Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p2)
Nguyễn Văn Lục
Cái may mắn thứ hai cho Bảo Đại là ông đã kịp thời lên máy bay về nước trước khi cuộc chiến tranh thứ hai bùng nổ để khỏi bị kẹt lại trong vòng lửa đạn. Chiến tranh đã gần kề và số phận của Bảo Đại cũng như triều đình của ông sẽ có thể không còn như trước nữa!
Tìm hiểu con người Bảo Đại qua cuốn Hồi ký của ông
(Tiếp theo p1)
Bảo Đại: về nước và những cố gắng cải tổ
Sau 10 năm ở Pháp, ngày 16 tháng 8 năm 1932, Bảo Đại xuống tàu D Artagnan về Việt Nam. Tin mừng Bảo Đại về nước như một hồi chuông thức tỉnh. Người mà dân chúng chờ đợi có thể mang lại độc lập hay một sự đổi mới cho đất nước. Các thành phần theo chủ nghĩa thực dân thuần túy và cực đoan hay thành phần theo chủ nghĩa cực đoan cộng sản có thể e ngại sự trở về của vị vua trẻ.
“Những người dân bình thường, giới trí thức trẻ thành thị đều hy vọng một kỷ nguyên đổi mới. Họ nhìn nhà vua trẻ như linh hồn một nguồn hy vọng lớn lao.
Trên đường đi ra Huế, qua Phan Thiết Nha Trang, Tourane, có đôi lúc ông ngồi trên chiếc canô chạy dọc theo bờ sông, đứng trên đầu mũi chiếc thuyền mà trên bờ sông dân chúng đứng đón chào, cúi rạp người khi chiếc canô chở ông đi qua.”
Việc đặt tin tưởng vào Bảo Đại thể hiện rõ ngay từ lần trước khi ông về dự đám tang cha ông, vua Khải Định. Trong dịp này, có hai sử gia Teston và Perchron cũng có mật trong dịp lễ phong vương của ông. Họ đã viết:
“Qu’une ère nouvelle naissait. Une immense espérance s’incarnait dans le jeune souverain.””
(Daniel Granclement, ibid., trang 21; Cité dans l’Asie nouvelle trích lại, “Một kỷ nguyên mới ra đời. Một niềm hy vọng to tát tìm thấy nơi vị vua trẻ”, 31/5/1936.)
Bảo Đại, ăn mặc chững chạc theo Tây Phương, đứng thẳng người, tươi cười vẫy tay chào dân chúng. Ông đóng đúng tư cách không chỉ như là một nhà vua, mà một lãnh tụ của quần chúng.
Lên trên bộ, ông bắt tay các viên chức đón chào theo lối Tây Phương, biết ngỏ lời với mỗi người bằng một câu ngắn. Lịch sự, chững chạc, uy nghi mà cũng hấp dẫn rồi ông lên xe lửa ra Huế.
“Ông Thái văn Toản, người cựu thông ngôn của Khải Định đã thân hành sang Pháp để đón vua Bảo Đại về nước. Trên đường về nước, ngoài vua Bảo Đại còn có ông bà Charles tháp tùng. Khi về đến Sài Gòn thì phái đoàn nhà vua đã lên chiếc tàu Dumont d’Urville để đi ra Đà Nẵng và đến 8 tháng 9 năm 1932 đến Tourane. Tại nơi đây đã có ông Toàn quyền người Pháp Chatel đón tiếp cùng với ông Nguyễn Hữu Bài, người giữ vai nhiếp chính điều hành Cơ mật viện trong suốt 20 năm qua.
Tại Huế, vua bảo Đại đã được dân chúng hai bên đường đón tiếp, người nào cũng cúi đầu để tỏ lòng kính trọng vua.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 33)
Nhưng khi vào đến trong cung điện thì chỉ còn lại sự vắng vẻ, câm lặng và chìm đắm trong khung cảnh u tịch biệt lập của những bước tường thành ngăn cách với thế giới bên ngoài. Đã đến lúc nhà vua trẻ phải đối đầu với thực tế rồi chăng?
Nhà vua phải chứng tỏ được tính cách chính đáng cái uy quyền mỏng manh của mình bằng những phô trương ngoạn mục chính trị. Nghĩa là có một vài cải cách xã hội được phổ biến rộng rãi để bảo đảm cho dân chúng thấy rằng họ đã có một người lãnh tụ.
Ngay người Pháp cũng phải hỗ trợ Bảo Đại dù chỉ bằng những biện pháp nửa vời cho phù hợp với không khí muốn thay đổi của vị vua trẻ.
Quả thực ông đã có một số cải tổ trong nội cung. Nhưng chưa có một một cải tổ nào sâu rộng về xã hội liên quan rộng rãi đến quần chúng.
Chẳng bao lâu, cái không khí hân hoan ban đầu nguội dần. Con người thật của Bảo Đại không linh hoạt, không cương quyết, không mạnh dạn dám làm như lòng mong đợi của nhiều người. Cái bề ngoài chững chạc, quyến rũ, hấp dẫn đám đông dần chỉ là một thứ tài tử trình diễn hơn là cung cách của một lãnh tụ mà người ta trông đợi.
Bảo Đại có thể là một ông vua được dân chúng quý mến, nhưng chưa bao giờ ông là một lãnh tụ được quần chúng tôn sùng. Đến lúc một nhân vật chính trị xa lạ như Hồ Chí Minh xuất hiện từ chỗ không ai biết, đã thay thế cái hào nhoáng bên ngoài bằng một vóc dáng một ông già nhà quê đi dép, ăn mặc sơ sài, đã chinh phục được quần chúng.
Bảo Đại và Hồ Chí Minh là hai thái cực cho một sự thay đổi không tránh được.
Cái cảm giác của vua Bảo Đại khi về điện Kiến Trung được ông viết lại thật trung thực, nhưng cũng thật bẽ bàng. Nhà vua như một người khách xa lạ, một kẻ ngoài cuộc đối với đất nước mà ông có trách nhiệm lãnh đạo, ông viết:
“Après les années de liberté que je viens de vivre, j’éprouve l’impression d’entrer en prison.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 34)
“Sau những năm mà tôi sống tự do, lúc này tôi có cảm giác là mình đi vào tù”
Chỉ bằng vài lời thú nhận này thì quả thực Bảo Đại chỉ là một nhà vua miễn cưỡng. Ông không đủ tư cách đứng đầu một đất nước cần một người có lý tưởng, có thiện chí, nghĩ tới dân, nghĩ tới tranh đấu dành độc lập.
Lời thú nhận trên bộc lộ tất cả tâm can của ông và những việc ông làm hoặc không làm đều do cái tâm trạng ấy mà ra. Vậy mà ông vua bất đắc dĩ ấy đã ngồi ở ngôi vị ngôi vua trong nhiều năm và sau này còn làm Quốc Trưởng nữa.
Cũng không thể nào đổ hết cái tội làm băng hoại con người Bảo Đại cho ông [bố nuôi] Jean François Eugène Charles được. Trước ngày lên đường về nước, ông Charles còn cẩn thận dặn dò Bảo Đại cái trách nhiệm và sứ mạng cao cả của ông như sau:
“Vous allez partir pour assurer la succession de votre père. C’est une lourde responsabilité que vous allez devoir porter mais je suis convaincu que vous êtes prêt à l’assumer.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 24)
“Nhà vua sẽ về Việt Nam để bảo đảm sự nối nghiệp cha của nhà vua. Đây là một trách nhiệm rất nặng nề mà nhà vua sẽ phải gánh vác nhưng tôi tin chắc rằng nhà vua đã chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhận trách nhiệm nặng nề này.”
