Y học và tử thần

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

death-medNhà khoa học có thể chế biến ra quả trứng với đầy đủ tính chất lượng y như một quả trứng tự nhiên, nhưng có một cái mà họ không thể làm được là trứng đó không thể ấp và nở ra con, sự sống.

Có sinh, có tử. Nguồn:  www.getthefive.com
Sinh kí tử qui. Nguồn: www.getthefive.com

Giáo Hội (Thiên chúa giáo) cấm giết người(1). Y khoa cũng cấm giết người, ngay cả trợ giúp giết người (medical assistance), mặc dù đã có lúc một ông bác sĩ đã muốn làm điều khác người cứ nhất định giúp cho người ta chết, cho dù đã phải ngồi tù mới ra.(2)

Đó là một vấn đề. Còn đây cũng là một khía cạnh của vấn đề, tại sao ta không đặt ra nhỉ? Là người ai cũng phải chết, đó là luật tự nhiên và cân bằng. Sinh ra và chết đi. Sinh kí tử qui. Biết vậy mà người ta, y giới vẫn cố cứu sống và để sống một cách đớn đau cực hình, lại còn đi xa hơn nữa…, muốn làm cho con người sống mãi, trường sinh bất tử. Vậy có phải là cãi lời Thượng đế, tạo hoá? Hay là con người vì tội lỗi nên phải đau khồ?

Thượng đế và y học, ai thắng?

Theo lòng tin của tín hữu Ki-tô, khi tạo dựng nên loài người với một người nam và một người nữ, Chúa đã phán: “…Hãy sinh con cái tràn đầy khắp mặt địa cầu và làm chủ vạn vật cùng phụng sự Thiên Chúa là chúa tề ngươi.” (SángThế Ký I, 28).

Tạo hoá đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã phát khởi ra sự chết. Sống chết là hai thái cực đối chọi nhau.

Trải qua hàng triệu triệu năm, con người từ thời ăn lông ở lỗ đã biết chiến đấu để sống còn, nghĩa là cố gắng bảo tồn mạng sống và xa lánh cõi chết. Chiến tranh đã bộc phát, bệnh tật đã hoành hành và y học cũng phát triển. Sự sống đã được bảo vệ tối đa, nhưng tử thần cũng không ngừng hoạt động. Phải chăng giữa sự sống và sự chết có một khoảng trống vô hạn. Thượng đế và y học, ai thắng ai?

Thực vậy, y hoc đã cho ta thấy có một lỗ hổng vĩ đại giữa con người khi mà con người hoàn toàn bất lực trước tử thần. Y học tân kỳ hiện đại đã gây thắc mắc cho ta không ít về những phí tổn khổng lồ mà những con bệnh bất trị phải chịu trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Tử thần đã làm thay đổi thái độ và cách suy tư của con người về sự sống. Y học cũng gây biết bao nhiêu là thắc mắc, đặt con người vào tình trạng hoang mang không hiểu nổi những kỳ quặc của bệnh tật. Y khoa thực ra đã mang lại những thành công vượt bực ngoài sức tưởng tượng của con người, nhưng đồng thời cũng có những thất bại đau thương trong nghệ thuật chữa trị. Người ta nói: bác sĩ và người làm chính trị có cái gì giống nhau. Một chính phủ càng hứa hẹn nhiều thì càng ít gây được niềm tin nơi dân chúng, khiến người dân càng nghi ngờ càng đòi hỏi nhiều hơn. Roy Porter, nhà y sử đã nói:

“Y học đôi khi đã gặp phải những trở ngại, phiền toái không tránh nổi. Đó là cái giá phải trả cho những tiến bộ của nó và những điều sẽ xẩy ra sau đó, đôi khi chẳng thực tế chút nào cả”.

