Tuổi thọ ở các nước giàu
The Economist | DCVOnline
Một nghiên cứu mới cho thấy người Nam Hàn sẽ có tuổi thọ cao nhất thế giới vào năm 2030.
Dự báo dân số không phải là việc đơn giản. Chuyên gia nhân khẩu học sử dụng dữ liệu tỷ lệ tử vong – thông tin về lúc nào và tại sao người ta chết – để ước tính tuổi thọ của những người còn sống. Tổ chức Y tế Thế giới Liên Hiệp Quốc (WHO) và những cơ quan khác phát hành dự báo định kỳ tương đối giống nhau. Các nước giầu như Nhật Bản, Thụy Sĩ và Úc có tuổi thọ cao nhất, mặc dù ước tính có khác nhau đôi chút tùy thuộc vào phương pháp sử dụng. Nhưng một nghiên cứu mới về dân số ở 35 quốc gia giàu có, dùng và kết hợp 21, thay vì chỉ dùng một mô hình thống kê, của nhóm nghiên cứu tại trường Imperial College London và WHO, và mới được công bố trên tạp chí y tế Lancet. Những tác giả của nghiên cứu này cho biết kết quả tìm được đáng tin cậy hơn, và cũng là điều đáng ngạc nhiên.
Họ cho rằng đến năm 2030 dân Nam Hàn sẽ có tuổi thọ tăng cho cả nam giới và phụ nữ. Một bé gái sinh ra ở đó vào năm 2030 có thể sống qua ngày sinh nhật lần thứ 90, bảy năm nhiều hơn một en bé sinh năm 2010. Đàn ông Nam Hàn sẽ thọ hơn 84 tuổi, qua mặt 18 quốc gia khác, vượt lên đầu của bảng xếp hạng.
Tiến triển của Nam Hàn rất đáng chú ý. GDP hàng năm của mỗi người đã nhiều hơn 20 lần so với năm 1960. Trong cùng thời gian GDP hàng năm của mỗi người Mỹ và Anh tăng gấp ba lần. Những lợi ích kinh tế đã cải thiện sức khỏe của người dân cả nước. Năm 1985 tuổi thọ ở Nam Hàn Quốc thấp hơn 4 năm so với ở Mỹ cho cả hai giới; vào năm 2010 tuổi thọ ở Nam Hàn đã bắt kịp đối với nam giới và tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên ba năm cao hơn so với nữ giới Mỹ. Những lý do chính là mức giảm lớn trong tỷ lệ tử vong trẻ em, tử vong do nhiễm trùng và tử vong do các bệnh liên quan đến huyết áp cao, trong đó gồm cả bệnh tim mạch và đột quỵ. Tỷ lệ dân Nam Hàn có huyết áp cao thấp hơn so với bất kỳ dân nước nào khác. Rất ít người Nam Hàn Quốc bị béo phì, làm sinh ra nhiều bệnh mãn tính, gồm cả bệnh tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Tỷ lệ hút thuốc của phụ nữ Nam Hàn vẫn ở mức thấp.
Tuổi thọ của dân ở những quốc gia khác sẽ tăng cao vì những lý do tương tự. Rất ít phụ nữ ở Pháp và Thụy Sĩ bị béo phì. Đến năm 2030 người Hungary sẽ sống lâu hơn trên trung bình 7,5 năm so với tuổi thọ của họ trong năm 2010, một phần do ít người uống quá độ hoặc hút thuốc. New Zealand, Úc và Canada có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp, cũng như có khả năng ngăn ngừa và điều trị bệnh tim mạch và ung thư.
Nhưng các tác giả dự đoán những quốc gia khác tiến bộ không nhiều. Ở một số nước ít giàu hơn, chẳng hạn như Macedonia, Serbia, tuổi thọ trung bình vẫn còn thấp và dự báo có thể tốt hơn rất khiêm tốn. Thụy Điển và Nhật Bản cũng chỉ có mức tăng tuổi thọ tương đối nhỏ, mặc dù đó có thể là điều không thể tránh khỏi vì hai quốc gia này đang đứng gần trên đầu bảng.
Điểm nổi bật nhất là Mỹ. Quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới là một trong năm nước xếp hạng ở cuối bảng tăng tuổi thọ cho cả nam giới và phụ nữ. Năm 2010 đàn ông Mỹ sẽ thọ khoảng 77 tuổi và 81 tuổi đối với nữ giới; tuổi thọ của người Mỹ ở mức thấp nhất trong các nước giàu. Đó là một phần vì Mỹ là nước duy nhất trong các nước OECD không có chăm sóc y tế toàn dân, có nghĩa là người nghèo thì sức khỏe kém hơn. Và Mỹ cũng có tỷ lệ tử vong của mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất, do đó ít người sống đến tuổi già. Tỷ lệ cao những người béo phì và nạn giết người ở Mỹ cũng rút ngắn tuổi thọ quốc gia.
Kết quả là nghiên cứu đó dự đoán rằng tuổi thọ ở các nước nghèo hơn cuối cùng sẽ vượt qua tuổi thọ dân nước Mỹ. Nghiên cứu này thấy rằng đàn ông sinh ra ở nước Cộng hòa Séc (Czech Republic) sẽ sống lâu như những người sinh ra ở Mỹ vào năm 2030, và phụ nữ ở Croatia và Mexico sẽ có cùng tuổi thọ với phụ nữ Hoa Kỳ. Hơn nữa, dự đoán về tuổi thọ ở Mỹ có thể cần phải điều chỉnh giảm xuống. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu tử vong thực tế của Mỹ đến năm 2013, với dự báo vượt quá thời điểm đó. Trong thực tế, tuổi thọ ở Mỹ giảm đã trong năm 2015. Nếu đảng Cộng hòa có kế hoạch bãi bỏ luật y tế của Tổng thống Barack Obama (Afordable Care Act) đưa đến việc người dân ít được chăm sóc sức khoẻ hơn thì khuynh hướng giảm tuổi thọ này có thể tăng tốc độ.
Gần đây nhất là năm 2000 người ta đã nghĩ không thể nào tuổi thọ trung bình của một quốc gia sẽ vượt quá 90. Hiện có rất nhiều nước phát triển có đã thấy người dân sống ngoài 80 là minh chứng cho thành công của việc chăm sóc sức khỏe. Thách thức tiếp theo cho chính phủ thế giới sẽ là việc bảo đảm có đủ các chính sách y tế và chăm sóc xã hội để phục vụ cho mức dân số lão niên đang tăng nhanh.
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Longevity in rich countries. The Economist, 18 Tháng 2, 2017.