mũi dùi chí trích vào Murray Hiebert, tác giả cột trụ trong việc soạn thảo Nghiên Cứu“A New Era in U.S.-Vietnam Relations”, nhà báo Rushford cho rằng: lẽ ra Nghiên Cứu phải đòi buộc Hà Nội giúp cải thiện những việc làm sai trái của họ bằng hành vi hiện đại hóa bộ luật hình sự vốn yếu kém, phản tiến hóa, thì ông Hiebert chỉ đưa ra khuyến nghị yêu cầu phía Mỹ và Bộ Công an CSVN gặp gỡ để trao đổi thêm. Điều dị thường theo nhà báo Rushford là Hiebert còn lên tiếng chỉ trích những người người Mỹ gốc Việt đấu tranh đòi dân chủ là không hiểu gì về những thực tế tại Việt Nam ngày nay! (He further criticized many Vietnamese-American pro-democracy advocates for being out of touch with realities in today’s Vietnam.)
Ông nêu lên câu hỏi nhức nhối: Như thế, ai, cơ cấu nào đã chi tiền cho việc thực hiện bản nghiên cứu? (So who might have paid for that?)
Vì hoài nghị có chuyện lem nhem tiền bạc dẫn tới những nhân nhượng cố ý trong bản nghiên cứu, Rushford đã hơn một lần cật vấn Hiebert. Ngoài ra ông cũng đã liên lạc với viện CSIS để yêu cầu lý giải về trường hợp BS Nguyễn Hải Bình bị áp lực của nhân viên an ninh (công an) trong phái đoàn Nguyễn Phú Trọng, buộc phải rời trụ sở CSIS không được tham dự buổi nói chuyện của ông Trọng với sự tiếp tay công khai của Hiebert. Về phần Hiebert đã hơn một lần từ chối câu hỏi của Rushford.
Đi xa hơn, nhà báo Rushford cũng đã gửi văn thư cá nhân tới tòa Đại Sứ VNCS tại Hoa Thịnh Đốn để yêu cầu ông Phạm Quang Vinh xin lỗi BS Nguyễn Hải Bình vì sự kiện nhân viên an ninh Hà Nội đã đuổi bà ra khỏi CSIS không cho bà tham dự buổi nói chuyện của ông Nguyễn Phú Trọng tại đây, nhưng ông Vinh làm ngơ không trả lời. Riêng trường hợp Hiebert, cuối cùng Rushford cho biết ông ta đã phải nhìn nhận là chi phí cho việc thực hiện bản Nghiên Cứu “A New Era in U.S.-Vietnam Relations” năm 2014 là do Hà Nội cung cấp! Gray Rushford viết:
“Sau khi được hỏi hai lần, ông Hiebert đã thú nhận rằng chính phủ Việt Nam trả tiền cho nghiên cứu này. Ông nói rằng không có tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho nghiên cứu đó.”
Vẫn theo tiết lộ của nhà báo Rushford thì trên trang mạng của CSIS đã vô tình tiết lộ trong năm 2014 Việt Nam trả cho CSIS trong khoảng từ 50.000 USD tới 500.000 USD. Nhưng trang này không hề cho biết khoản tiền đó được sử dụng vào việc gì! Con số trên đây không dễ cho mọi người biết được cho dù có dịp đọc chi tiết ghi nhận trong phần “acknowledgments” của bản Nghiên Cứu với nội dung nguyên văn như sau:
“We would like to acknowledge the thoughtful and generous support and counsel received from the Embassy of the Socialist Republic of Vietnam in Washington, D.C., the U.S. Embassy in Hanoi, and the U.S. Consulate in Ho Chi Minh City.”
Tạm địch:
“Chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ và lời khuyên hào phóng và chín chắn của Tòa Đại Sứ Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam tại Washington, D.C., Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, và Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.”
Và tác giả nêu lên câu hỏi: “Nhưng cụ thể ai mới thật sự là kẻ chi tiền?” (But who, exactly, paid for it?)
Với những người có chút ít kinh nghiệm về những trò vung vãi tiền bạc cho những mục tiêu mua chuộc, hủ hóa, dối gian của các chế độ cộng sản, cách riêng CS Tàu và CSVN, hẳn không quá khó để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này.
Vài suy nghĩ rời của người viết
Đã từ lâu mọi người thường nghe nói tới hệ thống lobby dày đặc ở Washington, D.C. và được hiểu như những tổ hợp chuyên làm công việc gọi là “vận động hành lang” (mà làm việc công khai, hợp pháp) với các tập thể, các chính trị gia trong guồng máy hành pháp, lập pháp Hoa Kỳ cho một mục tiêu nào đó mà thân chủ của họ muốn. Dĩ nhiên có chuyện trao đổi tiền bạc trong đó, dù không được nói ra công khai những thâm tâm ai cũng nghĩ đấy là một hình thức “hối lộ” trá hình.
Điều quan trọng, nếu người viết không lầm thì dường như đây là lần đầu tiên, một nhà báo tên tuổi công khai nêu lên những chi tiết cụ thể về người, về tổ chức, nhất là huỵch toẹt nói rõ những số liệu về tiền bạc do chế độ Hà Nội đổ ra để lèo lái quan điểm và việc làm mà lẽ ra phải vô tư, minh bạch của một Trung Tâm Nghiên Cứu uy tín được thế giới tôn trọng như CSIS, dẫn tới hệ lụy khiến người ta không thể không có những ý nghĩ tiêu cực về mức độ công chính, ngay thẳng, minh bạch của những khuôn mặt lớn trong hệ thống cầm quyền ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Đề cập chuyện “vận động hành lang”, nhà báo Rushford cũng cho hay: mỗi tháng, chế độ Hà Nội đã chi ra một ngân khoản lối 30 ngàn Mỹ kim cho một công ty nổi tiếng thuộc loại này có tên Podesto Group. Để làm gì? Hẳn mọi người đều biết.
