Đại Học | Số 3 năm thứ V
Viện Đại học Huế
Trong bài này, chúng tôi muốn tìm hiểu hiện tượng nói tiếng tây. Cũng là nói, nhưng là người Việt nói tiếng tây. Đây chỉ là một khía cạnh đặc biệt của hiện tượng ăn nói. (Lý Văn Mọc, “Hiện tượng nói tiếng tây”, TCĐH, Số 3, tháng 6, 1962, trang 386.)
DCVOnline: Đọc thêm Nguyễn Văn Lục, Tóm lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học, October 22, 2015
NÔ LỆ VÀ TỰ DO NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KHOA HỌC VÀ TRIẾT HỌC
Tạp chí Đại Học (Huế) số 3 năm thứ V, tháng 6/1962 có bài mở đầu viết về ý nghĩa sự tự do và bài “Ý thức nô lệ” của Giáo sư triết học Trần Văn Toàn, cho tới giờ đọc vẫn bổ ích và thú vị. Đây là những ý nghĩa về con người và đời sống xã hội mà thời buổi nào cũng như lúc nào vẫn thường được đặt ra, song vẫn chưa một lần nào được giải quyết trong lịch sử thực tế, đó là cái gì hôm nay chúng ta hãy thử bàn đến.
Trước hết để lần theo phương pháp luận xác đáng, chúng ta thấy con người con người có phương diện cá nhân (chủ thể) và phương diện xã hội (tha nhân, người khác), phương diện ý thức (nhận thức) và phương diện công cụ (thân xác, đồ vật sở hữu). Cả bốn phương diện đó con người không thể nào không có, và ý nghĩa của tự do hay nô lệ cũng phải được nhìn từ đó.
Thân xác thật ra cũng là công cụ sở hữu của con người như mọi đồ vật khác mà con người có thể có. Con người sử dụng thân xác như là công cụ thể lý của mình, con người sử dụng đồ vật sở hữu như công cụ nối dài, bổ sung thêm cho thân xác, cũng như cả phục vụ cho thân xác của mình. Bởi vậy ý nghĩa sở hữu là ý nghĩa thật sự quan trọng, không sở hữu con người chỉ nghèo nàn và khô khốc nhất.
Thân xác và sở hữu có khi cũng bị người khác chiếm đoạt bất công, phi lý, bởi vậy sự tranh đấu cho tự do hay việc bị nô lệ vào người khác có khi cũng vì chỗ đó.
Song con người là sinh vật có ý thức và sự nhận thức, do vậy khía cạnh tự do hay nô lệ không chỉ chủ yếu ở mặt vật chất, thể xác, mà đặc biệt quan trọng nhất còn là chỗ ở sự nhận thức và ý thức. Chính từ chỗ nhận thức và ý thức mới làm con người trở thành người, mới giải quyết được tính tự do hay nô lệ một cách tích cực và hiệu quả nhất mà không phải chỉ ở vật chất hoặc thân xác.
Nô lệ có nghĩa bị ràng buộc vào sự vật hay với người khác khiến con người không còn tự do được nữa. Con trâu bị buộc vào cột là con trâu không có tự do. Con người bị ràng buộc vào người khác một cách không phản kháng được, tức con người bị mất tự do. Tự do như vậy trái ngược và hoàn toàn không thể đi song hành với trạng thái ràng buộc hay nô lệ.
Tự do thân xác và tự do về nhận thức, ý thức, đó đều là hai loại tự do căn bản mà con người cần có. Không có cái này tất cũng không thể có cái kia. Bị nô lệ mà không nhận thức ra được sự nô lệ, đó cũng hoàn toàn mất tự do mà mình tưởng có. Ý thức nô lệ chính là như vậy. Nó đánh lừa, nó ngụy tạo về sự tự do mà người đó ảo tưởng hoặc do người khác mang lại sự ảo tưởng cho người đó.
Như vậy cũng có nghĩa sự tự do trong xã hội phải đi theo với sự bình đẳng. Không bình đẳng là không có tự do, dầu mặt nào hay ý nghĩa nào cũng vậy. Bởi không bình đẳng có nghĩa bị người khác khống chế, người khác sai khiến, người khác làm chủ, người khác chi phối mình một cách giả tạo và cưỡng chế, thế thì còn nói tới sự tự do làm sao được. Mọi chế độ độc tài đều không phải là xã hội tự do, cho dù mọi tự ngữ được phát ngôn thế nào, đó là sự thật như vậy.
