Thư ngỏ gửi bạn cũ
Lê Quốc Trinh
Lá thư này sẽ giải thích cặn kẽ những gì tôi tuyên bố chắc nịch trong bài “Lời sám hối muộn màng” chứng tỏ suy nghĩ tâm tư của tôi có cơ sở lý luận cá nhân độc lập, dựa trên thực tiễn, không hề theo đuôi ai hết.
Thư ngỏ gửi các bạn bè cũ trong Hội Việt Kiều Yêu Nước Tại Canada
Thân mến chào các anh chị,
Hy vọng rằng đây chưa phải là lời cảnh báo cuối cùng tôi gửi đến các anh chị em Yêu Nước tại Canada này. Sau loạt bài bắt đầu bằng “Lời sám hối muộn màng” đã đăng trên DCVOnline.net năm ngoái (5-03-2015), và vài websites khác, tôi đã cố gắng giữ im lặng để chờ đợi phản ứng của các anh chị, ít nhất là bày tỏ thái độ “yêu nước” của mình trước tình thế nguy ngập của đất nước. Tôi hy vọng bằng bước chân tiên phong “tự nguyện sám hối” tôi sẽ tìm được nhiều tiếng nói đồng cảm, ít ra cũng dám thổ lộ rằng “chúng ta đã lầm khi bước theo con đường Bác đi”. Nhưng sau gần một năm, chỉ có vài người bạn âm thầm đến chia sẻ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với tôi, so sánh với hàng chục người từng “vỗ ngực tự xưng yêu nước” thời thập niên 70 nay vẫn còn ngậm miệng, thì tôi thất vọng vô cùng.
Lá thư này sẽ giải thích cặn kẽ những gì tôi tuyên bố chắc nịch trong bài “Lời sám hối muộn màng” chứng tỏ suy nghĩ tâm tư của tôi có cơ sở lý luận cá nhân độc lập, dựa trên thực tiễn, không hề theo đuôi ai hết. Hơn nữa, qua lá thư này, tôi cũng xin lỗi nhiều bạn bè mới quen đã mong chờ bài viết của tôi gần một năm nay để biết thêm những sự thật khác về cái gọi là Hội Việt Kiều Yêu Nước Tại Canada. Rồi các bạn đó sẽ thông cảm với tôi khi hiểu rõ những khúc mắc tình cảm–lý trí đã dày vò tôi suốt một năm qua, khiến cho tôi phải đắn đo do dự trước khi viết lên những giòng tâm sự này.
Bài viết này khá dài vì đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến thời cuộc, trình bày mối dây liên hệ mật thiết giữa nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội với một hội đoàn chính trị người Việt ở hải ngoại, mà tôi là một nhân chứng sống, một hội viên tích cực trong Hội từ 1973 đến 1990. Qua nhiều bằng chứng giấy trắng mực đen, nhiều tài liệu do DCVOnline cung cấp kèm ba bài viết của tôi năm 2015, tôi mới rõ rằng mình chưa phải là nhân chứng duy nhất. Tôi không ngờ rằng bên ngoài, báo chí truyền thông Canada biết khá rõ thực trạng kinh tài của hội đoàn này kể từ khi lãnh đạo Hội dấn thân vào con đường “kinh doanh”. Do đó tôi không cảm thấy đơn độc trên con đường tìm hiểu và vạch trần sự thật.
