Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p1)
Nguyễn Văn Lục
Trong chương Hai cuốn S.M. Bao Daï Le Dragon D’Annam, nxb Plon, 1980, Bảo Đại đã viết: Empereur D’Annam. [Hoàng đế Annam, 1926-1945]. Chương ba, ông viết Conseiller suprême du gouvernement [Cố vấn tối cao chính phủ Hồ Chí Minh, 1945-1946] và chương bốn ông viết: Chef de l’État [Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, 1949-1955, trong Liên hiệp Pháp].
Nhận định và đánh giá vai trò Bảo Đại nhà Vua, Bảo Đại Cố vấn tối cao và Bảo Đại Quốc Trưởng
Sự phân chia ba vai trò như thế giúp cho việc tìm hiểu, đánh giá ông trong mỗi thời kỳ thêm minh bạch và rõ ràng hơn. Thật ra thời kỳ ông làm Cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh rất ngắn, 1945 đến 1946. Nó chỉ có tính cách tượng trưng cho tính thống nhất của Hồ Chí Minh. Tháng ba năm 1946, ông đã rời Việt Nam. Nhưng chính giai đoạn ngắn ngủi này lại rất lý thú, một trò lợi dụng, lừa đảo giữa đôi bên, giúp thấy rõ thêm bản lãnh của Bảo Đại so với Hồ Chí Minh.
Nhưng rất nhiều tác giả chỉ coi Bảo Đại (1913-1997) lúc nào cũng là vua và vì thế cách viết, cách ứng xử của họ, do nể trọng có nhiều thiên lệch và định kiến. Một trong những khuyết điểm lớn nhất của những tác giả nêu trên định kiến, muốn bảo vệ cái hào quang quá khứ của triều đình nhà Nguyễn qua nhân vật Bảo Đại. Nhưng đó là một nhận định sai lầm, thiếu dữ kiện lịch sử hay cố tình bôi bác lịch sử cho những tham vọng thấp kém và đầy ảo tưởng.
Chế độ vua quan triều Nguyễn đã cáo chung và Bảo Đại là vị vua cuối cùng triều Nguyễn đã không mang lại một chút hy vọng và tin tưởng nào cho dân chúng. Chỉ cần đảo mắt nhìn chung quanh các láng giềng của Việt Nam như Nhật, Thái Lan cho thấy đất nước cần những người lãnh đạo sáng suốt, vì dân như thế nào.
Khi viết về vua Bảo Đại, tôi căn cứ trên cuốn Hồi Ký đã nêu trên. Dĩ nhiên người ta cũng thừa hiểu rằng Hồi ký này không phải chính tay Bảo Đại viết. Ông đã nhờ một sĩ quan Pháp viết dùm. Cái khó chịu là trong Hồi ký lúc tác giả xưng hô ở ngôi thứ nhất, “Je”, nhưng ngay sau đó xưng ở ngôi thứ ba, “il”. Sự lẫn lộn như thế về mặt hình thức làm giảm giá trị cuốn sách đối với người đọc.
Nhưng thể Hồi Ký tự nó khó bảo đảm được sự thật. Trong các sách hồi ký của người Việt Nam cùng lắm có vài cuốn được coi là trung thực là cuốn Một cơn gió bụi của cụ Trần Trọng Kim và cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Xuân Chữ (1898-1967).
Rồi từ đó, tôi nhận định xem điều gì ông không nói, không viết, điều gì ông che dấu sự thật nhờ vào sự so sánh với các tài liệu khác.
Cảm tưởng chung của người viết khi đọc cuốn Hồi ký của Bảo Đại là, thứ nhất ông thật ít nói đến đời tư, hầu như câm lặng. Hoặc chỉ nói nửa vời. Đời tư của ông vốn phức tạp, chiếm lĩnh hầu như cả cuộc đời ông như bao nhiêu vợ bao nhiêu mối tinh lăng nhang, tiền bạc, nhà cửa dinh thự nhiều vô số kể. Tất cả hoàn toàn không được nói tới. Sự không nói tới này tạm hiểu được.
Sự ít nói đó nếu chịu khó giải mã nhiều cách. Có thể như một quán tính, cái môi trường ông sinh ra, nơi ông đã sống 9 năm thuở nhỏ. Đó là cái môi trường trong nội cung đầy thù nghịch với trên dưới 10 ngàn người. Nhưng người có chức, có quyền phẩm chật khác nhau tranh dành nhau một mẩu quyền hành, bị thất sủng hay được ân sủng, bị truất phế hay bỗng chốc lên ngôi. 142 người con của Minh Mạng tranh chấp nhau cũng đủ nát triều đình cộng với 51 người con của Gia Long. Và chỉ có một chỗ ngồi cao trọng mà thôi.
Đó là bi kịch triều đình phong kiến, xã hội đa thê, bi kịch Nhà Nguyễn. Trị trong nhà không xong, nói chi đến trị nước. Ngoài chuyện ăn ngủ đã chiếm hết thời gian của họ, thời giờ còn lại là những toan tính, những âm mưu từ nhiều phía mà trước hết là phải biết sống còn.
Nghệ thuật biết sống còn là thứ cha truyền con nối trong chốn cung đình và lây lan ra bên ngoài như một thứ văn hóa dân gian vùng đất nghèo khó ngoài cung điện.
Phần còn lại là do giáo dục trong cung đình mà chính ông Bảo Đại được dạy dỗ. Trong cung đình có đủ hạng người, đủ mọi hệ phái, hệ phả từ các đời vua trước để lại nên có thể kèn cựa nhau, rình mò sơ hở của nhau để ám hại nhau.
Cho nên cách giữ mình tốt nhất là im lặng như không nhìn, không thấy để tránh tai họa đổ xuống khi lỡ miệng rồi bị dèm pha, tố cáo. Chính Bảo Đại viết như sau:
“Cette éducation de prince aboutissait à un véritable conditionnellemnt. ‘Un lavage de coeur’ qui devait écarter toute passion chez le futur empereur. Plus encore, le prince ne doit même pas avoir à maitriser ses sentiments, il les re foule. La sagesse dit: ‘Gardez votre bouche comme une jarre et vos pensées comme une forteresse.’”