Bởi thế con người phải có những tự do căn bản như tự do về mặt pháp lý, tự do về mặt chính trị, tự do về mặt xã hội, và tự do về mặt bản thân. Tự do mặt pháp lý là tự do được hiến pháp quy định. Tự do về mặt chính trị là tự do trong bầu cử, ứng cử, và phát biểu chính kiến. Tự do về mặt xã hội là mọi quyền tự do được pháp luật bảo vệ. Tự do về mặt bản thân là đời tư và thân xác không thể bị ai xâm hại, chà đạp.
Bởi con người là sự hiện hữu gắn liền với xã hội, có nghĩa sự tự do không thể do mình tự quyết mà chính do được xã hội bảo đảm. Xã hội không bảo đảm cho sự tự do của con người, căn bản là con người đã mất tự do từ trong trứng nước, cho dù hình thức bên ngoài có thể chưa bị xâm phạm, nhưng không có gì bảo đảm thật tình hay thực chất cả. Trách nhiệm và ý thức về sự tự do của con người trước hết là ý thức và trách nhiệm của nhà nước mà không ai khác. Nhà nước không có ý thức, không có trách nhiệm này, coi như tự do của con người và của xã hội luôn bị treo lơ lửng, nó có thể bị rớt xuống hay rút xuống bất kỳ lúc nào, không có gì bảo đảm cả.
Nhưng thường thì nhà nước luôn có đủ mọi phương tiện để bảo đảm, hạn chế, hay triệt tiêu tự do của xã hội lẫn cá nhân con người. Những danh từ ngụy tạo, ý thức lừa dối của nhà nước, đó là điều nguy hại nhất cho tự do chính đáng của cá nhân và xã hội mà con người thường phải chịu. Những tuyên truyền chính trị giả dối hay giả tạo như thế nào đó có thể khiến con người bị mất tự do mà vẫn cứ tưởng mình tự do, lâu ngày ý thức tự do cũng không còn mà chỉ toàn ý thức nô lệ bị thay vào, đó là sự phi lý và sự phi nhân nhất mà thường trong các chế độ độc tài cả cá nhân và xã hội thường phải chịu đựng.
Bởi thế tự do kinh tế chính là tự do đầu tiên bảo đảm cho mọi tự do khác. Bởi tự do kinh tế là mỗi người được làm chủ hầu bao của mình, từ đó mới nói đến tự do chính trị, tự do văn hóa, và tự do xã hội. Nếu người khác nắm chặt hầu bao của mình, người đó chỉ có thể là nô lệ của người kia. Chế độ toàn trị từ A tới Z, chế độ bao cấp từ A tới Z của một thời trong quá khứ ở nhiều nước là kiểu như thế. Nên tư tưởng chuyên chính của Mác, nhân danh giai cấp, nhưng thực chất chỉ toàn bị con người lạm dụng và lợi dụng, đó không những là sự ngu dốt mà còn là sự phản động cực kỳ, nguy hiểm cực kỳ đối với xã hội và đối với con người từ tư tưởng của Mác.
Nói cách cụ thể hơn, tự do không phải tự nhiên mà có nhưng do sự nhận thức mới có. Loài vật hoàn toàn không có tự do, vì chúng không ý thức, không nhận thức được về sự tự do. Sự tự do của chúng chẳng qua là sự tự do vật giới. Như hòn đá rơi tự do, hạt mưa rơi tự do, gió thổi tự do, nước chảy tự do, mây bay tự do, có hay không có cũng chẳng trở thành vấn đề gì. Con người ít học vẫn, ít tư duy, ít hiểu biết cũng thế, chỉ ý thức được về tự do thân xác mà không ý thức được gì nhiều về tự do trí tuệ, tự do tinh thần, tự do nhận thức. Do vậy nghe nói sao người ta cũng chấp nhận được, không có gì để phản kháng, không có gì để ray rứt, không có gì để đòi hỏi, để bận tâm hay để yêu cầu cao hơn thế. Đó là lý do tại sao quần chúng dễ bị ru ngủ còn trí thức thật sự thì khó bị ru ngủ, là lý do để Mao Trạch Đông cấp trí thức không bằng cục phân là như thế. Bởi quần chúng thì xứng đáng là cục phân để nuôi lớn cái cây tham vọng quyền lực riêng tư của cá nhân họ Mao nhiều hơn.
