Cái chết cạnh nhà

Đặng Đình Tòng

vbqgTờ báo phủ hết chiều ngang của bàn học dài, lòng thòng như ria thảm trắng. Tôi đọc bài văn phê bình thế giới truyện ngắn của một tác giả quen, đọc từ hôm qua rồi bỏ dở và đọc tiếp trong buổi sáng sau khi tôi đưa Thụy đến trường dạy ngoài phố.

Ngàn thông và phố thị từ đỉnh núi Hòn Bồ. Nguồn: Nguyễn Thanh
Ngàn thông và phố thị từ đỉnh núi Hòn Bồ. Nguồn: Nguyễn Thanh

Lúc trở lại gian phòng nằm ép giữa những phòng khách và nhà xác của Niệm Phật Đường ở dãy cư xá sĩ quan, tôi thay đồ gấp rút: tròng thêm cái quần kaki vàng phía ngoài, cái quần nỉ xám bên trong độn ống chân to phồng, chiếc áo jacket phủ khuất mấy lớp áo trong (tôi còn run bần bật trên khoảng đường nhiều dốc, giữa đồng trống, kéo ngoặt ngoẹo về trường). Múc tô cháo đậu đỏ, thêm một chén cũng đầy cháo và đĩa đường cát trắng, tôi chụm hai tay mang tất cả sang phòng thằng Tôi. Thằng Tôi chùm kín chăn, hai nạng gỗ dựa vào tường, đầu nạng vượt quá bờ tường thấp, cạ trên lớp kính vuông tróc sơn (qua lớp kính lở sơn, con đường phía sau chạy giữa dãy phòng đồng dạng gồm liên đoàn yểm trợ, cơ quan Mỹ, phòng Quân tiếp vụ và những thùng to kềnh khóa kín sát vách sau).

– Đêm qua, mày ngủ được không, Tôi?
– Được, nửa đêm tao khát nước quá.
– Nhức lắm không?
– Nhức, nhưng ít ít thôi.
– Mày ăn đỡ cháo đậu đỏ với đường cát, tao không kịp làm gì hết. Bây giờ lại phải chạy qua bên trường nữa. Mất công quá. Tao giao mày chìa khóa của phòng tao và chìa khóa cửa nhà cầu. Mày ráng chống nạng qua bên phòng tao nấu nước uống.
– Ừ được rồi, thôi mày đi đi.

Hắn quơ tìm nạng gỗ, nạng ngã lăn trên sàn, đánh cộp. Hắn gượng ngồi dậy, tay mân mê những lớp băng trắng quấn dày cộm trên bàn chân. Hắn nhăn mặt, đôi mắt thiếu kính, trắng dã, lờ đờ như trước mắt lúc nào cũng hiện ra một lớp màng án phủ. Tôi quay đi, quần áo xúng xính vướng víu đã quen chịu. Xe gắn máy nằm nghiêng dưới nấc thang cuối, tôi để cặp da vào giỏ sắt trước xe, mở khóa và bắt đầu thả dốc. Sương còn la đà dưới lũng vàng hoa dại, sương tan trễ như một cơn buồn đậm.

Đến trường (một trường quân sự), tôi chạy xe thẳng xuống Câu lạc bộ. Vượt qua nhiều nấc thang đưa ngoằn lên Câu lạc bộ. Uống một ly cà phê đen nhạt, tôi lấy thêm mấy gói thuốc, nói bâng quơ vài câu với người ngồi cận, ghi tiền thiếu vào sổ, đốt điếu thuốc và ra khỏi phòng. Bên xa kia, công trường rần rật những xao động đầu ngày. Con đường mòn đưa về bến xe ra phố được ủi rộng thêm, màu đất vàng nghệ, đỏ rõ như màu cờ. Đạp liền mấy lượt chiếc xe không nổ máy, tiếng lẹt xẹt bị tắt nghẽn, sau đó như cắt tiết vịt như pháo xì lép. Tôi đẩy chiếc xe một quãng, điếu thuốc trên môi ngo ngoe như một ngón tay cùi. Một người sinh viên cười khục khục, ra đẩy hộ:

– Xe sao vậy thiếu úy?
– Ai biết đâu.
– Thiếu úy mua xe khác đi thiếu úy.
– Ừ mua, anh hùn vốn với tôi nhá. Lúc nào anh muốn dù ra phố, tôi cho mượn.
– Thiếu úy ở tù giùm tôi nha.
– Ở tù hả, ừ ở tù, ở tù.

