Chú Mưu
Vũ Thư Hiên
Khi tôi ra đời thì ông nội bà nội tôi không còn. Tôi chỉ biết mặt hai cụ trong ảnh.
Trong ảnh cả hai cụ đều già, đều nghiêm trang, đều trầm tư mặc tưởng. Cụ ông áo gấm quần trắng, cụ bà áo the quần láng, ngồi chĩnh chện trên hai chiếc ghế bành gỗ gụ chạm trổ công phu, hai tay đặt ngay ngắn trên vịn. Loại tranh truyền thần chân phương đủ mười đầu ngón chân mười đầu ngón tay ngày trước nhà nào cũng có, càng về sau càng ít gặp. Cụ ông mặt gày, râu thưa, miệng móm, hai đường pháp lệnh sâu và rõ, mắt nhìn ra xa, dửng dưng với mọi sự. Cụ bà trái lại, mọi nét trên mặt đều mềm mại , dịu hiền, thậm chí nếp quần nếp áo cũng thế, tha thướt chứ không khô cứng.
Mỗi khi ngước lên nhìn bà nội, tôi có cảm giác bà nhìn lại tôi, rồi mỉm cười với tôi: “Ô, cháu tôi đấy ư? Cháu có ngoan không? Có yêu bà không nào?”
Cô Gái thường dừng lại hồi lâu trước hai bức chân dung trong bóng tối mờ mờ ở nhà trên, nơi mọi cánh cửa bao giờ cũng đóng im ỉm, nghiêng đầu chiêm ngưỡng hai cụ thân sinh, rồi kéo tay áo dụi mắt.
Cô Gái là chị cả của cha tôi, khi tôi về quê ở với bà thì bà đã già lắm, già hơn bà tôi trong ảnh nhiều. Ở vùng tôi, chúng tôi gọi chị và em của bố đều bằng “cô” hết. Cô Gái là người cuối cùng còn ở lại trong ngôi nhà vắng vẻ khi những đứa em bà đã tản mát bốn phương.
Cô Gái nhận xét:
– Ông thợ truyền thần ở phố huyện hoạ đấy. Hồi ấy ông truyền thần cũng đã già lắm, khéo còn già hơn ông nội nhà mình. Vậy mà lạ, nét bút vẫn bay bướm, có thần ra phết. Dòm cứ như người sống.
Theo tín ngưỡng Thiên Chúa giáo thời bấy giờ, phàm người chết rồi đều thành ma quỷ, giáo dân không được phép thờ cúng. Cho nên trong nhà tôi không có ban thờ tổ tiên. Tuy nhiên, vào những ngày giỗ, người trong họ, gần và xa, vẫn không bỏ thói xưa, tối tối tụ tập đọc kinh cầu cho kẻ chết. Âu cũng là một cách giữ lấy tập tục của ông bà ông vải. Người đến đọc kinh, cả đàn ông, đàn bà, trẻ con ngồi xếp bằng tròn la hệt trên sân trước. Mọi cánh cửa nhà trên được tháo ra, trong nhà, tòa Đức Mẹ rực rỡ lửa nến lung linh. Hai cây tọa đăng vàng chóe hắt ánh sáng màu hoàng thổ lên hai bức chân dung.
Ông tôi mãi cuối đời mới có được cái hàm cửu phẩm bá hộ. Cái hàm ấy phải chạy chọt mới có, cháu ạ, mất khối tiền ra đấy, cô tôi kể. Chuyện chạy cái hàm để thoát phận bạch đinh, để khỏi chịu mọi khoản phu phen tạp dịch là chuyện bình thường của người có của thời bấy giờ.
Nghiệp chính của ông nội tôi là thầy lang. Ông làm thuốc mát tay, chữa bệnh không lấy đắt, gặp con bệnh quá túng bấn còn chữa không lấy tiền, nổi tiếng một vùng. Người bệnh ở xa cũng đánh đường tìm đến. Ruộng nương nhà tôi ít, lại toàn chân trũng với chân chuột, ấy thế mà với dao cầu thuyền tán hai cụ cũng kiếm đủ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Đến nơi đến chốn ở đây có nghĩa là được đi làm công chức hoặc tư chức trên tỉnh, không hơn.
Cứ theo những câu chuyện cô Gái kể thì hai cụ tính nết khác nhau, nhưng sống với nhau rất mực hòa thuận, chớ hề có to tiếng. Ông nội tôi nghiêm mà dữ. Bà nội, ngược lại, hiền như bụt. Về chuyện chi tiêu thì bà nội xởi lởi, ông nội riết róng. Chuyện này thiên hạ đều biết, tôi lấy làm lạ là nghe giọng kể của họ tôi không thấy có ý chê bai. Người trong làng kể: năm nào mùa màng thất bát, bà tôi đều lấy thóc trữ trong nhà ra cho người nghèo vay không lấy lãi. Ông tôi riết róng thật, nhưng khi bà muốn làm việc phúc đức thì ông không ngăn. Biết ơn bà tôi, qua vụ đói kém, ai có nợ cũng đội thóc đến trả sòng phẳng, dù nhiều người còn túng. Ông tôi ngồi ở nhà trên, lấy ống tre ra đếm thẻ nợ, bà tôi ở nhà dưới nhận. Gặp người túng bấn quá, bà bảo họ lật úp thùng thóc xuống, rồi lấy ống gạt quẹt một cái đánh xoẹt trên cái đai ở trôn thùng, miệng xướng rõ to cho ông tôi nghe thấy mà bỏ đi một thẻ, coi như nợ đã trả.
Cô Gái là cuốn sử sống của cả họ, và cả mọi người trong làng nữa. Bà nhớ tuốt tuột mọi sự, tên cúng cơm ai là gì, tuổi gì, cầm tinh con gì, họ với ai, họ ra sao, mất năm nào, vì sao mà mất… Nhờ những mẩu chuyện cô kể, tôi không biết mặt ông bà nội mà vẫn như biết, rất rõ ràng. Cô Gái kể: sở dĩ gia đình tôi được trong họ ngoài làng trọng vọng là vì nhà khá giả mà nhân đức. Nhưng trên hết tất cả là vì cái tiếng giữ gìn sự đạo. Duy nhất trong xứ, nhà tôi là nhà có được linh vật của các thánh tử đạo từ triều Minh Mạng, Tự Đức, lại có toà Đức Bà đẹp nhất làng được làm tại Bồ Đào Nha do bác cả tôi đặt mua. Mỗi khi có lễ trọng nhà xứ phải cho người vào thỉnh hai thứ ấy cho đám rước.
