Trịnh Xuân Thanh, Người Buôn Gió và Formosa
Lâm Bình Duy Nhiên
Hãy để Trịnh Xuân Thanh cho những kẻ biết chuyện. Những bất công trong xã hội hay Formosa cùng hàng ngàn người biểu tình ôn hòa tại Hà Tĩnh hôm nay mới là sự kiện quan trọng.
Từ gần một tháng nay dường như mọi quan tâm trong và ngoài nước đều hướng về Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) và blogger Người Buôn Gió.
Khởi điểm của vấn đề là từ một cán bộ hạng trung được nâng đỡ, nắm nhiều trọng trách quan trọng, đến khi bị cáo buộc tham nhũng, làm thất thoát gần 3.300 tỷ tại PVC cho đến sự “mất tích” nhiều bí ẩn của Trịnh Xuân Thanh sau khi ông này công bố tài liệu xin ra khỏi đảng CSVN. Qua sự đồng ý giúp đỡ của Người Buôn Gió, hàng loạt bài viết mang tên “Trịnh Xuân Thanh dê tế thần” đã được tung ra với nhiều hứa hẹn sẽ gây ra địa chấn trong xã hội về những mâu thuẫn, bè phái hay những hành vi tham nhũng của nhiều lãnh đạo đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phía Trịnh Xuân Thanh hứa sẽ phơi bày nhiều tài liệu, dữ liệu được cho là tối mật trước công luận, bgay cả việc sẽ tổ chức họp báo quốc tế…
Vấn đề Trịnh Xuân Thanh hay giả thuyết về cuộc đấu đá với TBT Trọng đã đưa nhiều người, trong và ngoài nước, vào những cuộc tranh luận, dự đoán, phân tích ly kỳ cứ như thể họ là những người trong cuộc, am hiểu muôn điều…Thậm chí những cây viết nổi tiếng cũng vào cuộc, dĩ nhiên một cách có chủ đích nhằm bảo vệ phe phái của mình.
Một cách nghiêm túc, chúng ta có quyền nghi ngờ sự liêm khiết của toàn bộ ban lãnh đạo CSVN hiện nay. Ít nhiều họ gắn liền với tai tiếng, tham nhũng, vô trách nhiệm và kết quả là xã hội đang càng ngày bị tha hóa, bệnh hoạn, lạc hậu.
Cho nên hy vọng rằng những “bí mật động trời”, tham nhũng nào đó liên quan đến ông này, bà nọ hay đấu đá nội bộ (có thể được dàn dựng, sắp đặt theo một kịch bản nào đó) sẽ là hồi chuông chấm dứt chế độ toàn trị trong nước là điều không tưởng. Kịch bản Trịnh Xuân Thanh cũng không là ngoại lệ!
Trong khi đó hiểm họa môi trường biển bị xâm phạm vẫn còn. Formosa vẫn còn chình ình tại Việt Nam. Đến giờ vẫn chưa có một kết luận cụ thể, minh bạch, khoa học nào về sức tàn phá hủy diệt do Formosa gây ra tại bốn tỉnh ven biển miền Trung. Nhà cầm quyền trong nước vẫn không có một hành động hay thái đọ cứng rắn nào đối với những kẻ trực tiếp, gián tiếp gây ra thảm kịch trên. Đời sống kinh tế, an toàn sức khỏe, môi trường của người dân, ngay cả chính sách bồi thường vẫn bị bỏ mặc.
Và hồ sơ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã lấn át những mảnh đời vất vả, cay nghiệt do Formosa gây ra.
Chỉ cho đến ngày 2/10/2016, khi có hàng ngàn người dân từ các Giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, giáo xứ Dũ Lộc, Quy Hòa thuộc Giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cùng đồng loạt xuống đường tham gia biểu tình phản đối công ty Formosa thì dường như dư luận trong và ngoài nước mới thực sự thức tỉnh, quay về với những thực tế đau thương của một xã hội ngập tràn bất công.
Nhìn làn sóng người phẫn nộ bao vây trụ sở của Formosa khiến lương tâm chúng ta ray rứt. Vì sao một nhà nước lại có thể bỏ mặc nhân dân trong cuộc đấu tranh đòi công bằng sự thật, không chỉ cho chính họ mà cho cả nhiều thế hệ tương lai?
Những người dân bần cùng lam lũ xuống đường đã phải đối phó với cả một bộ máy an ninh, quân đội của nhà cầm quyền đang ra sức bảo vệ Formosa.
Nhìn dòng người như thác lũ đang căm phẫn cách làm việc tắc trách, vô trách nhiệm, gián tiếp bảo vệ kẻ xấu, của những người đứng đầu chế độ mới thấy sức mạnh của quần chúng. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất cho mọi chuyển biến tích cực trong một xã hội, khi sự tự do ngôn luận vẫn còn bị xâm phạm, cấm đoán nghiêm trọng.
Gần 10.000 người tham gia biểu tình trong ôn hòa. Số lượng người tham gia quá đông và nhất là những đòi hỏi chính đáng của người dân đã khiến cho chính một bộ phận lưc lượng an ninh, thay vì đàn áp, lại rời bỏ hàng ngũ, tháo lui, không muốn va chạm với những người biểu tình đang uất ức, căm phẫn. Họ đã không tuân theo lệnh của chế độ. Hy vọng chính lương tâm, lẽ phải đã làm họ thức tỉnh!
