Một mẩu chuyện về Đồi 31 (p1)
Phan Hội Yên
Gần đân, trên Facebook và nhiều trang web rộ lên câu chuyện của “Đồi 31” và các nhân vật liên quan.
Là một người lính thuộc đơn vị đã trưc tiếp chiến đấu tại trận địa, tôi thấy, việc đúng sai có lẽ đã tùy thuộc vào góc nhìn cũng như quan điểm, mục đích của mỗi một người viết. Nhưng với tôi là chưa đủ. khi các bài viết không rõ ràng các phiên hiệu đơn vị tại thời điểm và địa điểm…và với óc tưởng tượng khá phong phú của một vị … “Tư lệnh” khi cho người đọc những nhận định, phán đoán… chiến lựơc, chiến thuật từ Quân đoàn, Sư đoàn, Lữ đoàn, xuống tận …Tiểu đội.
Xin góp một mảnh vỡ khác của người lính trong ký ức về đồi 31, trong phạm vi một trung đội chiến đấu mà tôi được biết.
Đường qua Ái Tử
Đang ngồi ở văn phòng Đại đội, chợt tiếng chuông điện thoại reo vang. Nơi, hạ sĩ quan trực nhấc máy, và quay lại phía chúng tôi:
– Đại úy! Tiểu đoàn mời họp.
– Mấy giờ?
– Ngay bây giờ, thưa Đại úy.
Đại úy nhìn chúng tôi:
– Mấy anh chờ ở đây, cho đến khi tôi về.
Lại chờ, suốt mười hai ngày quanh quẩn trong doanh trại, với lịnh cấm quân một trăm phần trăm, ứng chiến cấp một, tất cả như căng ra trong dự đoán, lần này không biết sẽ đi đâu.
Tình hình chiến sự cũng không có gì căng thẳng, và những thuận lợi trên chiến trường kể từ sau cuộc hành quân “Toàn thắng 70”của Quân Đoàn III mà chúng tôi vừa tham chiến trên mặt trận Cam Bốt, bẻ gãy căn cứ hậu cần quan trọng và dẫm nát Trung ương cục “R” của đối phương trong vùng lưỡi câu, Mỏ Vẹt đã khẳng định thế trưởng thành, vững chắc của Quân đội.
Tôi thả bộ xuống Trung đội, trong dãy hành lang rợp bóng ngô đồng, những người lính nhìn tôi dò hỏi… Cũng chưa có gì, thì đâu cũng vậy thôi.
Tôi trả lời qua loa:
– Chưa hết Tết mà, Đích thân!
– Tết nhất gì nữa! mấy năm trước mình có ăn Tết ở nhà đâu
– Lâu lâu mới có một lần, ít quá cũng chưa đủ…
– “Tri túc thiện túc” mậy!
Tôi quay về hướng câu chữ nho. Hạ sĩ nhất Muôn đang cười sau câu đế của mình.
– “Hà thời túc” chứ?
– Nói vậy thôi Đích thân, trông đi quách cho rồi, để còn về cưới vợ, chờ hoài muốn oải quá.
– Kỳ này đi, có người mong nhớ, chắc hên nhé. Về có cái cánh gà mới, cưới vợ cũng oai.
Muôn có mặt ở đơn vị từ khi tôi mới ra trường, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng lại thuộc làu “Minh tâm bửu giám”, nói chuyện năm ba câu, đã hết hai câu “Gia nhà Quốc nước, Tiền trước Hậu sau…”
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh:
– Không biết cánh gà xé phay hay rô ti đây. Muôn cười cười.
– Bậy mày! Nhất còn chưa ngán huống hồ Muôn, ai luộc nổi!
– Con bồ nó láng lắm Đích Thân. Cu cậu hơi nhụt chí nam nhi rồi.
Có tiếng cười ở bên trên chiếc giường hai tầng vọng xuống:
– Vậy ông thì sao? Vợ con đùm đề chằng thấy nhụt chí tý nào?
– Trung sĩ Biên nhảy xuống, giọng Quảng Nam vui tai:
– Nặng nợ vợ con, tui khoái đi hành quân hơn ở nhà, túi rỗng ở trong rừng đỡ vả hơn túi rỗng về thành phố.
Tôi chợt nghĩ tới các bà trong trại gia binh, tập trung nhốn nháo ở cổng tiểu đoàn trong những kỳ lương cuối tháng, mà vợ trung sĩ Biên là thủ lãnh. Họ cũng chia thành các trung đội, chia phiên trực gác, chận hậu đón lỏng, mà các ông không tài nào trốn thoát, trừ khi nạp đủ, đúng phần trách nhiệm cho gia đình, kể cả thực phẩm phụ trội và khẩu phần Quân tiếp vụ.
Tôi hỏi Biên:
– Anh em vô đủ chưa?
– Thằng Thông xin đi hồi sáng chưa về, tôi bảo lãnh cho nó.
– Chính vô chưa?
– Tui đây Đích thân.
– Chào đồng hương, Mạ có vô thăm không rứa?
– Dạ Mạ tui đi chi được.
Tôi cười xòa đi về phía cuối nhà ngủ, nơi có chiếc bàn làm việc của Thượng sĩ Đàng, Trung đội phó. Người Thượng sĩ trẻ tuổi đứng lên chào:
– Trung úy!
– Chào thượng sĩ, ông cố gắng giữ đủ quân số, tình hình này chưa biết sẽ đi lúc nào.
– Đủ hết Trung úy à, có lẽ chiều nay thằng Thông sẽ vào, Trung úy xin Đại đội cho bổ sung thêm mấy phụ xạ thủ, tôi muốn đưa thằng Kiều, thằng Sỹ lên Tiểu đội Khinh binh, tụi nó có khả năng.
– Để tôi hỏi xem, chưa thấy có tân binh về.
Tôi vẫn có thói quen la cà xuống phòng ngủ của quân nhân độc thân. Đó là một dãy nhà tôn dài, núp bóng dưới những tàn ngô đồng dim mát, ở đó tôi tìm đôi chút gần gũi trong những ngày quân về hậu cứ, sinh hoạt với họ giản dị như nhũng người bạn đường gian khổ, tôi thích gần gũi họ, chia xẻ với họ, hay là được họ chia xẻ với tôi khoảng trống vắng lạ lùng của những người lính độc thân xa nhà, đăm chiêu từng bóng nắng xuyên qua kẻ lá rải xuống mặt sân những đốm vàng lóng lánh.
