Việt Nam và một nền Giáo dục hoang dã
Trần Phong Vũ
“Hãy lên tiếng đòi hỏi một nền giáo dục độc lập, nhân văn và tiên tiến để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho con em của chúng ta, chẳng có điều gì tự nó tốt đẹp lên và chẳng có điều tốt đẹp nào tự đến với những người chỉ biết trông chờ. Hãy hành động.” – Lê Văn Thành
Từ chuyện ngót 60 năm trước…
Đọc tiểu sử cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, chúng ta biết năm 21 tuổi ông bị cộng sản bỏ tù lần đầu. Nguyên nhân là vì với hào khí tuổi trẻ ông đã thẳng thắn bóc trần chính sách ‘vo tròn bóp méo’ những dữ kiện lịch sử trong sách giáo khoa của Hà Nội.
Được biết vào năm 1960 một thày giáo bạn ông bị đau nhờ dạy giúp hai giờ môn lịch sử. Bài học hôm ấy nói về thế chiến thứ hai kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản trích trong tập sách giáo khoa do nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội xuất bản. Bất bình trước hành vi trắng trợn xuyên tạc lịch sử trong sách khi viết rằng Đệ nhị Thế chiến kết thúc là nhờ Hồng Quân Liên Xô đánh bại Quân đội Hoàng gia Nhật, nhà thơ họ Nguyễn đã vạch rõ sự gian dối này và thẳng thắn giảng cho học sinh biết sự thật là quân Nhật thua liên quân Đồng Minh vì hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Chính vì thái độ can đảm, tôn trọng sự thật này, hai tháng sau ông đã bị Hà Nội kết án và đẩy vào nhà tù lần thứ nhất, khởi đầu cho cuộc đời ra tù vào khám tổng cộng 27 năm dưới bàn tay sắt máu của chế độ.
… đến chuyện giáo dục hôm nay
Hơn nửa thế kỷ sau, vào giữa thập niên thứ hai của đệ tam thiên niên, dù lớp sơn bên ngoài có thay đổi nhưng cốt lõi của chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) gần như vẫn y nguyên. Vì thế căn tính dối trá, che đậy, lọc lừa vẫn tràn lan trong mọi cảnh vực, kéo lùi đất nước trở về với thời hoang dã, trong đó, văn hóa giáo dục cũng không có luật trừ.
Đáp lại câu hỏi của phái viên đài BBC mới đây là liệu những cải cách về giáo dục của Hà Nội hiện nay có đem lại những thay đổi nào không, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Minh Triết ở Hà Nội, trả lời:
“Nếu căn cứ vào những người quản lý, lãnh đạo thì tôi không hy vọng. Cái lò đào tạo ra người quản lý là trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng, thì đó là những nơi xơ cứng nhất, giáo điều nhất, kiến thức hẹp nhất. Họ lại rất thích áp đặt, không thích cãi lại, không thích hoài nghi khoa học thì làm sao họ có thể là người chủ xướng cho một sự khai phóng trong giáo dục, để cho mỗi học sinh là một nhân phẩm tự do, một thuyết khách tự do, để trưởng thành, thành một con người – con người chính nó, của nó và riêng nó-, và đấy là một vấn đề lớn.”
Vẫn theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì:
“Nguyên nhân cơ bản là lý thuyết Mác Lênin không giải đáp nổi vấn đề này và những người gọi là nắm chủ thuyết Mác cũng không biết gì về chủ thuyết đó, không biết cái gốc cũng như cái ngọn, hay cái hệ thống và vì thế nó như thợ thuyền đẽo cày ở ngã ba. Cuối cùng đẽo một thanh gỗ thành cái tăm!”
Ông cho rằng: giáo dục Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng từ gốc rễ về đường lối, triết lý giáo dục, kéo theo khủng hoảng về phương thức và quản lý tổ chức giáo dục. Gợi lại những lời tuyên bố của thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm năm ngoài, theo đó, ông Dũng cho rằng cần phải thay đổi thể chế, và như vậy, theo giáo sư Mai, có thể hiểu là đảng cũng đã bắt đầu nhìn ra căn nguyên cội rễ của vấn đề. Tuy nhiên, điều tréo cẳng ngỗng là ông nhận thấy chính những người lãnh đạo trong đảng và nhà nước cũng chập chờn, lung túng “không dám đi tới cùng” để giải quyết hiện trạng bế tắc của ngành giáo dục đến nơi đến chốn.
Để làm sáng tỏ nhận định của mình, giáo sư Nguyễn Khắc Mai phát biểu:
“Không ai trong những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể trở thành người được gọi là những nhà khoa học, nhà tư tưởng. Vì lẽ cái vốn trí thức, tư tưởng và tư duy của họ rất nông, vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài và đấy là cái khó.”
