Dòng Văn Học mang dấu Chúa (P1)

Nguyễn Văn Lục

lydoan1670Mỗi tôn giáo đều có những mong ước truyền đạt, phổ biến tư tưởng đạo đến quảng đại quần chúng. Việc truyền đạo không phải là một điều xấu như có một số người nghĩ.

Sự truyền đạt ấy mang sắc thái riêng của nó nên mới có nhận xét, “Ngôn Ngữ nhà đạo”. Sự truyền đạt ấy xử dụng một văn phong cũng như chữ dùng mà người ta nhận ra được cái chất đạo được gọi là “cái ngôn ngữ nhà đạo” thể hiện qua kinh hạt, giáo lý và truyện kể.

Giáo sư Trần Thái Đỉnh đã bày tỏ kinh nghiệm sống đạo ấy qua kinh Phục Rĩ (thật ra là Phục Dĩ, vì dân Bùi Chu, Thái Bình có thói quen đọc chữ D ra chữ R) tức kinh cầu hồn cho kẻ chết. Kinh này – phải là người theo đạo– phải sống cái thời gian trước 1954 đến 1975– mới thấm thía, mới cảm nghiệm hết được những giây phút đặc biệt ấy. Mặc dầu lúc đầu nó có thể được diễn tả bằng chữ Hán (từ năm 1940 mới được dịch ra chữ quốc ngữ). Mặc dầu không hiểu nghĩa mà vẫn bị cuốn hút vào cái trung tâm bão xúc động giấy lên từ những tiếng kinh cầu.

Những buổi chuẩn bị cuối cùng của mùa chay là những điều khó quên. (Trần Thái Đỉnh, “Kinh nguyện quanh năm Địa phận Bùi Chu, Kinh phục rĩ”, trang 281–284)

Nhưng người trong cuộc chẳng thấy có có hề chi vì sự truyền đạt đến từ cung điệu trầm bổng, sự nhịp nhàng và nhịp nhanh chậm, cộng thêm giọng cung văn tế, tác động thẳng đến tâm sinh lý người đọc. Đó là một chuỗi cảm giác đến từ một chuỗi âm thanh va chạm vào nhau như lớp sóng trào, dâng lên, như vỗ vào bờ.

Chỉ có thể nói một cách vắn tắt giản dị: Đó là một kinh nghiệm tâm linh

Nó cũng chẳng khác chi khi nhà sư tụng niệm bắt đầu bằng tiếng nam mô, rồi tiếng Phạn chậm rãi, đều đều đến một lúc dồn dập như hối hả cộng thêm tiếng mõ làm nhịp. Nhưng hãy cứ tưởng tượng, thay vì một nhà sư gõ mõ tụng kinh Phạn, hàng trăm, hàng ngàn người khác cùng cất tiếng lên một lúc thì sự thể sẽ ra thế nào? Người chết cũng dám trỗi dậy đọc theo?

Kinh cầu hồn ở trên cũng làm chúng ta liên tưởng đến nghi thức trong lễ Vu Lan Bồn. Đó là một nghi thức nhắc nhở lại. Nghi thức bước qua của cuộc đời từ lúc trong bụng mẹ đến lúc vào đời, đến tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành rồi từ cõi người sống qua cõi người chết. Nó diễn đạt một tiến trình hiện hữu rồi suy tàn, sự sống với sự tái sinh.

Trong quan niệm về sự sống–sự chết có thể có những tiếp cận cho thấy có sự tương tự, gần gũi giữa các tôn giáo.

Sự truyền đạt ấy ấy sau này trở thành văn hóa dân gian. Đạo đi vào cuộc đời như một nhân bản tôn giáo.

Kinh nghiệm tôn giáo của tôi – trước đây không phải bây giờ – nhiều khi chỉ cần nhìn vóc dáng nhà sư chùa Long Giáng, như nhà sư trong truyện Hồn Bướm mơ tiên của Khái Hưng, nghe tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ, nghe hát kinh bằng tiếng La tinh, đủ để giấy lên mùi thiền, mùi đạo!