Những đốm trắng tròn vo nhắc tôi nhớ đến ngày thơ ấu trong vườn nhà quê ngoại. Nơi đó, tôi một mình rong chơi quanh quẩn, không đủ khôn lớn để tự hỏi… Tại sao tôi mãi cứ một mình với Ngoại, với Dì. Những buổi tan trường về côi cút trong từng bóng nắng, chảy xuyên qua mái tranh những đốm tròn bạc cắc. Tôi muốn giữ nó mãi tròn xoe lóng lánh, âu yếm như đôi mắt nào tôi chưa từng có, bụm hai tay hứng từng giọt nắng nhẹ nhàng bỏ vào túi áo. Tôi biết, khi xòe tay ra thì mình chẳng có gì, nhưng túi áo sẽ đầy lên muôn vàn điều hoang tưởng. Những điều hoang tưởng theo tôi vào giấc ngủ, khi thì về một góc sân nào đó, tôi đong đưa đôi chân trần trên quang gánh của Mẹ, phiên chợ chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, miệng nhâm nhi khúc kẹo gừng thơm ngọt. Tôi vẫn mơ dù chưa biết mặt Mẹ bao giờ…
Tôi ký vội vào bảng điểm danh, trung đội chưa bao giờ đủ cấp số, kể cả tôi là hai mươi tám mống, vị chi còn thiếu chừng mươi người nữa theo đúng lý thuyết.
Thoáng thấy tôi, Thượng sĩ nhất Xá vội gọi:
– Trung úy! Đại úy mời về họp.
Tôi trở về văn phòng đại đội, các sĩ quan trung đội trưởng khác đang ngồi đăm chiêu, Đại úy Bôn, Đại đội trưởng đi lui đi tới:
– Chưa biết gì hơn, tất cả sẽ được phổ biến tại tiền trạm, bây giờ các anh cho chuẩn bị đầy đủ.
Tôi bỏ nhỏ:
– Đâu vậy Đại Úy?
– Tôi cũng chẳng biết gì hơn, bản đồ hành quân sẽ được phát tại tiền trạm.
Chúng tôi lại đoán già đoán non:
– Chắc tại Cam Bốt nữa rồi.
Kỳ này cho thằng On tìm lại cái răng vàng bị rơi ở Mỏ Vẹt.
On, Thiếu úy, cùng khóa với tôi nhỏm dậy:
– Tao làm cái khác rồi không chơi răng vàng nữa.
Trước mỗi bước đường gian nguy sắp tới, chúng tôi vẫn như thói quen, “trích đoạn” những hoạt cảnh vui nhộn nhất của từng cuộc hành quân cũ. Như viên thuốc ngọt ngào nuốt vội xuống cổ, bỏ qua những âu lo bất trắc.Dằn xuống tận đáy lòng nỗi bâng khuâng sâu kín, chỉ còn trên từng khuôn mặt rám nắng một nét cương nghị vội vàng khỏa lấp.Không ai bắt chúng tôi phải đùa vui như thế, không ai bắt chúng tôi phải tự dối nỗi buồn. Nhưng dòng nước đã chảy, chúng tôi đã trôi theo định mệnh thì tiếc gì mà không cười vang trên nguy khốn. Dù biết rằng khi trở lại, chắc gì giọng cười kia còn nguyên vẹn, nào biết ai đánh cuộc với mất còn.
Thôi, mấy anh chỉnh lại đồng hồ, bây giờ là 17 giờ 30. Lịnh tiểu đoàn tập họp lúc 21 giờ, trang bị đầy đủ như thường lệ.
Chúng tôi vội vã đứng dậy, chỉnh đồng hồ thật khớp nhau.Tôi chợt nghĩ đến Phượng. Thế là không thể gặp để từ giã, những điều cần nói với nhau chưa có dịp.Tôi vẫn miệt mài trên những bước quân hành xa tít, mà ngày về ngắn ngủi chưa rũ sạch bụi chinh y thì đã lên đường. Có một khoảng cách vô tận, mà đôi khi nắng chiều đã đổ dài chiếc bóng vẫn không với được tay nhau. Tôi lại lên đường không người đưa tiễn.
Rời văn phòng xuống lại Trung đội, tôi phổ biến lịnh tập họp rồi quay về phòng mình chuẩn bị hành trang. Cũng chẳng có gì để chuẩn bị, chiếc ba lô nhỏ vừa đủ hai bộ quần áo, còn phải chừa chỗ cho gạo sấy lương khô, một vài quyển sách – Sách, lần nào tôi cũng mang theo nhưng chẳng lần nào đọc được một chữ. Leo lên võng đã tối mịt một ngày, sáng thức dậy khi rừng còn sương sớm. Quyển sách duy nhất vừa đi có thể vừa đọc là tấm bản đồ hành quân với nét chì xanh đỏ, đọc cho đến thuộc lòng vẫn thấy lạ hoắc mỗi bước chân, nhìn cho ngút tầm bóng lá vẫn chưa qua được một lóng tay trên nét vẽ. Tôi nhét chiếc radio nhỏ xíu vào trong mớ bùi nhùi hỗn độn. Chợt nhìn thấy hình người ca sĩ phảng phất nối ruồi duyên của Phượng trên chiếc băng catsette mới mua, tôi gỡ bỏ ra bỏ vào ví. Thôi cũng được, có một bóng hình để ngắm lúc dừng quân, biết đâu cũng mát giọt mồ hôi trên lưng áo.
Đoàn quân im lìm trong bóng tối của chòm cao su ngả bóng, trăng thượng tuần treo lơ lửng một vành bán nguyệt, tôi chợt thấm thía hồn chinh phụ…
“Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao.
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi Cầu Vị ào ào gió thu…”
Một vài đốm thuốc lóe lên đâu đó, ngoài đường xe cộ qua lại thưa thớt, đêm đã về khuya. Sài Gòn ngủ muộn như một cô gái dậy thì, không biết có ai còn thao thức cho đêm từ biệt, những ngày Tết muộn còn tươi xác pháo trên nẻo đường phố thị, mà hình như khói pháo còn âm ỷ mắt cay cay. Chúng tôi quay lại nhìn sân cờ tiểu đoàn và quyến luyến tạm biệt, đoàn xe từ từ lăn bánh, bao nhiêu chàng Kinh Kha qua sông Dịch, mấy ai biết hẹn lấy ngày về.