Khi chính tiếng nói của thế hệ trẻ trực tiếp cất lên
Trên đây là những nhận định tiêu biểu cho quan điểm của giới trí thức trong nước đối với chính sách giáo dục phiêu lưu không định hướng tại Việt Nam thời cộng sản. Câu hỏi đặt ra là: phần giới trẻ thì sao?
Được biết, hôm 12 tháng 8 vừa qua, một chuyện hi hữu, cười ra nước mắt đối với những lãnh tụ gộc của chế độ, đã nổ ra trong buổi hội thảo nhân dịp ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm được tổ chức giữa lòng thủ đô Hà Nội. Trong phần phát biểu, em Vũ Thạch Tường Minh, một học sinh lớp 8 trường chuyên Amsterdam đã công khai nói lên những ý nghĩ hồn nhiên, mộc mạc của em về hiện trạng thối nát, băng hoại của nền giáo dục thời Xã-Nghĩa.
Nhắc tới bộ Giáo Dục và cách hành xử của giới lãnh đạo bộ này, Tường Minh nói:
“… giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì… Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa. Giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục, con sẽ làm.”
Từ suy nghĩ đơn sơ của em học sinh lớp 8, những ngày vừa qua, mở vào mạng Quê Hương Ta, chúng tôi vừa đọc vừa nghe được tiếng nói của tác giả Lê Văn Thành, một người trẻ 19 tuổi ở Hà Nội qua đề tài “Giáo Dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?”
Sau khi nhắc lại một vài hiện tượng tiêu cực như bạo lực, tự tử ngày càng nhiều trong giới học sinh, sinh viên gần đây khiến anh thấy có trách nhiệm phải lên tiếng trước tình trạng băng hoại, tha hóa của nền giáo dục hoang dã Việt Nam, anh cho biết:
“Cách đây vài tháng tôi có đọc một bài báo với tựa đề ‘Chúng ta đang dạy con trẻ dối trá’, bài viết nói về ‘Cuộc thi sáng tạo trẻ thơ’ ở trường tiểu học nọ. Trong cuộc thi, người ta tập hợp các sáng chế của chính các em học sinh lớp 4-5. Nhưng sự thật, các dụng cụ sáng tạo đó đều hoặc do thày cô hoặc do phụ huynh thiết kế rồi đăng ký tên cho các em, phần diễn giải cũng được viết sẵn cho các em học thuộc. Ngày thi, từng tốp các em lên thao thao thuyết minh cho sáng tạo nhận vơ của mình, rất chuyên nghiệp & trôi chảy. Phía dưới sân khấu là hàng trăm học sinh khác làm khán giả, chúng cũng râm ran bàn tán theo từng sáng tạo. Điều đáng buồn, chúng xôn xao không phải vì thích thú với những sản phẩm độc lạ, mà vì khó chịu với những người bạn ra oai mô tả sản phẩm sáng tạo chẳng phải của mình:
‘chiếc bình tưới đa năng kia là của thầy T. làm, thầy cho ba bạn học sinh giỏi đứng tên… Sướng thật! Nhưng đâu phải của mấy bạn làm mà tỏ vẻ ta đây! Nhìn thấy ghét…’. Câu chuyện nhỏ ở 1 ngôi trường nhỏ, nhưng thể hiện rất to và rõ ràng bộ mặt của cả một nền giáo dục. Những đứa trẻ ngây thơ thơ đó, chưa đủ nhận thức để có thể thốt lên ‘thày cô, bố mẹ, các bạn làm như thế là SAI’, mà trong thâm tâm chúng lại hình thành nhận thức mơ hồ về một vấn đề khác: ‘À, hóa ra nói dối là điều được chấp nhận và chẳng có gì phải xấu hổ khi nói dối cả’, cứ như thế nhận thức đó ngày càng được khẳng định và tích tụ thêm khi chúng lớn lên và quan sát những điều giả dối quanh mình, tự lúc nào, chúng cũng sẵn sàng dối trá và không thấy xấu hổ. Chỉ vì hình thức và thành tích phù phiếm, chúng ta đã hại đời con cháu của chúng ta như thế.”