Uổng cho sự chăm sóc từng ly từng tý trong việc giáo dục con người Bảo Đại trong suốt thời tuổi trẻ của ông bà Charles. Uổng cho người Pháp đã tốn kém bao công của để tạo ra hình ảnh một ông vua mới của một kỷ nguyên mới bắt đầu để rồi chỉ nuôi được một loại tầm gửi vô tích sự. Bất hạnh cho người cha đã quá cố đã hy sinh cả tiếng tăm để hy vọng hão huyền có được một kẻ nối nghiệp xứng tầm.
Và cuối cùng giới sĩ phu, giới trí thức và thần đân trông đợi một ông vua trẻ có học tài về giúp dân, giúp nước. Thất vọng. Bảo Đại đã làm thất vọng mọi người, một Bảo Đại từ căn tính cực kỳ ích kỷ, chỉ nghĩ tới ham vui vật chất. Bất cứ ai đã bao che, biện hộ cho ông đều phải tự xét lại.
Có thể Bảo Đại chỉ quan niệm đơn giản việc làm vua là việc cha truyền con nối mà không bao giờ nghĩ tới nó còn đòi hỏi hơn thế nữa. Nó là một một sứ mạng. Sau này, đọc kỹ tiểu sử Bảo Đại, người ta sẽ thấy, Bảo Đại đã có một quan niệm quá lỗi thời về việc làm vua.
Làm vua không thể coi là một nghề mà là một sứ mạng. Vì thế, một đứa trẻ chưa đủ trưởng thành, một trẻ khuyết tật, thiếu thông minh, một đứa trẻ thể xác yếu đuối gầy mòn, nhút nhát hèn yếu hay đần độn lẽ nào cứ đẩy nó lên làm vua?
“Việc đầu tiên của Bảo Đại là triệu tập ông Nguyễn Hữu Bài tâu trình về tình hình triều chính. Sau khi Bảo Đại đã nghe Nguyễn Hữu Bài thuyết trình tổng quát về công việc triều đình. Nhất là vai trò người Pháp mỗi ngày mỗi nắm hết mọi quyền hành trong tay họ. Mọi quyết định đều do người Pháp quyết định, nhất là về ngân sách. Họ thu thuế và chia lại một phần cho triều đình đủ sinh hoạt.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 35)
“Sau khi hỏi ý kiến triều thần, việc tiếp đến Bảo Đại làm là viết Dụ phong cho bà mẹ lên ngôi Hoàng Thái Hậu.”
Điều thứ hai là ông muốn xóa bỏ chế độ đa thê thường được chấp nhận ở Việt Nam. Từ khi được tin ông trở về Việt Nam thì đã có nhiều những vận động ngầm từ nhiều phía, nhiều người để tiến cử những phụ nữ mà họ đã chọn lựa.
Nhưng sự chọn lựa cuối cùng của Bảo Đại là cô Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Hào do ông bà Jean François Eugène Charles và cả Toàn quyền Pasquier giới thiệu. Quyết định táo bạo này gây ra những phản ứng chống đối từ bà mẹ vua Bảo Đại mà cho đến tận bây giờ mà có người vẫn còn hậm hực.
Điều này trực tiếp đã gây chấn động trong cung. Bởi vì hệ thống thứ bậc trong cung rất là phức tạp. Nào các bà Hoàng hậu, Thái hậu, chính thất, thứ phi, rồi các bà phi sinh được hoàng nam, các cung nữ được sủng ái được nâng lên hàng phi tần. Tất cả các phe phái, các thành phần ấy dòm ngó, kình địch nhau đều muốn tiến cử một cô gái là người của mình vào tay nhà vua. Và một khi đã được chấp thuận thì tương lai thật sáng lạn.
Bảo Đại muốn dẹp bỏ tất cả các chế độ cung phi cũng như thị nữ trả họ về đời sống dân gian của họ. Ông chỉ cho phép dùng các đầy tớ gái để phục dịch hầu hạ các bà Hoàng hậu.
“Cũng chỉ hai ngày sau, tức 10 tháng Chín, 1932, ông muốn hủy bỏ lễ bái lậy. Ông đã dùng tiếng Pháp thay vì tiếng Việt để phát biểu. Kể từ nay, hủy bỏ lệ bái lạy gập đầu xuống đất mà chỉ cần cúi đầu ba lần. Tin này được báo chí loan báo rộng rãi.
Có nhiều người còn nghĩ xa hơn, bỏ kinh thành Huế để thiết lập kinh đô tại Hà nội.”
(Daniel Grandclément, Bao Dai ou les derniers jours de l’empire d’Annam, nxb JC Lattès,1997, trang 35)
Nhưng người có sức thuyết phục Bảo Đại vẫn không ai khác là ông Charles, với tình bạn sẵn có với Khải Định và với nhiều năm bên cạnh Bảo Đại ở bên Pháp, ông có lời khuyên Bảo Đại với những tiết lộ úp mở liên quan đến lý do tại sao Khải Định lại được chỉ định kế nghiệp trong đó có sự mờ ám được ông Charles bao che như sau:
“Il faut que vous sachiez aussi que j’ai fortement appuyé la proposition de l’impératrice douairière pour le choix de votre père comme successeur après cette pénible affaire.
Sa majesté le savait fort bien. c’est dans cette circonstance que s’est crée l’amitié dont votre père voulait bien m’honorer et en raison de cette amitié qu’il bien voulu me confier votre éducation.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 51)
“Ngài cần phải hiểu rõ điều này là tôi đã hết sức mình hỗ trợ lời đề nghị của Hoàng Thái Hậu để chọn cha của ngài như người kế vị sau cái sự kiện đau đơn này. Cha của ngài hiểu rõ điều này hơn ai hết. Chính trong cái hoàn cảnh ấy đã nảy sinh cái tình bạn mà cha của ngài muốn dành cho tôi cái vinh dự trao phó ngài cho tôi trong việc giáo dục.”
Đọc đoạn văn trích dẫn trên của vua Bảo Đại, tất cả nằm trong hai chữ “pénible affaire”, hé mở trên dù Bảo Đại không nói rõ, cho thấy việc Khải Định có tư cách được coi là hoàng tử kế nghiệp phải là công của Hoàng Thái Hậu và quyết định của ông Charles. Không có sự toa rập cái được gọi là “pénible affair” trên cho Khải Định thì ngôi vua đã không bao giờ tới tay Khải Định và dĩ nhiên cả Bảo Đại nữa. Bảo Đại nợ ông Charles mà cả đời Bảo Đại lo trả nợ cũng không hết.
Cũng dễ hiểu, Jean François Eugène Charles là Khâm sứ Trung Kỳ từ 1913 đến 1920; Khải định lên ngôi năm 1916, trị vì đến 1925. Khâm sứ Trung Kỳ (Résident supérieur de l’Annam) là viên quan thực dân chính thức điều hành việc cai trị Annam.
Và Bảo Đại đã thấm thía kết luận như sau:
“Les dernières paroles de M. Chares résonnent encore à mes oreilles.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 51)
“Những lời nói cuối cùng của ông Charles còn vang vang bên tai tôi.”
“Hai tháng sau, người Pháp tổ chức một chuyến du hành ba tuần lễ của Bảo Đại ra Bắc Kỳ để trấn an và xóa nhòa những ấn tượng không mấy tốt đẹp về vụ Yên Bái đã xảy ra cách đây hai năm cũng như toàn quyền Pasquier đã phải cho thả bom ở thành phố Vinh.
Cùng với sự tháp tùng của ông Nguyễn Hữu Bài, đây là là lần đầu tiên kể từ thời Minh Mạng, vua nhà Nguyễn ra thăm miền Bắc. Bảo Đại đã được dẫn đi coi những công trình như mỏ than Hòn Gay, trường Mỹ Thuật và ông nhận thấy được tiềm năng sức mạnh kinh tế của miền Bắc so với kinh đô Huế.
