Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p3)
Nguyễn Văn Lục
Sau vụ từ chức của Trần Trọng Kim, con thuyền chính trị Việt Nam quốc gia hẳn là sẽ chìm. Dân chúng nói chung cảm thấy hân hoan vui mừng khi hai quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki vào 6 và 9 tháng 8, 1945.
Tìm hiểu con người Bảo Đại qua cuốn Hồi ký của ông
Đối đầu với các cơn bão chính trị
Bảo Đại đi Pháp với gia đình từ tháng 5, 1939, đến ở lâu đài Thorence, Cannes. Đây là lần thứ hai Bảo Đại trở lại lâu đài Thorence tong năm 1939; lần đầu vào tháng Giêng đi an dưỡng vết thương chân gẫy ở Ban Mê Thuột từ tháng 12, 1938. Chiến tranh đã gần kề, triều đình Huế đã thúc giục Bảo Đại phải cấp tốc hồi hương để tránh bị kẹt lại Pháp. Bảo Đại về Việt Nam bằng chiếc máy bay một động cơ Dewoitine, đã dùng trong chuyến đi sang Pháp. Đoàn tùy tùng không thể đông người: một phi công, một thợ máy và một nhân viên truyền tin.
Về tới Huế, ông được Phạm Quỳnh đón tiếp và chẳng bao lâu sau, ngày 3-9, chiến tranh thế giới bùng nổ. Sau khi loại trừ vai trò Ngô Đình Diệm Phạm Quỳnh trở thành nhân vật số một của triều đình Huế mà Ellen J. Hammer gọi một cách mỉa mai là “những nhà cải cách không có cải cách”. Ellen.J.Hammer viết:
“Phạm Quỳnh đã có một ảnh hưởng lớn hơn trong chính quyền Việt Nam sau khi Ngô Đình Diệm từ chức. Phạm Quỳnh cũng tỏ ra hòa hoãn nhiều hơn với người Pháp để vẫn hy vọng người Pháp cho phép một sự tự chủ cho Việt Nam, một thể thức theo kiểu Dominion Status như đế quốc Anh đã thực hiện.”
(Ellen J.Hammer, The struggle for Indochina, Stanford University Press, 1954, trang 86)
Cho nên, nhiều phần bản hiệu triệu sau đây là do chính tay Phạm Quỳnh soạn sẵn cho Bảo Đại.
Ngày 15 tháng 9, Bảo Đại đưa ra một bản hiệu triệu quốc dân:
“Đây là một cuộc chiến tranh danh dự nhằm bảo vệ một mục đích cao cả và cuộc chiến này nay đã bắt đầu do nhà nước bảo hộ vĩ đại đang phải đối đầu. Đất nước và người dân chúng ta là thành phần của cái toàn thể của đế quốc Pháp. Bổn phận của chúng ta đã được ấn định rõ: Chúng ta đứng trong hàng ngũ bên cạnh nước Pháp để hỗ trợ bằng hết năng lực của chúng ta trong cuộc chiến đấu vĩ đại này.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 93)
Nội dung những lời hiệu triệu này sẽ đổi giọng khi người Nhật lên nắm quyền ở Đông Dương cũng như diễn văn từ chức của ông khi Hồ Chí Minh lên nắm quyền. Cùng một vị vua mà ở ba thời điểm khác nhau, lời tuyên bố sau như ngược lại với lời hiệu triệu trước. Nhưng trách ông làm gì vì cả ba lần, đã có người viết sẵn cho ông rồi, ông chỉ là người đọc lại như cái máy viết sao đọc vậy!
Trong viễn tượng một đất nước đang mưu cầu dành độc lập, nhân danh hoàng đế Annam, bài diễn văn của Bảo Đại chứng tỏ vai trò một thứ tay sai của Pháp qua trung gian Phạm Quỳnh. Vai trò của Phạm Quỳnh thật kín đáo, khéo léo và tế nhị, nhưng có thể không lọt qua mắt những người như Phan Bội Châu, nhất là Việt Minh.
Andrée Viollis, một phóng viên đã từng có cơ hội tiếp xúc với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu đã ghi lại một nhận xét sâu sắc của Phan Bội Châu như sau:
“Tôi không được biết dân tộc Pháp thế nào, nhưng chỉ biết qua sách vở của Pháp, qua những tư tưởng của Pháp; Và tôi đã không tìm thấy những nguyên tắc ấy nơi tâm hồn những người Pháp tại Đông Dương. Họ không đối xử với chúng tôi như là anh em, như bình đẳng như họ từng tuyên bố trong Bản Tuyên ngôn về Nhân Quyền mà họ đã dạy cho chúng tôi, họ đối xử với chúng tôi như những nô lệ và đôi khi tệ hơn nữa như những con chó…”
(Andrée Viollis, Indochine S.O.S, sách xuất bản tháng 9-1935 tại nhà Gallimard, do André Malraux đề tựa trang 95-98)
Có một vài sự kiện rõ ràng là chính quyền Bảo Đại có một tiếng nói nhịp nhàng và đồng thuận với nhà nước Bảo Hộ. Phần đông dân Việt Nam, theo lẽ thường, theo Pháp của thống chế Pétain thay vì theo Pháp kháng chiến của De Gaulle ở Luân Đôn.
Ở Sài Gòn, người Pháp cũng chia ra hai phía. Chính quyền sở tại của Pháp vẫn chính thức theo Pétain. Nhưng còn lại những sĩ quan Pháp có lòng họ trở thành những kháng chiến quân ngay giữa lòng địch. Dù còn bé, tôi cũng thấy trong nhà tôi có treo trên tường một khung ảnh thống chế Pétain. Ai đã phát động chiến dịch treo ảnh này thì thật sự tôi không biết. Sau này thì mới được biết, tất cả sự tuyên truyền này do Decoux chủ trương.
Trong cái tình thế tranh tối tranh sáng này, người Việt nói chung cả ba miền ở thế trông chờ.
Lúc chiến tranh thế chiến bắt đầu, một số người Việt tình nguyện đầu quân sang Pháp. Người Pháp mở các lớp huấn luyện sĩ quan, tương đương với trường quân sự Saint-Cyr. Một số sinh viên, thanh niên đã gia nhập trường này mà sau này trở thành tướng tá trong quân đội Việt Minh và nhất là trong quân đội VNCH.
Một số cả ngàn người khác xin gia nhập đi làm thông dịch viên, lính thợ chuyên môn để có dịp được sang Tây một chuyến. Những thành phần này sau chiến tranh đều ở lại và ít ai có cơ hội trở về Việt Nam.
Ngoài ra, còn có những người làm chính trị thuộc đủ phe phái cũng ở thế chờ đợi. Trong đó có lẽ lá bài Cường Để do Nhật đỡ đầu là quan trọng vẫn chưa có cơ hội xuất hiện nên chắc vẫn phải kiên nhẫn chờ vì giờ của họ chưa tới?
Nhưng trong dư luận, Việt Minh có thể là đã khôn khéo nay vừa tuyên truyền chống phát xít Nhật và chống thực dân Pháp.
Chính phủ nước Pháp đã cử một viên tướng làm toàn quyền để đương đầu với hoàn cảnh chiến tranh. Đó là toàn quyền Georges Catroux mà Bảo Đại đã có nhiều dịp gặp gỡ và quen biết. Vì thế, mối liên lạc giữa đôi bên trở nên thân mật và đằm thắm hơn những vị tiền nhiệm. Riêng bà Nam Phương và bà Catroux trở thành những người bạn thân thiết và bà Catroux thường có mặt trong các buổi họp mặt tại gia đình hoàng hậu ở Đà Lạt.
Tình hình ở Việt Nam bề ngoài có vẻ yên tĩnh. Nhưng tại Pháp, tháng sáu 1940, quân đội Đức xâm chiếm nước Pháp.