Sấm Truyền ca, Testamenti Vétéris1670 của Lữ Y Đoan, thày cả địa phận Đàng Trong

Hình bìa Sấm Truyền Ca do Nguyễn Văn Nhạn thực hiện 20/12/1956. Truyền Thông,  Số 6,  tháng 11, 2002
Hình bìa Sấm Truyền Ca do Nguyễn Văn Nhạn thực hiện 20/12/1956. Truyền Thông, Số 6, tháng 11, 2002

Sự truyền đạo chính thức vào Việt Nam kể từ năm 1624, ở Đàng Ngoài theo Alexandre De Rhodes; ông viết:

“theo quyết định, năm 1624, cha sai cha Gabriel de Mattos, người Bồ từ Roma tới làm quản lý tỉnh dòng Nhật Bản cùng với năm cha khác đến xứ Đàng Trong( gọi tên này theo thư các cha truyền giáo ở đó), nơi hạt giống mới đức tin sửa soạn một mùa gặt vinh quang và phong phú, cho dân xứ này trở lại.”

(Alexandre De Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du Royaume de Tunquin, Bản Việt Ngữ của Hồng Nhuệ, trang 77).

Vậy mà 46 năm sau, đã có một người Việt đầu tiên trong số 4 người viết Sấm Truyền ca – sáng tác từ nội dung kinh thánh bằng chữ Nôm, pha trộn thêm tinh thần Tam giáo. Linh mục Lữ Y Đoan. (dịch từ Louis Đoan) là một trong những linh mục đầu tiên người Việt được các giáo sĩ Dòng Tên đào tạo. Nhưng sau này xảy ra sự tranh chấp quyết liệt giữa các giáo sĩ Dòng Tên và các Thừa sai Ba Lê. Kết quả, khi Thừa sai Ba Lê được Roma trao cho quyền cai quản cộng đồng giáo hữu người Việt hẳn cuốn sách của Lữ Y Đoan gặp khó khăn, không được cho phép phổ biến. Số phận nó long đong của cuốn sách, trôi dạt theo dòng người lánh nạn thời Nguyễn Phúc Chu (1691–1725) dạt vào các vùng mới khai hoang lập nghiệp như Cái Mơn, Cái Nhum, Mạt-bắc, Bãi giồng.

Vì thế, bổn Sấm Truyền ca đang dùng là tìm thấy ở Cái Nhum, Cái Mơn thuộc Long Hồ.

Có hai người có công lớn trong việc tìm tòi, khai triển, trình bày Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoàn: Lê Phụng và Nguyễn Văn Trung.

Một, Lê Phụng với lối chuyên khảo uyên bác, mở rộng từ điểm nhìn “Sấm Truyền Ca” liên ngành sang các đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật so sánh nhưng điểm thương đồng trong lối nhìn, cắt nghĩa và thuyết giảng.

Xu hướng tìm hiểu ấy giúp cho người đọc hiểu được sự quan hệ giữa các lý thuyết tưởng rằng khác biệt, đa dạng không nối tiếp được. Quan hệ ấy không có tham vọng đồng hóa, cố ý nhập làm một, hay dẫm đạp lên nhau.

Cũng trong cái tinh thần ấy Nguyễn Văn Trung trong tập “Đưa tư tưởng Văn Học Việt Nam truyền thống vào Diễn đàn tư tưởng văn học thế giới” có viết như sau:

“Chúng tôi một số người theo và không theo đạo Chúa, tuổi đều trên 70, về già mới cảm nghhiệm được vấn đề đưa tư tưởng truyền thống VN vào diễn đàn tư tưởng văn học thế giới. Chúng tôi hiện nay có thời giờ, nhưng không còn đủ sức khỏe, không còn những khả năng quy tụ nhóm nọ, nhóm kia làm văn hóa tư tưởng mà không phải lo phương tiện tài chánh ấn loát, xuất bản, nhất là không còn điều kiện tiếp xúc với giới trẻ đại học. Quả thật chúng tôi thuộc về một thời kỳ đã qua. Qủa thực. nếu thế hệ chúng tôi muốn đóng góp gì cho thời đại trước mặt, thiết tưởng trước hết phải rút lui tự nguyện, chấp nhận việc chuyển giao thế hệ, từ bỏ mọi ước muốn nắm giữ quyền hành dù chỉ là những quyền hành của hội đoàn. Trong viễn tượng đó, chúng tôi những người làm biên khảo chỉ có thể gợi ý một vài hướng khai thác mảng văn học cổ còn là một mảnh đất hoang nhằm lưu ý giới nghiên cứu, đặc biệt ở đại học.”