Có nghĩa ý thức tự do hay ý thức nô lệ thường đi đôi không những đối với nhân cách mà còn đối với cả nhận thức, ý thức của con người. Con người có nhân cách, có ý thức, có nhận thức, thường chỉ đòi hỏi sự tự do mà không chấp nhận sự nô lệ, cho dù khía cạnh nào thì cũng vậy. Nhưng con người kém những thứ đó thì luôn coi trọng vật chất hơn tinh thần, coi trọng lợi lộc riêng hơn nhân cách, bởi vậy dù nô lệ về ý thức nhưng có chút lợi ích bản thân thì cũng luôn chấp nhận được. Sự nô lệ của ý thức có tính quyết định như vậy, nên mọi sự ngu dân đều là phương thức mà mọi chế độ độc tài đều thường áp dụng là như thế. Có nghĩa mọi chế độ độc tài đều hạ con người, hạ xã hội xuống ngang tầm đồ vật, sự vật để toàn quyền cai quản như kiểu cai quản thế giới đồ vật mà tự chúng không hề hoàn toàn ý thức được.
Như thế đấu tranh trong vật chất chỉ là đấu tranh vô thức về mặt sức mạnh vật lý. Đấu tranh trong sinh giới là đấu tranh hữu thức về sức mạnh cơ bắp, móng vuốt, nhưng ở trình độ thấp kém của thiên nhiên hoang dã. Chỉ có đấu tranh trong xã hội loài người là đấu tranh trong ý thức nhân văn, chân lý, tức sự đúng và sai về mặt đạo đức, mặt khoa học, lẫn mặt triết học. Thế giới ý thức, thế giới trí thức, thế giới nhân văn của con người chính là như vậy. Nhưng khi ý thức con người bị kéo về chỗ tăm tối, chỉ biết quyền lợi bản thân nhưng mạo nhân và nhân danh giai cấp, chỉ giành giật, khuynh đoạt nhau bằng lợi lộc vật chất, con người lúc đó cũng chẳng khác gì nhiên giới, nên học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác tưởng là học thuyết nhân bản, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mà thực chất là học thuyết cực kỳ phi nhân văn, phản nhân bản, phản xã hội, phản khoa học vì nó hoàn toàn không hề có cơ sở khách quan mà nó chỉ là suy nghĩ và quan niệm giả tạo và làm suy hóa, nhiên hóa, vật hóa cả xã hội lẫn con người.
Nói chung lại, tự do và nô lệ không những là ý nghĩa khách quan mà còn là ý nghĩa chủ quan của con người. Khía cạnh khách quan là khía cạnh vật giới, khía cạnh tự nhiên, khía cạnh thiên nhiên. Tức nó vẫn tồn tại trong thế giới tự nhiên. Nô lệ tức bị ràng buộc, bị buộc chặt vào sự vật vật chất khác. Tự do là hoàn toàn ngược lại. Nhưng trong thế giới nhân văn, thế giới xã hội con người, tự do hay nô lệ lại chủ yếu là sự ràng buộc tính thần, ý thức, ý chí hay không. Vì sự tự do hay nô lệ về mặt thân xác, mặt vật chất là chưa đủ, mà chính là sự tự do hay sự nô lệ về mặt ý thức tinh thần mới là điều biểu hiện tính cách văn minh, văn hóa, nhân văn của con người và xã hội con người cao hơn tất cả. Nên nếu hiểu tự do hay nô lệ chỉ cốt ở vật chất hay thân xác, đó chỉ mới là sự nhận thức, hiểu biết ở cấp độ thấp, ở bình diện ý nghĩa và giá trị thấp. Đó chỉ là các ý thức hay nhận thức thường nghiệm và kinh nghiệm. Chỉ có nhận thức khoa học và triết học mới thật sự ở trinh độ cao, vì chúng luôn toàn diện, chính xác, đầy đủ, có nền tảng khách quan và có hệ thống chặt chẽ, toàn diện.
Tự do hay nô lệ ở trạng thái hay tình trạng cao nhất là trạng thái hay tình trạng ý thức và nhận thức của con người. Chính ở những tình trạng này mới tới được ý nghĩa chiều sâu và thiết yếu nhất. Má quan niệm kinh tế giải quyết được tất cả, đó chỉ là quan niệm duy vật, quan niệm thấp kém và tầm thường. Kinh tế chỉ mới là điều kiện cần mà không hề bao giờ là điều kiện đủ. Chính văn hóa góp phần phát triển kinh tế mà không phải chỉ hoàn toàn ngược lại. Văn hóa của con người bao gồm cả khoa học, triết học và nghệ thuật mọi loại. Điều đó không những tạo bộ mặt bên ngoài của cá nhân và xã hội mà còn tạo nên ý thức sâu thẩm bên trong của chính họ. Mọi cái đó không phải chỉ vật chất là hoàn toàn làm được. Mác nhân danh nhân văn để tuyên bố đấu tranh giai cấp, nhân danh tự do để tuyên bố chuyên chính chính trị, nhân danh giải phóng để tuyên bố vô sản, nhân danh xã hội để tuyên bố duy vật, đó đều là những ý thức nghịch lý, những hiểu biết nông cạn, những tầm nhìn hạn hẹp, nói chung đều là những tư tưởng phản động, phản xã hội, phản nhân văn, phản tiến hóa và kể cả phản lịch sử thực tế của toàn bộ hệ thống tư tưởng được gọi là ý thức hệ mác xít mà Mác đã từng khởi xướng một lần hoàn toàn phi lý và kỳ quặc trong quá khứ lịch sử nhân loại.