Ngày 19 tháng 6, 1940 chính phủ Nhật Mikado, qua trung gian đại sứ Pháp tại Tokyo, đã gửi tối hậu thư cho toàn quyền Đông Dương ngay ngày hôm sau phải đóng cửa biên giới Việt-Trung dưới quyền kiểm soát của Nhật. Người Pháp tại Việt Nam hoàn toàn bị cô lập với chính quốc và để giữ an toàn cho Đông Dương, Catroux không kịp thông báo về Pháp đã tuân hành theo tối hậu thư của Nhật.
Ngày 25 tháng Sáu, 1940 chính phủ Pétain đã quyết định giải nhiệm Catroux và thay thế bằng tướng Jean Decoux làm Toàn quyền Đông Dương.
Tình thế lúc bấy giờ coi như người Pháp đã thua trận tại chính quốc, nhưng tại Việt Nam, thể chế chính trị coi như vẫn giữ tình trạng như trước. Người Nhật đến thay thế người Pháp, cũng không hề tiếp xúc với Bảo Đại ở Huế, kéo dài hơn 4 năm cho đến 1945.
Bảo Đại vẫn tiếp tục cuộc sống riêng với những thú vui riêng của ông. Ông thích dùng chiếc máy bay Morane 343 biểu diễn lượn nhào trên thành phố Huế. Hoặc những chuyến đi săn hoặc ở Quảng Trị, hoặc ở Đà Lạt hoặc ở Ban Mê Thuột.
Ban đêm, chỉ cần một người hầu cận, nhà vua lái xe trong rừng khi biết có con hổ nào đó tới gần. Nhà vua dùng đèn pha của xe tiến lại gần và chỉ bắn khi chắc chắn rằng chỉ bằng một viên đạn bắn chết con hổ. Nhà vua đã bắn hạ được bao nhiêu con? Con số có thể cả trăm hoặc hơn trăm con. Đấy là một thành tích đi săn có thể không mấy ai sánh bằng.
Cái hãnh diện của ông trong việc nhào lộn trên không giá dùng vào việc khác thì hay biết mấy. Cái dở của phần đông người Việt Nam, xét theo lịch sử, là từ bao đời cái lòng ái quốc của họ trực tiếp dựa trên sự tín phục vào một ông vua, một chế độ phong kiến. Trung với vua là một nhận thức sơ đẳng. Phong trào Cần vương là một thí dụ điển hình của lòng trung thành ấy. Sau này, các phong trào quốc gia, không có nổi một lãnh đạo xứng đáng, vẫn bám vào hư danh của một con người như Bảo Đại. Cái hay thì ít, cái dở thì quá nhiều và họ sẵn sàng bỏ qua tất cả những cái “không làm gì” của Bảo Đại. Riêng Bảo Đại, ông vẫn xác tín rằng ông được quần chúng ủng hộ mỗi khi ông xuất hiện.
Bề ngoài có thể đúng như vậy. Không một lãnh đạo quốc gia nào khác được dân chúng biết mặt và dành cho những tiếng hoan hô, chào đón ông như vậy. Ngay khi có dịp Sihanouk mời ông sang thăm Campuchia, ông đã đi xe hỏa đến Sài Gòn cùng với hoàng hậu. Sau đó dùng đường bộ đến Bến Tre, quê hương của bà Từ Dũ, vợ vua Tự Đức. Dân chúng hai bên đường vẫn bầy hương án bên vệ đường đón tiếp nhà vua. Chỉ rất tiếc, nhà vua nhận sự đón tiếp đó một cách “nhưng không” thay vì nghĩ tới bổn phận trách nhiệm hay bổn phận của quân vương.
Bằng cớ nhận xét về sự có mặt của người Nhật của ông sau đây thật hời hợt và nông cạn.
Và sau đây là nhận xét của Bảo Đại:
“Thực tế mà nói, trong suốt thời gian này, tôi không có một tiếp xúc nào với người Nhật. Sự có mặt của họ có vẻ kín đáo, không gây một cản trở nào cho Việt Nam.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 98)
Thực tế, người Nhật có phải như vậy hay không? Điều đó cũng chứng minh cho thấy rằng, Bảo Đại chẳng quan tâm gì đến tình hình chính trị ở trong nước cũng như quốc tế. Ông mù tịt đến tội nghiệp.
Chính vì thế, để hiểu được tinh hình lúc bấy giờ, không có cách nào khác là phải dựa vào một số tài liệu của ngoại quốc. Ngoài ra, tài liệu về phía người Việt, may mắn là ở Sài Gòn, có những nhà báo như Nguyễn Kỳ Nam, tức Nam Đình, báo Điện Tín tường thuật khá đầy đủ về sinh hoạt chính trị trong Nam. Ngoài Bắc, cuốn Việt Nam Máu lửa của Nghiêm Kế Tổ không đáng tin cậy. Hầu như tài liệu càng hiếm hoi hơn, ngoại trừ Ký sự 1939-1954 của Đoàn Thêm. Bổ túc thêm vào đó, có một vài cuốn Hồi Ký của Trần Trọng Kim, Nguyễn Xuân Chữ.
Một lần nữa nói lên cái nghèo nàn đến vô nghĩa của Sử Việt. Người Việt Nam làm nên lịch sử, nhưng không viết nổi sử. Cuộc chiến 1946-1954 cũng như cuộc chiến 1955-1975 người Việt Nam trực tiếp đổ biết bao xương máu, nhưng có cuốn sách sử nào của cả hai bên xứng đáng để đọc? Miền Nam cũng có một số tác giả chứ không phải là không có. Nhưng chưa đủ. Tôi đặt câu hỏi như một sự thách thức một sự trả lời. Kinh nghiệm cá nhân tôi, tôi chỉ còn biết dựa vào tài liệu của Pháp, của Mỹ mà họ xứng đáng trong vai trò viết sử của họ.
Người Nhật coi Đông Dương như một căn cứ hậu cần cung cấp thực phẩm lúa gạo
Có thể toàn quyền Albert Sarraut, bộ trưởng bộ thuộc địa và một thời là toàn quyền Đông Dương đã có những lượng giá cao và chính xác về Đông Dương, ngay từ năm 1923. Ông so sánh nhiều thuộc địa của Pháp ở hải ngoại như tại Bắc Phi và ông cho rằng:
“Đông Dương, về mọi phương diện, là một vùng quan trọng nhất, một vùng thịnh vượng nhất trong các thuộc địa của chúng ta.”
(Albert Sarraut, La mise en valeur des colonies Francaises, Paris, 1923, trang 463)
Với 23 triệu dân gồm 5 khu vực và ba sắc dân. Ngoại trừ người Việt Nam có sự chống đối lại người Pháp, người dân Campuchia và Lào vốn sợ những áp lực từ phía Việt Nam nên vào dịp này họ dựa vào người Pháp như một điểm tựa và thuần phục.
Vì vậy chỉ với 40.000 kiều dân Pháp và binh lính ở rải rác, người Pháp xem như đủ thế mạnh để duy trì an ninh và ổn định trên toàn cõi Đông Dương.
Chính sách thuộc địa là con đẻ ra chính sách kỹ nghệ. Chẳng bao lâu sau thời kỳ thuộc địa, dân số Sài Gòn tăng gấp đôi. Cũng chỉ trong vòng thời gian 40 năm trước, người ta chưa hề nhìn thấy có một cây cao su nào mà đến thời hực dân có thể tính tới hàng triệu cây. Cả vùng đồng bằng sông Hồng trước đây hàng thế kỷ. mỗi năm dân chúng chịu ngập lụt vì hệ thống đê điền yếu kém. Nhưng câu chuyện vỡ đe, hộ đê đã đi vào văn học như trong truyện Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn. Vỡ đê thì mất mùa, dân chúng rơi vào tình trạng đối kém.
Nhờ người Pháp đến củng cố được hệ thống đê điền và còn kéo dài hệ thống đê điền xuống các tỉnh phía Nam và nhờ đó giúp hệ thống tưới tiêu cho hàng trăm ngàn mẫu ruộng dọc theo các con sông lớn như sông Hồng Hà, sông Đáy. Cuộc sống người dân phần nào đỡ vất vả hơn xưa.