Tất cả là nhờ cụ nội, cô nói thế. Chứ ông tôi chỉ giữ được cho cái danh tiếng của cụ nội để lại không sa sút mà thôi. Cụ nội đỗ cử nhân, một hồi làm tiên chỉ, ở trong làng ông nội chỉ là quan viên thường.
Ông nội dạy con cái rất khắc nghiệt. Mọi người trong nhà không ai thoát khỏi cái phất trần của ông. Bác phán Linh, con trưởng, đã đi làm ở Hà Nội vậy mà khi có lỗi vẫn phải nằm sấp lên sập gụ, chỗ ngồi bất di bất dịch của ông, trật mông ra chịu đòn. Ở trên sập vẫn còn hai cái gối xếp bằng da có quang dầu.
– Đấy, cái phất trần ấy đấy! Cô tôi chỉ.
Nó treo bất động trên vách, hiện thân của sự trừng phạt.
Chú Mưu nghe cô Gái dẫn tích, tủm tỉm cười:
– Chỉ mình chú là chưa bị trận nào, cháu ạ.
– Vậy cơ? Tôi lấy làm ngạc nhiên. Tại sao ông không đánh chú?
– Chú không hư thời ông không đánh, chứ còn tại sao.
Cô Gái hứ một tiếng.
– Chú nói thế chẳng hóa ra các ông anh chú đều hư cả sao?
Chú ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn nghiêm khắc của bà, nhe răng cười xí xóa:
– Ông tiếng là dữ, chứ thương con cái lắm, chị nhẩy? Em còn nhớ ông điên lên thế nào khi anh Tư bị bắt ở Thái Bình khi đi rải truyền đơn, chị nhớ không?
– Sao không nhớ? Cô Gái không ngừng bỏm bẻm miếng trầu, thủng thẳng – Cả ngày ông ngồi im phăng phắc trên sập kia kìa, cấm có mở miệng nói một câu. Cả nhà ắng ngắt, không dám ho hắng. Ông yêu bố mày nhất đấy, thương bố mày nhất đấy, thằng quỷ ạ.
Chú Mưu nói:
– Lúc sắp sinh thì, đã cấm khẩu, ông còn nắm tay cô không rời. Ý ông trao lại tất cả gia tư điền sản cho cô giữ. Ông lo: các bác lên tỉnh cả, lấy ai trông nom nhà cửa?
– Ông cũng dặn cả chú phải phụ tôi mà trông, chứ đâu phải mình tôi.
– Có vậy, em nhớ mà. Chú Mưu xác nhận.
Chú Mưu già gần bằng bác Thung, anh thứ hai của cha tôi, chú già hơn cha tôi nhiều, tuy vậy tôi chỉ gọi chú bằng “chú”. Cao to, đi đứng lừng lững, quai hàm bạnh, mặt vuông, vai ngang, giọng oang oang, chú chẳng giống một ai trong nhà. Chắc chú có họ hàng thế nào đấy. Mà phải là họ gần lắm chú mới được ông tôi quý thế, mới được ông ủy thác phụ cô Gái giữ gìn cả nhà cửa lẫn mồ mả ruộng vườn.
Chú Mưu không ở nhà quanh năm suốt tháng. Khi nào có nhà thì chú quán xuyến mọi việc. Rồi chú biến mất, đột ngột như khi chú trở về. Tôi hỏi cô tôi chú đi đâu thì bà bảo:
– Chú ấy phải về nhà chú ấy chứ. Chú ấy lên đỡ đần cô thế là tốt lắm rồi.
– Nhà chú có xa lắm không cô?
– Xa. Đi từ sáng sớm đến tối mịt mới tới.
– Cô có phải trả công chú ấy không?
Bà quắc mắt:
– Chú có phải người ngoài đâu mà công với xá. Chớ nói thế , chú nghe thấy chú giận chết.
Ở khác xóm còn có anh Cận, người lùn tịt, mắt hấp him, già bằng chú Mưu, cũng có họ thế nào đấy, cô Gái có dẫn tích mà tôi không nhớ. Chỉ biết tôi phải gọi anh Cận bằng anh, cho dù con anh Cận còn lớn hơn tôi. Mỗi khi vắng chú Mưu, có việc nhờ anh Cận, cô Gái vẫn phải móc ruột tượng lấy tiền trả. Có điều cô muốn trả bao nhiêu thì trả, anh chỉ lặng lẽ giơ tay “Con xin cô”, không bao giờ kỳ kèo. Theo tôi hiểu, cô Gái trả anh Cận rẻ. Nhưng vẫn là có trả.
Như thế chắc chú Mưu phải có họ gần hơn anh Cận nhiều, còn gần hơn thế nào thì tôi không biết, không thấy cô Gái dẫn giải.
Chú Mưu chăm làm. Cả ngày chú lúi húi với đủ thứ công kia việc nọ, lúc chỗ này lúc chỗ khác, chẳng cần cô sai bảo. Thỉnh thoảng hai chị em mới nói với nhau vài câu.
Xong việc, chú tha thẩn chơi với tôi. Chú làm cần câu cho tôi câu. Chú lấy những cái lọ đẹp trong vô số chai lọ của cô Gái cho tôi nuôi cá săn sắt câu được ở ao sau, nơi giống cá nhiều màu này đông vô kể. Phải nói rằng chú chiều tôi cách riêng. Chú không khéo tay, lưỡi câu chú cố uốn thế nào cũng vẫn cứ cứng quèo, xiên xẹo, chứ không đẹp như của những tay “sát cá” trong làng. Biết tôi không ưng những lưỡi câu của chú, chú bày cho tôi nhiều trò khác. Chú buộc tổ sáo, chú phất diều, chú đập ruồi cho kiến làm đám ma, vót nan làm lồng bẫy chim cho tôi. Khi kéo cối đá cho thóc phơi rụng ra trong ngày mùa, chú rủ tôi kéo cùng. Vừa kéo, chú vừa kể chuyện. Chú biết nhiều chuyện, từ cổ tích cho đến chuyện ma. Những con ma trong chuyện của chú thảy đều vui tính, đều tinh nghịch, nhưng không hại người, hoặc không có sức hại người. Trừ những con nam ở sông ngòi, hiếm khi ở ao chuôm. Con nam là hồn người chết đuối thích kéo người xuống để thế chỗ chúng, cho chúng được trở lại làm người.
