Hiệp thông với Giáo hội hay với ai?

Trần Phong Vũ

lctVài suy tư của một tín hữu sau khi đọc bài “Những đứa con của Thiên Đàng” của ông Lý Chánh Trung trên bản tin Hiệp Thông số 94 (tháng 5 & 6 2016) của HĐGMVN.

Nguồn HĐGMVN
Nguồn HĐGMVN

Trong lời giới thiệu Hiệp Thông số 94, BBT bản tin của HĐGMVN cho biết:

“…bản tin nhắm vào chuyên đề ‘Lòng Thương Xót’ với hai chủ đề 1/ Thần học về Lòng Thương Xót và 2/ Mục vụ về gia đình… cuối cùng trong mục Văn hóa, Hiệp Thông xin giới thiệu một chương sách của giáo sư Lý Chánh Trung có đề mục Những đứa con của Thiên đàng.”

Chương sách của ông Lý được đăng từ trang 209 đến trang 239 Hiệp Thông số 94. Ngay dưới tựa đề bài viết của tác giả Lý Chánh Trung có ghi trong ngoặc đơn hàng chữ: (Trong Tôn giáo và Dân tộc, chương Hai). Và cuối bài ghi thêm, Nguồn Newvietart.com.

Được biết ông Lý Chánh Trung vừa qua đời ngày 13-3-2016. Lúc này người chết đã mồ yên mả đẹp theo nghĩa nào đó. Cuộc đời năng nổ của ông trong 20 năm sống, hoạt động dưới hai nền Cộng Hòa miền Nam và bốn thập niên thăng trầm khi ngoi lên khi bị vùi xuống với thái độ cam đành, nhẫn nhục dưới chế độ gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chú Nghĩa VN, thiếu hẳn cái năng nổ ông có trước đây! Lúc này, theo quy luật bất biến của kiếp người, đời ông đã được đóng lại dưới đáy mộ sâu.

Trong trường hợp bình thường, chắc chắn bài viết này sẽ không có. Trước hết vì ngay từ thời còn ở trong nước, người viết cũng không có mối liên hệ gì nhiều với ông. Đàng khác, hôm nay ông đã vĩnh viễn ra đi. Viết về một người chết, nhất là chuyện không vui, cho dẫu nó thật đến đâu, theo văn hóa Việt Nam và theo đúc Ái của người Công giáo, cũng là điều nên tránh.

Nhưng, sau nhiều ngày đêm trăn trở, suy đi tính lại, chẳng đặng đừng người viết phải lên tiếng.

Lý do vì chương sách mang tên Những đứa con của Thiên đàng rút trong tập sách “Tôn Giáo và Dân Tộc” của tác giả họ Lý, do Lửa Thiêng xuất bản ở miền Nam năm 1972, lại vừa tái xuất hiện trên tờ Hiệp Thông, bản tin và cũng là cơ quan ngôn luận chính thức & duy nhất của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 94 phát hành tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Câu hỏi đặt ra với người viết lúc này là liệu một số đoạn tác giả công khai để cao vai trò tôn giáo – nhất là Thiên Chúa Giáo – trong chương sách có đủ bù đắp lại những luận điệu miệt thị và hạ bệ tôn giáo đến tận đáy địa ngục, của tác giả không? Vả vấn đề này đã bám cứng tâm não người viết trong nhiều đêm dài trước khi ghi lại những cảm thức sau đây.

Sơ Lược về bản tin Hiệp Thông

Căn cứ vào sự thay đổi người chịu trách nhiệm về Trị Sự và Biên Tập, có thể tạm chia thời gian ngót 20 năm hiện diện của bản tin Hiệp Thông làm ba giai đoạn.

  1. Từ Hiệp Thông số 1 đến Hiệp Thông số 32 do Gm Nguyễn Soạn làm Chủ nhiệm, và người trực tiếp lo về nội dung là Lm Nguyễn Ngọc Sơn thuộc Văn phòng Thư ký HĐGMVN đảm trách.
  2. Từ Hiệp Thông số 33 đến HT số 62, Gm Nguyễn Soạn vẫn là Chủ nhiệm, và thay vì Lm Nguyễn Ngọc Sơn, Gm Vũ Duy Thống khi ấy là Gm Phụ tá cho Hy Mẫn ở TGP Sàigòn trực tiếp lo phần nội dung.
  3. Từ Hiệp Thông số 63 cho đến nay, vai trò Chủ nhiệm do ĐC Hoàng Văn Đạt đảm nhận và người trách nhiệm về nội dung là Gm Nguyễn Văn Khảm (Phụ tá TGP Saigon, nhưng từ gần 2 năm nay là Gm Mỹ tho, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Truyền thông trong HĐGMVN, và chức danh này được chính thức ghi ở trang 2 mỗi số của bản tin Hiệp Thông.)

Những chi tiết về nhân sự trên trang nhất bản tin Hiệp Thông ghi ở đây được coi là khá quan trọng. Nó giúp người đọc lượng giá nội dung toàn bộ những số báo phát hành từng giai đoạn, hoặc từng bài, từng tác giả. Trong một số trường hợp nó cũng soi sáng cho độc giả hiểu được quan điểm và lập trường nhân sự trực tiếp lo phần nội dung bản tin, giúp trả lời những vấn nạn đặt ra trong tâm trí người đọc là tại sao, nguyên do bí ẩn nào có bài này, không có bài kia trên bản tin khi những vấn đề khúc mắc, trong tréo vẫn chưa hết xảy ra trong mối tương quan phức tạp, khó giải thích giữa nhà nước và Giáo Hội, không phải hôm qua mà ngay hôm nay, lúc này?

Những thắc mắc sơ khời

Trong vòng một vài thập niên trở lại đây, đặc biệt trong những biến cố lớn liên quan tới thân mệnh Giáo Hội(1), tôi đã có lần miễn cưỡng phải lên tiếng về những hiện tượng khác thường phát giác nơi các Đấng Bặc Làm Thày trong hàng Giáo Phẩm ở quốc nội qua những cách phát ngôn, nội dung bài viết hoặc những hành vi phản Tin Mừng.

Trong phạm vi bài này, người viết giới hạn vào những thắc mắc sau khi đọc được chương sách mang tiêu đề mỉa mai, ngạo mạn trên đây của ông Lý Chánh Trung.(2) được chọn đăng trên Hiệp Thông số 94 vừa phát hành.

Thành thật mà nói, trên cả những thắc mắc thường tình, chúng tôi chia chung nỗi đau của người tín hữu Công giáo trong và ngoài nước về sự kiện trên đây.

Chưa cần đọc hết toàn bài viết dài 30 trang (từ trang 209 đến trang 230 HT), chỉ cần đọc đoan mở đầu, với tư cách một người tin, kẻ viết những giòng này đã không giấu được nỗi kinh mang đến lạnh người. Rồi từ kinh mang biến thành phẫn nộ!

Mời bạn đọc đọc những giòng sau đây. Dĩ nhiên là đọc trong bối cảnh quốc nội, khi đảng và nhà cầm quyền luôn tìm mọi thủ đoạn thâm độc nhất để chia rẽ, phá hoại tôn giáo, cách riêng Công Giáo.

“Nếu dân tộc trói buộc chúng ta vào trái đất thì tôn giáo lôi kéo chúng ta lên “thiên đàng”, dầu cho thiên đàng được quan niệm như sự hiệp nhứt với Đấng Tối Cao (như trong Thiên Chúa Giáo) hoặc như niềm cực lạc của một ý thức giác ngộ, đã thoát khỏi ảo giác của cõi vô thường, để đồng nhứt với Sự Thật tuyệt đối là cái tuyệt đối có thật (như trong Phật Giáo). Nếu dân tộc là sợi giây nối liền chúng ta với những người “đồng bào” để cùng nhau xây dựng hạnh phúc trần gian, thì tôn giáo là sợi giây nối liền chúng ta với những kẻ “đồng đạo” để cùng nhau vượt khỏi trần gian, tiến về hạnh phúc vĩnh cửu. Một quê hương dưói đất, một quê hương trên trời, đó là mối mâu thuẫn căn bản giữa Tôn giáo và Dân tộc. Ai có niềm tin tôn giáo, đồng thời có tinh thần dân tộc, mà đã không một lần cảm thấy như bị phanh thây giữa Trời và Đất, giữa tình liên đới đồng đạo và tình liên đới đồng bào.”
(trang 209 HT)

Ngôn từ, chữ nghĩa ở đây thật khủng khiếp! Nó tạo nên cảm giác kinh sợ và hoang mang đến tê dại cho người đọc, nhất là đối với người tín hữu Chúa Kitô khi phải đọc những giòng trên đây từ một cơ quan ngôn luận chính thức và duy nhất của Hội Đồng Giám Mục, cơ cấu lãnh đạo tối cao trong Giáo hội Việt Nam.

Cuốn sách “Công Giáo và Dân Tộc” của ông Lý Chánh Trung được ấn hành ở Sàigon năm 1972, ngót một thập niên sau Công Đồng Vaticanô II. Là trí thức Thiên Chúa Giáo, cho dẫu là đạo theo, từng được đào tạo trong các trường Dòng thuở thiếu thời, khi là sinh viên lại theo học đại học TCG và là người có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của phong trào Trí Thức Công Giáo (PAX ROMANA), ở thủ đô miền Nam, khó ai tin là ông chưa đọc qua Hiến Chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” trong số những văn kiện nền tảng của Công Đồng! Và như thế làm sao mọi người không thắc mắc, không đau xót?

Tôn Giáo Và Dân Tộc – Nguồn: Lửa Thiêng, 1972.
Tôn Giáo Và Dân Tộc – Nguồn: Lửa Thiêng, 1972.