Và ở phía Nam, việc khai thông sông ngòi cũng giúp cho việc khẩn hoang, biến hàng vạn mẫu đất hoang nay đã có thể trồng trọt và giúp sự di chuyển trên sông lạch dễ dàng di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Đó là những gì người Pháp đã làm và để lại, dù có muốn chống Pháp hay theo Pháp cũng phải nhìn nhận một thực tế rõ ràng như vậy.
Nhưng dù muốn dù không, những công trình người Pháp làm ở Việt Nam mục đích trực tiếp vẫn đem lại lợi ích cho thực dân Pháp. Vì thế, những quyền lợi mà người Pháp có được ở đây phần lớn dựa vào sự xuất cảng như sau:
“Hàng năm xuất cảng 1,600,000 tấn than, 1,400,000 tấn gạo, 500,000 tấn bắp, 140,000 tấn xi măng và 60,000 tấn cao su.”
(Ellen J. Hammer, ibid,.trang 72)
Người Nhật được coi là một “hiểm họa da vàng” lúc bấy giờ cũng đủ khôn ngoan và nhận thấy rằng tiềm năng của Đông Dương như một hậu cần cho quân dội viễn chinh của Nhật tại Đông Nam Á. Xứ Nam Kỳ đứng thứ nhì thế giới về xuất cảng gạo. Và chính quyền Nhật đã không ngần ngại bắt Decoux phải cung cấp lúa gạo cho Nhật.
Nước Pháp trở thành trung gian hậu cần, cung cấp và nuôi quân đội Nhật đóng tại Việt Nam và có thể cả ở Đông Nam Á.
Mục tiêu chiến lược chiếm Đông Dương của Nhật vì thế trở thành tối yếu trước sự yếu kém rõ ràng của người Pháp. Họ cách xa chính quốc cô lập, yếu kém về tiếp liệu, về trang bị vũ khí. Tuy nhiên, bên cạnh đố vẫn còn những nhóm kháng chiến theo De Gaulle như tổ chức Gordon với đài phát thanh Pavie. Đài này thường xuyên phát thanh bí mật tuyên truyền chống lại Phát Xít Đức và Nhật. Ngoài ra, họ còn tổ chức phá hoại các đường xe lửa, ngăn chặn Nhật dùng để vận tải lương thực hàng hóa. Nhưng chính quyền thực dân Pháp cũng lại rất e ngại những thành phần du kích này, vì họ sợ Nhật biết được sẽ chấm dứt vai trò bảo hộ của Pháp của họ ở Đông Dương.
Nhưng khi chiến tranh thứ hai càng có dấu hiệu mỗi ngày phô diễn sức mạnh của phe đồng minh nhất là khi Mỹ nhập cuộc. Đức tỏ ra yếu thế trên các mặt trận và người ta tin tưởng chẳng bao lâu nữa, phía đồng minh sẽ chiến thắng được Đức thì một số thành phần hạ sĩ quan và ngay cả sĩ quan Pháp của chính quyền bảo hộ đã bí mật đi theo các nhóm kháng chiến này ngày một đông hơn.
Phía người Nhật, họ hết áp lực trên Catroux, sau lại áp lực trên Decoux. Decoux ngóng cổ trông chờ vào sự viện trợ của Mỹ một cách tuyệt vọng. Nhưng Mỹ trả lời dứt khoát chỉ có thể bảo đảm tình trạng hiện tại, còn không có kế hoạch nào nhằm giải giới quân Nhật tại Đông Dương.
Cuối cùng, ngày 9 tháng 3,1945, Decoux bắt buộc phải từ Đà Lạt xuống hội đàm với Đại sứ Shunichi Matsumoto tại dinh toàn quyền.
Cuộc hội đàm trước sau chưa đầy một tiếng đồng hồ và quân đội Nhật đã xếp đặt trước để lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Nguyễn Kỳ Nam kết luận:
“Và kể từ ngày 9 tháng 3, nước Pháp đệ tứ cộng hòa không còn đặt Toàn quyền ở Đông Dương nữa.
Decoux là vị toàn quyền chót. Dinh Toàn Quyền xây cất từ năm 1868, đã rước bao nhiêu vị Toàn quyền đến đây cai trị Đông Dương cho đến đêm 9 tháng 3, quân đội Nhật tới bao vây và giữ luôn nhà đại diện tối cao của nước Pháp.
Cuộc hội đàm Decoux-đặc sứ Nhật Matsumoto chấm dứt vào lúc 7 giờ và đặc sứ Nhật rút ở trong túi ra đưa ra tối hậu thư như sau:
“Nghĩ vì sự tiến triển mới đây về tình hình chiến tranh tổng quát, riêng ở Đông Dương máy bay Mỹ không ngớt tấn công liên tiếp: có thể một ngày nào đó quân địch đổ bộ lên Đông Dương, cho nên chính phủ Nhật nhứt định cùng nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương hợp tác phòng thủ chung.
“Chính phủ Nhật yêu cầu Toàn Quyền Đông Dương bày tỏ bằng chứng thiết tha muốn cùng Nhựt hợp tác phòng thủ chung, cho đến cùng, chống lại lực lượng của đồng minh, có thể đổ bộ bất luận lúc nào..
“Cho nên yêu cầu Toàn Quyền Đông Dương:
“Một là trong thời gian của tình thế hiện tại, hải lục không quân và lực lượng cảnh sát võ trang của Đông Dương phải đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của quân đội Nhật mà họ phải hoàn toàn tuân theo.
Hai là, tất cả các công chức ở Đông Dương phải đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội Nhật sử dụng bất luận lúc nào.”
Đặc sứ Nhật ra điều kiện phải trả lời tối hậu thư đúng 9 giờ tối.
Đặc sứ Nhật đi rồi, toàn quyền Decoux viết thư tay, rồi sai sĩ quan liên lạc cầm thơ đến Đặc sứ Nhật. Lúc đó là 8 giờ 45. Nhưng phủ toàn quyền đã bị Nhật bao vây rồi.
Đại sứ Nhật coi thư Decoux như một sự từ chối hẳn: thế là súng nổ vào đúng 9 giờ tối.
Decoux và nhiều tướng lãnh bị giam tại phủ Toàn Quyền gần đúng hai tháng. Ngày 7 tháng 4, quân đội Nhật mới đem Decoux lên vườn cao su Lộc Ninh.
Từ nay chấm dứt chế độ thuộc địa.”
(Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký 1925-1945, trang 118-119)
Cơ đồ xây dựng tám mươi ba năm, trong hai tiếng đồng hồ là sụp đổ hết. Câu hỏi còn lại là Nhật đảo chánh Pháp rồi có trao lại cho Việt Nam hay đảo chánh rồi thay Pháp tiếp tục cai trị Việt Nam?
Câu hỏi này nếu có đặt ra cho Bảo Đại thì chắc Bảo Đại không có câu trả lời! Nay có cơ hội nhìn lại diễn biến mối liên hệ giữa Pháp và Nhật thật có nhiều tròng tréo.
Decoux thừa nhận rằng lực lượng quân sự của ông không đủ mạnh để chống lại Nhật. Nhưng nếu để mất Đông Dương là mất tất cả. Vì thế, Nhật cũng thừa hiểu rằng không thể nào có sự hợp tác chặt chẽ của Decoux đối với Nhật. Nhưng khi tối hậu thư thứ ba mà Nhật đưa ra ép Decoux ký thì Decoux đã phản đối và không ký.
Khi Decoux không đồng ý với những yêu cầu của quân Nhật, Thống chế Pétain tin tưởng vào Decoux sẽ làm gương cho những người Pháp khác.
“When he protested against the agreement with Tokyo, Marshal Pétain wired Decoux that he counted on him” to give an example of discipline to all Frenchmen.”
(Ellen J.Hammer, The Struggle for Indochina, Stanford University Press, California, 1954, trang 21)
Nói chung thì số phận Catroux hay Decoux đều có những điểm chung cuộc mà thời cuộc đã dành cho họ. Sau này Decoux đã tố giác Catroux không có trách nhiệm trong một bài nhan đề: A la Barre de l’Indochine (Paris, 1949), sau đó Catroux cũng đã viết bài phản biện trên tờ Le monde, tháng 9-1949).