Bài viết này xin đề cập đến những vấn đề sau:
1. Vài lời tự giới thiệu
Để giải thích tại sao tôi đã hoạt động tích cực trong một hội đoàn thân Cộng, nhưng không hề bị tẩy não, không chịu ảnh hưởng ngầm của Nhà Nước cộng sản Việt Nam, do đâu tôi nhìn thấy rõ bộ mặt thật của những “con người tự xưng yêu nước”, và tại sao đến giờ phút này tôi mới lên tiếng trần tình, tôi xin thưa:
Tôi sinh trưởng ở miền Nam (Sài Gòn 1948) trong một gia đình gốc Bắc di cư 1945. Tôi mang ơn bà mẹ thân sinh tôi đã tảo tần nuôi con cái cho đến thành tài. Tôi cám ơn người cha thân sinh tôi, đã nghiêm khắc dạy dỗ con cái theo truyền thống giáo dục Việt Nam. Làm công chức bình thường nhưng ông đã dám bỏ tiền mua nhiều bộ sách quý về cho con cái đọc, từ Cổ Học Tinh Hoa, Tự Lực Văn Đoàn, Liêu Trai Chí Dị, Văn Hóa Ngày Nay, cho đến bộ Tự Điển Bách Khoa (Encyclopedie) tiếng Pháp, 6 quyển đầy rẫy hình ảnh (từ năm 1960). Tôi cũng cám ơn Thư Viện Quốc Gia (Sài Gòn) đã gửi hàng trăm cuốn sách đến nhà tôi để nhờ đóng bìa da nạm chữ vàng. Nhờ thế mà tôi đã ngốn hết sạch những bộ tiểu thuyết dã sử Trung Hoa, từ Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng vv…Chưa nói đến những truyện tiểu thuyết tuyên truyền tư tưởng cộng sản của miền Bắc mà trong Nam vẫn cho đọc tự do, ví dụ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài (sau này tôi mới phát giác là công cụ tuyên truyền chủ thuyết cộng sản), chưa hết tôi lại còn được nghe những bản nhạc xuất xứ từ miền Bắc do ca sĩ trong Nam hát, điển hình là bài Nụ Cười Sơn Cước của nhạc sĩ Tô Hải, hay bài Đợi Anh Về (ý thơ của thi sĩ người Liên Xô Konstantin Simonov (1915-1979), Tố Hữu (1920-2002) dịch tiếng Việt, nhạc sĩ Văn Chung (1914-1984) phổ nhạc và ca sĩ Elvis Phương hát). Sau HĐ Geneve 1954, trong khi miền Bắc cộng sản ra sức tiêu diệt sạch những tác phẩm nghệ thuật tiền chiến, may nhờ miền Nam Việt Nam (VNCH) cố gắng lưu trữ và phát huy tới đỉnh cao mà kho tàng tân nhạc Việt Nam không bị mai một. Bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp đó chứng tỏ tôi đã được sống trong một vùng đất nước có nền tự do dân chủ phôi thai. Tôi có thể nào phản bội lại được không?
Sống trong thành phố Sai Gòn tráng lệ, tôi không nếm mùi bom đạn chiến tranh, không biết mặt mũi anh chị du kích quân VC, hay Giải Phóng Miền Nam ra sao. Nhưng kinh nghiệm gia đình của mẹ tôi đã bắt đầu gieo vào đầu tôi một nghi vấn không nhỏ. Mẹ tôi tảo tần kinh doanh đủ mọi nghề, từ đóng hộp bọc nhung, may quần áo, mở hiệu sách, đóng bìa da, nạm chữ vàng, mở nhà in để giúp thêm tài chính cho bố tôi. Không may bà bị dính líu vào chuyện kinh tài VC, bà ký giấy đứng tên mua một cỗ máy in nhỏ để bọn VC chở vào bưng. Nội vụ bị phát giác (thời TT Ngô Đình Diệm, 1960), bà bị bắt giam. Nếu không nhờ các ông chú tôi làm cho sở Mỹ tận tình cứu gỡ thì bà đã bị rục xương trong tù rồi. Vài tháng sau bà được chính quyền VNCH thả cho về làm ăn buôn bán như xưa, không hề bị trù dập quản thúc như chế độ cộng sản thời nay. Một chi tiết nhỏ khiến tôi sững sờ, khi biết rằng chẳng có một đồng chí cộng sản thân mến nào đã dám lộ diện cứu giúp mẹ tôi. Trong buổi ra mắt DVD Ngày Trở Về (VN 2006) cố nhạc sĩ Phạm Duy đã ngậm ngùi tiết lộ rằng:
“Trong chuyện Bà Mẹ Gio Linh (thật 100%), chỉ có hình ảnh một bà mẹ già buồn bã thất thểu đi ra chợ lấy chiếc đầu người con trai đem về chôn cất, không một cán bộ hay đồng chí cộng sản nào có can đảm đứng ra làm chuyện đó.”
