Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p8)
Nguyễn văn Lục
Đây là phần chính yếu trong cuộc đời làm chính trị của vua Bảo Đại, khi ông là Quốc Trưởng. Chẳng những trong giai đoạn này, Quốc Trưởng đã bị loại ra khởi trò chơi quyền lực, mà nó còn xóa bỏ chế độ phong kiến Việt Nam.
Tìm hiểu con người Bảo Đại qua cuốn Hồi ký của ông
(Tiếp theo p1, p2, p3, p4, p5, p6, p7)
Bảo Đại và Ngô Đình Diệm
Đồng thời nó cũng kết thúc một cách nhẹ nhàng, có lễ hạ cờ tam tài, có tiễn đưa chế độ thực dân về Pháp. Cả hai trường hợp đã diễn ra một cách có lớp lang như thể đã đến lúc nó phải như thế trong tiến trình bài Phong, giải Thực.
Cứ coi như nó kết thúc một trang sử chẳng lấy gì làm vẻ vang của dân Việt. Công cũng có mà tội cũng nhiều. Chỉ xin mượn lời tóm tắt lại tâm tư của một người trong cuộc có lòng là ông Thủ Hiến Nguyễn Hữu Tri tâm sự với ông Đoàn Thêm trong những ngày cuối cùng ở miền Bắc. Ông Tri nói:
“Não ruột lắm. Ông thấy không? Từ 1948 đến nay, chúng ta ngày đêm nhức đầu óc với việc quê hương. Bao nhiêu khó khăn, rồi tổ chức, rồi cải tổ, thúc đẩy, phá đi làm lại, một kẻ làm ba kẻ chơi, năm kẻ gây hại, thiên hạ vẫn trách móc và bôi nhọ, cố gắng rồi cũng như dã tràng xe cát.. Bao nhiêu lần tôi đã trình Ngài, chỉ có Ngài đích thân xông pha mới lôi cuốn được dân, nhưng Ngài cứ làm thinh. Thú thật là tôi cũng không hiểu nổi Ngài, tuy hay được gần gũi. Tôi chẳng lay động được Ngài, mà nay chết đuối lại vớ phải…”
(Đoàn Thêm, “Những ngày chưa quên, ký sự, 1939-1945”, trang 235)
Trong số một kẻ làm, ba kẻ chơi. Một trong ba kẻ chơi đó có Ngài Quốc Trưởng?
Sự phân tích tìm hiểu trong phần kết đoạn này dựa trên những suy nghĩ nhằm gợi ý độc giả. Tự tìm cho mình một kết luận thích đáng nhất là phần của bạn đọc. Ở dây là những sao chép lại một số mảnh vụn lịch sử dựa trên một vài tài liệu mà người viết nghĩ rằng quan trọng trong mối tương quan Bảo Đại-Ngô Đình Diệm.
Mối quan hệ Bảo Đại Ngô Đình Diệm
Nếu tìm hiểu mối tương quan giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm thì thấy khó có điểm trùng hợp. Họ khác nhau cả về đường lối chính trị, về lý tưởng, về địa vị chính trị, về tính tình và cả hệ số bản thân. Họ khác nhau như nước với lửa.
Có dư luận như Jean Bresson đánh giá Bảo Đại là “Một phần mười của Farouk, hai phần mười của Machiavel và bẩy phần mười của Hamlet.” (Jean Bresson, “La Fabuleuse Histoire de Cannes”, nxb Le Rocher, 1981.)
Nhận xét trên rất là khó nắm. Bởi vì phải biết Farouk là ai, Machiavel là nhà chính trị như thế nào? Muốn biết Hamlet thì phải thuộc lầu văn chương.
Phần tôi cứ lấy cái bề ngoài để xét đoán người.
Trong một xứ còn bán khai, đàn bà còn có người mặc váy, đàn ông ở thôn quê còn có người đóng khố mà vị đứng đầu nước lại quần tây trắng, giầy tây trắng, gậy ba toong cầm tay, đôi khi miệng ngậm điếu xì gà, người phương phi quá khổ như một người Tây trắng. Đôi kính đen trùm mặt như một tài tử ciné. Tôi tự hỏi theo cái cách của cụ Đoàn Thêm: sao lại cứ phải đeo kính đen? Sao lại cứ ở Đà Lạt? Không Đàlạt thì tại Cannes. Mỗi lần Thủ tướng chính phủ muốn thưa trình điều gì lại phải leo núi? Đeo kính đen vì đau mắt? Vì ngại ánh sáng mặt trời hay vì ngại chẳng muốn nhìn ai? Sao lại nhiều bà thế? Nhiều xe thế, đi săn tối ngày thế? Sang Pháp thì cờ bạc như các tay triệu phú Ả Rập?
Và tất cả những khoản ăn chơi, chi phí đủ kiểu ấy chẳng thấy dự trù trong Hiệp định Élysée 8 tháng 3,1949? Ai biết chi phí ấy nằm trong khoản nào của Thỏa Ước, xin chỉ!
Sự khác biệt như vậy nên trong suốt mấy chục năm, mối quan hệ đôi bên đều ở tình thế cực đoan, miễn cưỡng! Như thể số phận đã bắt buộc họ phải liên hệ với nhau nhiều lần một cách chẳng đặng đừng dù là một chọn lựa vì không có chọn lựa nào khác. Nhất là về phía ông Diệm thường thiếu một sự kính trọng cần thiết trong quan hệ bề trên-kẻ dưới.
Phía Bảo Đại, bởi vì không tìm thấy một nhân sự nào trong lúc tình thế đòi hỏi nên bắt buộc ông lại phải gọi đến Ngô Đình Diệm. Trong những năm làm Quốc Trưởng, Bảo Đại đã cử 5 ông thủ tướng cho Quốc gia Việt Nam lần lượt như, Nguyễn Văn Xuân (27 tháng 5 năm 1948 đến 14 tháng 7 năm 1949), Nguyễn Phan Long (21 tháng 1 năm 1950 đến 27 tháng 4 năm 1950), Trần Văn Hữu (tháng 5 năm 1950 đến tháng 6 năm 1952), Nguyễn Văn Tâm (tháng 6 năm 1952 đến tháng 12 năm 1953), và Hoàng thân Bửu Lộc (11 tháng 1 năm 1954 đến ngày 16 tháng 6 năm 1954).
Ông Bửu Lộc lên làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ không được bao lâu thì phải đối đầu một viễn tượng Pháp thua cuộc. Ông xem ra không phải là người của tình thế, nếu Pháp thua cuộc. Bảo Đại bắt buộc phải nghĩ đến một giải pháp thay thế ông. Ngoảnh đi ngoảnh lại không ai khác, ông lại cầu cứu đến Ngô Đình Diệm.
Những thiện chí cố gắng của các chính phủ ấy nếu có đi nữa cũng không đáp ứng được hoàn cảnh chính trị, quân sự ngày một dành ưu thế cho phía Việt Minh.
Cần nhắc lại câu chuyện từ đầu một lần nữa để hiểu rõ cội nguồn là kể từ khi Bảo Đại về nước trong cương vị Hoàng Đế, Bảo Đại đã có ý hướng muốn canh tân xứ sở. Nói theo ngôn ngữ của Bảo Đại là những tentatives de réformes. Những toan tính cải tiến này không có ý cải tiến chế độ mà chỉ nhằm cải tiến nhân sự, theo nghĩa thay lớp quan lại cũ bằng những lớp thanh niên trẻ, học thức, nhất là có tây học. Nhưng vì 10 năm ở bên Tây, Bảo Đại không có được những quan hệ quen biết cần thiết để thành lập một chính quyền theo ý muốn.