(Nguyễn Văn Trung, “Đưa tư tưởng văn học Việt nam truyền thống vào diễn đàn tư tưởng văn học thế giới”. Năm 2004. Bản thảo, chưa phát hành, trang7)

Trong số những trí thức mà Nguyễn Văn Trung viết là “Chúng tôi” có Trần Thái Đỉnh, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Lê Phụng, Đỗ Quang Chính, Nguyễn Hưng, Nguyễn Huy Lai, Cao Xuân Huy.

Trong số ấy, Thanh Lãng là người có công đầu trong việc giới thiệu và phiên âm mảng môn đạo ra chữ quốc ngữ.

Cũng theo Nguyễn văn Trung thì có đến 5 bản chép tay bằng chứ Nôm về Sấm Truyền Ca. Nay chỉ còn giữ được hai tập: Tạo Đoạn Kinh mà từ thông dụng thường gọi là sách Sáng Thế ký (Genesis) và một phần tập Lập Quốc Kinh (Exodus). Tập này khi ông Nguyễn Văn Nhạn chép lại. Ông viết:

“Rất tiếc chép lại tới đây thì không còn thể nào mò ra được nữa, vì hơn phân nửa quyển Lập Quốc Kinh bị nằm dưới nước, thấm ướt và mối gậm nát cùng số phận với ba quyển sau là Lesvitique, Lé nombres và Le Deutéronome mà tôi không mò ra tên bằng tiếng Việt thời xưa do thầy cả Lữ Y Đoan, địa phận Đàng Trong đặt ra.”

(Nguyễn Văn Nhạn, Saigon 15/10/1956, báo Tông Đồ, Saigon. Nguyễn Văn Trung trích lại, Ibid., trang10)

Sau này, ở hải ngoại, hội Y sĩ Canada đã thực hiện một số đặc biệt về “Sấm Truyền ca” trong Truyền Thông, số 6, tháng 11, 2002.

Người trách nhiệm chấp bút đọc lại Sấm truyền ca là ông Lê Phụng. Tác giả Lê Phụng đã xử dụng bản chép tay của Paulus Tạo đã được đăng trên báo Nam Kỳ Địa phận. Tác giả Lê Phụng vốn có một cái nhìn quy chiếu từ Sấm Truyền ca trong quan điểm liên ngành, liên hệ Sấm Truyền ca với Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, với Phật giáo và với cả luận ngữ của Nho giáo. Sự tham bác rộng rãi ấy của tác giả Lê Phụng vượt ra ngoài giới hạn hiểu biết của phần đông người đọc nên không tiện trích dẫn lại ở đây.

Theo sự hiểu biết thông thường của người viết bài này thì dịch thẳng Kinh Thánh từ tiếng La Tinh như người Pháp, người Anh hay người Tàu đã làm là công việc công phu, cần một ban dịch thuật cân nhắc từng câu, từng chữ, không thiếu một dấu phẩy cho thật sát nghĩa.

Tác giả Lữ Y Đoan với vốn liếng Hán văn và thấm nhuần tư tưởng Tam giáo đã sáng tác bằng thơ có vần điệu để người đọc bình dân dễ thuộc, dễ nắm bắt được.

Nhưng điều này dễ đi trái với tinh thần của Thánh Kinh nên ngay từ thời đó cuốn Sấm Truyền Ca đã không được giáo quyền chính thức nhìn nhận.

Hãy lấy một tỉ dụ dưới sự nhận xét của tác giả Lê Phụng trong 4 câu thơ của Sấm truyền ca để diễn tả khái niệm Chúa tạo dựng nên Trời Đất:

“Khai sáng càn khôn
Tạo đoan phu phụ
Âm dương hỗ trợ
Sinh hóa trường tồn”

Theo Lê Phụng giải thích, trong 4 câu thơ trên có 16 chữ thì đều là chữ nho. Câu đầu hai chữ Càn Khôn là tên hai quẻ trong kinh dịch biểu tượng cho trời đất. Bốn câu thơ tiếp theo là thu ngắn một câu trong sách Trung Dung:

Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ trí giã, sát hồ thiên địa. Theo Trần Trọng Kim nghĩa là đạo người quân tử lập mối đầu ở những điều mà những kẻ thất phu thất phụ biết được làm được mà lên đến cùng cực thì rõ việc trời đất. Hai câu thứ ba, thứ tư nhắc đến thuyết âm dương hỗ trợ tạo nên muôn vật từ xưa tới nay của Khổng học. Bốn câu thơ trên, như vậy phải chăng cho thấy ý muốn của Lữ Y Đoan theo đạo lý Khổng Học để sáng tác Sấm truyền ca– (Tạo Đoạn kinh). (Lê Phụng, ibid., trang 8)

Nếu ai đó hiểu được tổ chức cũng như quyền bính của giáo hội trong phạm vi tín lý thì sẽ không khỏi ngạc nhiên là một cuốn sách như “Sấm Truyền Ca” có thể bị xếp vào loại sách “rối đạo” và tác giả có thể bị vạ “rút phép thông công” như đã từng xảy ra cho một số nhà thần học.

Hiểu như thế mới hiểu được cách đây 400 năm –giáo hội VN còn non trẻ– đã có một linh mục biết vận dụng tam giáo để lý giải thần học Ki tô giáo. Một sáng tạo? Một táo bạo? Một lối diễn giải hòa hợp tôn giáo? Một cái nhìn viễn kiến?

Nghĩ đến linh mục Lữ Y Đoan, tôi thấy một Cao Xuân Huy – cháu nội của Cao Xuân Dục, không phải Cao Xuân Huy nhà văn quân đội – cũng muốn đưa tư tưởng truyền thống Đông Phương vào một cái nhìn quy chiếu với tư tưởng Tây Phương. (Cao Xuân Huy, “Tư tưởng Đông Phương – Gợi những điểm nhìn tham chiếu”, NXB Văn Học)

Đây là những bước thăm dò mà nhiều trí thức miền Nam đã bước vào theo gót chân người xưa.

Nhận xét của Lê Phụng:

“Tác phẩm của Lữ Y Đoan để lại cho chúng ta giúp gì cho chúng ta ngày nay trong cuộc chung sống giữa các tôn giáo, trong trà lưu hoàn vũ hiện nay, phải chăng là điều đáng để suy ngẫm?

(Lê Phụng, ibid., trang 27)

“Philiphê Bỉnh – Sách sổ sang chép các việc” do Thanh Lãng giới thiệu

 Philiphê Bỉnh, "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giao", trang 427
Philiphê Bỉnh, “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giao”, trang 427

Xướng thơ

Tinh sứ từ phen ngọn trỏ xa
Tấc lòng khao khát xiết đâu mà
Khêu sầu gió bấc câu năn nỉ
Gảy thảm trời nam nhạn thẩn thơ
Chiếu phượng những trông công cán vẹn
Xe chiên mừng thấy nước non nhà
Ngây hèn được đội hai phần ước
Thoả nỗi đêm ngày luống thiết tha

Hoà
Rừng bể pha phôi mấy dặm xa
Muôn phần bát ngát khác chi mà
Phú hồn phú xác nào năn nỉ
Vì Chúa vì Thầy luống thiết tha
Nghìn dặm trông chừng non với núi
Đòi phen nghĩ nỗi nước hoà nhà
Xin trên giúp sức cho nên việc
Ngõ thoả dân tình kẻo thẩn thơ

Chú thích

— tinh sứ: sứ nhà trời đi xuống, ý nói việc ngoại giao nơi xa
— thẩn thơ (từ cổ): đi lang thang không định hướng
— phượng: chiếu có hình chim phượng,dành cho nơi quyền quý, ý nóidinh nhà vua
— xe chiên: xe của người chăn chiên (cừu), ý nói xe của giáo sĩ
— ngây hèn: ngu dốt, tầm thường; ý nói những người giáo dân bình thường
— luống (từ cổ): thường như thế
— thiết tha: thương nhớ xót xa
— đòi (từ cổ): nhiềuhoà (từ cổ): và, cùng với
— ngõ (từ cổ): để chothẩn thơ (từ cổ): trông chờ”

(“Philiphê Bỉnh, những bài thơ trong Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo”, Roland Jacques OMI sưu tầm, Đoàn Xuân Kiên chuyển và chú thích, trang 9 — DCVOnline)

Tài liệu văn hóa này có được là do công của Thanh Lãng. Ông là người đã sao chụp được tài liệu này ở Thư viện Vatican. Mang về Việt Nam, phải mất 10 năm chờ đợi mới có dịp được in ra do sự tài trợ của cơ quan Văn Hóa Á Châu [Asia Foundation, thành viên sáng lập gồm những Tổng giáp đốc đại công ty và Hiệu trưởng các Đại học Hoa Kỳ- DCVOnline] giúp tài trợ cho Viện Đại Học Đà Lạt in ấn.