Tôi nhào lên yên xe. Chiều nay, tụi này gặp thiếu úy, chiều nay em thuyết trình giờ của thiếu úy, em trên trung bình nha thiếu úy. Ừ trên, trên. Điểm, điểm: mấy mươi năm bận bịu với điểm, mai mốt đây lội sâu trong rừng lầy, ở đó mà anh lo điểm, điểm. Tôi cho anh em trên trung bình hết, anh em thành thật chút ít đủ rồi thành thật được chút nào hay chút nấy. Bây giờ tôi ngán ngẩm lắm, đi đâu cũng thấy phản trắc, lật lường. Xin lỗi, xin lỗi. “Trái tim ngậm trong miệng. Tôi hả miệng cười…” Tôi hát nghêu ngao, hai dãy lầu lớn nuốt trửng tôi, gọn lỏn như con kiến bò vào một ống nứa rỗng, cưa khúc. Tôi rà chậm xe gần bên những cửa sổ đóng, hé một cánh cửa phòng lớp đầu, trống không. Chống hai chân trên đất lui xe lại, tôi hé cánh cửa của phòng kế: vẫn trống không, mặt bàn phủ lớp bụi nhẹ. Tôi dựng xe và khóa cổ, xách cặp da đầy đi nghễnh ngãng như người say duyềnh doàng trên lề đá nhỏ. Mở cửa phòng bước vào, một mình với bàn ghế nằm dài lớp lớp như những nấc thang rầy trắng dầy trong mắt, kéo níu lên đồi trống nhẵn. Ngồi xuống góc bàn cuối, móc điếu thuốc ra, thiếu lửa, tôi ngậm lật bật như đứa trẻ ngậm không một tờ giấy lịch vo vụn.

Chiếc cặp mở nắp, lổn ngổn nhiều tờ báo của nhiều ngày, mấy quyển sách và kẹp giấy trắng vẽ ngoằn. Thằng Thành chạy lo phép, vợ sanh, giấy phép sẵn trong tay, phòng lương không cho lãnh trước, ném phăng mũ trên góc bàn phía cửa: đ.m. nghèo, nghèo, thua một thằng vá xe ở góc đường, và bỏ đi mất. Thằng Tôi, bây giờ (mất một hàng) nằm rên, nhúc nhích nhăn mặt, đi đâu mang nạng, tiểu trong nón sắt, đổ sau nhà. Hôm bị thương, thằng Tôi được chở qua nằm bệnh xá, không một y tá nào trực buổi chiều. Xe chở bịnh chở nó qua bệnh viện tiểu khu. Gặp ông Trung úy y sĩ trưởng: hứa hẹn đủ điều, anh cứ để đó tôi “may”, ông ấy yếu quá, tôi sẽ vô nước biển cho mà. Và từ chiều đến đêm cũng không có ai, sáng ra nằm đến trưa trờ trưa trật, cũng không ma nào đến may chân hắn, lại mượn xe chở thẳng ra Dân y viện, người y tá la trời nếu trễ thêm một hai tiếng đồng hồ nữa, làm sao vá lành được. Đặt hắn nằm trên giường gỗ, viên y tá xỏ kim may lại mấy miếng da lòng thòng, thằng Tôi quằn như cây tre non héo lả gió.