– Trẻ con chớ nghịch nước không có người lớn đi kèm – chú dạy tôi – Ngay ở ao cũng vậy, phải cẩn thận, bơi phải có bạn có bè, chớ dại bơi một mình.
Chú chê tôi nói nhiều. Tôi không dám cãi. Không biết có phải vì trong ngôi nhà vắng vẻ chỉ có hai cô cháu mà tôi sinh ra thế không? Tôi thường nói một mình để trong nhà có tiếng động. Tôi thích la hét. Nếu không có tiếng người, ngôi nhà của hai cô cháu tôi lạnh lẽo như nhà mồ.
Chú còn dạy tôi rèn luyện thân thể. Mọi việc trong nhà chú đều rủ tôi làm cùng, từ vớt bèo cho lợn, xay thóc, giã gạo cho tới cuốc đất, làm vườn, tát ao, bắt cá.
– Làm nhiều thì khoẻ ra, cháu ạ. Phải tập từ nhỏ, để khi lớn lên người mới vững chắc, không bị đứa nào bắt nạt.
Lúc rảnh việc, chú dạy tôi tập võ. Trước hết là đứng tấn.
– Tấn có vững thì thân mới vững – chú nói vẫn vỗ bàn tay hộ pháp của chú vào đùi tôi làm tôi ngã chổng kềnh – Nào, tấn lại.
Tấn riết rồi quen, chú vỗ mạnh tôi cũng không khuỵu gối nữa.
– Bây giờ ta luyện đôi tay.
Chú cho cát vào cái chảo lớn thường dùng đun cám lợn, đun lửa liu riu, bắt tôi xục hai bàn tay vào đấy. Lúc đầu không sao, tay ấm lên còn thấy thú vị. Nhưng dần dà chú cho lửa to thêm, rồi thêm nữa, hai bàn tay nóng ran làm tôi phải rụt vội.
Cô tôi thấy thế khuyên can:
– Chú cẩn thận kẻo bỏng tay thằng bé đấy.
– Bỏng thế quái nào được – chú nói – Chị cứ để em luyện nó.
Cô bỏ đi, nói với:
– Bố mẹ nó bắt đền thì chú chịu hay tôi chịu?
– Em chịu, em chịu – chú cười hề hề – Anh Tư không trách em đâu.
Chú đáp rồi quay lại với cái chảo:
– Sợ rồi, phải không? Xem này.
Chú cho lửa to đùng đùng, cát nóng tới mức tưởng chừng có thể rang ngô được, rồi bình thản đút hai tay vào. Tôi cắn răng quyết chơi tới cùng cái trò chơi chú bày ra. Nhưng chỉ đến một mức nào đó thôi, chứ nóng quá, tôi chịu không nổi.
Chú còn bắt tôi khuân cái cối đá lỗ ở sân. Nó là cái cối đá lâu ngày, giã mãi đâm mòn, mòn quá rồi thủng. Chẳng hiểu sao nó không bị vứt đi, cứ để chỏng chơ ở góc sân. Nghe cô tôi kể thì nó có từ đời ông bà tôi mới cưới, không ai còn nhớ đã bao nhiêu năm. Cái cối nặng lắm, hồi ấy tôi còn chưa biết kí lô là cái gì để tả nó nặng bao nhiêu. Chỉ có thể nói rằng lần đầu chú bảo tôi dùng hai tay nhấc nó lên, tôi chẳng những không nhấc nổi nó mà còn không thể làm nó nhúc nhích. Chú đứng bên hò hét cổ vũ cho tới khi tôi đỏ mặt tía tai cố gắng bốc được nó lên khỏi mặt đất. Sau vài ngày luyện tập, tôi đã có thể vừa thở phì phò vừa đưa được nó đi vài bước. Riết rồi tôi cũng khuỳnh khuỳnh hai chân đi những bước chuệnh choạng được một nửa rồi một vòng sân với cái cối đá nọ.
Sau trò khuân cối đá là trò chém thân chuối. Ở vườn sau nhà tôi có cả một vạt chuối um tùm. Không biết ai trồng, tự bao giờ, chứ những cây chuối này chẳng bao giờ được chăm sóc. Chúng tự lớn, ra bắp, nở thành buồng nặng chĩu. Khi buồng chuối được hái thì cây chuối bị đốn, lấy nõn băm cám lợn. Ở gốc chuối mẹ lập tức mọc lên những cây chuối con, chúng khắc tự lớn. Trong vạt chuối có lẫn vào nhiều cây chuối hột. Lũ chuối hột này mới dữ, chặt đi hôm trước, hôm sau đã thấy nhú lên những chồi con. Cô tôi chặt không xuể, bà mệt, mặc cho chúng muốn sống bao nhiêu thì sống. Quả chuối hột khi chín cũng ngọt, vừa ăn vừa phải nhổ phì phì. Khi bị tào tháo đuổi ăn chuối hột rất đắc dụng.
Chú Mưu dùng thân chuối hột cho tôi tập tay, tức là dùng lườn bàn tay chém cho thân chuối bị nát ra mà gục xuống. Cái trò này mới gay. Tay chẳng cứng cho lắm, thân chuối còn mềm hơn, chém vào nghe bồm bộp, nó cứ trơ ra. Chú Mưu làm mẫu cho tôi xem, nói chữ như bây giờ gọi là thị phạm. Chỉ từ một đến hai nhát chém của chú là thân chuối đã nát, đoạn từ từ đổ gục.
Cô tôi lững thững ra xem, phán:
– Thôi đấy nhá. Lại khổ cái thân già này dọn.
Chú cười xoà, lẳng lặng vác mai ra bứng cả gốc, thân chuối rồi sẽ mủn ra, thành phân bón cho vườn sau. Từ những thân chuối mủn mọc lên rất nhiều rau xương cá với rau tập tàng.