Y học là tù nhân của chính mình

Rừ sinh đến tử. Nguồn: www.stevenaitchison.co.uk
Rừ sinh đến tử. Nguồn: www.stevenaitchison.co.uk

Thực vậy, y học đã trở thành tù nhân của chính những thành công tiến bộ của mình, như porter nói,

“Khi mà con người khỏe mạnh cường tráng hơn thì cũng là lúc mà họ lệ thuộc vào y học cho đến khi những định luật về y khoa trở thành rối loạn. Khi mà y khoa tiến bộ tột đỉnh thì cũng là lúc mà quyền lợi của bệnh nhân và bổn phận của người y sĩ giao thoa. Những lo lắng thắc mắc và những cố gắng giải quyết thi nhau leo thang khi y giới cố gắng đạt đến những kỹ thuật tuyệt hảo của mình. Là người ai cũng phải đớn đau bệnh tật, và ai cũng có thể được chữa khỏi.”

Nhưng tạo hóa đã có những định luật, cái nghiệt ngã của định mệnh con người mà y học phải bó tay không cưỡng lại được. Đó chính là hậu quả của những nghiên cứu tìm tòi của y học như người lực sĩ dùng steroids chỉ mong vượt lướt qua được địch thủ trong tíc tắc đồng hồ hầu thắng cuộc đua để rồi sau đó lại đâu vào đấy.

Y học có việc để làm, tạo hóa cũng có việc phải làm

Cứu cánh của y khoa, ngay cả về phương diện siêu hình cũng ẩn tàng sâu kín bên trong những băn khoăn rối loạn, bởi vì chính y học đã cho ta thấy tử thần sẽ đến và có thể đến bất cứ lúc nào trong khoảnh khắc đồng hồ. Nhưng y khoa vẫn không ngừng nghiên cứu để thỏa mãn những ước mơ vượt thời gian, mong làm sao cho con người được khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, trẻ mãi, không biết thế nào là tuổi già. Thật tội nhgiệp. Nói theo Sherwin Nuland là mò kim đáy biển. Y học có việc để làm, tạo hóa có việc phải làm. Cả hai đều cố gắng để rồi y khoa đã phải bó tay. Ki-tô hữu tin rằng sứ điệp mà Thiên Chúa đã gửi xuống trần thế là con người sống trường tồn nhờ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác triển nở sinh sôi mãi mãi. Nhưng y học đã không chấp nhận cái giới hạn tạo hóa đã định mà còn cố công biến đổi sự sống, bẻ cong cuộc đời làm cho con người phải chết với những đớn đau khó chịu không cần thiết. Nuland, bác sĩ giải phẫu kiêm văn sĩ đã diễn tả rất rõ ràng chi tiết, không chút tình cảm trong một tác phẩm mới nhất đầy bi thương ai oán của ông dưới nhan đề “How to die: Reflection on life’s Final Chapter”, là

“Con người vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời thường bấp bênh, đầy xáo trộn và bất ổn vì hoặc lo sợ thần chết sắp đến hoặc vì nhân tính chẳng còn nữa”.

Chết vẫn không yên

Đời người thực sự không phải chỉ bị day dứt về tinh thần mà còn đầy dẫy những khổ đau thể xác. Chết đó những vẫn không yên, đau đớn vẫn không tha. Vì tạo hóa hay vì y học? Y học, hay đúng hơn, một loại bác sĩ vẫn cố gắng làm cho vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đi vào ngõ cụt không lối thoát. 85% người già ở Hoa Kỳ ngày nay đều mắc ít nhất là một trong những bệnh như áp huyết cao, chứng cứng động mạch, tiểu đường, phì mập, bệnh mất trí ngớ ngẩn / Alzheimer’s and Dementias, ung thư hoặc giảm sức đề kháng nhiễm trùng… Khi thiết lập một đoàn quân ‘song mã’ để tiễn đưa người chết về bên kia thế giới, Nuland, với cái nhìn của con người bình thường, đã loại bỏ tất cả mọi huyền thoại về sự chết để không còn vương vấn gì đến mê tín dị đoạn, đã cho người đọc thấy những kinh hoàng hốt hoảng, đớn đau sợ hãi của con người lúc lâm chung. Đừng đọc sách của ông khi bạn lên giường ngủ. Không một tế bào, bì mô nào, cơ quan nào mà không được ông chiếu cố mang lên bàn mổ giải phẫu không thương tiếc đến độ tàn nhẫn. Bạn có biết, hay muốn biết, khi bạn tới tuổi ngũ tuần thì cứ mỗi 10 năm trọng lượng óc của bạn sẽ giảm 2% không? Nguyên sự diễn giảng của Nuland về tâm kích / Heart attack đã đủ làm cho óc bạn giảm ký rồi. Tuy nhiên nó vẫn không thấm vào đâu khi nghe diễn tả về bệnh AIDS. Ông khủng bố người đọc bằng bóng ma tử thần để buộc họ phải đối diện với thực tế thâm sâu cùng kín bên trong hơn là những phù phiếm viển vông bên ngoài của cuộc đời.