Trong khi truy tầm căn nguyện của một nền giáo dục hoang dã, dẫn tới biết bao tệ trạng tương tự mà giới trẻ, giới phụ huynh và nói chung toàn xã hội Việt Nam ngày nay đang phải gánh chịu, người sinh viên trẻ họ Lê nêu lên câu hỏi là lỗi giáo dục nằm ở đâu, ở phụ huynh hay thày cô giáo và tự trả lời: Những tiêu cực trong giáo dục hiện nay không chỉ ở một hai gia đình hay một hai thày cô mà ở cấp độ toàn xã hội. Thày cô hay phụ huynh cũng chỉ là nạn nhân bị cuốn theo bởi nền giáo dục vồn đã băng hoại, vong thân từ căn bản. Trong một tệ nạn mà ở tầm vĩ mô toàn xã hội thì điểm lỗi đầu tiên không đâu khác hơn chính là bộ máy lãnh đạo ở thượng tầng.
Một cách rốt ráo, Lê Văn Thành không e dè và cũng không quanh co, rào đón. Anh mạnh dạn thọc sâu mũi dao của nhà nhà giải phẫu để mổ xẻ, truy tầm đến tận gốc rễ dẫn tới tình trạng bê bết vô phương cứu vãn của nền giáo dục trong nước hiện nay. Anh nói:
“Về cơ bản, những tiêu cực trong nền giáo dục Việt Nam phát xuất từ việc chúng ta đang sở hữu một nền giáo dục ‘phi giáo dục’, nghe hơi khó hiểu ha. Không sao! Tôi sẽ cố gắng nói rõ trong tầm hiểu biết của mình, dù có thể thiếu sót. Cụ thể:
Thứ nhất: Phi thực tế: những đứa trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn được dạy về đất nước Việt Nam giàu có và tươi đẹp, được cả thế giới nể trọng, mọi người dân đều được ăn no mặc ấm, được học hành tử tế, đất nước được dẫn dắt bởi 1 bộ máy lãnh đạo ưu việt nhất hành tinh, và chúng đang được sống trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bla..bla.. Những viễn cảnh tươi hồng đó khiến cho những đứa trẻ luôn trong trạng thái ảo tưởng và tự mãn, không có cái nhìn chính xác về tình hình đất nước. Rồi chính những đứa trẻ đó, trưởng thành bước vào đời đã hoàn toàn bị vỡ mộng khi đứng trước một xã hội nham nhở, khác hoàn toàn với cái bánh vẽ mà chúng được ăn bấy lâu, bất công thì tràn lan, sinh viên lười vẫn có điểm cao như sinh viên chăm chỉ bằng cách mua điểm; thi vào làm công chức thì tài năng xếp sau tiền bạc và quan hệ; nhiều trẻ em ăn còn chưa no nói gì đến học hành tử tế.
Việt Nam cũng chẳng được thế giới coi trọng, vẫn là một nhược quốc, không có tiếng nói, người Việt đi đến đâu cũng bị cảnh giác và phân biệt; bộ máy lãnh đạo ưu việt gì mà quá nhiều những kẻ bất tài vô tướng, tham ô, tham nhũng…đưa đất nước đến tình trạng nghèo nàn, môi trường bị hủy hoại, mất tài nguyên, mất biển đảo…
Thứ hai, Phi tự nhiên: Mỗi con người sinh ra đã là một bản sắc riêng biệt, với năng lực khác nhau, yêu ghét khác nhau, tư duy khác nhau…Một nền giáo dục tiên tiến phải phát hiện được và phát triển khả năng nổi trội của mỗi cá nhân, không gò ép bất cứ ai vào một khuôn mẫu sơ cứng. Albert Einstein từng nói “Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc”, rất tiếc đó đang là cách làm giáo dục của chúng ta. Trong nhiều năm, chúng ta đã áp đặt một hệ thống kiến thức như nhau, cách dạy và học, cách đánh giá năng lực như nhau áp dụng cho tất cả trẻ em. Với cách làm giáo dục phản tự nhiên như vậy, tôi dám chắc Việt Nam đã đánh rơi rất nhiều nhân tài, đã có vô số con cá sống với tự ti vì không thể leo cây…”
Vẫn theo anh Thành thì một nền giáo dục mà lại gian dối, che đậy, phi thực tế, phi giáo dục đã đến mức báo động như hiện nay sẽ chỉ tạo ra những con người thụ động, không có đam mê, nhiệt huyết. Cùng với những tiêu cực của xã hội, họ sẽ chỉ lao động một cách cầm chừng với tâm trạng hoang mang, bất mãn, và điều nguy hiểm nhất là tình trạng đó lại ở tầm vĩ mô, do đó đã góp phần vào sự tuột dốc thê thảm tất nhiên của toàn thể quốc gia, dân tộc trên khắp các lãnh vực như hiện nay. Hệ quả tệ hại vừa nói khiến Việt Nam trở thành một nước có năng suất lao động thấp nhất châu Á.