Cô Gái không biết ở nhà chú cháu tôi làm gì. Bà đi chợ sớm, từ tinh mơ, còn nhọ mặt người. Công việc hằng ngày của bà là làm thuốc viên đem ra chợ bán, nhờ những bài thuốc gia truyền ông tôi để lại.
Chú dặn tôi:
– Chớ nói cho cô biết cháu tập võ, cô cấm tiệt đấy!
– Tại sao cô lại cấm?
Chú Mưu nói:
– Cô sợ cháu đánh nhau với trẻ con hàng xóm. Cháu chớ có gây gổ với ai, làng ta toàn có họ với nhau cả, không họ gần thì họ xa, khéo mà đánh phải anh phải em. Chú dạy cho cháu tập cho khỏe người, chứ không dạy cháu đánh nhau!
Rồi nghiêm trang viện giáo lý:
– Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô bảo: “Hãy thương yêu người ta như mình vậy!” Cháu phải nhớ nằm lòng lời Chúa dạy.
Có chú ở nhà, vườn trước vườn sau sạch như li như lau. cỏ dại vừa mọc lên là chú đã dẫy ngay, không để sót một ngọn.
Nhìn cây sung cằn cỗi ở bờ ao sau (cái ao đầy kịt bèo Nhật Bản, hoa màu tím nở san sát), chú Mưu bảo cô Gái:
– Cây sung già rồi, năm nay ra ít quả lắm, em tính bón cho nó ít phân, chị ạ.
Cô Gái hức hức cười móm mém:
– Đời thuở nhà ai đi bón cho sung? Nó già rồi nó chết. Nhưng nó sống còn lâu. Chưa chết đâu.
Chú Mưu tư lự nhìn cây sung, cái đầu nghiêng nghiêng, trán nhăn lại.
Đúng là cây sung già lắm rồi. Cô Gái cũng không nhớ nó có từ năm nào. Năm nay quả thưa, cằn cỗi, lá cũng ít, xơ xác.
Cây sung là người bạn tuổi thơ của tôi. Những lúc tôi buồn, hoặc tủi thân vì bị cô Gái mắng, tôi thường leo lên cái chạc ba của nó mà nằm ườn ra đấy một mình cả buổi. Nhìn qua tán lá của cây sung, tôi ngắm những đám mây trắng trôi lững lờ trên trời xanh ngăn ngắt. Những con chích chòe dạn dĩ chuyền trên những cành khô gần chỗ tôi nằm, chép miệng liên hồi. Người ta bảo kiếp trước chích chòe là anh sinh đồ nghèo, thi trượt trạng nguyên vì đánh mất quyển, mới phẫn chí quyên sinh. Bây giờ tiếc đời, cứ đi tìm tìm quyển, tìm không thấy, thế rồi chép miệng mãi không thôi.
Trèo lên chỗ chạc ba ấy dễ lắm – cây không mọc thẳng, mà chĩa là là ra mặt ao, thân nó to như cánh phản, chẳng việc gì phải trèo, cứ dang hai tay lấy thăng bằng bước mấy bước là tới đích.
Nằm ở chỗ lõm giữa ba chạc vững như nằm dưới đất. Tôi nằm đấy một mình, đọc những cuốn truyện mượn được của bác Hai Thực ở ngành thứ hai từ các cụ nội.
Thân cây sung già đầy những vết thương. Ấy là dấu tích của những những nhát dao chém vào để lấy nhựa. Nhựa sung càng gần gốc càng quánh đặc. Nhựa sung dùng được vào vô khối việc. Cô Gái lấy nhựa sung gắn những đồ sành bị vỡ không còn dùng để đun nấu được nữa, nhưng làm đồ đựng còn tốt chán. Ở nhà quê chẳng có gì vất đi cả. Tụi trẻ con chúng tôi thì lấy nhựa sung phất diều. Phất diều bằng nhựa sung tuy không đẹp bằng phất bằng vỏ cậy, cánh diều dày cồm cộp như bánh đa, nhưng có còn hơn không.
Mùa hè, cây sung chi chít quả. Những quả sung chín nục thỉnh thoảng lại rơi bõm xuống mặt nước đen thẫm của ao tù, nổi lềnh bềnh cho đến rữa ra, chìm xuống thành bùn. Những con cá chuối cụ, cá rô cụ, già đến nỗi vẩy trắng ra cũng chẳng buồn rỉa sung rụng. Quả sung xanh thì chát xít, nhưng nấu canh sung với cá mương thì tuyệt vời. Nước canh sung có màu trắng đục như nước vo gạo, nhưng ngọt lự. Cá mương mà không có sung xanh thì không còn biết làm gì với nó – kho cho bao nhiêu muối cũng vẫn nhũn nhẽo, rán đã tốn mỡ còn bốc mùi tanh òm. Những ngày rau lụi, lấy sung bổ ra muối dưa ăn cũng tạm được. Tôi thường lấy dao khía những trái sung xanh chờ cho chín. Gặp trận mưa, trái sung được khía nở bung ra như một đóa hoa, đến độ chín thì ngọt lự. Sung chín tự nhiên thì khiếp, vừa bửa quả sung ra đã thấy không biết bao nhiêu là bọ, giống như là kiến cánh, bay lên vù vù. Phải vừa thổi chúng đi vừa ăn, ngọt thì có ngọt, mà chóng chán. Mà nào có thổi được hết – trong bụng tôi chắc có nhiều con bọ sống.
Chuyện bón cho cây sung tưởng chú Mưu nói chơi, thế mà chú làm thật. Lúc nào rảnh việc chú lại quẩy đôi sọt rách, đáy lót lá chuối, lững thững đi mót cứt trâu trên đường làng. Trâu làng tôi mót đâu ỉa đấy, cứt trâu không thiếu. Chú đi một buổi đã được mấy sọt. Chú đào mấy cái hố gần gốc sung, đổ phân xuống, lấp đất. Xong, chú rửa chân tay rồi ngồi dưới gốc cây, tự thưởng cho mình điếu thuốc lào.
