Đời chưa kịp sống

Phan Hội Yên

155303132Điều tưởng chỉ xảy ra trong truyện cổ tích lại hiển hiện độc ác giữa đời thường.

Chiến tranh Việt Nam | tấm hình đâu tiên tại VN của Don McCullin. Nguồn:  cnn.com
Chiến tranh Việt Nam | Tấm hình đầu tiên Don McCullin chụp binh sĩ VNCH chờ trực thăng vận tại đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: cnn.

Cuộc đời nhân vật Diệu do Thanh Lan giữ vai trong đoạn kết thúc vở kịch “Lá Sầu Riêng” quả thật đã làm tôi hụt hẫng. Có thể nào định mệnh lại quá khắc nghiệt cho suốt cả một đời người, và tại sao con người vẫn kiên trì sống và chống chỏi với định mệnh, vượt qua biết bao trái ngang bi thiết, để khi vừa chớm tay với tới trái hạnh phúc lại vội vã buông xuôi? Cho dù với nụ cười mãn nguyện!

Tôi muốn nói với Quang vài lời phân trần, dù Quang sẽ chẳng bao giờ thấu hiếu chia sẻ với bất kỳ ai khác nỗi đau đớn của vết thương sâu hoắm, mà cái chết của mẹ con Thảo, vợ Quang và em gái tôi, chỉ làm vết thương đó tấy buốt hơn.

Quang trở về, sau tôi một tháng. Cuộc gặp gỡ giữa hai người cùng hội cùng thuyền, cùng một hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống, chỉ khác nhau quá xa ở phần kết thúc. Và sự khác biệt đó, đã làm chúng ta phải ngồi im lặng thật lâu hôm đám giỗ ba tôi, trước chai rượu trắng mua đầu hẻm.Quang chỉ nhấp môi, và tôi cố khỏa lấp nỗi buồn theo những điếu Vàm Cỏ khô khốc. Và rồi ai cũng phải lên tiếng:

– Tôi không đủ sức ngăn chặn được điều đó Quang à.

– Anh cũng như tôi vậy thôi. Rút cục chỉ là số mệnh.

– Biết nói thế nào với Quang đây? Dù sao thì anh em chúng tôi đã…

Tôi ngập ngừng và Quang khoác tay:

– Anh không có trách nhiệm gì cả, Thảo có đời sống của riêng cô ấy. Chỉ có điều là tại sao lại kéo theo thằng Phúc?

– Có lẽ Thảo không còn lựa chọn nào khác.

– Vẫn còn chứ anh! Lẽ ra thì cô ấy không có quyền tước đoạt hết cuộc sống của tôi. Mất một người vợ mà mình hằng yêu mến là mất hết rồi còn gì… Tôi nghĩ, anh có thể thuyết phục cô ấy để thằng Phúc ở lại. Con trai tôi không thể là của riêng Thảo.

– Tôi vẫn nghĩ Thảo sẽ đi được trót lọt. Và đó là lối thoát cuối cùng mà Thảo có thể chọn lựa. Dĩ nhiên, tôi không hề bênh vực cho Thảo trước con dốc thảm hại đó, ở trong tù, anh em chúng ta đều đã nghĩ đến và chấp nhận sự tan vỡ khốn cùng đó. Điều không may là nó đã rơi đúng trên cuộc sống của chúng ta.

Thực ra, hôm Thảo quyết định lên đường, cố ấy đã cố ý lánh mặt như tránh một lời ngăn cản có thể làm Thảo xuôi lòng. Khi tôi về căn nhà u ám, lũ em thẫn thờ nhìn cơn mưa nặng hạt đổ xối xả trên mái tôn và con hẻm nhỏ ngập tràn dòng nước tanh đen trồi lên từ cống rãnh ứ đọng lâu ngày không thoát kịp. Duy em kế Thảo buồn rầu:

– Chị Thảo đi rồi! Chị đi giữa cơn bão.

Tôi thả người xuống ghế, vậy là Thảo đã quyết định, khi chỉ còn hơn một tuần nữa, Quang sẽ trở về. Hôm nhận được giấy báo ra trại của Quang, mặt Thảo đã tái đi. Tôi biết, và âm thầm chấp nhận quyết định ra đi, như một lần trốn chạy của Thảo, em không thể làm khác hơn được, em không thể nào gặp lai Quang, cho dù em vẫn hằng mong nhớ.