Nhưng ông cũng nhận thức được vai diễn trò mà ông đang đóng.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 52)
Khi còn học ở bên Tây, một mình một xe hơi, ông Bảo Đại đã rong ruổi khắp mọi miền nước Pháp. Nay về nước, nếu ông vẫn muốn đi rong ruổi khắp nơi bằng xe hơi, ít nhất cũng ở khắp miền Trung nghèo nàn, đói khổ để biết được đời sống của dân chúng, để nghe dân trần tình thì quý hóa biết bao. Ông sẽ có một tập hồ sơ để có thể nói chuyện với Pháp.
Tôi tin rằng làm được việc này, dân chúng khắp nơi sẽ đón tiếp ông như một người anh hùng. Ông sẽ được người dân tin tưởng và có tiếng nói như sức mạnh để nói chuyện với người Pháp. Không có dân chúng đứng đàng sau, Bảo Đại không đủ cái thế để nói chuyện với người Pháp. Không lạ gì sau này Hồ Chí Minh xuất hiện với cái thế nhân đân đã dược nhiều người hưởng ứng đi theo.
Rất tiếc, ông đã không làm. Cờ trong tay, ông đã không phất. Không một ai lúc bấy giờ có đủ uy tín bằng ông. Thật rất tiếc. Nhưng như thế mới đúng là Bảo Đại:
Thế của Bảo Đại là thế không bao giờ làm. Thế ngồi chơi để hưởng, để người khác làm, ích kỷ đến cùng của sự ích kỷ.
Việt Nam cần một vị vua thông minh và có thực tài, có uy tín với quốc dân để có thể điều khiển một nền hành chánh hữu hiệu do các đám quan lại tiến bộ và lương thiện. Những người này sẽ truyền đạt các quyết định ở trên để chuyển xuống cấp xã thôn, đó là những đơn vị nền tảng của xã hội Việt Nam mà họ có bổn phận thi hành các quyết định từ trên đưa xuống. Nhà vua trẻ sẽ trực tiếp điều hành đất nước cùng với những thành phần quan lại trẻ, tiến bộ và yêu nước buộc người Pháp phải nhượng bộ.
Daniel Grandclément đã nhận xét chính xác việc nhà vua trở về.
“Việc trở về của Bảo Đại có một ý nghiã chính trị to lớn, nếu Bảo Đại biết nắm lấy cơ hội mà người Pháp tự họ cũng muốn làm nhẹ gánh sự có mặt của họ về mặt hành chánh và trao cho người Việt cái phần vụ, người Annam quản trị người Annam mà người Pháp chỉ đông vai trò bảo hộ.
Chinh toàn quyền Chatel mong muốn Bảo Đại làm nhiều hơn thế nữa, đạt được những cải cách rộng rãi để toàn thể dân Annam thấy rằng đất nước của họ nay đã tìm được nguời lãnh đạo xứng đáng.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 29-30)
Rất tiếc, phải đợi đến tháng 3, 1949, giải pháp Bảo Đại mới ra đời xem ra đã quá trễ. (Xem: Nguyễn Văn Lục, Kỷ niệm 59 năm ngày ký Hiệp Định Elysées, ký kết giữa Pháp và Bảo Đại, Tân Văn, số 11, tháng 6-2008, trang 10-37)
“Cũng là do thúc đẩy của ông Charles, Bảo Đại muốn trẻ trung hóa guồng máy hành chánh của triều đình Huế. Cũng theo ý của ông Charles, Bảo Đại trước tiên thay thế vai trò nhiếp chính của ông Nguyễn Hữu Bài, người đã trong nhiều năm nắm vững guồng máy triều đình, bảo vệ ngôi vua của Bảo Đại khi ông còn ở bên Pháp.
Người đầu tiên được đề cử làm thư ký cho Bảo Đại là ông Nguyễn Đệ. Nguyễn Đệ gốc Hà Nội, viết báo bằng tiếng Pháp. Ông là người theo đạo Thiên Chúa giáo như Nguyễn Hữu Bài đồng thời là một chuyên viên về các vấn đề kinh tế.
Phạm Quỳnh được chỉ định thay thế Nguyễn Hữu Bài. Phạm Quỳnh lúc bấy giờ 35 tuổi tỏ ra rất trung thành với Bảo Đại. Phạm Quỳnh mong muốn cải tổ hiến pháp và đã viết bốn bài trên Hanoi France-Indochine. Trong đó chức vụ thủ tướng bị loại bỏ cũng như bộ trưởng bộ chiến tranh.
Và từ nay, chính Bảo Đại nắm giữ điều khiển guồng máy Quốc Gia. Để thay thế chức bộ trưởng chiến tranh, Bảo Đại kêu gọi đến một người trẻ tuổi khác là Ngô Đình Diệm nắm giữ Bộ Nội Vụ. Ngô Đình Diệm gốc gác là một gia đình quan lại, anh của ông làm tổng Đốc Faifo. Ông ta cũng người Thiên Chúa giáo, một người có cá tính, nổi tiếng thông minh và trung thành. Ông ta còn là một người Quốc gia bảo thủ.
“Ngoài vai trò Bộ trưởng nội vụ, ông Ngô Đinh Diệm còn đảm trách công việc (Secrétaire de la Commission mixte franco-Vietnamien) Tổng thư ký Hội đồng Pháp-Việt hỗn hợp có nhiệm vụ nghiên cứu việc cải tổ sẽ được tuyên bố vào năm tới và thành phần của Hội Đồng bao gồm các bộ trưởng Annam và các viên chức cao cấp của Pháp.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 57-59)
Bộ trưởng Tư pháp được giao cho ông Bùi Bằng Đoàn.
Và sau đây là ý kiến của Bảo Đại về thành phần nội các mới như sau:
“Je faisais confiance au tandem Pham Quynh- Ngô Đinh Diệm. Ce dernier n’avait accepté les fonctions de ministre qu’à la condition de pouvoir modifier la société vietnamienne, sa réputation de caractère me laisse espérer qu’il irait de l’avant. La position de Phạm Quỳnh, plus en retrait, benéficiant de l’appui du gouvernent général, faciliterait les manoeuvres qui pourraient s’imposer.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 59)
“Tôi tin tưởng vào cặp Phạm Quỳnh-Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đã chỉ chấp nhận vai trò bộ trưởng với điều kiện là ông ta có thể thay đổi được xã hội Việt Nam, nổi tiếng là người có bản lĩnh làm tôi thêm tin tưởng ông ta có thể đi xa hơn. Vị trí của Phạm Quỳnh, ở vị thế đằng sau sẽ dễ có cơ hội được sự hỗ trợ của chính quyền, và giúp dễ dàng thông qua được những chuyển biến.”
Căn cứ vào trách nhiệm được Bảo Đại giao phó, ông Ngô Đình Diệm đã đặt vấn đề với người Pháp, nhưng những đề nghị cải tổ của ông đã bị người Pháp gạt đi hết.
Hãy nghe chính Bảo Đại giải thích đầy đủ và cặn kẽ về vấn đề này để tránh những tranh cãi ngoài văn bản như sau:
“Người Pháp đã chống đối lại tất cả mọi cải cách, mặc dầu những cải cách này rất là cần thiết. Cũng nên hiểu rằng ở thời kỳ này, một người An nam ngang cấp bực với một người Pháp trong hệ thống hành chánh, người Annam ấy không được đối xử ngang hàng như người Pháp. Chẳng hạn, anh của Ngô Đình Diệm, chức vụ là tổng đốc, nhưng lương bổng thì không bằng một viên cảnh sát Pháp làm việc ở Hà Nội.
