Lý Chánh Trung (1928-2016)

DCVOnline

lct2016Ông Lý Chánh Trung vừa qua đời ngày 13 tháng 3, 2016 tại nhà riêng ở Thủ Đức, Tp. HCM sau một tháng bị bệnh vì viêm phổi tái phát.

Ảnh tang lễ ông Lý Chánh Trung. Nguồn: SG
Ảnh tang lễ ông Lý Chánh Trung (tháng 15/3/2016). Nguồn: SG

Ông Lý Chánh Trung sinh năm 1928 tại Trà Vinh, trở thành Ki-tô hữu khoảng 1949. 1950 sang Bỉ du học ở đại học Louvain, một đại học Thiên Chúa giáo. 1956 ông về nước sau khi học xong hai cử nhân Tâm Lý Học và Chính trị Học.

Ông được mời dạy Triết tại đại học Văn khoa Đà Lạt và Huế (trước 1975). Ông là người hoạt động chính trị, khuynh hướng ủng hộ cộng sản; Ông Lý Chính Trung cũng là người viết báo, cộng tác với Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc. Ông Lý Chánh Trung còn là chủ bút một tờ báo dành cho giáo dân, tên là Sống Đạo.

Sau 1975 ông Lý Chánh Trung là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Đại biểu Quốc Hội ba khóa VI, VII, VIII.

Theo báo Kinh tế & Đô thị điện tử, UBND Tp. Hà Nội và trang tin VNExpress, vào tháng 6 năm 1988, Lý Chánh Trung và một số đại biểu quốc hội tại Quốc hội Việt Nam khóa XIII đã quyết liệt trong việc bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhất định giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt ngoài ông Đỗ Mười đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chọn, để ra ứng cử chung. Đây là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay Quốc hội Việt Nam bầu người đứng đầu chính phủ mà có 2 ứng cử viên. Trước quốc hội, ông Lý Chánh Trung đã phát biểu:

“Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ, chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm.”

Nhưng có lẽ nhận địng gây xôn xao dư luận nhất của ông Lý Chánh Trung là bài viết Về một môn học mà thầy không muốn dạy trò không muốn học do những điều ông “nói thẳng” về cách giảng dạy môn chủ nghĩa Mác-Lenin. Bài này đã  đăng  trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 13/11/1988.

Đến chia buồn với gia đình ông Lý Chánh Trung có nhiều người trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng như bằng hữu và học trò cũ của ông.

Đại diện Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt gồm các Trường Văn Khoa. Sư Phạm, Khoa Học và Trường Chánh Trị Kinh Doanh đã đến kính viếng GS Lý Chánh Trung tại tư gia.. Nguồn: SG
Đại diện cựu sinh viên Viện Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt gồm các Trường Văn Khoa. Sư Phạm, Khoa Học và Trường Chánh Trị Kinh Doanh đã đến viếng Gs Lý Chánh Trung tại tư gia. Nguồn: SG

Theo Tuổi Trẻ Online 13/03/2016, trong số khách đến viếng ông Trung lần cuối người ta thấy các ông Bí thư Thành uỷ Tp. HCM, Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Tất Thành Cang và ông Nguyễn Minh Triết – nguyên Chủ tịch nước, ông Nguyễn Đình Đầu, Ông Huỳnh Tấn Mẫm – đại diện CLB truyền thống kháng chiến Thành Đoàn, v.v.

Ông Nguyễn Đình Đầu khóc bạn. Nguồn:  Tự TRung / Tuổi Trẻ Online
Ông Nguyễn Đình Đầu khóc bạn. Nguồn: Tự Trung / Tuổi Trẻ Online

Một người tham dự đám tang ông Trung viết,

“…Đây là đám tang của một cán bộ VC cao cấp, chứ không phải là dân bình thường, lại càng không phải là của một Kitô hữu. Trên Cáo phó có công thức Ông Phêrô LCT được Chúa gọi về lúc… Nhưng trong chương trình không thấy có kính kệ, thánh lễ tại gia hay an táng. Dù sao, chúng ta cũng cầu nguyện cho linh hồn Phêrô…”

Hai ngày trước khi qua đời ông Lý Chánh Trung đã gặp lại một người bạn cũ, cựu giáo sư Triết Nguyễn Khắc Dương. Sau đây là bài viết của một học trò của hai ông thuật lại buổi hội gộ sau cùng.


Cuộc gặp gỡ Ngày 11/3/2014 của hai giáo sư Triết, Lý Chánh Trung Và Nguyễn Khắc Dương

Bạn cũ:  Gs Lý Chánh Trung (trái) và Gs. Nguyễn Khắc Dương (phải)
Bạn cũ: Gs Lý Chánh Trung (trái) và Gs. Nguyễn Khắc Dương (phải)

Từ chợ Tân Định Quận 1, Thầy Nguyễn Khắc Dương cùng 3 cựu sinh viên Văn Khoa Trần Bảo Định, Dương Anh Sơn và tôi đã đến thăm Thầy Lý Chánh Trung tại Làng Đại Học Thủ Đức, nhưng Thầy Cô đã đến dự đám tang của người chị tại Da Kao Quận 1. Thế là chúng tôi quay trở lại Quận 1, đến tận nhà tang lễ và gặp nhau ở đó.

Ui chao! Nguyễn Khắc Dương … Nguyễn Khắc Dương đây à? Thầy Lý Chánh Trung với mái tóc bồng bềnh bạc trắng giang 2 tay đón bạn sau vài giây ngỡ ngàng.

– Ừ, Dương đây!