Chú bảo tôi:
– Có ăn phải có trả, cháu ạ. Kẻo rồi chẳng có cái bỏ vào miệng đâu. Cây sung nó cho ta quả, cho thừa thãi, quả xanh quả chín ê hề. Nhưng đừng tưởng sung không bao giờ hết quả. Cái cây cũng như con người, nó phải ăn mới sống được. Đấy, như cây sung này này, không còn gì để ăn nữa nó mới cằn cỗi thế. Không cho nó tí phân rồi nằm đấy mà chờ sung rụng vào miệng!
Chú không dám lấy phân lợn trong chuồng, sợ cô Gái quở. Phân lợn bón cho cây gì khác bà không nói, chứ bón cho sung là không được với bà. Cây sung đối với bà là sự tự nhiên có, cứ việc tự nhiên dùng.
Được chú Mưu chăm bón, cây sung lại trở nên sai quả. Nhìn những chùm quả lúc lỉu trên cành, cô Gái bảo:
– Chú Mưu nói vậy mà phải.
Chú Mưu không hay la cà trong làng. Thỉnh thoảng chú cũng qua bên hàng xóm nếu như họ có việc nặng nhờ đến chú. Năm thì mười họa mới có người tìm chú. Tôi nghĩ đó là người làng chú, nhưng cô Gái không thích những người khách ấy.
Cô bảo tôi:
– Có ai hỏi chú thì cháu cứ bảo chú đi vắng, nhá!
Tôi khoanh hai tay:
– Vâng ạ!
Bụng bảo dạ: có khách hỏi chú Mưu tôi sẽ bảo họ cứ đi ra, rồi tôi báo chú gặp. Tôi thích làm điều gì đó cho chú vui. Tôi không thích chiều ý cô Gái.
Một lần, vào quãng cuối năm, có khách đến tìm chú. Ông này già gần bằng chú, chít khăn đầu rìu, da đen, mắt xếch mà sáng.
Cô Gái vắng nhà. Tôi chạy ù xuống bếp thì thầm vào tai chú, nhưng chú nghiêng đầu dòm ông khách đang ngồi trên phản ở nhà ngang, rồi điềm nhiên châm điếu thuốc lào. Hút xong, mới lững thững lên nhà.
Tôi nghe tiếng chú nói với khách:
– Chúng bay tìm tao làm gì nữa?
– Anh em biết anh có ý tránh mặt, mới bảo em đến… – ông khách cười hề hề, gãi đầu.
Chú Mưu nhăn nhó:
– Tao đã nhắn chúng bay rồi: không là không.
Ông khách nằn nì:
– Không có anh, chúng em bấn lắm.
– Chú mày không nghe rõ tao nói gì à?
Ông khách ngồi xích lại, hạ giọng:
– Anh đỡ chúng em một tay, một lần này nữa thôi.
Chú Mưu lắc đầu. Hai người im lặng hồi lâu.
Cuối cùng, sau một điếu thuốc lào, ông khách chậm rãi nói:
– Anh không bằng lòng giúp chúng em, thôi thì cũng đành. Chúng em chỉ xin anh rộng tay cho chúng em làm, đừng cản.
Chú Mưu nhìn chằm chằm vào mặt khách:
– Được. Nói đi.
– Anh thuận cho thì chúng em mừng.
Chú Mưu quắc mắt:
– Chúng bay tính làm ăn ở đây hử?
– Vâng – người mắt xếch trả lời bằng giọng cứng – Có vậy.
– Hừm.
Một phút im lặng, rồi khách nói, mềm mỏng hơn:
– Vì thế chúng em mới phải thưa trước với anh. Ông anh cho một cái gật là tốt. Nhược bằng không thì xin anh quay mặt đi cho chúng em nhờ.
Chú Mưu bặm môi lại, rồi lắc đầu:
– Gì chứ cái ấy thì không được.
Ông khách hạ giọng:
– Không phải nhà này. Nhà này chúng em chừa ra. Không cần anh phải bảo.
Chú Mưu lại lắc đầu:
– Nhà khác cũng không được.
Ông khách dằn giọng:
– Ông anh nhất định vậy?
– Tao đã mang ơn người ở đây. Không thể lấy oán trả ơn. Chúng bay đã quyết đến, thời cứ đến. Tao sẽ tiếp.
Ông khách đứng lên:
– Vậy là ông anh nhất quyết dứt tình với đàn em?
– Tao với chúng bay như ruột thịt – chú Mưu thở dài – Tình ở trong lòng. Nghĩa là cái đạo, tao giữ. Giữa nghĩa và tình tao phải chọn một.
Ông khách dợm chân bước đi.
– Khoan! Chú Mưu gọi giật, Uống với tao chén rượu đã.
– Hà hà, ông anh chu đáo! Không quên chén rượu dứt tình…
Chú Mưu xuống nhà bưng vò rượu của chú lên. Lệ là mỗi bữa ăn chú phải có một chén. Cô Gái là người vắt mảnh sành ra nước, nhưng cái khoản rượu cho chú bao giờ bà cũng biện đủ. Chú Mưu không rót rượu ra chén, mà rót ra bát, đưa cho ông khách một bát. Hai người nâng cao bát rượu lên bằng hai tay ngang tầm mắt, nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt nhau, rồi hạ xuống một chút, đoạn nâng bát lên, ngửa cổ nốc cạn.
Ông khách lấy tay quệt ngang, bỏ cái bát xuống phản, quay ngoắt ra cửa.
– Ai đấy hả chú? Tôi hỏi.
Chú Mưu phẩy tay:
– Người quen vớ vẩn ấy mà.
Sau hôm đó, tôi thấy chú Mưu ra chiều suy nghĩ. Chú soạn tất cả các sào gẩy rơm trong nhà, mài lại các lưỡi mác cho sắc bén. cắm lưỡi mác vào đầu sào, biến nó thành ngọn giáo. Chú lấy tre gai rào lại bên trong hàng rào xương rồng và ruối ở hai bên cổng.
Tôi mơ hồ cảm thấy mối nguy hiểm đang đe dọa ngôi nhà có liên quan tới cuộc viếng thăm của ông khách nọ. Câu chuyện giữa chú và ông khách lúc ấy tôi không hiểu, nhưng nhớ. Tôi chỉ thực sự hiểu nội dung của nó sau nhiều năm, khi đã chắp nối nó với nhiều câu chuyện khác dính dáng tới chú Mưu.
