Dương Kế Thằng nhận giải Báo chí “Lương tri và Chính nghĩa Louis M. Lyons”

Dương Kế Thằng (继绳杨, Yang Jisheng) | Hu Zi dịch

dktLà nghề đáng khinh hay cao quý, tầm thường hay thiêng liêng, nông cạn hay sâu sắc đều bắt đầu từ lương tâm, nhân cách và nhận thức của người cầm bút. Người phóng viên chân chính sẽ lựa chọn đứng về phía cao quý, thiêng liêng, sâu sắc, nguy hiểm mà đứng xa sự khinh bỉ, tầm thường, nông cạn, thoải mái an nhàn.

Dương Kế Thằng ở Công viên Tuetan, Bắc Kinh. Nguồn:  Adam Dean/Panos.
Nhà báo Dương Kế Thằng ở công viên Tuetan, Bắc Kinh. Nguồn: Adam Dean/Panos.

Dương Kế Thằng và cuốn “Bia Mộ”

Dương Kế Thằng người huyện Hy Thủy tỉnh Hồ Bắc, sinh tháng 11 năm 1940, tốt nghiệp trung học năm 1960 ở trường trung học số 1 Hy Thủy, năm 1962 thi đỗ vào trường đại học Thanh Hoa, tháng 4 năm 1964 gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc.Tốt nghiệp chuyên nghành lái máy cày khoa động lực học ở đại học Thanh Hoa năm 1966, ông gia nhập vào Tân Hoa Xã từ ngày 10 tháng 1 năm 1968 với chức vụ là phóng viên Tân Hoa Xã ở phân xã Thiên Tân và làm việc ở đây cho tới năm 2001. Trong thời gian công tác 33 năm ở đây, ông đã viết hàng ngàn bài báo, điều tra báo cáo và nhiều trong số đó được tầng lớp lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng đánh giá cao. Năm 1984 được chọn là phóng viên ưu tú. Sau khi nghỉ hưu năm 2001 ông làm trong ban biên tập, cố vấn cho nhiều tạp chí như “Cải cách Trung Quốc”; năm 2003 Dương Kế Thằng bắt đầu làm phó tổng biên tập cho tạp chí “Viêm Hoàng Xuân Thu” cho tới nay. Ông có nhiều tác phẩm như “Thời đại Đặng Tiểu Bình” “Phân tích giai tầng xã hội Trung Quốc đương đại” “Đấu tranh chính trị trong thời đại cải cách mở cửa ở Trung Quốc”, v.v.

Cuốn “Bia mộ” bản tiếng Trung được xuất bản năm 2008 ở Hongkong, tại Trung Quốc được liệt vào sách cấm, được giới trí thức ưa chuộng đồng thời tác giả cũng bị theo dõi và gây áp lực. Đấy là một tác phẩm của một trí thức Trung Quốc thực hiện trong hơn 10 năm thu thập tài liệu thực địa, hàng ngàn trang tài liệu của chính Đảng Cộng sản và những cuộc phỏng vấn, ghi chép đầy đủ nhất về giai đoạn cầm quyền của Trung Cộng trong thời gian 1958-1961. “Bia mộ” là cuốn sách điều tra đầy đủ nhất, ghi chép toàn diện nhất về nạn đói lớn dưới thời cai trị của hoàng đế đỏ Mao Trạch Đông với hơn 36 triệu nạn nhân đã chết đói trong giai đoạn này. Điểm chính Dương Kế Thằng đã chứng minh rằng Đảng Công sản, từ trưởng thôn đến Chủ tịch Mao, biết chính xác những gì đang xảy ra nhưng đã quá biến thái vì ý thức hệ để thay đổi chính sách để hàng chục triệu người phải chết. Dương Kế Thằng trong một phỏng vấn với đài RFI đã nói:

“Đây không chỉ là một bi kịch của Trung Quốc, nó còn là bi kịch của cả loài người. Bài học này không những cần người Trung Quốc tổng kết nó, mà cả nhân loại cũng cần rút ra bài học, để từ nay trở về sau vĩnh viễn không phát sinh ra thảm kịch tương tự.”

Nguyên bản tiếng Trung gồm hai tập tổng cộng 1800 trang do đó chỉ một phần nhỏ của cuốn “Bia Mộ” sẽ được giới thiệu đến bạn đọc.(1)


Diễn văn nhận giải Báo chí “Lương tri và Chính nghĩa Louis M. Lyons”

Cảm ơn đồng viện sĩ Nieman năm 2016 cho tôi giải thưởng báo chí “Lương tri và Chính nghĩa Louis M. Lyons”. Hai chữ Lương tri và Chính nghĩa rất có sức nặng, đặt nó lên người tôi thì tôi không gánh được sức nặng này. Tôi chỉ có thể đem nó là lời khích lệ động viên cũng như đốc thúc bản thân.

