Một mẩu chuyện về Đồi 31 (p2)
Phan Hội Yên
Sau khi tái tiếp tế đạn được thu dọn xong chiến trường khoảng 10 giờ sáng hôm đó, ngọn đồi trước mặt đang mù tung bụi cát dưới hàng loạt đạn pháo 105 được bắn đi từ căn cứ 31. Mục tiêu số 2 vẫn đang là một thách thức bí ẩn.
(Tiếp theo p1)
Đại đội cho biết, thằng 32 “Hông Thiếp”, đang tiếp cận phía sau và sẵn sàng tăng viện khi chúng tôi hỏi thăm Thái Thanh, mục tiêu số 3. Ý thức được tầm quan trọng của tình hình, cũng như dự đoán chắc chắn, sẽ gặp lực lượng mạnh của địch, Đại đội yêu cầu bốn phi tuần phản lực oanh tạc mục tiêu trước khi tiếp cận, cũng như phải được cover Cobra trên lộ trình. Tiếc thay! Những yêu cầu hợp lý đó đã không được thỏa mãn. Từ Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, Sĩ quan hành quân “Hồng Vân” cho biết “họ” khước từ yểm trợ với lý do mục tiêu bị sương mù che phủ. Sương mù che phủ? Tôi nhìn lên bầu trời trong vắt không một bóng mây, lòng phân vân những điều không dám nghĩ tới.
Cuối cùng thì cũng phải lên đường theo quân lệnh và cũng được cover bằng hai chiếc trực thăng võ trang VNAF, cám ơn các bạn, dù sao chúng ta cũng cùng chung chiến tuyến, cùng chung một mục đích để chiến đấu, đó là sự yên vui của quê nhà, khi lòng nhân hậu của con người chưa thui chột giữa can qua.
Từ điểm chạm địch buổi sáng nhìn đến số 3 khoảng ba trăm mét ngắn ngủi, bằng mắt thường, ngọn đồi nằm im ắng trong nắng sớm phất phơ từng chòm lau trắng bạc, quả thật, không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ đang chờ chúng tôi ở đó. Chiếc OV10 nghiêng ngó lòng vòng trên độ cao an toàn, không thấy gì, bắn hú họa một tràng đại liên rồi dông thẳng. Tiếng người Sĩ quan sát Việt Nam trên máy bay thoáng chút phẫn uất ở tần số Đại đội:
– Nó bay cao quá, tôi không thấy gì được cả, xin các bạn cẩn thận, không thấy hầm hồ gì… nhưng có nhiều đường mòn mỏi rạp cỏ tranh lưng chừng đồi hướng đối diện các bạn. Chúc may mắn! Hết.
Trước một kẻ địch mà kỹ thuật ngụy trang là tiêu chuẩn số một trên quan điểm chiến thuật của họ, thì việc truy tìm vị tí từ những phi vụ quan sát chiếu lệ trên loại máy bay trinh sát võ trang OV10 quả là điều khó khăn, huống chi lại bay quá cao, quá nhanh như ông bạn đồng minh vừa rồi thì hết biết. Các quan sát viên, dù được huấn luyện đầy, dày dạn trận mạc, khi tăng phái cho đồng minh trong những điều kiện như thế, cũng không giúp gì hơn cho đồng đội.
Đợt pháo kích theo lời yêu cầu vừa chấm dứt, hai chiếc HU1A nối đuôi bay quành trở lại, phối hợp nhau gởi xuống mục tiêu những quả rocket dài ngoằn xé gió. Chúng tôi biết mình phải làm gì sau đợt không kích đó.Tôi đọc thấy thoáng âu lo trên khuôn mặt từng chiến sĩ. Kể cả tôi, cũng không thể trốn tránh thực tại hết sức căng thẳng của trận chiến. Vừa vượt qua cái chết buổi sáng đã phân vân với số mệnh buổi trưa. Ai đã đi qua chiến tranh, đã đánh chừng mươi trận mà vẫn còn sống để chờ đợi trận đánh thứ mười một chưa biết mất còn, mới chia xẻ được cái cảm giác hồi hộp, nặng nề của người lính trước trận đánh. Huống chi quanh đây, không kể hai tân binh mới ra trận lần đầu chưa biết hòn tên mũi đạn, từ quan tới lính, người nào cũng dự vài ba chục trận, vài ba chục lần quẳng cái bản chất thằng người tham sanh úy tử xuống đất, ôm súng lao lên theo tiếng thét xung phong của đồng đội. Có muốn hèn cũng không thể hèn được, có muốn dừng lại cũng không thể dừng lại được. Cái cảm giác xung trận nó vô cùng kỳ lạ, nó cuốn hút người ta lao vào bất kể tới đâu…Nó thấy ta chưa chắc đã dám bắn, bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã bị thương, bị thương chưa chắc đã chết, và chết chưa chắc đã …chôn. Cứ phỉnh phờ cái lo lắng, cứ giả vờ hồn nhiên cười cợt, mà sao trong những đôi mắt kia chợt tối nỗi bâng khuâng. Có phải Biên đang nghĩ đến đàn con quây quần trong ánh đèn vàng vọt, căn nhà nhỏ trong trong trại gia binh có ai đang thao thức nguyện cầu? Có phải Muôn đang nhớ về người tình chơn chất, lời hẹn thề chưa ngút một tuần trăng? Có phải Chính đang rối bời mẹ già tóc bạc, phận làm con biền biệt chốn biên cương? Ô kìa ông Đàng! Mười hai năm quân ngũ đã hằn lên vết tích, tuổi thanh xuân qua trên khổ lụy quê nhà có làm anh ít nói, hay đang lặng im trên chính về nỗi ước mơ còn xa vời vợi, mảnh vườn quê chim hót nắng mai. Và Sĩ, Thông, và Kiều, và…hai mươi sáu cái nón sắt rằn ri màu lá, che kín hai mươi sáu cõi riêng tư. Đã điên đâu mà vui mừng hăng hái, có phải là đồ tể đâu mà say máu bắn giết, chẳng qua, họ đã dấy động can qua thì chúng tôi phải chiến đấu để tự vệ, để dành cái quyền sống làm người theo cách đã chọn lựa.