Em không đáng để Quang phải tha thứ…

Tôi muốn nói với Thảo… “Em không có lỗi gì cả, tại sao lại là lỗi của em?” Nhưng cổ họng đã nghẹn lại. Thảo chẳng hề phân bua, tôi biết em đành đánh đổi hết đời mình để rồi cũng bất lực chết theo những rụi tàn từng ngày, từng giờ đốt cháy cánh phù du.

Tôi gặp Quang trong lần không vận đơn vị từ Phi trường Cù Hanh, để xuống tàu HQ tại Quy Nhơn về lại Sài Gòn. Chiếc Chinook của Quang chở tôi và bộ chỉ huy pháo đội, lặc lè cây 105 ly dưới bụng, lạch bạch đáp xuống vành đai phi trường Phù Cát thì trời đã sẩm tối. Chúng tôi bố trí đơn vị vào vị trí tạm để chờ xe quân vận chở về Quy Nhơn. Quang đưa tàu vào ụ rồi lái xe jeep trở lại, mời tôi vào vào câu lạc bộ phi đoàn ăn tối. Câu chuyện làm quen giữa hai người lính từ mặt trận, từ hai đơn vị tận hai đầu chiến tuyến biệt ngàn cách trở, tưởng như bèo mây trôi dạt. Lại không ngờ đã khởi đầu cho một vở kịch đời bi thiết, mà người sống như sống để chờ chết và người chết còn muốn chết cả trăm lần.

Sau đó, Quang về Sài Gòn, đến đơn vị tìm tôi trong một dịp phép. Tôi đưa Quang về nhà trong con hẻm nhỏ, chiếc rượu tao phùng râm ran chuyện lính, và như vô tình ánh mắt họ gặp nhau những lúc Thảo hồn nhiên gắp từng viên đá nhỏ bỏ vào ly rượu của tôi và Quang. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa hai người độc thân, cho đến lúc đó, vẫn là điều tôi nghĩ, như hai viên nước đá trong veo dính vào nhau reo lanh canh trong màu hổ phách song sánh. Quang say chưa nhỉ, ngồi gật gù:

“Thì ra em đã mười lăm
Mối ưu tư đã như tằm ăn lên
Ta trong cơn lốc tuyệt mù
Vùng thơ ấu cũng sang thu không ngờ.”
(Luân Hoán)

Tuổi hoa niên. Nguồn: Vietnam Magazine  Ccirca 1970s
Tuổi hoa niên. Nguồn: Vietnam Magazine, circa 1970s

Tôi say chưa nhỉ, vội hét lớn:

– Hay, Thảo! Ban thưởng!

Cô em gái, dù đã mười chín tuổi tự nhiên ngây thơ như cô bé mười lăm, giật mình trố mắt nhìn hai ông con trời:

– Dạ thưởng gì ạ?

– Rượu! Tửu phùng tri kỷ

– Ông bay Chinook mà sao vượt tường âm thanh còn lẹ hơn F5.

– Cũng nhờ thêm thuốc bồi của ông anh Pháo Binh Dù.

Câu chuyện xoay quanh vùng hành quân và những lần bốc pháo. Đơn vị trực thăng vận tải của Quang không chỉ một lần phối hợp cùng chúng tôi trên mặt trận tam biên máu lửa, và cũng đã không ít lần len lỏi qua lưới đạn phòng không, thả vội palette đạn tiếp tế trên cứ điểm pháo binh, chúc mũi tàu trôi xuôi thung lũng, tìm lối quay về. Chuyện lính, chuyện đời cứ như một ngẫu hứng oan nghiệt làm nhịp cầu đầu tiên cho những lần bất chợt quay về của Quang, cả những khi tôi xa Sài gòn vì bận hành quân đâu đó.

