Thầy Đàm Quang Hưng, một tấm gương

Nguyễn Văn Sâm

Ai trong đời cũng có nhiều Thầy học. Có những vị Thầy nhiều ảnh hưởng lên cuộc đời mình vì mình thích, phục vài điều gì đó trong lời giảng khi theo học nhưng sau này xa cách trong đời do hoàn cảnh.

GS Đàm Quang Hưng, một tấm gương cho tôi

Có những vị Thầy trong khi học mình không học được nhiều về cách sống ngoài những kiến thức giáo khoa nhưng sau nầy lại là bạn vong niên vì có hoàn cảnh gần gũi. Đối với tôi, Thầy Nguyễn Văn Phú, Thầy Bạch Văn Ngà, Thầy Roch Cường… là những trường hợp cụ thể thứ nhứt. Thầy Đàm Quang Hưng là trường hợp cụ thể thứ hai. Còn biết bao nhiêu vị khác nữa trong thời gian theo học Trung học và Đại học nhưngkhông thế nào kể ra cho hết.

Thầy Hưng dạy lớp Toán Lý Hóa luyện thi Tú Tài 1, năm đó 1957-58, Thầy dạy tương đối nổi tiếng, lớp đông đảo học sinh. Tôi đang theo học lớp Đệ Nhị B ở trường Văn Lang của Thầy Ngô Duy Cầu ở trường Cô Bắc, dư thời giờ bèn đi học thêm các môn chánh cho kỳ thi sắp tới.

Thầy Hưng giảng bài trầm trầm, mắt ngó lên bảng, chăm chú như thầm xét lại những gì Thầy đã viết hơn là nhìn vào đám học trò. Lớp luyện thi lúc đó được giảng về kiến thức làm sao giải được bài toán Hình học không gian nầy, bài toán Đại số kia, bài toán Lượng giác nọ…. trong chương trình. Chuyện ngoài lớp học, chuyện đời sống bên ngoài và cách ăn ở thế nào để làm người xứng đáng tuyệt đối không có. Ấn tượng lúc ấy của tôi về Thầy Hưng phải nhận là không sâu đậm do nhiều lý do, trong đó có việc tôi theo học lớp luyện thi của Thầy trong thời gian thiệt ngắn vì gia đình không thể đóng học phí cho anh em tôi học cùng một lúc hai trường.

Ba năm sau Thầy trò thường gặp nhau khi cả hai cùng là tác giả những quyển sách giải Toán Lý Hóa… do nhà xuất bản Sống Mới của các ông Võ Văn Khoái và Nguyễn Tấn Long ở đường Phạm Ngũ Lão, Sàigòn mà sách của thầy Hưng là những quyển bán chạy nhứt nhì, thường được tái bản nhiều lần với số lượng in khá lớn.

Tôi lúc nào cũng thưa Thầy khi nói chuyện. Thầy Hưng bao giờ cũng thưa ông Sâm. Tôi kính trọng và lễ phép với Thầy có lý do, mình từng là học trò của Thầy. Thầy Hưng lễ phép với học trò vì đó là bản tánh và là con người thật của Thầy. Cuộc giao tình dừng lại ở những lần gặp nhau như vậy trong vài ba năm trời.

Rồi cuộc đời mỗi người mỗi hướng do cuộc sống và hoàn cảnh. Thầy vào Thủ Đức, ra trường, về dạy trường Võ Bị Đà Lạt rồi về mở trường Trung học tư thục Nhân Chủ của riêng Thầy. Tôi chuyển sự say mê của mình về mặt văn chương Việt Nam và dính khắn vào đó. Hai Thầy trò không gặp nhau từ dạo giửa thập niên 60.