THƯỢNG NGÀN
(15/8/16)
TỪ TRÍ THỨC VONG BẢN ĐẾN TRÍ THỨC VONG THÂN
Tạp chí Đại Học (Huế) số 3, tháng 6/1962 (năm thứ V) có bài viết của Giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung nổi tiếng khi đó, bài “Người trí thức vong bản”. Đọc những bài viết ngày xưa của tờ tạp chí đó, người ta luôn nhận thấy tính chất trí thức, tính cách tư duy độc lập, tinh thần tiến bộ, kể cả tâm hồn nhân văn và lòng yêu nước trong đó. Bài của Giáo sư Trung cho thấy một quan điểm đau xót về loại trí thức vong bản của Việt Nam trong và sau thời kỳ nước ta bị thực dân đô hộ gần suốt 80 năm là thế nào.
Hiện tượng nói tiếng Tây bất chấp ở đâu, sống như Tây hay đua đòi sống kiểu Tây, nói cái gì hay hở một chút là chen tiếng Tây vào, suy nghĩ hay ý thức mọi vấn đề hoàn toàn theo kiểu Tây, nhập quốc tịch Tây, mong muốn trở thành dân Tây, coi cái gì trong nước cũng là lạc hậu, không phát triển, tình yêu dân tộc và tình yêu nước mai một hết, chỉ còn bo bo nghĩ đến bản thân mình, gia đình, vợ con mình, cũng toàn đọc sách Tây, hãnh diện mình có văn hóa Tây v.v… những cái đó được GS Trung cho là loại trí thức vong bản của một thời trong và sau chế độ xã hội thuộc địa.
Nhưng xét cho cùng ra, đương nhiên lỗi ở đây không phải chỉ lỗi riêng của người trí thức lúc đó, mà là lỗi chung của vua quan nhà Nguyễn trước kia đã để mất nước vào tay thực dân Pháp. Bởi nếu đất nước không rơi vào tay thực dân Pháp, cũng làm gì đến nỗi đó. Thậm chí sau khi thực dân Pháp đã bị đẩy ra khỏi nước, di hại đó vẫn còn tiếp tục trong một thời gian dài, đó chỉ là kết quả xã hội, một dư chấn mặt lịch sử còn lại. Lỗi của vua quan nhà Nguyễn không chịu canh tân đất nước theo trào lưu lịch sử hiện đại lúc đó như một số các nước khác ở Đông Nam Á như Nhật bản, Thái lan, Singapore chẳng hạn, nên nạn bị thực dân đô hộ chỉ là tự nhiên. Đấy là cái lỗi của chính trị trước khi nói đến cái lỗi của xã hội và văn hóa.
Thật ra khi giặc Pháp mới kéo vào nước ta, các tầng lớp trí thức, sĩ phu đã thể hiện lòng yêu nước, cứu quốc của họ rất cương quyết, hùng tráng và rõ rệt. Những người như Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Tri Phương thà chết theo thành. Đến khi Pháp đã chiếm xong kinh đô, có những trí thức, sĩ phu khác thể hiện chí quật khởi cứu nước như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, rồi tiếp theo có Phan Chu Trinh, cũng chẳng khác ngay từ đầu đã có Nguyễn Trường Tộ, đều là những hạng trí thức, sĩ phu tâm huyết. Tất cả những ý nghĩa đó cho phép người ta so sánh trí thức thời xưa, thời còn tự chủ, và trí thức thời Pháp cai trị khác nhau như thế nào, cũng thấy được chính trị tác động, áp đặt lên xã hội và văn hóa ra sao.
