Khi cái ác và sự vô cảm đang lồ lộ hàng ngày
Lâm Bình Duy Nhiên
Từ vài ngày nay, hình ảnh thương tâm của con hải cẩu bị một số ngư dân vùng biển Bình Thuận đánh chết đang lan truyền trên báo chí và internet. Đây là chú hải cẩu vẫn thường lên bờ biển nô đùa cùng người dân và trẻ em tại đây. Có nhận xét cho rằng có thể do hải cẩu phá lưới và ăn cá của ngư dân đặt ven bờ nên đã bị đánh chết.
Những ngày cuối năm 2016, có lẽ không ai trong chúng ta không khỏi xót xa, và phẫn nộ khi xem đoạn phim về con bò mẹ bị chặt gãy chân, lết đi tập tễnh trên đường phố Đà Nẵng, lẽo đẽo theo sau là bê con mới sinh được vài tuần. Cái tội của nó là đã đi rong và ăn rau trong vườn nhà người khác. Và để “trả thù”, người ta đã dùng dao chặt vào khớp chân và chặt đứt đuôi nó. Chỉ có những con người vô cảm mới tàn ác như thế!
Nguồn: Bùi Cúc
Thật đau đớn khi chứng kiến những hình ảnh phản cảm kể trên. Nhưng nếu suy nghĩ lại thì chúng ta có thể hiểu rằng mọi hành động tội ác mà con người đang đối xử với động vật là vô nghĩa so với những gì mà chính con người vẫn đang hàng ngày độc ác với nhau. Dường như xã hội ngày càng trở nên hung bạo và cái ác vẫn nhởn nhơ hoành hành hơn bao giờ hết.
Đâm chém, cướp giựt, đánh đấm, băng đảng lộng hành, gieo bao kinh hoàng cho người dân lương thiện. Khắp mọi miền đất nước, có nơi nào được gọi là bình an? Những giá trị đạo đức ngày càng bị tha hóa, băng hoại và phá hủy. Nền móng văn minh con người trong xã hội đang bị mãnh lực của đồng tiền, của sự ích kỷ, của những đặc quyền, vụ lợi, của danh vọng, của sự thành công bằng mọi giá, của sự bất công, chênh lệnh giàu nghèo trong xã hội chà đạp đang gia tăng một cách đáng sợ.
Hình ảnh những kẻ trộm chó bị dân chúng đánh đến chết khi bị bắt là lúc những tay giang hồ nào đó đã “thay trời hành đạo”; khi truy tìm ra, người bố nhẫn tâm đánh đập con mình và cho hắn ta một bài học bằng những cú đá, những cái tát hay hình ảnh những người dân vô tội (hoặc dẫu có phạm tôi đi chăng nữa) bị công an đánh đến chết là những minh chứng sống động cho thực trạng của một xã hội bệnh hoạn. Niềm tin vào cái gọi là pháp luật không hề có. Luật pháp chỉ đứng về những kẻ mạnh, những kẻ có tiền. Họ dùng những đồng tiền dơ bẩn, cướp đoạt trện xương máu của người dân để thao túng, lũng đoạn xã hội. Người dân “thấp cổ bé họng” luôn bị gạt bỏ ra ngoài rìa cuộc sống, như thể họ chỉ là những kẻ đang ăn bám, là những côn trùng, sâu bọ nhớp nhúa đáng ghét, đáng bị xóa sổ khỏi cuộc đời này!
Con người độc ác, tàn nhẫn với nhau chỉ vì miếng cơm manh áo. Họ sẵn sàng giết nhau không suy nghĩ bằng thực phẩm, thức uống hàng ngày. Bước vào chợ là sa vào một thế giới của những chất độc hóa học. An toàn thực phẩm chỉ còn là khái niệm lỗi thời. Bằng mọi giá, người ta pha trộn muôn vàn hóa chất vào thức ăn, rau cỏ, trái cây, nước uống để moi tiền, bất chấp tính mạng của khách hàng. “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” mới là tôn chỉ trong một xã hội vô cảm, nơi mà lòng tham, quyền lực và mãnh lực của đồng tiền mới chính là thước đo cho mọi giá trị đạo đức!