Trong những quan lại cũ có Nguyễn Hữu Bài đã trung thành phục vụ dưới ba triều vua kế tiếp và rất được lòng Hoàng Thái hậu, vợ của vua Đồng Khánh. Bà là người tháo vát đã chuẩn bị cho sự trở về của nhà vua và chọn sẵn một số người trẻ qua trung gian Nguyễn Hữu Bài. Và người thứ ba trong nhóm này là ông Jean François Eugène Charles, Khâm sứ Trung Kỳ từ 1913 đến 1920. Ba người này đã giúp Bảo Đại chọn được những người trẻ học thức xứng đáng với tài năng và sự hiểu biết của họ.
Người thứ nhất được chọn là Nguyễn Đệ, một trí thức công giáo như Nguyễn Hữu Bài. Tuy nhiên, dù Nguyễn Đệ là một trí thức tây học đi nữa, việc chọn ông cũng vẫn theo thói thường phải có gốc gác. Mặc dầu là người Bắc, tây học, chuyên môn về kinh tế, nhưng lý do chính là mẹ của Nguyễn Đệ lại là người làm việc dưới trướng của Hoàng Thái Hậu. Việc ông được chọn làm thư ký riêng, thân cận với Hoàng Đế là một tước vị cao quý, không dễ mấy người có được. Nguyễn Hữu Bài cũng ủng hộ việc tiến cử Nguyễn Đệ của Hoàng Thái Hậu.
Phần ông Jean François Eugène Charles, tiếng là người của Tây, nhưng xét cả cuộc đời ông, ông dành để phục vụ chăm sóc, hướng dẫn cho Bảo Đại, gián tiếp phục vụ cho quyền lợi của Triều Đình Huế. Khi đưa Bảo Đại về Việt Nam, ông đã ở lại Việt Nam hơn một năm để giúp nhà vua trong việc triều chính. Chính ông là người đề nghị thay Nguyễn Hữu Bài bằng Phạm Quỳnh, một trí thức tự học, một nhà báo, một học giả có khuynh hướng thân Tây phương. Phạm Quỳnh tỏ ra một công thần tận tụy và trung thành với nhà vua trẻ và được Bảo Đại trao phó công việc giám đốc nội các, chức vụ tương đương hàng Bộ Trưởng.
Cả hai người mới được đề cử này đều không có quan hệ với hệ thống quan lại cũ. Phải chăng đây là cuộc cải tổ mang tính chất thật sự đổi mới?
Người thứ ba được đề cử là Ngô Đình Diệm. Người đề cử ông Diệm hẳn là Nguyễn Hữu Bài. Trước khi rút lui về hưu, ông Nguyễn Hữu Bài đã chọn sẵn một người mà dưới mắt ông là con người đắc dụng. Có thể nói đó là con bài tẩy của ông cựu Thượng Thư với sự nghiệp suốt cả đời tận tụy với triều đình đã kiếm người thừa kế mình! Ông Ngô Đình Diệm vốn chỉ là tuần phủ Phan Thiết, được gọi về làm Thượng thư bộ lại đồng thời kiêm nhiệm chức vụ mà ít người lưu tâm tới: làm Thư ký Ủy Ban ban hỗn hợp Việt-Pháp trong việc cải tổ hành chánh.
Đây là một công tác quan trọng giúp cải thiện bộ mặt Hành chánh nhằm cải thiện chế độ quan lại của Triều đình vốn hữu danh vô thực.
Hãy đọc nhận xét của chính Bảo Đại viết về con người Ngô Đình Diệm như sau đây:
“Xuất thân từ một gia đình quan lại, anh là Tổng Đốc Hội An, Diệm 31 tuổi là mẫu người công giáo có cá tính, nổi tiếng về sự thông minh và sự trung thành trọn vẹn. Đó là một người quốc gia bảo thủ.”
Tiếp theo, Bảo Đại viết:
“Tôi tin tưởng vào cặp Phạm Quỳnh-Ngô Đình Diệm. Nhưng Diệm chỉ chấp nhận chức vụ Thượng thư với điều kiện cải tổ xã hội Việt Nam, tiếng tăm là người có cá tính nên tôi tin tưởng Diệm sẽ làm nên chuyện.”
(S.M. Bao Daï, Le Dragon d’Annam, Plon, 1980, trang 37-39)
Có thể ở vào thời điểm ấy, đã không thể có một vị Thượng Thư nào có đủ can đảm và tầm vóc chỉ nhận nhiệm vụ với điều kiện có thể cải tổ được hành chánh.
Tham vọng của Ngô Đình Diệm thật sự quá lớn vượt tầm tay của một quan chức Việt Nam, dù là một Thượng Thư. Bởi vì người Pháp cố tình không muốn có bất cứ cải tổ nào khác đụng chạm đến quyền lợi và cơ chế của họ. Sự bất bình đẳng về mặt hành chánh đã kéo theo nhiều tệ hại lạm dụng chức quyền để cân bằng về bổng lộc thiếu hụt của các quan lại Việt Nam.
Và vì thế, chỉ sau gần 5 tháng ở chức vụ, từ 8 tháng 4, vào tháng 9-1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy bất cứ một hỗ trợ nào từ phía Bảo Đại cũng như Phạm Quỳnh, ông gặp Bảo Đại và xin từ chức mặc dầu với sự nài kéo của Bảo Đại yêu cầu ông ở lại chức vụ.
Việc từ chức của ông Ngô Đình Diệm đã nâng cao uy tín chính trị và được coi là một người quốc gia chân chính. Nó cũng khẳng định ông như một chính trị gia có lập trường cứng rắn biết từ chối danh vọng, quyền lợi nhưng không có nghĩa là ông không có nhiều tham vọng.
Phần Nguyễn Đệ, khi biết Ngô Đình Diệm từ chức, ông cũng xin từ chức theo. Phải chăng giấc mơ cải cách của Bảo Đại trở thành vô thực với sự ra đi của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ? Khoảng trống ấy làm Bảo Đại như bị hụt hẫng. Phạm Quỳnh nay thay thế vai trò của Ngô Đình Diệm hẳn trở thành một thứ tay sai dễ bảo của người Pháp.
Kinh nghiệm của Ngô Đình Diệm với vua Bảo Đại là sau đó còn bị thu hồi mọi phẩm trật để lại một niềm đắng cay khó quên. Không lạ gì sau này ông đi tìm một minh chủ là Cường Để? Cường Để được người Nhật hỗ trợ và trở thành một lá bài sáng giá của triều đình nhà Nguyễn trước thế chiến hai.
Sự tuyệt vọng đối với giải pháp Bảo Đại năm 1950 của Ngô Đình Diệm
Mối quan hệ giữa đôi bên càng trở nên căng thẳng vì Ngô Đình Diệm đôi lần đã công khai bày tỏ sự bất mãn với những quyết định của Bảo Đại. Những năm 1950-1951 là những năm biến động nhất đối với cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Việt Minh càng tỏ ra hung hãn trong các cuộc tấn công trực diện với người Pháp mà đằng sau họ là sự hỗ trợ không điều kiện của cộng sản Tàu.
