Từ bắt chước, cầm nhầm đến phỏng tác và đạo văn
Nguyễn văn Lục
Sau 1954, miền Nam có nhiều khoảng trống lắm! Trong đó có khoảng trống văn học. Dòng chảy văn học bản địa xem ra đã bị vượt qua. Dòng văn học hội nhập từ miền Bắc vào chưa được định hình!
Một mảng tối của văn học miền Nam: Từ bắt chước đến cầm nhầm đến phỏng tác và đạo văn
Vấn đề đạo văn trong bối cảnh sinh hoạt văn học miền Nam 1954-1975
Bối cảnh chính trị, xã hội và văn học miền Nam như thể ở chỗ bắt đầu. Cái cũ xem đã lỗi thời cần thay đổi, hoặc xô bồ, lộn xộn trong khi cái mới chưa định hình. Người ta sắn tay vào cuộc và mỗi người, bối rối tự tìm cho mình một lối ra – như một thí nghiệm, như một chứng tỏ sự có mặt hoặc sự vươn lên còn nhiều điều chưa thoả đáng.
Điều cấp thiết là phải có cái gì mà nếu nó mới lạ thì đó là điều tốt nhất. Mặc dầu phần lớn những tác nhân trong cuộc di cư còn non nớt về trình độ kiến thức, học thuật, về kinh nghiệm nghề nghiệp. Có lẽ chỉ có vài người lúc khi lên tầu “há mồm” vào miền Nam đã tạo được một chỗ đứng trong văn học là Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Phần còn lại đều là những tay mơ như Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Việt Tuyền, Thế Phong, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Thái Tuấn phần đông chưa rời khỏi ghế nhà trường. Nhưng chắc khát vọng của họ, tiềm năng của họ có thể là ôm mộng lớn lắm khi có cơ hội.
Trường hợp Mai Thảo là một ví dụ điển hình.
Mai Thảo di cư vào Nam, việc cầm bút còn khập khiễng, chưa có tay nghề. Cuộc sống vật chất còn bấp bênh, bữa no bữa đói cơm hàng cháo chợ. Rồi có “duyên văn chương” gặp được người Mỹ đang kiếm người để tài trợ tiền bạc để làm văn hóa. Qua U.S. Information Service (USIS) hay còn gọi là U.S. Information Agency (USIA), một cánh tay của khối chiến tranh tâm lý dùng cho trong công tác tuyên truyền xám (grey propaganda thay vì white hay black propaganda. Trích: “CIA influence on public opinion”, wikipedia.org) đã tài trợ để Mai Thảo làm tờ Sáng Tạo, và những người khác phụ trách các ấn phẩm khác như bán nguyệt san “Gia Đình” thay cho tập san Trẻ, sẽ do USIS in ở nước ngoài để phát hành tại miền Nam hay nguyệt san “Tập Nghiên cứu Chính trị” với mục đích chính là diễn đàn đấu tranh chống lại ý thức hệ cộng sản quốc tế dó Sở Nghiên cứu Chính trị phụ trách (Trần Kim Tuyến?)
(Lữ Phương, “Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam”, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1981, trang 216 đến tr. 222).
Tương tự, qua trung gian Trần Kim Tuyến, Lý Hồng Phong với tờ Văn Nghệ, tờ Hiện Đại của Nguyên Sa, tờ nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Tiền người Mỹ bỏ ra có hiệu quả ứng dụng tốt. Các nhà văn, nhà báo di cư đã có chỗ dụng võ và họ đã làm nên chuyện, tạo được tên tuổi và có thể nói một dòng học văn học mang sắc thái miền Bắc như một chuyển trục từ Bắc vào Nam. Nhờ đó, khích động một không khí sôi động, phấn khởi như chất súc tác cho toàn thể sinh hoạt văn học miền Nam nói chung.
Người Mỹ tài trợ mà không can thiệp trực tiếp. Kẻ nhận được tài trợ như Mai Thảo coi như làm chủ tờ báo về mọi mặt từ nội dung bài vở đến chọn lựa người cộng tác.