Theo lời tác giả tự giới thiệu như sau:

“Sách sổ sang chép mọi việc linh hồn và xác riêng tôi, cù (cùng) chung anh em bổn đạo thì biên soạn vào sách này cho được nhớ đến ơn trã( trọng) Đức Chúa Blời đã ban.

Tôi là thầy cả Philiphê Bỉnh, quê ở Hải Dương xứ, Hạ haou (hoàng?) phủ, vĩnh lại huện (Huyện), Ngải an xã, địa linh tôn (thôn), sinh ra năm 1759, là năm vua jose nước Portugal pha Dào Đ.C.J ở trão địa phận nih. Đến năm 17 tuổi là năm 1775 vào ở nhà thầy, thì đã Dão ở th Rome đc 2 năm, vì Đức th Phapha Clemte thứ 14 phá Dão Đ.C.J. ngày 22 tháng 7 năm 1773.”

(Phliphee Bỉnh, “Sách sổ vàng chép các việc”. Thanh Lãng giới thiệu. Viện Đại Học Đà lạt xuất bản)

Theo như lời tự thuật trên, mãi đến năm 17 tuổi ông mới đi tu. Và mãi đến năm 1793 ông mới thụ phong linh mục, tức 18 năm tu tập. Sau đó ông được chỉ định giữ chức quản lý, coi giữ tiền bạc của giáo hội nên có dịp đi nhiều nơi như Việt Nam, Ma Cao, Goa, và cả Trung Hoa.

Năm 1796, ông dẫn một phái đoàn sang Bồ Đào Nha (Portugal), nhờ Bồ can thiệp với tòa thánh giữ Dòng Tên lại ở Việt Nam. Hơn tháng sau, ông tới Bồ và Dòng Tên bị bãi bỏ ở Việt Nam; ông lưu vong ở bên Lisbone và ở đó hơn 30 năm rồi chết tại đó. Trong suốt thời gian này, ông ngồi viết sách vở ký tên “Thầy Cả Philiphê Bỉnh”. Ông viết được hơn 20 cuốn sách và đều gửi về Rô ma để sau này được đem về Việt Nam.

Trong số sách ấy quan trọng nhất là hai bộ tự điển: La Tinh–Annam và Anam–La Tinh. Ngoài ra có hai cuốn không kém quan trọng: Truyện Anam Đàng Ngoài (1822). Truyện Anam Đàng Trong (1822).

Nếu chúng ta cứ tính thời gian 150 sau mà chữ Quốc ngữ chỉ được phổ biến hết sức giới hạn, sự khác biệt giữa “Sấm Truyền Ca” và “Sách sổ sang các việc” có những bước tiến về mọi mặt. Và cũng đừng quên rằng Philiphê viết những cuốn sách này tại Bồ Đào Nha trong hơn 30 năm ông ở nơi xứ người!

Thứ nhất, có thể ông là người duy nhất sống lâu năm ở nước người nên ông có dịp quan sát nếp sống văn minh Tây Phương, ông nhận xét và trình bày cách sống, cách sinh hoạt làm ăn, cách ở, cách ăn uống, cách mặc, nhà ở, xe cộ di chuyển, cách làm việc tuần 6 ngày, nghỉ ngày chủ nhật.

Nhất là cách ông mô tả ăn uống đến thèm. Mỗi bữa cơm là một con gà. Ngày ăn ba bốn bữa. Mỗi bữa ba bốn món.Ông cũng không quên thán phục các công trình xây dựng đền đài, dinh thự, nhà cửa của người Tây Phương. Ông cũng nhắc đến các phương tiện làm ăn với máy móc tối tân. Chẳng hạn như việc nhà in ấn loát được ông quan tâm nhiều hơn cả. Ông cũng có thể được coi như một người viết sử đầu tiên theo lối viết của Tây Phương với hai bộ sách truyện Anam Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ông có thể viết chi tiết từng vấn đề liên quan đến đời sống, đến tình trạng giáo hội Việt Nam cả Đàng Trong Đàng Ngoài qua các thư từ gửi về của các giáo sĩ.

