Cái Tát
Hoàng Anh Tuấn
Tôi bắt được cái tên Diệu vào lúc hai giờ sáng, thèm thuốc lá và thèm viết truyện ngắn. Tôi lấy tên Diệu để gọi nhân vật chính của truyện ngắn mới khởi đầu. Diệu trong truyện là một cô gái có lối chào bằng mắt, vừa kín đáo, vừa đậm đà.
Bàn tay Diệu thô vụng nhưng Diệu có đôi má lúm đồng tiền làm tôi nghĩ rằng nếu có thật thì mình sẽ thích hôn lên đó. Viết mệt nhọc lắm mới hết ba trang giấy, tôi bỏ ngang ở chỗ Diệu ho lao nằm nhà thương Saint Paul.
Đúng chín ngày, trưa hôm nay, Diệu lại trở về với tôi trong hai nhân vật. Một cô Diệu tham nghe chuyện, tò mò luôn mồm hỏi tôi “Rồi sao nữa? Truyện em về sau thế nào?” và một Diệu “mới” khác Diệu ho lao lần trước. Diệu này hao hao giống cô ca sĩ nhỏ bé, chưa tên tuổi, có cặp mắt lẳng lơ và toàn thể ngoan, dễ thương, hay thẹn như cô em gái họ xa, đến cắn móng tay nhờ tôi giúp đỡ tìm hộ một chân thư ký đánh máy để có tiền cho em ăn học. Tôi nghĩ cô em gái họ xa đó vừa chịu tang bố . Diệu “mới” là cô gái tôi yêu không biết từ hồi nào, có lẽ mới yêu mà biết đâu chẳng là người yêu mấy năm về trước, tóc dài, mặt to, ưa đi học theo những con đường có nhiều hoa sấu rụng.
Dĩ nhiên Diệu là một nhân vật truyện, nhưng biết đâu Diệu chẳng dần dần theo ngòi bút để cuối cùng giống người tôi đang tưởng là tôi yêu, để cuối cùng Diệu trong truyện làm tôi say mê và yêu hình bóng nàng: Cô Diệu thật ở ngoài đời.
***
Thằng bạn chúm môi thổi khói thuốc lá vào tờ giấy tôi đang viết, nó hỏi:
– Mày viết cái gì?
Tôi bảo nó:
– Tao viết truyện ngắn, tên nhân vật là Diệu.
Nó gật gù:
– Có phải truyện cô bé hôm qua mày khen là dễ thương không?
Tôi bảo ‘Không’, rồi tôi lại gật đầu bảo “Phải”.
Cánh cửa hé một nửa; Diệu đứng bên trong, mặc áo hồng rất mỏng trông rõ đường đăng ten áo lót. Phía tôi đứng sáng hơn, phía bên trong vàng chật chội, mắt Diệu vẫn sáng trong, Diệu bảo tôi:
– Anh ra ngồi với các anh ấy đi, anh Nam thấy anh đứng đây lâu lại tưởng…
Diệu chỉ tay rất nhanh về phía mấy thằng bạn tôi, giọng nói làm nũng:
– Đấy! Các anh ấy đang cười em kia kìa.
Tôi trở về bàn ngồi với mấy thằng bạn, chẳng đứa nào nói đùa hay chế nhạo gì cả, chúng nó đang mải nói chuyện bài vở kỳ báo tới. Tôi hỏi mượn Nam cái bật lửa, nó đưa cho tôi điếu thuốc đang hút, nói vắn tắt:
– Mồi đi.
Đợi mãi mới thấy thằng anh em gọi là Cánh Sen gọi tôi:
– Thế nào mày?
Tôi định nói về người con gái đứng phía bên trong cánh cửa lúc nãy nhưng tôi nói khác đi:
– Có lẽ lần này tao có truyện ngắn.
Thằng anh em gọi là Bụng chỉ vào mặt tôi:
– Không có truyện ngắn thì tao giết mày!