Sau những cố gắng khởi sắc của De Lattre như trong các chiến dịch Vĩnh Yên, 1951, Mao Khê-Đông Triều, 1951, Ninh Bình, 1951, Nghĩa Lộ, 1951 đã đánh trả và phá vỡ được các cuộc tấn công của Việt Minh và chiếm lại vị thế chủ động trong các trận đánh ở Sơn Tây, Phủ Lạng Thương, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Lu, Phong Thổ, Lục Nam, Đông Triều, Gia Lộc, Hải Dương, Phủ Lý, Nam Định, Vĩnh Ninh, Trà Lý, Thái Bình và nhất là Hòa Bình.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm trời, danh tướng De Latre đã làm nên chuyện lớn cho Pháp. Sự ra đi đột ngột vì bệnh của vị tướng lừng danh làm cục diện cuộc chiến xoay chiều, đem lại nhiều bất lợi cho quân đội Pháp. Salan rồi Henri Navarre cũng không làm nên chuyện. Lần lượt 6 vị tướng thay thế nhau để rồi kết thúc một cách nhục nhã ở Điện Biên Phủ.
Phần người Pháp vẫn tỏ ra không biết điều, thiếu thực tâm, không muốn trao trả thực sự nền độc lập cho Việt Nam, vẫn một mực bám víu vào một giải pháp Bảo Đại vốn thực chất chỉ có giá trị trên giấy tờ.
Vì thế, những thành phần công giáo bảo thủ vẫn kiên định giữ lập trường chống người Pháp lẫn cả Việt Minh cộng sản. Giới công giáo có thể đồng thuận với nhau về việc chống cộng sản Hồ Chí Minh, nhưng lại có nhiều chia rẽ và bất đồng trong việc ủng hộ giải pháp Bảo Đại.
Ngô Đình Diệm là một trong số những lãnh đạo công giáo không chấp nhận giải pháp Bảo Đại. Nhưng vào năm 1950, có một số cường quốc nhìn nhận chính quyền do Bảo Đại câm đầu và nhất là sự nhìn nhận bán công khai của Tòa Thánh Vatican đối với chinh quyền Bảo Đại.
Bảo Đại đã đi tìm sự hỗ trợ của Vatican bằng cách gửi Nguyễn Đệ sang Vatican, Nguyễn Đệ được Giáo Hoàng tiếp kiến và chụp hình kỷ niệm. Và bức hình với vị Giáo Hoàng được gián tiếp coi như được sự công nhận của Vatican. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết đưa đến sự nhìn nhận của đa số thành phần giáo dân Thiên Chúa giáo Việt Nam. Sau chuyến đi chuẩn bị của Nguyễn Đệ, chính bản thân Bảo Đại và gia đình cũng được triều kiến Giáo Hoàng vào ngày 4-9-1950.
Nhưng lập trường của Vatican chỉ thực sự thuận lợi cho Việt Nam khi có chuyến viếng thăm Rome của Đại tướng De Lattre cùng gia đình. Uy tín của De Lattre đủ để Vatican nhượng bước. Vẫn theo De Lattre thời giờ đã không cho phép người công giáo Việt Nam ở thế chờ đợi nữa (position d’expectative).
Có thể vì thế, trong thành phần chính phủ Bảo Đại ngày 18 tháng 1 năm 1950, đã không có một lãnh đạo công giáo nào tham gia trong chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Phan Long. Vì thế chính phủ này chỉ tồn tại không quá 6 tháng để một lần nữa thay thế bằng chính phủ Trần Văn Hữu vào ngày 6 tháng 5, 1950.
Việc thành lập các chính phủ thời Quốc Trưởng Bảo Đại đều có thói quen cố hữu là cân bằng người địa phương cho mỗi vùng.
(Theo Đoàn Thêm trong sách Những ngày chưa quên: Chính phủ Bảo Đại gồm 16 vị thì có 9 Nam, 6 Bắc, 1 Trung. Chính phủ Nguyễn Phan Long có 8 Nam, 3 Bắc, 1 Trung. Chính phủ Trần Văn Hữu, lần thứ nhất có 5 Nam, 4 Bắc. Chính phủ Trần Văn Hữu lần thứ hai, 9 Nam, 6 Bắc. Chính phủ Trần văn Hữu lần thứ ba: 9 Nam, 2 Bắc, 1 Trung. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm 1: 6 Nam, 6 Bắc, 2 Trung. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm 2: 8 Nam, 4 Bắc, 2 Trung. Chính phủ Bửu Lộc: 7 Bắc, 6 Nam, 1 Trung.)
Từng ấy chính phủ trong thời gian khoảng 1948-1954, 6 năm, là dấu hiệu bất thường. Chưa kể phải cải tổ nội các nhiều lần liên tục cho thấy các chính phủ ấy không đáp ứng được tình thế. Và như thường lệ Bảo Đại ở rất xa trung tâm quyền lực. Có lẽ Việt Nam là trường hợp ngoại lệ duy nhất trên thế giới mà người lãnh đạo luôn luôn vắng mặt.
Thủ đô là ở Sài Gòn. Ngoại giao đoàn ở Sài Gòn. Các cơ quan công quyền đều nằm ở Sài Gòn. Dân có việc thì trình tấu ở đâu? Lễ lạc hàng năm ai chủ tọa? Các đại sứ ngoại quốc muốn trình quốc thư chắc phải làm một cuộc du ngoạn leo núi?
Đây là một sự bất bình thường đến không hiểu được; vậy mà tình trạng ấy được mọi người chấp nhận như thể tự nhiên. Không một ai liên tiếng, không một ai phản đối. Cùng lắm một vài dư luận xì xào to nhỏ!
Phía chính phủ nhiều người Nam toàn những tên tuổi như André, Jacques, những Pierre, những Paul nhiều khi nói tiếng Việt chưa rành hay tiếng Việt pha chế tiếng Pháp, toa, moa loạn xạ. Có thể hy vọng gì vào đám người này mà trong đầu lúc nào cũng toan tính một đất Nam Kỳ tự trị? Khi có biến thì đồng loạt dông, bỏ của chạy lấy người?
Đến khi cần lập nội các thì nhớ tới những người quen biết sẵn trên sân quần vợt, trong sòng bài, một số liên hệ bà con, một số vị có chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ, v.v.
Liệu một chính phủ với thành phần chắp vá như thế thì làm được gì?
Và trong nhiều tình huống, nếu làm việc không vấp váp gì thì được lưu nhiệm trong hai ba đợt cải tổ. Như trường hợp luật sư Vương Quang Nhường được lưu nhiệm đến bốn lần cải tổ chính phủ! Đặng Hữu Chí, Hoàng Cung, Nguyễn Thành Giung lưu nhiệm đến ba đợt cải tổ chính phủ.
(Đoàn Thêm, ibid., trang 204)
Ông Đoàn Thêm là người cả đời làm việc hành chánh nên nhìn thấu rõ mọi thiếu xót, kẽ hở. Nước ta không có thứ chính trị gia đảm nhiệm công việc mà chỉ có các công chức làm công việc hành chánh!
Việc nước mà như thể việc trò đùa, không chương trình, không kế hoạch, gặp đâu làm đến đó. Chính Quốc Trưởng khi quyết định cải tổ chính phủ cũng không thể đưa ra đường lối, kế sách rõ rệt. Mỗi lần cải tổ chính phủ là do áp lực của tình thế, áp lực của Tây, áp lực của đảng phái!