Chúng tôi hiểu rằng, đằng sau chốt tiền tiêu với chừng đó hỏa lực, vừa vượt qua buổi sáng, không thể là một đơn vị nhỏ của địch, và lại càng không phải của một căn cứ hậu cần dể uy hiếp. Trên các xác chết để lại, quân phục kaki Nam Định, không có quân hàm, quân hiệu, cũng không có giấy tờ gì khả dĩ giúp chúng tôi đọc được phiên hiệu đơn vị, tuy rằng điều đó không thật sự cần thiết cho trận đánh, nhưng dù sao, cũng muốn biết mình đang đánh nhau với thằng nào, quen hay lạ, đòn thế và nội lực ra sao để còn tính bề xoay sở.
Và cũng thật khó khăn khi phải mô tả địa thế, trên bản đồ vị trí phỏng đoán có địch là những vòng cao độ hình móng ngựa, một ngọn đồi cách cung mà hướng tiếp cận duy nhất lại nằm gọn giữa hai cánh tay đáng ngại đó. Yếu tố bất ngờ cũng không còn khi đã bộc lộ hỏa lực. Trên mấy ngọn núi quanh quẩn đâu đây, chắc chắn những ống viễn kính của cấp chỉ huy cao hơn đơn vị địch tại trận tuyến cũng đã nhìn thấy chúng tôi mồn một. Không biết cấp chỉ huy cao hơn của chúng tôi có nhìn thấy họ, để cân nhắc từng quân cờ hay chỉ thúc quân vô tội vạ trên làn sóng vô tuyến…Tiến lên! Tiến lên! Với bất cứ giá nào.
Dĩ nhiên, chúng tôi phải tiến chiếm mục tiêu.Nhưng không phải với bất cứ giá nào như thượng lịnh. Cấp Đại đội luôn luôn cân nhắc cái giá phải trả cho từng giờ, từng phút, cuộc chiến đâu phải chỉ ngày một ngày hai, và mục tiêu đâu chỉ là một, hai, ba bốn… Cần dè xẻn từng giọt máu phải đổ, để mỗi lần xuất phát khỏi nhìn trước ngó sau, đếm lui đếm tới, buồn bã tiếc nuối những mũi nhọn đã mất đi, như một cơ thể đang cường tráng bỗng hụt hẫng một phần sinh lực.
Trên quan điểm đó, Đại đội quyết định gởi 3 toán trinh sát thăm dò hỏa lực địch, mỗi Trung đội phụ trách một toán, gồm ba chiến sĩ, mang theo PRC6 (chúng thường gọi máy truyền tin loại này là “Bà già trầu”, mang theo gánh nặng, lại không xử dụng được bao nhiêu, thường thường nghe ngoài rõ hơn trong). Đụng địch ở đâu, nằm lại vị trí đó, các tiểu đội đại liên M60 sẵn sàng yểm trợ, bắn che cho trinh sát.
Chính, Thông, Sĩ lo phần việc đó của Trung đội, họ phải theo xuống triền đồi rồi ngóc lên ở vòng cung bên trái, yểm trợ tích cực cho toán 3, nếu cần, tung hỏa lực nghi binh để toán này tiến lên được càng cao càng tốt.
Ý đồ của Đại đội như thế. Nhưng đối phương đã kịp thời phản ứng. Ngay khi các toán trinh sát xuất phát chừng một trăm mét, trận địa đang im ắng bỗng rộ lên hàng loạt tiếng súng cối và tiếng đạn đi xé gió, khoảng năm hoặc sáu khẩu 82 ly của địch xa về hướng Tây, tác xạ tập trung vào vị trí đại đội, dù không chính xác cho lắm, nhưng pháo kích kiểu vãi đậu như thế này, quả thật cũng làm chúng tôi lúng túng. Phía trước mặt, hỏa lực bắn thẳng của họ cũng bắt đầu lên tiếng, hòng chặn đứng mũi tiền kích đang cố gắng bám vị trí.
Trong khi chúng tôi chật vật vì súng cối địch, thì vị trí của họ cũng tả tơi dưới hàng loạt đạn pháo của B3 từ đồi 31 và từ Pháo đội C3 (CCHL 30…) trong tầm hiệu quả, đang bắn yểm trợ.
– Lỡ rồi! Chơi luôn Một Hai Ba!
– Một nhận!
– Hai nhận!
– Ba nhận!
– Tụi nó ở dưới khe suối cạn và đỉnh đồi bên kia!
– Chờ thằng Phở bắc nấu xong tô nào chơi tô đó, Phú Bổn lên với Phú Ông, Một và Hai theo luôn trái phải!
– Hai nhận!
Biên đã bắt tay được với Chính, Thông, Sỹ tôi vắn tắt lịnh tấn công sau đợt pháo chuyển làn tác xạ, cần phải nhanh chóng giải quyết trận địa nếu không muốn làm bia cho địch pháo kích.
Đúng lúc những loạt đại bác dồn lên sườn đồi bên kia, chúng tôi đánh ép xuống thung lũng với nòng súng cắm lưỡi lê sẵn sàng cận chiến.Từ triền dốc thoai thoải, Biên và Chính phối hợp nhau dẫn đồng đội tiến lên từng điểm ẩn nấp dưới làn đạn địch; Thông băng thật nhanh lên phía trước, bắn ghìm sát mặt đất vừa dứt một băng đạn lá đã tấp vào được một gốc cây ven bìa suối, ống quần rách toạc vì vướng gai buổi sáng chưa kịp thay, lòng thong miếng vải phất lên phất xuống không đủ che cái mông ốm nhách, xám xịt; anh chàng quay lại toét miệng định cười, đã vội nằm hụp xuống, tay giữ nón sắt, co gọn người tránh làn đạn vuốt cỏ cây ngã rạp bên cạnh; anh rút chốt trái lựu đạn ném về phía trước, bắn rẽ quạt cho Chính, Sỹ và Tiểu đội Khinh binh tiến lên hàng ngang, bám được bìa rừng là nắm chắc tám mươi phần trăm chiến thắng, là hạn chế tối đa thương vong. Và địch cũng hiểu như vậy nên họ tổ chức phản kích dữ dội, liệu thế đơn vị chốt tại bờ suối không chống đỡ nỗi, khoảng chừng một Trung Đội địch từ trên đỉnh đồi tràn xuống cứu viện, quyết không cho chúng tôi vượt qua.