Phi trường Tân Sơn Nhất rộn rịp từng đoàn quân xa xuôi ngược, tôi linh cảm một cuộc chuyển quân lớn đang khởi động. C130 lên xuống không ngớt, tiếng động cơ ầm ì ầm ì như bản quân hành hùng tráng, dọc theo phi đạo, trong ánh sáng lờ mờ từ các hăng ga tỏa ra, từng đơn vị nối đuôi nhau lên tàu. Tôi nhìn đồng hồ, 1 giờ 30 phút sáng, cảm giác quen thuộc của những lần máy bay take off ru tôi vào giấc ngủ chập chờn mộng mị, tên đã bắn, mũi tên khổng lồ mang chúng tôi về một phương trời nào giông bão. Giông bão triền miên mời gọi, hết Đông lại Đoài, xuôi Nam ngược Bắc, qua biết bao nhiêu miền đất nước, thấm thía nỗi hoang tàn của chiến tranh, có khi muốn mơ về một ngày yên bình trở lại cũng không biết phải khởi điểm giấc mơ từ nơi nào. Ở đâu cũng thấy lửa đạn, ở đâu cũng chỉ có chiến chinh, còn đâu những làng quê yên ả, còn đâu tiếng sao diều lúc nhặt lúc khoan, và còn đâu những dòng sông trôi hết thời thơ ấu.Tôi giở chiếc địa bàn nhìn về phía trước, tam giác dạ quang, lung linh hướng Bắc về phía mũi con tàu. Những người lính bình thản trong từng giấc chập chờn, đong đưa theo cánh bay dìu dặt, bên ngoài cửa sổ vài chòm sao xuôi về đuôi tàu chầm chậm. Tôi tự hỏi giữa muôn ngàn hư không đó, có vì sao nào của bà Tiên hiền dịu, có vì sao nào cho tôi chỉ một điều ước, để ngày thanh bình bất chợt nở rộ giữa thinh không. Tôi thiếp đi trong điều huyễn hoặc đó…
…Tiếng bánh xe chạm đất đánh thức tôi giữa cơn mộng mị, ngoài trời vẫn còn tối, thấp thoáng những đỉnh núi mờ mờ trong màn sương trắng đục. Tôi nhận ra nơi mình đến bỗng quen thuộc vô cùng. Ai có đi xa,khi trở về quê cũ, có thấy lâng lâng một mùi hương khó tả, có thấy quen quen một ngọn gió vô tình, có thấy bồi hồi từng khoảng trời bát ngát hồn quê. Tôi đang ở đó, nơi đã ra đi chưa dám hẹn ngày về, sân bay Phú Bài vẫn như cảnh cũ, có khác chăng cái rộn ràng bất chợt của đoàn quân ra trận. Xuống xe lên tàu và xuống tàu lên xe chúng tôi lại tiếp tục trực chỉ phương Bắc, đã ra đến đây rồi thì chỉ còn chiến trường giới tuyến, nơi địa đầu nghèo khó Trị Thiên quê tôi.
Xe qua Phú Lương Hương Thủy, qua Dạ Lê An Cựu, từng con đường trải một đời tôi nhung nhớ, ký ức bỗng hiện về những ngày tan trường áo trắng, dòng sông trôi trôi mãi những bâng khuâng… “Những buổi sáng mù sương hàng Phượng Vỹ. Dăm buổi chiều thơ thẩn bến đò ngang…” Vòm cây cũ, mái trường xưa cô tịch, nhịp cầu đong đưa từng vòng bánh xe xuôi về tả ngạn, bóng hoàng thành còn đâu đó bóng tôi, góc Nam đài trĩu xanh màu mận chín, trong bóng tối mơ hồ của đêm chờ sáng, tôi nhận ra bóng cây quen thuộc của gốc nhãn già trước ngõ, vườn ai kia đang thơm ngát hoa Quỳnh.
Huế quê tôi vẫn còn say giấc điệp; có biết bao đàn con hối hả lên đường giữ yên quê Mẹ, để Xuân về không còn những vành khăn tang vội vã, không còn áo em thơ nhuộm máu mẹ hiền, không còn súng bạo ngược luồn trong tiếng pháo. Mậu Thân ơi! Chưa nguôi nỗi kinh hoàng.
Quốc lộ 1 đưa chúng tôi xuôi về Quảng Trị, qua Gio Linh Đông Hà, rồi rẽ về quốc lộ 9 ngược lên Khe Sanh. Trên bản đồ hành quân đã được phổ biến tại sân bay Phú Bài, tôi lần dò từng vách núi cheo leo xơ xác, cảm tưởng về một cánh rừng đại ngàn Trường Sơn bỗng trở nên hụt hẫng. Còng queo những thân cây khô không lá, vươn lên trời khổ lụy như hình ảnh buổi cầu kinh của người Do Thái. Con đường hoang phế, ngoằn ngèo bên sườn núi, loang lỗ vết bom mìn, tôi vẫy tay chào người xạ thủ trên chiếc trực thăng võ trang hộ tống đoàn xe đang sà xuống, tiếng động cơ dội vào vách núi, hòa cùng tiếng gầm của những tràng đại bác bắn dọn đường từ căn cứ Ái Tử, khúc dạo đầu đã trổi lên thay hồi kèn xung trận. Chúng tôi được lịnh dừng quân bên đồn điền cà phê hoang phế; đó đây những gốc lão mai rực rỡ hoa vàng, vài xác nhà còn trơ tường vách lỗ chỗ vết đạn, Khe Sanh. Khe Sanh…Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Tưởng cũng nên nhắc lại chiến thuật hành quân mà đơn vị tôi thường áp dụng một thời gian dài trước đó trên quan điểm lùng và diệt địch, chủ động tấn công, hoặc dẫn dụ địch tấn công trên một chiến trường đã được chọn lựa sẵn, mỗi cuộc hành quân cấp Lữ Đoàn được phân tán nhỏ tận cấp Đại Đội độc lập tác chiến. Mỗi Tiểu đoàn được trực tiếp yểm trợ bằng một Pháo đội 105 ly bắn nhanh. Pháo đội đó đã được một Đại đội tác chiến và Đại đội chỉ huy công vụ của Tiểu đoàn bảo vệ trong một căn cứ hỏa lực dã chiến. Đôi khi Bộ chỉ huy Lữ Đoàn cũng trú đóng trong căn cứ hỏa lực. Mỗi căn cứ lại được yểm trợ bằng ít nhất hai hoặc ba căn cứ tương tự trực thuộc Lữ Đoàn, trong tầm tác xạ của Pháo binh 105 ly, và thường thường có tăng cường một Trung đội Pháo binh Quân đoàn gồm hai khẩu đội 155 ly nòng bạc. Chưa kể hỏa lực yểm trợ của Không quân, Không pháo Ara, Trực thăng võ trang.