Anh nêu lên câu hỏi là chúng ta phải làm gì để thay đổi toàn bộ nền giáo dục với đầy ung nhọt như hiện nay? Từ câu hỏi nhức nhối ấy, anh mạnh dạn đề ra 4 yêu sách mà tất cả phụ huynh, học sinh và sinh viên –nói chung, toàn thể dân tộc- cần phải kiên quyết đòi hỏi Bộ Giáo dục, đảng và nhà nước CSVN phải tức thời đáp ứng.
Yêu sách thứ nhất: giáo dục phải miễn phí
Anh nói:
“Khi giáo dục là miễn phí, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn, giảm gánh nặng cho tầng lớp người nghèo trong xã hội, sẽ không còn việc bố mẹ thắt lưng buộc bụng chỉ vì phải nuôi con ăn học. Tránh những bất cập như phải học một ngành chỉ để làm vừa lòng bố mẹ, vì bố mẹ quyết định về tài chính hoặc học một ngành nào đó chỉ vì tâm lý tiếc rẻ, ví dụ như hiện nay nhiều em học các ngành như Sư phạm, An ninh, Quân đội chẳng phải vì đam mê, mà vì những ngành này miễn học phí. Quý vị có thể lo lắng là nếu miễn phí đại học thì sẽ gia tăng tình trạng “thừa thày – thiếu thợ”. Không hề. Một nền giáo dục miễn phí và thực tế ngay từ đầu sẽ giúp học sinh tự biết năng lực của mình đến đâu và có theo đại học hay không chỉ đơn giản là muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn hay không mà thôi. Thực ra ngay cái tâm lý ‘Thày Thợ’ cũng là do nền giáo dục nặng hình thức và thành tích này tạo ra. Bằng cách nào mà một tấm bằng lại đảm bảo tôi sẽ được làm thày người khác chứ? Vậy đòi hỏi miễn phí trong giáo dục có chính đáng hay không? Hoàn toàn chính đáng, vì nhiều nước không có ‘Đảng lãnh đạo thiên tài’ như chúng ta họ đã làm được rồi.”
Anh nhắc tới các quốc gia dân chủ Tây phương như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, nhất là Đại Hàn, Đức là quốc gia có chung cảnh ngộ với Việt Nam, đều là những xứ có nền giáo dục miễn phí ở cấp phổ thông. Riêng cấp đại học tuy phải đóng học phí nhưng sinh viên được chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay từ 80-100% với lãi suất 0% hoặc cực thấp, và họ chỉ phải trả khi đã tốt nghiệp và có việc làm vững chãi. Anh cũng đề cập trường hợp nước láng giềng Thái Lan và cả chế độ miền nam Việt Nam trước tháng tư năm 1975, tức “Bên Thua Cuộc”, như sau:
“Thái Lan cùng khu vực, mà Việt Nam cho là rất bất ổn nhưng vẫn sang du lịch đều đều, họ cũng có một nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí cho nhân dân của họ. Hay trên chính quê hương của mình, ở chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa, người dân miền Nam cũng được học hành miễn phí bậc phổ thông.”
Theo anh Thành, sở dĩ các phụ huynh phải gánh cái gánh quá nặng về chi phí cho con em tới trường chỉ vì vô số những khoản tiền khổng lồ bị bọn ‘cướp ngày’ tham nhũng tước đoạt. Anh giả thiết, nếu không có những công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ làm mất hàng trăm nghìn tỉ tiền thuế, nếu không có những công trình xây cất ‘đắt nhất hành tinh’ và hư hỏng ‘nhanh nhất hệ mặt trời’, không có những vị làm quan có mấy năm mà tài sản lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ, không có những tượng đài, lăng mộ vô bổ được dựng nên khắp nước bằng tài sản quốc gia… mà được dùng vào giáo dục. thì chuyện giáo dục miễn phí lo gì không giải quyết được?
Kể lại mẩu chuyện liên quan tới nước Nhật sau thế chiến thứ hai, người trẻ họ Lê nhắc tới sự kiện một viên chức trong ngành giáo dục Nhật là ông Hikada đã nghẹn ngào rơi lệ khi thú nhận nỗ lực đem đến cho mỗi học sinh một cuốn sách giáo khoa miễn phí thật khó khăn. Từ sự kiện này, với tư cách một người trẻ đang sống trong lòng chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, anh cho hay là chưa từng thấy giọt nước mắt nào của một nhà làm giáo dục cấp cao Việt Nam khi thấy học sinh phải đu dây qua đèo, chui bao nilong qua sông, suối để ngày ngày đến học dười những mái trường tàn tệ hơn cả chuồng gia súc. Anh nhấn mạnh: không giọt nước mắt nào được nhỏ ra trước những thảm cảnh như vậy, nói gì đến một cuốn sách giáo khoa miễn phí!