Đến ngay tờ Thế giới Tự Do do Sở Thông tin văn hóa Hoa Kỳ (USIS) đảm trách cũng có kết quả tốt đẹp. In ấn đẹp, trang nhã, giấy tốt, rất nhiều hình ảnh đi kèm, bài vở ngắn gọn, nhẹ nhàng mang tính chất thông tin lạc quan về một cuộc sống mới với những thành tựu không chối cãi được với những căn nhà khang trang sạch sẽ, những ngôi trường mới với trẻ con đến trường tươi vui, hớn hở, những ngôi nhà thờ xinh xắn. Tôi còn nhớ những giếng nước do máy bơm tay tiện nghi, sạch sẽ mà không còn vất vả dùng gầu để múc nữa. Nhiều gia đình di cư còn cắt những hình ảnh trong tờ báo để treo lên tường. Tờ báo nói lên sự phát triển, những thành quả đạt được của người di cư, gián tiếp dạy họ lối sống mới, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nếp sống văn minh tối thiểu. Hẳn nhiều người dân di cư 1954 vẫn còn nhớ hai câu lục bát trong phim ảnh và bích chương cổ động thời đó:
“Anh Nam uống nước lọc chai,
Mỗi ngày ba cốc chẳng sai cốc nào.”
Đó là thành quả thứ hai của văn hóa vụ của người Mỹ.
Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm cũng xử dụng Bộ thông tin và qua bộ này, có cơ quan Văn hóa vụ mới đầu do Lê Quang Luật, rồi Phạm Xuân Thái thay thế chức tổng trưởng Thông tin. Bộ này đã ra hàng loạt các Nghị Định để cho ra các tờ báo mới như các Nhật báo Cải Cách, Gió Mới, Trẻ rồi Nhân Sinh, Lửa Việt (do sinh viên làm), Dân Chúng, Trách Nhiệm (ngoài Huế), nhật báo Tương Lai, Đại Chúng, vv.. (Trần Trọng Đăng Đàn, “Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975”, nxb Văn Hóa-Thông Tin)
Rầm rộ như thế, rồi không biết vì những lý do gì, các tờ báo ấy biến mất để được thay thế bằng các tờ khác.
Chính phủ muốn những nhà báo, nhà văn di cư — chưa có đủ tiền bạc để ra báo như các báo tư nhân của miền Nam đã có sẵn như các tờ Tiếng Chuông, Sai Gòn, Điện Tín — đảm nhận vai trò thông tin, nhất là vai trò chính trị trong chính sách chống Cộng của chính phủ.
Tuy nhiên, đường lối này không mấy đạt kết quả vì nhiều lẽ. Những vị chủ bút, chủ nhiệm không có thực tài, không phải là những người cầm bút có tiếng tăm. Người trách nhiệm viết bài vở phải viết theo đường lối chính phủ, theo lối “đơn đặt hàng”, một hình thức gián tiếp của thứ văn nghệ chỉ huy. Việc kiểm duyệt chỉ tô đâm thêm tính chất nghèo nàn, nhàm chán, một chiều và dần người đọc không đọc những tờ báo này nữa.
Trong số các tờ báo liên quan đến bài viết này, có tờ Văn Hữu mà trong Nghị Định cho xuất bản có ghi như sau:
“Tạp chí văn hữu nhằm mục đích phát huy văn hóa dân tộc, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối của chính phủ” và quy điịnh rằng: tạp chí này phải do vụ trưởng Vụ Văn Hóa của Bộ Thông Tin làm chủ nhiệm cùng với một chủ bút do Bộ trưởng chỉ định”
(Trần Trọng Đăng Đàn, ibid., trang 82)
Ngoài ra, còn có tờ Sinh Lực do Uyên Thao giữ chức vụ Tổng thư ký.
Trong quân đội thì có tờ Chỉ Đạo do Bộ Quốc Phòng trách nhiệm. Người đứng đầu tạp chí Chỉ Đạo lúc đầu là Trung Tá Trần văn Trung làm chủ nhiệm và Trung úy Ngô Quân làm chủ bút. Tiếp theo là Trung tá Nguyễn văn Châu làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt sau đó là Kỳ Văn Nguyên, Nguyễn Mạnh Côn, Đào Đình Hoan, Nguyễn Đình Bảo thay nhau làm. (Trần Trọng Đăng Đàn, ibid., trang 83)
Chính trong cái hoàn cảnh đặt để những người không có tài cán vào các chức vụ chỉ huy tờ báo như chủ nhiệm, chủ bút đã gây rắc rối thêm trong số lãnh đạo của một số tờ báo, cố tình bao cho kẻ đạo văn là Hoàng Trong Miên cũng như sự cố tình trù dập những người đứng ra tố cao chuyện đạo văn.
Tờ Văn Hữu trở thành công cụ của chính quyền với nhiều bài vở tuyên truyền về Dân Vệ Đoàn, sau này là Nghĩa quân.