Hai ông thầy, một “chín mươi” (NKD) một “tám sáu” (LCT) thân thiết ôm nhau mừng mừng tủi tủi …

Cô LCT (Cô Bùi Thị Nữ) và con gái Thuý Lan tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy chồng và cha mình (LCT) đã gần như mất trí nhớ lại nhận ra đuợc người bạn tri kỷ năm xưa!

Sau mấy phút bồi hồi xúc động, Thầy LCT lại dần chìm vào “trạng thái lãng đãng”, môi mấp máy liên hồi, mắt mông lung vô định …

Cô LCT xót xa,

“…Đôi lúc ông bật tivi, ngồi nghe rồi đùng đùng gây gỗ với cái tivi, tôi buộc phải cắt nguồn điện …”

Không thể tâm sự nhiều với bạn, thầy NK Dương quay sang hỏi han chuyện trò với Cô LCT, rồi đột ngột móc từ túi áo lồng ngực mình một vòng chuỗi hột, xoay lại ôm vai và đặt xâu chuỗi vào lòng bàn tay Thầy Lý Chánh Trung:

– Nè Trung! Tau cho mi xâu chuỗi… Đeo vào tay đi!

Thầy Dương đeo vòng chuổi hột vào cổ tay bạn, và chỉ vào cây Thánh Giá có dấu tích Thánh.  Nguồn:  SG
Thầy Dương đeo vòng chuổi hột vào cổ tay bạn, và chỉ vào cây Thánh Giá có dấu tích Thánh. Nguồn: SG

Thầy LC Trung ngỡ ngàng ngắm nhìn “món quà” bất ngờ của bạn. Thầy NK Dương tự tay đeo vòng chuỗi vào cổ tay bạn, chỉ vào cây Thánh Giá, thân thiết áp sát vào tai bạn nói nhỏ:

“Cầu nguyện đi rồi sẽ cảm nhận được sự an bình Trung ơi! Lòng thương yêu của Chúa luôn “vô cùng tận”. Nì, đây nì! Cây Thánh Giá của xâu chuổi ni có chứa “dấu tích Thánh” đó! Linh thiêng lắm! Quí lắm!”

Cô LCT tâm sự, “… Thằng nhỏ con trai chúng tôi bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ mà vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc tắm rửa nuôi nấng suốt bao nhiêu năm nay, đã “ra đi” tháng trước, đã được Linh Mục thực hiện đầy đủ “các phép” và chôn cất theo nghi thức Công Giáo!”

Trên đường trở về, ngồi trên xe, Thầy NK Dương bộc bạch, “…Sở dĩ tau đòi phải sớm gặp được LC Trung, vì một điều mà tau đã thấy trong giấc mơ …”

Giấc mơ gì? Tuy Thầy không nói rõ, nhưng qua hành động của Thầy, tôi có thể hiểu được phần nào …

Lắng nghe ngắm nhìn cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa hai người Thầy, tôi chợt có vài cảm nhận về những người Thầy dạy Triết đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Tất nhiên đây chỉ là cảm nghiệm “lớt phớt” kiểu “triết ba rọi nửa vời” của riêng tôi.

  • Thầy Nguyễn Văn Trung: Triết hiện sinh, khắc khoải với “thân phận con người”, đã từng làm tôi mê mẫn với các chủ đề về “vong thân”  “vong bản”, nhưng rồi Thầy phải sống “kiếp tha hương” ở Canada.
  • Thầy LM Thiện Cẩm: chuyên gia về triết học Đông Phương nhưng nghiêng về “nhập thế” phê phán, vừa “an nghỉ nghìn thu” tháng trước. Qua trao đổi chuyện trò một vài lần với Thầy trước đây, tôi cảm nhận được phần nào đó suy tư”tự biện” của Thầy, “… Mình đã luôn đi theo “cái đúng”, còn diễn biến thì … ngoài tầm!”
  • Thầy Lý Chánh Trung: nghiên cứu về triết học Tây Phương, có xu hướng “dấn thân” tích cực hành động. Với tuổi 86 hiện nay, sau quãng đường dài bôn ba lăn lộn, Thầy đang lúc tỉnh lúc “say”, nhớ nhớ quên quên, ngơ ngơ ngác ngác …
  • Thầy Nguyễn Khắc Dương: Triết chiêm niệm, suốt đời thao thức tìm “Đạo”, loay hoay trăn trở với “tu thân”… Chọn đời sống độc thân, mang nặng hành trang “thất tình lục dục” như bao con người khác (không thiếu “món” nào!). Nay dù tuổi đã chín mươi, Thầy vẫn tiếp tục “lang thang”  đây đó từ Nam chí Bắc dạy học tại các Đại Chủng Viện Huế – Vinh – Hà Nội, gặp gỡ giao lưu với mọi giới nhưng thích “bù khú” với cựu sinh viên của mình tại Saigon Đà Lạt, tìm mọi cách “rỉ tai tuyên truyền” về “Ông Trời”, về “đạo” tu thân, về “đạo” làm người, tìm cách hoà nhập giữa người với người, hướng đến tình yêu trong “ơn cứu độ”…

Và còn nhiều Thầy khác nữa như GS Lê Thành Trị, GS Bửu Lịch, Thầy LM Trần Thái Đỉnh, Thầy LM Hồ Văn Vui …, nhưng do thuờng xuyên “cúp cua” nên tôi không thu nhận được gì …

Đỗ Thắng Cảnh – 12/3/2016

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Tổng hợp thông tin nhận được từ Saigon.