Yêu sách thứ hai: phải bỏ độc quyền trong giáo dục.
Anh quan niệm rằng: tự thân việc độc quyền đã là một sự bó buộc vô bổ đối với giáo dục. Nhắc lại lời than phiền của môt vị giáo sư là “các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Đến những xứ sở trong khu vực như Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới…,” anh cho rằng: những nền giáo dục tiên tiến chẳng mấy khi bàn đến cải cách, đổi mới, vì bản thân nó đã luôn chấp nhận những khuynh hướng khác biệt, tạo nên sự đổi mới tự nhiên và liên tục. Độc quyền giáo dục cũng lý giải cho sự trì trệ trong đổi mới và xử lý các tiêu cực trong giáo dục mà qua hàng thập kỷ vẫn ngang nhiên tồn tại. Anh nêu lên trường hợp nhiều nhà giáo mái đầu đã bạc trắng vẫn tâm huyết với giáo dục nước nhà, từng đưa ra những đề án cải cách giáo dục được coi là những công trình nghiên cứu công phu, chắt lọc từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Bỉ, Úc. Nhưng thật đáng tiếc, hầu hết đã bị chế độ vứt vào sọt rác vì quyết sách ‘độc quyền giáo dục’!
Yêu sách thứ ba: phi chính trị hóa giáo dục
Sau khi nhấn mạnh tới chức năng thuần túy của giáo dục, Lê Văn Thành nêu trường hợp Nhật Bản(1) như một mẫu gương cụ thể cho nỗ lực tách rời phạm vi giáo dục ra khỏi mọi sự chi phối của chính trị. Được biết sau khi bị thất trận một cách nhục nhã trong thế chiến thứ hai, người Nhật phải bắt đầu lại tất cả. Và trước khi bắt tay vào việc, những hậu duệ của Thái Dương Thần Nữ đã khuất thân chấp nhận sự cố vấn và giám sát của Hoa Kỳ, thực hiện ngay một quyết định khó khăn là phi chính trị hóa giáo dục. Bắt đầu với việc loại bỏ môn Tu Thân, một môn học có nội dung nhồi sọ tư tưởng dân Nhật, bắt họ phải thần phục tuyệt đối Nhật Hoàng và chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong chương trình giáo khoa thời ấy. Lý do vì nó đã nhồi nhét vào đầu óc học sinh, sinh viên Nhật tư tưởng hung hăng hiếu chiến. Chính nhờ thái độ khôn ngoan, sáng suốt vừa kể, anh cho biết:
“Rồi vẫn những người Nhật ấy, sống dưới một chế độ mới, một nền giáo dục mới, đã trở nên hiền hòa, cùng nhau dựng xây nên một nước Nhật tươi đẹp, thanh bình như hôm nay.”
Từ trường hợp Nhật Bản, nhìn lại hiện trạng nền giáo dục trên đất nước Việt Nam dưới chế độ độc tài, độc đảng CS, Lê Văn Thành nhận định:
“Màu sắc chính trị trong giáo dục Việt Nam có thể nói là vô cùng đậm đặc và không có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể như trong đề cương ‘Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 – 2020’, chính quyền đề ra 4 ‘Quan điểm chỉ đạo’ ngành giáo dục:
Một. Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Hai. Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Ba. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bốn. Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghe qua rất hay nhưng đọc kỹ thì sáo rỗng, và có 4 quan điểm chỉ đạo thì cả 4 đều dính dáng đến chính trị. Tôi chưa nói đến các yếu tố chính trị này có kéo tụt giáo dục xuống hay không, nhưng cứ nhìn thực tế nền giáo dục bế tắc bao năm qua, cũng thấy những yếu tố chính trị này chẳng đóng góp được gì, tốt nhất là nên bỏ quách nó đi. Thời sinh viên chẳng mấy ai thích các môn chủ nghĩa Mác – Lênin hay tư tưởng HCM, phải học thì học thôi. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, sao môn mình không thích mà vẫn cứ phải học? Trong khi một năm tốn bao nhiêu tiền để in sách và trả lương giảng viên, và tiền đó chẳng từ thuế mà bố mẹ chúng ta nai lưng ra đóng đó sao! Hãy lên tiếng để đòi lại sự độc lập cho nhà trường. Nếu vẫn còn độc quyền và chính trị hóa giáo dục thì mọi kêu gào cải cách chỉ là giả cầy mà thôi.”