Chính vì thế, không thể tránh được việc các viên chức An Nam này để khỏi mất mặt, đã lợi dụng quyền thế để bắt nạt dân chúng. Sự bất công ấy sẽ dẫn đưa đến việc tham nhũng mà không thể nào tránh được. Và rồi một số viên chức khá nhất đã chán nản rời bỏ công việc quản trị hành chánh và kỹ thuật công để nhảy ra làm tư. Việc tranh đấu để đạt được một vài thay đổi trong quy chế bảo hộ đã không đi đến đâu và hầu như bị tê liệt. Và vào khoảng 4 tháng sau, tức tháng 9, 1933, Ngô Đình Diệm đã không tìm thấy ở Phạm Quỳnh một sự yểm trợ nào như ông ta mong đợi, ông ta đã xin gặp tôi.”
“- Sir, me dit-il, je viens vous présenter ma démission et vous demander l’autorisation d’abonner toutes les fonctions dont Votre Majesté a bien voulu m’honorer.-
Excellence, mon secrétaire Nguyen Đe m’a tenu au courant de vos dificultés, mais je pense que votre devoir est de rester à votre poste.
Sire, que Votre Majesté me pardonne, mais ce n’est pas tenable. Demeurer à mon poste serait une lamentable comédie à laquelle je ne peux prêter. Les Francais ont tous les pouvoirs, ils en sont arrivés à administrer directement le pays sous le couvert d’un traité de protectorat dont les dispositions sont violées tous les jours. […]
Sire, ce que votre Majesté me demande est au-dessus de mes forces, s’obstine-t-il. Je n’ai pas le droit de rester. Que votre majesté veuille bien me permettre de me retirer.
Vous le pouvez, Excellence. Ce qui est impossible à votre souverain est en votre pouvoir.. Espérons que votre départ alertera les Francaís et le conduira à une plus grande compréhension. De toute manière gardez-vous disponible, un jour j’aurai besoin de vous et je vous rappellerai.
Votre Majesté peut alors compter sur mon total dévouement.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 59-60)
“Thưa hoàng thượng, ông ta nói, tôi xin hoàng thượng cho phép tôi được từ chức và cũng xin hoàng thượng cho phép tôi được từ bỏ mọi tước vị mà hoàng thượng đã ưu ái ban tặng.
Thưa ngài, người thư ký của tôi, ông Nguyễn Đệ đã cho tôi biết rõ tất cả những khó khăn mà ngài gặp phải, nhưng tôi nghĩ rằng bổn phận của ngài vẫn là phải ở lại chỗ của ngài.
Thưa hoàng thượng, xin hoàng thượng tha thứ cho tôi, nhưng điều đó tôi không thể nào làm nổi. Ngồi lại chỗ tước vị của tôi sẽ trở thành một trò hề thê thảm mà tôi không thể làm được. Người Pháp họ có đầy đủ các quyền hành và rồi họ đã quản trị trực tiếp đất nước này dưới chiêu bài một hiệp ước bảo hộ mà sự vi phạm trắng trợn xảy ra hằng ngày..(..)
Thưa Hoàng thượng, những điều hoàng thượng yêu cầu tôi thật là quá sức của tôi, ông ta cương quyết nói. Tôi không có quyền ngồi lại.. Vậy thì xin hoàng thượng cho phép tôi được từ chức..
Thưa ngài, dĩ nhiên là tôi không thể ngăn cản được ý định của ngài..Chỉ còn hy vọng sự ra đi của ngài sẽ cảnh báo cho người Pháp và nhờ vậy họ sẽ có một thái độ hiểu biết rộng rãi hơn. Nhưng bằng bất cứ lúc nào một ngày nào đó tôi cần đến ngài, ngài cũng sẵn sàng đáp lời mời của tôi.
Thưa hoàng thượng ngài có thể tin vào sự tận tâm và trung thành hoàn toàn của tôi.”
Sau đó, Bảo Đại đã bày tỏ tâm sự như sau:
“Ngô Đình Diệm từ chức rồi, tôi rơi vào tình trạng hoàn toàn chán nản. Chắc chắn là con người ấy có cá tính cứng rắn. Ông ta cứng cỏi đến độ có thể rơi vào tình trạng phe phái. Đằng khác, tôi hiểu rằng, ông ta chịu ảnh hưởng của Nguyễn Hữu Bài mà ông này không thể nào chấp nhận việc từ chức của Diệm sẽ đem lợi thế cho Phạm Quỳnh.”
Và khi biết tin Ngô Đình Diệm từ chức, Nguyễn Đệ là người bạn tâm huyết của Ngô Đình Diệm đến lượt ông ta cũng xin từ chức. Ông này nói:
“Thưa Hoàng thượng, mặc dầu gắn bó cá nhân với hoàng thượng, ông ta nói với tất cả tâm tình, tôi thấy tôi không có lý do gì ở lại tước vị của tôi vì việc đó chỉ làm mất thời giờ của tôi. Đã 6 tháng nay, tôi giữ nhiệm vụ hành chánh, kinh nghiệm đó đủ cho tôi rồi. Ở cái đất Annam này, ai cũng muốn làm quan. Nhưng nó không nằm trong trường hợp của tôi. Tôi đứng đầu văn phòng của hoàng thượng, tôi lĩnh 120 đồng mỗi tháng. Ở nhà băng Đông Dương trong lúc này, họ sẵn sàng giả tôi 300 đồng một tháng. Việc đào tạo của tôi thích hợp cho công việc quản trị.. Tôi nhận lời làm việc cho hoàng thượng chỉ vì muốn phụng sự cho đất nước tôi thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện nay..(..) Nhưng mong hoàng thượng hiểu cho việc từ chức của tôi không phải một sự bỏ cuộc, tôi sẽ làm việc ỏ trong lãnh vức khác mà tôi vẫn có thể mưu tìm được sự độc lập về kinh tế. Tôi sẽ làm comprador(người làm trung gian giữa ngân hàng và khách hàng, người mại bản) thay thế người Comprador Tàu Và rồi tất cả những ai cần vốn xây dựng cơ sở thì tôi sẵn sàng giúp họ.”
Và Bảo Đại viết với câu kết thúc: “Me voici seul”. Lúc này đây, chỉ còn lại một mình tôi.
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 61)
Khi Bảo Đại than, chỉ còn lại một mình tôi có thể chỉ đúng có một nửa. Bởi vì, ngay sau đó, Bảo Đại nhìn thấy cái thế của Pasquier-Phạm Quỳnh là thế tốt nhất để ngả theo họ.
Thất bại trong chương trình muốn cải cách hành chánh dưới chế độ bảo hộ của Pháp. Bảo Đại không có cách gì khác hơn là giao Bộ Nội vụ cho Phạm Quỳnh, một kẻ thân tây, do Pasquier đưa vào từ Hà Nội vào. Chọn Phạm Quỳnh là chọn đứng về phía kẻ mạnh, thế của người Pháp.
Và ông cho rằng, trước lịch sử, không ai có thể có quyền kết án ông được. Dĩ nhiên, đây là một sự biện hộ cần thiết. Nhưng dù muốn dù không, đây là cú thất bại mở đầu cho vị vua trẻ khi về chấp chánh.
Nhận định và đánh giá sự từ chức của Ngô Đình Diệm, theo Daniel GrandClément
“Sau vụ từ chức thượng thư bộ lại, tên tuổi Ngô Đình Diệm được nhiều báo chí nhắc tới. Tờ Tribune Indochinoise đưa tin này lên trang đầu. Có tờ báo gọi ông là người anh hùng, ông là một trong những người khá nhất và duy nhất bảo vệ quyền lọi cho người Annam.