Chúng tôi gặp lại nhau lúc Thầy Hưng mới dọn nhà đến Houston sau một thời gian ở nơi khác, năm đó hình như là 1981. Và chúng tôi thân nhau. Tôi nói chuyện vẫn thưa Thầy và Thầy Hưng luôn luôn dùng chữ ông Sâm để nói chuyện với người học trò ngày trước. Chúng tôi bàn đủ thứ chuyện cũ mới, giáo dục, cuộc sống ở đất nước mình định cư… Và gặp nhau nhiều hơn ở những canh mà chược mà tôi mới học sau mấy năm đến nước Mỹ, thường làm Thầy cúng đem tiền nạp cho thiên hạ và Thầy Hưng thường khuyên tôi đừng nên chơi trò chơi nầy mà tôi không có kinh nghiệm…

Tôi thích đến nhà Thầy tham dự vào môn mới học nầy cũng như thăm viếng chuyện trò từ căn nhà nhỏ hẹp bằng gỗ ở trong thành phố Houston, vùng cuối đường Westminster, tới căn nhà khang trang hơn ở khu Bellaire, ngoài vòng đai 610, đến căn nhà sau cùng trên khu Bellaire, trong vòng đai. Thăm viếng, làm Thầy cúng và nhứt là những kỳ hội của Hội Cựu Giáo Chức vùng Houston kết được tình thân giữa hai Thầy trò chênh lệch nhau độ chừng mười tuổi, mà tôi cho là cái duyên rất đáng quý.

Luôn luôn tôi học được ở Thầy tính điềm đạm, nhẹ nhàng, lễ phép nhưng không khách sáo, nhứt là thái độ dễ chịu của Thầy trong việc chi tiêu và chịu khó sửa soạn dọn dẹp cho những buổi hội họp rất bổ ích của những người trước đây ở trong ngành giáo dục. Nhờ những buổi họp hằng tháng của Hội Cựu Giáo Chức Houston nầy tôi gặp được vài vị Thầy cũ cũng như năm ba người bạn đồng nghiệp ngày trước. Rất vui về điều đó…

Ấy là những chuyện thuộc về cá nhân, về cách xử thế tiếp vật của Thầy mà tôi được biết.

Thưa Thầy Hưng, em thích và kính trọng Thầy về chuyện đó nhưng em thương Thầy ở những công việc Thầy làm bất vụ lợi và chịu sống đủ, sống bình dị hơn là dùng thời giờ của mình để chạy theo kim tiền và những thị phi vô ích…

Thầy Hưng không lý thuyết với tôi về chuyện phải làm thế nào để giúp ích đời về mặt văn học, nhưng Thầy cặm cuội dịch toàn bộ Liêu Trai Chí Dị, một việc làm không có nhiều người làm được. Dịch Liêu Trai thì trước sau đã có nhiều, Yã Hạc và Trinh Nguyên trong tạp chí Bách Khoa với lời văn siêu thoát, lãng đãng, mơ hồ, người đọc chỉ cần ghé mắt vài dòng là bị cuốn hút. Nhiều tác giả khác, danh tiếng hay không, thỉnh thoảng cũng ghé vô bộ truyện dễ tìm độc giả nầy để dịch, nhưng rồi người thì vài ba truyện, người dài hơi hơn thì năm ba chục. Nhưng tất cả đều dịch không trọn bộ.

Thầy Hưng cứ nhẩn nha dịch từ truyện đầu đến truyện cuối trong vòng 7 năm, kể cả những truyện rất ngắn, chẳng có chút xíu tính chất Liêu Trai nào mà độc giả thường tự hỏi tại sao Bồ Tùng Linh lại đem vào trong toàn tập.

Tôi không hỏi Thầy tại sao Thầy lại dịch toàn bộ vì đã biết chắc câu trả lời “muốn giới thiệu thiệt là đầy đủ để người đọc có cái nhìn ít sai lạc về Bồ tiên sinh và có thể tự giải thích tại sao ông ta lại viết những truyện ma quái.”