Nếu phải đứng trước ngưỡng cửa hạnh phúc, để lo sợ về một điều mong manh, mơ hồ nhưng có thật sẽ đến không biết lúc nào, thì tôi là người biết chia sẻ với Thảo và Quang về những cơn trăn trở đó. Nhưng tôi thật không tài nào hiểu nổi điều vội vàng nào cuốn hút hai người vào nỗi say đắm thiết tha, mà với tư cách một người anh, người bạn, tôi đành buông xuôi cho mệnh, và không hề có lấy một lời khuyên lơn đúng nghĩa. Hy vọng với tình yêu khởi đi như cơn lốc, hai người có đủ trách nhiệm với nhau để đừng có lời oán trách nào dành cho hoàn cảnh. Quang đã có vợ.

Ba mẹ tôi không hay biết gì về điều đó, và cũng không thể có một quyết định nào khác khi Thảo đã chọn lựa, lao vào cơn thử thách với trăm ngàn giông bão như một con đom đóm tự đốt cháy mình, tự tìm lấy hạnh phúc trong ánh sáng thâm u, yếu ớt đó bằng cách đặt gia đình trước một sự đã rồi. Đám cưới vội vàng của em làm tôi mủi lòng; không lâu sau đó, chừng năm sáu tháng, Phúc, đứa con đầu lòng của hai người chào đời trong quá nhiều dâu bể.

Thảo rời gia đình, theo chồng về Phú Cát, dù tôi đã cố ngăn cản khi biết rằng, căn cứ không quân đang ngày đêm nằm trong tầm pháo của quân thù. Thảo bướng bỉnh,

– Nếu con có chết, cũng xin để cho con được chết gần anh ấy!

– Ba không nói việc chết choc, nhưng ba nghĩ, với con như vậy là đủ.

– Anh ấy cần con.

– Ba hiểu, nhưng con đã đánh đổi hết một đời rồi còn gì? Con không nghĩ là Ba và mẹ đã hằng đau đớn?

– Thưa ba, con muốn ba mẹ nhìn thấy chúng con hạnh phúc!

Thảo chẳng hề lay chuyển, bế con theo Quang ra phi trường để lên chuyến bay quân sự ngay tối hôm đó.

Nếu việc Quang đã có vợ, như một viên thuốc đắng bọc đường cứ tan dần trong ly nước liều lĩnh của Thảo, như cách nói của em:

– Em cứ uống dần, biết đâu rồi sẽ quen!

Không biết Thảo đã uống được bao nhiêu phần của chén nước thiêu thân.Nhưng thời gian đã không còn đủ cho cô ấy làm quen với độc dược.

Hắn, nhân vật chính của thảm họa lại vẫn như vô tình hiện đến từ một cõi thâm u nào đó, mà mỗi lần không thể nào khước tứ, không thể tống khứ hắn ra khỏi tầm mắt.Ba tôi vẫn như phải ôm vào lòng nổi bức rức vô cớ.Hắn, cũng là thằng bạn học oái oăm của tôi, Lê Ngọ Bàng.

***


Chiến dịch Về phía Tự Do | Tàu USS Bayfield đưa người tị nạn cộng sản từ miền Bắc cập bến Tự do tại Saigon, tháng Tám, 1954

Câu chuyện lại phải trở về hơn hai mươi trước, lúc Ba tôi đang chịu trách nhiệm về một vài vấn đề chính trị trong quân hạt mà ông đang là “phái viên hành chánh lưu động”.

Một tên gọi tạm thời, cho một chức vụ tạm thời của một nhân viên hành chánh tạm tuyển, những năm đầu, sau hiệp định Geneve 1954 tại Miền trung, dưới vỹ tuyến 17. Chức vụ thì nhỏ, nhưng trách nhiệm lại quá lớn, khi ông làm việc trong bộ phận hỗn hợp của chính quyền nhằm bạch hóa, thanh lọc, thẩm tra tất cả các đối quyền nhằm bách hóa, thanh lọc, thẩm tra tất cả các đối tượng đã từng hoạt động bên kia chiến tuyến, nay khước từ tập kết, chấp nhận ở lại miền Nam, sinh sống như một việc người dân thường. Điều không may cho ông là phải làm việc đó trên chính nơi chôn nhau cắt rốn, mà những liên hệ chằng chịt giữa họ mạc, làng xóm, bà con thân quyến như đã buộc chặt lấy nhau, ràng rịt lấy nhau và hiểu rõ nhau đến tận từng ba bốn đời người. Nên việc ai trước kia làm du kích, ai làm xã ủy, huyện đổi. Hay nhà nào có con em, cha chú làm việc, đi lính cho chính phủ quốc gia, đã không hề là điều gì bí mật. Thế nên, ba của hắn, ông Tám Kết là dượng họ của ba tôi lại được dịp lên văn phòng “Phái viên hành chánh”. Dù trước kia ổng cũng chỉ làng nhàng gì đó trong mặt trận Việt Minh.

