Một đời đã sống: Nguyễn Văn Bửu
Simon Owen | DCVOnline
Ông Nguyễn Văn Bửu là một người hành hương, một người hướng dẫn, một người cha trong gia đình, một người phục vụ. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1947 tại Phước Yên, Việt Nam; đã qua đời vào ngày 19 tháng Năm, năm 2016, ở Toronto vì ung thư tuyến tụy ở tuổi 69.
Ông Bửu lớn lên ở một làng nhỏ trồng lúa ở miền Trung Việt Nam. Gia đình ông nghèo và đông con, nhưng nhờ sáng dạ, ông đã là người đầu tiên trong tám anh chị em theo học đại học. Sau đó ông đã dùng bằng tốt nghiệp của mình trong một trường hợp đặc biệt: Trong nỗi đau của cuộc chiến gây chia ly cho đất nước, làng mạc, và mọi gia đình, Bửu đã đưa bằng tốt nghiệp của mình cho anh, đổi tên và ngày ngày sinh của chính mình để cứu anh không phải ra tiền tuyến.
Sài Gòn sụp đổ năm 1975 đã kết thúc chiến tranh nhưng đã gây thêm nhiều khó khăn cho những ai công khai nói về tự do chính trị và tôn giáo. Với vai trò một thầy giáo muốn trở thành thẩm phán cuộc sống của ông bỗng trở thành nguy hiểm; chế độ mới buộc ông đi “cải tạo” và hàng ngàn người khác, những người không phù hợp với ý thức hệ cộng sản. Trong môi trường làm mất tính người này, sự can đảm của Bửu đã đem đến tình yêu; sự đối kháng với hệ thống đương quyền và sự che chở cho các đồng nghiệp dễ bị tổn thương làm một giáo viên để mắt đến ông. Mặc cái thòng lọng của nhà nước trong cuộc sống hàng ngày, Bửu và Huỳnh Kim đã kết hôn và bắt đầu xây dựng gia đình ở Sài Gòn.
Nhưng hiểm nguy và sự hạn chế trong cuộc sống ở Việt Nam sớm trở thành không thể chấp nhận được. Vào đêm 1 tháng Bảy năm 1980 đôi vợ chồng trẻ đem con thơ hai tuổi, Chiêu Hiền, rón rén lội ra khỏi một đầm ngập mặn, lên một chiếc thuyền đánh cá dài 11 mét, không lâu sau đó đã hư máy trong biển động. Ba ngày lênh đênh trên biển, trên 100 người vượt biển trôi dạt không thấy bến bờ. Bé Chiêu Hiền suýt chết vì bệnh lỵ may thay một tàu buôn của Anh đã đến cứu kịp thời; Ông Bửu vẫn nhớ thân thể mềm oặt của con gái trên tay khi ông bồng con leo lên con tàu buôn để đến chốn bình yên.
Sau 100 ngày trong một trại tị nạn ở Philippines, gia đình ông đến ở Toronto vào cuối tuần Lễ Tạ Ơn. Chỉ với 13 đô-la phụ cấp tái định cư hàng ngày, ông đã đi tìm những vật dụng cần cho gia đình – nhưng không thể mua – dọc theo đường xe điện khắp thành phố. Nhưng lớp học tiếng Anh lại được miễn phí, Bửu và Kim lần lượt đi học nghề (ông học sửa chữa máy tính, bà học làm thảo chương viên) đồng thời làm bất kỳ công việc nào có được. Kim đi hầu bàn và may ăn khoán; Bửu ngày làm trong các nhà máy và đêm ở ngoài đồng bắt trùng câu cá.
Vào giữa những năm 1980, cả hai đã có việc làm ổn định và đã sắm được một ngôi nhà nhỏ ở khu Queen Street East ( và ngay sau đó đã sinh thêm một em bé, Peter, và sự xuất hiện của năm người bà con được bảo lãnh). Tiếp theo là một căn nhà lớn hơn ở Scarborough. Chuyện của Bửu và Kim là một trong vô số những mẩu chuyện về sự thành công của người di dân ở Canada.
Giống như nhiều người nhập cư khác, Bửu sống ở một không gian không thể nhận thấy ở bề mặt của cuộc sống hàng ngày. Việc làm của ông, đến rồi đi theo những thay đổi bất thường cho nhân viên kỹ thuật trong nền công nghệ cao, luôn luôn đứng sau sự tận tuỵ của ông với gia đình, với cộng đồng, và đức tin Thiên Chúa giáo của ông (ông và Kim hướng dẫn một chương trình giữ gìn hạnh phúc gia đình nay đã có hơn 1.000 thành viên). Bửu Đã hoạt động tích cực trong Hội Người Việt ở Toronto; Khi cảm xúc của những người đã từ bỏ chế độ Cộng sản vẫn còn rướm máu và mâu thuẫn, sự khéo léo cá nhân của ông đã giúp vạch một khuynh hướng chính trị cho Hội.
Bửu qua đời tại nhà trước mặt người thân, những người đang sống ở ba châu lục, từ Việt Nam sang Pháp đến California. Cho đến ngày cuối cuộc đời, ông đã cho và đã nhận tình yêu, khối tình đã hướng dẫn hành trình của ông trong suốt cuộc đời – một cuộc hành hương của ngẫu nhiên, của hy vọng, và của phục vụ vị tha.
Tác giả con rể của ông Nguyễn Văn Bửu.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Lives Lived: Buuvan Nguyen, 69. SIMON OWEN. The Globe and Mail. Aug. 04, 2016.