Điều gì xảy ra khi ta chết?

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

songchetChết thì từ ngàn xưa vẫn là những vấn nạn nan giải. Con người sinh ra, sống, rồi chết. Sinh Ký Tử Qui là lẽ tự nhiên. Một đời sống mới nối tiếp theo sau sự chết?

Hồi nhỏ chúng ta thích đọc truyện ma quỉ, thần thoại hay kiếm hiệp thường thấy nói người chết sống lại. Vợ con đã làm lễ phát tang, than khóc ỉ ôi, có khi một hai ngày rồi bất thần người chết mở mắt, ngồi dậy, ăn uống và nói chuyện bình thường, lại còn kể những cảnh thần tiên hoặc ác quỉ ghê gớm mà họ đã sống, đã thấy sau khi chết. Chuyện đó có thật hay không thì chưa ai thực sự kiểm chứng được. Nay đời sống văn minh tiến bộ hơn, người ta nghi ngờ những cậu chuyện như vậy, coi là giả tưởng, chỉ là những câu chuyện người ta kể lại. Có thể đúng như người chết kể lại. Có thể do người chết chưa chết, tâm trí vẫn còn hoạt động và quay trở lại những hình ảnh, những suy tư lúc còn sống rồi biến hóa câu chuyện thành thần tiên quỉ dữ. Người ta đặt vấn đề: Người “chết” đã chết thực sự chưa? Câu chuyện người “chết” kể lại có thực sự đúng như họ thấy không?

Chết thì từ ngàn xưa vẫn là những vấn nạn nan giải. Con người sinh ra, sống, rồi chết. Sinh Ký Tử Qui là lẽ tự nhiên. Một đời sống mới nối tiếp theo sau sự chết?

Bác sĩ Sam Parnia, trong cuốn sách của ông nhan đề “Điều gì xẩy ra khi ta chết”(1) không bàn về đời sau như thiên đàng, hỏa ngục, nhưng đặt vấn đề một người gọi là “chết” có thực sự chết chưa để tìm hiểu, nghiên cứu. Từ đó mới có thể có những định nghĩa chính xác về chết. Rồi vấn đề được đặt ra: Khi đã chết, trí khôn, nhận thức con người có chết cùng với não bộ và thân xác không? Khi chết, nhận thức và thần trí con người có lìa khỏi thân xác không? Nếu có thì nó có những suy tư cảm nghiệm gì sau đó?

Thế nào là chết?

Có rất nhiều định nghĩa “chết”, chết hiểu theo y học, luật học, sinh học và văn hóa, tôn giáo, đạo đức. Ở đây, chúng tôi chỉ nói về cái chết theo quan niệm y học.

Lúc còn nhỏ khi học giáo lý, các linh mục thường định nghĩa chết là lúc linh hồn lìa khỏi xác. Nhưng xác định lúc nào linh hồn lìa khỏi xác thì quả là rất khó mà biết. Do đó chẳng có thể xác quyết chắc chắn lúc nào một người gọi là chết. Định nghĩa “chết” đúng là một vấn đề. Theo y học thì chết là lúc tim ngừng đập và phổi ngừng thở. Nhưng ngày nay nhờ khoa cấp cứu hồi sinh, CPR(1) phát triển và tiến bộ, khi tim vừa ngừng đập nếu người ta ngay lập tức dùng máy rung tim (defibrillation) thì tim đôi khi có thể hoạt động trở lại. Do đó định nghĩa như ở trên có vẻ không còn được chính xác cho lắm. Ngay cả khi những nguyên do hoặc cơ quan như tim và phổi là những cơ phận cần thiết cho sự sống chết như ta hiểu cũng không còn giá trị khít khao nữa. Mạng sống con người vẫn có thể tồn tại nhờ những kỹ thuật trợ sinh (life support) phối hợp với cách ghép cơ quan và trợ tim nhân tạo (organ transplants and artificial pacemakers).