(S.M. Bao Daï, S.M. Bao Daï Le Dragon D’Annam, Plon, 1980, trang 19)
(“Việc giáo dục một hoàng tử khởi đầu bằng một hình thức điều kiện hóa thực sự. “một thứ tẩy trái tim” bằng cách phải loại trừ mọi thứ dục vọng nơi nhà vua tương lai. Hơn thế nữa, hoàng tử còn cần phải chế ngự được các tình cảm của mình, phải biết dập tắt chúng. Đạo lý dạy rằng: ‘Thủ khẩu như bình. Phải che đậy các ý nghĩ của mình không để lộ ra ngoài,.’”)
Chính Bảo Đại thú nhận ông không bao giờ khóc hay bộc lộ sự buồn phiền. Ông đã đạt tới sự vô cảm, sự lạnh nhạt ở bề ngoài.
Chính nhờ sự biết kín đáo giữ mình này như một thái độ chính trị khôn ngoan, ông tránh được nhiều lần có thể đe dọa đến tính mạng của ông. Hay ít lắm, ông bớt được kẻ thù. Và cũng không thiếu người lầm tưởng sự im lặng, một thái độ chính trị của ông, và xếp ông là người hiền lành. Có thể nói, thái độ im lặng của Bảo Đại là một bản lĩnh chính trị cao hơn nhiều người khi phải đối đầu với người Pháp và nhất là với Hồ Chí Minh.
Ông hơn người ở chỗ ấy. Và sau đây là bằng chứng cụ thể.
Khi ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh, cái thế chính trị của ông là quá bấp bênh; ông có thể bị Hồ Chí Minh thủ tiêu, ám hại dễ dàng bất cứ lúc nào. Chức cố vấn tối cao cho lúc nào thì mất lúc nào cũng dễ như thế. Ông thừa thông minh để hiểu điều ấy.
Kẻ thù trong cung, nếu có, chẳng nghĩa lý gì. Kẻ thù người Pháp, họ chỉ mong muốn có bạn, Bảo Đại có đủ tư cách để đối phó theo nghĩa là người bạn của nước bảo hộ. Ông có đủ tất cả mọi thứ trên đời này mà ông mong muốn, trừ chữ Độc Lập.
Nhưng đối với Việt Minh, ông chỉ có thể chọn lựa chữ sống hoặc chết. Ông đã chọn bằng mọi giá phải sống.
Ông và Hồ Chí Minh lần đầu gặp nhau đã khoác tay nhau đi dạo như những người bạn thân từ lâu ngày gặp lại nhau.
Trong các buổi họp hàng tuần thường kéo dài từ 9 giờ đến 13 giờ trưa, ông chỉ ngồi quan sát người khác mà không hề phát biểu. Thật không dễ để ngồi im lặng. Chỉ một lần khi Phạm Văn Đồng phát biểu là trong quỹ nhà nước chỉ còn có ba đồng 25 xu. Và để có tiền, đề nghị phải đánh thuế gián thu trên các sản phẩm tiêu thụ như như gà, vịt và trâu. Bảo Đại đã buột miệng nói: “Vous oubliez le chien.” Các ông đã quên còn con chó. Hồ Chí Minh cười.
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 136).
Và để kết thúc chương làm cố vấn trong thời kỳ này. Ông đã tự hào về sự khôn ngoan của mình như một kẻ từng trải. Nhưng đồng thời những điều tiết lộ của ông cho thấy trong 15 năm ở ngôi vua, ông đã chứng kiến biết bao điều trong nội bộ cung cấm của triều đình Huế. Ông viết:
“Bien qu’ayant le même âge que la plupart d’entre eux, mon expérience en ce domaine est beaucoup plus grande. Quinze années, passées à la tête de l’état, m’ont permis de connaitre tant d’intrigues, d’ambitions, de manoeuvres sordides, que j’ai acquis des hommes une profonde connaissance qui me laisse peu de doutes sur les véritables motivations de leurs actes.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 137)
(“Mặc dầu cùng một cỡ tuổi với phần đông những người trong bọn họ, nhưng kinh nghiệm về lãnh vực này của tôi thì hơn họ nhiều. 15 năm trong vai trò đứng đầu quốc gia đã cho phép tôi biết các thủ đoạn, những tham vọng, những mánh khóe bẩn thỉu mà tôi hiểu rõ con người nhờ đó giúp tôi hiểu những động lực sâu xa nơi những hành vi của họ.”)
Thứ hai, ông có một bản năng sinh tồn, một sự ích kỷ đến độ thản nhiên, vô cảm, trước mọi hoàn cảnh, mọi biến cố ngay cả đối với người ruột thịt. Ông chỉ biết có ông và chỉ ông mà thôi. Đừng tìm nơi ông bất cứ một sự thương xót, một chia xẻ, một tình cảm dù nhỏ nhặt nào. Trong cả cuốn hồi ký, không có chỗ nào, ông nhắc nhớ một lần đến con cái ông.
Ra ngoài Bắc trong lúc có nạn đói, đất nước rối beng, ông như được sổ lồng vẫn thản nhiên tìm thú vui chơi hưởng thụ. Khi quân Tầu sang Việt Nam giải giới quân Nhật, nhiều chính trị gia thuộc các đảng phái quốc gia như VNQD và Đồng Minh Hội, tất cả trông cậy vào ông. Họ đến gặp ông để yêu cầu ông đứng ra lãnh đạo Quốc Gia. Ông viết như sau:
“A toutes ces propositions, j’oppose une totale indifférence.”
(S.M. Bao Daï ibid., trang 138)
(“Trước những yêu cầu của họ, tôi phản đối một sự dửng dưng toàn diện.” )
Tuyên bố như vậy nhưng ông không làm gì cả. Và cũng không lạ gì sau này, đi bất cứ đâu, ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng tìm thú vui chơi mà gái là hàng đầu. Trong chuyến đi sang Trùng Khánh có Hà Phú Hương, một cán bộ cộng sản đi cùng để yêu cầu Tưởng Giới Thạch giúp vũ khí chống Pháp. Lúc quyết định trở về, một cách bất ngờ, cựu hoàng thông báo thẳng thừng:
“Quand vient l’heure du retour, l’ex-empereur annonce tout de go à ses compagnons qu’il ne reprendra pas le chemin de Ha noi. “je reste, dit-il, je vais faire du tourisme… et il ajoute: “si vous voyez ma femme, dites-lui que je suis en bonne santé.” Huong est furieux, explose, dit ce qu’il a sur le coeur depuis le départ.”
