Tạp chí Đại Học | Số 37, Năm thứ VII
Tạp chí Đại Học
“Tỷ dụ là Hồ Xuân Hương có và cả cái tác phẩm năm cha và ba mẹ(1) người ta gán cho nàng đều của nàng thì, để bắt đầu, người ta có thể nói rằng mọi vật trong thơ nàng đều chẩy nước. Quả mít chín cây cũng chẩy như những núi đá. Nước có thể nhiều. Khi thì nước tăn teo như sắp cạn. Ngần ấy nước tuy nhiên đều là nước ở trong ra.” – Đỗ Long Vân, “Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương”, TCĐH, số 37, trang 52-78
DCVOnline: Đọc thêm Nguyễn Văn Lục, Tóm lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học, October 22, 2015.
NGHỆ THUẬT THI CA CỦA NỮ SĨ
THIÊN TÀI HỒ XUÂN HƯƠNG
Trong kho tàng văn học Việt Nam có ba nhà thơ nữ tiêu biểu và đều vô cùng xuất sắc, đó là bà Huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm, và bà Hồ Xuân Hương. Song nếu bà Huyện Thanh Quan trang trọng và quý tộc bao nhiêu, bà Đoàn Thị Điểm sắc sảo, phong phú, điệu nghệ bao nhiêu, bà Hồ Xuân Hương lại tài hoa, tinh tế và phóng túng bấy nhiêu. Có nghĩa ba nữ sĩ đó đều mỗi người mỗi vẻ, tài năng không ai thua kém ai, chỉ có điều mỗi người sử dụng nghệ thuật thi ca mỗi khác, ý nghĩa nội dung và mục đích nghệ thuật mỗi người mỗi khác, do vậy giá trị nghệ thuật của cả ba đều nổi bật và khó so sánh được ai với ai cả.
Trong Tạp chí Đại Học (Huế) số 37 năm thứ VII, tháng 2/1964, có bài viết của tác giả Đỗ Long Vân “Nguồn nước bí ẩn của Hồ Xuân Hương”, đọc qua cũng thấy nhiều chỗ thú vị, nên đó là lý do gây cảm hứng để ở đây xin được góp thêm bài phóng bút ngắn, chớp nhoáng này để các độc giả ngày nay đặc biệt là lớp trẻ có thêm được cả cái nhìn thật sự biệt nhãn đối với người nữ sĩ tài danh muôn đời không mai một được, đó chính là nhà thơ nữ danh tiếng không thể chê được mà ai cũng đều biết, đó là nhà thơ danh giá Hồ Xuân Hương.
Khi nói đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, điều đáng nói trước nhất chính là nội dung đề tài rất khác biệt mà xưa nay trong lịch sử văn học đất nước chưa hề từng có, thái độ cách nhìn của bà về sự vật, cũng gọi được là nhân sinh quan khá đặc biệt, nhất là nghệ thuật thi ca rất hàm súc, xuất sắc, đầy sự sáng tạo khác lạ khó có thể tìm thấy ở đâu khác, nhất là về mặt tư tưởng trong tác phẩm, đó là tư tưởng hoàn toàn cách mạng đối với cái nhìn về thế giới văn học dám thách đố với đời mà quả thật trước khi bà xuất hiện chưa hề có trường hợp nào như thế.