Chẳng bắt bớ đánh đập gì đâu, chỉ đơn giản ký tên, điểm chỉ vào một mẫu giấy in sẵn, nội dung cam kết không tái tục hoạt động cho Cộng Sản, phá rối trị an, tôn trọng và tuân theo luật pháp của cính phủ Quốc gia…Xong là về.

Mẫu giấy mà hằng tuần tôi phải phụ ba tôi quay ronéo đến nỗi bây giờ vẫn còn nhớ như in từng chữ.

Vậy mà ông Tám Kết không chịu ký, và lý do ông đưa ra để khước từ ký tên cũng thật kỳ cục:

– Ký với ai thì ký, chữ ký với thằng Nhân thì tao không ký!

Nhân là tên Ba tôi. Không ký thì ở lại đó, Ba tôi cũng chẳng lớn đến nỗi có thể ừ è cho qua chuyện. Gian nhà tranh vách núi dựng tạm làm văn phòng phái viên được ngăn hai cũng bằng vách nứa, một bên là nơi ở, làm việc của nhân viên ký tên. Ăn uống phần ai nấy lo, cờ tướng, nước trà thì có qua lại.

Ông Tám Kết ngày ngày được thằng con bằng tuổi tôi, tiếp tế đủ thứ, để chiều chiều bắc ghế ngồi dưới tàn cây trứng cá, nhâm nhi chửi đổng…

Đám con nít, trong đó có tôi và thằng Bàng ở trần mặt quần xà lỏn, chồm hổm ngồi nghe. Chờ đến khi gần say, ổng múa may diễn tuồng “Quan Công đầu Hán chẳng đầu Tào”… “Tao đầu là đầu dân đầu nước, đầu chính phủ quốc gia chứ đâu phải đầu cái thằng Nhân là cháu kêu tao bằng Dượng.” Đám con nít tụi tôi gõ thùng gõ bộng phụ họa, mấy ông cảnh sát cũng vỗ tay đốc xúi.

Riết ba bốn ngày thì ba tôi cũng phải xuống nước dỗ ngọt, Ông Tám chịu ký rồi về. Vậy mà vừa về đến nhà, không biết ai bày mưu tính kế, lại tới tai bà Nội tôi tin đồn… “Thằng Nhân bợp tai, đá đít, bỏ tù ông Tám Kết.” Bà dì họ xa lắc, vợ ông Tám, đem đến cho bà Nội tôi chai dầu nóng hiệu quả phật thủ, trong dịp giỗ ông tôi. Bã nói “để dành cho thằng Nhân xoa tay bóp chân, kẻo đánh người ta hao sức”. Phần ông Tám Kết thì tuyên bố sẽ không bao giờ nhìn ba tôi là cháu, cho dù cái chữ Dượng Cháu chỉ là mối liên hệ được khởi đầu đâu từ đời mấy ông cố hỷ lập làng dựng đất.

Kể từ đó, ông Tám Kết ôm lấy mối hờn dựng đứng, như là một phần đời ông ôm ấp, như một lý tưởng ông theo đuổi. Hay có khi, như một sách lược trường kỳ mà ổng phải làm, để nuôi dưỡng lòng căm thù chưa hề có thực, không cho bất cứ một vết thương nào kín miệng, theo chỉ thị từ những thế lực vẫn âm ỉ thiêu cháy làng thôn yên lành thời hậu chiến. Kể cả lúc gia đình ông Tám Kết bỏ làng vào Huế, làm chủ nhân một tiệm vải đồ sộ ngay đường phố chính. Không ai hay, không ai biết, không ai tìm hiểu gì về nguồn vốn tự nhiên mà có của một người quanh năm cày sâu cuốc bẫm, chưa hề có lấy một miếng đất cắm dùi, cho đến khi ông bị bắt với đầy đủ bằng chứng “kinh tài cho Việt cộng”, chỉ vài năm sau đó.