Ngồi mãi vẫn chưa đọc được gì. Tờ báo trùm mất kẹp giấy trắng, tôi cặm cụi, những giòng chữ nhỏ như đàn kiến náo loạn trước mắt, tôi khó tìm lại được con kiến vừa bò rẽ ra ngoài đám. Người lính Thượng kéo lê cây chổi bố ngang cửa phòng, ghé mắt vô nhìn, lập bập ống vố thuốc. Những sợi thuốc khô vươn ra lòng thòng như tóc quắn ở gáy hắn. Bước ra cửa, tôi mồi điếu thuốc, nước miếng thấm ướt đến gần nửa điếu, những sợi thuốc ướt đắng đầu luỡi. Tôi mê cái ống vố, muốn mua ngay của hắn. Còn mấy trăm bạc trong túi, tôi kéo ra ngo ngoe trước mặt hắn và chỉ vào chiếc vố. Hắn bảo của thằng em để lại, thằng em chết trận vắt thân bên giòng suối cạn. Một nghìn mới được, ông có đủ một nghìn không? Lấy trước bây nhiêu đây, đầu tháng trả tiếp, được không? Thôi được, lấy đi, ở dưới đó chắc thằng em tôi nó buồn.

Ngợi thuượưượng. Nguồn: OntheNet
Ngợi thượng. Nguồn: OntheNet

Tôi nhìn chăm chăm môi trên, mấy đường chỉ may vụng nổi khằn như gân chiếc lá khô nhỏ. Hắn sờ tay trên đó, cười khặc khặc như mâm thau chạm thùng thiếc bể: ông đại tá Vân thích đá gà lắm thiếu úy. Hôm em mang con gà theo ổng đi đá trên lăng Nguyễn Hữu Hào, xe chạy ngang núi Lớn, con gà đứt giây, chạy băng lên núi em chạy theo bắt lại, cũng không được, hễ em lên núi, con gà chạy xuống núi, em mệt hụt hơi. Phải chi có một con gà nữa thì dễ bắt lắm, hai con xáp nhau đá, nhưng mà thiếu úy coi, giữa đường giữa sá, gà đâu tìm ra. Ông đại tá nóng ruột la um trời, may là ở khúc núi không vắng mấy, nếu không tụi cộng ra cắt cổ chết. Cuối cùng, tức khí quá, em dụ con gà lại gần và nhào đại chụp, như chụp banh. Được con gà, em sứt môi. Bữa đó, ông đại tá giận về luôn, em đi đến bệnh xá may chỗ sứt lại. Vừa đau, em vừa cười khục khục nhớ lại con gà nòi quái ác.

Tôi châm điếu thuốc khác, người lính Thượng dứt nói, điếu thuốc tôi hút muốn ngún cháy tay. Trở lại chỗ ngồi, mùa quân sự trả bàn ghế trơ lạnh. Phía ngoài đường nhiều bước chân rạo rạo trên sỏi nhuyễn, tôi sởn gáy, run người trong không gian ẩm lạnh của buổi sáng mặt trời giấu sau núi. Kéo trong cặp bài viết đêm hôm ra, tôi đọc chậm và sửa lại, bôi xóa nhằng nhịt như những lỗ sâu gậm trên lá. Buổi tối, Thụy chưa kịp đánh máy bài viết tôi viết vào giữa khuya, Thụy ngủ quên bên máy thu thanh quá giờ rè rè. Đêm qua, tôi cũng định thức đánh máy cho xong bài viết. Thụy (mất 1 giòng) đã lấy chăn trùm người, bàn máy không chỗ kê, tôi nhìn lướt trên giấy Thụy đem sẵn vào máy, mấy câu thơ là lạ, tôi cố nhớ, và đành quên trên hai mi kéo sụp dần.