Thực chất khi Pháp đến, có đem theo yếu tố thực dân lẫn yếu tố văn hóa, nhưng chủ yếu và tai hại nhất lại chính là yếu tố thực dân. Thực dân Pháp bóc lột tài nguyên, sức lao động mọi mặt của nhân dân ta, khống chế chính quyền, quyền chính trị của đất nước ta, mặc dầu yếu tố văn hóa người Pháp đem vào nước ta là điều cũng giúp cho phát triển xã hội về các mặt nào đó là điều không phủ nhận. Nhưng thực trạng vong bản của một số loại và tầng lớp trí thức là do ý thức chính trị, không phải do ý thức văn hóa. Tính tai hại của chính trí so với văn hóa mà Pháp mang lại chính là như vậy. Vì thực dân thì chỉ biết quyền lợi riêng của thực dân, đó mới là điều đáng nói. Văn hóa Pháp mang đến cũng không đi ra ngoài khuôn khổ khống chế của thực dân Pháp, tính vong bản của trí thức xảy ra là do chính yếu tố chính trị mang lại, đó là điều tự nhiên, tất yếu và rõ rệt nhất.
Thời xa xưa khi người Tàu sang đô hộ nước ta cả ngàn năm, họ cũng đem theo văn hóa Trung hoa, nhất là học thuyết Khổng Mạnh và bách gia chư tử. Các học thuyết đó vừa là học thuyết chính trị cũng đồng thời là học thuyết về văn hóa, nhưng chúng nhất thiết không phải thuộc loại ý thức hệ theo kiểu chặt chẽ duy nhất như cách hiểu ngày nay. Bởi vậy khi đánh đuổi được ách thống trị của ngoại bang, dân ta giành độc lập, các tinh hoa văn hóa Trung hoa vẫn còn lại, bởi nó đã trở thành tinh hoa của xã hội, của nhân loại, dân tộc ta vẫn chấp nhận những tinh hoa về phía con người, phía loài người nói chung, nên tâm giáo đồng hành Nho, Lão, Phật vẫn là thứ văn hóa tinh hoa giúp nước ta thịnh trị suốt trong thời kỳ quân chủ phong kiến. Đó là chưa nói ý nghĩa Nho học thật sự gây dựng nên tinh thần sĩ phu ái quốc trong mọi thời đại đó, mọi sĩ phu yêu nước đều chống xâm lược Bắc phương cứu nước như Nguyễn Trãi, Hưng Đạo Vương, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp thì ai cũng rõ. Văn hóa phi ý thức hệ kiểu thiển cận, hẹp hòi, chính là ý nghĩa văn hóa phi chính trị theo kiểu thiển cận, hẹp hòi, và ý nghĩa muôn đời của trí thức, của văn hóa loại đó chính là như thế. Tức người trí thức thật sự là người trí thức, không hề vong thân, vong bản.
Thế nhưng sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay, có một hiện tượng mà không ai không biết, chính cả bản thân người làm chính trị và cả bản thân người trí thức cũng biết, mọi người dân trong nước và khắp thế giới đều biết, đó là hiện tượng vong thân trí thức xảy ra thường xuyên và cũng theo cách nghiệt ngã nhất, đó là vong thân trí thức hay người trí thức vong thân. Nên nếu bài viết của GS Trung chỉ nói về hiện tượng trí thức vong bản trong và sau thời Pháp thuốc, thì quả tiếp liền sau đó xuất hiện sự kiện trí thức vong thân, mà đó cũng là kiểu trí thức vong bản kiểu mới nếu nói được như vậy, vì vong thân cũng hàm chứa cả yếu tố vong bản trong đó, bởi vong thân là bị đánh mất bản thân mình, thì vong bản cũng chỉ là điều tất yếu có gì đâu phải nói.
Vong thân có nghĩa là đánh mất bản thân mình, không còn là mình, mình như người khác với mình, xa lạ với mình, mình không còn là mình, đó là ý niệm vốn đã có từ Hegel tới Mác. Mác cho rằng xã hội tiền mác xít, tức xã hội tiền vô sản, hay xã hội tư sản đều là xã hội vong thân, con người đánh mất bản thân của mình, đặc biệt là giai cấp công nhân, người lao động. Nhưng Mác không thấy ra một điều xã hội tư sản chủ yếu là xã hội dân sự, trong khi xã hội theo kiểu mác xít là xã hội bị chính trị hóa toàn diện, không còn chỗ đứng cho xã hội dân sự khách quan tự nhiên chút nào cả, vì tất cả đi vào hệ thống tổ chức giả tạo, đi vào chính trị kiểu ý hệ giả tạo, nên vong thân của con người trong kiểu xã hội này là vong thân lớn nhất mà không phải trong xã hội tư sản tự do như Mác từng nhầm lẫn ca thán. Bởi vì bất kỳ người nào tinh ý và có hiểu sâu sắc khách quan chủ thuyết Mác, kể cả những người cộng sản mác xít thuộc tầng lớp trí thức, đều thấy rằng phần lớn các ý niệm tư tưởng Mác đưa ra đều ngược lại thực chất với chúng cả. Cái gì Mác nói đàng đông thì thật sự ý nghĩa của nó diễn tiến trong thực tế lại là đàng tây, tức hoàn toàn ngược ngạo hay ngược lại, là điều hoặc Mác không tự biết, hoặc chỉ là ngụy biện hay bất chấp. Mác tự cho học thuyết mình là khoa học mà coi thường trí thức, coi trí thức phi mác xít chỉ là trí thức phản động, trí thức tư sản, chỉ đề cao giới công nhân vô sản, đây chính là quan điểm phi trí thức, phi khoa học thật sự của Mác nhưng đã khiến nhiều người bị nhầm lẫn.