Những căn cứ hỏa lực này được cắm sâu vào đất địch bằng trực thăng vận, và đứng vững bằng sự hữu hiệu của các Đại đội chiến đấu, và tốc độ tác xạ nhanh chóng, chính xác, của các Pháo đội Pháo Binh Nhảy Dù, hơn là bằng sự vững chắc của các công sự chiến đấu được thiết lập bằng vật liệu nhẹ. Từ đó các Đại đội được tung ra lùng sục, đôi khi xuất phát từ căn cứ, hoặc bằng trực thăng vận đổ sâu vào các vùng tình nghi có căn cứ của địch, trong thế liên hoàn sẵn sàng cứu ứng lẫn nhau nếu gặp lực lượng mạnh của đối phương.
Trong ba năm 68, 69, 70, chiến thuật này đã đạt được những chiến thắng rực rỡ qua các cuộc hành quân Toàn Thắng ở vùng III chiến thuật với Tây Ninh, Bình Long Phước Long, các địa danh lừng vang chiến tích như Tân Phước, Bến Cồ Nổi thuộc tỉnh Tây Ninh, nơi Tiểu đoàn chúng tôi một mình một ngựa đánh tan cuộc tấn công dữ dội của hai Trung đoàn chủ lực thuộc Công trường 9 chính quy Bắc Việt. Căn cứ Diana Tam giác sắt, Bến cát xóa sổ Tiểu đoàn K15 Trung đoàn Đồng Nai chủ lực miền. Rồi Lưỡi câu Mỏ vẹt, Choup, Snoul. Damber sâu trong đất Chùa Tháp, căn cứ đầu não Trung ương cục, địch bỏ của chạy lấy người để lại vô vàn chiến cụ, súng ống, đạn dược, thuốc men, y cụ mà chúng tôi phải phá hủy tại chỗ. Phải chi họ đừng dùng đống tài sản khổng lồ đó mà phát động cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam, để nổ lực xây dựng, kiến thiết Miền Bắc thì máu xương dân Việt hai miền có đâu thành núi xương sông máu.
Chủ quan trên những chiến tích đó, Bộ chỉ huy tối cao bê nguyên bài bản, ném chúng tôi vào mặt trận Hạ Lào, nơi có sự tương quan binh lực khác hẳn cũng như tương quan hỏa lực đột biến có lợi cho đối phương. Nơi đó, hình như đối phương và đồng minh đã chọn lựa sẵn để vô hiệu hóa từng bước sức đề kháng của Quân đội và nhân dân Miền Nam. Bước đầu tiên là tiêu hao sinh lực các đơn vị thiện chiến nhất, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Sư Đoàn TQLC, Sư Đoàn ND, các Liên Đoàn 1 và 3 BĐQ, Lữ Đoàn 1 Thiết Giáp. Các bạn ơi! Dù đã được điểm danh, chúng ta vẫn sẵn sàng vào trận “Nhất tướng công thành vạn cốt khô.” Huống chi chúng ta có nhiều tướng công không thành?
Mặt trận ngoại vi
Sau những trì hoãn lộ liễu, cuộc đổ quân lại được ồn ào thực hiện, dù chỉ mấy tháng trong quân trường thời chiến, đào tạo vội vã để được cung cấp cho nhu cầu chiến trường. Chúng tôi cũng đã học trọn vẹn những bài bản chiến thuật cơ bản, rồi những sách vở đọc qua thời đi học cũng giúp chúng tôi ý thức được giá trị của yếu tố bí mật, bất ngờ trong hành quân tác chiến. Rầm rộ tập trung quân một thời gian quá dài ở Khe Sanh, ồn ào những chuyến trực thăng thám sát lên xuống, qua lại biên giới, khôi phục phi đạo cho C130 chở đồ tiếp liệu, tất cả đó có khác nào gởi cho địch một thông điệp với đầy đủ chi tiết ý đồ điều quân, tọa độ bãi đáp, mục tiêu tấn công… Lại còn nhắn thêm:
… “các ông tập trung quân đủ chưa để tôi đổ lính tôi vào…”
Tôi đi với tiểu đội Khinh Binh của Trung sĩ nhất Biên trên chiếc trực thăng đầu tiên bốc lên khỏi đỉnh đồi. Trong mục tiêu và nhiệm vụ được giao phó cho Đại đội, Trung đội tôi là mũi đột phá chính, đổ quân ngay trên mục tiêu lập đầu cầu, mở rộng vòng đai an toàn cho các đơn vị kế tiếp đổ bộ. Đoàn không vận là là trên những ngọn cây, quanh co theo triền núi hiểm trở, băng thác vượt ngàn, rồi vụt bốc cao qua đỉnh núi. Chúng tôi đổ xuống một ngọn đồi vô danh, hoang vắng.Trên bản đồ ghi ký hiệu “31”.
Được lịnh của đại đội, chúng tôi nhanh chóng chiếm lĩnh cao điểm Đông Bắc của đồi “31” làm tiền đồn, đồng thời làm nút chặn phía Bắc, bảo vệ cho bãi đáp trực thăng trên yên ngựa thấp, nằm giữa hai ngọn đồi, tất cả diễn ra êm thắm không một tiếng súng. Chúng tôi biết, sự im lặng trước cơn bão không có nghĩa là cơn bão đã tan, chúng tôi sẵn sàng chờ đợi, bất chấp cường độ hung bạo của cơn bão sẽ đến. Chỉ định Hạ sĩ nhất Muôn chỉ huy toán tiền đồn gồm 6 người, và tăng cường một khẩu đại liên M60, tôi rút Trung đội về cứ điểm chính. Lại công việc quen thuộc, đào hầm hố, củng cố công sự, tổ chức phòng thủ trong tuyến chiến đấu được giao, Cuộc đổ quân vẫn đang tiếp diễn, những chiếc Chinook lặc lè đạn pháo, và những khẩu pháo 105 ly cũng đã đến cùng các pháo thủ thuộc Pháo đội B3, người bạn đường chung thủy của chúng tôi.
Trong máy truyền tin PRC25 tôi nghe Trung đội một của Bé cũng đã tiến chiếm ngọn đồi phía nam, và đang lục soát sâu xuống chân đồi, thở phào nhẹ nhõm, Đại đội đã đặt chân lên các mục tiêu trong ngày khi trời vừa đứng bóng và lại đối diện với một khó khăn khác trên ngọn đồi trọc lóc không một bóng cây.
Thông thường, chúng tôi xử dụng cây rừng để làm công sự; trong những cánh rừng vùng III hoặc vùng II, điều đó không thành vấn đề, nhưng ở đây, chỉ toàn cỏ tranh muốn có một gốc cây đủ kích thước quả là một điều khó khăn, những người lính phải lội xuống chân đồi, trong điều kiện mơ hồ về tình hình địch, vừa phải tổ chức mở rộng vòng an toàn, vừa cưa cây chuyển lên đỉnh đồi, nên công việc tiến triển rất chậm, mãi cho đến ngày hôm sau mới tạm ổn những hầm cá nhân chiến đấu, chúng tôi còn phải thực hiện giao thông hào vòng quanh cứ điểm.
