Họp caucus ở Mỹ là gì
Patrick Allan | Trà Mi
Trước cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ để người dân chọn Tổng thống, mỗi tiểu bang đều có bầu cử sơ bộ (primary) và họp đảng, của hai đảng lớn, để bầu đại biểu (caucus) tham dự kỳ đại hội đảng toàn quốc để hầu chọn ứng cử viên tổng thống cho đảng của mình, và hôm thứ Hai, 31 tháng Một, 2016 là cuộc họp caucus đâu tiên cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, khai mạc mùa bầu cử tại Hoa Kỳ.
Phần theo sau nhằm giải thích tiến trình bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ với sự tham gia của đảng viên hai chính đảng lớn và sau cùng là quyết định của toàn dân. Tiến trình này khác hẳn cuộc bầu chọn Tổng Bí thư và các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng sảng Việt Nam mới xẩy ra cuối tháng Giêng vừa qua. Tuy những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đương nhiên (theo hiến pháp của chế độ độc đảng hiện tại) sẽ là người lãnh đạo quốc gia Việt Nam nhưng người dân Việt Nam không có quyền hay tiếng nói trong Đại hội XII của đảng CSVN.
Trước khi tên ứng cử viên tổng thống có thể được ghi trên lá phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, họ phải giành được sự chấp thuận và ủng hộ của đảng viên trong chính đảng của họ. Một cách dễ hiểu, hãy xem những cuộc bầu cử sơ bộ và cuộc bầu chọn đại biểu đảng ở tiểu bang như các trận bóng vòng loại, cứ sau mỗi vòng bỏ phiếu sẽ có một số đội bóng (ứng cử viên) bị loại hay tự ý rút khỏi cuộc đua, và cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu 2016 như trận chung kết (thường xảy ra) giữa hai ứng cử viên của hai chính đảng lớn (Dân chủ và Cộng hòa) vận động để được nhân dân bầu chọn, cho phép vào ngồi làm việc ở Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.
Caucus và bầu cử sơ bộ khác nhau ra sao?
Mỗi tiểu bang có hoặc là caucus của mỗi đảng để chọn đại biểu cho đại hội toàn quốc hay một cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng cả hai đều là một phần của tiến trình bầu cử tổng thống ở giai đoạn đầu. Một cuộc bầu cử sơ bộ căn bản là một cuộc bầu cử bỏ phiếu kín, mở cửa cho tất cả các cử tri đủ điều kiện. Một phiên họp caucus là một sinh hoạt chính trị, đặc biệt là đối với Đảng Dân chủ. Sẽ nói thêm ở đoạn sau.
Cả hai đều là cuộc chạy đua ở cấp tiểu bang, nhưng bầu cử sơ bộ do chính quyền tiểu bang điều hành, trong khi cuộc họp caucus lại do các cán bộ của chính đảng thực hiện. Trong một cuộc bầu cử sơ bộ thì cử tri có tể bỏ phiếu tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày bầu cử. Caucus, mặt khác, diễn ra trong một khoảng thời gian rất cụ thể, ở một nơi nhất định. Nếu đến trễ hoặc không có mặt, cử tri không thể tham gia. Cuôc họp caucus cũng là một cam kết mất thời gian nhiều hơn, có thể kéo dài đến vài giờ trước khi có kết quả. Danh sách này từ Ủy ban bầu cử Trung ương sẽ cho biết những tiểu bang nào tổ chức họp caucus và những tiểu bang nào có cuộc bầu cử sơ bộ và thời biểu của những cuộc họp và bầu phiếu đó.
Chuyện gì xẩy ra tại một cuộc họp caucus bầu đại biểu
Thế thì chuyện gì thực sự xảy ra tại các cuộc họp caucus? Tùy theo đảng, nhưng có một vài điều giống nhau dù là đảng nào. Đối với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, một phiên họp caucus có thể là một cuộc họp dài. Phiên họp caucus tại Iowa hôm thứ Hai là một ví dụ, sẽ bắt đầu vào lúc 7:00 tối và có thể kéo dài khoảng hai hoặc ba giờ. Thực ra, cho đến nửa đêm cuộc bầu đại biểu của đảng Dân chủ chưa ngã ngũ; phải đến ngày hôm sau mới biết kết quả Clinton thắng Sanders 49,9% – 49,6%. Cử tri sẽ gặp nhau tại trường học, nhà thờ, và các trung tâm cộng đồng khác ở 1.681 địa hạt tại Iowa. Ở mỗi nơi, đảng viên chọn hoặc giới thiệu các đại biểu (đại diện đảng) của mình đi đại hội nghị toàn quốc vào cuối năm nay. Ban tổ chức Đảng có thể vận động vào phút cuối hoặc đưa ra một vài bài phát biểu, và đôi khi các ứng cử viên tổng thống cũng có thể tham dự. Sau khi xong tất cả những việc đó, cuộc bầu chọn bắt đầu.