“Majesté, vous ne pensez qu’à bien vivre, aux femmes et aux jeux.”
(Daniel Grandclément, Bao Dai ou les derniers jours de l’empire d’Annam, nxb JC Lattès,1997, trang 225-226)
(Khi đến lúc phải quay về Việt Nam, cựu hoàng tuyên bố thẳng thừng với những người đồng hành với ông là ông không về Hà Nội. “Tôi ở lại, tôi sẽ đi du lịch.” Ông thêm: “Nếu gặp vợ tôi, nhờ các ông nói giúp tôi khỏe mạnh.” Hà Phú Hương nổi giận, không còn giữ được những điều kìm nén ông giữ trong lòng từ lúc ra đi đến giờ:
“Thưa Hoàng thượng, ngài chỉ nghĩ tới ăn chơi cho sướng, nghĩ tới gái và cờ bạc.”)
Trước một câu nhận xét nặng nề và xỉ nhục như thế. Cựu Hoàng chỉ cười.
“L’empereur sourit mais ne dit rien.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 226)
(“Cựu Hoàng mỉm cười nhưng không nói gì.”)
Mặc dầu đây chỉ là một giai thoại do Hương kể lại. Nhận xét của Hương đâu có sai sự thật. […] Rõ ràng là cựu hoàng không trở về với gia đình.
Một vấn đề chính trị cao siêu hay đơn giản chỉ là lo cho sinh mạng không bảo đảm an toàn, nếu trở về Hà Nội? Bỏ trốn hay chỉ là vắng mặt? Vấn đề này ông đã lưỡng lự lẩn tránh một cách quá khéo léo và nay thì câu truyện đã rõ ràng.
Người Pháp dùng ông đã không uổng công. Hồ Chí Minh muốn biến ông thành một hoàng thân Souphanouvong bên Lào, nhưng đã thất bại.
Tuy nhiên, trong Hồi ký của ông, ông lật ngược câu chuyện, ông cho rằng trước khi lên máy bay từ Côn Minh trở về Việt Nam, ông nhận được một điện tín của Hồ Chí Minh, nội dung như sau:
“Sire, tout va bien ici, prenez votre temps. D’ailleurs, vous nous serez très utile en restant en Chine. Ne vous inquiétez pas, dès que le moment de votre retour sera venu, je vous préviendrai. Reposez-vous bien pour les tâches qui nous attendent. Baisers fraternels. Signes: Hồ Chí Minh.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 156)
(“Bệ hạ, bên này mọi chuyện đều tốt đẹp, ngài cứ thong thả. Đằng khác việc ngài ở lại bên Tàu sẽ tốt hơn cho chúng ta. Ngài đừng quan ngại gì khi nào cần đến sự trở về của ngài, chúng tôi sẽ thông báo cho ngài sau. Ngài cứ an tâm trước những bổn phận đang chờ đợi chúng ta. Một cái hôn tình nghĩa. Ký tên. Hồ Chí Minh.”)
Sau đó, Bảo Đại còn tả oán là hành lý cũng như giấy tờ tùy thân đều đã để trên máy bay. Nay ông ở lại một mình trơ trọi, không có cả quần áo để thay. Ông cho rằng Hồ Chí Minh đúng là một kịch sĩ lừa đảo. Ông ngồi xuống bậc thềm thì may quá có một người Tàu, ăn mặc theo lối Tây Phương đến chào ông. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp và nhận ra từng học bên Pháp. Người Tàu tên Vu sau đó đã mời ông về nhà và câu truyện sau đó còn kéo dài với rất nhiều kịch tính.
Ông được ông bạn mới quen đưa về nhà và hơn một tháng dẫn đi ăn chơi, đi đây đi đó.
Ngày 15 tháng Chín, 1946, ông quyết định đi Hong Kong. Có nghĩa là ông Bảo Đại đã ở Trùng Khánh, bên Tàu nửa năm trời. Ông Bảo Đại đã không cho biết chi tiết đầy đủ về thời gian này.
Tuy nhiên, cũng theo Nghiêm Kế Tổ khi về nước kể lại thì có một số người như Lưu Đức Trung, Phạm Văn Bính, Đinh Xuân Quảng, Bùi Tường Chiểu sang Trùng Khánh gặp cựu Hoàng.
Để làm sáng tỏ thêm về chuyện bức điện tín của Hồ Chí Minh gửi cho ông Bảo Đại trước lúc lên máy bay là thật hay câu chuyện bịa, sau đây là một đoạn trong sách “Việt Nam Máu Lửa” của ông Nghiêm Kế Tổ, lãnh đạo phái đoàn sang Trùng Khánh như sau:
“Tháng 3 năm 1946, Nghiêm Kế Tổ, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Hồ Chí Minh dẫn phái đoàn sang Trung Quốc để tỏ tình thân thiện. Buổi tối, trước hôm đi, trong phiên họp riêng tại dinh chính phủ. (Cụ Hồ Chí Minh, Cựu Hoàng Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Công Truyền, Hà Phú Hương) sau khi đã vạch rõ ý nghĩa cuộc đi và nhiệm vụ phái đoàn, Hồ Chí Minh quyết định cả Cựu Hoàng cũng sẽ cùng đi và phái đoàn phải cấp bách sửa soạn, khởi hành ngay ngày hôm sau. […] Đêm hôm đó sau cuộc Hội Nghị, Nghiêm Kế Tổ tới biệt thự riêng của Cựu Hoàng, rồi cùng sang nhà bên cạnh gặp Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam. Mọi người đều trình bày lợi hại, khuyên Cựu Hoàng nên xuất ngoại với tư cách một vị Hoàng Đế thoái vị đi du lịch. Cựu Hoàng đồng ý ngay.”
(Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, nxb Xuân Thu, tháng 7, 1989, trang 107)
“Sau một tháng giời, Cựu Hoàng vẫn ở lại Trùng Khánh. Riêng phái đoàn Nghiêm Kế Tổ trở về nước. Vấn đề đó là mặc nhiên như vậy.”