Cả hai vị toàn quyền đều cố gắng giữ cho được tình trạng status quo với Nhật như chính họ đã hứa, nhưng cũng không xong.
Chưa kế, thừa dịp này, quân đội Xiêm La cũng đòi chính quyền Pháp trả lại những phần đất mà Xiêm đã chiếm được của Lào và Campuchia và sau đó đã phải nhượng lại cho Pháp. Những thành phần quốc gia cũng đã nổi loạn tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn chống lại quân đội Pháp.
Từ tháng 8, 1941, quân đội Nhật đã đổ bộ xuống Sài Gòn và chiếm những vị trí chiến lược ở đây.
Sự o ép, bắt nạt đủ cách của Nhật trên người Pháp cho thấy, người pháp phải chịu nhục nhã như thế nào? Theo trí nhớ thô thiển của tôi lúc nhỏ ở Hà Nội, lính Nhật đã tấn công trại Hành Chánh tài chánh ủa Pháp tại phố Cửa Bắc. Chỉ cần một dúm lính Nhật đủ bắt trọn bộ các sĩ quan Pháp trong trại và bắt đầu hàng ổ chiến đấu phòng vệ chốt trên gác chuông nhà thờ Cửa Bắc, đối diện sở Hành chánh, Tài Chánh độ chừng một tiểu đội. Sau đó dẫn các cấp chỉ huy Pháp, bắt cởi trần chỉ còn cái quần xà lỏn, tay để sau gáy và quỳ trước cửa trại Hành chánh tài chánh trong khi trời khá lạnh.
Việc đảo chánh Nhật đã xảy ra vắn gọn, nhanh chóng trên khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Tất cả 36 căn cứ quân sự, trại lính, cơ sở đều bị Nhật chiếm đoạt mà sự kháng cự đều không đáng kể.
Ký giả Pháp Francoise Martin đã kể lại một mẩu tin không biết nên cười hay nên khóc,
“Hai người Pháp đi gần trường bay Gia Lâm vào 8 giờ đêm ngày 9 tháng 3. Lính Nhật bắt và cảnh cáo: Quân lính trong thành nên liệu đầu hàng sớm, nếu không cả hai đều bị xử bắn. Cũng may là quân lính trong thành đã đầu hàng không điều kiện và họ đã được thả ra.”
(Nguyễn Kỳ Nam, ibid., trang 123)
Tôi có cảm tưởng họ bắt người Pháp làm tù binh dễ dàng như lấy một món đồ trong túi. Trong 4 năm, 1941-1945, người Pháp không chuẩn bị một cuộc chiến tranh với Nhật và cố tình ngủ yên với tình trạng Staus quo vẫn được Nhật duy trì.
Họ hoàn toàn không có tinh thần tranh đấu, thà đầu hàng và chịu nhục nhã.
Tất cả những biến cố quân sự, chính trị dồn dập xảy ra như trên, nhưng xem ra về phía Việt Nam, Bảo Đại cho ta có cảm tưởng ông đứng bên ngoài tất cả nhưng âm mưu, những tranh chấp giữa hai kẻ thù địch. Phần ông bình thản và ung dung tự tại, ông viết:
“Các khuấy động của người Nhật ở trong Nam có sự thỏa hiệp của các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên và nhiều phong trào khác nhau từ năm 1936. Ngoài Bắc có một số trí thức trẻ chạy theo những phong trào tranh đấu bạo động, cực đoan, khuynh đảo.
Nhưng bù lại, phía miền Trung mang tính cách tỉnh lẻ, vẫn bám víu vào truyền thống cổ truyền thường đứng bên ngoài các xáo trộn. Với những người dân quê Việt Nam, những đồng bào miền núi, hầu như căn bản không có gì thay đổi. Tất cả công việc, tất cả bộ máy hành chánh, các công chức như trong quá khứ sống trong một bầu khí an bình và hầu như không hề bị khuấy động bởi sự có mặt của tổng số 25 ngàn binh lính Nhật.
Đường giao thông không bị trục trặc. Sự liên lạc giữa Bắc Nam vẫn bình thường. Khi tôi và hoàng hậu di chuyển đi đâu vẫn không cần có hộ tống. Đường giao thông an toàn cả ban ngày lẫn ban đêm. Chính vì lái xe ban đêm từ Sài Gòn lên Đà Lạt mà bà toàn quyền Decoux đã gặp tai nạn xe cộ. (…) Ngoài những trận dội bom của quân đồng minh do Mỹ cầm đầu mỗi ngày mỗi gia tăng ở phía bờ biển các vùng miền Trung và Bắc Việt, mọi chuyện như vẫn bình thường như không có gì xảy ra cả.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 98)
Tình trạng bình thường dưới mắt Bảo Đại là cái bình thường không bình thường của một lò lửa chiến tranh sôi sục, của giấc mộng Đại Đông Á của Nhật cũng như sự le lói sự xuất hiện chủ nghĩa Mác Xít tại miền Nam.
Và câu trích dẫn sau đây thể hiện trọn vẹn cá tinh, con người thật của Bảo Đại.
“Tenu à l’écart de toutes les décisions importantes, je conserve l’attitude que j’avais adopté dès le début de mon règne.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 98).
“Bị đặt ra ngoài trước mọi quyết định quan trọng, tôi giữ thái độ mà tôi đã áp dụng ngay từ khi lên ngôi.”
Thái độ đó là thái độ mặc kệ; ông say mê vào việc lái chiếc máy bay mới giao sau khi ông có bằng lái máy bay. Cuối tuần lại tiếp tục đi săn. Chưa có một người lãnh đạo đất nước nào tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm như Bảo Đại.
Phần liên quan đến vai trò làm vua của Bảo Đại cho đến lúc này, thật khó để tìm ra được một vai trò tích cực nào của nhà vua trước những biến động lịch sử làm thay đổi bộ mặt đất nước.
Cả một chế độ phong kiến sụp đổ như những lâu đài xây dựng trên cát, biến dạng sau hàng ngàn năm. Rồi cả một chế độ thực dân tưởng chừng vững chắc và tồn tại miên viễn cũng tan ra mây khói.
Vậy mà Bảo Đại vẫn bình chân như vại.
Xin ghi lại một vài cảnh tượng chót của biến động lịch sử trước khi toàn bộ Đông Dương thay ngôi đổi chủ. Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh giữa Nhật và Pháp đã thay đổi bộ mặt Việt Nam. Có một bộ mặt của người Annam cũ rơi rớt lại từ thời Pháp thuộc qua các nhân viên quan chức làm việc cho Pháp. Cũng có một bộ mặt mới của các xu hướng chính trị đảng phái, các giáo phái và nhất là của các nhóm cộng sản đệ tam.
Chính cái bộ mặt thứ hai này sẽ quyết định vận mạng chính trị cho Việt Nam. Bảo Đại vẫn bình chân như vại có biết đâu rằng địch đã gài người ngay trong cung cấm: Vai trò Phạm Khắc Hòe, Tổng lý ngự tiền văn phòng đã theo dõi từng động thái một, từ tính nết con người, đến việc chi phối, hăm dọa vào phút chót đưa đến việc thoái vị của Bảo Đại. Sau này, nhiều sự việc bê bối của Bảo Đại đều do sự tiết lộ của Phạm Khắc Hòe tung ra bên ngoài.
Nhân chứng miền Nam: ký giả Nguyễn Kỳ Nam
“Súng nổ dồn dập..
Sài Gòn sống trong giờ phút kinh khủng.
Dân chúng ngơ ngác hỏi với nhau:
Chuyện gì? Súng nổ ở đâu? Ai bắn?
Các ngã đường đều có lính Nhật canh gác.
Các nhà báo được tin này từ hồi sớm vì Kimura, giám đốc sở tuyên truyền Nhật, mời vài nhà báo ăn cơm tại một nhà hàng ở đại lộ Galliéni vào lúc 7 giờ, để rồi đưa hết lên lầu Đông Dương Ngân hàng là nơi thông tấn xã Domei đặt trụ sở, có đủ mặt ký giả Nhật.