Cô Gái lẳng lặng quan sát chú, rồi hỏi:
– Sao phải làm thế?
Chú ậm ừ:
– Tết năm nay nhà ta vắng người, các anh các chị không về, các cháu cũng không, mình cứ cẩn trọng là hơn. Tết này, em ở đây ăn Tết với chị.
Cô Gái quài tay ra đấm lưng, rồi lẳng lặng phụ với chú Mưu làm công việc phòng thủ.
Ở nhà quê mọi sự đều bình thường, kể cả việc chống cướp.
Vào tháng chạp, còn gọi là tháng “củ mật”, ở vùng tôi cướp xảy ra luôn luôn. Giữa đêm, làng xóm đang ngủ yên bỗng vẳng tới tiếng tri hô “B… ớ… ớ la… àng nư… ơ… ớc! Cư… ớ… ướp! Bơ… ớ… ớ 1… a… àng n… ươớc! Cư… ớ… ớp!” Tiếp theo là tiếng tù và u ơ thảm thiết tru lên, trống cái trống con thúc ngũ liên dồn dập. Những người chứng kiến kể bọn cướp đi từng toán đông, mặt trát nhọ đen nhẻm, lăm lăm giáo mác, “bút chì” (cái mai buộc vào tay bằng một sợi thừng dài dùng để phóng), “bật hồng” (đốt đuốc) ào ào xông vào những nhà giàu.
Những đêm như thế tôi nằm sát vào cô Gái, trống ngực đánh thình thịch, nghe trong đêm thanh vắng tiếng bước chân rậm rịch của bọn cướp trên đường làng. Được cái làng tôi có đội tuần đinh mạnh, cho nên ít bị cướp. Những làng bên bị cướp nhiều hơn.
Cướp ở vùng tôi rất táo tợn, có khi chúng cướp cả ban ngày. Giả làm thợ gặt, thợ ngõa đi xin việc, chúng vào đến tận sân nhà, tất nhiên là nhà giàu, rồi mới bất ngờ tay vo trói gô mọi người lại. Đoạn, đứa khảo tra, đứa lục lọi, đứa lấy sào gãy rơm lắp dao găm vào thành giáo, đục mâm đồng làm mộc, cướp bóc xong xuôi mới ung dung rút. Nếu gặp tuần đinh cản đường thì chúng lấy vũ khí vừa tạo ra đánh trả. Những nhà không giàu, nhưng thuộc loại khá giả, cũng phải đề phòng cẩn mật, bởi vì khi thấy nhà giàu phòng bị kỹ, cướp không dám vào, chúng vào cả những nhà làng nhàng, vơ vét chút ít rồi rút êm.
Tết năm ấy làng tôi không bị cướp. Tuần đinh chia nhau canh gác các ngả đường, sẵn sàng đón cướp, nhưng không thấy chúng tới.
– Chắc chú Mưu đã báo cho cả làng phòng bị.
Tôi kể cho cha tôi nghe chuyện Tết năm ấy. Người khách hôm ấy là cướp đấy, bố ạ.
Về sau này tôi mới được biết lai lịch của chú Mưu qua lời cô Gái.
Chuyện rằng: một đêm ông nội tôi đi cất thuốc ở chợ Cổ Lễ, thế nào lại gặp bạn cũ từ miền biển lên, mải chuyện trò đến lúc ra về thì trời đã sang canh ba. Trên đường về, khi đi ngang cánh đồng dẫn vào làng, bỗng nghe có tiếng người rên khe khẽ. Ông tôi dạn, không sợ ma, mới rẽ lúa bước vào. Thấy một người lù lù nằm đó, vắt ngang bờ ruộng, bèn ghé vai cõng về nhà.
Hóa ra đó chính là một trong những tên cướp vừa đến cướp làng tôi lúc chập tối. Xảy ra một cuộc giáp chiến ác liệt giữa tuần đinh và cướp. Rốt cuộc, bọn cướp thua, bỏ chạy. Tên cướp bị thương do mấy mũi lao phóng vào lưng, những vết thương khá nặng, làm mất nhiều máu. Hắn ta theo đồng bọn không nổi, ngã ngất trong ruộng lúa. Bọn cướp tối hôm ấy toan vào cả nhà tôi, nhưng cánh cổng lim quá chắc, phá không nổi, chúng mới bỏ đi.
Mọi người nháo nhác khi nhìn thấy tên cướp bị thương trên vai ông tôi. Cô Gái đã toan sai người nhà đi cáo quan.
Ông tôi quắc mắt:
– Người ta bị thương nặng, phải cứu đã. Nghe tao nói đây: cả nhà cứ ắng ngắt, cấm không được để cho làng nước biết. Đứa nào nói ra, chết với tao.
Cụ đặt tên cướp lên chõng, lật sấp hắn ta xuống, tự tay lau rửa các vết thương, rồi giã cua đồng chắt nước cho uống.
Cô Gái bảo: phàm mất máu nhiều, nước cua đồng là nhất hạng. Chú Mưu bảo: cô nói đúng đấy.
Tên cướp chỉ tỉnh lại sau mấy ngày mê man. Vừa đứng lên được, hắn ta toan lén bỏ đi, nhưng sức kiệt rồi, đi không nổi. Nửa đêm, thấy mọi người ngủ yên, hắn ta cố gắng lết được đến cửa hậu thì gục, vết thương lại toác hoác ra, máu chảy xối xả. Thấy động, ông tôi tỉnh dậy. Một lần nữa ông lại chạy chữa cho tên cướp.
Trong những ngày nằm lại trong nhà tôi, tên cướp giả đò mê man, nhưng nghe ngóng hết sự tình. Biết mình được chính chủ ngôi nhà mà mình và đồng bọn định vào ăn cướp cứu sống, hắn ta mới quỳ xuống xin ông tôi tha tội, lại xin từ nay cải tà quy chính, mong được ông tôi nhận làm nghĩa tử để được đền ơn.
Ông nội vuốt râu bảo:
– Ơn tôi làm không cần ai trả. Nhưng anh đã nảy ý làm người tốt thì cứ ở đây, đừng dây dưa với trộm cướp nữa.