Tôi thích bản dịch của Thầy Hưng tuy không bay bướm bằng Yã Hạc Trinh Nguyên nhưng cũng nhẹ nhàng; nhẹ nhàng chứ không phải tầm thường như một bản dịch cũng gọi là khá đầy đủ hiện xuất bản ở trong nước.

Rồi Thầy đưa ra bản dịch Kim Vân Kiều Truyện, quyển tiểu thuyết văn xuôi có tánh cách bình dân bằng những mô tả quá đáng của Thanh Tâm Tài Nhân, tác phẩm gợi hứng cho Nguyễn Du để tạo thành truyện Kiều sau nầy. Đọc Đoạn Trường Tân Thanh, thích, mộ Đoạn Trường Tân Thanh nhưng mấy ai đã được đọc nguyên truyện, dầu là từ bản dịch, của Thanh Tâm Tài Nhân! Đây cũng là việc làm của người chịu bỏ một phần cuộc sống của mình cho văn học, nhóm chữ mà tôi thường dùng để xưng tụng Thầy và Thầy bao giờ cũng điềm đạm từ chối rằng không dám nhận.

Nguồn: Yên Thanh | Đàm Quang Hưng

Khi Thầy có được hai bản Nôm Đoạn Trường Tân Thanh viết tay quý giá của Tăng Hữu Ứng (1874), và Lâm Nọa Phu (1870) thì Thầy hăng hái kêu tặng bản sao cho những ai quan tâm đến chữ Nôm và truyện Kiều để họ có tài liệu làm việc; khác với nhiều người ở trong cùng trường hợp, bo bo giữ riêng cho mình, nói rằng để sau nầy khi có thời giờ thì làm việc… nhưng không biết bao giờ mới bắt tay vào.
Tôi cảm phục tinh thần chia xẻ đó của Thầy.

Tính tình thân thiện và tinh thần hi sinh cho văn học của Thầy đã tạo nên sự thương mến của nhiều người, nhà thơ Vĩnh Liêm trogn một email cho bè bạn nói rằng: “Sự ra đi của GS Đàm Quang Hưng là một mất mát lớn cho nên Văn Học VNHN!”  Nói như vậy vì thi sĩ Vĩnh Liêm đã thấy giá trị trong những việc làm đã qua và cũng hé thấy những công trình sắp tới của Thầy.

Nhưng tiếc thay, sự việc đã biến sang chiều hướng khác. Thầy ra đi sau một cuộc giải phẫu bình thường về tim…

Người thương tiếc Thầy quá nhiều. Tôi xin mượn vài dòng rất cảm động của người học trò chưa từng được học với Thầy là cô Nguyễn Vũ Trâm-Anh:

Gs Đàm Quang Hưng (1930-2017)

“Ở tuổi 85, Thầy ra đi cũng đã gọi là thọ nhưng sao con vẫn thấy nuối tiếc. …tinh thần làm việc cẩn trọng, nghiêm ngặt, cầu thị sự chuẩn xác của một ông Thầy Toán học mà lại làm công việc sưu khảo Văn học…”

Hành vi con người ở đời có thể nói được bắt đầu từ một nhân duyên nào đó từ muôn trùng xưa trong không gian và thời gian. Thầy có nhân duyên tốt để thành môt bậc Thầy đáng ngưỡng mộ bằng những việc làm cặm cụi không ích lợi cho Thầy mà là cho nhân thế. Điều nầy chắn chắn rằng sẽ tạo cảm hứng và làm gương tốt cho nhiều thế hệ tiếp theo: Làm việc cho văn hóa dân tộc, ‘vì đời không vì mình’.

Xin kết thúc bài nầy bằng câu chí tình và rất cảm động của cô Trâm-Anh, nói được lòng thương Thầy của tôi:

“Bài viết này như một nén hương lòng của con gửi đến Thầy. Con sẽ nhớ mãi Thầy, một người Thầy tài giỏi, đức độ, nhân từ.”

Victorville, CA, March 14, 2017


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline đề tựa, hiệu đinh