Đó là sự thật muôn thuở của cái gọi là “tình đồng chí trong thiên đường cộng sản” đấy!
Nhưng nhờ đâu mà tôi hiểu được vấn đề và không bao giờ bị cộng sản tẩy não như nhiều người khác trong Hội? Xin thưa, tôi phải cám ơn những kinh nghiệm quý báu qua 40 năm ròng làm việc trong ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim và hóa dầu của Canada. Một bài học quý giá nhất mà tôi không bao giờ quên, đó là khóa học “Relations Authentiques dans un milieu industriel” do hãng gởi đi tu nghiệp (Quebec 1980). Trong khi chế độ XHCN chỉ sinh ra những con người dối trá lừa lọc, thì xã hội tư bản lại tổ chức khóa tu nghiệp huấn luyện nhân viên phải “giao tế trung thực, chân thật” vì đó là mấu chốt căn bản trong một môi trường sản xuất công nghiệp nặng ở nhiều tầng lớp khác nhau. Một bài thực tập trong khóa học làm cho tôi nhớ suốt đời, đó là bài học “Tạo dựng niềm tin hỗ tương với nhau”; lớp học gồm 12 người đến từ những phương trời xa lạ, không bao giờ quen nhau, chia ra làm 6 nhóm 2 người. Người này bịt mắt người kia, dẫn nhau ra đường phố đi một vòng 10 phút, không được nói chuyện với nhau, chỉ biết tuân lệnh dẫn đường, không phản kháng. Sau 10 phút trở về lớp học, lại thay đổi vai, người dẫn đường kẻ bịt mắt. Mục đích là cho khóa sinh hiểu rằng mối dây tin tưởng hỗ tương rất quan trọng trong cơ sở làm ăn chung. Không tin nhau thì không làm được gì hết.
2. Tư thế và lập trường chính trị của tôi đối với Hội Yêu Nước và Nhà Nước Việt Nam:
Trước hết tôi tự xác định là “người Canada gốc Việt”, mang quốc tịch Canada sau khi về thăm gia đình lần đầu 1979. Tôi không phải là Việt Kiều, theo đúng nghĩa “người Việt mang quốc tịch Việt Nam sống ở hải ngoại”. Tôi không dám vỗ ngực tự xưng “yêu Nước Việt Nam” tuy rằng khi tôi ký tên gia nhập Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Canada năm 1973, chỉ vì lúc đó tôi còn là sinh viên Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, nghe theo tiếng gọi “yêu nước” và không hề hiểu biết chủ nghĩa cộng sản ra sao, chưa đủ kiến thức thâm sâu về lịch sử cận đại Việt Nam, nhất là sự thật về chiến tranh tàn khốc đang diễn ra trên mảnh đất quê hương vào thời kỳ đó (1973). Tuy vậy cụm từ “yêu nước” đã ám ảnh tôi từ khi vào Hội cho đến ngày hôm nay, vì tôi nó cho phép tôi đo lường và đánh giá bản chất thật của những con người trí thức vỗ ngực tự xưng yêu nước ở Canada;
Tôi quan niệm rằng người trí thức đã học đại học ở hải ngoại, đã sống và làm việc trong môi trường tự do dân chủ Bắc Mỹ cần phải có đức tính trung thực, độc lập, hành xử quang minh chính đại, có lương tâm nghề nghiệp và can đảm phản biện khi cần để đóng góp với xã hội. Do đó người trí thức theo đúng nghĩa cũng nên biết cám ơn khi được giúp đỡ hay biết xin lỗi và xấu hổ khi phạm lỗi;
Tôi quan niệm rằng bàn luận chuyện chính trị chẳng là là độc quyền của riêng ai, nhờ mạng lưới Internet quảng bá, nhanh chóng và đơn giản bất cứ ai cũng có quyền tìm hiểu thông tin thời sự và cùng nhau thảo luận nghiêm chỉnh để tự xác định lập trường và chia sẻ ý kiến. Tôi cũng nghĩ rằng chuyện chính trị thời sự là những vấn đề của người đang sống, đang hiện hữu bàn cãi với nhau. Người đã chết rồi chẳng còn lý do gì để gây ảnh hưởng, do đó đừng đem những hình ảnh lãnh tụ đã chết ra để làm bình phong chống chế cho thế đứng của mình;