Bởi thế ngay từ thời kỳ Sô viết Nghệ Tỉnh 1930, khẩu hiệu trí phú địa hào đào tận gốc bốc tận rễ không phải nhiều người không biết. Ngay như Mao Trạch Đông cho trí thức không bằng cục phân cũng là ý nghĩa đó. Có nghĩa chỉ nhắm mắt làm theo như kiểu quần chúng bình dân thì tốt, còn trí thức có suy nghĩ, có nhận thức, có do dự phán đoán thì không tốt. Nhưng bình dân thì chỉ luôn luôn cảm tính, làm gì thiên về lý tính, thiên về khoa học hay chân lý khách quan, do đó phong trào cộng sản quốc tế chỉ một thời gian dù non cả thế kỷ rồi cuối cùng cũng sụp đổ và tan rã như Liên Xô và Đông Âu cũ chính là như thế. Bởi vậy cái gốc sai lầm là ở ngay bản thân học thuyết Mác, không phải ở những người cộng sản. Bởi người cộng sản phần lớn chỉ là người bình dân, chỉ biết nghe theo, làm theo, nói theo, đâu có gì quyết định, mà quyết định ngay từ đâu là ở chính học thuyết Mác, ở những người đi đầu trong lịch sử thực hiện học thuyết Mác như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông và bao người khác nữa mà không ai khác. Mà nếu lý thuyết sai thì thực hành có khi nào làm sao đúng. Nên sự thất bại của chủ nghĩa Mác làm Liên Xô sụp đổ và tan rã từ 1990 là tại bản thân nó mà không phải tại những người thực hiện nó. Bởi nếu nó đúng thì không thể nào có được sự thực hiện sai, vì nó xây dựng trên nền tảng chuyên chính, vậy nó thất bại là tại nó sai, không phải hoàn toàn do thực hiện. Ngay cả điều đó mà ngày nay còn rất nhiều người cộng sản không thấy, đó là chuyện lạ, và chứng tỏ học thuyết Mác quả càng lạ, đó chính là điều mọi người cần suy ngẫm.
Thật ra không thể chính trị hóa xã hội theo cách tuyệt đối toàn diện mà chủ quan như kiểu quan niệm của Mác. Bởi vì xã hội luôn luôn nhiều thành phần giai tầng, giai cấp, chính xã hội dân sự làm nền tảng chung nhất cho xã hội chính trị mà không phải ngược lại. Xã hội dân sự cũng chính là xã hội kinh tế, xã hội trí thức, xã hội khoa học kỹ thuật và tri thức mọi loại, nó luôn luôn phát triển theo phát triển của lịch sử khách quan. Thế mà Mác chỉ mê tín vào giai cấp vô sản, là giai cấp chịu nhiều thiệt thòi và thấp kém hơn nhiều thành phần khác vào thời đại của Mác. Vậy nhưng Mác vì mê tín vào biện chứng luận của Hegel, phong nó thành giai cấp tiên tiến, giai cấp có sứ mạng lịch sử, giai cấp tiên phong, đó là sự mê tín xen lẫn sự dốt nát, sự phản hiểu biết và phản khoa học mà Mác tự chứng tỏ. Bởi con người ai sinh ra cũng đơn vị bình đẳng mọi mặt như nhau. Chỉ có học vấn và trang bị kiến thức cũng kỹ năng khác nhau mới khiến con người khác nhau về mặt hiểu biết và nhận thức. Nhưng mặt hiểu biết và nhận thức là mặt làm nên con người và xã hội loài người nhiều nhất qua các thời đại. Tiêu biểu nhất đó chính là những người trí thức. Họ có thể xuất hiện ở khắp nơi, từ khắp nơi, không kể xuất xứ từ giai cấp, giai tầng xã hội nào. Bởi họ là kết quả mà không phải là khởi điểm. Họ có thể là những người hiểu biết trong hương thôn, trong mọi ngành nghề, hay họ có thể trở nên những nhà khoa học, những nhà tư duy triết học thật sự thuộc tầm cỡ thế giới và của toàn thế giới. Thế mà Mác bôi bát trí thức, coi trí thức không có tư tưởng kiểu Mác chỉ là phản động, tư sản, đề cao giai cấp vô sản một cách mê tín và mù quáng, không thấy trí thức không chỉ là ý nghĩa và giá trị của riêng họ mà còn ý nghĩa, giá trị, và cả công năng của cả một dân tộc, đất nước, của cả xã hội nhân loại. Như thế Mác thật sự là một kẻ phản động khủng khiếp, một sự kiện, một hiện tượng tai hại khủng khiếp đối với cả lịch sử các dân tộc, lịch sử nhân loại, lịch sử thế giới, nhưng chỉ với cái vẻ hào nhoáng giả tạo của lý thuyết bề ngoài, khiến nhiều người hiểu lầm đó là bậc thánh nhân giải phóng con người, bậc tiên tri cứu vớt nhân loại, đặc biệt những người cộng sản, thật sự là bé cái lầm mà ngày nay mọi sự đều dần dần sáng tỏ.
