Tập Cận Bình không đạt được kết quả mong đợi ở Việt Nam
Shawn W. Crispin | DCVOnline dịch
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội Việt Nam hôm thứ Sáu, như dự đoán, ông Tập nhấn mạnh tới quan hệ lâu dài về kinh tế và ý thức hệ của hai nước.
Những giới hạn của chuyến đi đúng lúc của Tập Cận Bình nhằm phục hồi vị trí của Bắc Kinh
Ngoài những nghi thức ngoại giao, Tập Cận Bình đã xếp đặt chuyến viếng thăm và diễn văn trước quốc hội Việt Nam cộng sản một cách chiến lược – là lần đầu Chủ tịch TQ đến Việt Nam trong mười năm qua – mặc nhiên nhằm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị của Việt Nam, kể luôn kết quả ở Đại hội Đảng CSVN sẽ tổ chức vào đầu năm 2016 để bầu chọn ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quyết định chính sách năm năm tới.
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hiếm thấy, ban đầu được cho phép nhưng sau đó đã bị đàn áp khắc nghiệt, đã diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trước khi họ Tập đặt chân đến Việt Nam. Những biểu ngữ đòi TQ phải rút lui khỏi biển Đông, nơi mà hai bên có tranh chấp sôi nổi về tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Người biểu tình bận T-shirt in hình họ Tập bị gạch chéo trên trán. Giới hoạt động trên mạng cho lưu hành một bản kiến nghị trên Facebook kêu gọi chính phủ hủy bỏ lời mời Tập Cận Bình. Những sự kiện “No Xi” khác như một cuộc họp của một câu lạc bộ bóng tròn–chống Trung Quốc, thấy ít bị chính quyền ảnh hưởng và trù dập tàn nhẫn.
Các phản ứng thất thường nhấn mạnh sự phân chia trong nội bộ chính trị độc đảng của Việt Nam giữa hai phe thân Trung Quốc và thân Mỹ. Phe đổi mới và ngày càng thân Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tăng ảnh hưởng tiền đại hội Đảng, phấn chấn vì thái độ cứng rắn của ông ta đối với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ đang leo thang. Phe thân Trung Quốc do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng dẫn đầu, đã nhìn thấy họ đang mất ảnh hưởng vì phản ứng của họ trong việc giải quyết việc TQ đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển độc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hồi cuối tháng 5 năm 2014.
Sự kiện giàn khoan đã làm dấy lên những cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc phá huỷ một số nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài [phần lớn là của Đài Loan – DCVOnline], giết chết ít nhất ba công dân Trung Quốc, và buộc Bắc Kinh phải di tản hàng ngàn công nhân của họ. Vào thời điểm đó, Dũng chọn con đường dân tdộc chủ nghĩa, lớn tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan khỏi vùng biển và phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Chiến thuật ngoại giao thận trọng của Phùng Quang Thanh, mặt khác, đã tránh một cuộc đối đầu toàn diện, nhưng bạo lực vẫn đưa mối quan hệ song phương đến một điểm đen tối nhất chưa ừng thấy kể từ khi có cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979.
Chuyến thăm của ông Tập, được coi là một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương bị rạn nứt, xảy ra ở một thời điểm ngoại giao khó xử. Không nơi nào bị ảnh hưởng lớn như Việt Nam khi Trung Quốc thay đổi chiến thuật ở Biển Đông bằng quyền lực cứng. Gần đây Trung Quốc cho thấy những đảo nhân tạo gồm các cơ sở và đường bay mà giới phân tích tin rằng có thể để máy bay ném bom của Trung Quốc sử dụng nhắm vào các mục tiêu ở Việt Nam trong một cuộc xung đột có thể xẩy ra – đã khiến mọi người lo ngại rằng Bắc Kinh muốn quân sự hóa và kiểm soát đường biển trong khu vực hàng hải ở Biển Đông. Những blogger theo khuynh hướng dân tộc đã lanh lảnh ví hành động bành trướng này với việc Trung Quốc xát nhập Tây Tạng và Tân Cương từng độc lập vào lãnh thổ của Trung Quốc.
Những hành động này đã kéo Mỹ về phía Việt Nam trong cuộc tranh chấp, dù trong danh nghĩa là để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Tổng thống Barack Obama phản đối bất cứ hành động quân sự nào của Trung Quốc ở Biển Đông trong lần Xi tới thăm Washington vào cuối tháng Chín vừa qua. Vài ngày trước khi Ttajp Cận Bình đến Hà Nội, Washington đã cử một tàu chiến đến trong vòng 12 hải lý của một trong những hòn đảo nhân tạo mới của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa nơi đang có tranh chấp. Trung Quốc đáp lại bằng cách cho máy chiến đấu trang bị hoả tiễn bay “tập trận” trên vùng duyên hải Việt Nam.