Nhưng tờ Tribune Indochinoise đề cập đến những vấn đề gì? Họ đề cập đến các chương trình cải cách mà Ngô Đình Diệm đề ra, những chương trình mà ông Diệm có trách nhiệm đề ra và bàn thảo với người Pháp. Chẳng hạn toàn quyền Đông Dương có quyền phủ quyết tất cả những quyết định, ngay cả những quyết định không mấy quan trọng. Như vậy, guồng mấy cai trị vẫn gĩữ y nguyên. Chưa kể, trong Hội đồng bộ trưởng của chính phủ Nam triều cũng có người Pháp tham dự và họ quyết định tất cả được hay không được vượt quá giới hạn đã được quy điịnh trong Hòa ước bảo hộ năm 1884.
Điều làm cho ông Ngô Định Diệm bất mãn và chống đối là từ nay toàn quyền Eugène cùng với Phạm Quỳnh muốn truất cái quyền xử án của các quan chức Annam ở các địa phương, không cho phép họ xử án. Và như thế họ sẽ mất một số lợi tức đồng thời tạo ra tình trạng tham nhũng hà hiếp dân chúng.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 39-42)
“Diệm một mình chống đối, phản kháng cho quyền lợi của quan chức địa phương. Ông không biết rằng có nhiều vận động chính trị và có thể do ông Ngô Đình Diệm đã cung cấp cho báo chí những phúc trình về các phiên họp. Điều ấy là một vi phạm và là cớ cho người Pháp loại trừ ông.”
(Daniel Grandclément trích Trịnh Đình Khải. Trịnh Đình Khải (con trai luật sư Trịnh Định Thảo), tiết lộ trong “Décolonisation du Viet Nam, un avocat témoigne”, L’Harmattan, 1994)
Cũng theo tiết lộ của Ls Trịnh Đình Khải, người Pháp đã nắm lấy cơ hội này để loại trừ Ngô Đình Diệm và tước hết mọi quyền hành cũng như bổng lộc. Bảo Đại vẫn là người ủng hộ các chương trình cải cách của Ngô Đình Diệm. Nhưng… chính là chữ nhưng!
“Et l’Empereur? Toujours résolument partisan du mouvement du changement, et sans doute toujours sous l’influence Francaise, il appuie Pasquier, Chatel et Phạm Quỳnh.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 44)
“Còn Hoàng thượng? Ông vẫn luôn luôn là người ủng hộ các chương trình cải cách, nhưng cũng chắc chán ông chịu ảnh hưởng người Pháp, ông ủng hộ Pasquier, Chatel và Phạm Quỳnh.”
Theo Daniel,
“Huế đã chết. Các vua kế tục nhau chỉ là những sản phẩm kế thừa của Pháp. Họ không điều khiển guồng máy Quốc gia, cũng không quyết định được điều gì và cứ thế cho đến cuối thế kỷ. Người Việt chia rẽ, kẻ theo Pháp thì ủng hộ các chính sách của Pháp. Thành phần quốc gia thì chẳng những muốn tranh đấu loại bỏ chế độ thực dân thuộc địa mà còn cả chế độ phong kiến của triều đình nhà Nguyễn.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 81)
Riêng Bảo Đại, sau vụ từ chức của Ngô Đình Diệm, ông đã viết trong hồi ký của ông như sau:
“On nous laisse dans l’ignorance absolue de notre sort, de notre avenir. La fameuse commission des réformes, aussitôt après le départ de Ngo Đinh Diệm, s’est ajournée sine die.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang71)
“Họ bỏ mặc chúng tôi cho số phận mù mịt của chúng tôi, về tương lai của chúng tôi. Cái Ủy Ban nổi tiếng về cải đổi hành chánh của Ngô Dinh Diệm cứ bị trì hoãn cho đến không biết đến bao giờ.”
Chế độ bảo hộ của người Pháp sau đó
Nói cho cùng chế độ bảo hộ của người Pháp không làm vừa lòng một ai cả. Về mặt lý luận, sức mạnh của một quân đội chỉ hữu hiệu khi dùng để đánh lại một quân đội khác, nhưng sức mạnh ấy lại không thể đánh lại một tư tưởng, một tình tự yêu nước. Súng ống đôi khi trở thành vô dụng. Người Pháp có thể dùng bạo lực để bắt người, để tra tấn. để cầm tù, nhưng lại không thể cầm tù một tư tưởng.
Ngay cả bản thân Bảo Đại khi tiễn chân ông bà Charles về Pháp, Bảo Đại cũng có đôi lúc bày tỏ tâm sự chán nản, mất tin tưởng. Nhưng ông Charles đã khuyên Bảo Đại kiên nhẫn và nhìn những tiến bộ và cải tiến về mặt kinh tế, xã hội, xây dựng đường xá, giao thông và nhất là y khoa phòng ngừa, v.v.
Và Bảo Đại vẫn tin rằng những người quốc gia họ có lý của họ.
Một tỉ đụ, Bảo Đại muốn có một cuốn album thật đẹp, bọc da, trị giá 250 đồng bạc cũng phải trải qua nhiều thủ tục. Cần đến ba hóa đơn khác nhau có chữ ký của các quan chức thuộc địa.
Nói vậy thôi. Còn chế độ thuộc địa thì Bảo Đại mới có chỗ tựa.
Bảo Đại làm vua sống giàu sang phú quý là nhờ chế độ thuộc địa. Sau này, chẳng những ông mua một máy bay mà đến hai máy bay để bay lượn trên bầu trời Huế.
Đấy là cái cảnh mà mỗi lần nghĩ tới, tôi lấy làm bất nhẫn. Người Pháp mua một cái danh nghĩa trên con người bảo Đại bằng sự lầm than của cả một dân tộc. Việc mua ấy xem ra quá rẻ. Nhân tiện đây cũng xin chi tiết hóa việc mua báy bay của ông.
“Thoạt đầu Bảo Đại tính mua một máy bay của hãng Republic Aircraft Corporation Farmingale ở tiểu bang Nữu Ước. Nếu mua một chiếc thủy phi cơ cũ Grunman thì trị giá 57.000 đô la. Nếu mua mới thì giá là 64.000 đô la. Toàn quyền Decoux được tin này đã thông báo cho chính phủ Pháp và họ đã bằng lòng tặng cho Bảo Đại một máy bay mới sản xuất tại Pháp mà giá thành rẻ hơn. Vậy là ba tháng sau, Bảo Đại có chiếc máy bay du lịch Farman F.393.”
Và Daniel đã rất có lý và hiểu sâu xa khi ông vắn tắt kết luận như sau:
“La vie de la cour est faite de ces misérables et humiliantes batailles.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 87)
“Đời sống ở triều đình chỉ lă kết quả do những cuộc đấu đá tranh dành đưa đến thảm bại và nhục nhã.”
Qua câu này, kẻ thù của người dân Việt không phải chỉ là thực dân Pháp mà còn là một cái triều đình mục rữa qua Bảo Đại. Cái triều đình nhà Nguyễn gồm 9 chúa 13 vua mà không một vị vua nào xứng tầm so với chín đời vua Xiêm La, đặc biệt với Quốc Vương Bhumitol Adulyadej vừa qua đời.
Người Pháp trở thành ông chủ: một viên cảnh sát được gửi từ Paris sang lĩnh lương cao hơn một ông đầu tỉnh như Bảo Đại đã nhắc đến ở trên.
Dần dần Bảo Đại chán nản, tự khép mình lại, ít qua lại thăm viếng ông bà Charles cũng ít giao tiếp với các quan tây.
Sự khép mình về phía kẻ mạnh của Bảo Đại đã kéo theo cả một tầng lớp quan lại, trí thức tư sản trở thành những kẻ “hợp tác” “collabos” sẵn sàng quỳ gối dưới chân thục dân Pháp. Vua như thế thì thần đân cũng như thế.
Tuy nhiên, trong số ấy cũng có nhiều kẻ tin rằng sự hợp tác với người Pháp chỉ là kế sách tạm thời và nhờ người Pháp, nhờ sự văn minh tiến bộ khoa học và kỹ thuật của họ, người Việt Nam trước hết thoát ra khỏi chế độ phong kiến và chế độ quân chủ tuyệt đối.