Chỉ cần ngừng lại giây lát để suy tư về hai câu đầu và cuối trong trích đoạn trên đây, những người chậm hiểu nhất cũng phải thất thanh nêu lên câu hỏi: vì sao và do nguyên cớ sâu xa nào khiến cho nó xuất hiện vào thời điểm này, khi Giáo Hội và Đất Nước – người tín hữu và người công dân – đang tứ bề thọ địch, lâm cảnh nội công ngoại kích như hiện nay?

Những vấn nạn tương tự từng được nhiều thức giả miền Nam đặt ra cho ông Lý Chánh Trung cùng với những đồng chí của ông trước năm 1975. Nhưng, trong bài viết này chúng tôi không đặt ra cho cá nhân ông, dù ông còn sống. Lý do, chẳng ích lợi gì, Huống chi lúc này ông đã thành người thiên cổ. Nhưng chúng tôi không thể không đặt ra cho kẻ nào, thế lực nào đã cho nó đội mồ sống dậy, chồm hổm ngự trị trên một cơ quan ăn nói của HĐGMVN.

Chuyện này hãy tạm gác lại ở đây, sẽ bàn tới trong phần sau.

Điều cần nói ngay để tránh ngộ nhận là người viết không trực tiếp đặt vấn đề với tác giả, không phê phán chê trách quan điểm của ông vì đấy là quyền tự do của mỗi người, thứ tự do không phải ai khác mà chính Thiên Chúa đã trao cho con người, kể cả quyền tư do chối bỏ Ngài. Tuy nhiên, chúng tôi bắt buộc phải nói tới những gì ông viết giới hạn trong bài đăng trên Hiệp Thông, bao gồm tư cách tín hữu TCG mà ông nhân danh vào năm 1972, thời điểm tập CG&DT ấn hành, đối chiếu với thời điểm tái xuất hiện một chương trên bản tin Hiệp Thông gần đây. Vì lẽ ấy, trong phần mở đầu này chúng tôi sẽ tiếp tục cùng độc giả bản tin suy nghĩ thêm về nội dung bài của ông Lý rút trong tập sách ấn hành hơn bốn thập niên trước, cũng như quan điểm của những kẻ ngồi chung xuồng với ông trước 1975 và hiện nay.

Sau đoan mở đầu với lối suy nghĩ ngạo mạn kể trên, nơi trang 211, họ Lý viết

“…Các tôn giáo cổ sơ đều có tính cách phản đạo đức hoặc phi đạo đức. Các vị thần đầy thói hư tật xấu như con người, ngay cả Yah Weh của dân Do thái cũng bị gán nhiều hành vi tàn bạo và bất công. Thật ra, thế giới thần linh chỉ là một phản ảnh của thế giới loài người, do đó không thể mang thêm điều gì cho loài người.”

Thật khó tưởng tượng một trí thức mang danh Công Giáo đang sống, lại đang được trọng dụng dưới chế độ tự do, nhân bản ở miền Nam, một chế độ chính trị đối đầu với chế độ độc tài vô tín ngưỡng miền Bắc, lại có thể viết ra những lời lẽ bôi bác tôn giáo nặng nè và với ngôn ngữ miệt thị như thế!? Và người ta không ngạc nhiên khi nó từng đưọc nhóm Giao Điểm trích dẫn trong những bài viết chống báng Công Giáo.

Khai triển để làm sáng tỏ thêm những ý nghĩ ngông cuồng hàm ngụ thái độ mỉa mai, cay độc trong đoạn mở đầu, qua trang 223, tác giả viết:

“Đã có một quê hương trên Trời thì sẽ không yêu mến thật sự và chết sống với quê hương dưới Đất.”

Khởi từ lối lý luận lấy được để xác lập quan điểm chắc nịch kiểu trên, vẫn với lý luận cực đoan, một chiều, cho thấy ngay từ đầu thập niên 70 dù đang có mặt tại miền Nam tâm hồn ông đã viễn mơ theo khuynh hướng vô thần miền Bắc, manh nha ý tưởng của kẻ rắp tâm “sang sông rút cầu” hay nói như người bình dân là “thăm ván bán thuyền” để tự huyễn, chuẩn bị cho ngày trở cờ, đón gió ba năm sau

“Muốn chết sống với quê hương trần gian, phải xem nó là quê hương duy nhất. … Muốn tranh đấu quyết liệt, phải không còn ngõ rút lui như các vị tướng thời xưa, sau khi đổ quân sang sông, thường đốt tất cả thuyền bè để bắt buộc quân lính, và cả chính họ, phải liều mình tiến tới…”

Rõ ràng không chối cãi được rằng, ông Lý Chánh Trung đã cố tình ngoảnh mặt trước quan niệm nhập thế của Giáo Hội Công Giáo.

Thuở sinh thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng lập đi lập lại nhiều lần, con người là đường đi của Giáo Hội, là đích điểm hàng đầu đề phục vụ của Giáo Hội. Với tư cách vị đại diện Thiên Chúa trong Giáo Hội trần gian, được linh hứng từ lời Ngôn sứ Isaia Chúa Giêsu đọc tại Hội Đường trước đám đông dân chúng sau khi kết thúc 40 ngày ăn chay khởi đầu sứ vụ công khai, Thánh Giáo Hoàng luôn xác tín như vậy.

Và sau đây lả nguyên văn đoạn Kinh Thánh vừa nói:

“Thần khí Chúa ngự trên tôi. Ngài đã xức dầu cho tôi. Sai tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm được Chúa công nhận.”
(Luca 4, 16-19)

Đành rằng sứ vụ chính của Chúa Giêsu khi được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Nhưng, qua cách hành sử và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Thế rất dễ cho chúng ta nhận ra là Ngài coi trọng và đặt nặng trách nhiệm, bổn phận nơi những kẻ tin và theo Ngài, không phải chỉ sau khi chết mà ngay trong cuộc sống dương gian, nơi họ sống và phải chứng tỏ sao cho xứng với những đòi buộc của Tin Mừng –với bản thân, gia đình, quốc gia, xã hội. Sự kiện Chúa Giêsu đặt hai nhân đức “Mến Chúa và Yệu Người” bằng nhau cho thấy Ngài coi trọng vai trò và nhiệm vụ ngay trong cõi đời này của những ai tin theo giáo lý Công giáo ra sao.

Đoạn Kinh Thánh theo Tiên Tri Isaia trên đây là bước khởi đầu cho sứ vụ Cứu Chuộc của Chúa Kitô, Đấng khai mở kỷ nguyên Tân Ước. Và đấy cũng là lộ trình của Giáo Hội trong suốt cuộc lữ hành dương thế, đòi buộc mọi thành phần trong đó phải sống, phải kinh qua, phải chấp nhận như một trách nhiệm không thể khước từ trong bối cảnh sinh hoạt gia đình, xã hội, đất nước và xa hơn là nhân loại. Ý niệm Công giáo là đạo nhập thế bám rễ nẩy mầm, sinh hoa kết trái từ nguyên lý ấy.

Câu nói “Người Công Giáo Tốt cũng là Người Công Dân Tốt” được cà Giáo Hội và Nhà nước đề cao gần đây. Dĩ nhiên với cách hiểu khác nhau. Cụm từ “Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc” được long trọng ghi trong Thư Chung của HĐGMVN đầu tiên năm 1980 cũng mang chung một ý nghĩa như thế. Điều cần chú ý là do thái đô gian dối, lươn lẹo Hànội đã cố tình đồng hóa dân tộc với đảng cộng sản và cái chế độ dã man phi nhân tính đang ngự trị trên đất nưóc ta hơn 70 năm qua.

Nhìn nhận những đóng góp to lớn của Thiên Chúa Giáo

Trộn lẫn giữa những chê bai, miệt thị chung quanh điều quy kết tín đồ các tôn giáo bao gồm TCG là những kẻ “song tịch”, có “Một quê hương dưói đất, một quê hương trên trời…”, khiến cho những người “có niềm tin tôn giáo, đồng thời có tinh thần dân tộc… cảm thấy như bị phanh thây giữa Trời và Đất, giữa tình liên đới đồng đạo và tình liên đới đồng bào.”

không hiểu ông Lý có tự mâu thuẫn không khi có những đoạn ông hết lời ca ngợi những đóng góp của Thiên Chúa Giáo trong tiến trình xây dựng văn minh, văn hóa của thế giới Tây phương. Ông viết:

“Riêng tại Tây phương, ý niệm công bằng đã được các triết gia thời Thượng Cổ ý thức rõ rệt và phân tách chính xác, nhưng nó không có một chút ảnh hưởng nào trong thực tế và phải đợi sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo mới thấy được môt tâm trạng phẫn nộ trước những hoàn cảnh bất công, đưa đến những cố gắng kiên trì nhằm thực hiện công bằng trong xã hội, mà những cuộc cách mạng sau nầy chỉ là những biểu hiện quyêt liệt nhứt. Đối với các Giáo phụ, của cải trong trần gian nầy là của chung do Thiên Chúa tạo nên cho tất cả mọi người và phải được chia sớt đồng đều cho tất cả.”

“…Đây không phải là tiếng nói đơn độc, ngoại lệ của vài nhà tu hành có “đầu óc xã hội.” mà là tiếng nói chơn chánh và nguyên thủy của truyền thống Thiên Chúa giáo. Lẽ dĩ nhiên các Giáo phụ không làm cách mạng và các nhà cách mạng sau nầy không ai nhớ lời họ. Nhưng không thể nào hiểu được tinh thần và hướng đi của Cách mạng Tây phương nếu không đặt nó vào toàn bộ “hệ thống vấn đề” (problèmematique) của văn minh Tây phương và nếu không đạt tới nguồn mạch phong phú nhứt của văn minh Tây phương là Thiên Chúa giáo. Ngay cái ý niệm tiến bộ, một ý niệm căn bản của văn minh Tây phương, của Cách mạng hiện nay, của văn minh toàn thế giới đã thoát thai từ Thiên Chúa giáo.” (226-227).