Khái niệm đạo văn trong truyền thống văn hóa Việt Nam
Cho đến năm 1975, hầu như dân miền Nam cũng như trí thức miền Nam vẫn chưa có một khái niệm rõ rệt và ứng xử đúng đắn về quyền sở hữu trí tuệ dù đã có khung pháp lý bảo vệ quyền sở hữu ấy từ thời còn là thuộc địa Pháp — khi Đông Dương (Việt Nam, Cam Bốt, Lào) ký tôn trọng Luật Paris 1949. Trong khoảng từ 1957 đến 1975 Việt Nam Cộng hoà đã có luật cầu chứng, phát chứng chỉ bản quyền, cũng như bằng sáng chế cho sản phẩm trong và ngoài nước. Đến sau tháng 4 năm 1975, chính quyền cộng sản đã xoá bỏ tất cả quyền sở hữu tư nhân kể cả sở hữu trí tuệ.
(Elizabeth F. Vann, “The Limits of Authenticity in Vietnamese Consumer Markets”, American Anthropologist, Vol. 108, No. 2 (Jun., 2006), pp. 286-296 – trang 269)
Những người sống và lớn lên trong xã hội chủ nghĩa trước 2004 (khi CHXHCN Việt Nam ký công ước Berne) không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là điều có thể hiểu được, nhưng hành động đó của người miền Nam trước năm 1975, nhất là thành phần trí thức, là điều rất khó có thể khoan nhượng.
Một nhạc sĩ tài danh như Phạm Duy, sáng tác đến cả 1000 bản nhạc đủ loại, đã đã phổ nhạc bằng cách lấy những bài thơ của nhiều tác giả mà không thương lượng, không xin phép, không ghi tác giả lời ca, dù có đủ điều kiện để làm việc đó. Tên tuổi các nhà văn, nhà thơ bị Phạm Duy xử dụng tài sản trí tuệ không biết bao nhiêu mà kể; có thể nói có rất nhiều bản nhạc Phạm Duy lấy thơ văn của nhiều tác giả, rồi tự ý sửa đổi, cắt xén. Có những nạn nhân như một người tình bé nhỏ tên Alice, con gái một người tình cũ của ông. Alice đã làm khoảng 300 bài thơ tặng ông và trở thành nguồn cảm hứng bất tận với những bản tình ca để đời như: Ngày đó chúng mình, Kiếp nào có yêu nhau nhau.
Xin trích dẫn vài câu thơ làm bằng chứng:
“Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tình trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới.
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi.”
Vậy mà Alice đã không có một chỗ đứng đáng lẽ phải có trong âm nhạc Phạm Duy, phải dành cho cô. Đây có lẽ là cái tệ bạc nhất của con người Phạm Duy.
Nói chi đến những Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Cung Trầm Tưởng, Hữu Loan, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu và rất nhiều người khác.
Tuy nhiên, một trong những tác giả bị Phạm Duy xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, đã kiện Phạm Duy trước tòa án để đòi trả tác quyền của những bài thơ của ông mà Phạm Duy đã phổ nhac. Tòa án đã quyết định buộc Phạm Duy phải trả 6000 đồng cho Nguyễn Tất Nhiên.
Không hiểu ông tòa đã căn cứ trên điều luật hay án lệ nào để đòi Phạm Duy trao 6000 đồng cho Nguyễn Tất Nhiên? Tuy nhiên, quan trọng hơn, đó là một án lệ về sự bảo vệ quyền tài sản tri tuệ của người sáng tác.
Tuy nhiên, có nhiều mức độ “cầm nhầm” mà rất khó để có thể công khai kết án là đạo văn. Chẳng hạn, tôi còn nhớ trường hợp nhà văn Chu Tử viết cuốn “Yêu” khá là ăn khách và trở thành một “hiện tượng trong văn học” vì tính cách bạo dạn và quá lãng mạn của nhân vật truyện. Nội dung câu chuyện với hai nhân vật là chú Đạt và cháu Diễm mà tuổi hai bên chênh lệch như bố với con. Khi đọc truyện này, một cách dứt khoát, tôi liên tưởng đến chuyện của F. Sagan với Luc và Dominique. Có một sự giống nhau như thể một “bản sao”. Nhưng giữa bản sao và bản chính là hai chân trời văn học, một bên tây, một bên ta, với hai thứ ngôn ngữ khác biệt. F. Sagan chắc hẳn là không màng tới chuyện cỏn con này.
Tôi đã đọc và viết về Francoise Sagan nên nghĩ rằng, Chu Tử chỉ bắt chước được cái bèo bọt hiện tượng bề ngoài của F. Sagan, tức là chuyện tình ái lăng nhăng. Phải có hiểu biết triết lý hiện sinh, phải thấm nhuần, phải hiểu nhiều cái phải lắm mới hiểu tại sao F. Sagan đã sống nổi loạn. Một số nhà văn nữ của miền Nam sau đó cũng bắt chước “cái mốt hiện sinh”, phóng túng quá độ trong việc mô tả các cuộc làm tình như thể đó là cuộc đời đích thực. Tôi đã chẳng ngần ngại gì trong một bài viết khác, gọi chung đó là Những đứa con hoang của J.P. Sartre.