Cách dùng máy máy rung tim tuej động. Nguôn: http://www.nhlbi.nih.gov/
Cách dùng máy máy rung tim tuej động. Nguôn: http://www.nhlbi.nih.gov/

Vì vậy, ngày nay người ta định nghĩa “chết” là lúc bác sĩ điều trị đưa tay cắt máy trợ sinh, rút ống thở dưỡng khí của bệnh nhân khiến óc bệnh nhân hết hoạt động trước sự chứng kiến của bác sĩ khám nghiệm. Lúc đó gọi là “óc Chết” hay “chết sinh học”. Lúc này óc của bệnh nhân không còn sinh động điện nữa và người bệnh coi như chết ở tình trạng thực vật. Khi óc không còn sinh động điện và ngưng hoạt động là lúc con người không còn nhận thức nữa (consciousness). Tuy nhiên tình trạng mất nhận thức đó (unconsciousness) phải là vĩnh viễn (permanent), không phải tạm thời (transient) như khi chúng ta ngủ rất say nhất là lúc bị hôn mê (coma), bởi vì trong những trường hợp như vầy, não động đồ (Electroencephalography, EEG) vẫn cho ta thấy một sự khác biệt rất rõ ràng. Do đó xác định lúc chết rất quan trọng trong trường hợp cần lấy cơ quan để ghép cho người khác. Cơ quan phải được lấy ngay lập tức và nhanh hết sức có thể lúc người bệnh vừa mới chết tức thì.

Một vài thí dụ những biểu đồ sóng não (EGG). Nguồn: http://www.bem.fi/
Một vài thí dụ những biểu đồ sóng não (EGG). Nguồn: http://www.bem.fi/

Khả năng óc lấy lại được sinh động – ở Hoa Kỳ – là một điều kiện cần thiết về mặt pháp lý, chứng tỏ một người vẫn còn sống. “…một khi óc đã được xác định là chết….thì việc cắt đứt trợ sinh rút ống dưỡng khí sẽ không bị liên đới tội hình sự hoặc dân sự” (Trường hợp Dority v. Tối Cao Pháp viện San Bernadino County, 139 Cal. Rp tr. 288, 291 (1983).

Nhưng có người tranh luận cho rằng phần vỏ não (neo-cortex) của óc mới là quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến ý thức (consciousness) con người cho nên chỉ có sinh động điện (electrical activity) của não mới có thể xác định được một người chết hay không. Lý lẽ nào cũng có lý cả nên sau cùng tiêu chuẩn chết có thể chấp nhận được là khi nạn nhận mất khả năng ý thức vĩnh viễn và bất khả hồi được chứng tỏ là vỏ não đã chết thực sự (death of celebral cortex). Tất cả hy vọng phục hồi tư tưởng và nhân tính vô phương cứu chữa với những kỹ thuật y khoa tân kỳ hiện đại đang có. Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi người ta chấp nhận một định nghĩa CHẾT có tính cách bảo thủ hơn: Chết là khi toàn thể bộ óc đã ngừng sinh động điện và bất khả hồi (irreversible cessation of electrical activity) chứ không chỉ riêng của vỏ não (neocortex) như trước kia. (Uniform Determination Of Death Act in USA)

Với tiêu chuẩn về toàn thể bộ não, xác quyết óc chết cũng vẫn còn lôi thôi, bởi vì não động đồ (EEG) vẫn có thể khám phá ra những kích động của não giống như thiệt hoặc một số thuốc hay lượng đường trong máu xuống quá thấp, dưỡng khí thiếu hay nhiệt độ trong người quá thấp cũng có thể khiến óc tạm thời ngừng sinh động. Vì vậy các nhà thương thường có những nguyên tắc chỉ dẫn để xác định óc chết dựa vào não động đồ bất thường tùy theo trường hợp.

Cũng vì lúc nào gọi là chết thực vẫn còn chưa được xác quyết và công nhận nên những vấn đề về tôn giáo, xã hội, y học hay luật học vẫn còn phải đặt thành vấn đề. Chừng nào vấn đề vẫn chưa được giải quyết và công nhận thì những luật lệ, nguyên tắc mà tôn giáo, xã hội, nhà nước đưa ra vẫn còn là những gì chưa được ổn?