Tôi xếp tất cả vào cặp, mũi giày dí những tàn thuốc là đà trên đá hoa. Thoát ngoài màu xanh của những tấm bảng choán kín ba mặt tường, tôi rũ bỏ một lúc dời buổi sáng, và hành lang hút nhằn kéo dần ra đầu trống. Tôi quơ tay, vẫy người lính Thượng. Hắn cười. Tôi ra xe bỏ cặp vào giỏ sắt, mở khóa, chào ông đại tá Vân lững thững đi ngang, tôi vu vơ mỉm cười, lầm thầm: Đại tá còn mê đá gà không Đại tá? Tôi đẩy xe đến đầu dốc và thả nhẹ xuống trong tiếng thở hổn hển, rịn mồ hôi trên vành mũ, trong nách kín.

Lướt ra đồng trống, gió, cỏ, đồi, mây, đường mòn, thung lũng, rạch nhỏ: nhào trong hai mắt yếu khép nhỏ ti hí như mắt lươn. Tôi dựng xe bằng chân hông, chiếc xe bé xíu giữa khoảng trống. Nước tỏa đầu vòi tưới rẫy dưới lũng xa như những trận mưa bụi thổi luồn ngang đầu tôi và lô-cốt um tùm cỏ bao. Chiếc lô-cốt cỏ mọc lòa xòa như tóc, râu của mấy tháng tôi nằm bệnh viện. Tôi nhìn một lượt chỗ nằm hằng đêm trong lô-cốt: giường gỗ thông bó rơm, cỏ ủ tổ chim. Hạ đang nhúng giẻ dầu xoa ổ đạn đại liên hướng họng về những lùm cây xa, sâu phía lũng.

– Thiếu úy, thằng Vị biệt phái qua đồi bắc tử thương đêm qua. Thiếu úy coi, nó nhậu đã, thấy đâu mà bắn. Vợ bỏ, nó buồn gần tháng nay.
– Bây giờ xác nó quàn ở đâu?
– Bên cạnh phòng thiếu úy chớ đâu, thiếu úy về bên đó thì biết liền.
– Sáng sớm tôi đi có thấy gì đâu
– Nó mới qua đồi bắc. Đêm đó, ông trung úy Vinh bắt nó đi phục kích liền. Ông ấy bảo còn nhậu say mèm đêm nào ổng cũng cắt gác cho nó hết.

Thằng Vị nhậu xếp sòng, cả những lúc vợ nó chưa bỏ. Đêm nào nó cũng khóc, thằng hay khóc như đàn bà. Nó không còn ai hết (một hai người quen xa xa), con vợ nó lăng loàn vô kể. Tôi bỏ quên chiếc mũ trong lô cốt, xuống cuối dốc chợt nhớ ra.

Con ngựa già “thượng sĩ” Võ chạy lọc cọc trên đường, bơ vơ trong đôi mắt ướt, bờm sụ quặt như tóc đò thả bờ vai của cô gái Thượng tạt qua lối mòn tắt lên bệnh xá. Những con đường mòn kéo tới tấp vào dãy gia binh của người Thượng, ngoài xa. Tôi định hôm nào ra trại gia binh tìm người lính Thượng trả khoản tiền còn lại của chiếc ống vố. Tôi mò tay vào túi lấy vố ra, đầu hút dài như cán muỗng. Tôi ngừng xe trên đầu dốc, con ngựa già chạy thẳng xuống thung lũng.

Xé rời điếu thuốc bỏ vào vố. Tôi kéo hộp quẹt cây trong vớ chân trái ra, tôi không còn nhớ lúc ngồi trong phòng, cũng như lúc mồi thuốc của người lính Thượng lau nhà. Những sợi thuốc cháy dễ như cỏ khô bắt lửa phừng phực giữa trưa nồng. Tôi dựng xe sau chiếc GMC chở xác thằng Vị: Tiếng khóc nức trong nhà xác như tiếng lá khô trên cây chạm trong trận cuồng phong. Vợ thằng Vị kể lể, hối hận, trong những ánh mắt của người ngoài cuộc nhìn nhau lay láy mi: mười mấy tháng lương sẽ về tay con vợ thằng Vị, sau nhiều hồi vật vã, tỉ tê, khóc lóc.