Nên nói nghệ thuật thi ca là nói nghệ thuật sáng tạo, nói tư tưởng mới lạ, nói cách nhìn độc đáo về sự vật, nói quan niệm sống chân thực và tự nhiên, nói ngôn ngữ văn học giàu chất hình tượng, gợi cảm, cùng tâm hồn tinh tế, thì quả khó có ai qua mặt được Hồ Xuân Hương cho dù thời đại nào hay mãi tới ngày nay cũng thế. Do đó khi đọc đến tác phẩm Hồ Xuân Hương trước tiên người ta thấy đó là thứ ngôn ngữ sống thực, đầy tính gợi hình, gợi cảm, hay nói khác tính tượng thanh, tượng hình của ý niệm hay từ ngữ được dùng để diễn tả quả thật làm người ta bất ngờ, ngạc nhiên, thuyết phục, không chê vào đâu cả. Hình ảnh của đồi núi, khe suối, hoa cỏ, tiếng nước chảy, tiếng nước vỗ, hay các âm thành dồn dập hoặc các hình ảnh sinh động khác, theo kiểu mô tả xác đáng, hiện thực, đó là tài nghệ nổi bật mà khó có ai sánh được. Đặc biệt bà Hồ Xuân Hương thường vận dụng hay sử dụng ngôn ngữ nói lái trong tiếng Việt rất đạt chuẩn, đó là điều thật sự xuất sắc và tự nhiên, kiểu người bình dân hay bảo là cách nói thanh mà giảng tục, đó là điều hết sức đặc sắc mà người ta vẫn bảo thơ Hồ Xuân Hương là thơ tục hay thơ dâm là như thế. Nhưng dâm hay tục là do ý người ta hiểu còn riêng các bài thơ của bà đều có đề tài hay tựa bài đứng đắn, có nội dung mô tả sự thật, vật thật chẳng có gì mang ý thô tục nếu người ta có cái nhìn nghiêm túc về chúng. Đó chính là điều mà bất cứ ai đọc thơ Hồ Xuân Hương cần nên phân biệt. Nên nói không ngoa, đó cũng là cái nhìn triết học về sự vật mà nữ sĩ luôn luôn có, nói cách khác nhà nữ thi sĩ này thật sự có cái nhìn triết lý khá phong phú và sâu sắc về những đề tài mô tả hoàn toàn bình dân của mình là điều mà có thể ít ai ngờ tới.
Cũng thì trái mít, cũng thì cái khung cửi dệt, cũng thì cuộc đánh cờ giữa hai người nam nữ, cũng thì cái bánh trôi nước, cũng thì cảnh đèo núi tự nhiên, cũng thì hàm ý về vũ trụ nhân sinh chẳng hạn, nhưng cách nhìn, lối nhìn, sự cảm thụ sự vật, sự khám phá hình ảnh độc đáo, bà Hồ Xuân Hương hoàn toàn không giống với mọi người. Bà có cái nhìn hay cách nhìn cao hơn về chỗ các đối tượng như thế mà người khác thường không có, hay dẫu có nhận xét đôi chút nào đó cũng chỉ im lặng mà không hề dám bộc trực nói huỵch tẹt ra, đó chính là cách độc sáng của bà Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ, mà mọi nhà thơ đứng đắn Nho sĩ xưa đều không thể nào có được. Như vậy bà quả là một sự cách mạng không phải chỉ trên ngôn ngữ, trên bút pháp nghệ thuật thi cả, mà còn trên cả tư tưởng khoa học và nhân văn rất ư là khách quan, tự nhiên mà rất ít người muốn hay có khả năng nhìn trực diện vào các ý nghĩa đề tài như thế được.