Tên cướp đó chính là chú Mưu.
Là con nuôi trong gia đình, chú phải coi tất cả các con đẻ của ông bà nội tôi là anh chị. Ớ làng tôi chỉ có cha xứ và người trong gia đình tôi biết chú trước kia là người thế nào. Nhưng cả cha xứ cũng không bao giờ nói ra điều cần phải giữ kín ấy.
Cha tôi bảo:
– Với con người cần phải biết bao dung. Người ta ai cũng có thể lầm lạc. Người đã biết hối cải thì mình phải biết bảo vệ cái quyền được sửa chữa cái sai của người ta.
Chú ở lại nhà tôi cho tới khi ông bà tôi mất, đoạn tang mới xin phép các anh các chị trở về quê ở hẳn. Nhưng, như tôi đã kể ở trên, chú vẫn nhớ lời ông nội tôi dặn, vẫn quanh quẩn với ruộng vườn nhà cửa của nghĩa phụ khi gia đình cần đến. Người biết giữ lời hứa như chú thời nào cũng hiếm.
Chuyện đời chú Mưu là thế. Hay, mà không lạ. Ở đời vẫn có những người như chú. Nói cho đúng, mãi mãi vẫn còn những người như chú.
Cái lạ là đoạn kết của nó.
Tết năm ấy, một anh phóng viên báo “Chính Nghĩa” bất ngờ đến thăm tôi. Bất ngờ là vì chúng tôi vốn không phải chỗ thân thiết, chạm trán nhau thì cũng chào hỏi một câu cho có lệ, ngày thường còn không tới nhà nhau, huống hồ ngày Tết. Tôi là tên tù vừa được tha, lại là tù phản động, đến thăm tôi chỉ có hại chứ không có lợi. Tóm lại, anh là người tôi không chờ đợi.
Tờ báo của anh được quảng cáo là báo của “những người công giáo kính Chúa và yêu nước”. Nó thuộc Ban Tôn giáo Trung ương, chuyên đăng bài của các linh mục đảng viên hoặc không đảng viên, nhưng ăn lương cán sự nhà nước và không cai quản bất cứ xứ đạo nào. Ngoài các ông cha đạo bị treo chén, còn có đủ bộ sậu của một tờ báo, có thẻ nhà báo hẳn hoi.
Làm báo Chính Nghĩa dễ, không cần có nghề, cái cần là phải có nhiều lập trường và một ít giáo lý đủ dùng để tiếp xúc với giáo dân.
Anh nói:
– Ông có người bà con ở Nghĩa Hưng hỏi thăm đấy.
Tôi ngớ người: tôi có bà con nào ở Nghĩa Hưng nhỉ?
Cô Gái không còn. Nếu cô còn, tôi có thể hỏi cô.
– Ai vậy?
Anh có vẻ phật lòng với câu hỏi của tôi. Anh nói, giọng trách móc:
– Vậy mà người ấy nhớ tới ông nhiều lắm, nhắn tôi thể nào cũng phải gặp ông hộ ông ấy để nhắn lời.
Như một tia chớp xẹt qua, tôi vụt nhớ. Trời ơi, là chú Mưu, chú Mưu của tôi!
– Ông Mưu?
– Chính ông ấy.
Tôi vồ lấy tay anh mà lắc:
– Chú tôi đấy. Ông có gặp à? Chú cháu tôi lâu năm không gặp nhau, nhất đán tôi không nhớ ra. Ông có khỏe không?
Anh thở dài, bùi ngùi. Im lặng một lát, anh nói:
– Ông cụ mất rồi. Vì thế tôi mới phải tới thăm ông để ông biết tin.
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao anh tới.
– Mất thế nào? Bao giờ?
– Mới đây thôi. Trước Tết ít ngày. Tôi vừa từ đó về.
Anh kể anh vừa đi công tác tới một xứ đạo ở huyện Nghĩa Hưng. Anh phải viết bài về phong trào dân quân ở đó, đơn vị này vừa được nhà nước biểu dương.
– Chú tôi ốm? Rồi mất?
Anh lắc đầu:
– Không phải. Chú ông tính nết hay lắm. Như ông tiên vậy.
– Như ông tiên?
– Lợi không ham, danh không màng, với chúng sinh theo nghĩa nhà Phật thì thương yêu, lòng không vẩn hận thù. Là tiên, chứ còn là gì?
Tôi hỏi:
– Ông bây giờ ngoài công giáo vận còn kiêm cả Phật giáo vận nữa à?
– Tôi đi làm kiếm cơm, vận cái con khỉ – anh buồn bã – Bắt đầu thì thế, tôi phải có cái biên chế ở đâu đó. Thế rồi do công việc tôi được gặp nhiều người tốt, cả công giáo lẫn Phật giáo. Mới hiểu ra rằng phàm đã ở bậc thượng thừa thì người của tôn giáo nào cũng như nhau, ông ạ. Tôi học được ở các vị ấy nhiều lắm.
– Hay quá! Tôi khen lấy lệ.
– Tôi biết tỏng trong bụng các ông coi khinh tụi tôi. Anh cười mũi – Rằng tụi tôi chỉ bằng hữu với mấy ông cha thích cua gái, mấy ông thầy chùa mê thịt chó, chứ viết lách gì. Nhưng trong cái rủi có cái may, nhân cái sự kiếm cơm này mà tôi vớ được của quý. Là thế này: con người có ý thức thì phải giữ được cái tâm. Trong cõi người, ông ơi, chỉ một mực duy vật là chết, nói thực, là mất hết. Thành súc vật lúc nào không biết.
Mắt anh sáng lên khi nói câu đó.
– Ông quay lại chuyện chú tôi đi.