Cuộc biểu tình rầm rộ tại Hà Tĩnh sáng nay khác hẳn cuộc biểu tình của công nhân tại Bình Dương vào năm 2014. Sự ôn hòa, trật tự được liên tục duy trì để bảo đảm an ninh, tính mạng một cách tối đa cho những người tham gia.
Để có được một cuộc xuống đường qui mô, trật tự như thế, chắc chắn phải có một sự tổ chức, chuẩn bị kỹ lưỡng. Không đơn thuần chỉ là hậu quả tất yếu của lòng căm phẫn dâng trào, tức nước vỡ bờ của quần chúng!
Có thể thấy rằng trong một xã hội đang được điều hành bởi bộ máy an ninh, quân đội thì những tiếng nói của những người đấu tranh, bất đồng chính kiến, của những blogger can đảm, của những tổ chức dân sự đang thầm lặng hoạt động để mang đến cho quần chúng những thông tin nhiều chiều, sự thật mới chính là nền tảng vững chắc cho những cuộc đấu tranh ôn hòa hôm nay. Sự tự phát chỉ dễ dàng rơi vào sự đàn áp, cáo buộc của nhà cầm quyền.
Dân trí vẫn đang được nâng cao. Chỉ khi nào hiểu và thực thi được tất cả các quyền của một công dân thì khi đó chúng ta mới vượt qua được mọi nỗi khiếp sợ.
Nhà cầm quyền trong nước không thể nào kiểm soát mọi sinh hoạt của người dân trong bối cảnh thông tin toàn cầu. Họ thừa biết không thể nào bưng bít thông tin mãi nhưng vẫn ngoan cố bấu víu vào quyền lực, duy trì sự sống cho một chế độ đang bị chỉ trích hơn bao giờ hết. Và họ đã, đang và sẽ tiếp tục tham nhũng, tích trữ tài sản cho riêng mình bất chấp người dân nghèo khổ, lạc hậu, lầm than, bỏ mặc những đòi hỏi, lợi ích chính đáng của xã hội.
Hà Tĩnh hôm nay là bước đi tiên phong cho một cuộc đấu tranh, bất bạo động nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ. Con đường còn dài, chắc sẽ còn nhiều chông gai, trắc trở; nhưng sự đấu tranh kiên trì của những cá nhân, tổ chức dân sự, dẫu còn ít, cùng với khát vọng đổi mới, tự do, dân chủ sẽ góp phần tích cực tạo ra những thay đổi, chuyến biến quan trọng trong xã hội Việt Nam.
Những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực thời nào chẳng có. Nó cũng quan trọng nhưng đôi khi vượt qua khỏi tầm tay, kiểm chứng của người dân bình thường. Ngược lại những vấn đề liên quan trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, đến xã hội, đến cuộc sống, đến sức khỏe của đồng bào, đến môi trường, đến tương lai của bao thế hệ kế tiếp mới là điều cần phải quan tâm và tranh đấu dứt khoát.
Vì thế, hãy để Trịnh Xuân Thanh cho những kẻ thông hiểu sự việc. Đối với người viết, những bất công trong xã hội hay Formosa cùng hàng ngàn người biểu tình ôn hòa tại Hà Tĩnh hôm nay mới là sự kiện quan trọng và thiết thực cần quan tâm, ủng hộ, chia sẻ.
Sự bền bỉ đấu tranh của nhiều cá nhân, tổ chức, bất chấp tù tội, khủng bố, là bước đầu mang lại những biến đổi tốt đẹp trong công cuộc dân chủ hóa đất nước.
2/10/2016
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài và hình do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính.
TỪ TRỊNH XUÂN THANH TỚI FORMOSA
Ở đời mọi chuyện đều thường
Khác chi cái sảy nảy thành cái ung
Đầu tiên là bản số xe
Chỉ là chuyện nhỏ ai dè thành to
Bởi vì nhỏ tựa trái nho
Mà trong đã chứa biết bao chua lè
Nên chi đuôi giấu lòi đầu
Ba ba ngàn tỷ dễ hầu ít sao
Vì từng Phó tỉnh Hậu Giang
Vì từng cấp Phó quan sang ngành dầu
Thế thì tham nhũng nhờ đâu
Chính nhờ địa vị có hầu lạ chi
Nếu không đào tẩu làm gì
Chỉ Người Buôn Gió nghĩ suy tầm phào
Còn Formosa hỏi thế nào
Cũng là một duộc nghẹn ngào vậy thôi
Bao nhiêu cá chết nỗi trôi
Trãi dài bốn tỉnh biển nào còn kham
Môi trường quả thật đi đoong
Biểu tình là phải lẽ toàn tự nhiên
Đúng là sự cố liền liền
Nó như xâu chuỗi cả miền quê hương
Nối đuôi mới thật tỏ tường
Vỡ bờ tức nước ai thương dân nào
Thật là việc thấu trời cao
Biết bao sự kiện nghẹn ngào lòng dân
Nói xa cũng phải nói gần
Bao nhiêu biến chuyển vạn phần hơn xưa
Xuống đường trên cả ngàn người
Công an còn sợ huống hồ chi ai
Kiểu này so cựa dài dài
Khi nào nguyện vọng đạt thành mới yên
NGÀN PHƯƠNG
(06/10/16)