Tại sao lại “thế còn… thì sao?”

J.P.P. | Trà Mi

James Comey nói FBI đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa Trump và Nga. Tuy nhiên, các thành viên của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện dường như quan tâm nhiều đến chỗ rò rỉ thông tin.

Tại sao lại “thế còn… thì sao?”

FBI đang điều tra liệu ban vận động tranh cử của Trump có hợp tác với chính phủ Nga hay không. Cơ quan An ninh Quốc gia tiếp tục cho rằng chính phủ Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm ngoái thay mặt cho tổng thống hiện nay. Các giám đốc FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia không tìm thấy bằng chứng hậu thuẫn những lời cáo buộc của Tổng thống hiện thời rằng người tiền nhiệm đã nghe lén điện thoại của ông ta.


Nguồn: CNBC

Được trình bày với những tin tức như vậy, ngay từ lời phát biểu đầu tiên trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo hạ viện, quan tâm lớn nhất trong tâm trí của các thành viên đảng Cộng hòa trong ủy ban là gì? Devin Nunes, đảng Cộng hòa Chủ tịch của Ủy ban, đã bắt đầu phát biểu khai mạc cuộc điều trần bằng cách miêu tả cách mà chính phủ Nga đã cố gắng ảnh hưởng đến những cuộc bầu cử ở phương Tây thông qua một phiên bản cập nhật của các chiến thuật KGB gọi là “các biện pháp tích cực”. Ông đã nói về cách Nga ức hiếp các nước láng giềng ở các quốc gia vùng Baltic và sử dụng một kênh đưa tin giả mạo, Russia Today (RT) để phổ biến tuyên truyền.

Phiên điều trần sau đó đã rẽ vào một hướng kỳ quặc. Sau đó, ông Nunes giải thích rằng điều quan trọng là cần tập trung vào những rò rỉ từ bộ máy công chức liên bang, dẫn đến việc Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia, mất việc vì đã giấu các cuộc đối thoại của Flyne với đại sứ Nga, Quốc gia mà ông Nunes vừa lên án hùng hồn như một kẻ thù.

Các dân biểu cùng đảng với Nunes, Tom Rooney và Trey Gowdy, đã tiếp tục theo con đường này. Họ cho rằng, vấn đề thực sự mà FBI và NSA nên tập trung, vấn đề đe dọa an ninh quốc gia là đây: ai đã tiết lộ thông tin về cuộc gặp của ông Flynn với đại sứ Nga? Các nhà báo đã đưa những loại thông tin này cần bị truy tố. Các công chức cung cấp thông tin cho nhà báo cũng cần phải bị truy tố. Và ai là những người rò rỉ tin mật đó? Ông Gowdy đã đưa ra một danh sách các gợi ý cho FBI điều tra: Ben Rhodes (cố vấn của Barack Obama), Susan Rice (cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống), Loretta Lynch (Tổng chưởng lý của ông Obama), Sally Yates (thứ trưởng Tư pháp) và ông Obama.

Điều này chẳng có nghĩa gì hết thậm chí nói như vậy là một sự sỉ nhục với sự nhạy cảm. Nếu tin tức về những cuộc trò chuyện giữa ông Flynn với chính phủ Nga không bị rò rỉ, thì ông vẫn sẽ làm công việc của mình (Cố vấn An ninh Quốc gia). Điều này sẽ có lợi cho tờ Russia Today nói trên, cơ sở đã tổ chức đón tiếp ông Flynn tại một cuộc họp báo. Nó sẽ có lợi cho chính phủ Nga, mà ông Nunes vừa mô tả như là một mối đe dọa cho những nền dân chủ phương Tây. Sẽ không có gì tốt cho Mike Pence, phó Tổng thống, người mà ông Flynn đã lừa dối, không nói đến các cuộc trò chuyện với đại sứ Nga.

Một trong những kỹ thuật tuyên truyền của Liên Xô đáng tin cậy nhất trong Chiến tranh Lạnh được biết đến ở phương Tây là  “thế còn… thì sao?” Đối diện với cáo buộc, ví dụ như Liên Xô đã từng giam các nhà bất đồng chính kiến đến chết trong các trại giam, người tuyên truyền sẽ trả lời: tốt, thế còn những người da đen bị buộc phải làm việc trong xiền xích ở miền Nam thì sao? Cách hỏi ngược này đã có hiệu quả, bởi vì vào thời điểm đó, bất cứ ai đã giải thích rằng hai việc đó, trên thực tế, không tương tự về mặt đạo đức, thì kỹ thuật hỏi như thế đã làm xong công việc của nó, đem chủ đề đàn áp dân chủ ra khỏi gulag.

Ông Rooney và ông Gowdy không phải là những người tuyên truyền của Nga, vậy tại sao tất cả lại chú trọng đến “thế còn… thì sao?” Những câu hỏi chỉ có ý nghĩa trong một thế giới mà chủ đề quan trọng nhất của thời điểm này không phải là mối quan hệ chính xác giữa cuộc vận động tranh cử của Trump và chính phủ Nga, mà là những cuộc tấn công phản nghịch nhằm vào Donald Trump từ trong, Cho dù câu hỏi đó là gì đi nữa, câu trả lời luôn là hành vi phạm tội của Tổng thống Obama và những nhân viên của ông ta. Sẽ cảm thấy an ủi hơn nếu nghĩ rằng chuyện này sinh ra vì sự đa dạng bình thường của chủ nghĩa hoài nghi chính trị, hoặc mong muốn làm hài lòng tổng thống. Kết luận đáng sợ hơn, vẫn có khả năng là sự thực, là họ thực sự tin vào nó. Với những bằng chứng này, Mỹ không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài nào để phá hoại nền dân chủ của Hoa Kỳ. Người Mỹ hoàn toàn có khả năng tự mình phá hoại nền dân chủ.

(T): GĐ FBI; (P) GĐ Cơ quan An Ninh Quốc gia. Nguồn: theconservativetreehouse.com

Mặc dù vậy, không khí buổi điều trần cuối cùng cũng phấn khởi. Nếu một trong những câu hỏi lớn của kỷ nguyên Trump là liệu những cơ chế có đủ mạnh để đón những thử thách sắp đến, đây là một số bằng chứng rằng chúng đang có. Quốc hội đang làm phần việc của mình, theo nghĩa tổ chức các buổi điều trần, và FBI dường như cũng đang làm công việc của họ. Đến một lúc nào đó, cơ quan này sẽ phải đưa ra lời cáo buộc, hoặc kết luận rằng không có ai để truy tố. Vào thời điểm đó, câu đố, đang bọc trong một bí ẩn, bên trong một huyền bí liên quan đến sự nhúng tay của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, sẽ rõ ràng hơn một chút.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Why the what-about-ism? James Comey says the FBI is investigating possible links between Trump and Russia. J.P.P.. The Economist. March 20, 2017.