Chí Phèo
Nam Cao
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!” Không ai lên tiếng cả.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bản điện tử DCVOnline | 2016
SỨ MẠNG CỦA VĂN NGHỆ
Văn nghệ ở đây chỉ chung văn học nghệ thuật. Trong đó thi ca phong phú nhất mặt hình thức, nhưng lại nghèo nàn hay hạn hẹp mặt nội dung. Sân khấu kịch nghệ dễ đi vào lòng người nhất nhưng chỉ chóng qua. Chỉ có văn học nói chung là sân chơi dài hơi nhất trong nhiệm vụ phản ánh xã hội. Thơ kiểu tình tứ, lãng mạn, hiếu hỉ, tình cảm riêng tư thì lúc nào cũng có, khắp nơi vẫn có, cũng chẳng mang lại các ý nghĩa, giá trị hay tích sự gì cho ai. Trừ phi tác phẩm thi ca dài hơi đặc sắc như Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm Khúc, không những là những áng văn chương tuyệt tác, chúng còn chứa đầy những tư tưởng, ý thức nhân sinh xã hội.
Bởi vậy tác phẩm văn học về tiểu thuyết hay truyện ngắn của Việt Nam trong thời cận đại, hay thời tiền chiến, thì có rất nhiều. Nhưng nếu các tác phẩm thuần túy hoặc chủ yếu giải trí như Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương tuy một thời nổi tiếng nhưng cũng chẳng có gì đáng nói. Chỉ riêng tác phẩm như của Nam Cao thì hoàn toàn ngược lại. Như truyện Chí Phèo chẳng hạn, cho thấy Nam Cao không những là nhà văn xuất sắc, một chân tài văn học lớn lao thật sự, nhưng còn là một nhà văn học hiện thực xã hội khó ai qua mặt được của nước ta.
Trong Chí Phèo, tư tưởng và cảm xúc của Nam Cao rất hàm súc và tinh tế. Ông tỏ ra rất hiểu biết và hiểu biết rất sâu về con người và xã hội. Nhưng nhận xét và phân tích tâm lý nhân vật của ông rất sâu sắc, trung thực, chân thành, khách quan, và hoàn toàn đúng đắn. Đọc Chí Phèo người ta thấy có hai tuyến nhân vật chính, tiêu biểu cho xã hội một thời, đó là tầng lớp trên như kiểu Bá Kiến, và tầng lớp dưới dáy như kiểu Chí Phèo, Thị Nở. Tầng lớp giữa là số đông chẳng cần gì nói. Nhưng thiểu số đặc biệt đáng nói lại là lớp thống trị làng xã và lớp nghèo mạt làng xã. Thế nhưng ở đây Nam Cao không hề lên án xã hội theo kiểu đấu tranh giai cấp máy móc, giả tạo. Văn cao lại chỉ là nhà văn hiện thực xã hội theo quan điểm tự nhiên, và là một nhà văn hiện thực xã hội rất lớn và cũng hết sức trung thực. Bởi vậy đọc Nam Cao, người ta cảm xúc ngay một xã hội khách quan, một xã hội về tính người thật sự, không phải xã hội kiểu công thức, kiểu khẩu hiệu hoặc tình cảm hay cảm xúc giả tạo của tuyên truyền chính trị. Sứ mạng của văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học của nhà văn lớn Nam Cao chính là ở đây.
Đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố, cũng là tác phẩm hiện thực xã hội, tác phẩm từng một thời làm say mê lòng người, nhưng đó là kiểu hiện thực lãng mạn, đẹp đẽ, không phải cách hiện thực trần trụi, cay đắng, ngậm ngùi như Chí Phèo của Nam Cao. Có nghĩa sứ mệnh là văn là phải thực lòng, phải cảm xúc chân chính, phải tự do diễn đạt, để nói lên những vấn đề lớn của xã hội, của thời cuộc, nói lên những chủ điểm muôn đời của con người và xã hội. Đó là sự đóng góp về mặt nghệ thuật và tư tưởng của nhà văn. Sứ mạng xã hội của nhà văn, của văn nghệ hay văn học nghệ thuật nói chung là ở chỗ đó. Nó hoàn toàn khác với cách đóng góp của nhà tư duy, nhà tư tưởng, hay nhà khoa học. Những con người sau thì đóng góp cho xã hội bằng tư tưởng thuần lý, bằng phân tích khách quan của lý trí. Trái lại nhà văn, nhà nghệ thuật thì đóng góp bằng sáng tạo, bằng nghệ thuật, đó là sứ mệnh hay con đường đi riêng của họ.