Sống và làm việc ở Canada, tôi phải có ý thức tuân thủ pháp luật đất nước sở tại, không bao giờ làm chuyện mờ ám đi ngược tiêu chuẩn nghề nghiệp. Do đó tôi không thể chấp nhận những hành động thiếu minh bạch của tập đoàn lãnh đạo Hội cùng với một số Hội viên nhằm thao túng Hội và cam tâm làm tay sai cho một vài quan chức cán bộ Nhà Nước Việt Nam cộng sản. Tôi sẽ đề cập đến sự kiện quan trọng này trong phần trình bày chi tiết sau, với nhiều tang chứng không chối cãi được;
Sẽ có người thắc mắc rằng “Tại sao đến giờ phút này, 2015-2016, tôi mới nói lên những sự thật của Hội Việt Kiều Yêu Nước Tại Canada?” Xin thưa rằng tôi đã từng có ý định trình bầy sự thật với cộng đồng Người Việt Hải Ngoại, từ lúc Hội đoàn này tan vỡ thành hai nhóm (1991), vì tôi không còn vị trí gì trong 2 Hội này. Tôi đã thử tìm cách liên lạc với tờ báo Hợp Lưu (Hoa Kỳ) để ướm lời. Họ cũng rất hoan nghênh ý định viết bài của tôi, nhưng sau đó tôi đành giữ im lặng, vì những lý do sau:
- Thời điểm đó (1991), Internet chưa phát triển sâu rộng và quảng bá, cho nên sự lựa chọn vào một tờ báo duy nhất bị hạn chế, tôi không biết gì nhiều về Hợp Lưu, tưởng tượng rất khó làm việc chung nếu có bất đồng chính kiến, nguy hiểm cho cá nhân tôi, vì tôi còn đi làm xa, bận bịu gia đình, con cái;
- Thời điểm đó, tôi chưa nắm vững nhiều tài liệu lịch sử cận đại, nhất là chưa biết gì về cái gọi là “Bức công hàm Phạm Văn Đồng 1958” hay “Hội Nghị Thành Đô 1991”, cho nên không thể đi sâu vào vấn đề chính trị quan trọng;
- Thời điểm đó, tình hình Việt Nam chưa ngã ngũ, đảng cộng sản và Nhà Nước Việt Nam hãy còn che đậy được khá nhiều “chuyện thâm cung bí sử”, xã hội Việt Nam chưa bị hỗn loạn như bây giờ, Biển Đông chưa dậy sóng, TQ chưa muốn gây hấn với Việt Nam, chưa thấy xuất hiện những phong trào đấu tranh tự do dân chủ, cho nên không trở thành nguyên nhân thôi thúc tôi phải lên tiếng;
3) Phản động, phản quốc, ngụy quyền, tay sai bù nhìn cho ngoại bang
Đến đây tôi xin phép tạm dừng nói về “cái tôi đáng ghét” (Le Moi est haissable, Blaise Pascal), để trình bày quan điểm của tôi về những cụm từ quan trọng mà dân chúng miền Nam không bao giờ quên; đó là những bản án vu oan giá họa mà nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã cố tình áp đặt lên đầu cổ họ sau ngày 30-04-1975. Để biện minh cho hành động gây tội ác chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, cộng sản Bắc Việt đã tuyên truyền gieo rắc trong dân chúng bốn tội lớn của chính quyền VNCH, đó là Ngụy quyền, tay sai bù nhìn cho đế quốc Mỹ, Phản quốc và Phản động. Tôi xin phân tích và nhận định ai đích thực mang bốn tội đồ to lớn đó.
a) Phản động là gì? Ai phản động?
Hãy thử truy cập Google từ ngữ “phản động” là gì:
Đây là cụm từ do phe XHCN sử dụng từ những phong trào cộng sản Đệ Tam, Đệ Tứ Quốc Tế, dựa trên quan điểm “đấu tranh giai cấp”. Sau này nhiều người theo chủ nghĩa xã hội xem những người ủng hộ xã hội tư bản là “phản động” vì lý thuyết của họ cho rằng nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu của lịch sử (trích từ Wikipedia).