Cô bé đứng bên trong cửa lúc nãy lên sân khấu hát. Hát dở nên tiếng vỗ tay rất thưa, thằng anh em gọi là Kinh có thói quen vỗ tay tuy không mấy khi nghe hát. Vỗ tay mấy tiếng, nó chợt nghĩ ra điều gì, cười nheo mắt:
– “Moa” vỗ tay cho “toa” đấy. Cám ơn đi.
Câu trêu ghẹo và cái cười của hàm răng khấp khểnh làm tôi thấy cần phải viết cái tôi đang muốn viết, nghĩa là Diệu.
***
Lúc ấy trời mưa xong, nắng chói như gắt gỏng, không khí oi ả tăng lên mấy độ. Lưng áo tôi ướt dán vào thịt. Tôi đứng trước nhà Diệu nhìn cánh cửa gỗ, hình dung một khung cảnh nghèo nàn phía bên trong. Chắc giữa những đồ vật cũ tối, con người Diệu sáng lên như một thiếu nữ khỏa thân đứng trước bức tường ám khói. Tôi không biết trường hợp người ra mở cửa không phải là Diệu thì tôi hỏi han ra sao. Tôi liều gõ tay vào cánh cửa. Cánh cửa chỉ khép hờ nên kẽo kẹt mở ra. Căn phòng đủ sáng. Tôi thấy con búp bê Nhật Bản đứng trong lồng kính trên nóc tủ đựng áo, tôi thấy Diệu ngồi chải đầu, quay lưng ra phía cửa. Diệu nhìn thấy tôi trong gương, quay ngoắt lại mỉm cười. Tay vẫn cầm nguyên cái lược trắng.
Hà vừa đánh máy xong một truyện ngắn của thằng bạn mà anh em gọi là Đồ Nho. Hà cho tôi hay thằng Bụng hẹn gặp tôi lúc năm giờ chiều.
Hà mắt một mí, đuôi mắt dài đưa nhếch lên, mang cái buồn của cô gái chưa muốn vào đời nhưng đã phải vào đời. Cái buồn ấy làm tôi muốn gợi chuyện. Hà vâng dạ lễ phép quá, tôi biết cô còn bỡ ngỡ, còn sợ, còn đắn đo chưa quen cái thế giới của bọn chúng tôi, tuy cô đã ở trong cái thế giới đó rồi. Bọn chúng tôi chắc sẽ nói đến Hà, nói đến một cách vô tư, có khi không biết người con gái mình nói lại là Hà.
Tôi biết từ nay trước những chai “33” câu truyện chúng tôi nói với nhau sẽ thoáng có tên Hà. Dù thằng anh em gọi là Bác Giai có cấm tôi mang truyện nhà mình ra nói, lần này tôi cũng vay mượn ít nhiều nét của Hà cho Diệu của tôi.
Hà vừa nói:
– Mưa có một tí lại nắng.
***
Diệu nhìn khoảng sáng chỗ cửa hé, sau lưng tôi:
– Mưa có một tí lại nắng. Anh vào đây chơi. Xin lỗi nhé, em xong ngay đây.
Tôi muốn Diệu nói khác đi: “Vào đây anh, chờ Diệu chải đầu một tí nhé.” Tôi còn mê cái đẹp học trò, còn mê những câu nói điệu của tuổi chơi búp bê.
Diệu quay người lại, đăm đăm nhìn vào mắt tôi:
– Em không ngờ anh lại thăm em đấy!
– Anh thích những gì bất ngờ.
Diệu cười nghiêng đầu, mắt lẳng lơ như cô vũ nữ lúc chạy bàn. Tôi đến gần Diệu nhìn vai nàng, sau lần áo mỏng thấy rõ hai đường giây vải. Bàn tay tôi đặt lên chỗ xương vai rồi nhẹ nhàng tràn xuống lưng. Diệu ngả người về phía sau, ngửa mặt nhìn tôi. Diệu gọn trong cánh tay tôi. Vừa lúc tôi định ôm lấy Diệu thì nàng chuyển vai thoát khỏi vòng tay, nàng đặt ngón tay lên môi tôi, giọng nhỏ hẳn đi:
– Sao anh hư thế?
