Tập Cận Bình sẽ “thiết lập lại” quan hệ trong chuyến thăm Việt Nam

Gabriel Domínguez (DW) | Trà Mi dịch

xi3Giữa lúc căng thẳng tăng cao vì những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tại đây để hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa các hai nước cộng sản.

Tập Cận Bình. Nguồn:
Tập Cận Bình. Nguồn: © Getty/AFP/ L. Ramirez

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 đến Việt Nam là cuộc viếng thăm đầu tiên tới đây với tư cách người lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Họ Tập sẽ gặp gỡ với giới lãnh đạo của Việt Nam, kể cả Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang.

Theo hãng tin của chính quyền Trung Quốc Tân Hoa Xã, trong chuyến thăm hai ngày, hai nước láng giềng sẽ ký một loạt các thỏa thuận về các lĩnh vực như hợp tác giữa hai đảng cộng sản, giáo dục văn hoá, các dự án cơ sở hạ tầng, kinh tế, thương mại và đầu tư.

Theo giới truyền thông Trung Quốc thì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với thương mại song phương đạt tới 83,6 tỉ đô-la vào năm ngoái – trong đó hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam là hơn 50 tỉ đô-la. Năm nay, thương mại Trung-Việt ước lượng khoảng 90 tỉ đô-la, và sẽ tăng lên đến 1.000 tỉ USD trong năm 2016.

Phát biểu với Tân Hoa Xã, Li Jun, một viên chức cao cấp của Quốc tế Vụ của Ban Chấp hành Trung ương CPC, cho biết chuyến đi Việt Nam của họ Tập diễn ra vào một giai đoạn mới của quan hệ song phương, vì hai bên đã đồng ý làm việc cùng nhau để liên kết “Sáng kiến Nhất đái Nhất lộ”của Trung Quốc với kế hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Việt Nam. Li Jun nói,

“Chuyến đi sắp tới của ông Tập sẽ […] đẩy sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam.”

Quần đảo Trường Sa

Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thực hiện các dự án xây đảo bất hợp pháp trong vùng Biển Đông

Tranh chấp lãnh thổ

Hà Nội đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xây đảo bất hợp pháp trong khu vực và vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.. Nguồn:  © picture-alliance/dpa
Hà Nội đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xây đảo bất hợp pháp trong khu vực và vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.. Nguồn: © picture-alliance/dpa

Nhưng người lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn dùng chuyến viếng thăm này để xoa dịu căng thẳng tăng cao vì những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vì Hà Nội đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xây đảo bất hợp pháp trong khu vực và vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu đường thủy giàu năng lượng, mỗi năm một số hàng hoá trị giá 5 ngàn tỉ USD chuyển vận qua đó và TQ khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” làm chủ những nguồn tài nguyên biển trong khu vực.

Theo giới chức chính phủ Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện đã có hơn hai triệu mét vuông đất mới, trong khi dự án đắp đảo của Việt Nam tổng cộng có khoảng 200.000 mét vuông.

Zachary Abuza, một chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á và là giáo sư tại Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington nói với DW,

“Có tranh chấp lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, phần phía nam của Vịnh Bắc Bộ vẫn chưa được xác định ranh giới, và các tàu Trung Quốc thường xuyên quấy rối tàu nghiên cứu địa chấn của giới đầu tư nước ngoài hoặc hoặc tàu của ngư dân Việt Nam.”

Năm ngoái, việc Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu khổng lồ, vào vùng biển mà Việt Nam coi là vùng độc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, làm căng thẳng trong khu vực leo thang, và gây ra các cuộc biểu tình bạo lực chống Trung Quốc và các sự kiện tồi tệ nhất trong quan hệ hai nước kể từ khi có cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào năm 1979.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam leo thang sau khi TQ đưa một giàn khoan dầu khổng lồ của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp. Nguồn:   © picture-alliance/ AP
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam leo thang sau khi TQ đưa một giàn khoan dầu khổng lồ của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp. Nguồn: © picture-alliance/ AP

‘Có rất nhiều áp lực’

Ngoài Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực. Và tốc độ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là mối quan ngại của Mỹ gần đây đã gửi một khu trục hạm đi vào vùng giới hạn 12 hải lý của một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc để “khẳng định quyền tự do hàng hải” trong vùng biển mà Washington xem như là vùng biển quốc tế.