Ông viết sử có phương pháp như thế, đi trước nhiều người, vì có cơ hội đọc sách sử của người Tây Phương. Nhờ đó ông đối chiếu các sự kiện lịch sử với nhau. Điều mà người trong nước không làm được. Chẳng hạn ông còn dành từ các trang 138 trở đi để nói về các công trình của Đờ-Rốt và của Girolamo Maiorica.
Phải chi, ngay từ hồi đó, sách vở tài liệu của ông được phổ biến đẻ mở mang dân trí thì hay biết mấy. Chỉ sợ lại rơi vào trường hợp một Nguyễn Trường Tộ khác.

Có những sự việc tranh chấp giữa dòng Tên và dòng Đa Minh, ông cũng không ngần ngại gì mà không đưa ra ánh sáng. Chẳng hạn có những sự việc tranh chấp, nay đọc cũng đến ngạc nhiên, là bên dòng Đa Minh cho rằng nước Thánh do bên dòng Tên làm chẳng có tác dụng gì mà tốt nhất là đem đổ xuống ao. Nói như thế về nhau thì còn gì là đạo với nghĩa? Còn gì là anh em con một nhà? Sự tranh chấp còn đi xa hơn nữa như có ý đồ ám hại nhau mà Philiphê Bỉnh đã tường thuật chi tiết từ trang 35–40. Những điều ông tường thuật lại tuy là những chi tiết có thể nhỏ, nhưng lại rất “con người” mà có thể thời nào, hoàn cảnh nào cũng còn tái diễn lại trong một bối cảnh khác, hoàn cảnh khác. Giáo hội trong thân phận người có xu hướng đi lên và có những xu hướng kéo xuống. Sự mời gọi của thế gian bao giờ cũng nóng bỏng và hấp dẫn!

Thay cho kết luận phần 1.

Chuyện xưa đã như vậy thì chuyện nay có khác gì? Chỉ sợ còn tồi tệ hơn thế nữa! Cứ nhìn cái cảnh một ông Giám Mục Mỹ Tho tên là Khảm. Ông ta nói thì ngon ngọt đạo đức lắm. Mới đây ông làm lễ mừng thượng thọ cho mẹ đã mời cả ngàn người đến ăn uống tại nơi sang trọng. Cái chữ hiếu của ông là để khoe tiền, khoe là danh vọng, khoe bổng lộc thế gian, tất cả những sản phẩm tồi tệ của một xã hội băng hoại, mục rữa, đáng khinh bỉ!

lythihao

Cả cái đám người có mặt hôm đó. bất kể là đàn ông hay đàn bà, chức sắc gì, tu sĩ nam hay nữ, bất kể già hay trẻ, bất kể họ đạo đức cao trọng đến đâu, bất kể họ tu mấy kiếp, tu đến đời cha đến đời con, tôi đều xếp họ vào loại người thiếu lòng tự trọng – loại tu hú. Họ không mảy may xứng đáng là những người con của Chúa. Tại sao tôi có thể nói như thế được? Vì con của Chúa, những người anh em của họ đang ngày đêm bị bóc lột, bị chà đạp hiếp đáp, bị bỏ đói đang kêu gọi ở miền Trung. Họ ăn uống tưng bừng như thế chẳng khác gì tát vào mặt Chúa vậy.

Còn tội nào lớn hơn tội tát vào mặt Chúa?

(Còn tiếp)

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline hiệu đính, phụ chú và minh hoạ.

1 Comment on “Dòng Văn Học mang dấu Chúa (P1)

  1. TÔN GIÁO VÀ TRIẾT HỌC

    Tôn giáo và triết học đều thuộc phạm vi hoạt động tinh thần của con người. Nhưng tôn giáo hướng về tín ngưỡng, còn triết học hướng về tư duy, tư tưởng. Tín ngưỡng là niềm tin và sự chiêm bái về một đối tượng thần thánh hay siêu hình nào đó. Đó là ý nghĩa của hai từ ngữ tín và ngưỡng. Triết học thì không tự bằng lòng ở niềm tin mà hướng đến nhận thức và tri thức. Có khi triết học cũng dẫn đến sự tín ngưỡng, nhưng thường thì liều lượng của tư duy trong tín ngưỡng yếu hơn liều lượng của tư duy trong triết học.