Ở một đoạn khác, tác giả họ Lý viết:

“… chính các tôn giáo phổ biến, vì là phổ biến, đã dạy cho con người biết vượt khỏi những biên thùy của quốc gia, chủng tộc, màu da để nhìn nhận kẻ khác là anh em và, lần đầu tiên đã gieo vào lòng người cái đòi hỏi chấm dứt sự tranh chấp giữa các dân tộc, kiến tạo một nền hòa bình trường cửu trong một nhân loại đại đồng. Những tổ chức quốc tế đầu tiên của lịch sử là những tổ chức tôn giáo. Chỉ trong những tổ chức nầy, tình nhân loại được một số triết gia Đông Tây ý thức từ thời Thượng Cổ, mới bắt đầu mặc một nội dung cụ thể. Lẽ dĩ nhiên, ở đây cũng vậy, tôn giáo đã không giải quyết được vấn đề chiến tranh, nhưng điều cốt yếu vẫn nằm ở chỗ con người từ đây không còn xem chiến tranh như một hiện tượng tự nhiên, tất yếu, vĩnh viễn và bắt đầu cảm thấy cái đòi hỏi xây dựng một nền tảng thanh bình và hợp lý hơn cho sự tương giao giữa các dân tộc, dầu chúng ta giàu mạnh đến đâu, chỉ thật sự được bảo đảm khi nào nhân loại kiến tạo được nền hòa bình phổ biến(3) và trường cửu. Đó là con đường sống duy nhứt của nhân loại và phải nhận rằng tôn giáo đã có công vạch ra con đường ấy trước tiên.

Như vậy, mặc dầu hướng về một cứu cánh siêu việt, vượt khỏi trần gian và có lẽ chính vì thế tôn giáo đã mang lại nhiều điều tốt lành cho trần gian, nghĩa là cho dân tộc. Lịch sử các dân tộc hiện tại dính liền với lịch sử các tôn giáo lớn và gương mặt con người của chúng ta ngày nay là một công trình chung của tôn giáo và dân tộc, dầu cho chúng ta có thuộc về một tôn giáo hay không. Ngay khi chúng ta chống đối hoặc phủ nhận một tôn giáo hoặc mọi tôn giáo, chúng ta vẫn thừa hưởng di sản tinh thần của các tôn giáo đó.” (228)

“…Chính tôn giáo đã nâng cao giá trị của con người đến chỗ siêu việt, đặc biệt là những con người thấp hèn nhứt, đã bị khinh bỉ và chà đạp mấy ngàn năm qua. Những kẻ nô lệ trong Đế quốc La-Mã, những người cùng đinh (paria) bên Ấn Độ chắc chắn cảm thấy chân trời như đột nhiên mở rộng trước mắt họ khi lần đầu tiên họ nghe giảng giải rằng tất cả mọi người là anh em vì là con một Cha trên Trời và đều có thể hưởng hạnh phúc đời đời.” (225)

Khi đề cập những nỗ lực qua thời gian của các lãnh tụ đạo/đời nhằm phân biệt giữa thần quyền và thế quyền, ông Lý Chánh Trung cũng có những lời ca ngợi như sau:

“Giáo hội La mã là tôn giáo đầu tiên đã phân biệt thần quyền (pouvoir spiritual) với thế quyền (pouvoir temporel) và luôn luôn đòi hỏi sự độc lập của thần quyền. Sự phân biệt nói trên rất hợp lý, và nó là một tiến bộ lớn so với sự lẫn lộn đạo với đời trong những tôn giáo cổ sơ. Sự căng thẳng giữa hai quyền bính có thể là điều kiện tốt để cả hai bên tự ý cải thiện, đồng thời tránh được sự lợi dụng lẫn nhau, ít nữa là trên nguyên tắc.” (236)

Gợi lại những kinhnghiệm bản thân trong thời gian du học ở Bỉ, vào một mùa hè ông có dịp trực tiếp sống trong không khí thinh lặng, thánh thiện đầy tính nhân bản tại một nhà dòng khổ tu và ông cũng đã hết lời ca cẩm. Xuyên qua những đoạn như thế, người đọc ông tự hỏi: không hiểu với những lời lẽ đề cao những đóng góp của tôn giáo, nói chung và riêng Thiên Chúa Giáo của tác giả qua các trích đoạn kể trên có đủ bù đắp được thái độ khinh miệt và hạ bệ tôn giáo đến tận đất đen công khai bộc lộ ngay từ phẩn mở đầu và những xen kẽ đầy dẫy trong chương sách của ông không?

Ngay sau đoạn ca ngợi Giáo Hội La Mã là tôn giáo đầu tiên đã phân biệt thần quyền với thế quyền, ông Lý hánh Trung viết:

“… dầu chính quyền có chấp nhận sự phân biệt, thì vẫn có cơ hội để xung đột với giáo quyền… chẳng hạn như phạm vi giáo dục. Giáo hội cần có một nền giáo dục Công giáo độc lập như một môi trường thiết yếu, không những để truyền bá giáo lý mà còn để đào tạo thanh thiếu niên theo tinh thần công giáo. Nhưng quốc gia cũng cần nắm giữ tất cả thanh thiếu niên của mình để đào tạo chúng theo tinh thần quốc gia. Nếu quan niệm về “tinh thần quốc gia” mâu thuẫn với tinh thần công giáo (chẳng hạn trong một quốc gia theo xã hội chủ nghĩa), thì sự xung đột nổ bùng và hầu như không thể giải quyết êm thắm được… Thứ đến, quan niệm của Tòa Thánh Vatican về sự độc lập của thần quyền rất là đặc biệt: Tòa thánh không phải chỉ đòi độc lập đối với quốc gia, mà còn đòi đứng trên và chế ngự quốc gia…. các nhà lãnh đạo quốc gia khó lòng mà nuốt cho trôi cái lôgic siêu việt đó, dầu họ là người công giáo. Nói cho đúng, Tòa Thánh chỉ đòi hỏi cái địa vị “ăn trên ngồi trước… Mà ngay sự độc lập mà Tòa Thánh xem như bất như ý đó, đã là một vấn đề lớn cho quốc gia, vì trước hết nó có nghĩa là chánh quyền không được can thiệp vào sự bổ nhiệm hàng giáo phẩm bản xứ…” (236- 238)

Đọc kỹ vài giòng cuối trong trích đoạn trên ai cũng hiểu ông muốn nói tới chuyện các nhà nước cộng sản như Hoa Lục, như miền Bắc Việt Nam khi ấy và những gì chúng ta chứng kiến về hành vi can thiệp thô bạo của họ vào quyển tuyển chọn ứng viên đi tu, quyền phong chức, bổ nhiệm linh mục, nhất là quyền Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục hiện nay. Và như thế, ngay từ những năm đầu thập niên 70 trong đầu ông đã manh nha ý tưởng coi những gì xảy ra cho Giáo Hội Công Giáo ngày nay là chuyện bình thường có thể chấp nhận!

Đến những câu chữ sau đây để diễn tả thành kiến khinh mạn những cá nhân hay tập thể có niềm tin tôn giáo như kẻ ngoại lai, đứng bên lề dân tộc… thì quả thật người viết không biết phải dùng thứ ngôn ngữ nào để có thể nói lên được hết cảm nghĩ của mình về ông, cho dẫu đấy là quyền tự do của ông.

“… dầu không có cấu kết với ngoại bang, dầu có thể hy sinh cho dân tộc, vẫn là một kẻ xa lạ trên quê hương mình.”(224)

Chân diện ông Lý Chánh Trung

Ông Lý Chánh Trung. Nguồn BBC
Ông Lý Chánh Trung. Nguồn BBC

Sau một ngày có tin ông Lý qua đời, đài BBC đã đưa lên mạng những nét lớn về cuộc đời ông cùng với những nhận định, phê phán của một vài nhân vật trong ngoài nước về nhân thân, lập trường và tư tưởng của ông trước và sau năm 1975.

“Ông sinh năm 1928 tại Trà Vinh, là một cây bút nổi tiếng tại Sài Gòn với các tác phẩm triết học và những bài báo viết về thanh niên Việt Nam trước 1975. Ông từng giảng dạy đại học Văn Khoa Sài Gòn, dạy triết tại Viện Đại học Huế và Đà Lạt. Những tác phẩm nổi tiếng của ông trước 1975 như Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Tìm hiểu về nước Mỹ, Bọt biển và sóng ngầm, Tôn giáo và dân tộc.”

Gần như cùng một đợt với ông Trung Nguyễn (kể cả các ông Trần Bích Lan tức cố thi sĩ Nguyên Sa ở Pháp, ông Huỳnh Văn Lang ở Mỹ), ông Lý Chánh Trung hồi hương năm 1956 khi mới tốt nghiệp cử nhân triết. Điều này cho thấy nhiệt tâm của ông muốn đóng góp phần mình cho đại cuộc vào thời điểm nền Đệ Nhất Cộng Hòa vừa khai sinh tại miền Nam. Khởi đầu ông được giao phó chức vụ Công Cán Ủy Viên Bộ Giáo Dục, sau đó là Giám Đốc Nha Trung Học, rồi Đổng Lý Văn Phòng Bộ này.(4)

Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, ông Nguyễn Quốc Thái mô tả:

“Cái nhìn của anh Trung được sự chú ý của giới trí thức trong nước, giới Công giáo và người ngoài Công giáo. Nhiều bài của anh gây ấn tượng với Hội đồng Giám mục lúc đó… Anh Trung là một nhà trí thức có uy tín. Các bài viết anh đặt ra có một sắc thái và tính cách riêng trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, gây ấn tượng rất sâu sắc trong giới sinh viên học sinh, vốn đang đứng giữa một cuộc chiến tranh. Vào thời kỳ từ 1966 – 1969, anh Trung viết những bài khiến nhà cầm quyền lúc đó không vừa ý lắm. Nhưng cách đặt vấn đề của anh rất tình cảm. Anh nghiêng về ngôn ngữ đằm thắm với dân tộc, chứ không nghiêng về chủ nghĩa. Cách viết của anh thuyết phục được rất nhiều người.”