Đêm nay, chắc chắn Thụy đòi theo tôi ra lô-cốt. Xác thằng Vị dù đem chôn trưa nay, chiều nay, hay trễ lại ngày mai: Thụy vẫn cũng không thể yên lòng trong đêm vắng tôi. Cũng chưa chắc: không Thụy tôi có thể bình tĩnh trong đêm, khi bên kia bức tường ngăn, xác người chết nằm theo chiều nằm của tôi, đầu và chân cũng hướng về chiều đầu và chân tôi hướng. Tôi mở cửa phòng, thay nhanh lớp áo quần ngoài. Thả cửa phòng toát trống, tôi chạy một mạch ra xe, không nhìn ngoái đám tang, lát sau sẽ có người quen thằng Vị choán một phần phòng ngay cửa vào của tôi: tôi chỉ ở tạm, căn phòng dành tiếp thân nhân người chết.

Dọc đường, tôi có ngừng xe, xé thuốc nhét vào lòng vố lớn, tôi chỉ nhớ lại được bao nhiêu đó, lúc ngồi trong quán góc đường chờ Thụy tan trường. Tôi muốn nói khác những điều tôi nói thường ngày, cũng như tôi thay phiên luôn trên hai con đường đưa tôi, Thụy đến trường, Thụy ngoài phố. Bao nhiêu lần trong ngày và bao nhiêu tháng năm tôi qua, từng ấy quen thuộc, nếu tôi lưu tâm đến khung cảnh quanh quanh, cũng chỉ ngần ấy thôi, khác chăng: những sự kiện đến không thường hằng, nhưng bi thảm: đêm plastic nổ gần ty dụng cụ, pháo kích rớt ngang nhà ga, cái chết của người lính dã chiến vắt ngang lề đường đá đứt (cánh tay chới với về hướng nhà đông con, vợ sầu trông)

Quán trống người, mấy đĩa bánh vàng da đầy ắp. Tôi ngồi trên chỗ ngồi cũ, thường ngày, chăm chú đếm từng lằn dao tôi khắc trên kệ đầy kẹo bánh: mười hai lằn, mười hai ly cà phê chưa trả, tôi kêu tiếp thêm một ly đen nữa. Có sao đâu: 13 ly; 13 đồng; ngày 13? xui xẻo? cũng đã một đời qua (dù chưa trọn), tôi sanh ngày 13, tháng 3, con số 3 dễ nhớ cho những người chứng giùm khai sanh lúc ra tòa.

Tôi bập bập ống vố thiếu lửa, hớp cà phê trôi đắng cổ họng. Tôi ra sạp hàng, nhìn một lượt báo kẹp lủng lẳng trên sợi kẽm nhỏ, kéo lấy hai tờ tuần báo, quên mang tiền theo (một cái cớ), chiều trả, chiều trả. Tôi đọc bài tôi viết ngấu nghiến như ăn món ngon vật lạ: tôi hay tâm sự vu vơ, thứ tâm sự nhạt thếch riêng tư, thứ ước vọng của đời riêng. Ngán ngẩm, tôi xếp lại, những hớp cà phê đen quánh trôi theo khói thuốc vươn theo tiếng gặng, đằng hắng liền, tiếp nữa.

Trong bụi mưa mù nghiêng nghiêng nhiều đứa trẻ co rút, giấu thân gọn trong áo nỉ màu, túa trên đường, dày kịt lộ đá ngắn kéo từ cửa trường. Tôi xếp hai tờ báo giấu trong ngực áo, gõ ống vố vào gót giày. Đầu ống vố văng cộp trên nền xi-măng. Rồi, mấy trăm bạc, lại còn nợ mấy trăm nữa. Tôi vói lấy đầu vố nhét vào vớ giày. Mai tôi sẽ đem đến cho người lính Thương xem, hắn nghĩ gì, may ra?