Cái ác đang lồ lộ xuất hiện hàng ngày trong mọi ngóc ngách của xã hội. Hệ thống pháp luật của một chế độ độc tài đã và đang góp phần tạo nên những bất mãn, những uất hận nơi người dân. Cả một hệ thống tư pháp lại bỏ mặc những quyền lợi chính đáng của đại đa số dân chúng. Chúng ta thấy rõ bản chất vô trách nhiệm của nhà cầm quyền trong thảm họa ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra dọc theo vùng biển miền Trung. Đến tận bây giờ, sau gần 9 tháng, vẫn chưa có một kết luận khoa học nào của chính phủ được cho là thỏa đáng về những hậu quả nghiêm trọng do Formosa gây ra đối với môi trường biển và cuộc sống của người dân tại đây. Các thế hệ mai sau sẽ phải sống như thế nào khi biển cả bị chất thải chứa độc tố tàn phá? Nghề đánh cá từ muôn đời gắn liền với những người dân vùng ven biển chẳng lẽ sẽ bị xóa sổ? Bao câu hỏi, bao trăn trở không chỉ của riêng vùng biển miền Trung mà còn của cả một đất nước, một dân tộc, của cả những thế hệ mai sau vẫn còn đó, trước thái độ dửng dưng của nhà cầm quyền. Như thể mạng sống của vài trăm ngàn người dân chỉ đáng với 500 triệu đô la đền bù, đi thẳng vào hầu bao của những kẻ đang lãnh đạo đất nước này!
Đó mới chính là thứ tội ác man rợ nhất mà người dân đang hàng ngày phải chứng kiến, phải đương đầu, phải hứng chịu. Thứ tội ác, thoạt đầu tinh vi, nhưng năm tháng trôi qua, đã trở nên công khai giáng xuống đầu dân cả nước. Một cách có hệ thống, nhà cầm quyền chỉ biết sử dụng quyền lực và pháp luật để làm giàu cho những kẻ lãnh đạo, để bảo vệ cho những thành phần thân chế độ. Pháp luật không còn là khái niệm của công lý. Nó cũng không còn là nơi nương tựa của người dân lương thiện. Ngược lại, dựa vào nó, nhà cầm quyền tha hồ trấn áp, bắt bớ, giam cầm, hành hung những ai dám đương đầu, dám đấu tranh cho một xã hội công bằng. Pháp luật đồng nghĩa với sự tồn tại của đảng, của chế độ, của nhà nước.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” ; khi nhà cầm quyền đối xử một cách tàn ác với đồng bào thì chính người dân cũng phải nương tựa vào những thứ “luật rừng” để giải quyết mọi mâu thuẫn xung đột. Máu có đổ, mạng người có mất cũng chẳng sao, miễn là họ trút hết cơn tức giận lên đầu đối thủ. Bạo lực là thứ ngôn ngữ chung mà con người ngày nay đã thấm nhuần và cũng là thứ vũ khí duy nhất để bảo vệ cho… chính mình!
Có người thương tiếc cho con bò bị chặt chân hay con hải cẩu bị đánh chết. Họ bảo nhau rằng giá gì chúng đừng sinh ra hay trôi dạt đến đất nước Việt Nam thì có lẽ chúng đã không có một kết cục đáng thương như thế. Chính đáng đấy, nhưng trong một xã hội mà tính ngay thẳng, sự chân chính, tính lương thiện, sự đồng cảm,… không còn là những giá trị đạo đức để duy trì sự ổn định thì thân phận của một con vật có đáng gì so với chính tính mạng của mỗi chúng ta!
Đáng thương chăng là người dân Việt Nam đã không may mắn khi phải hứng chịu sự cai trị hà khắc của một thể chế chính trị luôn lấy bạo lực làm kim chỉ nam cho sự tồn tại cũng như mọi hành động. Một chính quyền luôn gạt bỏ những quyền lợi quốc gia và một cách trực tiếp, ngăn cản tiến trình phát triển của đất nước.
Chỉ bao giờ cái ác ở thượng tầng không còn nữa, khi ấy chúng ta mới tìm lại được những giá trị nhân bản, yếu tố tiên quyết cho sự tái thiết một xã hội vị tha và lương thiện.
4/1/2017
Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ và phụ chú.
CÁI THIỆN CÁI ÁC NƠI CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI
Cái thiện cái ác nơi con người và xã hội chủ yếu ở sự nhận thức và ở tình cảm. Sự nhận thức rõ rệt, tốt đẹp và tình cảm cao quý, nói chung sự hiểu biết và lòng nhân, đó là đầu mối của cái thiện còn nếu không hay ngược lại, đó chính là đầu mối của cái xấu, cái ác.