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, phản động biểu hiện ở những việc làm chống lại các phong trào cách mạng, dân chủ và giải phóng dân tộc; hăm doạ, săn lùng và đàn áp các tổ chức và cá nhân hoạt động chính trị, đàn áp nhân dân lao động; tệ phân biệt chủng tộc, nhen nhóm và khích lệ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa chống cộng (trích từ Wikipedia).
Và quan sát tình hình kinh tế chíng trị xã hội thế giới sau hơn một thế kỷ (100 năm) sẽ thấy nhân loại tiến bộ vượt bậc nhờ rất nhiều phát minh khoa học kỹ thuật từ các quốc gia phát triển tư bản đi đôi với công nghệ cao, công nghệ ứng dụng, công nghiệp nặng, giúp cho đời sống con người được nhiều tiện nghi, có cơ hội tiếp xúc trao đổi thường xuyên, gần nhau hơn. Mọi quyền tự do cơ bản của người dân được bảo đảm trong các xã hội tư bản. Trong khi đó thì các quốc gia bị đặt dưới chế độ XHCN hà khắc, thì cuộc sống ngày càng bị thu hẹp, nghèo nàn, dân trí bị hao mòn vì chính sách tuyên truyền ngu dân, mỵ dân. Trong một thế kỷ chế độ cộng sản đã thanh trừng, tù đầy, đàn áp tiêu diệt hơn 100 triệu người trong các nhà tù, trại học tập cải tạo, con nguời chết dần mòn trong đói khát, nghèo túng vì thiếu phương tiện. Tình trạng đạo đức xuống cấp trầm trọng trong các nước theo XHCN, con người trở nên vô cảm, giả dối, lừa lọc nhau dưới vỏ bọc tuyên truyền một chiều của Nhà Nước cộng sản.
Quan sát kỹ tình trạng xã hội Việt Nam qua 40 năm sống dưới chế độc tài XHCN sẽ thất kinh tế lụn bại, xã hội băng hoại, tội ác lên ngôi, Nhà Nước áp dụng chính sách Công an trị để theo dõi hăm doạ, săn lùng và đàn áp các tổ chức và cá nhân hoạt động chính trị, đàn áp nhân dân lao động. Tất cả bằng chứng hiển nhiên đó cho phép kết luận rằng ,“Chế độ XHCN dưới ách thống trị của đảng cộng sản và Nhà Nước Việt Nam hiện nay là một chế độ phản động, đi ngược lại trào lưu tiến hóa của nhân loại.” Thử so sánh tình hình Việt Nam với Miến Điện hiện nay thì rõ ngay.
b) Ai phản quốc?
Ít nhất có ba bằng chứng lịch sử hiển nhiên còn lưu lại cho thế hệ trẻ Việt Nam tham khảo, đó là:
Bức Công Hàm Phạm Văn Đồng ký ngày 14-09-1958, công nhận chủ quyền TQ trên toàn thể khu vực Biển Đông, gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên những yêu cầu công khai của TQ (04-09-1958). Câu tuyên bố mở đầu trong bức công hàm đó là một bằng chứng ngắn gọn, chắc nịch không thể chối cãi rằng Nhà Nước Việt Nam thời VNDCCH (cộng sản Bắc Việt) đã ngang nhiên đặt bút công khai ký một bản văn tự bán nước, nhượng chủ quyền Biển Đảo cho ngoại bang TQ để đổi lấy viện trợ súng ống, đạn dược, nhiên liệu, nhu yếu phẩm nhằm mục tiêu xâm lược chiếm đóng toàn thể miền Nam Việt Nam (dưới vỹ tuyến 17). Nếu không có viện trợ ồ ạt và tiếp tế đạn dược tầm vóc lớn của TQ, thì quân đội miền Bắc (VNDCCH) không thể nào tiến công thực hiện một cuộc chiến tranh vận động chiến kéo dài cả tháng trời, tràn khắp mọi mặt trận, đối đầu với quân lực VNCH tinh nhuệ, vũ khí tối tân hơn;
Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, do TQ khởi động xâm lược biển đảo của VNCH, đã hiển nhiên cho thấy Nhà Nước cộng sản miền Bắc cùng với MTGPMN đã cố tình ngậm miệng chấp nhận “hành vi xâm lăng của ngoại bang”. Đây là một sự im lặng cúi đầu ô nhục “của bè lũ bán nước, phản quốc” không chối cãi được. Trận hải chiến đó chứng tỏ chính quyền VNCH thời TT Nguyễn Văn Thiệu và Hải quân của quân lực VNCH không bao giờ bán nước, không phản quốc, vì đã có can đảm điều chiến hạm ra chống trả quân xâm lược, tuy rằng bị hạn chế đạn dược, nhiên liệu vì viện trợ HK bị cắt giảm và không có hỗ trực tiếp của quân đội Mỹ (theo tinh thần Hiệp Định Paris, 1973). Đừng quên rằng ở thời điểm đó quân đội miền Bắc cộng sản và MTGPMN hãy còn hiện diện ở miền Nam luôn đe dọa an ninh nhân dân miền Nam. Có nghĩa rằng quân đội VNCH đã phải đối đầu với ba thế lực quân sự hung hăng tàn bạo, và phải chiến đấu đơn độc;
Bằng chứng hiển nhiên thứ ba là trận hải chiến trên đảo Gạc Ma 1988, tàu chiến TQ tiến công ồ ạt, quyết chiếm gọn đất đai lãnh thổ Việt Nam. Thay vì ra lệnh phản công, Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng lúc đó là Lê Đức Anh đã ra lệnh “cấm không cho quân đội được phép cầm súng bắn trả”. Kết quả là 64 chiến sĩ hải quân đã phải đưa thân mình ra cho quân xâm lược TQ nã súng tiêu diệt, một cách thảm khốc và ô nhục, không khác gì 64 hình nộm bị đem ra làm bia cho quân xâm lược tập bắn tự do. Đây là một hành vi “phản quốc” tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam, nói theo lời của vị tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh ngày đầu năm 2016 vừa qua;
Chỉ cần nêu lên ba chứng cứ lịch sử không chối cãi đó tôi có thể kết luận rằng Đảng cộng sản và Nhà Nước Việt Nam hiện nay là kế thừa của một tập đoàn phản quốc, hại dân kể từ khi ông HCM về nước thành lập Đảng.
Vì giới hạn của bài viết, ở đây tôi không phân tích nhận định về “trận chiến Điện Biên Phủ 1954” xem như là một chiến thắng ngầm của quân đội TQ mà đảng cộng sản, ông Hồ Chí Minh (HCM) và ông Võ Nguyên Giáp cố tình che đậy;
c) Ai là tay sai, bù nhìn cho ngoại bang?
Xin phép nói ngay, đó là đảng cộng sản và Nhà Nước XHCNVN qua 70 năm theo đuổi con đường cộng sản. Kể từ khi ông HCM lân la tiếp xúc với lãnh đạo đảng cộng sản TQ (Mao Trạch Đông) và Liên Xô (Staline) rồi tìm cách tổ chức đưa người sang TQ học tập quân sự. Nhất nhất mọi điều ông HCM và tập thể lãnh đạo đảng cộng sản và Nhà Nước cộng sản Việt Nam đã chịu sự điều khiển, sai khiến của ngoại bang cộng sản. Từ chiến lược quân sự Điện Biên Phủ 1954, cho đến chính sách Cải Cách Ruộng Đất, tiêu diệt hàng trăm ngàn người dân vô tội ngoài Bắc (1954-1956). Vì kinh tế kiệt quệ? Vì nạn đói đe dọa? Hay vì lẽ gì mà HCM và đảng cộng sản đã để cho Phạm Văn Đồng ký Bức Công Hàm Bán Nước 1958. Cứ bình thản theo dõi diễn biến Đại Hội đảng cộng sản kỳ 12 vừa qua cũng thấy biêt bao bằng chứng về bản chất tay sai bù nhìn của nhà cầm quyền Hà Nội, thông qua vai trò “thái thú” của Tổng bí thư (đảng CSVN) Nguyễn Phú Trọng.
d) Ai là ngụy quyền?