Đến đây tôi chợt hiểu, chúng tôi đã được chỉ huy và theo dõi chu đáo từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, Lữ Đoàn, khi cánh quân địch nhớn nhác tràn xuống chưa tới lưng chừng đồi đã phải khựng lại rồi tan tác dưới từng loạt pháo nổ chụp thần sầu của B3. Từng mảnh người tung lên rồi đổ gục. Ha ha chưa biết ai chơi “Công đồn đã viện” thiện nghệ hơn ai đấy nghe ông bạn. Liêu Thăng, Mộc Thạnh đã bị chém đầu thì Vương Thông còn hơi sức đâu mà đấm đá. Hàng ngũ địch hoảng loạn, hỏa lực của họ tức khắc rối bời không che phủ nhau được như trước. Đúng lúc đó, Đại đội phát lệnh xung phong toàn đơn vị.
– Xung phong!
Tiếng thét rền vang vách núi, đoàn quân băng băng trên triền dốc lao xuống, vượt qua lựa đạn, vượt lên chông gai xông tới, tiếng quân reo át tiếng đạn thù. Xung phong! Xung phong, đạn xủi mặt đất, đạn xuyên tàng lá, đạn nổ bùng lửa đỏ, đan veo véo bên tai, người trước ngã người sau xông tới, khản cổ theo tiếng reo đồng đội, tim đập muốn vỡ tung lồng ngực. Hây Sỹ, sao nằm đó? Hây Kiều! Sao nằm đó? Tụi nó chết rồi! Hây! Phi? Bị thương rồi hả? Đưa máy đây! Xung phong xung phong. Tôi quàng vội chiếc máy truyền tin, dặn Phi nằm đó, Trung đội 4 sẽ lên kéo về. Hai nghe Hai nghe! Lên luôn nhận năm, được 3 hầm có cả cối! Nằm xuống Trung Úy! Chính húc luôn cái nón sắt vào mặt xô tôi ngã rạp đúng lúc làn đạn cắt lá rụng tả tơi trước mặt, không hề gì, cái hầm này nằm dưới đám rễ cây, nãy giờ chơi đủ thứ không suy xuyển.
– Á hà! Nó bắn nữa đó, thằng này kẹt chấu lên không được xuống không được coi bộ liều mạng.
– Hai đây Phú Bổn!
– Hai nghe!
– Sao hai?
– Còn một thằng chưa nuốt nổi.
– Nói con cái đừng chơi như thằng Chí. Khỏi bắt tù binh nghe chưa!
– Nhận năm.
– Biên! Biên! Kêu ông già thẩy lỗ.
“Ông già thẩy lỗ” là biệt danh của Thượng sĩ Đàng, cái tài bắn bun (bowl) trăm phát trăm trúng của ông “Đã biến đơn vị vô địch thủ, hắc diện Thượng sĩ”, cả Tiểu đoàn không ai địch nổi. Nghề chơi đôi khi cũng hữu ích cho cuộc sống, nên khi nào ông cũng thủ sẵn cho riêng mình cả chục trái M26 loại cũ, loại này tin tưởng hơn, nhảy mỏ vịt rồi ít nhất cũng ba mươi giây mới nổ, đủ thời gian cho mình nhắm, không nổ bất tử như thằng tròn M67, có bữa tan xác.
– Ông thấy cái miệng hầm không?
– Đâu? Đâu?
– Dụ cho nó bắn đi Muôn!
– Đó đó nó bắn đó! khỏi dụ! hai đứa lận.
– Bắn che cho tôi đi!
– Có ngay!
Bốn năm tay súng cùng châu về một phía bắn quyết liệt, Đàng im lìm sau một gốc cây, tay nắm chắc trái tạc đạn đã rút chốt vẻ mặt căng thẳng.
– Trúng!
Mỏ vịt bật đánh tách một tiếng trước khi nhẹ nhàng rời khỏi tay khum num vuốt nhẹ, rồi khẽ kéo giật lùi như vừa đủ điều khiển một sợi giây vô hình dẫn tới mục tiêu, nhuần nhuyễn, chính xác như đang ném viên bun trong sân chơi Tiểu đoàn.
Ầm…
Chỉ chờ có thể, sự phối hợp chiến thuật nhuần nhuyễn của các chiến binh dàn dạy trận mạc đã gần như bài bản của một đội bóng chuyên nghiệp, mà các cầu thủ đã hiểu rõ ý nhau, tin tưởng vào khả năng giao bóng chính xác của đồng đội. Trong nháng lửa vừa dứt, đã thấy Thông và Muôn sừng sững trên miệng hầm toang hoác, súng trên tay hai người rung lên từng hồi chớp giật. Vậy thôi, chiến tranh không còn chỗ cho sự khoan nhượng khi mà giọt máu của Chí còn nóng hổi trên trận địa, không còn thời gian để lưỡng lự khi cái chết và sự sống gần nhau trong gang tấc. Thêm Sỹ và Kiều, trong một ngày mất luôn 3 mạng người không thể thay thế, không thể so sánh khi đã cùng nhau miệt mài trên những nẻo đường đất nước. Các sĩ quan ở Tổng cục chiến tranh chính trị và Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu có thể xoa tay hài lòng trước sự chênh lệch về tỷ số thương vong của hai phía, đếm xác địch và ta để thống kê chiến thắng.
Vâng, mười hai xác địch tại trận địa, vắt vẻo trên miệng hầm trong một tuyệt vọng thoát thân, chôn vùi trong hố chiến đấu bị bắn sập trong cố gắng kháng cự, tan xác dưới hố đạn pháo binh…So với hai Chiến sĩ ta tử trận. Tỷ lệ chênh lệch lớn lao đó cũng không thể xoa dịu nỗi đớn đau của người lính bên xác đồng đội. Bên những khuôn mặt mới đây còn nói nói cười cười, còn chia nhau mẩu thuốc quân tiếp vụ cong queo trong túi áo…hay thậm chí mới đây còn…đm thằng này thằng nọ.