Những nghiên cứu của bác sĩ Sam Parnia và nhóm chuyên viên

Bác sĩ Sam Parnia là một trong những chuyên viên hàng đầu đặc trách nghiên cứu Sự Chết theo phương pháp khoa học thuộc Trung tâm Y Khoa Weil Cornell ở Nữu Ước (New York). Tháng trước ông và các đồng nghiệp của ông đã tuyên bố tại Trung Tâm Dự Án Nghiên Cứu Ý Thức Con Người (Human Consciousness) những công việc đầu tiên họ đang làm: Ba năm nghiên cứu tìm tòi về sinh học của những “kinh nghiệm lúc hồn lìa khỏi xác”. Cuộc nghiên cứu được gọi là Sự Tỉnh Táo khi Hồi Sinh / AWARE (AWAreness during REsustitation) và nghiên cứu trên 1.500 người được cứu sống sau khi tim ngừng đập thuộc 25 Trung Tâm Y Tế lớn ở Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ. Báo Time có tường thuật việc này và nói với Bác sĩ Parnia về xuất xứ của dự án, những nghi ngờ cũng như những khác biệt giữa trí khôn và bộ óc con người.

Phương pháp kiểm chứng những điều mà một người “Gần Chết” cho biết.

Theo nguyên tắc, khi tim ngừng đập thì máu sẽ không chạy lên được óc. Lúc đó chỉ cần 10 giây đồng hồ là óc sẽ ngưng hoạt động. Nhưng kinh nghiệm cho biết cỡ 10%-20 % người khi tim đã ngừng đập lại có thể được cứu sống, và chừng vài phút hoặc hơn giờ đồng hồ sau họ cho biết là họ vẫn tỉnh táo. Vậy thì vấn đề ở đây là những điều người đó cho biết có thật hay không hay chỉ là một loại ảo tưởng? Để kiểm chứng, một cách duy nhất là để những hình ảnh chỉ có thể trông thấy được khi nhìn từ trên trần nhà xuống mà thôi để xem họ nói có đúng hay không, bởi vì họ nói họ có thể nhìn thấy tất cả mọi sự từ trên trần nhà. Vậy nếu chúng ta thử nghiệm một loạt cỡ 200 hay 300 người có tình trạng chết như vậy và nếu họ có thể được cứu sống trở lại và nói cho chúng ta biết chúng ta đang làm gì và họ trông thấy đúng những hình ảnh mà ta đã sắp đặt thì có thể kết luận là họ còn tỉnh táo mặc dù óc họ không còn hoạt động nữa.

Dự án nghiên cứu này có cho kết quả phù hợp với quan niệm về chết ở một xã hội bình thường hay không?

Người dân trong xã hội bình thường quan niệm “chết” là trong khoảnh khắc: Hoặc là chết hoặc là sống, không thể vừa sống vừa chết. Nhưng định nghĩa chết mà chúng ta công nhận là tim ngừng đập, phổi ngừng thở và kết quả là óc hết sinh động. Khi bác sĩ chiếu một tia sáng vào đồng tử con mắt, bình thường mắt sẽ có phản xạ, bởi vì phản xạ mắt là biểu hiện sinh động của tế bào óc, cơ quan giúp chúng ta sống, nếu không có phản xạ là óc đã hết sinh động và người đó đã chết. Lúc đó bác sĩ có thể chứng nhận là bệnh nhân đã chết với sự chứng kiến của y tá. Nhưng đó là năm mươi năm trước đây, vì lúc đó với tình trạng này bệnh nhân không có thể sống lại được.

Làm sao khoa học kỹ thuật hiện đại có thể thuyết phục được quan niệm “chết là trong khoảnh khắc”?

Ngày nay với khoa học kỹ thuật tân kỳ hiện đại người ta có thể làm cho người chết sống lại. Có những loại thuốc kỳ thần đã được phát minh, nhưng không biết nó sẽ được tung ra thị trường hay không, có đặc tính làm chậm lại tiến trình suy thoái của tế bào óc bị tổn thương và làm bệnh nhân chết chậm lại. Cứ tưởng tượng bạn tiến trước 10 năm, người ta đưa cho bạn một bệnh nhân mà tim vừa mới ngừng đập cùng với loại thuốc thần diệu ấy thì cái gì sẽ xẩy ra. Thuốc đó sẽ làm cho mọi sự chậm lại, và nếu là bây giờ thì sẽ chậm hơn một tiếng, nhưng 10 năm nữa nó có thể kéo dài đến hơn 2 ngày. Như vậy cứ cái đà phát triển này, y khoa hiện đại càng ngày càng tiến xa hơn nữa thì một ngày nào đó chúng ta sẽ có không biết bao nhiêu là vấn nạn về luân lý, đạo đức, luật lệ và tôn giáo.