Cải tổ là để làm vừa lòng người khác như cải tổ nhân sự chứ không phải để nhằm cải cách, thay đổi chính sách, thay đổi chiến lược.
Sự không có mặt người công giáo là do phía công giáo cấp tiến có khuynh hướng ngả theo Việt Minh và cả phía công giáo bảo thủ quốc gia cực hữu (ultranationalisme). Nói cho đúng, có đến ít ra là ba khối công giáo theo thứ tự sau đây: Bảo thủ quốc gia cực hữu chiếm đa số với Ngô Đình Diệm và nhóm Bùi Chu, Phát Diệm với Lê Hữu Từ với một lập trường cứng rắn không khoan nhượng, không thỏa hiệp với Pháp. Nhóm thứ hai sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để chống cộng sản và với sự hỗ trợ đông đảo của giới thừa sai Pháp. Nhóm nhỏ khác, phần lớn ở miền Nam chấp nhận đi theo Việt Minh và họ bị cộng sản đồng hóa vào con đường chống Pháp.
Nhưng nhóm quốc gia cực đoan bảo thủ càng ngày càng bị cô lập khi mà Giám Mục Lê Hữu Từ cũng ngả về phía Bảo Đại, nhận tiền từ Bảo Đại. Giám Mục đã gửi Lê Quang Luật đi gặp Ngô Đình Diệm và sau đó Lê Quang Luật đã làm phúc trình việc gặp gỡ Ngô Đình Diệm đã không đem lại kết quả gì:
“Ngô Đình Diệm cho Lê Quang Luật thấy không có chút hy vọng gì cho thấy ông Diêm ra khỏi thái độ chờ thời và nhờ đó có thể thay đổi quan điểm chính trị của ông Diệm.” Cũng theo Lê Quang Luật, Diệm bày tỏ thái độ ghét cay ghét đắng Bảo Đại vì tính khí yếu hèn và bất định của Bảo Đại. Nếu Diệm nắm quyền hành, ông sẽ tiến hành cuộc chiến đấu chống lại cộng sản đến cùng mà trong đó phải được sự hỗ trợ toàn diện của Bảo Đại. Vậy mà sự hỗ trợ này đã không có. Diệm không muốn tham gia chính quyền chỉ vì những xác tín chính trị của ông mà thôi.”
(Tran Thi Lien, “Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance (1945-1954) entre la reconquête Coloniale et la résistance Communiste, 1996”. Fiche entretien avec Le Quang Luât le 23/3/1950, peu après son retour de Saigon.)
Xác tín chính trị của Ngô Đình Diệm là Viet Nam phải được một quy chế như Ấn Độ trong khối thịnh vượng chung để ông có thể chấp nhận tham gia chính quyền. Vậy mà Diệm không thấy bất cứ dấu hiệu gì của người Pháp cho thấy trong thực tế hoặc trong những cuộc thương lượng với người Pháp. Nhưng Diệm vẫn hy vọng trong tương lai dành được độc lập để chống lại cộng sản với sự trợ giúp của ngoại quốc như của Pháp và nhất là của Mỹ như sau này.
Nhưng sau cuộc gặp mặt với Ngô Đình Diệm, Lê Quang Luật không dám dứt khoát không ủng hộ Ngô Đình Diệm hay ủng hộ quan điểm của GM Lê Hữu Từ. Luật giữ thái độ nước đôi. Phần Ngô Đinh Diệm đã dứt khoát gạt bỏ Lê Quang Luật và chọn Trần Trung Dung, đại diện Ngô Đình Diệm ở phía Bắc.
Riêng GM Lê Hữu Từ sau 1954, lúc di cư vào Nam Ngô Đinh Diệm cũng đã giữ một khoảng cách xa với vị GM này. Tất cả những toan tính chính trị theo tinh thần tự trị như lúc còn ở Phát Diệm của vị GM kể như bị vô hiệu hóa. Vị giám mục nhiệt thành, đạo đức, chống cộng hàng đầu, nổi tiếng một thời đã không có chân đứng trong 9 năm cầm quyền của ông Diệm.
Theo thiển ý, ông Diệm có thể dùng những người cựu kháng chiến trong những chức vụ chủ chốt như trường hợp Trần Chánh Thành, Phạm Ngọc Thảo và nhiều người khác. Những người dù từng là đồng chí với ông mà theo Pháp đều bị loại trừ. Đó là trường hợp Lê Quang Luật, Trần văn Lý ở miền Trung và nhiều người khác. Sự loại trừ có hệ thống ấy nhiều người chê trách ông Diệm là không có thủy chung với bạn bè, đồng chí cũ.
Mặc đầu không có sự có mặt của giám mục nàyLê Hữu Từ bên cạnh chính phủ Diệm, không vì thế sự ủng hộ của khối người công giáo di cư bị sút kém đi .
Phần ông Diệm có phần bị hụt hẫng, bị cô lập vì lập trường cứng rắn của ông và mất chân đứng như sự nhận xét của một số lãnh đạo công giáo, đặc biệt Lm. Hàm đã đặt câu hỏi: Liệu ông Ngô Đình Diệm có còn giữ được mức độ khả tín đối với đa số giới công giáo hay không? Lm Hàm sau này vì có một số hành động thông đồng quá lộ liễu với người Pháp nên cũng bị chính GM. Lê Hữu Từ loại bỏ, buộc phải đi ra ngoại quốc, sang Anh, rồi định cư ở Canada trước 1954 và không bao giờ có cơ hội về lại Việt Nam từ năm 1954-1975.
Cuối cùng ông Ngô Đình Diệm chỉ còn có một số nhân vật ở Bắc Kỳ như Trần Trung Dung, Nguyễn Xuân Chữ ủng hộ ông.
(Ông Trần Trung Dung là một trí thức trẻ, nhà báo của tờ Thời Báo. Ông đại diện cho Ngô Đình Diệm tại Bắc Kỳ và là một thành phần Quốc Gia cực đoan. Ông từng tuyên bố, ông và các đồng đội của ông làm bất cứ điều gì mà ông Ngô Đình Diệm ra lệnh. Bởi vì ông tin tưởng hoàn toàn vào lòng ái quốc và khả năng của ông Diệm. Sau này, đã có lúc ông làm Bộ Trưởng Bộ Quốc|Phòng thời ông Diệm.)
Nhiều người cũng đã thất vọng trong đó có một số người Mỹ khi thấy Ngô Đình Diệm đã từ chối không tham gia chính phủ kế nhiệm Nguyễn Phan Long mà sau đó Bảo Đại đã chọn thay thế bằng Trần Văn Hữu, một con bài của Nam Kỳ thân Pháp.
Trong một phúc trình của Mỹ có ghi lại như sau về việc ông Diệm không có trong danh sách thủ tướng.
“Người lãnh đạo của khối công giáo là Ngô Đình Diệm đã có một uy thế chính trị lớn và trải rộng cộng với uy tín nổi tiếng là người liêm khiết đã tỏ ra cố chấp trong những đòi hỏi của ông ta và trong các cuộc thương thảo với Bảo Đại và chính phủ Hữu.”
(Tran Thi Lien, ibid., Trang 368 — The Minister at Saigon (Heath) to the Secretary of State (Acheson) Saigon, April 3, 1951, p.413.)
Chính vì thế, sau thất bại cộng tác với Bảo Đại, ông Diệm không còn con đường nào khác, đã chọn con đường lưu vong như một giải pháp tối ưu để có thể tìm được sự hỗ trợ của Quốc tế.