Trung Quốc lên án hành động này là “bất hợp pháp” và là một mối đe dọa đến chủ quyền của đất nước họ. Zachary Abuza nói thêm về chuyến viếng thăm Hà Nội sắp đến của Tập Cận Bình,

“Ngoài mặt, Trung Quốc sẽ kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh thổ – và không từ bỏ bất cứ điều gì và muốn Việt Nam hỗ trợ chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc và cũng sẽ có các cuộc đàm phán về quan hệ xã hội chủ nghĩa anh em và quan hệ giữa hai đảng cộng sản.”

Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Mỹ vào năm ngoái trong một nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương. Nguồn:  © Reuters
Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Mỹ vào năm ngoái trong một nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương. Nguồn: © Reuters /J. Ernst

Giới phân tích lập luận, nhưng đằng sau hậu trường, sẽ có rất nhiều áp lực đối với Việt Nam, mà Bắc Kinh xem như là chủ động chống Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Abuza nói,

“Trung Quốc không bằng lòng với việc Việt Nam phát triển quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ, điển hình là chuyến thăm chưa từng có của Tổng Bí thư Đảng CSVN đến Washington cuối tháng Bảy vừa qua.”

Sức chống Trung Quốc đang tăng

Giới quan sát cho rằng, trong thực tế, dù hai đảng cộng sản vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ, việc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các căn cứ ở Biển Đông đã làm căng thẳng quan hệ của họ trong năm qua.

Phương Nguyễn, một chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với DW,

“Một số cán bộ cao cấp, và trí thức Việt Nam đang ngày càng cảnh giác với các hành động và tham vọng của Trung Quốc; và ký tên vào Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu là một lựa chọn chiến lược của Hà Nội để dần dần chuyển ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.”

Phương Nguyễn nói thêm, kết quả của những tranh chấp đó làm dư luận tại Việt Nam đối với Trung Quốc trở nên cực kỳ tiêu cực, hoàn toàn trái ngược với tâm lý quần chúng đối với Hoa Kỳ, một nước cựu thù.

Thêm vào đó là chuyến thăm của họ Tập đến ngay trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 vào đầu năm 2016. Bắc Kinh đã lo ngại rằng một số cá nhân thân phương Tây đã lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc sẽ đảm nhận các vị trí lãnh đạo hàng đầu. Abuza nói, “Tôi đoán là họ Tập sẽ cho đảng CSVN biết rõ quan điểm của Trung Quốc về những những cá nhân chống Trung Quốc.”

Một cơ hội để ‘chỉnh hướng’

Nhiều quốc gia trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Nguồn DW
Nhiều quốc gia trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Nguồn DW

Chuyến đi sắp tới quan trọng đối với Trung Quốc cũng như đối với Việt Nam vì nó có thể giúp xác định mối quan hệ song phương sẽ đi về đâu.

Moritz Rudolf, một chuyên gia về Trung Quốc và người nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức (MERICS ), nói với DW,

“Rất quan trọng là việc Chủ tịch Tập Cận Bình tránh đẩy Việt Nam vào vòng tay của Nhật Bản và Mỹ. Do đó, ông Tập sẽ cho Việt Nam những ưu đãi kinh tế toàn diện.”

Đối với Hà Nội, chuyến viếng thăm này có thể được xem như là một biểu tượng rõ rệt dù có những tiến bộ trong quan hệ với Washington, Việt Nam vẫn duy trì một chính sách đối ngoại độc lập và cố gắng giữ cân bằng trong quan hệ đối với hai siêu cường thế giới.

Đối với Bắc Kinh, dường như đã đánh giá thấp quyết tâm chiến lược của Hà Nội, chuyến viếng thăm này có thể là một cơ hội ‘chỉnh hướng’ hầu giúp TQ bồi đắp mối quan hệ thường buồn vui lẫn lộn với Việt Nam, như chuyên gia CSIS Phuong Nguyễn đã nêu ra. Bắc Kinh cũng cần quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và làm cho dự án Con đượng Tơ lụa trên biển thành công.

Tuy nhiên, Phương Nguyễn tin rằng bất chấp bất cứ lời bảo đảm nào của ông Tập, Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ tiếp tục bành trướng sự xâm lấn của họ ở khu vưc Biển Đông chiến lược và Hà Nội sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích riêng của của họ trong khu vực.