Ngọn đồi thật đẹp trong nắng sớm, nó được chọn lựa đúng bài bản chiến thuật, nằm trên một độ cao khống chế toàn vùng trong vòng bán kính 10km, xa xa trong nắng sớm chúng tôi nhìn thấy một cao điểm khác cũng đang rộn rịp trực thăng lên xuống, trên bản đồ ghi ký hiệu 32.
Những ngày yên tĩnh giả tạo chấm dứt khi chiếc trực thăng đầu tiên của N+ vừa đáp xuống, cũng là lúc những trái 82 ly nổ quanh quẩn dưới chân đồi. Họ vẫn thế, vẫn bài bản cũ, lồng trong tiếng động cơ trực thăng, những tiếng nổ đầu nòng của súng cối trở nên khó xác định; thật thế, trên mục tiêu bị pháo kích, chúng tôi rất khó nhận ra hướng địch đặt súng, cũng như rất khó ước lượng khoảng cách, khi mọi tiếng động quyện lấy nhau, hòa tan trong nhau rồi dội vào vách núi, nổ bùng ra trong bụi, cát. Tiếng máy bay phành phạch phành phạch, tiếng nổ của đạn pháo trên mục tiêu, tiếng pháo binh phản ứng cấp thời trên những tọa độ tình nghi trong khi chờ đợi xác định đúng vị trí địch.
Và họ cũng không bao giờ biết vì sao chỉ cần sau trái đạn thứ ba bắn đi, là vị trí của họ đã được tính chính xác trên yếu tố tác xạ của các Pháo độ Pháo binh 105 ly của chúng tôi. Vâng! chính xác từng một phần mười ô vuông trên bản đồ để phản pháo nhanh chóng, hiệu quả. Phần việc này của ba Đại đội khác đang quanh quẩn bên ngoài căn cứ, không xa, ngay khi súng cối địch khai hỏa, các Đại đội trưởng phải nhanh chóng báo cáo về bộ chỉ huy Tiểu đoàn hướng đặt súng, ước lượng khoảng cách, đồng thời các Sĩ quan Pháo binh tiền sát cũng trực tiếp gởi cho các Pháo đội số liệu tương tự. (Mỗi Đại đội luôn luôn có một tổ tiền sát viên Pháo binh do Tiểu đoàn Pháo binh tăng phái). Tổng hợp và phân tích các số liệu đó thành các yếu tố phản pháo là công việc quen thuộc của các Pháo đội. Chúng tôi kính phục tinh thần chiến đấu gan dạ của các chiến sĩ pháo binh, dù đạn pháo địch có nổ dồn trên cứ điểm, các anh vẫn vững vàng trong đội hình tác xạ, chính xác từng vòng xoay hướng địch, nhanh chóng tung những viên đạn rời nòng lao về phía địch, dội bão lửa xuống vị trí chúng, khóa mõm chúng trong thời gian ngắn nhất. Và không ít lần, đồng đội các anh đã ngã xuống ngay bên chân súng. Người nọ nối tiếp người kia, nòng súng vẫn vươn cao gầm thét, như hồi trống quân hành giục dã. Trong tấn công, hỏa lực của các anh là mũi xung kích quan trọng, ghìm đầu giặc xuống cho chúng tôi lao lên, năm mươi mét một, từng loạt đạn chuyển lằn chính xác là tấm lá chắn vững vàng cho các chiến sĩ Khinh binh nương theo chớp lửa hò reo xung trận, để khi giặc chưa kịp hoàn hồn sau những loạt pháo, nòng súng đen tuyền nước thép đã chĩa thẳng vào mặt chúng, vô hiệu hóa từng ổ đề kháng, từng căn hầm vững chắc núp bóng dưới cây rừng. Trong phòng thủ, các tuyến tiên liệu pháo binh đã tỏ ra vô cùng hữu hiệu trong việc bẻ gãy các đợt xung phong biển người của địch, chặn chúng lại dưới những hàng rào lửa, không cho chúng có đủ thời gian chỉnh đốn hàng ngũ, đã phải vội vã tháo chạy trước các đợt tấn kích phản xung phong được tung ra đúng lúc.
Theo hướng phản pháo, chúng tôi phán đoán địch đặt súng dưới chân dãy đồi thấp phía Tây Nam căn cứ, họ cũng không bắn được bao nhiêu phát đạn đã vội im tiếng, không một trái nào rơi gần chính xác, phần lớn mất hút vu vơ dưới thung lũng. Điều chúng tôi bâng khuâng là xen giữa những trái đạn nổ sát thương là những trái đạn khói. Tôi biết họ đang hiệu chỉnh tác xạ, việc này họ chưa bao giờ làm trước đó.
Ngay khi đợt phản pháo cuối cùng chấm dứt, chúng tôi được lịnh bàn giao vị trí cho Đại đội 30 trám tuyến trong khi chờ Đại đội 31 rút về thay thế và rời căn cứ tiến về hướng Tây, nơi một dãy đồi thấp chạy dài yên ngựa, được xác định là vị trí pháo của địch. Chúng tôi có 45 phút để chuẩn bị cơm nước, tăng cường cấp số hỏa lực và nhận thêm Tân binh đã được đưa về Tiểu đoàn vài ngày trước đó.
Muôn dẫn toán tiền đồn trở về, anh ngồi xuống bên cạnh tôi và Thượng sĩ Đàng.
– Trung úy cho tụi tôi giữ luôn cây M60! Tôi thấy tụi nó muốn chơi lớn rồi đó.
– Ai mang?
– Tôi.
Thượng sĩ Đàng phân vân:
– Thiếu M79 cũng ngại lắm, chú mày đâu có mang nổi hai em!
Muôn nhìn tôi do dự, hiểu ý anh tôi nói:
– Thôi được, tôi sẽ mang cây M79 của Muôn, tôi cũng muốn thay đổi không khí.