Bởi vì mọi sự hiểu biết phản khoa học, phi khoa học của Mác vẫn chưa phải là điều đáng nói, nhưng chính sự mê tín vào giai cấp, vào đấu tranh giai cấp, vào quan điểm chủ trương độc tài, chuyên chính, đó mới là điều đáng nói nhất. Lý do người bình dân, người kém hiểu biết, người mù quáng, lợi dụng thì không nói làm gì, nhưng chính bản thân của người trí thức, những thành phần tài năng hay tinh hoa riêng biệt của xã hội đều bị vô hiệu, tê liệt hay bị triệt tiêu, hủy hoại hết. Đó là một tội lỗi vô tiền khoáng hậu mà chính bản thân Mác đã mang lại cho lịch sử nhân loai suốt trên trăm năm qua của toàn thế giới mà ai cũng rõ. Bởi vì trong xã hội cộng sản mác xít, mọi người đều chỉ nói theo một chiều, làm theo một chiều, tin theo một chiều, không hề có phản biện, không hề có phản kháng, không hề có được tư tưởng hay giải pháp nào khác, vì trái lại những cái đó đều bị chụp mũ là phản động, là tư sản, là xét lại, những điều đó kéo dài khắp xã hội cộng sản trên thế giới từ Stalin mãi đến khi Liên Xô cũ sụp đổ và tan rã. Và nếu không có sự cố như thế, chưa biết chừng nào khắp thế giới mới được giải phóng khỏi mọi tính cách giáo điều của học thuyết Mác. Sự sai phạm và lỗi lầm hoặc vô tình hay cố ý của Mác như vậy quả thật hết sức nặng nề trong quá khứ đối với loài người mà cả ngày nay nhiều người vẫn còn chưa thấy hết.
Bởi trong xã hội như thế, mọi người trí thức cũng không còn là người trí thức nữa, mọi người cũng không thể ai trở thành người trí thức nữa. Bởi vì chỉ biết ca ngợi một chiều, nhận thức một chiều, tung hô ca ngợi một chiều, đó là chiều quyền lực mà không phải chiều nhân văn, chiều xã hội, hay chiều hợp lý. Nên khi quyền lực thay đổi thì như gió đổi chiều, toàn bộ trảng cỏ đều xoay sang chiều khác. Thân phận mọi con người, trong đó kể cả người trí thức đều cùng như vậy cả. Tức ca ngơi lãnh tụ, ca ngợi chủ nghĩa, ca ngợi lãnh đạo, như là những công thức, những bài bản vô tận. Xã hội không bao giờ thoát khỏi ra được những cái đó, không còn bất cứ người nào có bản thân độc lập, có tư duy nhận thức độc lập, tất cả đều như trong một guồng máy vô hình phải xoay theo nó, không còn cá nhân tự chủ, con người tự chủ, xã hội tự chủ, thật là trách nhiệm hay tội ác tày trời mà Mác đã làm ra đối với nhân loại từng một thời kỳ dài là như thế.