Riêng với Kiều, tôi đã mất đi không những một chiến sĩ đôn hậu, thật thà, tháo vát mà còn mất đi mối tình thân họ mạc. Kiều cùng quê với tôi, khi tiếp nhận trung đội từ Trung úy Dũng, tôi nhận luôn sự ký thác về người lính nhỏ tuổi nhất đơn vị của anh.
– Nó nhỏ quá, mới mười sáu tuổi, khai gian mười tám, trốn nhà đi lính, mầy lo được gì cho nó thì giúp.
– Lo!
Chuẩn úy Trung đội trưởng như tôi thì lo được gì ngoài việc bố trí quanh quẩn trong trung đội, thôi thì ở với tôi, tôi phong cho chức phụ tá Truyền tin Trung đội, một chức vụ không có trong bảng cấp số Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chia xẻ với nhau mang vác, ngoài súng đạn cá nhân còn có gạo sấy, lương khô, pin dự phòng cho PRC25, theo ông Sâm (trung đội phó cũ) ở đoạn hậu, được đâu chừng hai cuộc hành quân, qua lần hành quân thứ ba anh chàng ngập ngừng nói với tôi…“Chuẩn úy cho tui ra ngoài, tụi nó nói tui làm tà lọt cho Chuẩn úy chứ không phải phụ tá Truyền tin.”
– Trời đất! Cái thằng Bật mã Ôn! Làm gì có vụ tà lọt trong này?
– Tôi biết đây là trò trêu chọc của đám lính cũ dành cho anh chàng ngây thơ mặt mụn; tà lọt nỗi gì khi tôi cũng phải một ba lô đầy nhóc, lỉnh kỉnh đủ thứ, súng tôi cũng dài như súng hắn, tôi cũng phải cong đít đào hầm như hắn, ăn tôi cùng ăn với hắn, ngủ hắn còn ngáy to hơn tôi…
Tôi làm mặt giận, mà giận thiệt! Khả năng tôi chỉ có chừng đó, hắn khước từ coi như tôi cụt vốn.
– Ưng ra thì ra, nói ông Sâm cho người bàn giao đồ nghề rồi ra ở với Trung sĩ Yến!
– Chuẩn úy cho tui đi Khinh Binh!
– Nhiều chuyện, về tổ đại liên với ông Yến đi đã.
Kiều về tiểu đội hỏa lực, với sức vóc bậm trợn nên được cho thủ cây M60 làm xạ thủ chính, mối thân tình giữa chúng tôi chẳng có gì sứt mẻ. Những lần về hậu cứ, ai đi đâu thì đi, Kiều cứ quanh quẩn trong doanh trại, cơm gạo tạ cá mắm chuồng mà sao mỗi ngày một cao lớn.
Tôi giở poncho nhìn mặt Kiều và Sỹ lần cuối, máu người chết trận sũng thấm màu áo lính; hai người lãnh nguyên mấy mảnh cối 82 nổ trên tán cây, chụp xuống khẩu đại liên đang mải mê nhả đạn.
Địch vẫn pháo kích, không có dấu hiệu gì chứng tỏ họ từ bỏ trận địa sau khi đã thua đậm hai trận, với chừng đó tổn thất mà vẫn giữ ý định bám chốt, thì rõ ràng quân số họ phải nhiều hơn một Đại hội. Hai vị trí quan trọng, bị mất trong một ngày, coi như vòng phòng thủ ngoại vi của đơn vị địch trên đỉnh đồi đã bị nhổ sạch, (nếu họ có ý định phòng thủ), những hầm hố còn tươi gỗ mới, chứng tỏ họ cũng vừa chân ướt chân ráo tới đây, và mục tiêu thì đã quá rõ rệt, khi bố trí với mức độ vượt cấp số bích kích pháo 82 ly trong hầm hữu hiệu đến căn cứ hỏa lực 31.
Vâng, chúng tôi đang công phá mắc xích đầu tiên của một sợi giây đang dần dần hình thành chung quanh ngọn đồi chiến lược, mà trận chiến đấu đẫm máu sau này, cũng do chính đơn vị tôi phòng thủ, trong cái phủi tay của lời hứa không yểm, trong thế chênh lệch quá cao về quân số, hỏa lực. Mỉa mai thay, ưu thế đó lại thuộc về phía địch. Trong cái xoa tay hí hửng của “Bạn” và thù, trong cái đau đớn của vị Tư Lệnh Sư đoàn, khi giọng nói ông đi vào tận tần số Trung đội, chia xẻ với người Trung đội trưởng vô danh, với người chiến sĩ khinh binh tiểu tốt những gian nguy đang có, bất lực nhìn con cái đã tăng phái vào tuyệt địa, tước mất cây gậy chỉ huy đầy hiệu lực trong tay ông. Thân làm Tướng, thành hay bại còn do thời do thế, nhưng chừng mực nào đó, để lại trong lòng thuộc cấp chút gần gủi, ngưỡng mộ, âu cũng là lưu chút lòng son với sử xanh.
Tất cả thương binh, tử sĩ đã được Trung đội 4 chuyển về phía sau để cấp cứu và chờ tải thương. Phi bị một viên đạn xuyên đùi trái, tôi chỉ biết khi cái ống liên hợp tuột khỏi tay tôi, và Phi ngã quỵ. Thượng sĩ Sâm đưa Quá lên mang máy sau khi đã hỏi ý kiến tôi. Ai cũng được, chẳng có chỗ nào an toàn, trong cuộc chiến ác liệt này.