Trải tấm bản đồ xuống đất, tôi chỉ cho các Tiểu đội trưởng các mục tiêu đã được đánh dấu, mục tiêu số 1 là một cụm rừng thưa trải dài theo đường thông thủy từ Bắc xuống Nam, địa thế quan sát từ trên cao điểm 31 nhìn xuống bị những ngọn đồi cuộn sóng cỏ tranh che khuất; nếu chạm địch ở mục tiêu này, chúng tôi rất khó nhận sự yểm trợ chính xác của Pháo binh vì tầm đạn lớn, lại bắt buộc phải bắn qua đầu khi tác xạ từ đồi 31. Mục tiêu số 2 không có gì lo ngại, nó nằm ngay trên ngọn đồi trọc rất dễ định vị trên bản đồ, và địch cũng không dại gì ém quân ở đó để làm mồi cho phi pháo. Từ mục tiêu số 2, chúng tôi phải tiến qua một yên ngựa hẹp và hiểm trở, trên bản đồ, những vòng cao độ chen sát vào nhau chạy dài như một ngọn lao, hay đúng hơn, như một mũi tên lao thẳng vào đồi 31, qua khỏi yên ngựa đó là mục tiêu số 3, dãy núi lấm tấm cỏ tranh, và một vài vệt xanh xám của rừng.
Trao đổi ngắn với Tiểu đội Khinh binh, chúng tôi quyết định tăng cường cho Trung sĩ Biên bốn chiến sĩ từ hai tiểu đội hỏa lực để Biên có đủ quân số chia làm hai bán tiểu đội khả dĩ có thể yểm trợ được cho nhau theo đội hình cuốn chiếu. Hạ sĩ nhất Chính, chỉ huy bán tiểu đội số hai. Như vậy tất cả sinh lực của trung đội đã dồn lên phía trước, chúng tôi hoàn toàn an tâm để Thượng sĩ Đàng chỉ huy đoạn hậu, gồm hai tiểu đội hỏa lực còn lại, tôi theo Muôn ở bán Tiểu đội Khinh binh thứ nhứt, Biên và Chính ở tiểu đội Khinh binh số hai. Phi, Hạ sĩ truyền tin tình nguyện mang thêm hai trái M72 kẹp bên hông máy, dù anh biết sẽ rất vướng víu khi phải theo sát tôi trong tất cả mọi tình thế. Kiểm soát một lần nữa các vệt lân tinh kẻ trên nón sắt và trên dải ba lô của tất cả chiến sĩ, tôi gởi cho Muôn thủ hiệu xuất phát khi cụm mây chiều bất chợt sà xuống, mang theo cái lạnh gờn gợn của núi rừng.
Toàn Đại đội đã rời khỏi căn cứ trong bóng tối nhòe nhoẹt của rừng đêm đất lạ, tôi theo sát Muôn để giữ đúng hướng trên địa bàn, trước mặt anh là Binh nhất Thông và Hạ sĩ Chí đang ghìm chắc tay súng, vệt lân tinh người trước dẫn lối người sau, tiếng sôi nhè nhẹ của máy truyền tin như nối nhịp thở cho đoàn quan ra trận, nối mạch sống người nơi tiền tuyến, đến mơ ước yên lành ở hậu phương xa rời bạc bẽo. Phi dúi vào tay tôi ống liên hợp của máy truyền tin.
– Hai (trung đội) nghe! Tôi trả lời nhè nhẹ đón lịnh của đại đội.
– Nhanh thêm một chút, Hai phải mời Thanh Lan The Last Tango.
– Hai nhận! Đích thân.
Lệnh, chúng tôi phải thi hành, nhưng 2 cây số đường rừng trong bóng tối, vẫn giữ đúng đội hình tác chiến, vừa giữ chính xác tọa độ đơn vị trên một địa thế vô cùng hiểm trở, chỉ cần người khinh binh số một lêch bước chân một độ trên la bàn, là cả đơn vị lệch xa mục tiêu hàng trăm mét, sai số này không bao giờ được phép xảy ra trên chiến trường, nếu không muốn nhận những hậu quả khốc liệt từ các hỏa lực yểm trợ. Tôi nói với Muôn không cần mở đường như thường lệ, len lách thật nhanh trong lau sậy tiến về phía trước, ưu tiên giữ đúng hướng, giữ liên lạc hàng ngang với Trung đội 1 bên phải và Trung đội 3 bên trái, hai Trung đội này đang tiến rất chậm, vì họ phải mở rộng đội hình xuống hai triền núi chông chênh, bảo vệ cạnh sườn đơn vị. Muôn quàng dây đạn qua vai, xốc lại cây M60 nhìn xuống la bàn rồi băng lên phía trước, Thông và Nam ghìm súng theo sau, tôi quay lại nhìn đỉnh đồi 31 mờ mờ in trên một vòm trời đen hình hổ phục, đối chiếu hướng trên bản đồ và tọa độ những trái pháo dọn đường, chúng tôi đang ở cách căn cứ một ô vuông rưỡi Tây Nam, hỏi lại Một và Ba có nhìn thấy chúng tôi? On và Bé cho biết, đang theo sát. Chúng tôi đã lên đến đỉnh đồi, dưới kia là mục tiêu số 1, rặng cây dài im lìm trong bóng tối. Tôi báo cho Đại đội “Đã nhìn thấy Thanh Lan.”
Thanh Lan! Nốt ruồi duyên sao giờ đây gai góc và bóng tối, tên mục tiêu được đặt một cách tình cờ với tấm hình trong ví, đang bay theo làn sóng vô tuyến, đang nhấp nháy trên bản đồ của các trung tâm hành quân lớn, nhỏ… Tiểu đoàn … Lữ đoàn… Sư đoàn… Quân đoàn… và cao hơn thế, bao nhiêu ánh mắt đang chờ đợi các chiến sĩ Khinh binh bắt tay người ca sĩ khi bản tango cuối cùng dồn lên nhạc điệu… Nghĩa là chúng tôi phải vào mục tiêu trước 12 giờ đêm, dù chạm địch hay không chạm địch… Và có khi, những bản tình ca ngọt ngào nàng đã hát cũng mang theo ít nhiều may mắn cho người ái mộ. Trung đội đã không chạm địch trong phiên trực chiến số một của mình.
Chúng tôi dừng quân trên mục tiêu, sau khi gởi hai toán tiền đồn trong phạm vi trách nhiệm, nhắc Thượng sĩ Đàng tổ chức và kiểm soát tuyến phòng thủ, mắc vội chiếc võng giữa hai nhánh cây rừng, quấn chiếc poncho tìm chút hơi ấm, tôi chợt thèm một hơi thuốc cay nồng, vài trái hỏa châu rơi chầm chậm xa xa, ánh sáng yếu ớt xuyên qua kẽ lá, mong manh những hạnh phúc không thật và vô vàn điều khốn quẩn vây quanh.