Đại úy Suzuki, giám đốc cơ quan tuyên truyền báo chí Nhật nói: Đó là tiếng súng lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương.”
Vân Trình và tôi ở báo Điển Tín viết bài: “Giờ lịch sử đã đến.”
(Nguyễn Kỳ Nam, ibid., trang 120)
“Sự xuất hiện rõ rệt là ở nhiều nơi binh sĩ Cao Đài, mặc quần sọt, áo sơ mi ngắn tay, đội caloo vàng, đi giày xăn đan, tay cầm tầm vông canh gác các cơ sở cùng với lính Nhật. Phần các công chức từng làm việc cho Pháp vẫn trở lại làm việc bình thường.
Các nhà làm chính trị cơ hội như Hồ Văn Ngà yêu cầu dân chúng hô các khẩu hiệu: Đại Đông Á vạn tuế. Quân đội Nhựt toàn thắng. Việt Nam thống nhứt vạn tuế.
Đến lượt ông Trần Quang Vinh, đạo Cao Đài cũng lên diễn đàn cùng luận điệu.
Về hành chánh, các đốc phủ sứ Việt Nam được thay thế Pháp làm Tỉnh trưởng.”
Lúc bấy giờ Nhật đang hấp hối mà nào có ai biết.
Cuộc biểu tình đầu tiên ở Sài Gòn ngày 18 tháng 3 quy tụ đến 50.000 người tại vườn ông Thượng.”
(Nguyễn Kỳ Nam, ibid., trang 152-164)
Nhân chứng miền Bắc: Đoàn Thêm, Những ngày chưa quên, Ký sự 1939-1954
“Decoux theo chỉ thị của Pétain nên hình ảnh Pétain được in bán và treo tại các công sở, nhà hát lớn hay tòa thị sảnh. Người ta còn nhớ đến những bài hát: Thống chế ơi, có chúng tôi đây. (Maréchal, nous voilà). Decoux cũng phân loại những người Pháp theo kháng chiến hay Hội kín Franc-Maconnerie. Như thế, rõ ràng tâm tình người Pháp cũng chia rẽ, kẻ theo Pétain. Phần còn lại, phần lớn cũng có cảm tình với De Gaulle một cách kín đáo. Nhiều người Pháp bỏ trốn qua Vân Nam theo Đồng minh và De Gaulle.
Đến khi Nhật tràn từ Quảng Tây sang Lạng Sơn thì nhiều người Việt tin rằng phen này Pháp thua ra mặt và Nhật sẽ giúp Việt Nam thoát ra khỏi ách đô hộ thực dân. Nhiều người nhân dịp này bày tỏ thái độ công khai chống Pháp ra mặt coi như một vận hội mới sẽ đến cho Việt Nam. Họ nghĩ rằng, nếu không có Nhật, Việt nam đến bao giờ mới có cơ hội được độc lập?
Số chiến hạm Anh Mỹ bị Nhật đánh đắm được treo ở phong Thông tin Hà Nội.”
“Tuy nhiên, người ta không khỏi ngạc nhiên là quân đội Nhật đóng khắp Đông Dương, đòi gì cũng được, thế mà Pháp vẫn duyệt binh, ra lịnh, dạy học, bán hàng, khai mỏ, thu thuế, cách chức, bỏ tù. Tình trạng này phi lý, nhưng mãi sau, tôi mới tìm ra tài liệu lên hệ để xét lại và hiểu rõ hơn.”
(Đoàn Thêm, Ký sự 1939-1954, trang 15-21).
Thật ra, Nhật đã ký hiệp ước 1940-1941 thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Việc ký kết này giúp Nhật rảnh tay miễn sao Pháp cung ứng đầy đủ nhu cầu cho quân đội Thiên Hoàng. Tuy nhiên, sự duy trì chế độ hành chánh nguyên trạng có lợi cho cả đôi bên Nhật không tốn một viên đạn mà vẫn có tất cả. Pháp thì vẫn giữ quyền làm chủ Đông Dương chờ thời cuộc thay đổi.
Chỉ có người Việt là cảm thấy khó chịu vì vừa chịu một cổ hai tròng. Làm quần quật để nuôi một lúc hai kẻ thù. Và đó cũng là nguyên nhân chính sau này nảy sinh ra nạn đói năm Ất Dậu. Vắt mãi, vắt đến cạn kiệt thì đến một lúc nào đến cái khố cũng không có mà mặc.
Cả chính quyền Quốc Gia của Bảo Đại cũng như chính quyền Việt Minh cả hai đều khoanh tay bất lực!
Mặc dầu quân đội Nhật có mặt khắp nơi, nhưng họ thường kín đáo nên không gây một xáo trộn nào đối với đời sống hằng ngày của dân chúng Việt Nam. Đoàn Thêm nhận xét về người Nhật:
“Họ quen nếp sống giản dị hoặc khắc khổ, chẳng nhũng nhiễu ai, nhưng cũng không thân thiết với ai. Không thấy trẻ thơ lẽo đẽo theo sau quân nhân xin tiền, kẹo hay thuốc lá mà họ cũng chẳng có: không thấy mọc ra tiệm nhẩy hoặc phòng trà, tuy phòng trà xứ họ nổi tiếng khắp hoàn cầu; không thấy người kéo xe cao-xu bỏ đồng bào để tranh chở họ, vì họ đi bộ hoặc dùng xe vận tải nhà binh…”
(Đoàn Thêm, ibid.,trang 22)
“Tinh thần binh sĩ Nhật như vậy thật cũng đáng nể. Sau 1945, khi đồng minh sang giải giáp mới rõ quân số Nhật ở Đông Dương lên đến cả triệu người. Người Việt phải nuôi đám quân cả triệu người ấy thì lấy cơm gạo ở đâu cho vừa. Pháp liền bắt dân quê nộp thóc gạo ngay sau mỗi mùa. Việc nộp thóc gạo là một lệnh rất gắt gao mà các cấp thừa hành ở xã ấp phải thừa hành cho bằng được. Giá thóc lên cao, gạo kém và khan hiếm. Chính quyền Pháp phải ra lệnh phát thẻ để phân phối. Trước mỗi đầu người được phân phối 15 kí, rồi rút xuống 12 kí, sau chỉ còn 8 kí.”
(Đoàn Thêm, ibid., trang 26)
Tới giữa năm 1944, nạn đói đã có dấu hiệu đáng lo ngại.
Đã thế, quân đội đồng minh còn ném bom các đường giao thông vận tải như xe hỏa và cả đường biển.
Theo Đoàn Thêm, “Các vụ ném bom các nhà ga xe lửa Gia Lâm và Hà Nội cuối năm 1943 đã làm chết và bị thương hơn 1000 người ở các làng Lương Yên, Lương Sử. Các trục giao thông bị phá cũng nhiều, nhất là đường Hà Nội-Sài Gòn, nên gạo Nam khó tải ra Bắc và than Bắc khỏ chở vào Nam.” (Đoàn Thêm, ibid., trang 24)
Để giải quyết vấn đề tiếp tế, Decoux đã phát động phong trào kinh tế tự túc, hô hào chế biến tiểu công nghệ thay thế đồ ngoại hóa. Kết quả không thành. Những hàng thiết yếu cho đời sống ngày càng khan hiếm. Nói chung mọi thứ đều khan hiếm và nạn chợ đen, nạn hàng giả ra đời.
Các hội thiện đã lập các trạm cứu tế chung quanh thành phố như Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Bát, bãi cát Phúc Xá bên sông Nhị. Nhưng cung cấp sao cho đủ? Người chết đói vẫn chết đói. Nhưng kiều dân Pháp hay người có Pháp tịch, hoặc công chức cao cấp, phú thương, nghiệp chủ vẫn được cung cấp sữa, thuốc lá, cà phê, bột mì, màn tuyn, vải may Âu phục v.v.
Người ta chết đói vì không có ăn cũng có, nhưng còn do sự phân phối bất bình đẳng nói sao cho vừa.