Thằng Bàng xin hỏi cưới Thảo, đối với chúng tôi, đó là một tin sét đánh. Hắn vẫn lui tới với gia đình cả chục năm trời. Tôi học trường nào, nó học trường đó, không những chung trường, mà còn chung cả lớp, từ tiểu học trường làng cho tới trung học trường tỉnh, mà phải nói hắn sinh ra không phải để đi học. Trong khi tôi làng nhàng đủ năm lớp nhất, giật xong mảnh bằng tú tài trước khi đi lính, thì hắn nhẩn nha vừa học vừa chơi, mà chơi nhiều hơn học; đặc biệt hơn, hắn còn tham gia tích cực vào các cuộc buổi tình, bãi khóa… “Đả đảo giáo sư mật vụ…”, rượt đánh thầy Liễn dạy Anh văn vì đã không cho hắn đủ điểm lên lớp năm đệ ngũ. Tới hết lớp đệ tứ, vì không qua được mảnh bằng trung học, đành xé ngang, ở nhà phụ ông già xé vải.

Tôi chẳng bao giờ hẻo lánh tới nhà hắn, phần không chịu nổi cách hỏi thăm xách mé của ông Tám Kết… “Con thằng Nhân đó hả? Cha mi còn khỏe à?” Phần thấy kỳ khôi khi hằng ngày ông đánh trần cái quần xà lỏn, đi lui đi tới săm soi mấy súc vải lụa điều chỉ để chưng hàng, mà ai hỏi mua, ông cũng nói chưa tới lúc cần bán.

Thanh niên hồi đó, nếu không đủ điều kiện tuổi tác để đi học, thì phải đi lính. Ông Tám Kết, sau ngày đảo chánh năm sáu ba được giải thoát, cùng với công việc làm ăn ngày một khấm khá, đủ lo sức lo cho hắn một chân lính kiểng, sáng cỡi vespa đi làm, chiều cởi vespa về. Bộ tresille lúc nào cũng ủi hồ láng cóng, cứ như là quan sáu thời thuộc địa.

Ông Tám cho người đánh tiếng với ba tôi chỉ còn một cách gả Thảo cho thằng Bàng mới mong có cơ đoái công chuộc tội sau nầy. Ba tôi biết cái sau nầy của ông Tám Kết hàm ý gì khi mà từ quê nội, đã thành vùng oanh kích tự do, thỉnh thoảng vẫn có người tới lui nhà ông Tám, sầm xì qua lại cốt để lọt tới tai ba tôi cái tin “mặt trận” đã dành sẵn cho ông bản án. Ba tôi khước từ tiếp người mai mối, viện cớ Thảo còn quá nhỏ, cần phải học thêm.

Lời khước từ của ông như một mũi dao khoét sâu vào lòng tự kỷ của ông Tám Kết. Và cái “sau nầy” của ông tưởng đã thành sự thật, đầu năm Mậu Thân sáu tám. Gia đình tôi lúc đó, đã may mắn vô Nam, chứ nếu còn ở lại, không chắc toàn thây với cha con Tám Kết.

Nạn nhân của cộng sản Việt Nam sau cuộng tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Nguồn: LIFE Magazine
Nạn nhân của cộng sản Việt Nam sau cuộng tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Nguồn: LIFE Magazine

Hỏa ngục đã có thật suốt một tháng trời thành phố bị chiếm đóng, và Lê Ngọ Bàng mau chóng hiện nguyên hình một tên vô lại khát máu, xách AK lục lạo khắp phố phường với nhiều bản án tử hình được in sẵn. Hắn chỉ cần điền tên nạn nhân vào là bắn. Khi tôi theo đơn vị, dẫn quân vào thị trấn hoang tàn, chết chóc thì hắn đã biến mất. Có người nói hắn dính bom chết nát thây ngoài cửa An Hòa, khi theo chân bọn thổ phỉ bại trận chạy về núi, có người nói thấy hắn đi thoát lên miệt A Shao – A Lưới, cùng với anh thầy Tường.