Sáng hôm sau đơn vị lại lên đường, tận dụng tối đa yếu tố bất ngờ chiến thuật, năm giờ sáng, Đại đội đã gởi được toán xung kích đầu tiên lên mục tiêu số 2, đầu cầu đã được lập, Tiểu đội Khinh binh của Trung đội ba tiếp cận mục tiêu êm thắm, Trung đội tôi hết phiên trực, lệch qua cánh trái để Trung đội ba của On làm nổ lực chính. Biên và Muôn dẫn đầu bán tiểu đội Khinh binh số hai chếch xuống triền đồi, hội quân ở số hai nhắm hướng số ba xuất phát, chúng tôi vẫn chông chênh bên triền núi cách trục chính chừng năm mươi mét, khoảng cách đủ tầm quan sát trên địa thế hẹp và rậm rạp cỏ tranh, sim rừng.
Và… Ầmmmm… toctoctoc… toctoctoc… toctoctoc
Ngay trên nếp gấp khúc của địa hình, chúng tôi chạm địch ở hướng chính, loạt đạn đầu tiên của họ là một sự phối hợp nhịp nhàng của B40 và AK47, sau đó là âm thanh ồm ồm của trọng liên, trên máy tôi nghe On báo cáo đã có thương vong. Biên và Chính vẫy tôi từ sau một ụ mối, khom người chạy lên theo hướng tay của Chính tôi thấy cụm hỏa lực của họ, khẩu 12ly8 đặt ngay ngã ba của hai dãy đồi gặp nhau khống chế trọn vẹn hướng tiến quân của chúng tôi trên yên ngựa hẹp. Trung đội ba hứng toàn bộ áp lực đó và rất khó xoay sở. Tôi báo lên đại đội vị trí của chúng tôi, tình hình địch, nhận định và đề nghị của mình về trận thế. Họ chưa phát hiện chúng tôi ở bên cánh trái, không có lằn đạn nào quạt xuống sườn đồi, toàn bộ hỏa lực của một chốt mạnh, bắn xối xả dọc theo lườn xâu táo và sườn phải, nơi Trung đội một và ba cũng đang bắn trả dữ dội, tôi ra thủ hiệu cho toàn trung đội nằm im bất động, tránh sự phát hiện của địch. Quá gần để xin sự yểm trợ của phi pháo, và cũng không thể rút lui để dãn khoảng cách, khi mà các chiến sĩ khinh binh của trung đội ba đang nằm trọn trong tầm khống chế của hỏa lực đối phương. Đại đội trưởng quyết định chuyển hướng tấn công chính qua trung đội tôi, hai trung đội còn lại tung hết hỏa lực, thu hút sự chú ý của địch.
Trao đổi chớp nhoáng với Biên, Chính, Muôn và Thượng sĩ Đàng, chúng tôi đồng loạt khai hỏa tám trái hỏa tiễn M72 và cắp súng lao lên. Muôn dũng mãnh như một con hổ dữ, cây M60 trên tay anh đẩy dồn địch vào thế bất ngờ hoảng hốt sau một chum tiếng nổ uy hiếp của M72, địch quay ngoắt nòng 12ly8 sang trái kết hợp với cây RPD cố gắng kháng cự, chúng tôi lại gặp hên, có lẽ họ không tiên liệu được trên sườn dốc dựng đứng lại có một cánh quân đang hành tiến một cách kín đáo, họ đã để trống hỏa lực, và có lẽ các xạ thủ này quen bắn máy bay hơn là đối kháng với bộ binh, nên đến khi Muôn xông lên gần tới, nòng 12ly8 quay vội vàng, lại phải chúc mũi bắn xuống, không đạt được hiệu quả tác xạ. Họ cũng can đảm không kém khi phải đứng lên trước làn đạn điêu luyện của Muôn và tốc đô xung phong dũng mãnh của các chiến sĩ khinh binh với sự dẫn dắt của Biên, Chính, Thông, Chí. Cây trung liên nồi RPD cũng lâm vào tình thế tương tự. Họ không còn cơ hội để sửa chữa sai lầm tai hại đó. M60 trên tay Muôn đốn gục tổ xạ thủ, trọng liên của địch, cùng lúc Chính thẩy chính xác một trái lựu đạn M67 vào ngay ổ RPD, cơ phận địch sống sót nhốn nháo rút lui gặp ngay sự truy kích của Trung đội ba đang “thừa thắng xông lên”, chốt đã bị bứng gọn, Trung đội ba lại được dương về phía trước áng ngữ mặt tiền trận địa và chúng tôi tổ chức phòng thủ tạm thời, để phòng địch phản kích để tải thương và chuyển chiến lợi phẩm về căn cứ.
Không có chiến thắng nào lại không đổi bằng máu xương người lính, và vòng nguyệt quế nào lại không man mác chia ly, Biên bế Chí trên tay ràn rụa nước mắt, máu anh thấm đẫm áo hai người, Chí ngã xuống khi đang cùng với Thông cố chiêu hàng người lính địch bị thương; anh ta ôm ghì khẩu AK trong hầm chiến đấu, Chí chĩa súng thủ thế và ra lệnh:
– Bỏ súng xuống, tôi sẽ đưa anh lên băng bó!
Đáp lại vòng tay đầy tình người của Chí là một băng đạn AK hất ngược anh trở lại. Chí chết khi hai mắt vẫn còn mở lớn. Nếu muốn giết anh ta trong cơn thất thế, Chí đã làm việc đó dễ dàng, hà cớ gì lại phải phơi người trước mũi súng, Chí ơi, Chí làm sao hiểu được tại sao những chiến binh bên kia lại nhiều quá căm thù?
Với Chí, khi chiến địa đã im tiếng súng, thì chúng tôi không còn có kẻ thù, kể cả tù hàng binh của địch. Việc gì chúng tôi phải căm thù những người lính bên kia? Họ cũng như chúng tôi, tai trời ách nước. Tổ quốc không phải mới phân ly lần thứ nhứt, người Việt xấu số không chỉ mới một lần cầm vũ khí chống lại nhau, cầm bằng cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, cũng chẳng có bài học nào của lịch sử dạy chúng tôi phải căm thù quân Nguyễn hay quân Trịnh và cũng chẳng ai dạy hay bắt buộc chúng tôi phải học căm thù khi ra trận. Không hơn không kém, họ chỉ đơn giản là kẻ địch và chỉ là kẻ địch khi cầm súng đối kháng, còn khi họ đã là tù hàng binh, họ cũng chỉ là thanh niên Việt Nam thời chiến, một học sinh Hà Nội phải rời ghế nhà trường, một nông dân Nam Định phải giã từ ruộng lúa…không gặp gỡ, không quen biết bao giờ thì tại sao lại phải thù hằn khi cùng chung nòi giống?