– Anh ra đây bao lâu rồi?
– Ủa Thụy, em tan bao lâu rồi?
– Mới thôi, về chưa anh?
– Em ngồi uống ly cà phê đen hoặc cà phê sữa nhỏ đi.
– Thôi đi về luôn anh.
– Anh ngồi có chuyện chút, em ngồi đây nán chờ anh đã.
– Chuyện gì đây mà bắt em đợi nữa hả?
– Thụy, trưa trưa chút về em
– Trưa là chừng nào bây giờ, bây giờ không là trưa sao anh, có sớm gì đâu nào.
– Anh có chuyện mà, anh đang mắc chuyện chừng một hai tiếng đồng hồ nữa. Em gắng chờ anh, lâu lâu một lần có sao đâu Thụy.

Cà phê... Nguồn: OntheNet
Cà phê… Nguồn: OntheNet

Tôi gọi cho Thụy ly ca cao sữa nhỏ. Một giờ trưa, xác thằng Vị sẽ được mang chôn. Nhà xác sẽ trống, Thụy không hay biết gì, không đòi theo tôi ra lô cốt nữa. Tôi gắng kềm Thụy hơn nửa tiếng đồng hồ, đám tang thằng Vị sẽ kéo lướt khuất khỏi dãy cư xá. Tôi giao cho Thụy tờ tuần báo đăng bài tôi. Thụy chăm chú đọc: ghét anh quá, anh cứ để nhân vật của anh chết hoài, để họ sống không được sao anh. Anh ác thấy mồ. Tôi muốn nói với Thụy bài văn của anh trong tờ báo này cũng không vượt khỏi được những tâm sự vụn vặt, dù phần nào, nhân vật anh không còn hưởng thụ, vô công vơ vẩn nữa.

Chân tê điếng, tôi đổi thế ngồi. Thụy lật tìm trang tiếp của bài văn. Mới vô chuyện là đã có người chết, đoạn cuối lại một người chết nữa, truyện có vài người, anh làm chết gần hết người ta, anh hứa với em ngày tới anh đừng để họ chết nhiều quá đi. Tôi ậm ừ, ậm ừ (sự thực, tôi đang đói rã ruột), trả lời Thụy không được đủ nguyên câu, nữa là. Anh vắt cái gì trong vớ anh đó? Ờ cái ống vố đó em, anh mượn của người lính Thượng. Mượn hay mua, em biết tánh anh quá mà, giấu giếm gì cho mất công. Tôi bảo Thụy thôi về em, về đi em. Anh nói anh mắc chuyện gì đâu? Em có thấy gì đâu? Anh quên là anh đã giải quyết rồi, chiều nay, em đánh giùm anh một bài nha em. Ừ nhưng anh hứa tránh bớt những cái chết vô cớ trong truyện đi, cũng như anh bớt thức khuya đi. Được rồi, được rồi.

Tôi chạy xe về cư xá, nói liên miên, nói lấn lướt Thụy trong khi cho xe chậm chạp qua đám đông. Tôi càng chạy chậm hơn khi trên đầu dốc chiếc xe tang lăn xuống Thụy sẽ biết? Tôi hát bài Thụy thường hát. Thụy lại không hát theo. Chiếc xe tang trờ qua với những người quen mặt. Thụy nói: Anh, em không thèm về phòng nữa, em biết hết rồi.

Trường VBQGVN tại Đà Lạt. Nguồn:  vanhoavutvbqgvn.wordpress.com
Trường VBQGVN tại Đà Lạt. Nguồn: vanhoavutvbqgvn.wordpress.com

(Tuần báo Khởi Hành số 75 ngày 15 tháng 10,1970)

Đặng Đình Tòng là tên thật. Tác giả nguyên là giáo sư trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (Văn Hóa Vụ), đã tạ thế ở Việt Nam.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Văn Miền Nam, Tập I, THƯ ẤN QUÁN 2009, Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam, Trang 250-259.