Viện sĩ Nieman là những phóng viên kiệt xuất. Tôi rất yêu thích nghề phóng viên này. Cũng như đã làm phóng viên 40 năm nay, dựa trên kinh nghiệm cũng như quan sát của bản thân, tôi có những đánh giá về nghề phóng viên như sau.

Đây là một công việc đáng khinh, nghề này có thể lẫn lộn phải trái, điên đảo đúng sai, tạo ra những lời nói dối có hậu quả to lớn, lừa dối hang triệu hàng triệu người đọc.

Đây cũng là một nghề cao quý, nó có thể tức thời chọc thủng sự giả dối, đưa ra ánh sáng những việc làm đen tối, hạn chế cái ác, có thể lên tiếng nói giúp cho bách tính muôn dân, gánh vác trách nhiệm lương tâm của xã hội.

Đây là một nghề tầm thường, trốn tránh mâu thuẫn, không hỏi đúng sai, là con đường để bảo vệ bản thân, khuất phục cường quyền làm cái loa cho kẻ mạnh.

Đây cũng là một nghề nghiệp thiêng liêng, yêu thương cả thiên hạ, suy đi tính lại ngàn vạn lần, bàn luận chính sự, giám sát chính phủ, kết nối muôn dân bách tính, đưa truyền thông trở thành một cơ cấu quyền lực thứ tư sau lập pháp, tư pháp, hành pháp.

Đây là một nghề bạc bẽo, chỉ cần có thể viết thành câu chữ đoạn văn lưu loát thuật lại sự kiện, cũng không cần bao nhiêu học thức, không cần kiến giải sâu sắc, chỉ cần chữ nghe lọt tai thì có thể như cá bơi dưới nước.

Đây là một nghề sâu không thấy đáy, phóng viên không phải là học giả chuyên gia, mà cần có góc nhìn chỉnh thể khái quát xã hội, hiểu rõ thế sự bất kể có học thức sâu cạn thế nào, có tầm nhìn trác việt thế nào, dưới sự biến hóa thay đổi phức tạp của dòng chảy xã hội đều cảm thấy trí tuệ có hạn, lực bất tòng tâm.

Đây là một nghề vừa nhàn hạ lại an toàn, ra vào những nơi lầu các sang trọng, tiếp cận được với trung tâm quyền lực, tham gia những buổi tiệc chiêu đãi, thảm đỏ rượu vang, các màn ca múa khánh điển chào mừng, được dịp phỏng vấn quan chức cỡ bự, nhân vật quan trọng, phong quang vô hạn. Nếu như có thể dùng con chữ, câu cú trao đổi với quyền thế danh lợi, ngày nay trí thức đã có thể nắm vị quan to, hèn kém ngày hôm nay chính là vinh hoa phú quý trong tương lai.

Đây cũng là một nghề cực độ nguy hiểm, không những người phóng viên phải đi trên hòn tên mũi đạn nơi chiến trường, ngay cả trong thời kì hòa bình, đi điều tra phỏng vấn, tìm kiếm sự thật, trèo đèo lội suối, trở ngại trùng trùng, trừ bạo ngược xua bóng tối, ngàn vạn khổ cực hiểm nguy, nếu như chọc phải chỗ đau nào đó của tập đoàn lợi ích, họa sát thân có thể từ trên trời rơi xuống.

Là nghề đáng khinh hay cao quý, tầm thường hay thiêng liêng, nông cạn hay sâu sắc đều bắt đầu từ lương tâm, nhân cách và nhận thức của người cầm bút. Người phóng viên chân chính sẽ lựa chọn đứng về phía cao quý, thiêng liêng, sâu sắc, nguy hiểm mà đứng xa sự khinh bỉ, tầm thường, nông cạn, thoải mái an nhàn.

Tất nhiên, đứng giữa sự đáng khinh bỉ và cao quý, tầm thường và thiêng liêng thì không có hố sâu ngăn cách nào cả, cũng không có bức tường nào, không có con đường màu trắng và màu đen để lựa chọn, hoàn toàn dựa vào chính bản thân mình. Nếu đã lỡ bước một chân vào con đường đen tối, sẽ bị lịch sử đóng đinh lên hàng cột nhục nhã, văn chương của bản thân viết trên giấy trắng mực đen sẽ là bằng chứng vĩnh viễn không thể xóa đi. Trong giới phóng viên cầm bút có một định luật rất thịnh hành thế này:

“Sự khinh bỉ là giấy thống hành của kẻ đáng khinh, sự cao thượng là bia ghi danh của người cao thượng.”

Nếu như anh không bị định luật màu đen này đẩy tới bước đường của kẻ đáng khinh bỉ, vậy thì anh cần phải đứng thẳng lưng không sợ hãi, tiến về phía trước.

Đây cũng là lý giải của tôi đối với lương tri và chính nghĩa của người cầm bút.

Nếu muốn trở thành một người phóng viên kiên định với lương tri và chính nghĩa thì đều có hiểm nguy rình rập. Khi tôi giảng dạy cho sinh viên báo chí thì có truyền cho họ một bí quyết tránh nguy hiểm:

“Một là không cầu, hai là không sợ, đứng giữa trời đất.”