Tình trạng Quốc Gia Việt Nam vào những năm 1950
Sự ra đi của ông Ngô Đình Diệm sau khi Bảo Đại ký Hiệp Định Élysée ngày 8 tháng 3,1949 mà Ngô Đình Diệm coi như một sự đầu hàng của Bảo Đại trước người Pháp. Ông Diệm đã công khai lên án và coi như cắt đứt mối liên lạc với Bảo Đại.
Phần Bảo Đại tự coi như sứ mạng dành lại độc lập cho đất nước đã xong. Hay ít ra ông cho rằng đây là bước khởi đầu cho tiến trình dành độc lập. Tuy nhiên, khi nghe tin De Lattre De Tassigny chết ngày 11-1-1952, Bảo Đại đã mất hết mọi hy vọng cho một nền hòa bình cho Việt Nam. Ông viết trong Hồi ký:
“Sau cái chết của Đại tướng , tôi có cám tưởng hòa bình chỉ còn là một hy vọng hão huyền.”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 293)
Tình trạng Quốc gia Việt Nam từ trong Nam ra Bắc trong giai đoạn này ít có sách vở đề cập chi tiết một cách đầy đủ.
Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ khi nhìn vào cảnh hồi cư từ năm 1947, khi Pháp đã mở rộng được các khu vực bình định. Người ta thấy có khởi sắc và hy vọng. Đời sống sinh hoạt của người dân có phần nhộn nhịp hơn cả thời 1945. Điều này có thể cắt nghĩa được vì các thành phố và thị trấn đã được bình định như ở Trung Châu Bắc Việt và Trung bộ đã tạm yên. Trong Nam thì tương đối ổn định hơn vì Việt Minh vốn yếu, thiếu hậu cần tiếp liệu.
Lực lượng chính quy của Việt Minh đã bắt buộc rút vào chiến khu để bảo toàn lực lượng khiến đời sống dân chúng có thể tạm an tâm lo buôn bán làm ăn. Có thể nói, nơi nào được bình định nơi đó sung túc theo nghĩa chiến tranh nuôi dưỡng chiến tranh. Các cơ sở kinh danh, các xí nghiệp của người Pháp, người Tàu và người Ấn Độ lại được dịp xây dựng và phát triển.
Các cửa hàng đủ loại đầy ắp hàng hóa sản xuất trong nước cũng như nhập cảng cung cấp cho nhu cầu của người dân. Các tiệm ăn, rạp hát đầy ắp người ra vào, ăn uống.
Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là bề mặt của sự phồn thịnh. Nó chỉ giúp tạo ra cảm giác an bình nhất thời cho người dân. Nó cũng cho thấy chọn lựa giữa Việt Minh và Quốc gia quả đã rõ ràng. Không ai còn ngu dại gì đi theo Việt Minh.
Cái khó nhất của chính quyền quốc gia là thiếu ổn định về mặt hành chánh và chính trị. Việt Nam có ba kỳ thì mỗi kỳ có hội đồng địa phương, chính phủ địa phương do một tổng trấn cai quản. Sự phân biệt ra ba kỳ rất rõ rệt tượng trưng bằng lá cờ vàng có ba vạch đỏ.
Chính phủ Trung ương do Bảo Đại chọn lựa đều nằm ở Nam Kỳ. Làm thế nào chính phủ Trung ương có thể điều hành các địa phương do có nhiều cơ quan chòng chéo lên nhau?
Vì thế, điều mâu thuẫn trái khoáy, phi lý là các vị Tổng trấn quyền hành bao quát cả một Phần vượt lên trên quyền hành của các Tổng trưởng? Điều này có khác gi thời kỳ Pháp thuộc, các vị Thống sứ, Khâm sứ mạnh hơn quan Toàn Quyền ở Trung ương?
Các vị Thủ tướng như Nguyễn văn Xuân, Trần văn Hữu, v.v. hầu như chỉ thực sự quản lý hành chánh ở phía Nam. Đã thế còn bị nghi kỵ là thân Tây, từng có vợ Pháp và được Pháp ưu đãi trọng vọng. Nhiều người vẫn có cảm tưởng đất Nam Kỳ là vùng đất tự trị của Pháp.
Cho nên việc chọn lựa các vị thủ tướng có khuynh hướng thân Tây là một sự yếu kém thấy rõ của Bảo Đại.
Các chức vụ chọn người đều dựa trên chuyên môn của từng bộ một cách không hợp lý. Y tế thì phải là một bác sĩ. Bộ Tư Pháp thì phải là một luật sư, Kinh tế thì phải một giáo sư, giáo dục cũng là một giáo sư.
Không lạ gì sau này thời ông Ngô Đình Diệm, người ta trình đưa lên ông Ngô Đình Nhu một vài trăm các chính khách tên tuổi, nghề nghiệp cùng địa chỉ với các chức danh như thương gia, luật sư, nghiệp chủ, y sĩ và thân hào. Ông Ngô Đình Nhu muốn biết rõ về năng lực và phẩm cách của của nhiều người để khi cần thì yêu cầu giữ những chức vụ quan trọng hoặc tham gia chính phủ. Nhưng những vị trên thật sự không đáp ứng nổi vai trò chính trị cho mỗi bộ ngành.
Sau khi xem danh sách và bình nghị như trên, ông cố vấn chỉ cười, “Chúng ta chỉ có những con người mà lịch sử cho chúng ta.” (Nous n’avons que des hommes que nous donne l’histoire). (Đoàn Thêm, ibid., trang 211)
Lập trường và viễn kiến chính trị của Ngô Đình Diệm khi ở ngoại quốc
Việc đi ra nước ngoài của Ngô Đình Diệm là một ngã rẽ chính trị cũng như một quyết định quan trọng trong cuộc đời làm chính trị của ông. Ở trong nước, ông bị kẹt giữa giữa hai thế lực: Việt Minh cộng sản mà đằng sau là cộng sản Tàu và Nga. Phía bên kia là thực dân Pháp với những người Quốc gia và công giáo đã ngả theo Pháp, hay nói đúng hơn giải ngả theo pháp Bảo Đại.
Có thể vì thế, gọi lập trường của ông Diệm là lập trường thứ ba: Không theo Pháp cũng như chống Việt Minh. Chọn lựa này có thể tiêu biểu bằng con số 60.000 nguời chạy về ẩn náu tại vùng Phát Diệm nam 1946.
Lập trường của ông Diệm đẫ được cựu hoàng Bảo Đại ghi lại trong Hồi Ký của ông như sau:
“Diệm là người phản đối mạnh mẽ nhất. Đối với Diệm, những nhượng bộ của Pháp rõ ràng không đủ khi hạn chế chủ quyền của Quốc Gia bằng cách sát nhập vào Liên Hiệp Pháp. Đối với ông ta, đó là những đề nghị sai lệch. Trần Văn Lý cũng chia sẻ quan điểm của Ngô Đình Diệm. Cả hai đã bị ảnh hưởng bởi các diễn biến của các phong trào giải thực đang diễn ra đồng thời tại Ấn Độ và Miến Điện và họ đã đưa ra một chương trình nhờ đó cho phép Việt Nam có quy chế tự trị Dominion. (Quy chế tự trị trong Liên Hiệp Anh). Đối với họ, đó là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được với những người Quốc Gia Việt Nam”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 198-200)
Với Diệm, “chúng ta chỉ có một thái độ: Chờ Đợi”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 198)
Vì thế, khi sang Nhật cùng với người anh của ông, qua lời tuyên bố rõ rệt của TGM Ngô Đình Thục ở Osaka đã gói ghém trọn vẹn, nói thay cho quan điểm chính trị của Ngô Đình Diệm:
“Nhân dân Việt Nam không muốn Bảo Đại cũng như Hồ Chí Minh, nhưng nhân dân Việt Nam mong muốn có một nền độc lập trọn vẹn do người Pháp trao lại. Sẽ không cần một Hồ Chí Minh và hòa bình sẽ được ngự trị trên đất nước Việt Nam nếu người Pháp thuận trao trả độc lập cho Việt Nam.”