(Nghiêm Kế Tổ, ibid., trang 108)
Thêm một bằng cớ bội phản này, theo lời kể lại của Vũ Đình Hòe, cựu Bộ trưởng Tư pháp thời đó kể lại phiên tòa xét xử ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, một nhân viên của chính phủ được coi là đào nhiệm.
“Phiên xử diễn ra vào năm 1950-1951 trong đó tất cả thành viên chính phủ đều giơ tay biểu quyết xét xử, trừ ông Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban Thường trực Quốc Hội, vì trước đây ông có giữ chức thượng thư trong triều đình Bảo Đại.
Tòa án Khu III do ông Lê Văn Chất làm chánh án, ông Bùi Lâm làm Công cán Ủy viên, một Hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một Hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc, Thẩm phán do giám đốc khu III phái sang. Hai luật sư biện hộ là ông Đỗ Xuân Sang và ông Nguyễn Mạnh Tường.
Bản cáo trạng buộc tội rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kyc càng. Hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình đốí với Nguyễn Vĩnh Thụy về tội phản quốc.
Sau lời biện hộ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, bản án được ghi là:
“Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên tòa chứ không được thi hành cái án đã tuyên trước đó.”
(Vũ Đinh Hòe, cựu bộ trưởng tư pháp, kể chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại phiên tòa xét xử ông cố vấn Vĩnh Thụy. Đăng trên An Ninh Thế giới, tp Hồ Chí Minh, ngày, 23-8-2009
Phần trên đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn con người của Bảo Đại và sẽ giúp hiểu được vai trò của ông sau này như thế nào.
Bảo Đại với tuổi thơ ở Huế
Thật sự người ta biết rất ít về giai đoạn tuổi thơ của ông Bảo Đại cũng như của bà Nam Phương. Nhưng nhờ có cuốn Hồi ký của ông mà người ta biết được đôi điều.
Khi ông được hai tuổi thì cha là Khải Định lên ngôi vua.
Theo lời ông kể lại:
“Và đến lúc ông được 5 tuổi, ông dọn ra ở một căn nhà bên cạnh điện Kiến Trung. Căn nhà có một phòng ngủ, một phòng khách và một phòng ăn và một vài trái nhà phụ dành cho gia nhân. Ông cho biết, ông có vài người hầu hạ. Mỗi ngày có quan phụ đạo đến dạy học. Và cũng chính vị quan này sau tháp tùng Bảo Đại sang Pháp. Bảo Đại đã sống một mình như thế trong 4 năm. Việc học là để chuẩn bị cho ông sau này trở thành Hoàng Đế, quan tòa tối cao và làm cha mẹ dân, và con của Trời.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 17)
“Ông cho biết là thỉnh thoảng vua cha có đến thăm để xem xét việc học hành của ông và lâu lâu ông được ăn chung với vua cha. Và thật họa hiếm, ông được theo vua cha sang trò chuyện với ông Pasquier. Điều này cho thấy giữa đại diện người Pháp và vua Khải Định có mối giao hảo tốt đẹp. Nó cũng là đầu mối sau này cho việc Bảo Đại sang Pháp học. Ông P. Pasquier có hai đứa con cùng cỡ tuổi với Bảo Đại và chúng nói được tiếng Việt nên Bảo Đại chơi thân được với chúng.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 18.)
“Về ngoại hình lúc còn nhỏ, ông Bảo Đại cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường không có dấu hiệu gì cao lớn cả. Ông cho biết lúc 9 tuổi, ông chỉ cân nặng hơn 20 kilo. Theo ông có thể vì không vận động thể thao và cách ăn uống có thể thiếu dinh dưỡng. Cũng theo ông, tử suất trong những hoàng tử rất cao. Nhưng Bảo Đại sau này lớn lên ở bên Pháp, do ăn uống đầy đủ, chơi thể thao nên thân hình phát triển. Ông cho hay, lúc 16 tuổi, ông đã là một thanh niên cường tráng rồi.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 19)
Vì thế, Bảo Đại là ông vua duy nhất của mấy trăm năm nhà Nguyễn, có thân hình cao lớn và tuổi thọ cao nhất, 84 tuổi.
Về tuổi thọ của các dòng họ vua chúa, có thể Bảo Đại không muốn nhắc tới cái tệ nạn vua có nhiều vợ, và đó mới là nguyên nhân chính cho việc có sinh mà không có dưỡng.
Trong một bài viết cũ nhan đề “Tấm vải bọc điều”, có một số nhận xét như sau:
“Ngoài Hoàng hậu vua có lệ nạp phi. Không phải một người mà nhiều người, con số lên đến trăm hoặc hơn thế nữa. Nhiều cung phi gốc chỉ là kẻ hầu hạ, thị nữ. Có thời kỳ trong nước có hạn hán, Minh Mạng cho là trong cung có nhiều chướng khí nên đã cho thải về dân gian 100 cung phi. Riêng dòng con của Minh Mạng có cả thảy 78 hoàng tử và 64 công chúa. Thiệu Trị có 29 hoàng tử và 35 công chúa. Tính chung chỉ trong bốn triều vua có cả thẩy 250 hoàng tử và công chúa.
Nếu tính thêm con của các hoàng tử, công chúa, phải cộng thêm 400 người nữa.
Tình trạng ấy đẻ ra nhiều tệ hại đến nỗi trong lý lịch ghi, “Sinh mẫu là ai không rõ”.
Minh Mạng có 64 công chúa, nhưng chép vào truyện chỉ có 48 người. Tuổi thọ trung bình là 21 tuổi. Đặc biệt, trong số công chúa từ số 55 trở đi, có 3 người không được chép vào truyện. Năm công chúa cuối cùng thì lần lượt chết vào năm 7 tuổi, 9 tuổi, 5 tuổi, 24 tuổi và 25 tuổi. Và nếu tính tuổi thọ của các hoàng nữ chót đời Minh Mạng thì tuổi thọ trung bình là 8,7 tuổi. Các công chúa quả vắn số.
Sang đời Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị có 35 công chúa, chỉ có 29 có tiểu sử. Trong số có 11 người sống dưới 5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của của 29 người là 15 tuổi.”