Biết trước sau gì, Tám Kết cũng cho người tìm kiếm. Ba tôi khởi sự cuộc chạy trốn, ngay từ những giờ phút đầu tiên của ngày 30 tháng tư bi thảm. Khi từ đơn vị, trở về sau lệnh đầu hàng của ông tổng thống một ngày, tôi từ tốn gỡ nhẹ cây súng trên tay ba tôi, bàn tay đã mất hết sinh lực và ẩm thấm mồ hôi. Ông cố chờ tôi về trước khi quyết định tìm về nơi trú ẩn an toàn nhất, không một ai có thể tìm thấy để truy thù. Cái chết, đôi khi nặng như Thái Sơn mà nay sao đã nhẹ tênh tựa bông cỏ may lạc loài ngoài hiên nắng. Cuối cùng rồi bầy em bảy đứa, nhỏ nhất mới lên năm đã làm ba tôi chùn tay, phó mặc cho số mệnh đưa đẩy.

Trước khi tôi và Quang vào trại cải tù chừng một tuần, ông một mình khăn gói lên đường, không đi trình diện. Cả mấy ngàn người chết thảm đầu tết Mậu Thân, đã là một ám ảnh thảm khốc, mà những vỗ về hoa mỹ của kẻ thắng, không mảy may làm ba tôi tin tưởng. Hy vọng chốn thâm sơn cùng cốc sẽ bôi xóa dấu vết để kẻ tầm thù không tìm ra bóng chim tăm cá.

Nhưng không, hắn đã đến chẳng lâu sau đó, và khi Thảo vào thăm tôi ở trại tập trung, em cho biết, đã không còn một chọn lựa nào khác – Hoặc là em thuộc về hắn, hoặc hắn sẽ đến tận vùng kinh tế mới, đem ba tôi về cho ông Tám Kết liệu định.

Tám Kết, khi ấy đã là phó chủ tịch ủy ban quân quản tỉnh, và hắn, thằng khát máu Lê Ngọ Bàng, phụ trách an ninh nội chính; hắn có cả một bộ phận thường trực đóng ở Sài Gòn, để truy quét các đối tượng “phản động địa phương” đang ẩn trốn tại thành phố. Trong danh sách đó, hắn không hề giấu giếm tên ba tôi ở hàng thứ nhất. Và màn khủng bố đầu tiên là lập biên bản kiểm kê tài sản, quyết định tịch thu căn nhà tồi tàn mà ba tôi chỉ có được sau hai mươi năm lãnh lương công chức.

Thảo một mình, cắn răng điều đình với tên khốn khiếp. Phải để cho Thảo ở lại Sài Gòn và tiếp tục thăm nuôi Quang cho đến ngày Quang trở về, không được tịch thu căn nhà, không được cho người tìm kiếm ba tôi và nhất là không cho ba tôi biết điều gì đang xẩy ra. Mọi yêu sách của Thảo hắn đều chấp nhận, vì hắn biết, ngón đòn thù hiểm độc đó, trước sau gì cũng đốn ngã ba tôi và Quang.

Quả nhiên, hắn thành công trọn vẹn, ba tôi khi biết được nỗi cay đắng của Thảo, đã không chịu nổi cơn uất hận, và cơn uất hận đó đã đông kết thành những cục máu đỏ tươi trào ra trước khi ông nhắm mắt lìa đời ở một nơi đèo heo hút gió. Mãi sau nầy, lúc có điều kiện đưa xác ông về quê cũ, khi nắp quần áo quan vừa bật mở, trên nắm xương khốn khổ, khóe miệng ông vẫn còn nâu đen màu máu. Tôi đã cẩn thận cất giữ nỗi căm phẫn đã khô nén, để sẽ chẳng bao giờ quên điều ba tôi nhắn gởi khi lên đường, “chúng ta thua, vì chúng ta quá thừa thải lòng nhân.”

Thảo! Vở kịch đời nặng hơn vai diễn; và em đã diễn hết đời vẫn chưa thấy tấm màn oan khiên khép lại. Thảo đã không may mắn có được nụ cười mãn nguyện như Diệu của “Lá sầu riêng”. Không biết, trên chuyến tàu bất hạnh của một ngày giông bão, có phải Thảo đã tìm được sự giải thoát.

Con sông Tiền Đường dù sao cũng hiền lành hơn những ngọn sóng đã nhấn chìm con tàu trốn chạy của mẹ con Thảo, Thúy Kiều đã bán mình vẫn không cứu được cha!

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.