Nói cách cụ thể rõ ràng hơn, lòng thiện hay ác phần nào do bản chất tự nhiên, bẩm sinh nơi mỗi con người, nhưng phần lớn do học vấn, giáo dục củng cố hơn lòng thiện, và hoàn cảnh xã hội nhiều khi cũng tạo nên sự lãnh cảm, vô cảm, sự lạnh lùng, bất nhân, tâm, hay nói chung là cái ác.
Tất cả mọi điều đó từng bày tỏ ra trong xã hội Việt Nam ngày nay trong cả thời gian dài về cái vô cảm, cái ác được báo chí và đời sống phản ảnh mà ai cũng thấy nhất là về mặt vô cảm, về cái ác. Đầu tiên hết chuyện ảnh các đại bàng ngược đãi dã man phạm nhân nơi các trại giam, với những hành vi vô lực như đánh đến chết hay đánh cho nôn ọe ra, hoặc bắt nạn nhân phải ăn lại cái thốc tháo ra của người khác theo kiểu phi tính người nhất. Rồi nạn xin đễu trên xe buýt, nạn bắt trẻ nhỏ chặt tay chân hay làm cho quặt quẹo rồi cho đi ăn xin để phục vụ nuôi sống phè phỡn các đại cái bang bày ra những trò quái đảng độc ác tàn tệ đó. Đó là vài điển hình người ta biết tới trong thời gian trước kia, sau đó cũng được khắc phục phần nào hoặc rơi vào quên lãng bên cạnh bao nhiêu những tội phạm ghê hồn đủ loại lâu lâu vẫn xảy ra với tần suất khác nhau mà truyền thông vẫn có nói tới.
Điển hình gần đây nhất, tuy là việc nhỏ nhưng nó nói lên ý nghĩa nặng nề của tính ác hay lòng dã tâm của con người trong xã hội như việc đánh chết độc ác vô cớ một con hải cẩu đi lạc vào bờ rồi tìm nơi trú ẩn, dùng dao chặt chân sau một con bò mẹ khiến nó phải di chuyển đau đớn khi đang nuôi con đầy lòng bất nhân ngay trên đường phố Đà Nẵng bởi con bò đã đi vào vườn rau của ai đó. Còn hình ảnh kẻ trộm chó bị đánh chết rồi buộc chung với con chó bị trộm đã chêt ở Hà Tĩnh trước kia cũng thật phi nhân tận cùng không còn chỗ nói.
Tất cả những điều đó nói lên cái gì ? Nói lên hậu quả của học vấn phi hiệu lực, nói lên mặt bằng dân trí, mặt bằng nhận thức của người dân nói riêng hay xã hội nói chung ở mức độ nào đó hãy còn quá thấp, nói lên hoàn cảnh cơ cực nào đó của toàn xã hội đã bị kéo dài trong quá khứ hay cả hiện tại khiến cho con người bị rơi vào tình trạng tâm lý phi nhân như thế.
Thế thì cái thiện hay cái ác của con người hoặc xã hội là đối với ai ? Trước hết là đối với đồng loại mình, và sau đó kể cả đối với muôn loài vẫn gần gủi với con người trong đời sống như loài vật chung quanh ta chẳng hạn. Con người đối xử độc ác với đồng loại chỉ vì cái lợi riêng, vì khuynh hướng bản thân, kể cả với loài vật vì không còn tính thiện, đó đều là những điều phi luân, phi nhân trước hết. Cả việc vô lương tâm chế biến thực phẩm độc hại do bắt chước người Trung Quốc cũng là những tội ác phi luân mà ngay cả thời kỳ xa xưa đều chưa từng có.