Tôi có cảm giác như cả trăm ngọn đèn cùng bật lên một lúc và một phần hình hài tôi trở nên dư thừa không có chỗ giấu. Diệu cười ròn, cặp mắt cũng cười và hình như cả hai vai cũng cười nữa.
Hình ảnh Diệu hát trên sân khấu giải ra trước mắt tôi. Nét lông mày kẻ đậm như vết mực đổ, cặp mắt nhìn nghiêng sóng lên một thứ màu đen có ánh sáng và nụ cười luôn luôn ngỏ cửa.
Tôi thành một người nghe ca nhạc cô độc. Diệu trở nên người ca sĩ đơn chiếc. Chỉ có hai người: Diệu và tôi trong căn phòng nhỏ. Vậy mà tôi vẫn thấy cách biệt như giữa hai chúng tôi có một hàng người chăm chú trên những trang báo hàng ngày mở rộng. Không khí cũ trở về cùng với câu nói chân thật:
– Em biết anh muốn nói gì nhưng em cũng biết nếu em chiều theo cái ý muốn của anh, em sẽ không gần anh nữa.
Ý niệm gần, xa trừu tượng vẫn đủ giá trị một bài thơ độc vận dùng toàn những chữ tối nghĩa. Diệu nói như vậy vì nàng chợt cảm thấy, nếu bảo nàng nói lại thật rõ, chắc chắn nàng sẽ không hiểu chính câu nàng vừa nói ra. Với Diệu, tôi hay gặp những câu nói tương tự, lần nào tôi cũng thấy ngay điều nàng muốn nói nhưng không thể nào thấy rõ và hợp lý như một con tính cộng chẳng hạn.
Diệu đến ngồi trên thành ghế, lấy tay ép vào chỗ những sợi tóc cứng trên đỉnh đầu tôi. Chúng tôi nói với nhau những câu kẻ yêu nhau hay nói, chỉ có nghĩa riêng với mình – trong khoảng thời gian nhất định – nên tôi không muốn viết lại làm gì. Trong lúc nói chuyện, một vài lần tôi nhận thấy Diệu đẹp óng hẳn lên. Hình như lúc ấy tôi yêu Diệu hơn những lúc khác. Một vài lần tôi cũng chợt nhìn thấy những nét không đẹp của Diệu: Hàm răng không đều, hai góc môi kéo xuống; lúc đó tôi không cảm thấy kém yêu Diệu, trái lại tôi vẫn tìm cách lý luận bàn tay và ngón tay để thấy Diệu “dù sao” cũng đáng yêu.
Mười một giờ có người về: Một cô bé tóc dài, mặc áo trắng. Tôi tạm gọi cô bé đó là Lan cho dễ viết. Mắt Lan buồn, hay nhìn xuống. Tôi gọi Lan là “cô bé” vì một thói quen không biết khởi đầu từ bao giờ, tiếng đó dành cho những người con gái có thân hình nhỏ bé mà tôi có chút cảm tình, có khi người tôi gọi là “cô bé” còn nhiều tuổi hơn tôi.
Lan lí nhí chào tôi, nhìn kỹ tôi thấy Lan không đẹp bằng Diệu, tuy dáng điệu còn hồn nhiên, mang nhiều tính chất nữ sinh trong kiểu tóc bàn tay, nhưng so với Diệu, Lan có vẻ già hơn Diệu.
Lan đi khuất vào sau tấm màn vải hoa sặc sỡ ngăn đôi phòng ngoài và phòng trong thì Diệu kêu nàng:
– Lan! Sao hôm nay đi học về sớm thế?
Tôi chợt hiểu Diệu là chị Lan.
Lan trở ra, nhìn tôi với lối nhìn gần như thù oán, rồi trả lời chậm rãi như miễn cưỡng phải trả lời:
– Giáo sư ốm không đến dạy.