Tới đây là lúc mọi thứ bắt đầu có sự khác biệt đáng kể.
Nếu là một đảng viên đảng Cộng hòa:
Sau khi nghe một số bài phát biểu và có thể nói chuyện với một vài chính khách, người ta bỏ phiếu kín trong một phòng bỏ giống như trong một cuộc bầu cử sơ bộ hoặc cuộc tổng tuyển cử.
Nếu là một đảng viên đảng Dân chủ:
Cách bỏ phiếu tại một phiên họp caucus của đảng Dân chủ căng thẳng hơn và tốn thời gian hơn, và có thể thú vị hơn.
- Tổng số cử tri tại phiên họp caucus được đếm và ghi lại.
- Người bỏ phiếu tụ họp trong một căn phòng lớn để nói chuyện và thuyết phục nhau bầu cho ứng cử viên của mình.
- Sau đó cử tri sẽ tụ họp thành từng nhóm ủng hộ (bầu) cho những ứng cử viên khác nhau. Họ cũng có thể đứng trong một nhóm “chưa quyết định” lúc đầu.
- Số lượng người trong mỗi nhóm sau đó được kiểm kê.
- Bất kỳ nhóm nào không có trên 15% tổng số cử tri đều bị xóa sổ – tên ứng cử viên của nhóm đó sẽ không có ở vòng sau.
- Sau đó, cử tri “liên hiệp lại”: những cử tri trong nhóm bị loại hay những người chưa quyết định có thể chọn gia nhập một nhóm ủng hộ một ứng cử viên khác; cử tri được phép nói chuyện với nhau và cố gắng thuyết phục người khác.
- Rồi cử tri lại tụ tập thành nhóm, số người trong từng nhóm lại được đếm, và các ứng cử viên có ít hơn 15% tổng số cử tri lại bị xóa tên.
Tiến trình đó tiếp tục cho đến khi chỉ những ứng cử viên “đáng giá” còn lại. Đây là một cách bầu chọ khá gay go và ồn ào.
Sau đó là gì?
Tùy theo tiểu bang, các đại biểu được chia cho ứng cử viên được chọn, dựa theo kết quả và gửi đi họp đại hội đảng toàn quốc để bỏ phiếu cho ứng cử viên của họ thay mặt cho tiểu bang của mình. Một số tiểu bang có kết quả “ràng buộc” sau cuộc bầu cử sơ bộ, nghĩa là “được ăn cả”, tất cả đại biểu sẽ thuộc ứng cử viên được nhiều phiếu nhất. Một số tiểu bang khác lại có bầu cử sơ bộ theo “tỷ lệ thuận”, chia đại biểu theo tỷ số phiếu của mỗi ứng cử viên. Cuối cùng lại còn có những cuộc bầu cử sơ bộ “không ràng buộc”. Ở những cuộc bầu cử sơ bộ loại này người ta bầu chọn đại biểu đi họp đại hội cấp tiểu bang, tại đây những đại biểu trúng cử sẽ bầu để chọn cách chia đại biểu của tiêu bang để đi dự đại hội toàn quốc.
Một số tiểu bang, ví dụ như Iowa, bắt đầu ở cấp nhỏ hơn và chọn đại biểu tại một hội nghị quận hạt, những người này sau đó chọn đại biểu cho một đại hội cấp tiểu bang, cuối cùng trở thành cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu dự đi đại hội toàn quốc. Tất cả tùy theo từng tiểu bang, vì vậy muốn biết chi tiết bạn đọc có thể tham khảo, danh sách này ở trang USElections.com.
Cuối cùng, các đại biểu từ mỗi tiểu bang đến đại hội toàn quốc của đảng mình và bỏ phiếu chọn người làm ứng cử viên tổng thống của đảng. Đại biểu ở đại hội đảng toàn quốc thường bỏ phiếu dựa trên các kết quả trong khu vực bầu cử của họ, vì vậy người ta có thể dự đoán sớm ai có thể sẽ được chọn làm ứng cử viên tổng thống. Tuy nhiên, đại biểu tại đại hội toàn quốc không nhất thiết giữ cam kết của họ (nghĩa là bầu cho ứng cử viên mà họ đã ủng hộ từ đầu), do đó ai cũng có thể thắng trong cuộc bầu chọn ở đại hội đảng toàn quốc. Sau khi phiếu ở đại hội đảng toàn quốc được kiểm kê, mỗi đảng sẽ công bố ứng cử viên tổng thống của họ.