(Political views of Ngo Đinh Thục, Catholic Bishop of Vinh Long le 18/6/1950 trong Foreign relations of the US, 1950, Vol VI (Gullion) to the Secretary of State, Saigon, june 23, 1950. Trich lại trong Trần Thị Liên, ibid., trang 364)
Đây có thể là lần đầu tiên, anh em ông Ngô Đình Diệm bày tỏ công khai chống Bảo Đại.
Phần Ngô Đình Diệm, ông cũng đã nhắc lại giải pháp mà người Mỹ đã dành cho Phi Luật Tân. Ngày 21/9/1950, trong cuộc tiếp xúc với William S.B. Lacy, ông Diệm yêu cầu người Mỹ viện trợ trực tiếp cho Việt Nam qua lời tuyên bố như sau:
“Diệm bày tỏ công khai lập trường của ông và đã gây ấn tượng trong chính giới Mỹ khi ông yêu cầu người Mỹ cung cấp vũ khí cho quân đội của công giáo, Diệm có ý ám chỉ dân quân công giáo ở trong vùng Phát Diệm. Ông cũng cho biết còn có một lực lượng công giáo nữa ở Huế-Tourane từ năm 1947, (Lực lượng công giáo của Trần Văn Lý) nhưng lực lượng này đã bị phân tán vì không được sự yểm trợ tài chánh của người Pháp vì chính những thành quả tốt đẹp của họ.”
Diệm cũng không quên nhắc nhở lại người Mỹ đến những thành quả tốt đẹp mà họ đã làm ở Phi Luật Tân và Nam Dương. Diệm nói thêm:
“Người Pháp phải trao trả hoàn toàn quyền kiểm soát xứ Nam Kỳ cho Việt Nam. Bởi vì người Pháp không có khả năng phân biệt những người Việt Nam theo cộng sản và người Việt Nam không cộng sản, điều mà người Việt Nam có thể chính họ có thể phân biệt một cách dễ dàng, đặc biệt là ở Nam Kỳ. Ông Diệm còn cho biết chính ông cũng có trong tay một danh sách những người cộng sản nguy hiểm và quan trọng nhất ở đó. Diệm nói tiếp, một khi người Việt Nam có thể kiểm soát được Nam Kỳ thành công, những người Pháp sẽ phải rút ra khỏi xứ Nam Kỳ và ở lại Bắc Việt, ở đó, quân đội Pháp trở thành một chốt then chốt chống lại sự xâm lấn của Tàu cộng. Diệm tiếp tục nói: sau khi miền Nam đã được bình định, vấn đề Bắc Việt sẽ được xem xét lại.”
(Tran Thi Liên, ibid., trang 365)
Trong đoạn văn trên cho thấy, Ngô Đình Diệm không muốn gạt bỏ 100% vai trò người Pháp trong cuộc chiến. Điều quan trọng hơn cả, ông đã nhìn thấy trước những nỗi hiểm nguy trước sự đe dọa của Tàu cộng, điều mà Bảo Đại hầu như chưa quan tâm đến cho đủ.
GM. Ngô Đình Thục hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Ngô Đình Diệm và nói thêm rằng nước Mỹ có bổn phận theo dõi và làm áp lực trên nước Pháp để họ tuân thủ những điều đã được thỏa thuận ở điện Elyssée, ngày 8-3.
Khi đến Mỹ vào năm 1951, ông Ngô Đình Diệm lại có dịp một lần nữa tái xác nhận những quan điểm chính trị của ông. Nhưng nay với một thái độ từ tốn hơn. Trong dịp trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ D. Acheson vào ngày 15-1-1951, ông Diệm tỏ ra mềm dẻo hơn khi phát biểu:
“Lần này, Diệm phát biểu với một thái độ ôn hòa hơn lần trước. Hình như ông cảm thức được mối đe dọa nặng nề của Tàu cộng và cảm thấy có thể chấp nhận được quan điểm tự chủ dành cho các quốc gia trong khối liên hiệp ở Pau. Trong các cuộc trao đởi không còn có những quan điểm bài Pháp một cách lộ liễu như trong các cuộc trao đổi trước đây.”
Phúc trình của Acheson có nhắc tới việc Diệm có gửi một thư cho Bảo Đại qua trung gian Thủ Hiến Nam Phần Nguyễn Trung Vĩnh trong đó có nội dung như sau:
“Đối diện khủng hoảng mà đất nước đang gặp phải hôm nay, ông Diệm sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm chức vụ Thủ tướng và thành lập một một chính quyền mới với điều kiện Bảo Đại dành cho chính phủ Trung Ương nhiều quyền hành rộng rãi hơn và tránh tình trạng dễ dãi với các chính quyền của các phần đưa đến tình trạng lấn quyền tại các nơi ấy.”
(The Secretary of State (Acheson) to the legation at Saigon, Ocober 25-1950, p.909-910. Trích lại trong Tran Thi Liên, ibid., trang 366)
Diệm đã đề nghị với Bảo Đại như thế và tiếp tục ở lại Mỹ chờ đợi sự hồi đáp của Bảo Đại.
Đại diện chính phủ Mỹ ở Viêt Nam đã rất chú ý đến những đề nghị của Ngô Đình Diệm qua người đại diện là ông Gullion. Tuy nhiên, đại diện tỏ ra bi quan về sự có thể tìm ra một giải pháp có thể thỏa thuận được giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Chuyện hầu như không thể xảy ra. Bản Phúc trình nhận xét:
“Sự quyết tâm của Ngô Đình Diệm sẵn sàng tham gia là một dấu hiệu tích cực và khích lệ trong tiến trình từ thái độ chờ thời và có tính cách bè phái. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của ông ta và thấy rằng chính quyền Trung ương phái được củng cố thêm. Giám Mục Chi có cho biết Bảo Đại Đại đã tiếp nhận được lá thư của Ngô Đình Diệm. GM Chi nhận thấy Bảo Đại như chưa muốn trả lời Ngô Đình Diệm. Dù thế nào thì thành phần trong chính phủ hiện thời cũng sẽ có sự tham dự của một vài người công giáo. Và người ta cũng nhận thức được là có sự ác cảm cực lớn của Bảo Đại đối với Ngô Đình Diệm- căn cứ trên những sự giao tiếp từ xa xưa giữa hai người. Thái độ khinh bỉ dai dẳng của Diệm đối với cựu hoàng đã thêm vào chuyện cựu hoàng đã từ chối không mời Ngô Đình Diệm mỗi lần lập chính phủ.”