Vẫn theo BBC, ông Thái cho hay:

“Anh Trung xuống đường với sinh viên. Khi cảnh sát có thái độ mạnh tay với Đại học Văn Khoa thì ông đứng ra phản đối công khai. Trước 1975, ở miền Nam có quyền tự trị đại học. Cảnh sát xông vào khuôn viên một trường đại học mà nếu giáo sư và ban giám hiệu trường phản đối thì cảnh sát phải ra khỏi trường. Anh Lý Chánh Trung rất quyết liệt bảo vệ sinh viên xuống đường lúc đó.”

(Về chi tiết này, xin đọc nhận định của tác giả Bùi Văn Phú trong đoạn sau cũng trên BBC.)

Về phần ông Nguyễn Đình Đầu, đàn em ông Nguyễn Mạnh Hà, người từ Pháp về nước sau cái gọi là Cách Mạng Mùa Thu năm 45, từng được ông Hồ cử vào chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế, đài BBC cho hay: từ năm 1962 đến năm 1970, ông Đầu cùng với ông Trung Lý sáng lập tờ Sống Đạo, một tờ báo đã gây nhiều tranh cãi trong giới Công Giáo thời ấy. Phát biểu về ông Lý, ông Đầu cho hay:

“Ông Lý Chánh Trung viết những bài có tính cách đời thường, giọng văn sâu sắc, hấp dẫn, về những vấn đề chiến tranh, hòa bình, về sự tranh đấu cho giáo dục tiếng Việt và tranh đấu cho người nghèo.”

Ngày 19-3, sáu ngày sau khi ông Lý Chánh Trung qua đời, trang mạng BBCđã đăng tiếp. một bài nhận định của ông Bùi Văn Phú một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California, Hoa Kỳ. Mở đầu tác giả cho hay:

“Qua những tập sách, cùng hàng trăm bài báo, ông đưa ra lý luận triết học, những cái nhìn từ đường phố, qua đó phản ánh quan điểm của ông là chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam, là mơ ước một xã hội công bằng, không còn cảnh người giầu bóc lột người nghèo.Trong sinh hoạt của giới trí thức thời đó, giáo sư Trung không chỉ ngồi trong tháp ngà hay quanh quẩn ở sân trường, nơi giảng đường đại học để nói những điều lý thuyết mà ông đã dấn thân, xuống đường cùng với những nhà đối lập, những lãnh đạo tôn giáo, với thanh niên, sinh viên vì mục tiêu độc lập, tự chủ của đất nước. Ông tham dự ngày Ký giả Ăn mày dưới đường phố Sài Gòn, ông đến chùa Quảng Hương dự lễ ra mắt của Mặt trận Nhân dân Cứu đói.”

Ông Phú cho hay tiếp:

“Sinh hoạt của các phong trào, mặt trận này sau ngày 30/4/1975 đã được nhiều lãnh đạo thành đoàn xác nhận là những bình phong hoạt động của cộng sản.”
(…)
“Rồi những năm sau đó ông lại chê hệ thống giáo dục của miền Nam khi ông viết trên báo Điện Tín ngày 1/3/1972:“Ngay trong một môi trường tương đối thuận lợi như VĐH Đà Lạt, tôi thấy công cuộc giáo dục chẳng đi tới đâu hết cả, ngoài cái việc cấp phát hằng năm một mớ văn bằng. Những văn bằng mỗi năm thêm mất giá! Chẳng những mất giá vì trình độ sút giảm mà còn mất giá vì văn chương chữ nghĩa ngày nay đã rẻ hơn bèo, vì bực thang giá trị đã hoàn toàn đảo lộn, vì chiến tranh đã bít nghẽn mọi tương lai”.

(Lý Chánh Trung, “Đối diện với chiến tranh” tr. 165., Nxb Trẻ 2000)(5)

Từ những cái nhìn về triết học, tôn giáo, và trên quan điểm dân tộc giáo sư Lý Chánh Trung đã tham gia vào chính trị, vào các phong trào tranh đấu.

Trước Tết năm 1968, ông cùng 65 giáo chức đại học ký tên vào một thư ngỏ với mục đích kêu gọi ngưng bắn giết trên quê hương: “Để có không khí thích hợp cho những cuộc đối thoại cởi mở giữa những phe tham chiến và nhất là để cứu hàng ngàn người tiếp tục đổ máu trong khi những người có trách nhiệm đang đi tìm sáng kiến giải quyết xung đột, chúng tôi thiết tha kêu gọi các phe tham chiến hãy kéo dài vô hạn định thời gian hưu chiến nhân dịp Tết Nguyên đán và tìm phương thức tiến ngay đến hòa bình thực sự”.

[Báo Sống Mới ngày 24/1/1968, in lại trong “Đối diện với chiến tranh” tr. 22]

Một tuần sau khi lời kêu gọi được đưa ra, bộ đội cộng sản Bắc Việt mở những cuộc tấn công vào các tỉnh thành miền Nam ngay trong những ngày đầu năm âm lịch. Đó là Tổng Tấn công Tết Mậu Thân đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương.

Lời kêu gọi đó của những người trí thức, vì thực sự muốn hòa bình hay việc làm này đã được một ai trong lãnh đạo thành đoàn cộng sản chỉ đạo, để che đậy cho chiến dịch tấn công quân sự đang được khai triển? Nghi vấn đó cũng đã được nhiều người đặt ra cho giáo sư Lý Chánh Trung. Ông chỉ là người trí thức công giáo cánh tả, thuộc Thành phần thứ Ba hay ông được cộng sản móc nối để hoạt động nội thành

… Trong quá khứ ông đã phát biểu rằng ông không là đồng chí với người cộng sản mà chỉ đồng hành với họ. Ông được cho là đứng chung với những nhóm tranh đấu cho một miền Nam không lệ thuộc ngoại bang, không cộng sản. Nhưng nhìn lại các phong trào tranh đấu chống chính quyền ở miền Nam, sau ngày 30/4/1975 nhiều cán bộ nội thành đưa ra những bằng chứng cho thấy nhiều tổ chức cánh tả và Thành phần thứ Ba đã được cộng sản điều phối.

Sau ngày 30/4/1975 giáo sư Lý Chánh Trung đã bị nhiều sinh viên một thời xem ông là thần tượng phản đối vì thái độ ủng hộ chính quyền mới của ông trước vấn đề sinh viên không được học hành mà bị bắt buộc phải đi nghe nhà nước tuyên truyền chính trị, về vấn đề học tập cải tạo kéo dài đối với quân cán chính miền Nam. Trong khi đó ông tham gia Mặt trận Tổ quốc, là ủy viên ban chấp hành trung ương, làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và được đưa vào Quốc hội các khoá VI, VII và VIII. Ông chỉ bị thất sủng và sau đó bị loại ra khỏi các chức vụ nhà nước sau khi ông phát biểu năm 1988 về việc bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tức thủ tướng, mà chỉ có một ứng cử viên. Ý của ông là không muốn bầu cử độc diễn vì trước đây ở Sài Gòn ông đã chống lại ông Nguyễn Văn Thiệu ra tranh cử chỉ có một mình vào năm 1971…. Giáo sư Trung cũng được chú ý đến nhiều khi viết bài trên báo đưa ra nhận định là môn học chính trị về triết thuyết Mác-Lê không còn hợp thời đại vì thày thì không muốn dạy và trò cũng không còn muốn học.

Sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ và Liên bang Xô-viết tan rã thì ở Việt Nam mọi thứ lại bị xiết lại, với cá nhân ông, cũng như trong sinh hoạt của giới trí thức, văn học.

Nhưng trong 40 năm sống với cộng sản, ông dường như im lặng trước một xã hội vẫn đầy bất công, nền giáo dục xuống cấp. Giới trí thức miền Nam cũ mong đợi ông sẽ có thái độ với nhà cầm quyền cộng sản trước những bế tắc của xã hội do bởi chính sách độc tài chuyên chính dựa trên chủ thuyết Mác-Lê, như một số nhân vật đã lên tiếng: Tướng Trần Độ, linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, luật sư Đoàn Thanh Liêm, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, luật sư Lê Hiếu Đằng v.v.

Nhưng ông đã không lên tiếng!”

Hiệp Thông với Ai?

Lời Ngỏ đăng trên bản tin Hiệp Thông số 33 phát hành tháng 01 & 02-2006 viết:

“Là bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Hiệp Thông xin được loan tin hiệp thông(6): hiệp thông với Giáo hội toàn cầu và hiệp thông với từng Giáo Hội địa phương xa gần.

Hiệp thông với địa phương, Hiệp Thông xin làm “chiếc xe hạng nhe” len lỏi qua những lối mòn, những ngõ ngách tới những xóm dân cư vùng xa, vùng sâu….

Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, Hiệp Thông loan tin về Giáo Hội đây đó theo dỏng thời gian về những biến cố, những sự kiện….”

“Hiệp Thông không có cao vọng điều chỉnh những con lộ, san lấp những mặt bằng lớn lao trong sinh hoạt GH mà chỉ đi tìm và ghi nhận vết chân của các môn đệ Thày…

HĐGMVH trong phiên họp tháng 10-2005 mong muốn phổ biến bản tin này đến mọi thành phần Dân Chúa nên Hiệp Thông xin được sang trang với nội dung nhẹ nhàng gồm những phần thường xuyên: a/ Một chuyên đề. b/ Học hỏi và sống Lời Chúa. c/ Điểm sách. c/ Thông tin….”