(Nguyễn Văn Lục, “Tấm vải bọc điều”, Talawas, 15-4-2004)
Về dòng giống Bảo Đại thì có nhiều tin đồn đãi lắm cả từ trong nước ra đến hải ngoại. Trích đoạn trên, người viết thấy rằng việc truy cứu lai lịch vua Bảo Đại con ai cũng như việc tìm cách biện hộ tính chính thống của ông xét ra là không mấy cần thiết.
Tự Đức không có con chỉ có con nuôi rồi cũng chính thức được tôn xưng lên ngôi vua cũng là lẽ bình thường. Bảo Đại đã chính thức được vua cha là Khải Định nhìn nhận, nuôi dưỡng và để cho Pháp lo cho tương lai của con của mình, 9 tuổi đem sang Pháp học, để chuẩn bị sau này nối nghiệp cha tưởng như thế đã là đầy đủ bổn phận.
Người đời sau nếu có thắc mắc về dòng giống của Bảo Đại cũng chỉ là hệ quả trực tiếp của hủ tục đa thê của triều đại phong kiến chứ không đặt vấn đề tính chính thống của ngôi vua.
Con ai cũng được, con rơi cũng đành, con nhà dân giả không gốc gác nào đã sao? Vấn đề là khi ông đã lên làm vua, được ăn học đến nơi đến chốn rồi làm cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh và sau chót là Quốc Trưởng Quốc gia Việt Nam, Bảo Đại đã làm được những việc gì xét ra có lợi cho đất nước? Tất cả, từ ngai vàng, chức Cố vấn Tối cao đến ghế Quốc trưởng đều không phải do dân chúng trao cho ông.
Việc phế lập, chọn người kế nghiệp trước thời Bảo Đại đã không còn ra thể thống gì nữa như lịch sử đã cho thấy. Thành Thái nửa điên khùng với dục vọng bệnh hoạn đã ngủ với người một người hầu cận và người này đẻ ra Duy Tân.
Báo chí Pháp qua tờ Illustration đã mô tả cuộc tuyển chọn thái tử này một cách khinh bỉ và ngạo mạn như sau:
“Một buổi sáng, khi mặt trời vừa mới mọc, quan Khâm Sứ và quan Toàn Quyền đi cùng với một bác sĩ quân y ở nhà thương, có 5 vạch đến cung điện để tìm xem ai có thể làm vua. Thật là một số phận kỳ lạ đã dành cho hai quan chức của Cộng Hòa Pháp. Họ đã tỏ ra thật trịnh trọng cho phù hợp với một nhiệm vụ như thế này, hai vị đã vào đến hậu cung. Tại đây, mọi người từ phụ nữ đến trẻ em cũng như thái giám bắt đầu la hét vì sợ hãi. Giữa cảnh ồn ào đến kinh khủng, hai viên chức chính phủ và viên sĩ quan quân y cố tập họp các hoàng tử kế vị đang chạy tán loạn vì hoảng sợ. Cuối cùng họ cũng tập hợp được đám đông và quan toàn quyền nhường lại vai trò cho ông bác sĩ quân y. Và đến lượt viên bác sĩ quân y có nhiệm vụ chọn đứa trẻ nào xét ra có đủ điều kiện nhất để làm vua. Chắc hẳn là viên sĩ quan thực dân này thấy bối rối vì chỉ quen khám cho lính tráng, nhưng rồi ông lấy lại bình tĩnh ngay và chăm chú một cách thận trọng, ông bắt đầu công việc khám. Ngay lúc ban đầu ông đã loại bỏ đứa trẻ lớn hơn cả:
“Các vị hãy nhìn cái trán này. Tai thì giỏng ra. Mắt nhìn lấm lét. Cậu trai này suy nhược dinh dưỡng, nhỏ bé. Giống tạng ông bố. Nào cậu, hãy nói mấy lời xem nào? Một đứa trẻ trông đần độn, chỉ biết bập bẹ được vài câu. “Các ông đã nghe thấy tôi nói điều gì rồi chứ? Thấy không, cậu trai này đần độn quá. Thôi đến lượt cậu trai khác vậy.” Cuộc khám lại đã tiếp tục. Các hoàng tử kế vị đều mang những khuyết tật của cha họ truyền lại. Tất cả đều có bộ mặt khó coi, chân tay khẳng khiu, điệu bộ xảo trá. Chính vì thế người ta nghĩ đến cậu bé Duy Tân hoàng tử thứ năm của vua Thành Thái, con một bà hầu gái của bà phi. Người ta không thấy cậu bé đâu cả trong đám anh em của cậu, vì cậu đã vị vua cha do tính nết bất thường đã còng chân cậu bằng cùm sắt và tống giam vào ngục cùng với những đứa trẻ khác con các quan đại thần. Khi nhìn thấy đoàn người bước vào phòng giam, cậu bé bắt đầu khóc, vừa giậm chân gọi mẹ, nhưng viên sĩ quan quân y đã vào lôi cậu ra chỗ ánh sáng thản nhiên quan sát cậu bé.
“Trời đất? Coi bộ cậu trai này trông được?” Ông ta vừa nhận xét vừa vuốt ve cậu bé chẳng khác nào ông phải chọn trong đàn chó mới đẻ, chọn con khá nhất thay vì sẽ phải đem đi dìm nó xuống nước. Cậu trai này có đôi tai quá lớn, răng hỏng hết, nhưng vẫn còn khá hơn cả. Các ông thấy vừa ý không? Thôi chọn cậu trai này đi. Cậu trai được nhìn nhận là đủ tiêu chuẩn lên làm vua, cậu bị lôi ra khỏi nhà ngục miệng vẫn còn la hét.”
(Daniel Grandclement, ibid., trang 62-64)
Vua Duy Tân cũng gốc gác con nhà tiện dân, tại sao khi được đưa lên ngôi vua, đã không ai nói gì?
Vả lại, nếu muốn rõ trắng đen thì ngày nay cho thử cấu tử cơ bản của tế bào di truyền (DNA), nào có khó khăn gì để đập tắt dư luận đồn thổi?