    Tất nhiên mọi tôn giáo lúc đầu cũng bắt nguồn từ cấp độ triết học nào đó. Như đức Phật Thích Ca trước tiên hết là nhà tư duy triết học. Đạo Phật trong cơ sở của nó là một nền triết học. Nhưng ai dám bảo đạo Thiên chúa hay các đạo khác không có khía cạnh tư duy siêu hình học nào đó. Duy có điều triết học thì hướng mạnh về tư duy thuần lý, về tri thức trừu tượng, còn tôn giáo thì hướng mạnh vào niềm tin, vào sự thực hành tín ngưỡng.

    Trong khi đó khoa học lại thuộc khía cạnh hoạt động thế tục của thế gian. Khoa học mang lại mọi ích lợi cụ thể vì nó là anh em đồng song với kỹ thuật. Khoa học hướng đến các quy luật vật chất hay sinh học cụ thể. Sự khác nhau giữa khoa học thực nghiệm và triết học chính là ở đó. Triết học cũng là một khoa học nhưng là khoa học trừu tượng, vì đối tượng của triết học là mọi cái gì trừu tượng và phương pháp luận của triết học là phương pháp luận tư duy. Trong khi đó đối tượng của khoa học đều là mọi cái gì cụ thể, và phương pháp luận của khoa học là phương pháp luận thuần túy lý trí. Tất nhiên tư duy cũng là lý trí nhưng ở cấp độ trừu tượng và bao quát hơn lý trí. Ngay như toán học cũng thế, tuy là ngành trừu tượng trong khoa học nhưng đối tượng cũng chỉ là đối tượng cụ thể được trừu tượng hóa, và phương pháp vẫn là phương pháp lý trí thuần lý.

    Từ đó có nghĩa triết học là gạch nối trung gian giữa khoa học và tôn giáo. Ngã qua bên này triết học rơi vào tôn giáo, ngã qua bên kia triết học rơi vào khoa học. Thế nhưng nếu nhà triết học cũng là người tôn giáo thì còn gì triết học, và nếu nhà triết học lại thành nhà khoa học thì cũng còn gì triết học. Vậy thì triết học là một đặc trưng tinh thần ý nghĩa nhất của con người mà cả tôn giáo và khoa học đều không có.

    Những người vô thần thì không tin tôn giáo hay phủ nhận tôn giáo. Những người duy vật cũng không tin tôn giáo mà còn phủ nhận cả triết học. Như Marx chẳng hạn, ông ta coi tôn giáo chỉ là thuốc phiện làm ru ngủ quần chúng bình dân, ông ta cũng phủ nhận triết học vì coi triết học chỉ là sự vong thân ý thức tức sự đánh mất bản thân ý thức hay sự mê sảng ý thức của con người.

    Có điều vô thần cũng chỉ là một niềm tin có khác gì hơn tôn giáo. Còn duy vật cũng chỉ là niềm tin thuần túy thì cũng có gì đâu khoa học hay triết học. Marx không nhìn thấy đối tượng của triết học là bao quát vô hạn, bất kỳ cái gì cũng đều có thể trở thành đối tượng của tư duy triết học cả, trong đó có tôn giáo, có khoa học, và có cả chính bản thân của triết học. Quan niệm của Marx thật ra chỉ là quan niệm nông cạn, phiến diện và độc tài võ đoán thế thôi. Chính bởi vậy mà học thuyết Mác trong thực chất nó lại trở thành một tôn giáo và cả một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng bình dân mà không gì khác.

    Bởi thường những người trong cuộc mới biết rõ mọi cục diện ma mình đang có mặt trong đó là gì. Những ai đã từng ở sâu trong thế giới cộng sản mới biết cộng sản là thế nào còn không thì vô phương. Chỉ những người có tôn giáo đúng nghĩa nhiều khi mới thật sự trãi nghiệm tôn giáo mà người khác không thể có. Cũng vậy chỉ những người có trình độ tư duy triết học đến mức nào đó mới hiểu được ý nghĩa của triết học mà thường mọi người bình thường thì khó đạt đến.