Anh chớp mắt, nhớ lại:
– Tôi ở nhà bên cạnh nhà ông ấy. Sáng ngày ra là ông gọi tôi sang uống trà. Là quen miệng nói thế, chứ trà đây là chè tươi Nam Định nhà ông cơ. Chè tươi mà biết hãm thì ngon trần đời. Lá trà Nam Định trồng trong các vườn nhà dày bản hơn lá trà Tân Cương nổi tiếng, có lẽ vì thế mà hãm chè tươi trong ấm đất mới ngon đến thế. Có hậu lắm, chè uống xong còn ngọt mãi trong họng. Nhưng đói bụng mà uống vào thì say hơn say sóng. Tôi nói chè tươi Nam Định quê ông chứ không nói Hà Nam Ninh đâu nhá. Cái sự gộp ba tỉnh lại với nhau này có đi thực tế mới biết nó ngu xuẩn đến mức nào…
Cái sự hợp tỉnh này là sáng kiến của vị tổng bí thư ít học, nhưng thích mưu mẹo. Tôi lẳng lặng nghe, như mọi công dân tỉnh táo, tôi biết tránh những đề tài nguy hiểm. Nhưng ông bạn “kính Chúa yêu nước” của tôi đã không thể kìm lại cơn bốc đồng.
– Tôi không hiểu sao chúng ta lại cứ phải ngu trước để rồi khôn lên từ từ? Hoặc phải dài cổ ra mà nghe lời mấy thằng ngu để rồi phải kiên nhẫn chờ cho chúng nó khôn ra?
Tôi cắt ngang:
– Ờ, rồi chú tôi sao?
– Ông lão đầu bạc phơ, nhưng thân thể còn tráng kiện, đầu óc còn minh mẫn lắm. Chúng tôi thường gặp nhau, chuyện vãn. Buổi sáng hôm ấy ông lão đột nhiên hỏi tôi: “Ông làm báo, ông có biết cậu Hiên không?” Thoạt nghe, tôi không hiểu là ông lão nói về ông. “Cậu Hiên nào cơ?” Tôi hỏi lại, thì ông lão bảo: “Tôi nghe nói cậu Hiên cũng làm báo như ông. Ông làm báo thời phải biết cậu ấy, chắc vậy.” Tôi sực hiểu ông lão nói về ông, tôi nói tôi biết. Ông lão bảo: “Tôi nhờ ông một việc: khi nào ông về Hà Nội ông nhớ đến gặp cậu ấy giùm tôi, nói tôi gửi lời thăm cụ Tư, ông anh tôi, với lại cậu Hiên. Tôi nhớ cậu ấy lắm. Ông bảo: tôi đến chết vẫn yêu quý cậu ấy, vẫn nhớ cậu ấy. Cầu Chúa cho cậu ấy được bằng an”. Tôi nói: “Tôi sẽ nhắn, nhưng bác còn khỏe chán, chớ nói gở nó vận vào mình”. Ông lão cười khà khà: “Tôi khỏe thì vẫn khỏe, nhưng chết thì vẫn chết. Hôm nay tôi đi đây!” “Bác đi đâu?”, tôi hỏi. Ông bảo: “Thì còn đi đâu? Chúa gọi tôi rồi. Quãng chín giờ tôi sẽ đi. Tôi với ông uống ấm chè này với nhau lần này là lần chót. Ông ở lại mạnh khỏe phần hồn cùng là phần xác”. Tôi quan sát ông lão, chẳng thây gì là ông ấy nói mê nói sảng, cũng chẳng phải nói đùa, mặt ông lão rất mực nghiêm trang.
Tôi hỏi:
– Rồi chú tôi đi thật?
– Thật. Đúng như ông lão nói. Tôi đang làm việc trong trụ sở ủy ban xã, cũng ở gần nhà ông ấy. Bất thình lình, tôi nghe có tiếng khóc rống lên của nhiều người. Mới chợt nhớ tới lời ông lão. Tôi chạy ra, hỏi mấy người vừa đi tới thì họ bảo ông vừa đi tức thì.
Tôi xem đồng hồ: chín giờ mười lăm. Ông lão đã nói trước giờ chết của mình. Người ta kể trước lúc ông lão đi, ông còn gọi con cháu lại, dặn dò mọi việc, rồi đuổi họ ra ngoài, quay mặt vào vách. Đến khi họ vào lại, định hỏi ông lão chuyện gì đấy, thì thấy ông nằm thẳng, im phăng phắc: ông đi rồi.
Tôi lặng đi.
Anh ngồi thêm với tôi mấy phút rồi đứng lên:
– Từ hôm ấy tôi luôn nhớ lại câu nói của ông lão khi chia tay với tôi: “Ông ở lại mạnh khỏe phần hồn cùng là phần xác”. Tại sao ông ấy không nói một thứ tự ngược lại “phần xác cùng là phần hồn”?
Tôi nói:
– Đó là lời trong một bài kinh.
Anh lắc đầu:
– Không phải. Ông lão biết hơn chúng ta. Ông ấy đã ngộ ra cái lẽ thực của sự tồn tại, cái khoảnh khắc hữu hạn và cái hằng có đời đời chẳng cùng. Cho nên ông ấy mới biết trước được cái thời điểm lúc mình sẽ rời khỏi phần xác tạm bợ để đi tới cõi vĩnh hằng. Phần hồn, nó mới là cái quan trọng trong đời con người.
Thế là chú Mưu của tôi đã đi.
Có một sự truyền nối của cái Thiện. Tôi nhìn thấy nó qua cuộc đời chú Mưu.
Ta có thể cảm nhận được cái Thiện qua những mắt xích của nó. Ông nội tôi là một trong những mắt xích ấy. Chú Mưu là mắt kế tiếp.
Chú Mưu rất có thể để lại sau mình ông một cái gì. Một mắt xích nữa. Hoặc ít hơn, một chút ánh sáng chẳng hạn.
Tôi nhìn thấy cái ánh lấp lánh ấy, rất rõ, trong mắt bạn tôi, khi anh đứng lên.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Chú Mưu. Vũ Thư Hiên, Facebook, 11 tháng 2, 2017.
Cõi người ta dù có là có chôn sống , có trù dập , có đấu tố , có tàn ác như thế nào thì cuối cùng cũng phải ngộ ra cái lẽ thực của sự tồn tại, cái khoảnh khắc hữu hạn và cái hằng có đời đời chẳng cùng. Cho nên ông ấy mới biết trước được cái thời điểm lúc mình sẽ rời khỏi phần xác tạm bợ để đi tới cõi vĩnh hằng. Phần hồn, nó mới là cái quan trọng trong đời con người.