Vấn đề quan trọng hơn là nhìn sang các nước láng giềng chung quanh như Nhật, Thái Lan để xem các đời vua của họ đã sống và đã trách nhệm điều khiển đất nước như thế nào.
Chương mở đầu cuốn sách của vua Bảo Đại thật ra ngay dòng đầu tiên, ông đặc biệt chú trọng viết về bài diễn văn của Thống sứ Bắc Kỳ (Résident Supérieur) Pierre Pasquier đọc ngày 28 tháng tư, 1922, lúc Bảo Đại được chín tuổi.
Đây là một trong những bài diễn văn rất súc tích và đầy tràn sự tin tưởng và gửi gắm vào vị vua tương lai của triều Nguyễn. Sau đây là phấn trích dịch tóm lược một vài đoạn:
“… Prince, vous êtes jeune, mais déjà vous portez en vous tous les espoirs d’un noble dynastie et de tout un peuple. Vous êtes sympathique, et dans la vieille France, rien qu’à vous voir on vous appelerait volontiers “le gentil dauphin” […] La France vous apprendra à être un prince ouvert au progrès, bon et humain étendant son regard, portant son esprit sur un plus vaste horizon, un prince cultivé, sincère loyal et franc. Franchise vient de France. Et avec elle, un roi est sur de laisser un nom sans tâche dans l’Histoire.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 11)
(“Thưa thái tử, ngài tuy còn trẻ, nhưng ngài đã mang trong mình trọng trách là nguồn hy vọng cao quý của cả một triều đại. Ngài được yêu mến và theo tinh thần cổ truyền của người Pháp, chỉ việc nhìn thấy thái tử người ta sẽ gọi thái tử là hoàng tử thừa kế ngôi vị dễ thương […] Nước Pháp sẽ là cơ hội giúp thái tử học hỏi trở thành một thái tử cởi mở sẵn sàng học hỏi các tiến bộ, một con người tốt và có lòng nhân trải rộng tầm nhìn và tinh thần ra một chân trời rộng mở hơn, một thái tử có kiến thức trung thực và thẳng thắn. Tinh thần thẳng thắn ấy thái tử sẽ được học hỏi từ nước Pháp. Và với tinh thần ấy, nhà vua chắc chắn sẽ để lại một tên tuổi không tì vết trong Lịch Sử.”)
Sau bài diễn văn của Pierre Pasquier dĩ nhiên có bài đáp từ rất nồng nhiệt, bày tỏ lòng sung sướng của vua Khải Định khi thấy con mình được trao cho một người bảo hộ sang Pháp học và sau này về nối nghiệp. Tiếp theo sau là các buổi lễ liên tiếp trong đó có lễ ký kết giữa Khải Định và toàn quyền Pháp có sự hiện diện đầy đủ các viên chức Việt Pháp. Tiếp diễn ngày hôm sau là buổi tiễn đưa vua Khải Định và Hoàng tử Vĩnh Thuỵ sang Pháp. Có thể nói đây là một buổi đưa tiễn rất trang trọng và đình đám nếu so với số phận của Hàm Nghi, Thành Thái hay Duy Tân.
Bảo Đại đã dành nhiều trang kể lại từng chi tiết nhỏ một để mô tả đầy đủ với một thái độ rất thích thú. Lúc bấy giờ đã có đường xe hỏa và họ được dành một toa xe đặc biệt có đầy đủ tiện nghi để đi vào Tourane.
Đây là lần đầu tiên, Bảo Đại được đi ra ngoài và cũng là lần đầu tiên được đi xe lửa. Tình cảm của ông lúc bấy giờ là tò mò và ngạc nhiên từng thứ một như một khám phá lần đầu.
Tuy nhiên, việc gửi gắm Bảo Đại cho ông bà Charles (Cựu Khâm sứ Trung Kỳ 1913-1920 Résident supérieur de l’Annam, Jean François Eugène Charles), sang Pháp học dưới mắt nhiều người cho đến bây giờ chẳng khác gì một thứ con tin để sau này khi học thành tài, Bảo Đại về nước phục vụ cho quyền lợi của người Pháp. Nhất là sau này, ông lại được ông bà Charles dàn xếp một cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và bà Nam Phương, một phụ nữ tây học, con nhà giàu có nhất xứ Nam Kỳ lại thêm có gốc đạo Thiên Chúa.
Hai yếu tố trên tạo ra một dư luận không tốt về bảo Đại.
Dù sao dư luận cũng có phần đúng của nó theo cái nhìn bề ngoài. Nhưng cho dù người Pháp có chủ tâm như thế đi nữa, tất cả còn tùy thuộc thái độ, sự chọn lựa cũng như chí hướng của Bảo Đại.
Xét về mặt hoạt động, người ta cũng không quên là khi Nhật lật đổ Pháp trên toàn Đông Dương và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, 10 tháng 3, 1945, chính cựu hoàng tuyên bố như sau:
“Ngày 14 tháng 8, vua bảo Đại ban chiếu:
Trẫm tuyên bố hủy bỏ hết những hiệp ước bất bình đẳng mà nước Pháp đã ép buộc nước Việt Nam ký ngày 6 tháng 6 năm 1862 và ngày 15 15 tháng 3 năm 1884.
Vậy từ nay, toàn hạt xứ Nam Kỳ thuộc chủ quyền Đế quốc Việt Nam.
Phụng ngự ký Bảo Đại.”
(Nguyễn Kỳ Nam, Hồi Ký 1925-1864, Tập II: 1945-1954, Giáp Thìn, trang 168
Khi có cơ hội và hoàn cảnh chính trị cho phép thì Bảo Đại cũng chẳng ngại gì phủi tay nhà nước Bảo Hộ đã có công nuôi dưỡng ông từ nhỏ tới lớn. Thực ra độc lập ở đây là độc lập như một nước trong Khối Thịnh vượng chung Đại đông Á của Nhật, thế lực dứng sau tuyên ngôn của Bảo Đại lúc đó.
Tuổi trẻ ở Pháp
Có thể nói không một ai có thể may mắn hơn Bảo Đại trong thờời gian đi học ở Pháp. Sau đây là tóm tắt những trang nhật ký của Bảo Đại trướcc khi trích dẫn thêm tài liệu.