Tôi nghĩ xin trích dẫn một đoạn về nạn đói năm Ất Dậu mà tác giả Đoàn Thêm từng chứng kiến như người trong cuộc:
“Ở nhiều vùng, dân chết cả nhà, cả xóm, hay gần cả làng. Hết gạo, hết khoai, hết chó mèo, hết chim, hết chuột, hết củ chuối, người ta làm thịt con nít. Sự thảm khốc này, dĩ nhiên là khó tin. Nhưng tới năm 1947, nhân dịp tản cư về hạt Xuân Trường, tỉnh Nam Định, tôi đã có lần bước vào một ngôi nhà trống. Hỏi vì sao nơi đây hoang vắng, thì được mách rằng không ai đến ở, vì cả gia đình khổ chủ đã chết từ năm 1945, sau khi nấu một đứa con nhỏ làm món ăn nhựa mận “ăn cho đỡ đói.”
(Đoàn Thêm, ibid., trang 29)
Trong khi đó, ở cung điện nhà vua, ngài Bảo Đại có bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh đói khổ của dân miền Bắc?
Rồi Bảo Đại lại được Nhật mời ra lập chính phủ. Nhiều người coi là trò hề. Nhưng dù sao thì cũng phải có cái gì trên đầu chứ? Không vua thì ai bây giờ? Câu trả lời có vẻ như bướng bỉnh, nhưng đấy lại là vấn đề lớn nhất của người Việt Nam. Trong bao nhiêu năm, trong bao nhiêu triều đại đã đi qua, bao nhiêu thể chế lần lượt đến rồi đi.
Chúng ta chưa tìm ra được một người lãnh đạo xứng đáng!
Là một thanh niên sống trong thời khói lửa, đứng trước nhiều phong trào vận động chính trị, sự chọn lựa của người thanh niên đứng về phía nào hẳn không dễ. Nào truyền đơn, bích chương, khẩu hiệu treo khắp thành phố. Máy phóng thanh suốt ngày ra rả những luận điệu tuyên truyền đả kích nhau ở nơi công cộng như Bờ Hồ Hoàn Kiếm, trước của chợ Đồng Xuân, vườn Bông cửa Nam. Nhiều đoàn thể ra đời nghe những tên lạ hoắc: Thanh niên cứa quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc, phụ lão cứu quốc… trong tháng chín, tháng mười.
Trước nạn đói chẳng ai đoái hoài, vẫn có một thứ chính trị bất nhân tranh dành giữa Quốc Gia-Việt Minh, cả hai đều là thứ chính trị ma đầu bất kể đến dân.
Ông Đoàn Thêm là một thanh niên ở tuổi 20 thời đó. Ông chỉ khác người là bản tính ông vốn do dự, nghi kỵ tính toán nên vì thế ông chậm chạp trong những chọn lựa của mình. Nhờ chậm, ông chẳng bị đưa đẩy vào bất cứ phong trào nào cho đến lúc “cách mạng” bùng nổ.
Nhiều thanh niên khác sốc nổi theo sự bồng bột đã chọn lựa theo Pháp, gia nhập hàng ngũ quân đội Pháp sau này hoặc lang bạt xứ người, hoặc chết trận hoặc phần đông trở thành các sĩ quan trong quân đội Quốc Gia. Chắc họ không nghĩ mình chọn sai đường?
Một số nhỏ chạy theo đảng phái, nhưng giới thanh niên cho rằng các lãnh tụ này họ về nước quá chậm, theo chân quân đội Trung Hoa kéo sang giải giới Nhật, dễ bị mang tiếng theo thế lực ngoại quốc. Nhiều đoàn thể quá, nào Việt Nam Quốc Dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách). Biết theo ai bây giờ? Về muộn mà đòi chia phần, chia ghế trong chính phủ mới. Các gương mặt lãnh tụ đảng phái này đều là những gương mặt quen thuộc mà trước đây họ đã có cơ hội cũng chẳng làm nên trò trống gì như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ. Họ có tiếng mà không có thực lực. Thực lực của họ nếu có là dựa vào Nhật và nhất là Tàu. Cán bộ thiếu thốn và không được đào luyện có bài bản. Họ ít thu hút được giới thanh niên theo họ. Khi người Tàu rút về nước thì họ cũng nhanh chân lẹ tay rút theo bỏ lại tổ chức và cán bộ.
Thành phần thứ ba, đông đảo hơn, theo Việt Minh, mặc dầu có nhiều e ngại là cộng sản. Nhưng nhiều khi nhắm mắt liều, vì nghĩ rằng họ thật sự yêu nước, họ có tổ chức, có đoàn thể, có cán bộ, có kỷ luật, xem ra có sức mạnh. Nhiều người bỏ học, bỏ cả tương lai theo Việt Minh. Những nhân vật như Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh là những nhân vật mới, không có thành tích theo Tây, theo Tàu, theo Nhật như các vị trên. Chẳng ai biết Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn, Võ Nguyên Giáp là ai cả?
Vì không biết là họ là ai nên đã có rất nhiều huyền thoại bao quanh họ. Họ càng bí ẩn càng khêu gợi sự tò mò của nhiều người.
Còn lại là những thành phần xu thời thì thời nào chả có! Họ ngả nghiêng đón gió, chờ thời?
Nhật làm chủ Đông Dương
Buổi chiều ngày 10 tháng ba năm 1945, khi Nhật làm đảo chánh Pháp thì vua Bảo Đại đang trên đường từ Quảng Trị về Huế sau hai ngày đi săn cùng với hoàng hậu.
Vào khoảng 23 giờ đêm, khi gần vào đến kinh thành thì xe của Bảo Đại bị chặn lại. Một sĩ quan Nhật cho biết xe phải ngừng lại, vì có thể nguy hiểm nếu tiếp tục đi nữa. Họ lái xe của Bảo Đại vào lề đường và bảo chờ ở đó. Khoảng 2 giờ sau, có một đại tá Nhật đến cho biết, nay Bảo Đại có thể trở về nhà một cách an toàn.
Lúc đó Bảo Đại vẫn tự hỏi: Je m’interroge: Que s’est il passé? (“Tôi tự hỏi, điều gì đã xảy ra?”, S.M. Bao Daï, ibid., trang 101).
Đây là một câu hỏi vô trách nhiệm nhất của một người lãnh đạo đất nước.
Ngày hôm sau vào lúc 11 giờ, đại sứ Yokoyama, đại diện chính quyền Nhật Mikado đến trình bày lý do tại sao phải đảo chánh, lật người Pháp.
Đại sứ Nhật trình bày tiếp:
“Nous voulons redonner: “ L’Asie aux Asiatiques” (“Chúng tôi muốn trao trả Á Châu cho người Á Châu.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 102)
Trong dịp này, đại sứ Nhật cũng loại bỏ vai trò của Kỳ ngoại Hầu Cường Để đáng lẽ ở vị trí Bảo Đại bây giờ cũng như không nhắc xa gần gì đến số phận xứ Nam Kỳ.
Nhưng một lần nữa lại cho thấy, việc chọn lựa Bảo Đại thay vì Cường Để bởi vì Bảo Đại sẽ là một con cờ tay sai dễ sai khiến.
Người Nhật sẽ chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam vào tay Bảo Đại và từ đây Bảo Đại sẽ đóng vai trò mới trong tay người Nhật. Vai tro Bảo Đại đóng với Pháp thế nào thì nay cũng như vậy. Cái khác là thay đổi chủ mà thôi.
Ngày 12 tháng 3, 1945, Bảo Đại triệu thỉnh đại sứ Nhật và trao cho ông này một bản tuyên bố lần đầu tiên có chữ ký chung của Cơ mật viện với các tên tuổi như Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Hy, Bùi Bằng Đoàn Trần Thanh Đạt và Trương Như Định đại lược như sau:
“Trước tình hình thế giới và nhất là tình hình ở Á Châu, chính quyền Việt Nam tuyên bố công khai kể từ ngày hôm nay, các thỏa ước đã ký với chính quyền Bảo Hộ Pháp sẽ bị hủy bỏ và nước Việt Nam sẽ lấy lại quyền độc lập cho mình.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 104)
Ai là người viết chiếu chỉ này cho Bảo Đại? Phạm Quỳnh chăng ? Thường là thế, nhưng lần này không. Theo nhà báo Nguyễn Kỳ Nam có dịp phỏng vấn Phạm Quỳnh cho biêt:
“Sau tiếng súng nổ đêm 9 tháng 3, quân đội Nhật vào thành kiếm chúng tôi — tôi và các đồng liêu — đem giam lại một chỗ. Sáng ngày, ông Yokoyama đón Đức Kim Thượng đi săn về: chừng đó, hội họp nhau ở lầu Kiến Trung, tôi mới rõ sự tình. Qua ngày 11 tháng 3, ông Yokoyama trở lại, với hai bản văn viết sẵn:
— Tôi cho các ông suy nghĩ 15 phút, rồi ký tên hay là không ký, tùy ý.