Yêu sách thứ tư: cần học tập từ một nền giáo dục đã thành công
Lấy quốc sách giáo dục dựa trên tinh thần bình đẳng tuyệt đối của nước Úc làm tiêu biểu cho sự thành công trong ý hướng đào luyện giới trẻ của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, trong đó học sinh, sinh viên không bị áp lực nào, kể cả áp lực từ nhà trường hay phụ huynh, anh nói:
“Hệ thống giáo dục của Úc hoàn toàn không mang tính hơn thua, so sánh. Các học sinh được làm cho cảm thấy rằng các em đều như nhau và không có mặc cảm mình học kém. Tôi hoàn toàn thích thú khi biết bên Úc không có kiểu họp phụ huynh như Việt Nam là tập hợp các phụ huynh lại, vấn đề đầu tiên luôn là tiền đâu, sau đó là khen em này, chê em kia, để rồi các ông bố bà mẹ có con học kém lại về trút giận lên con cái…”
Người trẻ họ Lê chủ trương nên chọn một quốc gia trong khu vực châu Á như Hàn quốc để làm khuôn mẫu thì thích hợp hơn. Trong khi đề cao tinh thần khiêm tốn, biết dẹp tự ái của dân tộc Đại Hàn khi quyết định cải cách giáo dục bằng việc lấy nguyên chương trình giảng dạy của Nhật Bản, vốn là một quốc gia cựu thù, áp dụng cho việc canh tân giáo dục của mình, anh cũng không quên đề cao triết lý giáo dục đưa trên ba cột trụ Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 75.
Anh nói:
“Rốt cục một Hàn Quốc phú cường hôm nay cũng là trái ngọt mà họ xứng đáng được hưởng từ những cây non đầu tiên đầy khó khăn ấy. Nhìn về Việt Nam, sau khi thống nhất đất nước, đã có 1 bộ phận lãnh đạo quá bảo thủ, kiêu ngạo và hẹp hòi, cho rằng họ thông minh hơn phần còn lại của Việt Nam và cả thế giới, rồi áp đặt những đường lối ‘tuyệt đối’ đúng đắn của họ, để rồi, Việt Nam nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng, sau hàng thập kỷ vẫn chẳng đâu vào đâu.
Không nói đâu xa, nền giáo dục thời VNCH đã rất tiến bộ với triết lý giáo dục là nhân bản, dân tộc, khai phóng với tính chất là đại chúng và thực tiễn. Đó sẽ là nền giáo dục tiên tiến giàu bản sắc Việt, tiếc là nó đã không có cơ hội để hoàn thiện. Những nhà cải cách giáo dục hiện nay cứ tìm hiểu lại nền giáo dục VNCH cũng học hỏi được nhiều điều.”
Và sau đây là những lời cuối của anh:
Đã đến lúc chúng ta phải thành thật với nhau, đừng tự huyễn hoặc bằng những giá trị ảo, những chủ thuyết ảo tưởng nữa. Nếu bản thân người lớn cũng đang luồn cúi, sống bằng cách thỏa hiệp với cái dối trá thì chẳng có niềm tin nào rằng con cháu chúng ta sẽ được sống tử tế hơn đâu. Hãy lên tiếng đòi hỏi một nền giáo dục độc lập, nhân văn và tiên tiến để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho con em của chúng ta, chẳng có điều gì tự nó tốt đẹp lên và chẳng có điều tốt đẹp nào tự đến với những người chỉ biết trông chờ. Hãy hành động.
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng 2 câu hỏi, dành cho tất cả người Việt Nam, từ 16 não trạng đỉnh cao trong Bộ chính trị, đến báo giới, trí thức, quân đội, công an, đến những người dân bần cùng chỉ biết làm lụng để nuôi con và đóng thuế:
Câu hỏi 1: Chúng ta có muốn con cái được dạy dỗ bởi nền giáo dục của Việt Nam hiện nay hay không?
Câu hỏi 2: Chúng ta muốn con cái được đến học tập ở những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hay muốn chúng được học 1 nền giáo dục tiên tiến ngay trên quê hương mình?
Thành Lê TVN – 22/7/2015
Một chuyện bên lề không thể không lên tiếng
Nguồn tin từ Hà Nội cho hay: đảng và nhà nước CSVN vừa công bố quyết định số 289 QĐ – TGCP do trưởng ban Tôn Giáo ấn ký ngày 03-8-2015 “cho phép” Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) thành lập Học Viện Công Giáo (HVCG). Nguyên văn quyết định như sau:
Điều 1. Chấp thuận cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam.