Song nếu học thuyết Mác là khách quan, là đúng đắn, là chân lý, điều đó cũng chẳng nói làm gì. Vì hi sinh mọi sự, hi sinh tất cả, để cuối cùng đạt được những thành quả nào đó thì cũng không sao. Đằng này chỉ như con lừa chạy theo củ cà rốt buộc ở đầu xe, như người khát nước chạy theo ảo ảnh trong sa mạc, thì thật là thái thậm vô lý và kỳ quái. Điều đó thật sự như thế, vì sau một thời gian dài chống chủ nghĩa xét lại trong toàn thế giới cộng sản, cuối cùng ngày nay cũng là sự hội nhập toàn cầu mà không còn nước cộng sản cũ nào cưỡng lại được cả. Đấy cái phi khách quan, phi khoa học, phi chân lý, phi trí thức của học thuyết chủ nghĩa Mác chính là như vậy. Nhưng nạn nhân trước tiên của nó chính là người trí thức phải chịu trận đi đầu trước nhất. Một Trần Đức Thảo, một Nguyễn Mạnh Tường, một Phan Khôi, một Nguyễn Hữu Viện v.v… đều là như thế, kể cả nhóm Nhân Văn Giai Phẩm trong đó có Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang đều là những người như thế. Người trí thức tự đánh mất bản thân mình, đánh mất tài năng, ý thức, nhận thức của mình, đánh mất mục đích nhân văn và xã hội của mình, hay phải bị đánh mất vì người khác, vì xã hội, vì cơ chế chính trị thì cũng chỉ thế. Kết quả chỉ là một cho dù nguyên nhân có khác, nhưng cũng nguyên nhân duy nhất là nguyên nhân ý thức hệ mê tín và mù quáng phản khoa học, phản thực tế, phản thực chất xã hội và phản con người mà Mác đã tạo ra, và kết quả chung nhất của nó là kéo xã hội, kéo dân tộc, kéo đất nước ở nhiều nơi trên thế giới cùng ngưng trệ, cùng đi xuống, trong một thời gian dài về mọi mặt, đó có thể gọi được là vong thân trí thức của bản thân người trí thức cũng như của toàn xã hội về mặt trí thức, như trên đã nói.
Như vậy chính trị đối với xã hội thật là quan trọng. Chỉ có chính trị khoa học khách quan mới thật sự làm xã hội đi lên và loài người phát triển, tiến hóa. Trái lại chính trị kiểu ý thức hệ của học thuyết Mác nó như chiếc thòng lòng buộc đầu, buộc chân mọi người, buộc toàn xã hội không thể ai đi lên hoặc phát triển được. Tất cả đều phải dậm chân tại chỗ, đều ăn cùng một thứ bánh vẽ, chỉ sống bằng bó buộc và ảo tưởng, chỉ sống bằng sự gian dối nhiều mặt, bằng thủ thuật nhiều mặt, không còn chính đáng như con người hồn nhiên, chân chính, khách quan nữa, đó chính là sự vong thân tuyệt đối mà Mác từng giả dối và thiên lệch phủ chụp lên xã hội tư sản trước đó. Nên nỗi khổ và nỗi hạ giá của trí thức nước ta trong thời thực dân, đến thời thời hậu thực dân, thời chính trị ý thức hệ là như thế, người trí thức hoàn toàn bị đánh mất bản thân mình, do tự nguyên hay do bị bắt buộc, cũng đều vì hoàn cảnh chính trị xã hội, từ trí thức vong bản đến trí thức vong thân đều chỉ là thế. Nên xã hội con người chỉ có thể tin vào trí tuệ, tin vào con tim chân chính, không thể chỉ tin vào con người, dù bất cứ ai, nhất là không thể tin theo những lời nói hay các danh từ, khái niệm hoàn toàn bề ngoài, có khi chỉ là giả dôi, đó là ý nghĩa khác nhau giữa xã hội tự do dân chủ và xã hội độc tài chuyên chính chỉ là như thế. Xã hội tự do dân chủ thật sự, không bao giờ có niềm tin bắt buộc cho dù ở đâu, thuộc phạm vi nào, hay do đâu, trong khi xã hội độc tài thì hoàn toàn khác, niềm tin luôn bị bắt buộc và giả tạo mà bất chấp mọi thực tế hay thực chất của nó. Sự phát triển con người và xã hội có hay không, có thực chất hay không, có tốt đẹp mọi mặt hay không, đều chỉ khác nhau là ở đó. Học thuyết Mác là học thuyết phản con người, phản xã hội, phản lịch sử, phản nhân văn, phản khoa học, nhưng lại nhân danh con người, nhân danh xã hội, nhân danh lịch sử, nhân danh khoa học, và nhân danh chân lý khách quan quả thật cũng chỉ như thế.
THƯỢNG NGÀN
(16/8/16)