Chính sách đa hướng của Hà Nội

Phương Nguyễn nhận định,

“Bằng cách nâng cao nhận thức hàng hải riêng của mình và khả năng phòng thủ trên biển của Hải quân, Không quân và Cảnh sát biển, Hà Nội có thể làm cho Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về hành động hung hãn của họ đối với các nước láng giềng nhỏ hơn ở Đông Nam Á; đó là điều các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines hay Malaysia không thể hay sẽ không làm. Và Hoa Kỳ đã bắt đầu tích cực hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong những hoạt động này.”

Nhưng Việt Nam không chỉ trông cậy vào sự ủng hộ của Mỹ, như giới phân tích đã đề cập tới chính sách ngoại giao đa hướng của Hà Nội. Abuza nói,

“Việt Nam tìm mối quan hệ tốt với Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia và Nga, cũng như Trung Quốc. Vấn đề là người Trung Quốc có một cái nhìn rất tổng bằng về thế giới, và họ thấy việc Hà Nội cải thiện quan hệ với Washington, New Delhi, Tokyo và Canberra, như là một phần của một nỗ lực để “kềm chân” Trung Quốc lúc nào cũng muốn có sự tôn kính từ phía Việt Nam.”

Ví dụ, Abuza đã chỉ ra rằng Trung Quốc rất lo lắng rằng Việt Nam – đã cố gắng tìm một đồng thuận với ASEAN chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông – đang mở cửa cảng chiến lược ở vịnh Cam Ranh, dù chỉ về “mặt thương mại” và không cho bất cứ quốc gia nào được độc quyền. Các chuyên gia khu vực Đông Nam Á cũng cho biết,

“Rõ ràng Mỹ sẽ tìm cách lợi dụng điểm này, và trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang ở Hà Nội và nhiều khả năng sẽ thương lượng sử dụng Vịnh Cam Ranh cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, như vậy có thể chọc giận Bắc Kinh.”

Không có yếu tố thay đổi cục diện

Với những diễn biến này, giới chuyên gia nói rằng ngoài các hiệp định thương mại và đầu tư, chuyến đi Hà Nội của họ Tập có khả năng không đạt được những kết quả thực tế, đặc biệt về mặt tranh chấp lãnh thổ. Abuza nói,

“Có thể có một tuyên bố về nguyên tắc để kết thúc việc phân định Vịnh Bắc Bộ và một kế hoạch chi tiết chung cho sự phát triển quan hệ song phương lâu dài, nhưng tôi không dự đoán có bất kỳ bước đột phá nào có ý nghĩa.”

Chuyên viên phân tích Phương Nguyễn có quan điểm tương tự, “Mức độ ngờ vực và vỡ mộng vì những hành động của Trung Quốc sẽ không biến mất trong giới cầm quyền tại Hà Nội và trong quần chúng chỉ vì hai ngày thăm viếng của Tập Cận Bình ở Việt Nam.”

Tuy nhiên, do các cuộc tiếp xúc cao cấp thường xuyên, cũng như mối quan hệ lịch sử và chính trị sâu sắc giữa hai nước, chuyên viên phân tích MERICS Rudolf tin rằng sự leo thang của các cuộc tranh chấp có vẻ sẽ không xẩy ra vào thời điểm này.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: China’s Xi aiming to ‘reset’ ties on Vietnam visit. By Gabriel Domínguez, Deutsche Welle, 3/11/2015.

1 Comment on “Tập Cận Bình sẽ “thiết lập lại” quan hệ trong chuyến thăm Việt Nam

  1. SỜ SỜ
    Đảo mình nó lấy sờ sờ
    Chỉ đành cam chịu nằm mơ giữa đời
    Anh em đồng chí eo ôi
    Có ngày nó sẽ thọc dao vào sườn
    Ngây thơ như vậy tỏ tường
    Hay vì mê muội con đường công danh
    Hay mê ý hệ loanh quanh
    Cái mồi ảo tưởng sao đành chưa buông
    Đúng đời toàn chuyện tầm ruồng
    Độc quyền quyết định dân tuồng như không
    Rồi ngày đất nước chổng mông
    Kêu gào đến mấy dễ còn ai thương
    Khác chi bé mút cục đường
    Ngọt ngào một tí hết đường mà đi
    Con tằm ăn lá nói chi
    Từ từ cũng hết có gì mà nôn
    PHIẾM NGÀN
    (07/11/15)