Đó là tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản và Nhà Nước XHCN Việt Nam từ hơn 70 năm qua. Ngụy có nghĩa là giả tạo, giả dối, không thật, không có chính danh, không có tư cách công khai chính thức. Trong trào lưu tiến hóa tự nhiên của nhân loại tiến bộ, một tập thể lãnh đạo quốc gia phải tuyệt đối do toàn dâu bầu lên thông qua một cuộc đầu phiếu công khai, gồm nhiều người ứng cử bàn cãi thuyết phục toàn dân. Sau một nhiệm kỳ do Hiến Pháp xác định, nếu tập đòan lãnh đạo không đáp ứng nguyện vọng toàn dân thì sẽ có một cuộc bầu phiếu khác thành lập để toàn dân chọn người khác. Tất cả diễn biến công khai trong một bầu không khí tự do dân chủ trọn vẹn, không mang hình thức trù dập, đe dọa, khủng bố ngầm.
Bao nhiêu yếu tố chính yếu đó đã chứng tỏ rằng “đảng cộng sản và Nhà Nước Việt Nam hiện nay hoàn toàn là giả dối”, không hề do người dân tín nhiệm bầu lên bao giờ, mà chỉ là một màn kịch do ngoại bang chi phối quyết định trước. Gọi đó là Ngụy quyền cộng sản Hà Nội, không sai tý nào.
Vài lời đề nghị với Cộng Đồng Người Việt (người Canada gốc Việt)
Tôi chỉ có vài lời đề nghị các trang mạng của cộng đồng, các cơ quan truyền thông đang hoạt động ở Canada hãy phổ biến bài viết này để rộng đường dư luận, để mọi người nhận chân sự thật về cái gọi Hội Việt Kiều Yêu Nước Tại Canada. Đây là một chi tiết rất quan trọng vì tôi muốn tránh một sai lầm trong quá khứ là làm sao nhận diện được ai là cộng sản, ai là Việt gian bán nước, tôi gọi đây là bài học Trọng Thủy Mỵ Châu thời nay, để góp phần tranh đấu giành lại chủ quyền đất nước, bảo đảm tự do, dân chủ, Phát triển Dân Trí, Chấn hưng Dân Khí, Cải thiện Dân Sinh cho người dân Việt Nam (Phan Chu Trinh).
Thành thật cám ơn,
Lê Quốc Trinh, Canada
15-04-2016
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
LÒNG YÊU NƯỚC, TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TẾ
Về mặt lý thuyết mà nói, ai trước hết cũng phải yêu bản thân mình, yêu cha mẹ mình, yêu gia đình mình, yêu xóm giềng mình, yêu quê hương mình, và cuối cùng là yêu đất nước của mình. Tình yêu hay tình cảm như thế, theo nguyên tắc vì nó gắn liền với bản thân mình, với quyền lợi mình, với những cảm xúc tốt đẹp khác nhau của mình, là điều không ai có thể phủ nhận được.
Thế nhưng thực tế có phải thế không ? Chưa chắc như thế. Vì trong số các liệt kê như trên, có khi một người chỉ yêu một hay một vài trong những cái đó mà chưa hẳn đã yêu hết, hay có khi cũng chẳng yêu cái gì cả mà chỉ sống đời sống bông lông ba la cho có vậy thôi. Không tin mọi người cứ kiểm lại nhiều người khác và ngay cả bản thân thử coi.
Có nghĩa tình yêu hay tình cảm chân chính nói chung gồm cả hai yếu tố là lý trí và cảm xúc, thiếu một trong hai hay thiếu cả hai thứ đó, không thể có tình cảm đúng nghĩa tốt đẹp cho dù thuộc loại gì cũng vậy.
Tình cảm yêu nước là tình cảm rộng lớn, bao quát, cao cả nhất, nó chỉ thua tình cảm yêu con người và yêu xã hội. Bởi vì đất nước hay dân tộc nói chung cũng không phải cái gì trừu tượng hoàn toàn mà bao gồm những con người cụ thể là dân tộc, đồng bào của mình có trong đó.