Chúng tôi phải bố trí lại hỏa lực khi cây đại liên của Kiều đã bị hỏng chưa kịp thay thế. Trung đội 1 không có thương vong, Trung đội 3 lại dính thêm một chết, hai bị thương, vị chi từ sáng tới giờ, hắn ba, tôi ba, đổi lại trên hai mươi xác địch với từng đó súng ống, chưa kể súng cộng đồng. Nếu cách đây một, hai năm, với thành tích đó có thể khao quân ân thưởng, rộ thêm vòng hoa chiến thắng. Huân chương, huy chương trĩu nặng trên hiệu kỳ đơn vị. Thì hiện nay cường độ chiến cuộc đã trở nên ác liệt, hiếm có cuộc hành quân nào chỉ đơn độc một Lữ đoàn tham chiến; địch cũng như ta, tăng cường hết khả năng có thể có vào mỗi một chiến trường, và phiên hiệu mỗi bên ít nhất cũng là những Sư đoàn phối thuộc, thì với những vị trí vô danh vừa chiếm được, chỉ là cuộc trạm trán ngắn ngủi giữa những đơn vị tiền tiêu, để hai bên thăm dò khả năng lực lượng đối thủ, trên một trận tuyến mở rộng gần cả trăm cây số, từ Khe Sanh Lao Bảo đến tận Bản Đông, Tchepone Hạ Lào.
Và nhiệm vụ chúng tôi vẫn chưa hoàn tất, khi mục tiêu số ba trong phần trách nhiệm chưa giải quyết xong. Hai bên trao đổi từng đợt pháo kích, mặt đất liên tục bị cày nát lên mù tung bụi cát, khói lửa. Lệnh Phú Bổn phải tấn công dứt điểm trước khi trời tối, chúng tôi hiểu, khi truyền đạt lệnh này, ông đã nghĩ đến những khó khăn sẽ gặp trên một chiến trường hoàn toàn xa lạ vào đêm tối. Kinh nghiệm trận mạc của người Sĩ quan Đại đội trưởng thâm niên nhất đơn vị, xuất thân Khóa 18 Võ Bị Quốc Gia, khước từ thân thế, đã từng thu xếp cho ông một chỗ êm ấm trong văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn, để về đơn vị chiến đấu, mọi quân hàm trên cổ áo đều nở sớm trước niên hạn qua biết bao nhiêu chiến tích.
Hai giờ chiều, mặt trời đã ngả về Tây, cơn nắng chói khô khốc chợt rộ lên luồng gió nóng, ngay sau khi căn hầm cuối cùng tại bờ suối bị Thông và Muôn tiêu diệt; Trung đội cấp tốc tiến lên phía trước, di chuyển thật nhanh trên một địa hình trống trải dưới hỏa lực vỗ mặt của địch, tuyến tấn công phải mở rộng hai cánh. Chúng tôi cũng chẳng phải Tề thiên Đại Thánh hay mình đồng da sắt gì để khơi khơi xông thẳng vào lửa đạn, từng khoảng cách rút ngắn giữa địch và ta cũng đồng nghĩa với từng phút giây bọt bèo sống sót. Là từng giây phóng mình thật nhanh từ điểm ẩn nấp này lao qua điểm ẩn nấp khác, gò mối, gốc cây, bụi cỏ, tảng đá, hay thậm chí chỉ là một nhánh lá mong manh. Đạn địch xủi dưới gót chân, đạn vỡ tung vỏ cây trước mặt…Là bắn, là bắn, bắn hết khả năng của vũ khí, để tiếng đạn mình át tiếng súng thù, để chỉ còn bên tai tiếng nổ dòn của M16, tiếng gà nòi ấm cũng của M60…Cọc cùm…cọc cùm M79 gõ nhịp. Lưng chừng đồi cỏ cây ngã rạp, vỏn vẹn chừng một trăm mét nữa là xong, là phận ai nấy biết, nhưng không tài nào, tiến lên được nữa. Chúng tôi bị chận đứng ngay trên vị trí một Trung đội của họ bị tiêu diệt trước đó, xác người rải rác chung quanh những vết nổ của đạn pháo.
Bây giờ đến lượt pháo địch nổ giữa chúng tôi, cộng với hỏa lực dày đặc từ đỉnh đồi bắn xuống không ngóc đầu lên được chứ đừng nói nhổm người dậy. Tôi rủa thầm, ở đâu ra mà nhiểu 12ly8 bắn rán mặt, đụng sơ sơ từ sáng tới giờ, cả 3 tuyến đều có phòng không. Gió lại trổi mạnh, cũng may, nhờ thế mà những trái 82 ly bị đẩy dạt khỏi mục tiêu, dù không xa, nhưng cũng hạn chế được ít nhiều thiệt hại, cũng có thể họ chưa tính hết sức gió trong yếu tố tác xạ. Giờ này mà có vài phi tuần gõ xuống đỉnh đồi chừng chục trái năm trăm pound, bới tung hầm hố nó lên thì đỡ vất vả biết bao?
– Một, Hai, Ba đây Phú Bổn!
– Một nghe đích thân!
– Hai nghe đích thân!
– Ba nghe đích thân!
– Cho cóc nhái sẵn sàng! Các Đích thân gặp Phú Bổn ngay.
Tôi ngạc nhiên, đang đánh chác thế này co về thủ sao được trên một vị trí quá nguy hiểm mà ổng lại ra lệnh sẵn sàng mìn và chiếu sáng? Phân vân thì phân vân, cũng phải tìm gặp ổng rồi mới tính. Giao máy cho Thượng sĩ Sâm chỉ huy trung đội, tôi lần mò trở lại chừng hai mươi mét. Cả bộ chỉ huy đại đội mặt mày đen thui vì khói, than, chẳng hơn gì chúng tôi.
– Vắn tắt cho các anh rõ! Lệnh Sư đoàn phải nuốt xong cục xương này mới được nghỉ. Tập trung mìn chiếu sáng lên phía trước, theo lệnh trên máy, đồng loạt ném và xung phong ngay, các anh thấy gió chuyển hướng mạnh về phía tụi nó chứ?
– Đốt tụi nó?
– Phải làm nhanh, gió đổi hướng lại chạy không kịp đó! Rõ chưa? Về làm nhanh!
Trước khi quay về Trung đội, tôi liếc nhìn cuộn poncho gói xác, đưa mắt hỏi Thượng sĩ nhất Xá:
– Ai đó?
– Trung sĩ Tâm, Pháo binh Đề lô.