Theo tiết lộ của Rushford, quảng cáo trên trang mạng của Podesto Group cho hay: tổ hợp này thuê nhân sự từ các viện nghiên cứu thuộc mọi khuynh hướng tả, hữa. Một nhân vật có tên là David Adams được giao phó theo dõi những vấn đề liên hệ tới Việt Nam là người từng là Vụ trưởng Vụ Lập pháp của bà Hillary Clinton thời gian bà đảm nhiệm vai trò Ngoại Trưởng trong chính quyền Obama.
Như vậy những chuyện gì đang diễn ra trong bóng tối, dưới gầm bàn liên quan tới vận mạng Việt Nam hôm nay khi một Trung Tâm Nghiên Cứu mang tầm vóc quốc tế như CSIS đang nằm trong vòng ảnh hưởng của Hà Nội(***) đến nỗi công an của họ dám ngang nhiên cấm cửa một khách mời uy tín như bác sĩ Nguyễn Thể Bình trong buổi nói chuyện của ông Nguyễn Phú Trọng tại đây? Làm sao những người Việt Nam quan tâm tới vận mạng đất nước không thất vọng khi nhà báo Gray Rushford tỏ ý hoài nghi cả những lời tuyên bố bề ngoài có vẻ mạnh mẽ về chuyện nhân quyền Việt Nam của những nhà ngoại giao hàng đầu trong chính quyền Mỹ như Ngoại Trưởng John Kerry và phụ tá của ông ta là Tom Malinowski.
Câu chuyện của nhà báo Gray Rushford gợi nhớ tới một chuyện quá khứ. Mấy thập niên trước khi vấn đề bình thường hóa ngoại giao giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn vừa manh nha có tin đồn ông Brown, Bộ Trưởng Lao Động (?) Mỹ đã được ông Nguyễn Văn Hảo thay mặt chính quyền CSVN trao tay 600 ngàn USD. Sau đó không lâu, ông Brown bị tử nạn trong một vụ rớt máy bay khiến dư luận lại bùng lên một thời. Câu chuyện cũ này thực hư ra sao khó biết. Nhưng nếu cẩn thận làm một cuộc đối chiếu giữa chuyện xưa và chuyện nay hẳn cũng không quá khó để có được câu trả lời.
Nam California một ngày cuối thượng tuần tháng 8, 2015
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác gỉa gởi. DCVOnline biên tập và minh họa và phụ chú.
DCVOnline:
(*) Nguồn của DCVOnline xác định bà Nguyễn Thể Bình không có liên hệ cá nhân hay hoạt động với các ông Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Đan Quế và Cao trào Nhân bản.
(**) Greg Rushford cũng viết thêm về thư trả lời của ông Murray Hiebert trong một bài viết về một số câu hỏi:
“While acknowledging that Dr. Binh had indeed been an invited guest, Hiebert seemed to brush off the incident as a sort-of bureaucratic snafu. “No one makes decisions about who attends events at CSIS but CSIS,” Hiebert wrote.”
“Cùng lúc các định Bs Bình là khách mời, ông Hiebert có vẻ muốn gạt qua việc đã xẩy ra coi đó là một lộn xộn hành chánh. Ông viết, “Không ai quyết định ai sẽ tham dự sinh hoạt tại CSIS ngoài CSIS.”
(***) Cho năm tài chính 2013, CSIS đã có một ngân sách hoạt động là 32,3 triệu USD. Các nguồn là: 32% công ty, 29% cơ sở, 19% của chính phủ, 9% cá nhân, 5% các khoản hiến tặng, 6% nguồn khác. Chi phí hoạt động của CSIS cho năm 2013 là US 32.200.000 USD: 78% cho các chương trình, 16% chi phí hành chánh, và 6% cho phát triển. [23]
Vào tháng Chín năm 2014, tờ New York Times cho hay United Arab Emirates tặng một số tiền lớn hơn một triệu đô la cho tổ chức này; ngoài ra CSIS đã nhận được một khoản tiền tài trợ từ Nhật Bản qua các tổ chức chính phủ Nhật Bản tài trợ ngoại thương và chính phủ Na Uy. CSIS, sau khi được tờ New York Times liên lạc, đã công bố một danh sách các chính phủ nước ngoài tài trợ, liệt kê 17 chính phủ khác và Hoa Kỳ:
Tài trợ trên 500.000 USD: Chính phủ Nhật Bản, Taiwan, Vương quốc Saudi Arabia, United Arab Emirates, Hoa Kỳ; Tài trợ từ 50.000-499.000USD: Chính phủ EU, Kazakhstan, Denmark, Korea, Singapore, Vietnam; Tài trợ từ 5000-49.900USD: Chính phủ CH Liên bang Đức, Pháp, Canada, Grenada, Ý, Morocco, Liechtenstein.
Nguồn: 1. http://csis.org/about-us/financial-information; 2. http://csis.org/support-csis/our-donors/governments