(The Secretary of Stae, ibid., trang 366)
Phần quan điểm của người Mỹ thì họ chấp nhận một chính quyền đoàn kết quốc gia trong đó với nhiều thành phần công giáo là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, người công giáo là thiểu số chỉ chiếm 10% dân số. Nếu để người đứng đầu chính phủ là một người công giáo thì điều đó tỏ ra thất lợi vì nó làm thay đổi toàn bộ hình ảnh về một chính quyền quân sự và chính trị. Người ta nghĩ đến việc thành lập một chính phủ với Bảo Long đứng đầu mà đằng sau có Hoàng hậu Nam Phương công giáo và Hoàng thân Cường Để.
Nhưng chỉ riêng đối với viên đại sứ mới, ông D. Heath có một ý hướng rõ rệt cổ võ cho lá bài Ngô Đình Diệm trong vai trò Thủ tướng. Bởi vị thành phần chính phủ Trần Văn Hữu ngày 18-2-1951 đã làm người Mỹ thất vọng không ít. Mình Trần Văn Hữu đã đảm trách 4,5 chức vụ chủ chốt. Đó là thông lệ xấu. Chẳng hạn chính phủ Nguyễn Phan Long kiêm ngoại giao với nội vụ, Trần Văn Hữu kiêm Quốc Phòng với ngoại giao rồi cả nội vụ và tài chánh. (Đoàn Thêm, ibid., trang 202)
Chính phủ Trần Văn Hữu dựa hơi người Pháp với 14 trên 16 bộ trưởng gốc Nam mà không có sự tham gia của Đại Việt, VNQDD, công giáo hay giáo phái cũng như thành phần người quốc gia độc lập. Trong từng ấy khuôn mặt, không có khuôn mặt chính trị nào có tầm cỡ.
Và vị đại sứ Hoa Kỳ khẳng định rằng:
“Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh là người Việt Nam duy nhất có tư thế của một lãnh tụ có tầm vóc quốc gia. Và sau Hồ Chí Minh là Ngô Đình Diệm, nhà lãnh đạo công giáo hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ. Trong các công cuộc trao đổi ở Paris, ông Pignon, thủ tướng Pháp đi đến kết luận chỉ có một giải pháp duy nhất cho Bảo Đại là giao phó việc thành lập chính phủ cho Diệm. Ông Pignon còn nói thêm rằng hoàng thân Bửu Lộc, người đại diện cho Bảo Đại ở Paris, đã có những nhận định chính trị sáng suốt đáng nể cũng đã ngầm đồng ý với ý kiến của Pignon.”
(The Minister at Saigon ( Heath) to the Secretary State ( Acheson), Saigon, February 24, 1951, p.384. Tran Thi Lien, Ibid, trang 168)
Bảo Đại và Bảy Viễn
Riêng Bảo Đại, từ năm 1949-1950 có cơ hội cấu kết với tên trùm băng đảng Bảy Viễn, từng vượt ngục Côn Đảo nhiều lần và còn nợ chính quyền Nam Kỳ (Cochinchine) tám năm tù phải trả ngoài Côn Đảo. Vậy mà bảo Đại kết bạn đi săn, đi ăn uống, nhất là chia sẻ trai gái lẫn tiền bạc nên sẵn sàng nói người Pháp phong cho Bảy Viễn lên chức tướng.
Bảy Viễn nay oai phong, lẫm liệt, có mặt trong các cuộc duyệt binh chính thức với tư cách một viên tướng, có mặt trong các cuộc tiệc tùng, cai quản luôn các quân đội Cao Đài, Hòa Hảo.
Làm thế nào y đủ uy tín để điều khiển quân đội quốc gia mà tiền thân của y mọi người đều biết là một tên cướp? Dưới trướng của y có 3000 quân đội hộ vệ. Để có tiền chi phí, Bảo Đại đã giúp Bảy Viễn giành lại sòng bài Đại Thế Giới từ tay các tài phiệt người tàu từ Ma Cao sang làm ăn.
Đây là một sòng bài nổi tiếng toàn Châu Á đạt kỷ lục về số doanh thu kể từ năm 1946. Trong sòng bài có 50 căn nhà, được rào che chắn cẩn thận, mỗi nhà có 4, 5 sòng bài. Người ta chen chúc nhau vào chơi bài, sát phạt nhau mà thực tế người thua nhiều hơn người được. Bên cạnh đó còn có ba nhà hát, và hai rạp chiếu bóng, vũ trường với sàn nhảy rộng đến 300 mét vuông. Rồi còn những khu ăn chơi kín đáo hơn với các cô vũ nữ đủ loại, với các buồng ngủ như các lô cốt với cửa kính mờ.
Hàng tháng, Bảy Viễn nộp cho chính quyền 500.000 đồng bạc Đông Dương. Phần của Bảo Đại là 250.000 (tương đương 24 triệu franc theo giá hối đoái năm 1950) (Trích dịch tóm lược Pierre Darcourt, “Bay Vien, Le Maitre de Cho Lớn”, Hachette)
Ngoài Bảy Viễn còn có ba người thân cận bên cạnh Bảo Đại như những cố vấn là Hoàng thân Bửu Lộc, luật sư, Nguyễn Đệ, một triệu phú, con của cựu khâm sai, phó vương Bắc Kỳ và Phan Văn Giáo.
Phan Văn Giáo, gốc công giáo. Ông thiết lập một đội Bảo Vệ Đoàn do người Pháp trang bị súng ống. Do cái công trạng ít ỏi đó, ông yêu cầu Bảo Đại chức vụ Tham Mưu Trưởng quân đội Việt Nam. Và ông hy vọng với đám Vệ Binh Đoàn, ông sẽ chiến thắng Việt Minh tại các vùng Vinh và Thanh Hóa. Vậy mà đã được Bảo Đại phong Trung tướng để điều khiển 4 tỉnh miền Nam Trung Việt: Bình, Phú, Nam, Ngãi. Kết quả ra sao thì đã rõ. Và dưới thời chính phủ Trần Văn Hữu, ông được đề cử là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng! Người Pháp coi ông là một nhân vật then chốt trong guồng máy của Bảo Đại.“Người gần gũi” của Quốc Trưởng.
Đây là việc bổ nhiệm và phong tướng thật khác thường của Quốc Trưởng. Người Pháp không tin tưởng vào tư cách và tài cán của Phan văn Giáo. De Lattre không chấp nhận Phan văn Giáo trong vai trò Bộ trưởng Quốc Phòng trong nội các Trần văn Hữu và đề cử ông Nguyễn Hữu Trí.)
Vài dòng về nhân vật Nguyễn Đệ. Ông là người thân Pháp và được người Pháp kính nể. Có thể nhiều phần sau này do sự đề cử của Pignon mà Bảo Đại dùng Nguyễn Đệ.
Bảo Đại đã nhận xét về Nguyễn Đệ như sau:
“Từ hơn nửa thế kỷ nay, gia đình ông ta đã phục vụ một cách trung thành đầy nhiệt huyết các hoàng đế của triều Nguyễn. Ông đã chứng tỏ cho tôi thấy rằng một sự cộng tác đắc lực mà sự trung thành là điều không thể nào phủ nhận được. Ở mọi nơi, ông theo tôi như hình với bóng, thi hành những công việc rất là tế nhị và theo tôi rất là cực nhọc với một sự khôn ngoan khéo léo, tế nhị với một lòng trung thành qua mọi thử thách và với một nhân cách mà người ta có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của ông như mooijt vị thánh tử đạo đang vác Thánh Giá”
(S.M. Bao Daï, ibid., trang 258-259)
Thú thực tôi chưa từng được nghe một lời tán tụng nào của Bảo Đại đối với người cộng tác của ông như thế. Tôi cũng hiểu rất rõ những công tác bội bạc và tế nhị ấy là gì và Nguyễn Đệ đã thi hành một cách kín đáo và đầy lòng trung thành mà ngoài Bảo Đại ra, có thể bà Nam Phương biết được? Cũng như những người tình nhân nổi tiếng hay không nổi tiếng của Bảo Đại mới biết được?