Lúc bấy giờ tôi còn suy với nghĩ gì nữa: một bạn đồng liêu, mà không nhớ ông nào, mới nói ra câu này:
— Ký cũng vô khám, mà không ký cũng vô khám! Ký thì vô khám dễ chịu hơn là không ký.
Thế rồi toàn viện cơ mật ký tên.
Cụ Phạm Quỳnh ngẫm nghĩ hồi lâu, gật đầu nói với tôi:
— Hủy bỏ hay không hủy bỏ. Hiệp ước 1884 làm chi nữa? Nó đã bị hủy bỏ trước khi tôi vô Huế.” (Nguyễn Kỳ Nam, Ibid., trang 169)
Kinh thành Huế lúc đó do lính Nhật canh gác và kiểm soát khắp nơi. Và một lần nữa, người đọc thấy được tâm trạng của Bảo Đại:
“Je me trouve devant un vide vertigineux.” (“Tôi thấy mình rơi vào một tình trạng trống rỗng dễ sợ.”( S.M. Bao Daï, ibid., trang 105)
Ý nghĩ đầu tiên đến với bảo Đại là phải thành lập một chính phủ mới với nhân sự mới. Người đầu tiên ông nghĩ tới là Ngô Đình Diệm. Ông viết:
“Il devient urgent de prendre les afaires en main et de mettre en place cette équipe d’hommes nouveaux à laquelle avait allusion l’ambassadeur Yokoyama. Dans mon esprit, l’homme le plus représentatif de cette équipe c’est Ngo Dinh Diêm. Il est à Sài Gòn. Je sais qu’il est en relation avec les Japonais et que sa présence faciliterait nos rapports avec les autorités occupantes. Je convoque donc l’ambassadeur et, après avoir informé de ma décision, le prie de faire le nécessaire pour que Ngo Đinh Diêm puisse rejoindre la capitale le plus rapidement possible.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 106)
“Tình hình trở nên khẩn trương phải nắm lấy cơ hội và thành lập ngay một nhóm người mới như gợi ý của đại sứ [Massayuki] Yokoyama. Trong đầu tôi lúc ấy, người có đủ điiều kiện hơn cả của nhóm này là Ngô Đình Diệm. Hiện ông ta ở Sài Gòn. Tôi cũng biết rằng ông có mối liên hệ với Nhật và nhờ thế có thể làm cho môi liên lạc giữa đôi bên trở nên dễ dàng hơn. Tôi đã nhờ đại sứ Nhật làm tất cả những gì cần thiết sau khi cho biết quyết định của tôi để Ngô Đình Diệm có thể về Huế càng sớm càng tốt.”
Ông đã yêu cầu đại sứ Nhật liên lạc với Sài gòn để gửi Ngô Đình Diệm ra Huế càng sớm càng tốt.
Không cần thiết phải đi sâu vào chuyện tại sao Ngô Đình Diệm đã không làm thủ tướng vì có nhiều cách giải thích khác nhau, bên lề. Chỉ biết chắc rằng lá bài Cường Để- Ngô Đình Diệm người Nhật đã không dùng mà quyết định chọn Bảo Đại-Trần Trọng Kim thay thế. Thật vậy, Trần Trọng Kim đã được Nhật đưa về Sài Gòn từ ngày 3-4-1945 và sau đó được đưa ra Huế thành lập nội các ngày 17-4. Việc chọn Trần Trọng Kim là một quyết định có sẵn của người Nhật. Một chính khách bất đắc dĩ do thời cuộc đưa đẩy lên, không muốn mà vẫn phải làm.
Trong hồi Ký Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim cho biết:
“Một viên trung tướng Nhật đã cho coi danh sách những người mà hoàng thượng muốn mời ra Huế có tên Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Oánh, Trịnh Bá Bích, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Cẩm và tên tôi mà lại không thấy tên ông Ngô Đình Diệm. Tôi lấy làm lạ sao có tên tôi đúng vào đấy.”
(Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn, 1969, bản Phocopy)
Rồi khi về đến Sài Gòn gặp Ngô Đình Diệm. Ông Diệm không biết gì về việc người Nhật mời cụ Trần Trọng kim ra Huế.
“Ông Diệm nói: “thế à, sao người Nhật không cho tôi biết?” Ngồi nói chuyện qua loa vài câu rồi ông Diệm đứng dạy nói: “Tôi phải vào Tư Lệnh Bộ có chút việc, sang sớm mai, tôi về lại Vĩnh Long.””
(Trần Trọng Kim, ibid.)
Như vậy dứt khoát là ông Diệm không được giấy mời của Nhật thì làm sao ra Huế được. Cả Bảo Đại và cụ Trần Trọng Kim đều bị người Nhật phỉnh lừa, cho vào tròng mà không biết nên mới gây ra nhiều cớ sự.
Hiểu rõ vai trò của mình đã hết, vì nặng về khuynh hướng theo Tây, Phạm Quỳnh và nội các của ông đã đệ đơn từ chức.
Đợi ba tuần lễ, cũng không có tin tức gì của Ngô Đình Diệm. Cuối cùng vị đại sứ Nhật cho biết, chính quyền Nhật không chấp thuận để Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Lá bài thủ tướng được chuyển sang cho Trần Trọng kim, một người cũng được Nhật chọn và tin tưởng đồng thời là một người quốc gia chân chính.
Chính Phủ Trần Trọng Kim
Việc chọn Bảo Đại và thủ tướng là nằm trong cái carte Japonaise của người Nhật? Nay việc thành lập nội các ai sẽ là người quyết định? Thật ra danh sách thành phần nội các một phần lớn đã nằm trong thành phần mà Bảo Đại đã có thư mời từ trước rồi. Ông Trần Trọng kim cũng không quen biết nhiều, cũng không có diều kiện thời giờ để mời ai khác được. Vì vậy đây là một sự sắp xếp gọn gàng và tốt đẹp với các nhân sự có mặt tại Huế nên chỉ trong một thời gian tham khảo ngắn, ông Trần Trọng Kim đã trình lên Bảo Đại thành phần nội các của ông, Dưới mắt Bảo Đại thì đây là thành phần nội các trẻ, phần lớn được Pháp đào tạo. Bảo Đại hy vọng và phấn khởi vì đây là lần đầu tiên một chính phủ Việt Nam độc lập vào ngày 17 tháng tư.
Ngoài Trần Trọng Kim, giáo sư, Nội các Tổng Trưởng. Trần Đình Nam, Y sĩ, Nội vụ Bộ Trưởng. Trần văn Chương, luật sư, Ngoại giao Bộ Trưởng. Trịnh Đình Thảo, luật sư, Tư Pháp Bộ Trưởng. Hoàng Xuân Hãn, Toán học thạc sĩ, Giáo dục và Mỹ Nghệ Bộ trưởng. Nguyễn văn Hiền, Luật sư, Tài Chánh Bộ Trưởng. Phan Anh, luật sư, Thanh Niên Bộ Trưởng. Lưu Văn Lăng, kỹ sư, Công Chính Bộ Trưởng. Vũ Ngọc Anh, Y khoa bác sĩ, Kinh tế Bộ Trưởng. Nguyễn Hữu Thi, cựu Y Sĩ, Tiếp tế Bộ Trưởng.