Hãy đơn cử một số bài thơ tiêu biểu từ sự nghiệp tác phẩm cùa nữ sĩ Hồ Xuân Hương như sau :
Quả Mít
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra taỵ
(HXH)
Qua Kẽm Trống
Hai bên thì núi giữa thì sông
Có phải đây là Kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Trong hang đá dựng còn hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi nên ngắm lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng
(HXH)
Sư bị làng đuổi
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo
(HXH)
Tát Nước
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè
Rủ chị em ra tát nước khe
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa
Nhấp nhỏm bên bờ đó vắt ve
Mải miết làm ăn quên cả mệt
Dang bang một lúc đã đầy phe
(HXH)
Tranh hai Tố nữ
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh
Phiếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng thấy
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình
(HXH)
Ốc nhồi
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi
(HXH)
Đánh Cờ
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người
Hẹn rằng đấu trí mà chơi
Cấm ngoại thủy không ai được biết
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết
Để đôi ta quyết liệt một phen
Quân thiếp trắng quân chàng đen
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên
Hai xe hà chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí thiếp liền ghểnh sĩ
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý
Đem tốt đầu dú dí vô cung
Thiếp còn đang mắc cứng xe lồng
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con
Khi vui nước nước non non
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà
(HXH)
Thiếu Nữ Ngủ Ngày
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc còn cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới lưng ong
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
(HXH)
Dệt vải
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ
Chờ đến ba thu mới dãi màu
(HXH)
Cảnh làm lẻ
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa nên chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng
Cầm bằng làm mướn mướn không công
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong
(HXH)
Giếng nước
Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá giếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh tân chi dễ biết
Nào ai dám thả nạ rồng rồng
(HXH)
Đèo Ba Dội
Một đèo một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn phải trèo
(HXH)
Bánh Trôi Nước
Thân em vừa trắng, lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(HXH)
Đánh Đu
Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái
Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không
(HXH)
Chợ Trời
Khen thay con tạo khéo trêu ngươi
Bày đặt ra nên cảnh chợ trời
Buổi sớm gió đưa trưa nắng đứng
Ban chiều mây họp tối trăng chơi
Bầy hàng hoa quả tư mùa sẵn
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi
Bán lợi buôn danh nào những kẻ
Chẳng nên mặc cả một đôi lời
(HXH)
Vịnh cái quạt
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Phành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa
(HXH)
Vịnh cái quạt (2)
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay
Mỏng dày từng ấy chành ba góc
Rộng hẹp dường nào cẵm một cây
Càng nóng bao nhiêu càng lại mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một hút này
(HXH)
Hang Cắc Cớ
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẽ Hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
Con đường vô ngạn tối om om
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm
(HXH)
Rõ ràng qua một số bài thơ được chứng dẫn như trên, ai cũng nhận ra được chủ yếu các chủ đề của nữ sĩ là nói về giống tính và chuyện làm tình, chuyện ái ân giữa trai gái. Ngôn ngữ tả thực rất khéo léo, thi tứ rất chỉnh đốn, thi từ rất chính xác, sâu sắc, sáng tạo, trung thực và gợi cảm. Nghệ thuật thơ của Hồ Xuân Hương rất giản dị, ý thơ và mạch thơ lưu loát, trôi chảy, như không hề có sự cố gắng hay sự để tâm gò bó giả tạo hoặc làm dáng nào, thơ mà chỉ như văn nói, văn viết bình thường, đó là nghệ thuật điều luyện như hoàn toàn nhập vào máu, vào tim không phải ai cũng có khả năng làm được. Đặc biệt qua các bài thơ trên, đáng lưu ý nhất là các từ láy, các điệp ngữ, các cách nói lái kín đáo mà bàng bạc khắp nơi đầy kiểu gọi hình, gợi ý. Qua đó cho thấy nữ sĩ làm chủ được ngôn ngữ một cách điêu luyện và xuất sắc. Các hính ảnh sự vật đều là các hình ảnh sự vật thật cả, hoàn toàn khách quan, tự nhiên được mô tả lên trung thực hết sức, không có gì tục tiểu cả. Nhưng cái tục tỉu là do sự liên hệ, sự liên tưởng không thể không có vậy thôi. Như vậy chính bà Hồ Xuân Hương là đáng trách hay chính người đọc mới là đáng trách ?