Về mối tương quan giữa ông bà Charles và Bảo Đại đúng nghỉa ra chỉ là mối tương quan chính trị giữa một người thay mặt chính phủ Pháp và một con tin là Bảo Đại. Nhưng khi đọc toàn bộ phần hồi ký này cho thấy mối tương quan chính trị ấy trở thành tương quan thân mật giữa cha mẹ và con cái. Ông bà Charles đã xử sự như người cha mẹ trong gia đình.
Đó là những tình cảm tự nhiên nảy sinh. Tôi không thấy được một ý đồ xấu hoặc đen tối nào của ông bà Charles muốn uốn nắn Bảo Đại để trở thành một thứ tay sai cho Pháp. Nhưng cái gì họ coi là tốt nhất, trường học tốt nhất đến đời sống vật chất, họ đề cung cấp cho cuộc sống của Bảo Đại hơn cả những con nhà khá giả ở Pháp. Nào tập đàn, tập đua ngựa, đi săn, đi nghỉ hè, đi du lịch, về sống đồi sống quê với gia đình, chia sẻ vui mừng vì sự tiến bộ, mức hội nhập nhanh chóng của Bảo Đại.
Và điều này được chính Bảo Đại nhìn nhận.
Chính Bảo Đại thú nhận ông bà Charles đã đón nhận một trách nhiệm nặng nề khi nhận chăm sóc Bảo Đại. Chẳng những vậy, ông bà đã coi Bảo Đại như chính con của họ. Theo Bảo Đại, ông Charles, tính tình khép kín trong khi bà Charles tính tình cởi mở hơn. Bà là người sùng đạo, nhưng không thấy chỗ nào cho thấy bà tìm cách gây một ảnh hưởng tôn giáo của bà với Bảo Đại. Bảo Đại viết ngay từ buổi ban đầu mối giao cảm giữa người với người nảy nở một cách tự nhiên vượt mọi rào cản sắc tộc và nhất là chính trị:
“Les réceptions oficiellles terminées, mon père qui va se reposer chez le Duc de Valencay, avant d’effectuer une tournée organisée par le gouvernement francais, me confie avec mon cousin à M et Mme Charles qui m’accueillent comme leur propre fils”..[…] Sa femme née à Toulouse, et beaucoup plus expansive, catholique pratiquante, très affectueuse, elle s’attache à moi comme à ses enfants. Tout de suite, je l’appelle “Mémé” comme je l’entends dire à ses petis-enfants. Eux, me donnent mon nom, Vinh-Thuy, sans titre, ce qui ne me cause aucune gene.
Je découvre la víe de famille.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 23)
“Những buổi tiếp tân chính thức đã chấm dứt, cha tôi sẽ về nghỉ ngơi tại nhà Quận công Valencay trước khi có một chuyến đi do chính quyền Pháp tổ chức, còn phần tôi và người em họ của tôi thì được giao cho ông bà Charles. Bà người gốc ở Toulouse, rất cởi mở, công giáo thuần thành, rất quyến luyến, gắn bó lấy tôi như thể chính con bà. Ngay lập tức, tôi gọi bà là “bà” như các cháu bà thường gọi. Chính họ gọi tên tôi là Vinh-Thuy, không kèm theo một chức danh, điều đó làm tôi thấy tự nhiên. Tôi đã tìm thấy một đời sống gia đình.” (Trang 23)
Tìm thấy một đời sống gia đình, theo tôi đó là điều ý nghĩa nhất đối với một đứa trẻ phải sống xa gia đình của nó.
“Cũng theo Bảo Đại, ông thích ứng nhanh và dễ dàng, hội nhập vào xã hội Pháp từ việc ăn uống cũng như phong tục. Ông cũng học tiếng Pháp và cũng tiến bộ rất nhanh và chẳng bao lâu sau, ông được nhận thẳng vào lớp tám tại trường Hattemer.” (Trang 23).
“Sau một năm rưỡi ở Pháp, năm 1924, ông quay trở lại Huế để mừng thọ 40 tuổi của Khải Định. Khải Định rất vui mừng vì thấy con trai mình tiến bộ về mọi mặt, nói tiếng Pháp thông thạo. Ông hỏi thăm Bảo Đại về công việc học hành, về việc giải trí cũng như nhưng mối giao thiệp với những người trẻ bên Pháp.
Điều đó càng làm cho Khải Định vui thích và hãnh diện vì đã quyết định để Bảo Đại sang Pháp học. Lúc đó sức khỏe của Khải Định đã suy sụp, tuy ông không nói ra. Nhưng vấn đề chính yếu là việc nối dõi truyền ngôi đã được chuẩn bị.” (Trang 24).
Sự tiết lộ trên của Bảo Đại cho thấy rằng quyết định gửi Bảo Đại sang Pháp là do chính Khải Định đưa ra và nhờ người Pháp giúp đỡ. Người Pháp thấy không có trở ngại gì và thấy có lợi sau này nên hoan hỉ nhận lời.
Bảo Đại cũng là hoàng tử duy nhất từ trước đến nay nói cùng lúc tiếp Pháp và tiếng Việt. Trong dịp này, ông có dịp gần gũi mẹ ông và như nhiều bà mẹ khác, bà lo lắng từng chút cho Bảo Đại cũng như bảo vệ việc nối ngôi của Bảo Đại sau này.
Tuy nhiên, nên lưu ý đến một nhận xét của Bảo Đại viết vắn tắt sau đây:
“Ma grand-mère paternelle pouvait être comparée à la reine Catherine de Mesdicis. À la mort de mon père, en mon absence, elle veillera avec soin jaloux à ce que me revienne à la couronne. Déjouant toutes les intrigues, c’est elle qui me conservera le trône.”
(S.M. Bao Daï, trang 24)
(“Bà nội của tôi có thể so sánh với hoàng hậu Catherine de Mesdicis. Khi bố tôi qua đời trong lúc vắng mặt tôi, bà là người chăm chú một cách không dấu diếm gì về việc bảo vệ ngôi vua của tôi. Bà phá tan mọi âm mưu soán đoạt, và chính bà là người bảo vệ cái ngôi vua của tôi.”)