Khi Trần Trọng Kim vào trình danh sách thành phần chính phủ. Bảo Đại xem xong đồng ý. Tiện đó có ông Yokohama cũng xin xem có những ai. Sau đó còn đề nghị ông Trần Văn Chương vào chức Nội các Phó Tổng trưởng đề phòng để có người thay thế.
Cũng theo ông Trần Trọng Kim, thành phần nội các do chính ông chỉ định và người Nhật không can thiệp vào.
Kể từ khi thành lập xong nội các, phải nhìn nhận cả Bảo Đại lẫn chính phủ Trần Trọng Kim đều có thiện chí và những nỗ lực để thông nhất ba kỳ, yêu cầu Người Nhật trả Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Khi trả Bắc Kỳ, chính phủ Trần Trọng Kim đã sắp đặt ông Phan Kế Toại làm Bắc Bộ Khâm Sai. Trần Trọng Kim viết:
“Việc thu cả ba kỳ về quyền Trung Ương để thống nhất đất nước như khi chưa bị sự bảo hộ của nước Pháp là việc rất trọng yếu của chính phủ tôi. Trong sự điều đình với người Nhật để thu lại lãnh thổ nước Việt Nam gặp nhiều sự khó khăn. Trước hết, người Nhật bằng lòng trả trả đất Bắc Bộ cho chính phủ Việt Nam, song những đất thuộc ba thành: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Nam Bộ là đất Vua Việt Nam ngày trước đã ký kết cho nước Pháp thì người Nhật đòi tạm giữ đến khi nước Việt Nam hoàn toàn độc lập trả sau.”
( Trần Trọng Kim, ibid., trang 19)
Cũng vì thế trong chuyến ra Hà Nội thương thuyết với Nhật, chính phủ Trần Trọng Kim đã đòi lại được toàn lãnh thổ nước Việt Nam, thu hết các công sỏ thuộc Phủ Toàn quyền Pháp, lấy hết được các binh sĩ Việt Nam để tổ chức quân đội Bảo An. Cũng đòi Nhật cung cấp 2000 vũ khí, đạn dược. Sau đó cho gọi Đai Úy Thu làm chương trình cải tổ các đội Bảo An.
Có hai yếu tố để cắt nghĩa sự thành công và thất bại của chính phủ Trần Trọng Kim. Thứ nhất, người Nhật biếp sắp thua nên trao trả ;ại cho Việt Nam. Thứ Hai khoảng thời gian là quá ngắn không đủ cho chính phủ Trần Trọng Kim có thể làm được gì.
Tuy nhiên, chương trình cải tổ giáo dục của Hoàng Xuân Hãn cũng như như việc xử dụng chữ Quốc Ngữ vẫn có một ảnh hưởng lâu dài trong ngành giáo dục sau này.
Nhưng sự thú nhận sau đây của Trần Trọng Kim, dù chỉ trong vài dòng của một người hiền cho thấy người Việt đã kém cỏi mà cũng khó mà đoàn kết với nhau được. Thứ nhất có truyện tranh công nhỏ nhoi của Trần Văn Chương mà thấy không cần nói ra đây làm buồn lòng Trần Trọng Kim. Tình hình dù chưa ngã ngũ ra sao, ông Trần Trọng kim đã rắp tâm từ chức. Đó là một tai hại mà hậu quả nay chưa ai có thể lượng giá đúng mức được. Nhiều người tiếc nuối giá mà Ngô Đình Diệm làm thủ tướng thì sao? Làm sao có thể đặt ra một giả định không xảy ra trong lịch sử.
Và ông Trần Trọng Kim tự bạch:
“Sự tôi thôi thì tôi đã dự định rồi, nhưng để lấy lại đát Nam Bộ cho trọn công việc của mình, tôi thôi ngay.
Tôi thấy việc đi Nam có nhiều sự cản trở, trong Nội Các không có hòa khí như lúc đầu, và có lắm chuyện nhỏ mọn không muốn nói ra, làm tôi mất cả lòng hăng hái làm việc, thành ra đến ngày mồng 8 tháng tám, tôi vẫn không đi Nam được. Tổng Tư lẹnh Nhạt ở Hà Nọi vào Sài Gòn không thấy tôi điện ra dục. Tôi điện vào xin cứ cho lấy lại Nam Bộ, tôi không phải vào Nam nữa..
Được tin người Nhật ưng thuận, và lúc ấy có ông Nguyễn Văn Sâm lãnh tụ đảng Quang xã vừa ở Sài Gòn ra Huế. Tôi vào tâu vua Bảo Đại, xin cử ông Sâm làm Nam Bộ Khâm Sai. Nagy 14 tháng tháng tám năm 1945, ông Sâm được sắc chỉbổ vào Nam. (..)
Việc lấy lại được đất Nam Bộ xong, tôi vào tâu vua Bảo Đại, xin cho tôi từ chức. Ngài nói:
Ông đang làm được việc, sao lại xin thôi, vì ongo thôi lấy ai thay.
Tôi tâu trình lên mấy người, ngài tỏ vẻ không thuận, bảo:
Các ông hãy tạm làm việc, chờ đến khi tìm được người ra lập nội các hãy thôi.
Lúc ấy tôi như cất được gánh nặng, nhưng tìm ai thay? Tôi nghĩ nên tìm những người như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Chữ, Lê Toàn, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Đặng Thái Mai v.v. đã có tiếng hoạt động về chính trị để vào lập nội các mới. Tôi điện đi các nơi mời những người ấy vào Huế. (…) Tôi cũng nhờ ông Phan Anh Vắc và ông Hồ Tái Khanh vào Nam. Nhưng cả hai ông trên đường đi bắt giữ lại..”
(Trần Trọng Kim, ibid., trang 28)
Sau vụ từ chức của Trần Trọng Kim, con thuyền chính trị Việt Nam quốc gia hẳn là sẽ chìm. Dân chúng nói chung cảm thấy hân hoan vui mừng khi hai quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki vào 6 à 9 tháng 8, 1945. Dân chúng khắp nơi bầy tỏ niềm hy vọng hoàn toàn độc lập.
(Còn tiếp)
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
DCVOnline biên tập và minh hoạ.
BẢO ĐẠI
Suốt đời chỉ có làm vua
Thấy chi ích nước để vừa lòng dân
Chỉ ham săn bắn mọi phần
Ham mê phụ nữ vạn lần hơn ai
Máy bay lái lộn dài dài
Tỏ mình lịch lãm nền trời đế kinh
Lâu lâu nghĩ mát Thorence
Hay lên Đà Lạt còn dân kể gì
Nước nhà gặp lúc suy vi
Làm thân nô lệ có gì là vua
Pháp thua rồi đến Nhật thua
Khép màn Thế chiến về hùa Việt Minh
Khoa trương thà cứ làm dân
Làm vua nô lệ nào vinh nỗi gì
Để mà ấn kiếm trao đi
Rồi làm Cố vấn có gì mà vui
Trải qua năm tháng bùi ngùi
Tam đầu thọ địch còn thua mõ làng
Dân chê dân chưởi không oan
Bởi vô tích sự như làn khói bay
Trời chiều ngã bóng về tây
Kết thời triều Nguyễn vua này như không
Uổng thay lịch sử Lạc Hồng
Vua như Bảo Đại còn mong nỗi gì
Vua mà chẳng chút nghĩ suy
Óc đầu cạn xợt lấy gì để hay
Có đâu sách lược trong tay
Đặng mong cứu nước cứu đời cứu dân
Nhật vô bờ cõi rần rần
Mà như nằm ngủ có cần biết chi
Đúng là thực tế ly kỳ
Có ông vua chỉ làm vì lạ không
Nước nhà như thả trôi sông
Ông vua đứng đó đâu hòng vớt ai
Chỉ lo hưởng thụ dài dài
Đúng là cơ khổ chẳng sai trên đời
Giờ thì cũng đã chết rồi
Một thời lịch sử thảm sầu qua đi
Trăm năm hỏi có được gì
Nào còn lưu lại chút chi cho đời
Dẫu là danh giá một thời
Hư danh có đó thực đời lại không
Chỉ vì nghịch lý non sông
Ông vua mất nước liệu còn ra chi
PHIẾN NGÀN
(18/12/16)