Tên trường: Học Viện Công Giáo Việt Nam
Địa điểm: 72/12 Trần Quốc Toản, phương 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Học Viện Công Giáo Việt Nam được hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo nội dung đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Được biết trong lời phát biểu khi tiếp nhận quyết định trên đây, sau khi đề cao giá trị đối thoại, Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc cai quản Tổng Giáo Phận Sàigòn nhấn mạnh:
“Chúng tôi thấy chính quyền rất thiện chí và cởi mở đón nhận tinh thần đối thoại của chúng tôi. Kết quả thực tế lớn là việc đẩy mạnh thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam. Tôi thấy kết quả việc này đạt được thật nhanh…
Việc thành lập Học Viện này mang một ý nghĩa quan trọng đối với Giáo Hội Việt Nam. Bởi lẽ kể tư khi Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt kết thúc vai trò lịch sử của nó, tại Việt Nam chưa hề có một học viện hay chủng viện nào đào tạo nâng cao trình độ Thạc Sĩ… và Tiến Sĩ Thần Học…”
Hàm ẩn trong lời phát biểu của người cầm đầu Tổng Giáo Phận Sàigòn là một thái độ tỏ ra hân hoan, thỏa mãn trước việc nhà nước “cho phép” thành lập HVCG. Người ngoại cuộc sẽ không thể nhận ra tính cách bất bình thường của sự việc vì không có cơ hội hiểu rõ quan điểm và vị thế đặc thù của GHCG trong lãnh vực giáo dục.
Giáo Hội quan niệm: Đích điểm phục vụ hàng đầu của GHCG là CON NGƯỜI, trong đó giáo dục đại chúng, cung cấp tri thức rộng rãi cho giới trẻ thuộc mọi thành phần xã hội được coi là ưu tiên thứ nhất. Chỉ cần nhớ lại quy mô của hệ thống giáo dục Công Giáo, từ mẫu giáo tới cấp đại học tại miền nam trước tháng tư năm 75 là đủ rõ. Vì thế, trong suốt 40 năm qua, sau khi cộng sản thôn tính được miền Nam, thẳng tay gạt GHCG ra khỏi phạm trù giáo dục, HĐGMVN đã biết bao lần lên tiếng đòi hỏi trả lại cho Giáo Hội quyền được mở lại các trường, ít nữa là ở bậc tiểu học, trung học. Nhưng cho đến nay về mặt chính thức họ chỉ cho mở những lớp Mầm.
Vậy mà nay nhà nước ra nghị định “cho phép” mở một Học Viện, một hệ cấp giáo dục ngang tầm Đại Học. Điều này tất phải có căn do. Như mọi người đều rõ: nhu cầu cấp thiết của Hà Nội hiện nay là đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu để có thể gia nhập cơ chế thương mại TPP. Vì lươn lẹo muốn né tránh vấn đề nhân quyền, trong đó có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của người lao động, Hà Nội đã dùng việc này như lá bùa đễ rửa mặt chế độ, đồng thời tạo ảnh hưởng với Vatican, từ đấy thuyết phục được chính giới Mỹ. Thêm nữa đây cũng là đòn độc họ cố tình tạo ra để gây thêm sự nghi kỵ, chia rẽ giữa GHCG và các tôn giáo khác.
Trong tình trạng bình thường, việc có một Học Viện bên cạnh những Chủng Viện hiện nay cũng là chuyện tốt, vì nó sẽ giúp các chủng sinh –kể cả linh mục- cơ hội học hỏi, mở mang kiến thức về mọi phương dĩện, nhất là về thần học, tín lý. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, thứ kiến thức như thế có xa xỉ không khi nó chỉ nhằm phục vụ hàng giáo sĩ trong khi nhu cầu giáo dục đại chúng vốn là thẩm quyền chuyên môn và cũng là sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội lại bị ngăn cấm?
Để rộng đường dư luận, sau đây chúng tôi xin trích dẫn những ý kiến của một số giáo sĩ vừa gửi ra cho anh chị em giáo dân chúng tôi:
Vì Lm Phan Văn Lợi thường xuyên minh danh lên tiếng một cách mạnh mẽ, tôi xin ghi tên ông dưới những nhận định sau đây:
“Cái mà Giáo hội cần lúc này chính là đòi lại quyền giáo dục thế hệ trẻ với các cấp từ tiểu học đến đại học như GH đã có trước 1975. Việc này là cấp thiết và quan trọng, xét trong tình hình giáo dục VN ngày càng thối nát, không thể cải cách mà phải làm cách mạng (nói theo chân lý từ miệng trẻ thơ Vũ Thạch Tường Minh mới đây). Cái HVCG không thôi… không thể chấn hưng đạo đức, nâng cao văn hóa cho cái xã hội VN ngày càng băng hoại vì chủ nghĩa, chế độ, chính đảng CS vô thần, độc tài, toàn trị, vốn có thể tóm lược trong công thức:;dối trá một cách bình thản – tàn ác một cách lạnh lung – tham lam một cách vô độ và ngu xuẩn một cách cố chấp’…”
Phan Văn Lợi
Và tiếp đây là ý kiến cô đọng của ba giáo sĩ khác, mà vì sự dè dặt thường lệ khi chưa tiếp xúc được, chúng tôi tạm không nêu danh tính.