Lẩm nhẩm một lời cầu nguyện vô bổ, chết chi trẻ quá Tâm ơi! Tôi băng mình trở lại tuyến chiến đấu, chuyển đạt nhanh chóng mệnh lệnh tác chiến.
– Một, Hai, Ba, đây Phú Bổn! Xong chưa?
– Một xong!
– Hai xong!
– Ba xong!
– Đánh!
Tôi phất tay cho Trung đội đồng loạt ném hết cơ số mìn chiếu sáng về phía trước. Tách tách tách…xòe xòe…tách tách xòe xòe lốp bốp lốp bốp, ngọn lửa lùng bùng lên dữ dội rồi lan nhanh về phía trước, râu tóc mặt mày khét lẹt. Thế thượng phong ngàn năm một thuở, lửa lửa, lửa cuộn lên theo tiếng quân reo, lửa tràn lên theo cỏ tranh dòn dã, khói cuồn cuộn mịt mù, khói làm màn che cho quân ta tiến tới, bốc trong bão lửa xông lên. Lưỡi lửa liếm một vòng cung hình bán nguyệt, thắt gọn vị trí địch trong trận hỏa công dữ dội, những căn hầm được ngụy trang kỹ lưỡng bằng cỏ tranh tiệp màu bỗng chốc trở thành mồi ngon cho ngọn lửa, hầm đạn nổ tung tóe, cả ngọn đồi nhanh chóng ngập tràn biển lửa, địch quýnh quáng tung hầm tháo chạy, có tên lưng còn bốc khói. Các chiến sĩ khinh binh tràn lên đỉnh đồi chiếm lĩnh trận địa, thanh toán nhanh chóng những ổ kháng cự yếu ớt, địch làm sao chống lại nổi khi trước mặt là lửa táp, là khói thuốc theo luồng gió ngược, lùa vào mồm vào mũi, tối tăm mặt mày chưa kịp dụi mắt ngáp gió lấy hơi đã gục ngã trước lưới đạn càn quét quyết liệt của quân ta đang tràn lên theo lửa cuốn. Đại đội khai thác tức khắc hiệu quả chiến thắng, thúc cả ba Trung đội đánh bung sườn đồi, đuổi địch chạy có cờ xuống thung lũng.
Trận đánh thật đẹp và hùng tráng, trong bối cảnh ráng chiều chưa tắt, ánh nắng xuyên qua khói lửa rải xuống chiến trường những giải vàng lóng lánh, thấp thoáng bóng quân ta dọc ngang đỉnh đồi, như thấp thoáng hồn sông núi cựa mình muốn vượt qua định mệnh. Tiếc quá, không có một phóng viên chiến trường nào ghi lại được trên băng nhựa phút giây ngất trời ngạo nghễ đó, để mai này, trên những ký sự truyền hình được chiếu ra rả từ hai phía suốt hai mươi năm, cuộc chiến trên quê hương đau đớn chúng ta không phải chỉ là cuộc chiến của người Mỹ và phía bên kia.
Bộ chỉ huy Đại đội cũng lên tới đỉnh đồi trong lúc địch vẫn tăng cường độ pháo kích, chúng tôi được lệnh thu dọn chiến trường thật nhanh để rút khỏi trận địa. Có lẽ thăm dò như thế là đủ và chúng tôi cũng đã kiệt sức sau một ngày dài quần thảo không ăn không uống, ngoài những bụm gạo sấy bốc vội vàng thẩy vào miệng, chiêu một chút nước dè xèn, hầu có đủ sức đuổi theo chiến trận
Dưới hỏa lực pháo kích ngày càng dữ dội, Đại đội nhanh chóng chuyển tất cả thương binh tử sĩ về phía sau cùng với súng ống của địch; không đủ thời gian thu nhặt, nên ngoài những vũ khí cộng đồng bắt buộc phải chuyển về như cối 12ly8 và 82 ly không giật mà địch còn để lại nguyên vẹn, các vũ khí cá nhân AK, B40, phải tháo gỡ tùng bộ phận, nòng súng liệng một nơi, cơ bẩm quẳng một ngã, lửa cháy để lộ nguyên một đỉnh đồi với hầm hào chi chit của cấp đại đội cộng. Thế mà trước đó, khi hai chiếc HU1A bay lòng vòng trên đầu, họ vẫn ém kỹ hỏa lực mạnh mẽ này không khai hỏa, mãi cho đến khi chống đỡ dưới áp lực công kích của chúng tôi, mới lên tiếng.
Trong số địch tử thương, có hai người là cấp chỉ huy, trong căn hầm bị Trung sĩ Yến, Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực số hai bắn sập bằng M72, có cả máy truyền tin Trung cộng, hai xác chết đeo hai cây K59 còn mới.
Và thật đau đớn, ngay khi nhận được lệnh di chuyển khỏi vị trí, chúng tôi vĩnh viễn mất người chỉ huy thân thiết, tài giỏi. Thượng sĩ nhất Xá băng ngược đội hình, chạy lên tìm tôi:
– Trung úy! Đại úy chết rồi!
– Sao? Sao?
Tai tôi lùng bùng, không tin điều mình đang nghe.
– Thượng sĩ Đàng! Thay tôi chỉ huy Trung đội.
– Vâng! Trung úy.
Tôi theo ông Xá chạy quành về Bộ chỉ huy Đại đội. Trên vết nổ còn bốc khói của một trái ly 82, Đại úy Lê Thành Bôn, Đại đội trưởng Đại đội 33 Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã anh dũng hi sinh; hai tay ông còn nắm chặt ống liên hợp trên hai chiếc máy truyền tin vỡ nát, bên cạnh hai người lính truyền tin hy sinh cùng lúc. Tôi biết, trong những mệnh lệnh mà ông truyền đạt trên máy, yếu tố hạn chế thiệt hại cho thuộc cấp là ưu tư hàng đầu của người sĩ quan nhân hậu, đằm thắm và tài ba nhất tiểu đoàn. Nếu không có ông, mấy ai đã nghĩ ra trận hỏa công thần sầu đem chiến thắng về cho đơn vị với thiệt hại tối thiểu.