Nhưng phân tích như vậy không phải chỉ nhằm để biết suông mà phải nhằm tìm ra nguyên nhân và tìm ra cách giải quyết. Bởi vì mọi cái ác đều là cái phi nhân không xã hội tốt đẹp nào chấp nhận, kể cả những xã hội thời xa xưa hay thượng cổ cũng thế. Người xưa từng nói nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn. Có nghĩa mọi con người sinh ra lúc ban đầu ai cũng tốt, nhưng rồi hoàn cảnh xã hội tạo thành tập nhiễm làm cho xấu đi khiến cho tính ác tính thiện tách biệt nhau trong thực tế. Điều đó có nghĩa mọi sự giáo dục uốn nắn về sau đều rất cần thiết và người xưa cũng đã luôn chú tâm điều đó. Giáo chi rồi mới đến phú chi, tức giáo dục phải đi trước kinh tế chính là muốn nói như thế. Từ đó cũng thấy được tính tác động qua lại của cá nhân và xã hội vẫn luôn là điều tất yếu. Một xã hội xấu là do phần lớn những cá nhân trong đó không tốt. Nhưng một xã hội không tốt cũng lại càng làm cho nhiều cá nhân trở nên càng ngày không tốt nhiều hơn.
Ngoài sự tương tác nhau của cá nhân và xã hội, mọi người cũng thấy được sự tương tác nhau giữa hoàn cảnh kinh tế xã hội và bản chất hay ý nghĩa giáo dục lành mạnh hoặc thiếu lành mạnh của con người. Mà nói đến giáo dục là nói đến văn hóa mà không gì khác. Văn hóa ở đây thể hiện bầu khí văn minh chung trong xã hội đồng thời còn thể hiện nội dung và chính sách đào tạo mà chính những người cầm quyền về giáo dục phải quan tâm đến hay phải chịu trách nhiệm. Đó là ý nghĩa tại sao từ ngàn xưa mọi xã hội con người trong đào tạo đều hướng về văn hóa, hướng về tinh thần. Mọi lý thuyết chủ nghĩa nhân văn trong lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây đều không ngoài nhằm ý nghĩa và mục đích đó.
Thế nhưng trong thời gian dài, trong xã hội Việt Nam người ta chỉ dạy duy nhất chủ nghĩa duy vật và chính sách chính trị độc đoán, đặc biệt là ý nghĩa đấu tranh giai cấp. Đã tuyệt đối duy vật thì nó đào thải mọi ý nghĩa tinh thần của xã hội ở trong những mục đích khác nhau, trong những mức độ khác nhau, trong những thói quen hay phương thức khác nhau. Bởi vật chất thì đi đôi với cái vô tri và cái phi nhân. Còn chính sách độc đoán thì nó loại trừ mọi năng lực của tự do dân chủ, làm xã hội thụ động và không còn phát huy được nữa mọi khía cạnh giá trị đa dạng và khác nhau nơi mỗi người và nơi mọi người.
Đặc biệt ý nghĩa sự tuyên truyền đấu tranh giai cấp làm con người chỉ còn nhìn thấy ý niệm giai cấp trừu tượng huyền hoặc xa với mà không còn nhìn thấy mọi con người nhân văn ngay trước mắt cũng như chung quanh mình. Con người thậm chí chỉ quen nhìn mọi lợi lộc vật chất thực tế dù tầm thường đến mới mà quên đi lòng nhân, xa đi lòng nhân, thậm chí bất chấp lòng nhân và không còn lòng nhân. Từ đó hiện tượng nói theo, hiện tượng ca ngợi suông trở thành phổ biến, dù ca ngợi thể chế, chính sách hay cá nhân lãnh tụ, lãnh đạo lại trở thành phổ biến, dù đó chỉ là sự ca ngợi như chiếc máy, chẳng cần nhận định thực tế, chẳng quan tâm gì đến mọi mục đích khau có đẹp hay không đẹp gì không của nó. Con người có xu hướng trở thành vô tri, sống thụ động, bệnh tuyên truyền suông trở thành thứ bệnh dịch tràn lan khiến nhiều người mắc hoặc phần lớn ai cũng mắc.
Như vậy con người sống không còn chủ đích mà chỉ còn trôi nổi, thả nổi, mất tự chủ, mất ý chí và thậm chí mất cả tư duy tự do, tư tưởng hay ngay cả ý thức tự do, độc lập của riêng mỗi người. Một xã hội như vậy dĩ nhiên phải trở thành xã hội vô cảm ít ra trên cơ bản, trên đại trà hay trên phần lớn của nó. Lỗi đó trước nhất phải nói là lỗi chính sách, lỗi đường lối, hay cụ thể là do lỗi tuyên truyền giáo dục.