Tuy hữu hạn, ta vẫn muốn vượt hạn

Thế giới tây phương, con người y học khi quan sát đời sống của đứa trẻ sơ sinh đã nghĩ rằng đời người không có giới hạn. Nhưng Nuland thì nghĩ khác, ông tin rằng nó có một giới hạn cố hữu tự nhiên. Khi mà thời điểm đã đến thì “dù không bệnh tật hay tai nạn, cái giới hạn đó chắc chắn phải nổ tung”. Điều đặc biệt, ông nhấn mạnh, là trong y học cũng như bất cứ ở đâu, hai quan niệm đó luôn luôn căng thẳng ở hai thái cực. Một quan niệm ví như nước thủy triều cứ đến giờ là dâng lên hạ xuống đều đặn. Quan niệm kia cho rằng bổn phận của khoa học là tìm kiếm mọi phương tiện, hoàn cảnh, kỹ thuật khả dĩ hiện có để chống lại sóng thủy triều ấy, mặc dù biết rằng nó vẫn nhịp nhàng đổi mới và còn làm cho ngoại cảnh xã hội thêm vững vàng cũng như giúp cho khoa học văn minh thêm thăng tiến.

Y học và luân lý: hãy thừa nhận hình ảnh đứa trẻ nít chính là hiện thân của sự chết

Mọi y sĩ đều hiểu, cũng như Nuland hiểu, rằng y học là một nghệ thuật và cũng là một khoa học phải phù hợp với luân lý. Nhà luân lý học cũng hiểu rằng sự chiến đấu của y học chống lại bệnh tật là phải làm sao để đời sống của con người được quân bình tự nhiên. Một ám ảnh, một ước mơ để có trường sinh bất tử thật ra chỉ làm con người ăn mất ngon ngủ mất yên; họ đã không sống một cách tự nhiên thoải mái. Chấp nhận cái chết là điều kiện tiên quyết để vượt thoát ra khỏi những lo âu sợ hãi mong được cải lão hoàn đồng. Sinh học / biology đã chứng minh những điều triết học đặt vấn đề: Sinh vật, hay đúng hơn, con người mà đời sống đã vượt quá chính sự sống của họ, được thể hiện qua thế hệ trẻ. Leon Kass, một bác sĩ kiêm triết gia, đã nói:

“Hình ảnh đứa trẻ nít chính là đáp số, hiện thân của sự chết. Sự hiện diện của chúng dưới mái nhà êm ấm nhắc nhở chúng ta rằng chẳng ai có thể tự nhận mình còn thuộc về một thế hệ nào đó ở biên giới xa vời tận cùng thế giới.”

Trợ sinh hay trợ tử? Nguồn:  blog.chaelaw.com
Trợ sinh hay trợ tử? Nguồn: blog.chaelaw.com

Tử thần đã giúp con người sống cân bằng và thôi thúc, khuyến khích họ làm lành lánh dữ. Nhưng chấp nhận giới hạn sống-chết là đi ngược lại mục đích của y học mà Nuland gọi là “quá qui ngã nghề nghiệp” và điều này quả là hấp dẫn đối với những ai quá lo lắng sợ hãi sự chết. Y học có thể biến đổi hoặc điều khiển thiên nhiên, nhưng chắc chắn y học đã bị khuất phục trước quyền năng của tạo hóa. Ai cũng biết hiện nay 80% dân Hoa Kỳ chết trong các nhà thương, trước mắt những vị bác sĩ kỳ tài, kỹ thuật tân tiến vượt bưc, nào dây, nào ống, nào dưỡng khí, máy bơm máy thở…chằng chịt, nhân viên tài giỏi nhộn nhịp chạy trước chạy sau trong những trung tâm cấp cứu hồi sinh mà theo Nuland là những biểu hiệu của sự chối từ sự quân bình tự nhiên của đời người, từ chối sự chết.