Qua phần tóm tắt nội dung Lời Ngỏ trên đây, người đọc nhận ra ý định “sang trang”: của BBT nhằm đáp ứng ý muốn của HĐGM để từ nay (năm 2006) khoác cho bản tin Hiệp Thông một nội dung “nhẹ nhàng”, giản dị. Từ tiêu hướng ấy, người phụ trách nội dung Hiệp Thông chỉ xin làm “chiếc xe hạng nhẹ len lỏi qua những lối mòn, những ngõ ngách tới những xóm dân cư vùng xa, vùng sâu” và đề quyết “không có cao vọng điều chỉnh những con lộ, san lấp những mặt bằng lớn lao”.

Quả là một thái độ khiêm tốn, đáng cho mọi tín hữu trân trọng.

Nhưng khi thấy xuất hiện trên Hiệp Thông số 94 chương sách với tiêu đề “Những đứa con của Thiên Đàng” của ông Lý Chánh Trung chiếm 1/8 bề dày bản tin, người đọc không khỏi hoang mang và ngỡ ngàng, tự hỏi: do đâu và do nguyên cớ nào, BBT bản tin phải hy sinh gác lại nhiều bài khác để cho đi một bài dài như vậy? Cố gắng giải thích cho sự kiện nghịch thường này, có người cho rằng vì tác già là một trí thức Công Giáo nổi tiếng vừa qua đời nên quyết định đăng chương sách này được coi như một cử chỉ của HĐGM muốn gián tiếp vinh danh ông? Cũng có độc giả sau khi đọc xong, dựa vào những đoạn ông Lý đề cao những giá trị ưu việt mà Giáo Hội Thiên Chúa Giáo đã đóng góp cho quá trình kiến tạo nền văn minh, văn hóa bên trời tây để giải thích là khi chọn đăng, Hiệp Thông có thiện chí muốn giới thiệu công lao của tác giả với người đọc trong ngoái Giáo Hội?

Dù nhẹ dạ đến mấy khó ai có thể dễ dàng chia sẻ cách lý giải vơ vào trên đây.

Quả vậy, chưa cần bàn tới những khía cạnh cao xa như quan điểm, lập trường, phản chứng hay không phản chứng (?) hàm ngụ ở nội dung chương sách và nhân thân tác già. Ở đây chỉ mới nhìn vào những tiêu chuẩn “nhẹ nhàng” giản đị mà bản tin Hiệp Thông đã tỏ ra khiêm tốn cúi mình nhận làm “chiếc xe hạng nhe” để len lỏi tới những hang cùng ngõ hẻm ở những “vùng xa, vùng sâu” hầu giúp cho đám đông những tín hữu công dân hạng ba hạng tư đang từng ngày, từng giờ kéo lê kiếp sống nghèo nàn, thiếu cơm, thiếu áo, thiếu cả cái vốn tối thiểu về kiến thức, chữ nghĩa, học hỏi đưọc đôi điều bổ ích trong đời sống đức tin. Và như thế, câu hỏi tức thời đặt ra là lớp dân dân đen này học được gì qua 30 trang sách tràn ngập những từ ngữ lạ lẫm kèm theo những lý luận bí hiểm của ông thày dạy triết ở miền Nam trước 75 và sau đó khi CS “thống nhất” đất nước, ông dạy cả triết học Mác –Xít trong hệ thống giáo dục miền Bắc, môn dạy mà chính ông đã có lần tự thú là cả người dạy lẫn người học đều chán ngán?

Trong khi quảng đại những giáo dân thấp cổ bé miệng, thiếu chữ nghĩa, một mặt đã không học được gì trong tầm hiểu biết hạn hẹp của họ qua chương sách dài dặc của ông Lý đăng trên HT số 94… thì mặt khác, những kiểu nói như “Ai có niềm tin tôn giáo, đồng thời có tinh thần dân tộc, mà đã không một lần cảm thấy như bị phanh thây giữa Trời và Đất, giữa tình liên đới đồng đạo và tình liên đới đồng bào.”, hay “…Các tôn giáo cổ sơ đều có tính cách phản đạo đức hoặc phi đạo đức. Các vị thần đầy thói hư tật xấu như con người, ngay cả Yah Weh của dân Do thái cũng bị gán nhiều hành vi tàn bạo và bất công.” v.v., lại như tạo nên một phản xạ tự nhiên mang tính tiêu cục trong khói óc mù mờ của đám dân quê. Nếu chưa đến nỗi khiến khối tín hữu này mất niềm tin, thì ít nhất cũng khiến họ hoang mang, chia trí, giữa một cuộc sống đức tin bị vây hãm, khi từng ngày, từng giờ, miễn cưỡng phải nghe những luận điệu tuyên truyền bôi bác niềm tin Công Giáo qua những “cán bộ tôn giáo vận” của chế độ.

Điều cần nhớ là những nhận xét trên đây chúng ta mới chỉ căn cứ vào Lời Ngỏ của BBT bản tin Hiệp Thông vào thời điểm “sang trang” để đáp ứng ý muốn của HĐGM giảm nhẹ nội dung bản tin nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi của người tín hữu –nhất là hàng triệu nông dân, và đồng bào thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa vốn rất khan hiếm Linh Mục, tu sĩ, giáo lý viên.

Riêng với những thành phần tín hữu có tầm hiểu biết trung bình, lại có lòng với Giáo Hội, luôn quan tâm tới tiền đồ cùng sự thịnh suy của Giáo Hội khi đọc chương sách của ống Lý trên Hiệp Thông ắt hẳn không khỏi nảy sinh cảm tường hoài nghi. Từ đấy suy nghĩ tới những căn nguyên, hệ quả tai hại không đáng trông chờ trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam giữa cảnh tranh tối tranh sáng hôm nay..

Chắc chắn chương sách gây tranh cãi này không thể tự động nhảy vào bản tin Hiệp Thông số 94! Vậy thì ai, và do nguyên nhân bí ẩn nào khiến nó xuất hiện một cách ngạo ngược trong bản tin duy nhất của HĐGM từng trải qua những cuộc vận động gay go – kể cả “quỵ lụy, xin xỏ” trong nhiều năm tháng mới được “Ông Nhà Nước” bật đèn xanh cho phép xuất bản!

Theo lối phân công quen thuộc trong báo giới, Chủ Nhiệm chỉ chịu trách nhiệm tổng quát trong việc điều hành để, khi cần, trả lời ban kiểm duyệt bộ thông tin của cơ quan công quyền. Trong trường hợp Hànội ngày nay là “Ông Nhà Nước”. Về trách nhiệm chọn chủ đề , bỏ bài này, lấy bài kia, viết hoặc chỉ định người viết bài Quan Điểm, bài chủ đề cho mỗi số báo thuộc phạm vi trách nhiệm đương nhiên của người được giao phó chăm sóc nội dung tờ báo hay bản tin. Với bản tin Hiệp Thông, trách nhiệm quan trọng này kể từ HT số 63 là Đức Cha Nguyễn Văn Khảm, đương kim Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho kiêm Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông thuộc HĐGMVN gánh vác (chức danh này được long trọng đề dưới mỗi số của bản tin HT.)

Trong thời gian tìm tài liệu viết bài này, chúng tôi nghe được nguồn tin từ trong nước cho hay: ngay sau khi Hiệp Thông số 94 đến tay người đọc, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong dư luận người Công Giáo, -bao gồm cả giáo dân và giáo sĩ-, về chương sách của ông Lý Chánh Trung. Email và điện thoại tới tấp gửi về tòa soạn bản tin HT. Nỏi đây cho hay, người sắm vai trò tương tự như thư ký thay mặt Đức Cha Nguyễn Văn Khảm ở tòa soan là ông Nguyễn Nghị, một LM đã cởi áo hồi tục(7). Vẫn theo nguồn tin trên, khi bị độc giả cật vấn về chuyện khó hiểu tại sao chương sách của ông Lý có mặt trên bản tin Hiệp Thông số 94, ông Nghị tự nhận là chính ông đưa vào chứ không phải do người chịu trách nhiệm về nội dung là GM Nguyễn Văn Khảm (?!).

Nguồn tin trên đây xác thực đến đâu người viết những dòng này không có điều kiện kiểm chứng. Có điều nhớ lại những chuyện sai trái của Giám Mục Khảm trước đây từng dấy lên những phản ứng bất bình trong dư luận người Công Giáo trong, ngoài nước một thời trong số có bài giảng về Cánh Chung của ông năm xưa, khiến chúng tôi khó thể giải tỏa được những thắc mắc hiện nay.

Trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi xin ghi lại đây thắc mắc chót:

Đọc Lời Ngỏ trên HT số 33 trích đẫn ở đoạn trước có ghi một trong những nội dung được nhấn mạnh là Thông Tin. Vào thời điểm tháng 5 và tháng 6 năm 2016 ai cũng thấy có khá nhiều vấn đề thời sự lớn khuấy động lương tâm đồng bào trong và ngoài nước, trong số có khối tín hữu Công Giáo. Trước hết là tin người dân thường ngoài đảng can đảm phá lệ “Đảng cử Dân bầu” do chế độ đặt ra từ hơn nửa thế kỷ qua, tự đứng ra ứng cử vào cái gọi là Quốc Hội khai diễn hôm 22-5. Thứ đến, quan trọng không kém là vụ công ty gang thép Formosa của Đài Loan đang bị dư luận quy kết là căn nguyên gây ra thảm nạn cá chết cấp kỳ hàng loạt phơi trắng dọc theo ngót 300 cây số bờ biển từ Vũng Áng, Hà Tĩnh tới Lăng Cô, Quảng Nam khiến mội trường hải sản bị hủy hoại trầm trọng do độc chất công ty này thải xuống biền khiến hàng triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung, trong số không thiếu giáo dân bị lâm cảnh khốn cùng vì mất nguồn lợi tức để nuôi sống gia đình. Tiếp theo là bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam cùng với vụ đài VTV dùng ma thuật “bầy đàn” đấu tố Phan Anh khi người MC này công bố trên trang mạng của anh kết quả cuộc thử nghiệm hai con cá bị chết trong vòng hai phút khi được thả vào chậu đưng nước biến lấy từ Vũng Àng.