Không cầu chính là không trong mong được thăng quan tiến chức, phát tài; dũng cảm không sợ hãi chính là cầm xem xét lại hành vi của bản thân, không để lại cái đuôi để người ta lợi dụng; không dựa lưng vào thế lực chính quyền, cần dựa vào nhân cách bản thân cũng như kỹ năng nghề nghiệp để độc lập với đời. Có ba điều này, sự nguy hiểm sẽ ít đi rất nhiều.

Từ khi cải cách mở cửa tới này, Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều phóng viên kiên định với lương tri và chính nghĩa. Trước lực cản to lớn phải đối mặt, họ đã đưa tin đúng chân tướng, tiêu diệt cái ác, đưa xã hội Trung Quốc đi về phía trước. Họ không có mặt ở đây hôm nay, nhưng vinh dự và công lao của họ thì cần phải được ghi nhận.

Sau khi về hưu, không tiếp tục làm phóng viên thời sự, tôi lại trở thành phóng viên “cố sự”, viết về những vấn đề lịch sử. Tin tức của ngày hôm qua chính là lịch sử của ngày hôm nay. Điểm chung của tin tức và lịch sử là chữ tín, đó chính là chân thực, đáng tin cậy. Tín chính là sinh mệnh của tin tức và lịch sử.

Giới sử gia Trung Quốc từ xưa nay chú trọng vào cái đức cửa người viết sử: trung thành với sự thật lịch sử, thiện ác cần phải đúng với ghi chép, sách sử phải chân thực, ngay thẳng.

Đời nào cũng có sử gia trực ngôn thành danh cũng như bẻ cong ngòi bút mà để lại vết nhơ hầu như đời nào cũng có.

Để giữ được tiết tháo của người chép sử, nhiều người đã phải đánh đổi mạng sống.

Dưới sự ảnh hưởng của tinh thần giới sử gia Trung Quốc, tôi đã viết dưới ngòi bút của mình những sự kiện lớn mà tôi trải qua: Nạn đói lớn, Đại cách mạng văn hóa.

Chúng ta không chỉ cần phải ghi lại những điều tốt đẹp, mà còn cần phải ghi lại những tội ác để nhằm tránh cho chúng ta không gặp phải những nhân họa, tối tăm và tội ác như trong quá khứ. Cuốn “ Bia mộ” ghi lại một thời kỳ bi thảm kéo dài trong mấy năm được gây ra bởi con người. Tuy nó chỉ được xuất bản ở Hongkong, ở Trung Quốc Đại Lục là sách cấm, nhưng những người muốn tìm ra sự thật lịch sử đã thông qua nhiều con đường khác nhau đã lưu truyền nó rộng rãi ở Đại Lục, từ khu vực đồng bằng Trung Nguyên cho tới vùng đất cao nguyên Quý Châu Vân Nam, tới khu vực biên giới Tân Cương đều luôn có sách “Bia mộ” xuất bản lậu đang được tiêu thụ. Tôi cũng nhận được rất nhiều thư của độc giả gửi từ khắp nơi trên toàn quốc, nhiệt tình ủng hộ tôi đi trên con đường mà tôi đã kiên trì. Qua đây cho thấy rằng sự thật luôn là một sức mạnh có sức thẩm thấu vô cùng to lớn, nó có thể phá vỡ bức tường kiên cố mà chính quyền đã dựng lên để che giấu nó.

Chân tướng sự thật là quả bom có sức công phá lớn, nó có thể đem những lời nói dối nổ nát; Chân tướng cũng là ngọn đèn soi sáng trong đêm tối, chiếu sáng con đường phía trước; Chân tướng sự thật cũng là hòn đá dò đường kiểm nghiệm chân lí, không có chân tướng sự thật thì sẽ không có chân lý.

Phóng viên chính là người ghi chép, đào bới và người bảo vệ sự thật.

Cuối cùng, hãy để cho tôi cùng mọi người đưa ra lời chúc cho nghề phóng viên: Mong muốn đem ánh dương của lương tri và chính nghĩa chiếu rọi lên ngàn vạn phóng viên, tác gia trên bàn sách! Càng ngày có thêm nhiều tác phẩm thức tỉnh lương tri nhân loại, đưa ánh sáng chính nghĩa chiếu khắp mọi ngóc ngách trên khắp địa cầu!

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn:
– Bản Trung văn: Yang Jisheng’s scheduled speech to the United States: Reporters who defend the truth. The New York Times, March 11, 2016.
– Bản Anh văn: Yang Jisheng Speech Transcript . LOUIS LYONS AWARD FOR CONSCIENCE AND INTEGRITY IN JOURNALISM. http://nieman.harvard.edu/
(1) Trưng Vương, Bia Mộ – Chương một, DCVOnline, April 2, 2013.