Tôi nằm hụp xuống khi tiếng đạn xé gió lao tới, hai máy truyền tin không còn xử dụng được, phải kéo máy của Trung đội hai và Trung đội bốn về để duy trì cchir huy liên lạc. Tôi lên máy báo về Bộ chỉ huy tiểu Đoàn:
– Không chín đây Phú Bổn!
– Không chín nghe!
– Đích thân Phú Bổn đã về nhà.
– Tôi hiểu! Giữ nguyên vị trí! Hồng Vân sẽ cho lệnh tiếp.
– Phú Bổn nhận.
– Không ba đây không sáu.
– Không ba nghe (Không sáu – Sĩ quan hành quân tiểu đoàn. Đại úy Lê Hồng)
Không ba bây giờ là Phù Đổng. Phù Đổng bẻ cổ gà gặp Hồng Vân. (Bẻ cổ gà: thay tần số liên lạc)
– Phù Đổng nhận
Tôi nhận được lệnh tạm thời chỉ huy Đại đội trong khi chờ đợi một vị Đại úy khác ra thay thế, và cấp tốc đưa đơn vị trở lại Thanh Lan, dành khoảng trống mục tiêu cho một vệt B52 sẽ cắt ngang trước nửa đêm.
Tạm thời, nhưng tôi biết là sẽ vô cùng nặng nề đối với chàng thanh niên hai mươi lăm tuổi, chưa tròn bốn năm lính kể cả chín tháng ở quân trường, dù đã vững chải trong nhiệm vụ Trung đội trưởng, quen thuộc chiến trường với hai mươi chín, ba mươi người lính, quanh quẩn tới lui cũng chỉ có hai tiểu đội hỏa lực, một tiểu đội khinh binh, khả năng điều động chiến thuật cũng đơn giản, chỉ đâu đánh đó, mà ông Đại đội trưởng đã thân mật, gần gũi như một người anh cả trong gia đình, về tuổi quân cũng như tuổi đời. Địch trải rộng tầm pháo kích suốt trận tuyến khi mặt trời vừa tắt bóng.
Gồng mình với trách nhiệm mới và thật vô cùng lúng túng trước tiếng đạn réo bom rơi, hai tai léo nhéo hai ống liên hợp, không biết phải nghe thằng nào trước thằng nào sau. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn nóng lòng thấy chúng tôi bị pháo kích liên tục lại đòi hỏi phải tái xác định chính xác vị trí súng cối địch, chính xác? ở đây tôi nào có nghe được tiếng nổ đầu nòng của họ, tôi nói phải nhờ thằng 32 “Hồng Thiếp” và 31 “Minh Châu” đang quanh quẩn đâu đó, không xa vị trí chúng tôi xác định giúp, quay qua máy nội bộ giải quyết nhiệm vụ của On và Bé, để hoạch định kế hoạch rút đơn vị trở lại Thanh Lan, tôi vẫn giữ danh hiệu cũ:
– Một, Hai, Ba đây Phú Bổn! Trao máy đích thân.
Chờ các Trung đội lên máy đầy đủ, tôi vắn tắt kế hoạch triệt thoái. Biết địch vẫn dai dẳng bám trận địa, như con thú đang bị đánh đau; nếu chúng tôi sơ ý quay lưng lại tức thì họ sẽ chồm lên dữ dội, trong lúc đó, chưa biết tình hình “Thanh Lan” như thế nào? Và câu hỏi đã thực sự làm chúng tôi lo lắng; liệu có cái bẫy nào dương sẵn ở đó? Cũng chẳng còn thời gian lưỡng lự, tôi quyết định gởi Thượng sĩ Đàng, trung đội hai thận trọng thâm nhập Thanh Lan, không bằng con đường tiến quân buổi sáng, mà bằng một lối đi tắt khác, ngắn hơn, kín đáo hơn bên sườn trái.
Trong lúc đó, On và Bé vẫn phải cố thủ ở vị trí cũ ở tuyến trước, sau khi kín đáo rải vài trái claymore, và các vị trí M60 sẵn sàng chiến đấu, thành phần còn lại bắt đầu…đào hố chiến đấu, hoặc sửa sang lại các hầm hố của địch. Chỉ giả vờ thôi, chúng tôi muốn địch hiểu rằng, chúng tôi sẽ cố thủ ở đây và sẵn sàng chờ đợi cuộc phản kích của họ, tất cả nón sắt của thương binh, tử sĩ đều được chuyển lên phía trước cho Trung đội một và Trung đội ba, đặt rải rác chung quanh vị trí sau khi lấy thuốc muỗi bôi đều lên làm tăng độ bắt sáng. Dưới ánh sáng mờ mờ của hỏa châu, những chiếc nón sắt tròn láng, chắc chắn sẽ được địch nhận ra dễ dàng, dù đã được “khéo léo” ngụy trang với dăm ba chòm lá trước khi rời vị trí.
Bầu trời trong và cao vời vợi, pháo đội B3 vẫn duy trì bắn cận phòng và chúng tôi an tâm với sự yểm trợ hửu hiệu đó. Thành, Sĩ quan đề lô trấn an:
– Tao đã xin ông Đương bắn hết mình cho mày!
Tôi cảm ơn anh, toán tiền sát Pháo binh đi theo đại đội có ba người nay chỉ còn hai, và nổi mất mát không còn là của riêng ai để chia xẻ.
– Phú Bổn đây Hai!
Tôi chụp vội ống liên hợp:
– Nghe Hai.
– Đã gặp lại Thanh Lan, vô sự.
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Làm ăn kỹ chưa?
Đàng cho biết, đã lục soát kỹ và không có dấu vết gì khả nghi.
Tôi gọi Trung đội một yểm trợ Trung đội bốn chuyển thương binh, tử sĩ rút theo đường cũ, liên lạc trực tiếp với Trung đội hai tránh ngộ nhận, Bộ chỉ huy đại đội rút sau cùng với Trung đội ba.
Cho đến khi chúng tôi đã rút trọn vẹn về vị trí an toàn, địch vẫn liên tục pháo kích vào vị trí “không người” mãi tới sáng hôm sau.