Muốn tham gia người dân cần làm gì?
Nếu muốn tham gia vào tiến trình bầu chọn ứng cử viên tổng thống, những cuộc họp caucus là cơ hội để người dân đi bỏ phiếu. Có một vài điều nên biết.
Trước nhất, tìm hiểu xem cuộc họp caucus ở tiểu bang của mình là kín hoặc mở. Một số là những cuộc họp “kín”, có nghĩa là dân (cử tri) chỉ có thể tham gia nếu thành viên đã ghi danh của những chính đảng đó. Nevada, Wyoming, Colorado, Nebraska, Kansas, Maine, Alaska và Hawaii tất cả đề có những cuộc họp caucus “kín”. Một số tiểu bang khác họp caucus “mở”, nghĩa là một cử tri đã ghi danh (đi bầu) có thể tham gia vào bất kỳ cuộc họp caucus của bất kỳ đảng nào (không phân biệt khuynh hướng sẽ bầu cho ai). Washington, Idaho, North Dakota và Minnesota tất cả đều có cuộc họp caucus “mở”.
Ghi danh đi bầu sớm chừng nào tốt chừng nấy. Một phiên họp caucus khác với một cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng muốn bỏ phiếu vẫn cần phải là một cử tri đã ghi danh. Hầu như tất cả các tiểu bang tổ chức họp caucus cho phép cử tri ghi danh ngay trong ngày họp caucus, nhưng một số (như Colorado) yêu cầu cử tri phải ghi danh trước.
Hãy đúng giờ. Để tham gia vào một phiên họp caucus, cử tri phải đến đúng giờ. Cả hai đảng đều rất nghiêm ngặt với điều này.
Các cử tri tham dự bầu chọn ở những cuộc họp caucus thường quan tâm về chính trị hơn.
Tại sao là cuộc họp caucus tại Iowa lại quan trọng?
Kết quả cuộc họp caucus tại Iowa chỉ chọn 1% tổng số đại biểu sẽ được bỏ phiếu của họ tại đại hội toàn quốc, và toàn bộ tiến trình bầu cử sơ bộ sẽ phải mất vài tháng mới hoàn tất. Vật thì tại sao giới truyền thông lại huyên náo như vậy? Cuộc họp caucus tại Iowa đã là đoạn đường đầu tiên của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng từ năm 1972, và giới phân tích chính trị tin rằng kết quả họp bầu caucus ở Iowa có ảnh hưởng lớn đến kết quả sau cùng. The Des Moines Register giải thích tầm quan trọng của cuộc họp caucus Iowa như sau:
Kể từ năm 1972, các ứng cử viên đảng Dân chủ được nhiều phiếu nhất thường là những người trở thành ứng cử viên tổng thống bẩy trong chín cuộc đua tranh, nhưng chỉ có Jimmy Carter năm 1976 và Barack Obama trong năm 2008 thắng cử tổng thống. Trong số đảng viên Cộng hòa từ năm 1980, những người thắng ở caucus Iowa đã đạt được đảng chọn làm ứng cử viên tổng thống hai lần trong sáu cuộc đua tranh, nhưng chỉ có một lần, George W. Bush trở thành Tổng thống vào năm 2000.
Các ứng cử viên thắng trong cuộc họp caucus ở Iowa không hẳn luôn luôn trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng, nhưng lịch sử cho thấy đó là một chỉ dấu tốt cho tương lai. Thắng caucus đầu tiên thường được cử tri xem như là một “khởi đầu tuyệt vời”, nó quảng cáo và cho ứng cử viên được thêm đà. Tất cả những kết đó sẽ chuyển thành tiền ủng hộ và có thêm người tài trợ, và nhiều tiền hơn có nghĩa là nhiều quảng cáo truyền hình và bảng vận động trên bãi cỏ trước nhà dân.
Kết quả cuộc bầu caucus ở Iowa ngày 31/01/2016
Đảng Cộng hòa: Ted Cruz, 28%, Donal Trump, 24%, Marco Rubio, 23%.
Đảng Dân chủ: Hilary Clinton, 49,9%; Bernie Sanders, 49,6%.
Đường vào Tòa Bạch Ốc vẫn còn dài, nhưng Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, đã tuyên bố Cộng sản tốt hơn chế độ dân chủ, ngay sau khi thắng trong cuộc bầu chọn hoàn toàn bí mật giữa các đảng viên đảng duy nhất tại Việt Nam hồi tháng trước.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Patrick Allan, What Are Caucuses and How Do They Work? http://lifehacker.com/, 30/1/2016.