Đây cũng là kiểu nghệ thuật vị nhân sinh, mà để thực hiện được như thế, trước hết nghệ thuật đó cũng phải sống cho nó, vì nó, tức phải có ý nghĩa nghệ thuật thì mới tồn tại được lâu và có người đọc. Bởi vậy kiểu nghệ thuật vị nhân sinh theo kiểu tầm thường, kiểu giả tạo, kiểu tuyên truyền chính trị suông thì chẳng mang ý nghĩa hay giá trị gì thực chất cả. Những cái gọi là văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa từng một thời rùm beng, thực chất không phải văn học nghệ thuật hiện thực mà chỉ kiểu theo chỉ đạo, theo công thức, chỉ hoàn toàn hình thức, giả tạo, không có chân lý, không có sự thật, không có sức sống khách quan, rồi qua một thời kỳ dài cũng sẽ bị đào thải tất cả, chẳng để lại bất kỳ giá trị nào cho đời, cho con người, như kiểu văn học Liên Xô, Văn học cộng sản Trung Quốc, văn học của mọi xứ cộng sản trong quá khứ nói chung chỉ toàn kiểu như thế.
Nên những con chim đầu đàn một thời trong quá khứ của thứ văn học hiện thực đó, như Tố Hữu, Trương Tửu, thực chất đều chỉ là những hạt sạn, bởi đều nói hươu nói vượn ngoài miệng mà không hề vì xã hội, vì con người trong tâm can hay cảm xúc thật sự. Điều đó hoàn toàn khác hẳn khi người ta đọc Nam Cao mà cụ thể là tác phẩm Chí Phèo. Nam Cao chẳng cần ai lãnh đạo, chỉ đạo cả khi ông ta viết Chí Phèo. Nhưng đó là một tác phẩm văn học để đời, một sứ mệnh nhà văn chân chính mà chính tự ông thấy có nhiệm vụ thực hiện mà chẳng cần ai xỏ mũi hoặc nắm đầu kéo theo kiểu hình thức hoặc giả tạo cả.
Trong Chí Phèo người ta thấy tâm lý rất khách quan, chính đáng của Bá Kiến, của Chí Phèo, của Thị Nở, cùng các nhân vật phụ khác. Đó là toàn thể bức tranh về con người và xã hội nhất định. Chính tâm lý cá nhân con người làm nên tâm lý chung của xã hội mà không là gì khác. Chỉ cần mô tả chân thực tâm lý cá nhân, người ta hiểu ra tâm lý xã hội, cơ chế khách quan, tự nhiên của xã hội mà chẳng cần gì lòng vòng theo cách phịa đặt hoặc giả tạo. Ở trong một cơ chế xã hội nào đó không ai thoát ra khỏi nó, cả giai cấp trên cùng và giai cấp tận đáy cũng thế. Bởi xã hội thực chất chỉ sống, tức chỉ tồn tại một cách khách quan. Họ không phải là nhà văn, nhà khoa học, nhà triết học để suy nghĩ sâu xa gì hết. Lên án giai cấp chỉ là lên án giả tạo, cả lên án cơ chế xã hội cũng là lên án giả tạo. Bởi thay đổi một cơ chế là sự đóng góp của toàn thể mọi người, của phát triển lịch sử nói chung, không ai tự mình theo chủ quan có thể làm được. Đấu tranh giai cấp trong xã hội thực ra cũng chỉ là đấu tranh tâm lý về giai cấp trong xã hội loài người, nó không phải cái gì huyền hoặc hay mê tín kiểu phản khoa học khách quan mà Mác đã tưởng tượng.