Hai mươi lăm năm sau, khi có điều kiện hồi tưởng lại toàn bộ sự việc và diễn tiến cuộc hành quân của đơn vị trong phạm vi hiểu biết cũng như tất cả biến cố mà mình đã trực tiếp tham dự hoặc chứng kiến để viết lại thiên ký sự này tôi vẫn không tin những quyết định mâu thuẫn và thiếu tính đồng nhất chiến thuật là quan điểm độc lập của Lữ đoàn.
Dĩ nhiên, được rút ra khỏi trận địa là một điều nhẹ gánh cho đơn vị tôi, và dù ai chỉ huy Lữ đoàn hay Tiểu đoàn lúc đó, cũng phải ra một mệnh lệnh tương tự khi mà phía Đồng minh đã thông báo vị trí chúng tôi nằm trên tọa độ oanh tạc của B52. Thế nhưng, độ chấn động của những trái bom năm trăm pounds được rải xuống hôm đó chỉ đủ làm rung cánh võng… Nghĩa là cách xa chúng tôi ít nhất cũng trên mười cây số.Để rồi mấy ngày sau (khi chúng tôi đã được rút về căn cứ), khi nhận thấy có những nguy cơ xuất phát từ đó để uy hiếp đồi 31. Bộ tư lệnh cuộc hành quân đã cho đổ bộ hai đại đội của Tiểu đoàn 6 Nhảy dù xuống những ngọn đồi chúng tôi đã chiếm được và đã triệt thoái, với tình thế khác hẳn. Ở đó, địch đã trở lại với quân số nhiều hơn và đã dọn sẵn một tọa độ pháo kích tập trung, chính xác. Chúng tôi ở trên đồi 31, quan sát cuộc đổ bộ của đơn vị bạn bằng mắt thường, lòng xót xa theo những cụm khói bốc lên của đạn pháo địch…
Những thách thức cam go đã bắt đầu lộ diện kể từ sau cuộc đổ quân đẫm máu đỏ.
Căn Cứ Hoả Lực Hồng Hà Hạ Lào (Lam Sơn 719) ngày 14 /2/1971. Nguồn: AP
(Còn tiếp)
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi, đã viết từ 1998 trong cuốn “hạ sĩ Khinh binh”. DCVOnline minh hoạ
NGAO NGÁN
Chiến tranh đã qua lâu
Qua già nửa thế kỷ
Tuyên truyền vẫn không đổi
Cứ mửng cũ như xưa
Mỗi khi mở ti vi
Thấy toàn bôn sê vích
Dù Liên Xô không còn
Dù Đông Âu đã đổ
Song cái nôi cách mạng
Cứ được giở lại hoài
Bắt dân phải nghe mãi
Chuyện này đúng hay sai
Lỗi này là tại ai
Do Lênin Các Mác
Hay là Hồ Chí Minh
Hay Trường Chinh Lê Duẩn
Họ đều chết cả rồi
Lịch sử đã chuyển khác
Hay do lớp sau này
Sao hồ đồ quá mức
Coi dân như cỏ rác
Cấp như lũ dân ngu
Ráng bươi tai để nhét
Kiểu múa gậy vườn hoang
Đông Đức cũng không còn
Đó cái lò cách mạng
Đã sinh ra Các Mác
Sao nay chẳng thức thời
Trung Quốc cũng đổi thay
Hồng vệ binh đã hết
Nay đã hóa xanh rồi
Đâu còn kiểu Mao ít
Liên Xô cũng bốc hơi
Nay chẳng còn dấu vết
Đã hòa nhập toàn cầu
Ý hệ xưa đã dứt
Việt Nam sao mãi còn
Ti vi còn bốc lửa
Vẫn hoài niệm chiến tranh
Còn dọc ngang trận địa
Chiến tranh nào anh hùng
Chỉ toàn do lịch sử
Sao ca ngợi hoài hoài
Giống say sưa điên dại
Hòa bình bốn mươi năm
Thói xưa giờ chẳng bỏ
Vẫn chẳng lơi phút nào
Giọng toàn bôn sê vích
Thật đời quả ngao ngán
Lịch sử sẽ về đâu
Ai đùa hoài thế sự
Tương lai sẽ ra sao
Đâu phải trò con trẻ
Đâu phải dân ngu đần
Khinh dân kiểu quá mạng
Đất nước thành cù lần
Có gì đâu thần thánh
Mọi sự trong chiến tranh
Ai bắn nhanh thì sống
Đạn chỉ nổ phành phành
Chiến tranh bằng súng đạn
Mà bằng cả danh từ
Đố ai người cưỡng lại
Dẫu sống ở bên nào
Nó chỉ là cổ máy
Dùng xây thịt thanh niên
Chiến trường không sợ chết
Chỉ là do tuyên truyền
Quả tội nghiệp con người
Quả đáng thương đất nước
Dân tộc kiểu này hoài
Biết khi nào mới khá
Chiến tranh đã qua lâu
Sao vẫn còn súng đạn
Súng đạn trong lòng người
Không ở ngoài chiến tuyến
Cái gì đã gây ra
Để còn mãi cớ sự
Phải chăng do tuyên truyền
Mãi trong lòng còn giữ
Lịch sử đã đổi thay
Sao mục tiêu chẳng đổi
Sao muốn gạt dân hoài
Giết nhau không đổ máu
Trớ trêu là đến thế
Ngao ngán đến tột cùng
Đâu còn tình dân tộc
Đâu còn nghĩa nhân dân
Bây giờ thử hỏi ai
Đang là người trách nhiệm
Hay đều chỉ vô danh
Cả nhân dân cũng thế
Quả chẳng khác guồng quay
Nó đã thành quán tính
Ôi dân tộc thế này
Bao giờ ngước lên được
Chẳng cần xem thế giới
Ai cũng thấy tức cười
Của người đã vứt bỏ
Mình cứ lượm ngồi chơi
Chơi hoài bao giờ chán
Dân thì chán lâu rồi
Nhưng ai người thèm cứ
Chỉ coi cỏ rác thôi
NON NGÀN
(17/6/16)