Tính cách tuyên truyền không nhằm lợi ích cho con người hay lợi ích cho xã hội khách quan mà chỉ nhằm lợi ích riêng tư cho quan niệm chủ quan, cho con người và cho xã hội chủ quan riêng tư của những lớp người nào đó. Có lẽ đó là điều mà người ta hiểu là mục đích giai cấp, mục đích xã hội, mà thực tế thì chỉ hoàn toàn ngược lại. Bởi xã hội là ý nghĩa nhân văn, là giá trị chung phổ quát của mọi người, không phải chỉ hạn hẹp vào giai cấp nào đó hay chỉ hạn hẹp vào mô hình chủ quan hay chỉ thị hiếu nào đó.
Đấy thật là bé cái lầm về quan điểm duy vật, quan điểm giai cấp, quan điểm chủ nghĩa xã hội, về ý nghĩa khoa học trong lý luận và học thuyết Mác là như thế. Vì bé cái lầm nên nó hiểu các ý nghĩa quan trọng đó đều theo cách ngược lại, tức không phải nhằm đến các ý nghĩa chân chính của chung mà chỉ nhằm đến cách hiểu giả tạo theo thị hiếu về chúng. Kết quả những ý niệm tự nhiên đó bị hiểu sai nội dung, sai mục đích, sai cứu cánh của chúng. Chúng đều trở thành những từ ngữ vô nghĩa và mọi tính cách đi theo chúng, tuyên truyền hay hành động vì chúng cũng đều trở thành vô nghĩa hay chỉ thành tác động và kết quả hoàn toàn ngược lại. Nhưng khổ nổi mọi ý hướng hay mục đích độc tài thì không làm cho bất cứ ai thấy ra được điều đó hoặc cho dù có thấy cũng không hề dám hay cũng không có mục đích hoặc cảm hứng nào để nói lên tất cả điều đó.
Tính cách vô cảm của mỗi con người, của toàn xã hội, của đất nước quả thật nó dần dần thành hình, phát triển, củng cố, lây lan và lan tỏa rộng ra mọi lãnh vực phương diện mà không biết chừng nào mới chỉnh đốn lại được hay chấm dứt đi được là chính như thế. Tính cách vô cảm đó không những chỉ bén rễ vào tình cảm, cảm xúc, thói quen mà cả vào đầu óc và cả trí tuệ của chính con người. Đầu óc trở thành chai lỳ, đầu óc trở thành bã đậu, vì chỉ nói theo một chiều, hiểu theo một chiều,làm theo một chiều vì sự vô cảm lẫn sợ sợ hãi chính là nguyên nhân chính yếu. Nó tạo nên một sự vô trách nhiệm rộng lớn. Mà vô trách nhiệm cũng cùng lúc đi đến sự vô lương tâm. Tức đầu óc không có thì lương tâm có làm gì có. Mà hai cái này không có thì đào tạo giáo dục theo đúng nghĩa cũng làm gì có.
Nói chung chỉ là một mớ hệ thống bòng bong tiêu cực cố kết và chằng chịt lẫn nhau. Bởi nhận thức không có thì ý thức không có cũng như ngược lại. Mà hai thực tế này không có hay không đúng thực chất thì làm sao tạo thành mọi cái khác có theo đúng nghĩa và đúng giá trị khách quan của chúng được. Mọi ý nghĩa chủ quan hay giả tạo của chúng cũng từ đó mà có, đấy tính vô cảm hay vô tri của con người cũng hoàn toàn thành hình như vậy. Tức chúng như những chiếc máy không hồn hay đúng ra những chiếc máy được lập trình sai, thì ý nghĩa và giá trị của chúng cũng còn thua cả những cái máy hữu dụng huống gì là những con người đúng nghĩa và hoàn toàn đúng nhân cách hay đúng giá trị trong toàn xã hội.
Có nghĩa mọi sự bé cái lầm thì tự bản thân nó là sai, vậy làm sao những con đường nào đi theo hướng những bé cái lầm lại hoàn toàn đúng. Đó là ý nghĩa mà mọi người Việt Nam đúng đắn nào ngày nay cũng phải cần nhận thức. Bởi sự nhận thức đúng mới là đầu mối của mọi hành động đúng. Và cũng chỉ mọi hành động đúng mới đều là những hành động có ý nghĩa và giá trị nhân văn cũng như xã hội thật sự hoàn toàn đúng đắn và đích thực nhất, chỉ duy một ý nghĩa hoàn toàn đơn giản và dễ hiểu thế thôi.
ĐẠI NGÀN
(10/01/17)