    Nhưng có điều thế gian này không phải chỉ có một tôn giáo mà có nhiều tôn giáo, tức có các dạng loại niềm tin hay đức tin khác nhau. Cũng vậy triết học không phải chỉ khẳng định một lần mà có cả một lịch sử hay con đường phát triển tư duy triết học từ Đông sang Tây. Nhưng trong khoa học cũng có những thứ ngụy khoa học huống gì là trong tôn giáo làm gì không có những thứ ngụy tôn giáo hay trong triết học làm gì không có những thứ ngụy triết học.

    Ngụy tôn giáo chỉ là nhân danh tôn giáo, và mị tôn giáo, mà không có đức tin thật. Ngụy khoa học là chỉ núp bóng khoa học mà không có niềm tin chân lý hay mục đích chân lý khoa học thật sự. Ngụy triết học cũng thế, chỉ nhân danh triết học mà thực sự không hiểu chiều sâu hay tính bao quát cũng như mục đích tối hậu của triết học là gì. Thế thì vấn đề đặt ra ở đây là ý nghĩa của chân lý và ý nghĩa của con người hay nhân văn.

    Chân lý có chân lý siêu hình và chân lý cụ thể. Chân lý siêu hình chỉ có thể là chân lý bao quát nhất và duy nhất, vì đó là thực thể khách quan duy nhất. Chân lý cụ thể là biết bao những sự thật cụ thể thiên hình vạn trạng. Còn tính nhân văn cao nhất là tính nhân văn tinh thần mà không phải chỉ là tính nhân văn vật chất. Vì vật chất hay thể lý thì loài vật cũng có, nhu cầu loài vật cũng y hệt đâu khác gì con người. Nhưng tinh thần như ý thức đạo đức, trí tuệ, ý thức chân lý nói chung thì muôn đời loài vật cũng không thể nào có.

    Chỉ tiếc học thuyết Mác cuối cùng lại vật hóa thế giới, vật hóa con người, vật hóa cả nền văn minh của nhân loại. Đấy ý nghĩa của duy vật là thế và ý nghĩa của quan điểm độc tài về mọi khía cạnh là thế. Thế giới đương nhiên là cái cụ thể, nhưng cái cụ thể chưa hẳn đã là cái duy nhất. Điều nông cạn của Marx là nhìn cái cụ thể vật chất là cái duy nhất. Nhưng sự tồn tại của chân lý tối hậu, của cái lý niệm màu trong vật chất, trong sinh học, trong sự sống thì Marx hoàn toàn quay lưng và mù tịt. Cuối cùng Marx chỉ là nhà tư tưởng chính trị độc đoán mà không phải nhà triết học chân chính và bao quát. Ngay cả quan điểm đấu tranh giai cấp là cốt lõi bao trùm nhất của toàn bộ hệ thống ý hệ tư tưởng của Marx thực chất cũng chỉ là điều mê tín vào quan điểm biện chứng luận của Hegel một cách phiến diện, thơ ngây, nông cạn mà không gì khác.

    Vậy thì văn hóa trong lịch sử là điều quan trọng nhất, nó quan trọng nơi mỗi cá nhân và nơi toàn thể xã hội. Văn hóa trong xã hội là trình độ dân trí chung, văn hóa nơi cá nhân là trình độ nhận thức chung, còn văn hóa trong lịch sử là tinh hoa phát huy về văn minh trong từng giai đoạn lịch sử nhân loại. Chính sự mù quáng, cực đoan, cuồng tín đều là những tính cách phản văn hóa, nên nó thường gây ra những cuộc chiến tranh vô nghĩa và vô bổ như chiến tranh tôn giáo, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh nhằm tranh đoạt quyền lợi tầm thường ích kỷ lẫn nhau giữa các tập hợp con người đều chính là như vậy. Nói cách khác triết học cũng là thứ văn hóa hay đỉnh cao nhất trong văn hóa mà nhiều người vẫn còn chưa ý thức hay nhìn thấy hết được. Sự khốn đốn của dân tộc và đất nước Việt Nam trong quá khứ một phần nào đó cũng là do quá yếu thấp về mảng tư duy triết học nên mới trở thành mù quáng và cuồng tín ở những bộ phận nào đó của dân tộc không hề thiếu thông minh, tinh thần và trí tuệ chính là như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (09/10/16)