Nhưng thử hỏi cái gì sẽ xẩy ra cho con người lúc bấy giờ? Điều gì thực sự sẽ xẩy ra? Ta biết rằng khi luồng máu không lưu thông đủ thì các tế bào sẽ phản ứng loạn xạ để tự bảo vệ để sinh tồn. Nhưng chỉ trong vòng chừng 5 phút là chúng bắt đầu bị tổn thương và biến thái. Sau chừng một giờ, sự tổn thương sẽ rất lớn và nếu ta có cố gắng kích động tim và bơm máu trở lại thì bệnh nhân cũng không thể sống được, bởi vì các tế bào đã biến đổi quá nhiều rồi. Cứ đà đó, các tế bào vẫn cứ tiếp tục biến đổi và chỉ trong vòng vài ngày là toàn thể xác bệnh nhân bắt đầu phân hóa thối rữa. Vậy thì chết không phải là trong khoảnh khắc. Nó là cả một tiến trình thay đổi bắt đầu từ lúc tim ngừng đập đi đến cao điểm là toàn thể thân xác, tất cả mọi tế bào bị hủy hoại và phân hóa thành thối rữa. Sau cùng, còn một điều nữa là trí khôn / linh hồn con người thì sao? Cái gì sẽ xẩy ra cho trí khôn và ý thức con người trong khi chết? Phải chăng nó cũng ngưng hoạt động ngay lập tức khi tim vừa mới ngừng đập? Phải chăng nó cũng ngừng hoạt động trong vòng 2 giây hoặc 2 phút đồng hồ đầu tiên? Chúng ta cũng nên nhớ là các tế bào vẫn liên tục thay đổi trong thời gian đó. Phải chăng nó ngừng sau 10 phút, một nửa giờ hay một giờ? Đến đây thực sự chúng ta không ai biết.

Điều đầu tiên người chết sống lại nói với bạn là cái gì?

Đây là những điều bác sĩ Parnia biết được do chính người “chết” sống lại kể với ông. Ông thuật lại,

“Họ làm tôi sáng mắt bừng tỉnh và cảm thấy mình thấp hèn nhỏ bé lại, bởi vì nghe họ kể mới thấy họ là những con người thành thật, nói sự thật chứ không phải kể ra để gây chú ý hay có tham vọng nổi danh gì. Rất nhiều trường hợp họ không nói cho bất cứ ai biết những điều đó bởi vì họ không muốn người ta sẽ nghĩ sai lầm về họ.”

Bác sĩ Parnia đã phỏng vấn hơn 500 trường hợp khác nhau từ hơn 10 năm nay. Tất cả những điều họ kể đều tương tự như nhau và được họ diễn tả đúng như đã xẩy ra. Bác sĩ Parnia đã tìm cách nói chuyện được với các bác sĩ và các y tá đã có mặt khi những người chết sống lại và chính tai họ được nghe những điều người chết nói lại mà họ không thể cắt nghĩa được là tại sao. Một số những dữ kiện này đã được bác sĩ Parnia ghi lại trong sách của ông nhan đề What Happens When We Die. Bởi vì ông muốn mọi người nhìn vấn đề ở cả hai khía cạnh, không phải chỉ bên phía bệnh nhân mà còn cả bên phía bác sĩ nữa, để thấy rằng bệnh nhân họ cảm nhận thế nào khi họ được các bác sĩ cứu họ sống lại và kể cho các bác sĩ những điều đã xẩy ra với họ. Bác sĩ Parnia đã nói chuyện với một bác sĩ chuyên khoa tim mạch, ông này nói rằng ông không có kể lại câu chuyện này cho bất cứ ai bởi vì ông không biết cắt nghĩa làm sao một bệnh nhân chết sống lại mà có thể kể lại rất chi tiết những điều ông đã nói và làm. Chuyện này đã làm ông quá sợ hãi khiến ông quyết định không muốn nhắc đến nó nữa.

Tại sao ta lại nghĩ là có những phản đối chống lại dự án nghiên cứu này?