Kinh nghiệm của phong trào Cần Vương (Cho nhà vua, năm 1883-1885) thất bại vì thứ nhất, sĩ phu đã tựa vào một chế độ quân chủ đã mục nát. Thứ hai, rất bảo thủ, họ đã chọn giải pháp dễ nhất, mục tiêu của họ thay vì người Pháp lại là người Thiên Chúa giáo. Thứ ba, họ dựa vào nước Tàu như một thói quen, như một điểm tựa thì chính nước Tàu đã chính thức không can thiệp quân sự vào Việt Nam, vì họ đã ký kết một thỏa hiệp hữu nghị với người Pháp năm 1884. Chính cái quyết định không can thiệp vào Việt Nam của Tàu đã là yếu tố quyết định cho sự tan rã nhanh chóng của phong trào Cần Vương. Còn có thể có yếu tố thứ tư là người Pháp đã dùng lá bài quen thuộc “chia để trị” của những vị sĩ quan như Galliéni, Lyautey, Pennequin. Họ đã mua chuộc được các bộ lạc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam bằng cách thiết lập những đơn vị lính bổ xung được trang bị súng ống để tự quản.
Chính sách chia để trị còn thâm độc hơn ở chỗ xử dụng chẳng những một số quan lại Việt Nam để cai trị người Việt Nam. Họ còn xử dụng một tầng lớp tư sản thành thị, lớp trưởng giả mới như một biểu tượng của một xã hội văn minh dưới bóng của người Pháp. Những người này tin tưởng rằng, nước Pháp là một sức mạnh không thể tiêu diệt được và thật vô ích chống lại họ. Trong khi đó, một triều đình mục nát cố bám víu một cách tuyệt vọng vào một quá khứ hào quang vốn không có.
Và người Pháp đủ khôn ngoan đã đánh bóng cái ngai vàng của Bảo Đại. Mà thực tế nếu có đánh đuổi được người Pháp thì liệu có thể canh tân được đất nước không? Hay tất cả sẽ lại vẫn như cũ? Hoàng đế vẫn là con trời, vẫn ngự nơi chôn cao xa, vẫn tiếp tục xa hoa lãng phí với hàng trăm vợ, vẫn suốt đời ở trong cung cấm? Cái suy nghĩ, cái tinh thần ấy đã được nhiều người chấp nhận coi như đường lối thích hợp nhất.
Phần Bảo Đại, nay cũng ít xuất hiện trước dân chúng. Rồi đến mùa mưa ở Huế, ông lấy cớ khí hậu ẩm ướt lên Đà Lạt ở, đồng thời có dịp để đi săn.
Ông ẩn nhẫn chấp nhận sự gò bó o ép của chế độ Bảo Hộ và tìm cho mình một lối thoát dễ dãi. Đó là thể thao, đi săn và đàn bà. Nhiểu người bám lấy thái độ này của Bảo Đại để bào chữa và coi việc chơi bời bê tha của Bảo Đại là một thái độ chính trị. Báo chí đôi lần nhắc nhở đến ông với những giai thoại ăn chơi, và họ ví ông như ông hoàng Monaco Việt Nam. Hoàng gia Việt Nam sống pha trộn sắc thái Đông Phương và Tây Phương trong một đất nước còn chìm đắm trong lạc hậu và chậm tiến.
Càng tâng bốc Bảo Đại trong cái tinh thần ấy, càng làm cho hình bóng Bảo Đại mờ nhạt, mất tính quần chúng và xa lạ.
Câu hỏi đặt ra cho tôi là không hiểu vua Bảo Đại có cảm thức được nỗi nhục nhã như lời nhận xét của Daniel Grandclément khi kết thúc câu truyện mua máy bay của ông?
Bảo Đại lấy vợ
Đám cưới của Bảo Đại lại là dịp cho người Pháp có dịp phô trương, quảng cáo rầm rộ với tất cả sự sang trọng có thể của nó. Sau đây là phần lược dịch một bài báo đăng trên tờ Illustration ngày 14/4/1934, tường thuật tại chỗ đám cưới hoàng gia nhan đề: “Đám cưới của Hoàng đế Annam”.
[Nam phong tạp chí, số 193 tháng 2 + 3, 1934 có bài tường thuật chi tiết sự kiện này. Tác giả Nguyễn Hữu Hiệp trong bài “Vua Bảo Đại cưới vợ và chuyện ‘phá lệ’ tấn phong Hoàng hậu” đăng trên báo Dân Việt ngày 14/9/2014 đã trích dẫn nguyên văn.]
“Đám cưới của vị Hoàng đế trẻ tuổi Bảo Đại xứ Annam đã được cử hành một cách hết sức trọng thể ở Huế như chúng tôi đã có dịp thông báo. Các buổi lễ khác nhau đã kéo dài hơn một tuần lễ từ ngày 15 tới 26 tháng ba. Các nghi thức của buổi lễ đặc biệt này đã được bàn thảo kín đáo tại triều đình do bộ trưởng bộ nghi lễ chủ trì. Làm thế nào một mặt vẫn thỏa đáng với các nghi thức cổ của triều đình và của các nhà sư ở chùa và mặt khác phù hợp với tinh thần tân tiến của đôi tân hôn mà cả hai đều được giáo dục từ nhỏ ở bên Pháp. Các nhà thiên văn học của Phật giáo được mời tới tham khảo để chọn được ngày lành tháng tốt theo tục lệ đã được ấn định và tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt để tránh được tất cả nhưng chuyện thị phi phiền toái.
Ngày 15-3, Hoàng đế trong áo thụng vàng, cánh tay áo rộng với một khăn đội đầu cũng màu vàng, kèm theo một đám rước nhỏ đã đến điện Phụng Tiên có các quan nội thần đi hầu, để làm lễ kỳ cáo; rồi tâu với Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu về việc làm lễ Đại hôn.
Đó là công việc đầu tiên. Ngày 17-3 đến lượt các hoàng tử có bổn phận đi đón cô dâu trẻ từ đèo Hải Vân “Col des nuages” sau đó tháp tùng cô dâu về kinh đô ở nhà khách vãng lai trong thời gian ba ngày.
[Nam Phong Tạp chí số 193 tháng 2 + 3, 1934 viết, “Ngày 3 tháng Hai (17 mars). Hoàng thân Bửu Liêm cùng Phủ thiếp và Hoàng tùng đệ vào Lăng Cô đón Hoàng hậu rước về Kinh đô. Khi tới cung Trú tất ở Kinh đô, Hoàng hậu trú ở cung ấy suốt ngày mồng 3, 4 và 5 tháng 2 (17, 18 và 19 mars).”]
Đến ngày 20-3, vào buổi sớm mai, cô dâu choàng một khăn màu thiên thanh và mặc mặc áo thụng thêu đỏ lên xe hơi với gia đình cô dâu đến diện Dưỡng Tâm, nơi đây có một hàng rào danh dự với bốn lọng đỏ che hai bên, 10 lá cờ đứng dàn trước Cung Trú tất. Đám rước được quân lính và cảnh vệ hộ tống đến chỗ ở tạm thời của tân Hoàng hậu.
Chính những hình ảnh đón tiếp trong dịp đặc biệt ngày 20-3 này sẽ được chúng tôi cho đăng báo vào ngày 21 tháng 4 sắp tới đây.
Ngày 21-3 có việc ra mắt cô dâu chú rể tại cung điện Cấn Thành và sau đó Hoàng đế được đưa về điện Kiến Trung còn cô dâu được đưa về điện Dưỡng Tâm.