Bởi vậy tình yêu nước cũng chưa chắc có ở mọi người mà chỉ có ở một số người nào đó nhất định. Đó là những người có trí thức, có nhận thức, có tình cảm cao quý hay tình cảm yêu người, nhân bản nói chung. Đó là những người yêu nước tự giác, có ý thức, có tâm huyết thật sự, không phải yêu nước trên cái miệng bên ngoài.
Nên thực chất, chỉ có những người trí thức chân chính nhất, những người có tinh thần, ý thức nhân văn chân chính nhất mới là những người có lòng yêu nước thực sự. Ngược lại mọi người bình dân khác, nếu thiếu cả hai hay thiếu một trong hai yếu tố này chưa hẳn đã là những tâm hồn ái quốc thật sự.
Không ai phủ nhận Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp v.v… đều là những nhà chí sĩ yêu nước thật sự, nhưng không dễ gì những người như Xã xệ, Lý toét, Chí Phèo, Thị Nở là những người yêu nước được. Sự yêu nước của các hạng quần chúng nhân dân thường tình nếu có cũng chỉ là yêu nước kiểu đi theo người khác, dựa vào người khác, làm theo người khác, tin theo người khác, hùa theo người khác vậy thôi.
Học thuyết Mác chủ trương giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại, cho tình cảm yêu nước chỉ là tình cảm tư sản của quan điểm giai cấp tư sản, nên mọi phong trào cộng sản quốc tế trong thực tế và thực chất chỉ hướng tới điều này, bảo lưu trong tâm tâm điều này, là chuyện chẳng có gì lạ lùng hay đáng nói.
Đọc Những Lời Trăn Trối của Trần Đức Thảo do nhà văn Tri Vũ – Phan Ngoc Khuê viết ra người ta thấy rõ được quan điểm đấu tranh giai cấp đã diễn ra trong thực tế ở Miền Bắc vào thời cải cách ruộng đất trước kia thế nào, thấy quan điểm này của Các Mác tai hại thế nào về mặt con người và xã hội, có nghĩa đây không phải là quan điểm triết học hay khoa học khách quan đúng đắn mà chỉ là quan điểm cảm tính, tùy tiện, sai lầm và hoàn toàn sai trái của Mác. Mác chẳng có công gì với nhân loại mà chỉ có tội với nhân loại là ở đây. Một học thuyết phi khoa học mà tự mệnh danh là khoa học để lôi kéo tai hại bao nhiêu thế hệ con người ở khắp nơi trên toàn thế giới là một điều không thể không lên án được.
Nên nói chung lại, quan điểm yêu nước vừa là quan điểm lý trí, tình cảm và nhân văn. Chỉ cần thiếu các yếu tố này cũng không bao giờ là lòng yêu nước thật sự mà có khi chỉ là sự giả dối hay đóng kịch bề ngoài. Người ta bảo tình yêu nước hay lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý không phải không đúng, như điều đó chỉ nói lên trường hợp những ai yêu nước thật và cũng là tình cảm yêu nước thật.
Có nghĩa chính trị có khi chưa chắc đã là lòng yêu nước thật. Chính trị có thể có những tính toán mưu đồ và lợi ích riêng tư của những cá nhân nằm trong đó. Đó là chưa nói chính trị theo kiểu ý thức hệ bên ngoài chưa chắc đã có lòng yêu nước bên trong thật sự. Chính trị yêu nước và chính trị ý thức hệ là hoàn toàn khác nhau. Yêu nước là tình cảm, yêu cầu tự nhiên. Trong khi ý thức hệ chỉ là quan điểm bề ngoài của những người nào đó. Cái tự nhiên lả cái hợp quy luật và khách quan. Ý thức hệ có khi chỉ là những ảo tưởng, những cảm hứng nhất thời mà chưa hẳn đã có chiều sâu khoa học, triết học hay kể cả là chân lý đúng đắn của toàn lịch sử xã hội.
THƯỢNG NGÀN
(16/4/16)