Bởi vì chúng ta cố gắng vượt qua giới hạn của khoa học, đang cố gắng chống lại những ức đoán và quan niệm cố định từ ngàn xưa. Rất nhiều người vẫn giữ cái ý định cố hữu là “khi ta chết là ta chết”. Chỉ có vậy thôi. “Chết là trong khoảnh khắc”. Hoặc chết hoặc sống. Không có vừa sống vừa chết. Tất cả những ý tưởng đó chẳng có một giá trị khoa học gì cả, nhưng đó lại là một quan niệm xã hội. Nếu chúng ta nhìn lại cuối thế kỷ XIX, các nhà vật lý học lúc bấy giờ làm việc dựa vào luật chuyển động Newton, và họ giải đáp tất cả các hiện tượng trong vũ trụ này theo luật Newton. Nhìn vào thế giới quanh ta lúc bấy giờ thì luật vật lý của Newton hoàn toàn đầy đủ, nó có thể giải thích tất cả mọi sự mà ta gặp. Nhưng ngày nay, khi chúng ta nhìn vào những vật chuyển động thực nhỏ, thí dụ như điện tử- nhỏ hơn cả những nguyên tử – thì luật Newton’s không còn giá trị áp dụng được nữa. Do đó cần phải có một khoa vật lý học mới. Sau cùng chúng ta buộc phải đi tới khoa vật lý quantum.(2)

Nhà vật lý lượng tử Werner Heisenberg. Nguồn:  https://www.youtube.com/watch?v=xbpOMkBMtYU
Nhà vật lý lượng tử Werner Heisenberg. Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=xbpOMkBMtYU

Bây giờ chúng ta nhìn vào trí óc, ý thức và bộ não. Nếu cứ cho rằng trí óc và bộ não là một như nhau thì cũng được đi đối với đa số các trường hợp, bởi vì có đến 99% trường hợp, chúng ta không thể tách biệt được trí óc khỏi bộ não. Chúng làm việc và hoạt động cùng một lúc rất khít khao. Nhưng lại còn những trường hợp đặc biệt, dù là rất hiếm đi nữa, như khi bộ não ngưng hoạt động thì chúng ta thấy rằng lý luận cho rằng trí khôn và bộ não là một không còn đứng vững được nữa như ta thấy những kinh nghiệm dẫn chứng ở trên. Vậy thì cần phải có một nền khoa học mới tương tự như khoa vật lý quantum vậy. Máy Gia Tốc Hạt lớn(4) của Trung Tâm nghiên cứu nguyên tử của Âu Châu (Centre Européenne pour la Recherche Nucléaire, CERN) đã giúp giới nghiên cứu đi đến những khám phá mới như hạt lượng tử Higg boson(5).

Giải Nobel Vật  lý 2013. Ngồn LabRoot.
Giải Nobel Vật lý 2013. Nguồn: labroots.

Đôi lời kết

Sự sống đã là một kỳ công do thượng đế tạo ra, nhưng “sự chết” cũng là một huyền bí còn mông lung mờ tối. Để có thể thấy được những gì xẩy ra ở những giây phút cuối cùng của đời ta lúc chết, chúng ta còn cần phải tiếp tục nghiên cứu tìm tòi thêm nữa. Có hay không một cái gì còn tiếp diễn sau đó, và mãi mãi?

Hãy nhớ rằng đời là vô thường, giả trá. Sinh ký tử qui.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập minh hoạ và chú thích

(1) Sam Parma, M.D., Ph.D., What happens When We die, Hay House (Feb. 6, 2006)
(2) Cơ học lượng tử (quantum mechanics, quantum physics, quantum theory) do Max Planck, Albert Einstein, Niels Bohr, Werner Heisenberg, Erwin Schrödinger, Max Born, John von Neumann, Paul Dirac, Wolfgang Pauli và một số nhà khoa học khác hình thành vào nửa đầu thế kỷ 20. Đế nay một số vấn đề cơ bản của lý thuyết này vẫn được tiếp tục nghiên cứu.
(3) Cardiopulmonary resuscitation, CPR, tâm phế phục tô thuật, kỹ thuật làm tim phổi hoạt động lại
(4) Large Hadron Collider
(5) Ngày 8 tháng 10 2013 giải thưởng Nobel về Vật lý đã được trao cho François Englert và Peter Higgs cho việc tìm ra lý thuyết về một tiến trình góp phần vào sự hiểu biết của nhân loại về nguồn gốc của khối lượng của các hạt hạ nguyên tử gần đây đã được xác nhận nhờ sự khám phá ra các hạt cơ bản như đã đoán trước bằng các thí nghiệm ATLAS và CMS ở CERN với Máy Gia Tốc Hạt lớn Large Hadron Collider. Đọc thêm “Ten things you might not know about particle accelerators”.