Tự hỏi: không lẽ những sự kiện mang tính thời sự nóng bỏng này không đáng để tờ Hiệp Thông, bản tin chính thức và duy nhất của HĐGMVN đăng tải một cách khách quan cho độc giả 26 Giáo phận trên toàn quốc theo dõi?

Một câu hỏi lớn khác khiến người viết miễn cưỡng phải viết bài này là: khi chọn đăng bài “Những đứa con của Thiên Đàng” của ông GS họ Lý, Hiệp Thông muốn hiệp thông với những chi thể trong Giáo Hội hay với ai khác?

Những ngày buồn đầu mùa hạ 2016.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.

(1) Thí dụ như biến cố Thái Hà, Tòa Khâm Sứ cũ cuối thập niên đầu ngàn năm thứ ba dẫn tới sự kiện vì “đức vâng lời” hàng chục ngàn giáo dân đang tụ tập hát Kinh Hòa Bình cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình đã tự động chấm dứt khi có điện thư khẩn từ Vatican do HY Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khánh TT gửi Đức TGM/TGP Hà Nội khi ấy. Được biết trong vài năm gần đây mặt thật bê bối, tham những của vị HY này đã tỏ tộ khiến đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đã có thái độ. Đặt giả thuyết nếu thời ấy Vatican có một Quốc Vụ Khanh khác hoặc với một Bertone thánh thiện, công chính thì hẳn cuộc diện Việt Nam đã xoay chiều và hẳn rằng Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chưa phải về hưu ở tuổi 57
(2) Cần phân biệt hai ông Trung. Một ông họ Lý, một ông họ Nguyễn. Hai ông có sự tương đồng là cùng du học ở Bỉ, cùng về nước đầu thập niên 50, cùng mang danh trí thức Công giáo và cùng là giáo sư đại học ở Việt Nam trong hai nền Cộng Hòa miền Nam trước tháng 4 năm 1975 và thời gian này hai ông cùng có khuynh hướng được nhiều người quy kết là thiên tả vì cả hai, kẻ nhiều người ít, thường có mặt trong những cuộc biểu tình phản kháng chế độ CH miền Nam. Có điều hai ông Trung có một số điểm khác biệt nền tảng. Trong khi ông Trung Lý là người cải đạo vào lúc 20 tuổi mà có dư luận dù không mấy thuyết phục cho là ông đi đạo để theo học trường Dòng rồi được du học đại học CG ở ngoại quốc… thì ông Trung Nguyễn thuộc gia đình đạo gốc, anh ruột là LM Nguyễn Văn Thông từng bị CS tống vào tù mấy chục năm cùng với LM Phạm Hân Quynh. Sau khi CS miền Bắc thôn tính miền Nam, ông Lý tích cực bám đuôi chế độ, từng có mặt trong thành phần lãnh đạo Mặt Trận Tổ Quốc, liên tiếp làm đại biểu cái gọi là Quốc Hội CS trong suốt ba nhiệm kỳ… thì ông Trung Nguyễn, trước khi qua định cư ở Canada, tương đối sống âm thầm hơn thời gian 20 năm kẹt lại trong nước.
(3) Trong bài tác giả nhắc đi nhắc lại hai từ “phổ biến” sau các từ “tôn giáo phổ biến”, “hòa bình phổ biến”, không rõ có phải ông muốn nói tới hai từ “phổ quát” quen dùng ngày nay?
(4) Có người cho rằng nếu hoạn lộ của ông Lý hanh thông, được cử vào những chức vụ then chốt trong các chính quyền thời ấy như sự chờ đời của ông, có thể ông sẽ khác.
(5) Đọc những lời phê phán này của ông Lý Chánh Trung, người ta tự hỏi: một người năng nổ như ông tại sao trong những năm sống và từng là đại biểu nhân dân trong ba nhiệm khóa của cái gọi là Quốc Hội CHXHCNVN mà không hề lên tiếng phê phán về tình trạng bệ rạc trong nền giáo dục dưới chế độ Hànội?
(6) Lời Ngỏ in chữ thẳng. Riêng bốn chữ loan tin hiệp thông được in nghiêng có lẽ để nhấn mạnh. Khi trích nội dung Lời Ngỏ, vì muốn phân biệt giữa các trích đoạn với phần viết của riêng mình, chúng tôi cho đi chữ nghiêng.
(7) Được biết ông Nguyễn Nghị vốn là LM Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn. Trước 75 ông thuộc thành phần Công Giáo cấp tiến, tham gia phong trào đấu tranh chống chế độ. Sau 75 cùng với những LM Trương Bá Cần, Huýnh Công Minh, Phan Khắc Từ, ông gia nhập cái gọi là UBĐKCGYN mà giáo dân quốc nội gọi mỉa mai là nhóm LMQD. Ông nằm trong BBT tuần báo Công Giáo & Dân Tộc do ông Trương Bá Cần cầm cờ đầu, một tờ báo bị nhiều GM coi là phản đạo. Ông cũng dính dấp tới vụ tai tiếng lem nhem tiền bạc khiến cùng với nhóm các ông Cần và Từ phải vác chiếu ra tòa của chế độ nhờ can thiệp!

1 Comment on “Hiệp thông với Giáo hội hay với ai?

  1. TRI THỨC VÀ NIỀM TIN

    Tri thức là những hiểu biết có cơ sở cụ thể, xác định và khách quan nào đó mà con người có được. Tất nhiên tri thức có nhiều nguồn, như nhờ học tập, đào tạo, qua kinh nghiệm riêng của bản thân mỗi người, khai thác từ khó tàng tri thức chung mà xã hội hay nhân loại đã có. Nhưng cho dù nguồn nào tri thức cũng không thể vượt qua, vượt lên cái thường nghiệm, vì nếu như thế nó sẽ không còn là tri thức nữa mà trở thành niềm tin hay đức tin.

    Niềm tin là nói về sự tin nhau giữa con người, còn đức tin nói về sự tin tưởng của con người vào cái gì đó vượt lên trên con người, vượt xa hơn thế giới con người. Niềm tin có thể có trong chính trị, nhưng đức tin thì chỉ có trong tôn giáo. Bởi niềm tin là trên cơ sở xác tín nào đó giữa người và người, thực chất nó chỉ có tính cách tương đối cho đến khi nó có đủ cơ sở nào đó khác để không còn thừa nhận nó nữa. Trong khi đó đức tin là tin vào cái gì đó vượt lên trên trần thế, ở nơi cõi siêu hình, chẳng có gì để kiểm chứng hay cũng chẳng bao giờ kiểm chứng được, niềm tin triết học hay đức tin tôn giáo là như thế. Bởi tính chất của triết học hoàn toàn khác với tính chất của tôn giáo, nên trong triết học chỉ có niềm tin mà không thể có đức tin, vì nếu không như thế nó đã thành tôn giáo rồi.

    Bởi thế đức tin của tôn giáo dĩ nhiên phải là đức tin siêu hình, hữu thần nào đó, còn niềm tin của triết học có thể chỉ là một quan điểm nhận thức, có nghĩa có thể là hữu thần hay vô thần. Chẳng hạn quan điểm triết học duy vật chắc chắn là quan điểm vô thần, trong khi đó quan điểm triết học duy tâm chắc chắn là quan điểm hữu thần trong hình thức nào đó, cho dù nó hoàn toàn không phải là tôn giáo. Thiên chúa giáo đương nhiên là quan điểm hữu thần, đặc biệt nhất thần giáo cũng như bao nhiêu tôn giáo nhất thần khác, tức tin vào một đấng Thượng đế hay Thiên chúa toàn năng tuyệt đối tạo ra thế giới. Trong khi đó Phật giáo cũng là tôn giáo duy tâm, nhưng khác với các tôn giáo nhất thần giáo, vì đạo Phật lại giống với một niềm tin triết học nhiều hơn, tức tin vào quy luật siêu hình vượt lên thế gian mà cụ thể là ý nghĩa luân hồi, nhân quả và nghiệp báo. Trong ý nghĩa đó Phật giáo hoàn toàn là duy tâm và không thể vô thần, nhưng nó hoàn toàn khác với các tôn giáo độc thần.

    Tuy vậy chính trị nhiều khi cũng vẫn lại là niềm tin. Như tin vào một con người cụ thể đi trước nào đó rồi mình quyết chí đi theo, tin vào học thuyết chính trị hay ý thức hệ chính trị nào đó rồi mình quyết chí làm theo. Chẳng hạn phần lớn những người cộng sản nói chung đều tin tưởng vào lãnh tụ của mình hay tin tưởng vào học tuyết Các Mác, còn những phong trào quần chúng đi theo, hoặc những người chỉ nhằm lợi dụng, vì bất kỳ các lý do nào đó khác, thì không nói. Bởi vậy dù cuồng tín đến cỡ nào, trong chính trị cũng chỉ có niềm tin, còn chỉ riêng trong tôn giáo mới có đức tin, vì đức tin hẳn nhiên bản chất phải cao hơn niềm tin, vì nó là ý nghĩa siêu hình mà không phải còn là ý nghĩa trần tục. Riêng việc dùng lẫn lộn hai từ ngữ này có khi xảy ra do sự dễ dãi hay kém chính xác nào đó thì cũng là chuyện tự nhiên.