1. “Tôi nhớ trong vở tuồng Le bourgeois gentilhomme, khi ông thầy dạy triết hỏi ông Jourdain muốn học tâm lý, luận lý hay siếu hình thì ổng đáp ‘Xin dạy tôi biết đánh vần’. Giá mà thay vì khoái chí với cái Học viện Công giáo mà chỉ yêu cầu được tự do mở các lớp tiểu học, trung học đã, từ từ rồi sẽ tính, chắc hay hơn. Loại Học viện sắp mở hẳn thích hợp với thứ tôn giáo lễ hội. Tội nghiệp cho Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài.” (Một Lm Dòng PhanXiCô khó khăn)
2. Đức Tổng ca ngợi sự đối thoại chân thành và thiện chí của nhà nước. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam góp ý hiến pháp có quan chức nào hay đơn vị nào hồi đáp một lời không? Họ chẳng cần đếm xỉa đến góp ý, trâng tráo bấm nút thông qua điều 4 HP. Vậy là tôn trọng và đối thoại chân thành? Ban Thương Vụ Hội Đồng Giám mục Việt Nam vội vã góp ý luật Tôn giáo mà nhà nước ưu ái ban cho thời gian góp ý chỉ 10 ngày, ‘nếu không góp ý coi như đồng ý’. Bản góp ý họ vất đâu rồi? không một lời hồi đáp! Vậy là đối thoại chân thành và thiện chí? (Một Lm Dòng CCT)
3. “Tôi chia sẻ những gi cha Phan Văn Lợi đã viết.” (Một Lm già Dòng Đa Minh)
Nam California, hạ tuần tháng 8 – 2015
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ và chú thích.
(1) Một nghiên cứu so sánh bắt đầu vào năm 2006 do Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Stanford về sách giáo khoa của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc mô tả 99% sách giáo khoa tiếng Nhật thường có giai điệu“im lặng, trung tính, và gần như nhạt nhẽo” với rất ít cơ hội khuyến khích học sinh phát triển tư duy phê phán. Dự án, do hai học giả Stanford là Gi-Wook Shin và Daniel Sneider hướng dẫn, tìm thấy ít hơn 1% sách giáo khoa Nhật Bản sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh khiêu khích và đả kích, tuy nhiên những cuốn sách như thế đều do một nhà xuất bản ấn hành, đã nhận được sự chú ý nhiều hơn từ giới truyền thông. Đồng thời, các quan điểm đề cao chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xét lại được báo chí để ý đến nhiều hơn những cuốn saxh mang tính hoà bình hiện hành ở Nhật Bản. [Nguồn: Parker, Clifton B. “Nationalism clouds WWII memories in Asia, says Stanford scholar”. Stanford News (Stanford University)]
Sách giáo khoa Trung Quốc được xem là loại đề cao chủ nghĩa dân tộc mạnh nhất, trong khi sách giáo khoa của Hàn Quốc tập trung vào sự cai trị áp bức của thực dân Nhật. Sách giáo khoa lịch sử nước Mỹ được coi yêu nước thái quá, mặc dù có tạo cơ hội để học sinh tranh luận về các vấn đề chính. [Sneider, Daniel (May 29, 2012). “Divided Memories: History Textbooks and the Wars in Asia”. Nippon.com. Retrieved May 4, 2015.]
NGÀY XƯA ÔNG MÁC
Ngày xưa ông Mác phán rồi
Phải lên vô sản thì đời mới hay
Phải thành chuyên chính đêm ngày
Phá tan tư sản để thay đổi đời
Vậy nên Cách mạng tháng mười
Bảy mươi năm ấy bây giờ là đây
Liên Xô dầu bắt tay ngay
Nhưng nay đi mất tháng ngày buông xuôi
Nghĩa là ông Mác quê rồi
Nay toàn cầu hóa thị trường lên nhanh
Tiếc rằng còn có Việt Nam
Mãi ăn xôi độn nên thành ra chi
Mà thôi có nói ích gì
Con quay đã ném dễ nào đứng yên
Coi như sự việc nhãn tiền
Chờ cho hết trớn có phiền gì đâu
BẠT NGÀN
(29/8/15)