Diệu không biết hỏi câu gì nữa để tỏ ý săn sóc em, nàng lặng lẽ giũa móng tay. Lan vẫn đứng yên chờ đợi những câu hỏi khác. Khoảnh khắc im như chết ấy làm tôi ngượng và khó chịu: Trong căn phòng này tôi là một người thừa. Tôi đứng dậy ra về.
Cánh cửa gỗ kẽo kẹt đóng lại. Tiếng kẽo kẹt vừa dứt, tôi nghe thấy tiếng cười của hai chị em Diệu và Lan bện lấy nhau. Tôi phân vân tự hỏi hai chị em Diệu cười chế nhạo tôi hay họ cười vì chợt cảm thấy sự im lặng của họ là vô nghĩa?
Tiếng cười của hai chị em Diệu ám ảnh tôi cho đến khi về tới nhà, cho đến khi đi vào giấc ngủ.
***
Tôi thức giấc vào lúc bốn giờ chiều, đói đến nhẹ cả người, tiếng cười của hai chị em Diệu không còn đủ rõ để tác động tới cảm nghĩ của tôi nữa.
Tôi bước ra đường mang theo cái ẩm mốc của căn phòng nhỏ, cho màu nắng mở rộng. Tôi sắp sửa bước chân lên tắc xi thì nghe thấy tiếng gọi khe khẽ sau lưng. Tự nhiên tôi thấy khó chịu khi nhận ra Diệu. Tôi bảo Diệu lên xe với ý nghĩ mời vớt. Diệu không từ chối, tôi còn thoáng thấy mắt Diệu cười. Tôi ngồi bên Diệu, đóng cửa và vô cớ bảo tài xế lái chúng tôi tới một địa điểm vắng người, cái vô cớ không chủ định đôi khi cũng bao hàm một ý thức thoáng hiện thoáng tan; một ý thức nghiêng nhiều về sự muốn tội lỗi của con người chán chường đến độ buông thả.
Diệu cào móng tay vào đầu gối tôi, giọng nói nhỏ và vướng víu:
– Anh lại đằng em.
Tôi biết Diệu nói chưa dứt ý nên lặng lẽ để nàng nói tiếp:
– Chiều nay em Lan đi vắng chỉ có mình em ở nhà, anh lại chơi nói chuyện với em, tối nay em muốn anh đưa em đi hát.
– Em ăn cơm chưa?
– Anh ăn cơm chưa?
– Chưa.
– Em cũng thế.
– Chúng mình ăn phở vậy.
– Dạ.
Tôi gọi tài xế mượn bao diêm hút thuốc và bảo ông quẹo sang con đường khác, y nhìn tôi với lối nhìn đồng loã dồn cả vào đuôi mắt làm Diệu đâm ngượng, quay mặt nhìn cửa kính. Tôi chợt có những ý nghĩ không đẹp, cử chỉ của Diệu tôi đã bắt gặp vài lần ở những chỗ tối tăm; một góc quán hủ tíu bến xe đò lục tỉnh, một góc chõng tre trong căn nhà lá ngoại ô, chéo phòng thay đồ nhỏ như cái chuồng xí ở tiệm khiêu vũ. Tôi quàng tay lên vai Diệu một cách giả dối:
– Em có bằng lòng làm vợ anh không?
Diệu không trả lời. Gã tài xế cười, một chiếc răng vàng ánh lên tia tinh quái.
***
Trên đường đưa Diệu tới phòng trà, óc tôi mới đủ trống phẳng để nhớ lại mấy giờ đồng hồ sống với Diệu một cách toàn vẹn như vợ chồng. Cuộc sống ấy khởi đầu khi những nét sợ sệt nơi mắt Diệu nhoà đi nhường chỗ cho một thứ lửa nguội vừa lả lướt, vừa ngổ ngáo: Khi hai bàn tay Diệu cào mạnh vào tóc tôi và cuộc sống lịm đi như giấc ngủ trưa, lúc Diệu bật diêm châm thuốc lá cho tôi và câu nói vuốt ve: “Em gọi mua cho anh tô mì nhé? Anh nhé?”