Có người quan niệm hiện tượng Hồ Xuân Hương là hiện tượng ân ức sinh lý nào đó của bản thân bà, làm thơ như một cách giải phóng, cách thăng hoa lên trên tính duc. Nhưng xem xét kỷ đây không phải sự vô tâm, sự vô tình, sự không ức chế được, nhưng ngược lại đây là sự chủ tâm, sự có ý đồ, sự chủ động, như là một biện pháp nhằm chê cười, phản kháng lại tính đạo đức giả trong xã hội phong kiến theo cách truyền thống. Bởi Hồ Xuân Hương là một phụ nữ, nhưng bà nhìn sự vật như cách của nam giới, không có gì e thẹn, ngượng ngùng, né tránh, mà nhằm nói ra một cách huỵch tẹt hoàn toàn tự nhiên, bạo dạn, thậm chí có ý trêu chọc và bạo dạn trước sự vật, trước xã hội. Thái độ của bà giống như một người thầy thuốc, một nhà triết học, nhìn cái giống, cái phái tính như là sự tự nhiên khách quan, nhìn với tính cách mổ xẻ giải phẫu, phân tích và đánh giá, nhìn theo kiểu khoa học và nghệ thuật mà không nhìn theo cách đạo đức giả hoặc màu mè làm dáng. Thi ca Hồ Xuân Hương chính là thi cả tả thực theo kiểu hiện thực xã hội hoàn toàn tinh tế và mạnh bạo là như thế. Có nghĩa quan điểm của bà là quan điểm chính đáng đáng khen, nhất là nghệ thuật thi pháp của bà vượt lên trên mọi cái tầm thường để vươn lên sáng tạo theo yêu cầu sáng tác kiểu chân phương, chủ động, linh hoạt, và hoàn toàn phong phú lẫn trung thực.
Thật ra giới tính là yêu cầu hoàn toàn cần thiết và thiết yếu của xã hội. Đó là quy luật khách quan của tự nhiên, không cần gì phải né tránh hay làm bộ né tránh. Vấn đề chỉ là cái nhìn mang tính cách chủ động và vượt qua được tính bản năng bị động tầm thường, đó là điều mà chính bà Hồ Xuân đã chủ đích muốn làm và đã làm được. Cho nên nói về Hồ Xuân Hương là nói về các tố chất hay ba đặc điểm sau đây : bà vượt lên trên cả đàn ông về sự nhận thức và về quan điểm tính dục một cách chủ động và có văn hóa vì biết nhìn trực diện vào sự vật theo cách không tầm thường mà không phải mọi người đều làm được. Thứ nữa bà đã thi vị hóa mọi vấn đề liên quan tới tính dục, kể cả những ý nghĩa tục tỉu hay tầm thường nhất nhưng vẫn được bà nhận thức một cách thăng hoa không hề bị hạ giá theo cách cố tính hay vô tình. Và không những thi vị hóa cái giới tính mà bà còn mô tả nó bằng ngôn ngữ thi vị của thi ca khiến người khác phải ngỡ ngàng mà không thể phản bác hay phản kháng lại được. Tựu trung các bài thơ của bà phần lớn để miêu tả khách quan cơ quan sinh dục nữ và nam cũng như sự giao hợp và sự làm tình hay sự khoái lạc của hai giới tính. Các từ ngữ vần trắc hay đôi khi điệp vận, điệp âm càng ho thấy tính nhầy nhụa, tính lắc léo, tính ủn ẹo nơi chính sự vật và hành vi được bà thể hiện rất khéo léo và rất thi vị, nghệ thuật. Ngay như bài thơ khóc chồng bà là ông Phủ Vĩnh Tường cũng có những câu tuy rất thống thiết mà cũng rất buồn cười đầy ý tứ :
KHÓC ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương năm tấc đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi cán khôn khép lại rồi
Hương lửa cuộc đời đà mấy chốc
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi
(HXH)
Ngay cả trong lúc khóc chồng mà bà vẫn cứ phết cho hai câu thơ : “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất, miệng túi cán khôn khép lại rồi”. Thật là hai câu thơ đầy thi tứ và hình ảnh cụ thể mà không ai không hiểu và không tức cười. Vì nó đối nhau chan chát. Cán cân tạo hóa của ông phủ khi đã rơi rồi, thì dĩ nhiên miệng túi càn khôn của bà nữ sĩ từ nay cũng phải bị khép chặt. Quả thật, nếu không phải là một nữ thi hào thì cũng khó mà sáng tác ra thơ như kiểu ấy được. Vinh quang thay nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, ngàn đời mới có một chính là như thế.
PHƯƠNG NGÀN
(17/10/16)