Chạy đua với tạo hóa, thì sẽ gặp cảnh ngộ chết không chết được sống không sống nổi

Nhà khoa học có thể chế biến ra quả trứng với đầy đủ tính chất lượng y như một quả trứng tự nhiên, nhưng có một cái mà họ không thể làm được là trứng đó không thể ấp và nở ra con, sự sống. Nhà thần học và luân lý học quan niệm rằng con người nghiên cứu, tìm tòi, cố công phát minh ra những cái mà ta gọi là kỳ công chưa bao giờ thấy, nhưng thực ra nó đã có sẵn trong trời đất, trong sự toàn năng của tạo hóa. Sự sống và sự chết cũng là một kỳ công của thuộng đế. Ta không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào ngăn cản được sự chết. Thế giới ngày nay càng văn minh thì tử thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn dạng khác nhau. Có cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đớn đau khốn khổ, muốn chết không chết được, sống không sống nổi. Càng chạy trốn tử thần thì tử thần càng đến gần. Càng tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều, càng đắng cay…

Nhưng lúc nào thì cả Sự Sống lẫn Tử Thần đều tận cùng? Ngày đó thế giới sẽ ra sao?

Đời sống là nguyên hàm của hạnh phúc với thời gian. Nguồn: Teddy Larkin
Đời sống là nguyên hàm của hạnh phúc với thời gian. Nguồn: Teddy Larkin

Chúa Giêsu đã trả lời cho ba môn đệ Phêrô, Gioan và Anrê:

“…Lúc đó sự khốn khổ sẽ thật lớn lao như chưa từng có từ ngày Thiên Chúa tạo nên vạn vật và sau này cũng không có nữa. Ngày ấy không một ai biết trước, các con không biết, cả các thiên thần trên trời cũng không biết, chỉ có một mình Cha biết mà thôi” (Marco 13: 19-32).

Đoạn cuối bài thơ “The Hollow Men” của T.S. Eliot cũng diễn tả cái ghê rợn của ngày ấy:

“This is the way the world ends
This is the way the world ends
This is the way the world ends
Not with a bang but a whimper.”

Dịch:

“Này đây thế tận thời cùng,
Này đây là cảnh lâm chung cuộc đời.
Chẳng là bùng nổ tan trời,
Lại là rên rỉ quặn lời đớn đau.”

Pace Islands,Florida
Mùa Gió Bão

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, chú thích và minh hoạ

(1) Một vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau. Lịch sử giáo hội Công giáo La Mã có những sự kiện ngược lại; ví dụ chuyện tử hình Joan of Arc (Jeanne d’Arc,c. 1412 – 30 May 1431), Jan Hus (c. 1369 – 6 July 1415), William Tyndale (c. 1494–1536), Pháp đình tôn giáo từ những năm 1100 đến 1808, Truy nã đồng cốt (Witches hunts) từ khoảng 1480 đến 1750.
(2) Trợ tử đã trở thành hành động hợp pháp tại một số quốc gia trên thế giới: trong một thời gian ở Lãnh địa miền Bắc nước Úc (Northern Territory) bằng đạo luật “Rights of the Terminally Ill Act” 1995, tại Bỉ từ 2006, tại Canada từ tháng 2, 2015 (đã hợp pháp tại Quebec, một tỉnh bang của Canada, từ tháng 6, 2014), va hợp pháp tại một số tiểu bang ở Hoa Kỳ như California, Oregon, Washington,…