Chỉ có mấy giờ đồng hồ mà cái liên lạc giữa Diệu và tôi mang một bộ mặt khác. Cái thơ mộng, sôi nổi lúc ban đầu chìm hẳn xuống, chỉ còn một cái gì rộng, nhẹ và gần gũi đến nhàm chán. Diệu không giấu đậy, thay áo trước tôi như trước một bức tường – không có gương chiếu – và tôi cũng không cần che miệng ngáp to trước sự có mặt của nàng. Tôi không tìm thấy gì cả dù chỉ là một sự chán chường nhờ nhờ sắc xám, một nỗi buồn ẩm ướt hay dư vị ê chề của những đợt cảm giác nhờn mỡ.
Tôi biết Diệu đã cầm tay tôi bước qua một biên giới cấm, tới chỗ mà cảm giác không còn gợn nổi lên bề mặt. Tôi ngồi sát Diệu hơn. Tôi nắm lấy bàn tay Diệu chặt đến nỗi nàng phải kêu đau.
***
Diệu và tôi đi vào cái không khí sống vội, vui cố một cách gượng gạo của phòng trà. Vẻ náo nhiệt tụ lại chuyển vào cái lặng thinh bơ phờ của chúng tôi một ít màu sắc. Nụ cười chớp nhanh trên môi Diệu, bước chân của tôi vướng dần vào điệu nhạc. Tôi đưa Diệu vào hậu trường – cái việc thông thường của tất cả những kẻ tình nhân ca sĩ, trong cái công việc thường đó có những điểm, những nét kiêu hãnh rất hồn nhiên – Tôi ra kiếm một cái bàn trống ngồi chờ lũ bạn đến. Bao nhiêu suy tư thắc mắc cởi hết, tôi muốn sống xa rời thực tế để vui như kẻ tính toán những việc phải làm trong trường hợp trúng số độc đắc.
Thằng bạn anh em gọi là Nhóc tới báo cho tôi biết hôm nay cả làng kéo sang vũ trường Văn Cảnh để ăn khao một thằng bạn vừa có sách xuất bản. Cuộc sống lệch lạc và nhiều mặt của vũ trường cám dỗ tôi quá, nhưng sự có mặt của Diệu làm tôi lưỡng lự: Tiếc một cuộc vui hứa hẹn nhiều quên lãng thực tại nhưng vướng mắc một sợi tóc nhỏ đang cố bám vào má mình. Tôi nhìn đồng hồ, khất lần một chai bia, rồi một chai bia nữa.
Diệu vừa hát xong một bài, đưa mắt nhìn tôi trước khi cúi đầu chào khán giả. Tôi vụt sợ khi nhận thấy lối nhìn tròn quá, không còn một nét sắc nào; lối nhìn của người đã nắm chắc một cái gì, có thể bỏ vương bất cứ lúc nào cũng không mất, khi nào cần lại tới kiếm và nhặt lên.
Tôi vào hậu trường tìm Diệu, không biết để làm gì. Diệu đứng chải lại mái tóc có vẻ chưa vào nếp, thấy bóng tôi nàng đưa cho tôi cái lược, lấy cái găm tóc cắm giữa hai hàm răng, gài lên tóc. Tôi cầm cái lược trơ trẽn như anh chàng mới lớn được cha mẹ đưa đi xem mắt vợ. Tôi nói một câu không chủ định để có chuyện:
– Các anh ấy đi nhảy cả rồi.
– Sao anh không đi?
Tôi ấp úng muốn nói là tôi phải ở đây vì sự có mặt của Diệu nhưng có một nụ cười buông ra từ môi Diệu, buộc chặt lấy câu nói tiếp theo khác của tôi.
Diệu để nhẹ bàn tay lên vai tôi:
– Anh cứ “sang bên ấy”, lát nữa trở lại đón em.