Chí Phèo, Thị Nở đều là những nhân vật cùi đày trong xã hội. Không phải tất cả mọi người dưới dáy xã hội vào một thời nào đó đều là như thế, nhưng đó là những thứ tâm lý riêng, những điều hoàn cảnh, điều kiện sống khách quan của họ. Đó là hoàn cảnh hay định mạng của họ. Người khác không dễ gì thay đổi được họ, mà tự chính họ cũng không làm được điều đó. Kiện tính cá nhân cũng như kiện tính xã hội là sự hội tụ khách quan đã tạo nên họ. Cả ý nghĩa tâm lý của Bá Kiến cũng thế. Không thể nói tâm lý Chí Phèo, Thị Nở là cao hơn Bá Kiến hoặc ngược lại. Quan điểm đấu tranh giai cấp kiểu ngu dốt, kiểu công thức, kiểu giả tạo, kiểu chính trị nông cạn chỉ có một thời tai hại mà không mang lại ý nghĩa nhân văn thiết thực nào cả. Đọc Chí Phèo của Nam Cao người ta mới thấy cái phi lý, cái độc ác của cái gọi là cải cách ruộng đất, của đấu tố dã man, phản nhân văn một thời của Miền Bắc vào những năm 1950 của thế kỷ trước là gì. Nên đọc Nam Cao người ta có thể thông cảm với chính những con người hiện thực, những nhân vật hiện thực được Nam Cao hình tượng hóa một cách tiêu biểu, đại diện cho các giai tầng, giai cấp xã hội của họ. Cái đáng ghét vừa chỉ là do tâm lý tự nhiên của họ, vừa do hoàn cảnh xã hội mang lại, dù cho đó là ai, như Chí Phèo, Thị Nở, Bá kiến và cả vợ con, xóm giềng của nhân vật.
Tóm lại, ý nghĩa của nhà văn hay sứ mạng của văn học nghệ thuật là sự chân chính. Mọi sự đóng tuồng cách giả tạo đều phi nhân và phi lý. Nên cái gọi là văn học hiện thực theo kiểu công thức, kiểu chỉ đạo giả tạo, đó thực chất không hề là văn học hiện thực mà là văn học phi hiện thực. Bởi vì nó chỉ do tưởng tượng, do bày đặt để làm thỏa mãn thị hiếu của những ai đó, những kẻ có quyền, những kẻ xu nịnh hay bị ép buộc, nhưng nó thực chất không vi con người, không vì xã hội gì cả.
Nói chung ý nghĩa của văn nghệ, của nhà văn là sứ mệnh đóng góp, nhưng đó là đóng góp về cảm xúc, về tình cảm, về kinh nghiệm sống, nói chung là các mặt hiện thực, như đó không phải đóng góp về mặt tư duy hay khoa học kiểu của nhà tư tưởng, nhà khoa học. Bởi chỉ có khoa học và tư duy đúng đắn mới thật sự khách quan, chính xác, hiệu quả. Bởi vì chúng vượt lên trên tất cả cảm tính hay chủ quan mà chỉ hướng đến lý tính thuần lý hay khách quan. Đó là điều hoàn toàn khác nhau giữa ý thức hệ và khoa học. Bởi ý thức hệ có thể chỉ theo thiên kiến, thị hiếu của một hay một số người. Trái lại hoạt động khoa học và hoạt động tư duy là hoạt động phổ biến hay liên tục của cả dòng lịch sử, do nhiều người đóng góp theo thời gian, nên chúng vượt lên trên mọi cục bộ cá nhân, nhất thời là như thế. Các Mác là người duy nhất trong lịch sử nhân loại đã đưa ra một kiểu ý thức hệ thiển cận, chủ quan mà lại hoàn toàn độc đoán. Đó không những là sự sai lầm của bản thân Mác, một tội lỗi của bản thân Mác, nó còn kéo theo cả tội lỗi, thậm chí nhiều khi là tội ác của xã hội, đó là điều ghê gớm nhất mà lịch sử loài người từ thời cổ sơ nhất cho tới nay hoàn toàn chưa hề có. Không những mọi sự chân chính mới làm nên văn học nghệ thuật chân chính, mà cả mọi sự chân chính mới làm nên tư duy khoa học và tư duy triết học nói chung là như thế. Không có mọi sự chân chính cũng không thể có mọi sự chính danh, không có mọi sự chính danh thì mọi sự khác nhau cũng bất thành, đó là điều mà từ mấy ngàn năm trước kia Khổng Khâu đã từng nhận định. Nên đọc Chí Phèo của Nam Cao người ta thấy đó là một nhà văn chân chính, một nhà văn hiện thực xã hội chân chính khiến đọc nó mọi người đều cảm thông và cảm động chính là như vậy.
THƯỢNG NGÀN
(25/7/16)
Ông Thầy Ngàn viết hay quá!
Vừa triết lý, vừa văn chương…Viết luận sâu sắc như thế này, quả là một tay hiểu biết thượng thừa.
Khâm phục Thầy!