    Nhưng ngay cả niềm tin triết học và niềm tin chính trị cũng hoàn toàn khác nhau, niềm tin triết học luôn xuất phát từ chính bản thân mình, còn niềm tin chính trị lại phát xuất từ bên ngoài, do người khác hoặc yếu tố khác tác động vào. Bởi vậy người ta cũng có thể nói niềm tin tôn giáo hay đức tin tôn giáo, nhưng bản chất nó cũng hoàn toàn như nhau, tức hoàn toàn khác với niềm tin triết học hoặc niềm tin chính trị. Bởi triết học là thứ tri thức vượt không gian thời gian, còn chính trị luôn chỉ là những kiến thức ở trong không gian thời gian cụ thể nhất định. Có nghĩa chính trị hoàn toàn là niềm tin thế tục, triết học là niềm tin siêu hình, còn tôn giáo là đức tin siêu việt.

    Song tri thức con người dầu vô hạn cũng chỉ ở trong hai phạm trù là thường nghiệm và siêu nghiệm. Phạm trù thường nghiệm như trong lãnh vực đời thường và lãnh vực khoa học, còn phạm trù siêu nghiệm như trong phạm vi triết học hay tôn giáo. Tri thức đời thường là tri thức kinh nghiệm, vì rời rạc, không có hệ thống chặt chẽ, phần nhiều mang chất cảm tính. Tri thức khoa học hoàn toàn ngược lại, là phải cụ thể, chính xác, có hệ thống, có chiều sâu, nhất là có thể kiểm chứng được. Tri thức khoa học bởi vậy gọi là tri thức thực nghiệm hay tri thức duy nghiệm, trong khi đó tri thức triết học, tri thức tôn giáo còn có lãnh vực riêng của nó đó là tri thức siêu nghiệm hay vượt lên thường nghiệm. Điều đó có nghĩa những người không có tôn giáo, không biết triết học, dĩ nhiên chỉ có thể có tri thức thường nghiệm, bởi vậy không thể phê phán tôn giáo hay triết học theo kiểu chủ quan hoặc một chiều chỉ hạn hẹp trong thị hiếu mình muốn. Kinh nghiệm tôn giáo, kinh nghiệm triết học, chỉ có thể có được ở những người nào đã trải qua được nó, tức từng trải nghiệm nó dưới những hình thức nào đó. Đó là điều những người duy vật vô thần không bao giờ có được. Bởi vì một khi họ có được, họ cũng không thể còn duy vật hay vô thần nữa. Bởi vậy mọi thái độ phê phán tôn giáo, cho dù tôn giáo nào, hay mọi thái độ phê phán triết học theo kiểu duy vật vô thần đều hoàn toàn nông cạn, hời hợt, hoặc thậm chí vô lý.

    Các Mác là tác giả duy vật vô thần lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi ông là người phân tích chi ly các quan điểm đó của mình hơn bất kỳ những nhà lý thuyết duy vật vô thần nào khác. Chính học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của ông ta đã nói lên điều đó. Nhưng thật ra đó cũng chỉ là niềm tin của Mác, nó có gì là khoa học, vì chẳng dữ kiện nào trong đời sống đã chứng minh cụ thể được những điều đó một cách thật sự bao quát, sâu xa, vững chắc và khoa học. Niềm tin của Mác xuất phát từ niềm tin của ông ta vào biện chứng luận (Dialektik) của Hegel rồi trên cơ sở đó ông ta triển khai rộng ra theo lối tư biện trừu tượng vậy thôi. Nên nếu hạt nhân biện chứng của Hegel là mơ hồ hay mù mờ, toàn bộ học thuyết Mác tất yếu cũng chịu chung số phận như thế, có nghĩa nó cũng chỉ là niềm tin chủ quan, cảm tính thế thôi, dầu ông tự nhận là khoa học bởi vì do chính Hegel đã từng tự nhận mình là khoa học.

    Bởi vậy cái cốt lõi của Mác là dựa trên quy tắc sự phủ định của phủ định (Negation der Negation) trong cách tư biện duy tâm của Hegel. Nhưng nếu điều này có lý nào đó theo quan điểm duy tâm của Hegel thì chuyển qua quan điểm duy vật của Mác nó hoàn toàn phi lý và ngớ ngẩn. Chẳng hạn một hòn sỏi chỉ có thể bị đập nát, hay bị sự phong hóa nào đó, nhưng nó không thể nào phát triển lên thành một sự sống được. Nhưng cái cây là sự sống, có sự tăng trưởng trong khi sống nhưng có sự phân rã đi khi đã bị chết. Vậy thì hướng nào là hướng phủ định của phủ định mới hoàn toàn có nghĩa ? Ý nghĩa chính là ở nền tảng và mục tiêu bao quát, không phải chỉ là công thức rỗng tuếch kiểu toán học mà Mác từng suy đoán để áp dụng. Lý luận về đấu tranh giai cấp và lý luận về xây dựng xã hội lý tưởng của Mác đều là kiểu lý luận thật sự chỉ rỗng tuếch vì bất chất mọi tham số tức yếu tố có liên quan là như thế.

    Tất nhiên ai cũng biết vũ trụ chung quanh ta đều là vũ trụ vật chất, dù có đi đến đâu cũng vậy. Nhưng cái lý của sự vật lại không thuần là vật chất, vì vật chất thì cụ thể còn cái lý thì trừu tượng. Trong tự nhiên mọi cái gì đều có cái lý của nó, cái lý đó là cái thuần lý, nó không phải hoàn toàn do vật chất thuần túy tạo ra. Vì mọi sự tạo ra từ vật chất đều là sự tạo ra kiểu cơ học, không phải tạo ra do mục đích thuần lý nào cả. Sự va chạm giữa các hòn cuội chỉ là va chạm cơ học, nhưng sự phát triển của yếu tố gien trong tế bào cơ thể tất nhiên là sinh học mà không phải cơ học, nhất là tư duy, ý thức trong con người không thể chỉ là vật chất vì nó hoàn toàn trừu tượng không có bất kỳ thuộc tính nào của vật lý học cả. Do đó khi Liên Xô trước kia phóng vệ tinh có người vào không gian, do sự ma mị về chính trị, có phi hành gia khi quay về trái đất hãnh diện và kịch kỡm tuyên bố không nhìn thấy thiên đàng hay Thượng đế ở đâu cả. Nhưng nếu Thượng đế cũng là đấng hữu hình nhìn thấy được thì còn gì là Thượng đế. Đấy quan điểm ngây thơ, nông cạn của những người duy vật vô thần là như thế.

    Nên cái lý trong vũ trụ chính là cái đáng nói nhất, còn vật chất trong vũ trụ chỉ là chuyện tự nhiên. Nếu không có vật chất thì còn có gì để nói nữa, nhưng cái lý trong trời đất mọi loại đều không phải là vật chất. Bởi nếu không có cấu trúc nguyên tử cũng không thể tạo ra mọi sự vật được, đó là cái lý cho dù toàn bộ nguyên tử hay hạt nhân nguyên tử cũng chỉ là vật chất. Hay nếu quãng cách giữa trái đất và mặt trời ngắn hơn hay dài hơn như đã có, cũng khó mà có được sự sống trên hành tinh. Điều đó có nghĩa mọi vật chất không tạo nên được cái gì ngoài vật chất cả, nhưng cái lý phi vật chất, ngoại vật chất kia mới làm nên tất cả. Đấy triết học duy tâm khác với triết học duy vật là vậy. Nên thực chất học thuyết duy vật của Mác chỉ là con số không to tướng và từ đó mọi suy diễn liên quan của Mác về duy vật lịch sử hay biện chứng lịch sử cũng chỉ là con số không to tướng. Chính mọi thực tế hiện nay trên thế giới đã minh chứng điều đó, nó hoàn toàn khác với mọi ý thức giáo điều và mê tín, cuồng tín khi Lênin mới bắt đầu thành lập nhà nước Liên Xô vào năm 1917.

    Nhưng quan điểm triết học như thế nào cũng chẳng đáng nói vì nó cũng chẳng làm hại ai. Nhưng từ các quan điểm triết học mù mờ của mình, Mác lại tự xác tín đó là chân lý duy nhất đúng của lịch sử nhân loại và đưa ra quan điểm chuyên chính giai cấp đó mới là hậu quả tai hại nhất. Mác thủ tiêu không thương tiếc toàn bộ kết quả giá trị dân chủ tự do như thành tựu sau cùng đã được thế giới loài người xây dựng qua nhiều ngàn năm trong lịch sử bằng cách nói càn đó là đạo đức tư sản và nền dân chủ tự do kiểu tư sản. Nên quan điểm duy vật vô thần của Mác đi đôi với quan niệm vô sản của Mác chỉ là sự tự nhiên. Chủ nghĩa Mác thực chất cuối cùng và ngay từ đầu đã mang ý nghĩa và mầm mống của chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa hư vô mà không gì khác. Chính sự hiểu sai về vật chất và về tài sản, về tư hữu của Mác đã làm nên tất cả. Từ ý niệm tài sản như là công cụ tất yếu hỗ trợ con người, Mác kết tội nó như là mục đích của con người trong cuộc sống, để cuối cùng chủ trương vô sản như một liệu pháp không tưởng để giải quyết mọi vấn đề xã hội, thật là sự ngây thơ nông cạn đến hết còn chỗ nói của ông ta. Mác như một người làm toán lại loại bỏ tất cả mọi thông số liên quan để nhằm giải quyết bài toán. Sự ngớ ngẩn ngây ngô của Mác chính là như thế. Khi luận về kinh tế học trong Tư bản luận, Mác chỉ cốt gột chân lịch sử cho vừa với đôi giày biện chứng của Hegel mà Mác đã tưởng tượng ra một cách bóp méo. Cái không tưởng của Mác cũng chính là cái phi khoa học, phản khoa học của Mác, trong khi ông ta tự xứng là tuyệt đối khoa học và tạo niềm tin của nhiều người về học thuyết ông ta là như thế. Nói tóm lại tiền đề đặt ra của học thuyết Mác là sai, kết luận của thuyết Mác cũng là sai, còn trung đề hay tiểu tiền đề của ông ta mang lại cũng chỉ là các lý luận ngụy biện theo kiểu một tam đoạn luận hoàn toàn hình thức và hoàn toàn vô bổ mọi mặt.