Buổi lễ chính thức được định vào ngày 24-3. Tân Hoàng hậu trong phẩm phục lộng lẫy đã nhận kim ấn và kim thư, còn cờ mao tiết thì giao cho các quan Khâm mệnh đem về phục mệnh tại điện Cần chánh. Sau đó, tân Hoàng hậu sẽ cúi đầu bái hòang đế ba bái.
Cặp hoàng gia sau đó sẽ về ở một cung điện cổ mà bên ngoài còn giữ nguyên cấu trúc cũ. Nhưng bên trong đã được trang trí theo lối mới do một kiến trúc sư Pháp thực hiện. Trong những vườn bên cạnh đã cho làm thêm các sân chơi Tennis, sân Golf trước sự kinh ngạc của các quan lại trong triều đình.
Ngày 26-3, lại một lần nữa, có một buổi đại lễ tại điện Thái Hòa với sự có mặt đô các quan trong triều đình, tất cả các viên chức dân sự và quân sự trong chính quyền bảo họ cũng như các phái đoàn.
Ngày 29-3, vua và Hoàng hậu đi thăm viếng các lăng mộ của các Tiên đế.
Bài báo tường thuật này không thể cho phép ghi chép đầy đủ vô số các chi tiết các buổi lễ linh thiêng cũng như các cuộc viếng thăm đã liên tiếp được diễn ra ở các cung điện khác nhau. Việc tường thuật tóm tắt này chỉ cho ta một vài ý tưởng mà trong thực tế là rất sang trọng cũng như những đám rước linh đình với các chức sắc cũng như các phụ nữ phù dâu trong những bộ quần áo sặc sỡ và sang trọng.”
(Nguồn: “Le mariage de l’Empereur d’Annam” trên tờ Illustration, số ra ngày 14-4-1934)
Cái cảm tưởng của tôi sau đám cưới này là Bảo Đại và bà Nam Phương đã trở thành giấc mơ của cả dân tộc. Họ có tất cả. Tình yêu, tuổi trẻ, tiền bạc, danh vọng, sự lịch sự hào nhoáng, phong cách mới của thời đại tiến bộ văn minh.
Nhưng cả dân tộc tôi cho đến ngày hôm nay vị tất đã có cặp uyên ương nào có được tất cả những thứ mà Bảo Đại có. Mà giả dụ có thì được cái gì? Một đất nước nghèo nàn, chậm tiến, bị đô hộ có cần một biểu tượng một đám cưới hoàng gia như thế không?
Điều thứ hai là sau đám cưới, Bảo Đại cũng như chính quyền Pháp dập tắt tất cả những dư luận cho rằng Bảo Đại đã theo đạo. Thật sự đó là một dư luận chính trị không cần thiết. Chính quyền Pháp muốn một ông vua Bảo Đại của quần chúng. Đó là một hôn nhân chính trị mà tôn giáo giữ vai trò phụ. Cùng lắm, sự quan trọng chỉ có ý nghĩa riêng đối với Hoàng hậu Nam Phương.
Ở Dụ số 4 ngày 21 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 9 (6 tháng 3, 1934), Bảo Đại viết:
“Vậy nên Trẫm lựa một người thiếu nữ quán ở Nam Kỳ, tên là Nguyễn Hữu Thị Lan tức là Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào, con một nhà có danh giá trong lục tỉnh.”
Hoàng hậu tương lai là cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt, người giầu nhất xứ Nam Kỳ thời đó.
“Hoàng hậu có đủ tài văn chương, thể thao và âm nhạc, năm nay 21 tuổi, có nhập tịch dân Pháp và là người bên giáo, đã xin phép đức Giáo hoàng bên La Mã cho được kết duyên với đức Bảo Đại.”
(Nguồn: Nguyễn Hữu Hiệp, ibid., Dân Việt, 14/9/2014)
Cơ quan chính thức của Vatican qua tờ Obsservatore Romano xác định lại lập trường của tòa thánh là không thay đổi. Có nghĩa là Giáo Hoàn Pio XII trả lời là: không. Sự theo đạo của Bảo Đại nếu xảy ra là một bất lợi cho tất cả, thêm chia rẽ và đố kỵ.
Về phần Bảo Đại, trong hồi ký ông viết rõ ràng: “Au palais, il n’y avait qu’un Dieu: L’empereur, Fils du ciel. (S.M. Bao Daï, ibid., trang 65)
“Trong hoàng cung, chỉ có một ông trời: Đó là Hoàng đế, con của trời.”
Chính vì tự thần thánh hóa chính mình theo tục lệ như thế, Bảo Đại sống rất xa dân, thay vì gần dân; ông sống hoàn toàn ich kỷ mà tưởng mình sống đúng. Đây là những trích đoạn để bạn đọc có thể hiểu về con người thật của Bảo Đại. Ông viết:
“Pourtant, il n’est pas nécessaire, il n’est pas utile à l’Empereur de se montrer pour gouverner. […] Il n’est pas nécessaire que l’Empereur soit présent pour que le peuple se sache gouverné. Il suffit que de temps à autre- le plus rarement possible- il apparaisse publiquement, à l’occasion d’une réception ou d’une audience afin de montrer qu’il est bien vivant. Tous ceux qui, en Orient, ont exercé le pouvoir, ont toujours agi ainsi. Le prince, s’il est pontifié-celui qui établit le pont entre le Ciel et son peulple-est ausi, et par voie de conséquence, le médiateur entre le peuple et son avenir.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 73)
“Dầu vậy, thật không cần thiết và cũng chẳng có ích lợi gì cho một vị Hoàng đế phải chứng tỏ rằng mình đang điều khiển. […] Cũng không nhất thiết vị Hoàng đế lúc nào cũng phải có mặt để dân chúng biết rằng họ đang được chăn dắt. Chỉ cần lâu lâu thỉnh thoảng — càng hiếm càng tốt — Hoàng đế xuất hiện nơi công cộng trong một dịp tiếp tân hoặc chiêu đãi để cho thấy là Hoàng đế vẫn còn sống. Tất cả các vua chúa Đông Phương khi tại vị đều hành xử y như vậy. Vị Hoàng tử khi được tôn vương là người bắc một cây cầu giữa Ông Trời và thần dân của ông ấy đương nhiên trở thành người trung gian giữa thần dân và tương lai của ông ấy.”
Hiểu vai trò làm vua là con trời nên chúng ta sẽ không lạ gì Bảo Đại có 5000 mẫu đất có rừng cây ở Cam Lộ để chỉ cần mất hai tiếng đường xe hơi từ Huế đến Quảng Tri để đi đến đó tìm sự tĩnh mịch. Và Bảo Đại cũng đã xây dựng những căn nhà tranh ở đó và đã từng bắn chết hàng trăm con bò rừng ở đó như những thành tích vẻ vang của Bảo Đại. Ông thường tự lái máy bay lên Ban Mê Thuột, lúc ở Đà Lạt, và phần lớn thời gian còn lại ở lâu đài Thorenc bên Pháp để… chăn dắt thần dân.
Trong những phần viết về đi săn, phải nhìn nhận ông là người đầy kinh nghiệm. Tôi cũng từng được xem những cuộc đi săn của người Pháp với đàn chó săn được chọn giống, cả trăm con được huấn luyện kỹ càng chỉ để đưổi bắt một hai con thỏ rừng. Về Việt Nam, Bảo Đại có nhiều cơ hội để săn các thú rừng như bò rừng. Và có lẽ đây là những trang viết thú vị, tâm cảm, sự hòa hợp giữa thiên nhiên-con người và là những trang hay nhất trong cuốn sách Hồi ký của ông.
Những báo hiệu mây mù chính trị
Là một người đứng đầu nước, nhưng tôi có cảm tưởng Bảo Đại không mấy quan tâm đến những biến chuyển chính trị trong nước và ngoài nước.
Chẳng hạn khi bị thúc thoái vị Hoàng đế, Bảo Đại còn hỏi một cách ngây thơ: “Nguyễn Ái Quốc là ai?”