Diệu ngang nhiên tự cho mình cái quyền được buông thả hay ràng buộc tôi! Tôi không nói nhưng thầm nghĩ rằng: Diệu không có một chút quyền hành nhỏ mọn nào trong cuộc sống của tôi cả. Muốn hay không là do ở nơi tôi, tôi nhận là Diệu có ảnh hưởng tới tôi nhưng ảnh hưởng trong tôi, nơi tôi chứ không phải lệnh truyền ra từ Diệu. Tôi nói với vẻ tự nhiên tìm được, góp lại:
– Anh muốn ở lại nghe B. Ch. hát.
– Hát bản “Nỗi lòng”?
– Phải. “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh, bản anh mê nhất.
Diệu cấu vào cánh tay tôi đau điếng. Cái nhói buốt tôi vừa tiếp nhận mang trọn vẹn cảm giác lần hôn môi đầu tiên. Tôi khẽ vuốt má Diệu, nàng ngượng ngùng nhìn xuống. Những cái đẹp thuở mới yêu cùng một lúc xanh lên phơi phới.
Tôi trở về bàn ngồi nói chuyện với Nhóc về thơ tự do, một đề tài rộng không có chiều ngang, chiều dọc, rất thích hợp nếu dùng để đốt thì giờ.
***
Hai người mặc áo cởi hết ba khuy trên, nói chuyện nhảm rành rọt như ngồi trong phòng kín.
Hai người đó ngồi sát cạnh bàn tôi. Tên mồm vổ gãi mũi, nói bằng giọng lè nhè:
– Mày khoái con đó hả?
Tên trắng trẻo đẹp trai gật đầu:
– Con nào tao cũng khoái cả.
– Nhưng mày khoái con này hơn?
– Hơn những con khác chút xíu.
– Ngu! Mày thấy nó nhỏ như con chuột, ngây thơ như em gái mày, mày mê…
Y cười bằng cả hai hàm răng vổ, ngụm nước trà còn lại trong cổ họng reo lên. Y nuốt ực rồi nói tiếp:
– Mày mê con nhỏ đó thì hết đời rồi!
– Sao vậy?
– Nó ngủ với cả hàng trăm thằng.
Tên trắng trẻo không bằng lòng (tôi cũng thế), y nói hơi gắt:
–Nhưng mày nói con nhỏ nào mới được chứ ?
Y và tôi đều bám vào cái hy vọng mỏng: Tên mồm vổ nhầm người.
Tên mồm vổ nói thản nhiên:
– Con đang hát kia kìa.
Ca sĩ đang hát là Diệu.
***
Trên đường đưa Diệu về nhà tôi thấy tỉnh táo, sòng phẳng và yêu nàng thấm thía. Tôi quàng tay lên vai Diệu, ôm nàng, âu yếm dồn lên ngực đến gần nghẹn. Tôi muốn nói với Diệu, cố hết sức để nói với Diệu: Anh nhất định vẫn yêu em, anh nhất định vẫn yêu em.
Đèn đỏ ở ngã tư đường bật lên. Xe tắc xi dừng lại. Tôi hỏi mượn người tài xế bao diêm, y bảo, không biết hút thuốc nên không có.
(Tạp chí Hiện Đại số 3 tháng 6/1960)
Bút danh của tác giả là tên thật. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1932 tại Hà Nội. Ông đi học điện ảnh (L’Institut des hautes études cinématographiques ) ở Paris từ năm 1949, đến năm 1958 ông về Saigon. Ông làm thơ viết báo, làm phim. Từ 1975 đến 1978 ông đi tù “cải tạo”. 1979 ông được phép sang Pháp và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980. Tên tuổi ông được biết nhiều như là nhà thơ. Ông mất ngày 1 tháng 9 năm 2006 ở San Jose, California.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Văn Miền Nam, Tập I, THƯ ẤN QUÁN 2009, Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam, Trang 316-329.