Ngoài Bảo Đại, người Pháp cũng vinh danh ông với tước hiệu: “Commandeur de la légion d’honneur” do chính tay TT Pháp Vincent Auriol trao tặng. De Lattre De Tassigny trao tặng “Croix de Guerre”. (Tran Thi Lien, ibid., Interview avec Nguyen De, Saint Mandé, le 14-11-1989, trang 374)
Phần khác các chức sắc công giáo như Gm Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi đều khuyến khích ông tham gia chính phủ để giúp Bảo Đại. Việc dùng Nguyễn Đệ của Bảo Đại hẳn là không sai. Với tư cách là người công giáo, đã hai lần ông sang triều kiến Vatican và gặp các chức sắc ở đây nhằm mục đích chứng minh rằng chính quyền Bảo Đại là chính quyền duy nhất có thể ngăn chặn được cộng sản. Ông đã có dịp gặp các chức sắc như Hồng y Tardini, Constantini và Fumasoni cũng như Montini.
Ông đã được Giáo Hoàng Pius XII tiếp kiến ngày 28-3-1950 trong vòng một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, tại Giáo triều có linh mục Huy vốn theo quan điểm bảo thủ và cứng rắn của Ngô Đình Diệm cũng như của gm Lê Hữu Từ hẳn đã là ráo cản công việc của Nguyễn Đệ không ít. Giáo Hoang tỏ ra thận trọng trước những điều tường trình của Nguyễn Đệ. Cùng lắm, Giáo Hoàng bày tỏ một thiện cảm trong cái tình cha con. Nhưng không nhất thiết là Vatican có quyết định thiết lập một bang giao chính thức với chính quyền do Bảo Đại câm đầu. Vì thê, sứ mạng của Nguyễn Đệ bên cạnh tòa thánh không đạt được những kết quả như ông mong muốn.
Đằng khác, đường lối của Vatican là giải thực và bản địa hóa các giáo hội của thuộc địa, trao quyền quản trị giáo hội cho các địa phương. Việc bổ nhiệm các giám mục như Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Trịnh Như Khuê, Hoàng Văn Đoàn nằm trong cái tinh thần đó của Vatican.
Nhưng về mặt quản lý, Nguyễn Đệ được coi như cánh tay mặt của Bảo Đại. Nguyễn Đệ trở thành một thứ mưu sĩ hàng đầu của Bảo Đại.
Kết luận
Trong số các nhân vật lãnh đạo nổi bật nhất trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Có ba nhân vật được nhiều người viết sách và tài liệu nhắc nhở đến. Chỉ có hai người là Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Bảo Đại trở thành một nhân vật bên lề, một thứ bù nhìn không hơn không kém.
Nhưng lịch sử càng lùi xa, càng nhiều phát kiến tài liệu, nhân vật đáng lẽ được coi là hàng đầu là Hồ Chí Minh đang trở thành đối tượng của sự nguyền rủa và khinh bỉ ngay trong nội bộ các lãnh đạo đảng cộng sản.
Chỉ còn lại một Ngô Đình Diệm, dù thế nào đi nữa, ông vẫn là người yêu nước chân thành và người duy nhất biêt hy sinh cho đại cuộc bảo vệ chính kiến của mình.
(Còn tiếp: Ngô Đình Diệm được Bảo Đại chọn làm thủ tướng. Cuộc Trưng cầu Dân ý lật đổ Bảo Đại.)
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
DCVOnline biên tập và minh hoạ.
BẢO ĐẠI ĐI VỀ ĐÂU
Bản thân chỉ thích ăn chơi
Vậy mà cũng suốt một đời làm vua
Đúng là lịch sử cay chua
Ông vua như vậy nước thành ra chi
Cái đầu chẳng có được gì
Làm vua hay chỉ làm vì vậy thôi
Dễ nào kế sách vì đời
Mà ưa sắn bắn hoặc yêu đàn bà
Trong tay quyền chính Lang Sa
Bảo sao nghe vậy quả là vô duyên
Một lần theo kiểu thuyền quyên
Thoái ngôi trao ấn chưa tiền lệ đâu
Còn ra tuyên bố câu âu
Làm dân độc lập hơn là làm vua
Khác chi lịch sử của chùa
Giỡn chơi chốc lát còn thua mõ làng
Đúng đời chê trách không oan
Bởi vua Bảo Đại chỉ toàn hư danh
Nước nhà đang lúc tròng trành
Con thuyền Tổ quốc lại đành buông xuôi
Nên Ngô Đình Diệm phải rồi
Cuối cùng truất phế đặng nhằm đổi thay
Nước nhà khác biệt từ đây
Dẫu rằng đó chỉ cõi bờ Miền Nam
Lên làm Tổng Thống đầu tiên
Mười năm xây dựng nước liền khác xưa
Con người tài bộ có thừa
Đúng là vì nước có đâu vì mình
Nhưng rồi xã hội linh tinh
Xúm vào phá rối tội tình biết bao
Chỉ do khuynh tả ào ào
Cùng do Phật giáo đấu tranh y vàng
Cầm đầu là Thích Trí Quang
Sư làm chính trị quả càng hay chưa
Gây nên sức mạnh chẳng vừa
Bàn thờ ồ ạt xuống đường thênh thang
Vậy là Mỹ chớp thời cơ
Chơi bài đảo chánh để đưa quân vào
Dương Văn Minh chỉ tào lao
Con cờ nào biết ối dào là vui
Nhưng mà sự thế đã rồi
Cuối cùng thất bại cả toàn Miền Nam
Bảy lăm cả bọn đầu hàng
Giơ tay Minh Mẫu quả càng hay chưa
Đúng là chiến thắng của Chùa
Từ Đàm ngày ấy cũng vừa vậy thôi
Cờ vàng ba sọc đi rồi
Thế vô cờ đỏ chói lòa ngôi sao
Lá cờ hai sắc ngày nào
Cũng đành nhường chỗ nghẹn ngào dẹp đi
Nguyễn Hữu Thọ có còn chi
Một thời trái đệm có gì vinh quang
Miền Nam khuynh tả sắp hàng
Đi kinh tế mới vội vàng từ đây
Mười năm bao cấp tràn đầy
Cuối cùng đổi mới có ai hay nào
Bởi vì theo bước Liên Xô
Nếu không chịu đổi sẽ nhào vậy thôi
Nên dù thế sự đầy vơi
Cuối cùng thắng lợi Bác Hồ chứ ai
Sau này lớp trẻ dài dài
Bác Hồ vĩ đại có ai khác nào
Khôn ngoan Bác cả vì sao
Thắng toàn địch thủ dễ nào hơn đâu
Tuyên truyền quả thật nhiệm màu
Sau này lịch sử dài lâu còn hoài
Ngàn năm hẳn mãi không phai
Bởi vì ngoài Bác ai tài vậy đâu
Bao người hăng hái trước sau
xông pha sinh tử cũng vì Bác thôi
Đúng là gương sáng để đời
Sau này lịch sử hạ hồi giải phân
SẮC NGÀN
(15/3/17)