Trong nước có một số trí thức được học hành đến nơi đến chốn là những trí thức như bác sĩ, luật sư, những kỹ sư, những nhà giáo. Họ trở thành thành phần chống Pháp cấp tiến và cực đoan nhất mà khẩu hiệu hành động của họ là: “Sự áp bức đến với đất nước chúng ta từ nước Pháp, nhưng tinh thần giải phóng cũng đến từ Pháp.”
Họ cũng về nước trong khoảng thời gian từ 1930. Nhưng cách suy nghĩ, thái độ đối với người Pháp không cùng mẫu số chung với Bảo Đại. Hình như Bảo Đại tránh né, hoặc không hề đề cập đến những thành phần yêu nước này mà phần lớn ở Nam Kỳ dù chỉ một lần.
Nước Pháp cũng không chỉ có một nước Pháp. Có nước Pháp của tiến bộ, bảo thủ, xã hội, cộng sản và nước Pháp công giáo và nước Pháp vô thần. Có những người Pháp ôn hòa, chấp nhận tình trạng thuộc địa, nhưng nói không với dùi cui.
Vào những năm 1939, đã có không biết bao nhiêu biến động, những phong trào không phải chống Pháp, mà đình công ở các nhà máy, các hầm mỏ, các đồn điền cao su thuộc hãng Michelin.
Đây là những chuyển biến mới, mặc dầu xảy ra cả ở miền Trung cũng không được Bảo Đại quan tâm. Bảo Đại ít khi có mặt trong các cuộc họp Hội đồng cơ mật. Giả dụ có mặt thì cũng với một thái độ lơ là, buồn tẻ. Ông tiếp tục cuộc sống an nhàn, không quan tâm tới các biến động trong nước như thể triều đại của ông sẽ tồn tại muôn thuở.
Năm 1938, trong một trận đá banh ở Đà Lạt, ông bị gãy chân và đã được các bác sĩ Tây ở nhà thương Grall Sài Gòn chữa trị. Nại cớ để cho chữa trị cái chân gãy cho mau lành xương. Ông đã làm một cuộc du hành cùng với cả gia đình sang Pháp vào năm 1939. Công việc triều đình, ông đã bàn giao cho người em họ là Bửu Lợi trông nom việc tế lễ cúng bái trong triều.
Ông hình như không tiên đoán được những điều gì sẽ xảy ra cho nước Pháp và cả thế giới? 1 tháng 9, 1939 Đức xâm lăng Ba Lan bắt đầu chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Và điều đó cũng đem lại những điềm chẳng lành cho xứ Annam.
Ông dùng máy bay sang Pháp của hãng Air France hoạt động từ năm 1932 cùng vói viên Tổng thư Ký của hãng này tháp tùng. Chuyến bay mất 5 ngày. Phần Hoàng hậu và các con sẽ đi bằng đường tàu biển.
May bay sau đó hạ cánh ở Marignane, ông thốt lên lời:
“Quel beau pays je retrouve.” “Ôi đất nước đẹp thế mà tôi lại có dịp nhìn lại.”
(Daniel Grandclément, ibid., trang 108)
Xe hơi đã trở ông về lâu đài Thorenc, một trong những lâu đài đẹp nhất ở vùng miền Nam nước Pháp. Hàng xóm của ông là những nhân vật danh tiếng như ông hoàng tử xứ Galles nước Anh, các vua Thụy Điển, Đan Mạch.
Sau khi chân cẳng đã lành, ông quyết định về ở một căn nhà riêng khác ở Paris của ông ở phố Lamballe.
Theo hồi ký của ông, trong dịp nầy, ông đẫ tiếp xúc với ông Georges Mandel, bộ thuộc địa phố Oudinot. Một cuộc tiếp kiến mang tính xã giao nhiều hơn là thực tế, vì nước Pháp đang bận rộn lo đối đầu với một chiến tranh đang đe dọa khắp Châu Âu.
Ông đến nước Pháp không đúng lúc và câu chuyện thuộc địa hay độc lập rơi xuống hàng thứ yếu. Ông Bộ trưởng thuộc địa cùng lắm quan tâm tới sự đe dọa của Nhật sau khi nước này đã uy hiếp từ hai năm nay. Mối quan tâm là bao giờ Nhật Bản kéo quân đến cửa ngõ Bắc Việt.
Phần Bảo Đại, cái may thứ nhất ông đạt được là đã thắng ở sòng bài và thắng được một chiếc xe Citroen, 6 máy. Đây là lần đàu tiên ông bỏ tiền túi để có được một chiếc xe hơi riêng.
Cái may mắn thứ hai cho Bảo Đại là ông đã kịp thời lên máy bay về nước trước khi cuộc chiến tranh thứ hai bùng nổ để khỏi bị kẹt lại trong vòng lửa đạn. Chiến tranh đã gần kề và số phận của Bảo Đại cũng như triều đình của ông sẽ có thể không còn như trước nữa!
Và chẳng bao lâu sau, khi về nước, quân đội Nhật tiến vào Bắc Kỳ vào tháng 9, 1940 và ở lại Việt Nam đến hết Đệ Nhị Thế chiến, tháng 8, 1945.
(Còn tiếp)
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
DCVOnline biên tập và minh hoạ.
THÂN PHẬN VUA BẢO ĐẠI
Số làm vua quả nhiên rồi cũng đến
Bởi cha vua thì con lại cũng vua
Được làm vua dẫu muôn người tôn kính
Sự nghiệp không danh tiếng cũng bằng thừa
Bởi đất nước ở trong tay người Pháp
Đời tiên vương đã từng phải vậy rồi
Nên Bảo Đại hữu tâm mà vô lực
Thành ngai vàng cũng đành uổng vậy thôi
Đời hưởng lạc làm vua bao xoàng xỉnh
Danh giá gì đất nước phải lầm than
Dân nghèo mạt chỉ riêng vua sang cả
Thẹn non sông đất nước mãi điêu tàn
Muốn cách mạng dễ gì đâu cách mạng
Nước trong tay giặc Pháp khó sang trang
Vua mất nước có chi niềm hãnh diện
Vốn chẳng qua là thân phận làng nhàng
Vài cải cách kiểu đùa chơi chẳng đáng
Đâu thể làm cho lịch sử vẻ vang
Cho tới khi Hồ Chí Minh xuất hiện
Đỏ chuyển sang thay thế hẳn triều vàng
Đó là lúc Quốc Gia thành Quốc Tế
Thực dân đi còn bao sự ngổn ngang
Ba mươi năm chiến tranh đầy khốc liệt
Cuối cùng rồi lịch sử cũng sang trang
Sang trang cũ hay là sang trang mới
Nghĩ mà xem lịch sử quả bộn bàng
Quốc Tế sụp màu xanh thay màu đỏ
Kể từ đây thành hội nhập hoàn toàn
Đấy lịch sử trăm năm qua là vậy
Nó bắt đầu khi người Pháp mới sang
Đến Bảo Đại lên tuyên lời thoái vị
Hỏi ông Hồ hay Bảo Đại vẽ vang
Chuyện ngàn năm có bao giờ dừng lại
Dầu vinh quang hay thực tế phũ phàng
Lời bình phẩm có hề chi hiện tại
Mà cuối cùng khi lịch sử sang ngang
Nhưng vua chúa thì đời nào cũng vậy
Dẫu dân nghèo thì mình vẫn giàu sang
Cho là ân hay chỉ đầy oán thán
Có bao giờ dân được nói hiên ngang
NGÀN KHƠI
(09/12/16)
Ông BĐ đá banh bị gảy chân tụi báo cs viết ông ta bị bắn vì ngoại tình với vợ một tên người pháp đúng là tụi nhà báo Cs