    Bài toán về sự giàu nghèo, về những khác biệt giai cấp trong xã hội, đó đều luôn là bài toán thực tế, khoa học, tức bài toán thực tiển của khoa học xã hội, Mác biến nó thành một niềm tin ý thức hệ hoàn toàn máy móc và trừu tượng không ăn nhập gì với thực tế khách quan, xa lạ với mọi tâm lý ý thức của con người và xã hội, chính cái phi thực tế, phi khoa học của Mác là như thế. Chính sự phát triển công cụ sản xuất qua tiến bộ khoa học kỹ thuật mọi mặt làm nên đời sống kinh tế đi lên của toàn nhân loại, Mác lại phiên diễn điều đó một cách sai trái theo kiểu tưởng tượng mơ hồ của thuyết đấu tranh giai cấp gây bao nhiêu biến tướng và hậu quả kinh hồn trong thực tế xã hội. Mác hí ha hí hửng cho rằng mình lật ngược Hegel lại, Hegel đi đầu xuống đất nên phải khiến thành người đi đứng bình thường, nhưng thực chất Mác lại chỉ duy vật hóa toàn bộ Hegel, hay duy vật hóa toàn bộ duy tâm đó chỉ là điều nghốc nghếch và phi lý mà chỉ có đầu óc thông minh hơi bị kiệt xuất như Mác mới nghĩ ra được cách làm như thế. Nên tự quan điểm duy vật của Mác ngay từ đầu cũng đã phủ nhận toàn bộ nội dung lý thuyết của ông ta rồi, vì mọi cái đều chỉ là vật chất thì có còn cái gì để nói tới được nữa. Đó là một thứ hư vô chủ nghĩa, vì nếu không có sự nhận thức của con người thì vật chất cũng trở thành vô nghĩa, mà Mác lại phủ nhận cả tính cách tinh thần của con người, cho tinh thần cũng chỉ là vật chất do não bộ tiết ra chẳng khác gan tiết ra mật, thật là thông minh hết biết. Cho nên từ đó, từ hư vô chủ nghĩa đó, Mác đi tới quan điểm vô chính phủ về sau khi tưởng tượng xã hội tương lai không còn nhà nước, không còn luật pháp, không còn tiền tệ, không có thị trường, chỉ mọi người sản xuất trực tiếp và trao đổi sản phẩm trực tiếp mà không còn giai cấp kinh tế gì nữa, thật đúng là kiểu quan điểm vô chính phủ thứ thiệt.

    Nên nói về mọi cái phi lý trong học thuyết Mác thì dài lắm không thể nói hết. Bây giờ quay sang nói về giáo sư Lý Chánh Trung. Ông ta từng một thời dạy học tại đại học Văn khoa Saigon và ông cũng nổi tiếng như một trong số những người khuynh tả của thời đó. Người viết bài phóng bút ngắn, chớp nhoáng này cũng có học những tiết của môn đạo đức học với ông. Tất nhiên tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của ông cũng có những nét khá lập dị như hình ảnh của ông Võ Nguyên Giáp mà nhiều người từng thấy ở Miền Bắc. Giáo sư Trung đây là người thiên chúa giáo, nhưng ông quả thật là người có phần nặng về tư tưởng duy vật vô thần của Mác. Đó là điều nghịch lý mà qua các bài viết lách của ông người ta đều thấy rõ. Tức dường như giáo sư Trung có cả hai niềm tin, hai niềm tin hoàn toàn trái ngược nhau trong cùng một con người, niềm tin vào đạo công giáo và niềm tin vào học thuyết Mác và chủ nghĩa Mác. Ông nói ông là người đồng hành mà không phải là đồng chí của những người cộng sản mác xít có thể có nghĩa là như vậy. Nhưng đồng hành mà không đồng chí cũng có nghĩa là đồng sàng dị mộng, hay đồng mộng dị sàng chẳng rõ cái nào đúng hơn cái nào là như thế. Thật ra ông cũng kiểu như thượng tọa Thích Trí Quang trong Phật giáo thời đó. Tức hai người đều làm chính trị, nhân danh hay đứng chân trong tôn giáo để làm chính trị kiểu trần thế. Nói thật tôi là người không có tôn giáo nào cả, nhưng tôi cũng không phải là người vô thần hay duy vật, ngược lại tôi là người duy tâm và là duy tâm triết học hoàn toàn trái ngược lại với Mác. Mác cho tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, tôi thì không nghĩ như vậy, nhưng quan niệm rằng bất kỳ điều gì đã từng xuất hiện và tồn tại lâu dài trong lịch sử nhân loại thì đều phải có cái lý riêng của nó. Do vậy tôi cũng chủ trương tôn giáo và chính trị cần độc lập. Chính trị không nên xen vào tôn giáo và tôn giáo cũng vậy. Mỗi người phải có con đường riêng và chí hướng riêng. Xen cạ vào nhau như thế chỉ có thể lợi dụng nhau mà không ngoài gì khác, bởi vì nước sông nước giếng không phạm nhau là điều tốt nhất. Nhưng chắc các vị như Thích Trí Quang và Lý Chánh Trung không nghĩ như vậy. Còn đối với nhiều người cũng một thời đồng lõa với điều đó như một số nhà sư ở Ấn Quang hay một vài linh mục như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, hoặc ni sư Huỳnh Liên thì chẳng nói làm gì. Chính họ đã dùng tôn giáo để lũng đoạn chính trị hay chính trị hóa tôn giáo dưới hình thức tôn giáo hóa chính trị để lôi kéo nhiều người mà không gì khác.

    Nên nói chung lại các quan điểm của giáo sư Lý Chính Trung thực chất đều là các quan điểm mác xít, mác xít về tôn giáo, mác xít về lịch sử, mác xít về xã hội, cuối cùng là mác xít về chính trị trong chính hệ thống tư tưởng khuynh tả của ông. Như khi ông lý luận về thiên đàng, về Thượng đế, về tổ quốc, về dân tộc cũng đều chỉ mang duy một màu sắc như thế. Tức niềm tin của giáo sư Trung đã hoàn toàn biến đổi, hay cái nọ xọ cái kia, lý luận về Thiên chúa của ông bản chất chí mang tính vô thần, lý luận về tổ quốc của ông bản chất chỉ mang tính cách xã hội chủ nghĩa, còn lý luận về chính trị hay đạo đức của ông hoàn toàn chỉ mang tính mác xít. Đó là điều độc đáo hay điều lạ lùng của vị giáo sư khuynh tả này chính là vậy. Nên nói tóm lại, niềm tin và tri thức là hai thứ hoàn toàn khác nhau, nhưng đối với giáo sư Trung dường như nó hoàn toàn ngược lại. Bởi tri thức thường nghiệm thì không thể vượt qua được giới hạn của thường nghiệm, tri thức khoa học không thể vượt qua được giới hạn của khoa học, còn niềm tin thì người ta lại không còn biết đâu là bờ bến. Nói cách khác đi niềm tin khuynh tả của giáo sư Trung thời đó vẫn chỉ dựa vào tri thức thường nghiệm, tức qua tin đồn, qua vận động tuyên truyền mà không hề qua tri thức khoa học khách quan thật sự. Nên câu chuyện được ông Nguyễn Văn Lục kể về vị giáo sư này khi ra Miền Bắc sau năm 1975 bị một chị chèo đò gạt khiến giáo sư hồn vía lên mây cũng chỉ là điều hoàn toàn thú vị. Mà ngay như Mác khi đưa ra lý thuyết của mình cũng chỉ phần lớn dựa vào niềm tin thế thôi, niềm tin vào chân lý khách quan của biện chứng luận Hegel mà Mác tưởng hay cho là thế cũng có gì đâu mà lạ. Thế nên niềm tin là quyền của mỗi người, nhưng tri thức khoa học phải là điều thống nhất cho tất cả mọi người. Không thể nhập nhằng giữa niềm tin và tri thức khoa học. Có nghĩa chính trị phải cần dựa vào tri thức khoa học mà không thể dựa vào niềm tin kiểu như Mác, như giáo sư Trung hay mọi người cộng sản đều vướng. Niềm tin vào ý hệ, niềm tin vào học thuyết, niềm tin vào lãnh tụ bị đem chính trị hóa, biến nó thành niềm tin tôn giáo trong chính trị cho toàn xã hội, cho mọi người, thật là điều chủ quan, sai trái, phi lý và phi tự do dân chủ không thể nào nói hết. Mác cho rằng tôn giáo, chính trị, triết học, nói chung là văn hóa đều là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, tức sản phẩm của vật chất. Bởi vậy Mác cho rằng mọi cái gì trong xã hội tư sản đều mang nền tảng duy tâm, nhưng đều từ nguồn gốc vật chất mà ra. Nhưng cái tiếu lâm của Mác là không giải thích được hay không bao giờ muốn giải thích lộ trình cụ thể của thế giới vật chất chuyển qua thế giới tinh thần là như thế nào, lý do nào để có điều đó, và nếu thế thì toàn xã hội, toàn lịch sử, trong đó có học thuyết Mác và chủ nghĩa cộng sản do Mác đề ra cũng còn có chút xíu gì đâu ý nghĩa nữa mà hăng hái nhào đến như kiểu giáo sư Lý Chánh Trung vào một thời chẳng hạn. Người trí thức mà không biết dừng lại ở ngưỡng tối hậu của tri thức khoa học để cho bị rơi tỏm vào niềm tin không phải chuyện vẫn chính là kiểu như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (29/6/16)