Tôi buồn bã nhìn đống chiến lợi phẩm, Biên thẩy xuống trước mặt tôi cây 12ly8 bên cạnh khẩu súng cối 82 và RPD, B40…ánh mắt anh thoáng nhiều trách móc, Chí là em kết nghĩa của Biên, đã nhiều lần Biên nói với tôi để Chí đoạn hậu, hay thử M60 cũng được, hai anh em tôi một đứa khinh binh được rồi, tôi lại rất ngại phải xáo trộn đội hình khi phải đưa người này lên đưa người kia xuống, đã đành không phải ở Tiểu đôi hỏa lực là an toàn hơn ở Tiểu đội Khinh Binh, tỷ lệ thương vong ở hai vị trí này khi lâm trận là một chin một mười, có khi địch tập trung hỏa lực khống chế cây M60 nếu họ phát hiện, thì cũng gian nguy không kém; và hai Tiểu đội hỏa lực cũng phải xung phong theo đội hình Trung đội khi tấn công, chứ không phải chỉ thuần túy yểm trợ. Tấm lòng người anh của Biên muốn thu xếp cho người em một chỗ ít nguy hiểm hơn mình đã không được toại nguyện. Chí đã vĩnh viễn ra đi, sự hi sinh của anh khắng định tính cách của người lính bên này chiến tuyến. Chúng tôi chiến đấu không hận thù và cuộc chiến đấu của chúng tôi mang đầy nhân tính.
(Còn tiếp p2, p3)
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi, đã viết từ 1998 trong cuốn “hạ sĩ Khinh binh”
Xin được kính chào nhà văn Phan Hội Yên. Qua quá nhiều năm tháng dài đằng đẳng mà còn “ký ức hoá” được nhiều và chi tiết đến vậy rồi giờ đây dàn trãi thành truyện như thế này — dù chỉ là truyện — cũng đã là không những quá giỏi mà còn là quá “siêu” vì vừa phải tác chiến trong một tình huống vô cùng nhiêu khê và rất ư là dầu sôi lửa bỏng đến không kịp nghĩ gì khác ngoài việc làm sao để sống còn, sống còn trong danh dự và trách nhiệm, như thế mà còn tâm hồn và trí tuệ để thao tác, hay cụ thể hơn là thu thập, gói ghém, khái quát hoá… việc “ký ức hoá” đó để dùng cho sau này (tức là bây giờ) những diễn biến chiến trường kiểu như “đường ra trận mùa này đẹp lắm…” thì quả thực đúng là “Huế”, nơi sản sinh ra biết bao nhiêu là nhân tài tầm cỡ, khỏi cần trưng dẫn đích danh một ai… Đó cũng là một sự lựa chọn đầy “thể hiện tính” theo “phong cách Obama”.
Đến giờ, vì nhu cầu thông tin và sự minh bạch tối thiểu và cơ bản nhất, cũng như vì tính cách giá trị lịch sử nói chung và quân sử nói riêng, cái mà tôi quan tâm và muốn biết nhất là trong trận đồi 31, sự hy sinh cao cả của cố Đại úy Nguyễn văn Đương đích xác là như thế nào? Ông ta có tự kết liễu đời mình như “sách vở” đã ghi hay “tương tryền là như thế”, hoặc chỉ thuần túy là do trúng đạn địch quá nặng mà không di tản kịp, việc băng bó hay chửa trị tại chỗ là không khả thi, hay không công hiệu, trớt quớt…
Không rõ là lúc ông ta chết, nhà văn có mặt ở ngay hay gần đó hay không? Tôi hỏi như thế là vì nghe đâu là đơn vị nhảy dù bảo vệ Bộ Chỉ huy Lữ đoàn III và pháo đội của cố Đại úy Nguyễn văn Đương tại đềi 31, tức đơn vị mà trong đó có nhà văn và cánh quân của nó đã được lệnh rút đi trước đó.
Rồi giả dụ nhà văn sẽ trả lời tôi câu hỏi này một cách ngã ngũ, ai sẽ là một “nguồn” khả tín để phối kiểm những gì nhà văn cho hay? Cũng như trong trường hợp nếu nhà văn không trả lời được, thì tôi nên đi hỏi ai, theo nhà văn.
Rất cám ơn.
Tôi đã đọc được câu hỏi của ông quá trễ ,nếu sớm hơn thì tôi có thể chuyển câu hỏi của ông đến ông Đại tá Nguyễn văn Thọ ,nhưng nầy ông ấy đã mất rồi .
Một trong hai giả thuyết mà ông nếu ra thì tôi nghĩ rằng ông Đương chết bởi bị pháo vì tất cả những khẩu phạo trên đã không còn khiển dụng được
Cám ơn nhiều về nhã ý và sự hóm hỉnh mà theo tôi quả là “thâm thuý” của bạn. Rất tiếc là tôi cám ơn hơi bị muộn do đến hôm nay tôi mới đọc được lời bình này của bạn.
QUÁ KHỨ RỒI QUA
Núi đồi xanh ngắt một màu
Ai hay từng đã chiến trường ngày xưa
Đạn bom trút xuống như mưa
Tiếng người ngã xuống tiếng người xung phong
Máu tươi đã chảy thành dòng
Tiếng than ai oán xé lòng ai hay
Mạng người như bụi mưa bay
Mong manh tựa chút gió lay lá rừng
Tương lai toàn thấy mịt mùng
Một đi không lại tương phùng nào đây
Mẹ cha mong đợi từng ngày
Vợ con thấp thỏm ai hay nỗi niềm
Còn kia quang cảnh ai tin
Xác người rơi rụng im lìm xót xa
Lưỡi lê súng chớp sáng lòa
Nào ai may mắn khi ra trận tiền
Sống như hạt gạo hữu duyên
Trên sàng còn chết triệu lần hay chưa
Nên thôi nói mấy cho vừa
Bởi vào chinh chiến con người cuồng điên
Qua xong mới thấy nhãn tiền
Rừng cây lại mọc xương khô chẳng còn
Cho dầu đầy ngực huân chương
Cho dầu lạnh lẽo nấm mồ cỏ xanh
Nên chi như thế cũng đành
Vốn đều định mệnh để người chịu thôi
Vinh quang cũng phải bồi hồi
Cuộc đời may rủi của người thế gian
Hay chi những thói phũ phàng
Tranh nhau chút sống mới càng đau thương
Khiến cho lịch sử chán chường
Lòng người ngao ngán vấn vương vạn đời
Chiến tranh đầy rẫy chuyện tồi
Với nhiều uẩn khúc trên đời khác chi
Máu xương sự nghiệp làm gì
Cũng đều nhất tướng công thành vậy thôi
MÂY NGÀN
(18/6/16)