Can thiệp của hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho phe của ông Dũng trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội. Các đồng minh của ông Dũng đã sẵn sàng để chiếm bốn vị trí hàng đầu của đảng, cụ thể là Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Tổng bí thư đảng CSVN. Dũng, một thủ tướng hai nhiệm kỳ, đã vượt qua một loạt các thách thức trong nội bộ đảng, được tiên đoán sẽ giành chiến thắng trong vai trò Tổng bí thư đang ở trong tay của Nguyễn Phú Trọng, phe thân Trung Quốc. Nếu thực như vậy, giới phân tích Hoa Kỳ cho rằng Dũng thân Mỹ sẽ dẫn đầu tứ trụ thống nhất sẽ là người lãnh đạo đảng mạnh nhất của Việt Nam cộng sản kể từ những năm 1990.
Dũng, chưa bao giờ đến thăm Bắc Kinh trong suốt chín năm làm Thủ tướng, đã mạnh dạn ra tay cắt ảnh hưởng của phe ủng hộ Trung Quốc, đặc biệt là trong quân đội. Hồi tháng Bảy, Dũng đã dàn xếp việc chuyển vị trí của hai phó tướng quân đội hàng đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chịu trách nhiệm về an ninh tại Hà Nội ngay sau khi Thanh được nhận vào một bệnh viện ở Pháp để chữa trị bệnh phổi. Họ đã nhanh chóng bị thay thế bằng những tướng lĩnh thuộc phe của Dũng. Trong một thế khác trên bàn cờ quyền lực, hồi tháng Chín Dũng dàn dựng một cuộc kiểm toán toàn bộ cổ phần kinh doanh của Bộ Quốc phòng, kể cả một một doanh nghiệp quân sự lớn do con trai của Thanh quản lý, chỉ một ngày sau khi họ Tập chính thức nhận lời mời của Trọng đến thăm Việt Nam.
Giới phân tích tin rằng chuyến thăm giữa đảng-với-đảng của họ Tập là để tìm cách để củng cố phe ủng hộ Trung Quốc trong đảng CSVN bằng niếng bánh kinh tế. Trước khi ông Tập đến Hà Nội, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoan nghênh hợp tác song phương trong việc kết nối “Sáng kiến Nhất đái Nhất lộ” với hệ thống thương mại Đông-Tây giữa hai bên, “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, kế hoạch chung của cả hai nước bắt đầu vào năm 2008. Trong một cuộc họp riêng với Trọng, họ Tập cam kết cho Việt Nam vay 158 triệu USD trong năm năm tiếp theo để hoàn thành một dự án đường sắt cao tốc. Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách làm giảm thặng dư thương mại lớn và tăng với Việt Nam, gần 25 tỉ USD trong năm 2014.
Món quà kinh tế của họ Tập trùng hợp với việc công bố văn bản của Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, một hiệp ước thương mại đa phương, nếu được 12 nước ký kết thông qua, sẽ chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã bị đặt ra ngoài hiệp định một cách âm thầm, kín đáo. Theo đánh giá ban đầu của một mô hình kinh tế Việt Nam sẽ đạt được nhiều điểm lợi nhất từ TPP, với kim ngạch xuất khẩu dự tính sẽ tăng 28% trong mười năm đầu tiên áp dụng hiệp định. Nó cũng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào đối tác thương mại lớn nhất, Trung Quốc; và TPP là một vấn đề chính trị ngày càng nhạy cảm, vì sự giao chuyển một số lượng hàng lớn hơn sang Mỹ, Nhật Bản và Australia, và với các thành viên khác của hiệp ước.
Các khoản cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng đã có một ảnh hưởng quyền lực mềm mạnh hơn ở giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế của Việt Nam và trước khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lịch sử trên 80% Biển Đông. Họ Tập đã né tránh không đề cập cụ thể đến những tranh chấp trên biển của hai bên trong bản diễn văn trước Quốc hội Việt Nam, chỉ đưa những công thức nhạt nhẽo về cách “kiểm soát” song phương cần được kiểm soát và quản lý một cách “thích hợp”. Trong khi đó, sự hiện diện của các tàu hải quân Mỹ xung quanh, sẽ kiểm soát bất kỳ hành động nào của Bắc Kinh dùng tới vũ lực để ảnh hưởng đến kết quả tại Đại hội đảng CSVN sắp tới. Trong khi chuyến viếng thăm của họ Tập khá đúng lúc để khôi phục lại vị trí sút kém của Trung Quốc tại Việt Nam, chiến thuật của ông dường như đã không đạt được kết quả mong đợi.
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
– China’s Xi Misses the Mark on Vietnam Visit. Shawn W. Crispin. The Diplomat, November 06, 2015.