Điều này cho thấy, mọi cuộc lên ngôi hay kế vị thì đằng sau không thiếu những âm mưu chiếm đoạt và quả thật không dễ dàng gì! Nhưng không hiểu bà nội của Bảo Đại (Hựu Thiên Thuần hoàng hậu, Đức Tiên Cung, Dương Thị Thục) có chiêu thức gì để bảo vệ ngôi báu cho Bảo Đại thì thật sự không mấy ai biết được.
“Khi trở lại Pháp, ông bắt đầu chơi thể thao như tennis và tiếp tục học ở trường Hattemer.
Cũng trong dịp này, Khải Định đã mua cho ông một chiếc xe hơi Panhard, có một tài xế Việt Nam. Nhờ có chiếc xe này, Bảo Đại đã đi du lịch nhiều nơi trên đất Pháp.” (S.M. Bao Daï, Trang 24)
Tôi có cảm tưởng là sự hội nhập của Bảo Đại đi quá cái mức cần thiết và có thể những ngày sống trên đất Pháp là những ngày tháng sung sướng nhất của ông so với đời sống tù túng trong cung điện với nhiêu luật lệ, sự khép kin và thiếu tất cả những điều kiện phát triển cho một thanh niên như Bảo Đại.
“Năm 1925, ông Charles báo tin buồn cho Bảo Đại là Khải Định đã băng hà. Lúc đó ông được 12 tuổi. Và kể từ nay, ông Charles nói với Bảo Đại, từ nay Bảo Đại phải lãnh một trách nhiệm nặng nề, nhưng tôi tin rằng cậu đã chuẩn bị để lãnh trách nhiệm ấy.”
Hai ông bà Charles sau đó đã cùng về Việt Nam với Bảo Đại để dự tang lễ vào cuối tháng 12.”
“Theo Bảo Đại, trước khi chết, Vua Khải Định đã trăn trối là mong muốn Bảo Đại được tiếp tục học bên Pháp. Chính quyền Pháp cũng đã hỏi ý triều đình Huế, Hội đồng Cơ mật viện đã đề cử một vị nhiếp chánh là Tôn Thất Hân làm quan Nhiếp chính cho đến khi nào Bảo Đại học xong.” (S.M. Bao DaïTrang 25)
Một lần nữa, lời trăn trối của Khải Định đánh tan dư luận cho việc gửi bảo Đại sang Pháp học là âm mưu thâm độc của người Pháp.
“Vào ngày 8 tháng giêng, năm 1926, người ta mặc cho bảo Đại chiếc áo hoàng bào mà trước đây vua Gia Long từng mặc. Chiếc áo mầu vàng cẩn bằng vàng, với tước danh Bảo Đại, có nghĩa là người bảo vệ cho những điều vĩ đại. Việc mặc chiếc áo của Gia Long là biểu tượng hiếm hoi chỉ dùng trong các buổi lễ phong vương.
Sau đó, ông một mình được dẫn vào đền của tổ tiên, trong đó có bàn thờ vua Gia Long. Bảo Đại làm lễ bái lạy như tục lệ mà các tân vương thường làm để tỏ lòng trung thành cũng như lời thề trước tổ tiên.
Và buổi lễ phong vương cho Bảo Đại sẽ được diễn ra theo đúng nghi thức vào sáng ngày hôm sau.
Nơi đây, tất cả quần thần có mặt đông đủ trong các bộ nghi phục đủ loại tùy theo chức tước. Một bên là các hoàng tử, một bên là các hàng quan lại tùy theo phẩm trật”
(S.M. Bao Daï, Trang 25)
“Sau đó, đại diện người Pháp là Toàn quyền Alexandre Varennes, trong phẩm phục mầu đen khác hẳn với phẩm phục của hàng quan lại Việt Nam lên đọc một bài diễn văn mà nội dung là nhân danh nhà nước Pháp bảo hộ Annam là dưới triều đại Bảo Đại sẽ được diễn ra một cách thanh bình và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam.
Tiếp theo là lễ bái lậy. Thoạt tiên là các hoàng tử phần đông đều lớn tuổi ra trước ngai vang Bảo Đại khoảng 15 thước và cúi lậy năm lần, mặt sát đất. Sau đó đến lượt các quan lại cũng làm lễ bái lậy tương tự. Cả một biển người lần lượt quỳ lạy trước sân chầu dưới tiếng nhã nhạc.” (
S.M. Bao Daï ,trang 25)
Và sau đây là cảm tưởng của nhà vua mới:
“Spectacle imposant que je domine plus haut du trône, comme le principe monarchique domine la foule des hommes. J’ai douze ans. Je suis à ma place. Je suis né pour celà. Pas un seul instant je n’ai l’impression de jouer un jeu. Au contraire, j’apporte le plus grand sérieux à tous les rites que je dois accomplir. […] Au moment où se termine la cérémonie éclate une salve de coups de canon qui annonce au peuple d’Annam l’avènement de son nouvel empereur.”
(S.M. Bao Daï, trang 26)
(Cảnh tượng hùng vĩ mà tôi từ trên ngai vua thấy như bao trùm lên tất cả, đúng theo nguyên tắc của triều đình, trên đám đông người dưới kia. Lúc ấy, tôi mới chỉ 12 tuổi. Nhưng đó là chỗ ngồi dành cho tôi. Tôi được sinh ra để làm điều đó. Không một lúc nào trong đầu mà tôi nghĩ đó là một trò chơi. Ngược lại, tôi đặt hết chú tâm vào tất cả các nghi thức mà tôi phải chu toàn. […] Sau khi buổi lễ chấm dứt thì một loạt súng cà nông như báo hiệu cho dân chúng Annam biết rằng nay là thời của Hoàng Đế mới.)
Vua Bảo Đại ngồi lên kiệu đợi ở cuối sân để về điện Kiến Trung mà kể từ đó là chỗ ở của Bảo Đại.
Đọc hết đoạn trích ngắn ngủi này, người ta mớ i thấy hết tâm tư Bảo Đại, thấy được cách ứng xử khuôn đúc để đóng trọn vẹn cái nghề làm vua cha truyền con nối như một thứ thẩm quyền tối cao bất khả xâm phạm. Một sự cao ngạo tuyệt đối. Và cứ như thế, sau này tôi hiểu rõ Bảo Đại là ai.
(Còn tiếp)
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh hoạ.