Theo tôi, muốn hiểu Sagan, phải biết về cuộc đời của bà!
Đã có lần bà viết:
“Pour moi, le bonheur, c’est d’abord d’être bien.” (Hạnh phúc, đối với tôi trước hết là được an vui.)
(Nguyễn Văn Lục, “Francoise Sagan: Adieu Trístesse: con người, cuộc đời, tác phẩm” http://newvietart.com/index4.27.Hoàng Trọng Miênl
Phần người đọc Việt Nam, công đâu mà tra dò tìm hiểu. Nhưng tôi là người đọc cả hai tác giả thì cảm thấy không vui và coi thường Chu Tử. Và F. Sagan không có mục đích mô tả những cảnh làm tình như một thỏa mãn, hay một khêu gợi. Cuộc đời không có gì quan trọng, ngay cả cả chuyện làm tình, luân lý cũng vậy. Cuộc đời trong một ngày, một tháng, một năm có gì là lạ, thản nhiên, vô cảm.
(Nguyễn Văn Lục, “F. Sagan”, Hợp Lưu số 79)
Một trường hợp khác không “cầm nhầm”, nhưng chỉ dựa trên cốt truyện của tác giả ngoại quốc, rồi “phóng tác” ra một tác phẩm khác. Đây không phải là dịch, vì dịch thuật đòi hỏi người dịch phải có căn cơ, rành cả ngoại ngữ lẫn tiếng Việt. Chỉ cần một trìnhđộ ngoại ngữ đọc hiểu câu truyện là có thể phóng tác, chỗ nào khó quá thì bỏ, chỗ nào cần thêm “mặn nhạt” thì gia vị tùy tiện. Đó là trường hợp nhà văn Hoàng Hải Thủy với nhiều truyện phóng tác như cuốn Đỉnh Gió Hú. Nội chữ Đỉnh và chữ Đồi đã giúp Hoàng Hải Thủy tránh né được biết bào phiền toái của công việc dịch thuật.
Trong cách trình bày bìa sách, Hoàng Hải Thủy lại chứng tỏ một sự mập mờ khôn vặt đáng nể. Trong cuốn Kiều Giang, xuất bản lần đầu tiên, Hoàng Hải Thủy đề tên Hoàng Hải Thủy chình ình trên đầu sách bắt buộc người đọc hiểu ngầm, chính ông là tác giả. Cộng thêm chữ Kiều Giang như tựa đề cuốn sách. Tên Charllote Brontë , khổ chữ nhỏ nằm khiêm tốn, không để ý thì không nhận ra! Có lần, ông còn cẩn thận cho tên tác giả người Anh nằm ở trang trong. Thật chu đáo và cẩn thận!
Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy không ổn hai chữ phóng tác. Phóng tác phải chăng nằm giữa sáng tác và dịch thuật? Nó không phải sáng tác mà cũng không phải dịch thuật. Nó có vi phạm luật bản quyền không? Có cần xin phép khi phóng tác không?
Nếu cứ như thế thì chỉ cần biết chút tiếng Anh hay tiếng Pháp, ta phóng tác các tác phẩm được giải Nobel và chẳng mấy chốc, sẽ có tất cả Nobel thế giới trong văn học Việt Nam?
Tôi không tự tin vào khả năng phán đoán của mình nên dở sách hỏi đàn anh Võ Phiến. Trong Văn Học miền Nam, Truyện 1 và truyện 2, tôi không thấy có tên Hoàng Hải Thủy! Chẳng biết ý của Võ Phiến như thế nào vì nay cụ đã không còn nữa để hỏi!
Diễn tiến một câu chuyện đạo văn
Vào năm 1956, nghĩa là chỉ sau cuộc di cư hơn một năm, ông Nguyễn Đổng Chi ở ngoài Bắc có cho xuất bản cuốn sách, “Lược khảo về thần thoại Việt Nam” do nxb Văn Sử Địa. Sách 182 trang, do nhà in Tiến Bộ in, ở số 175 đường Nguyễn Thái Học Hà Nội. Sách in 4150 cuốn. In xong ngày 10-8-1956.
Đây là một cuốn sách có giá trị sưu tầm về các thần thoại trong dân gian như các thần Núi, thần Nước, thần Lửa, v.v.. Nó cũng là công trình sưu tầm trong nhiều năm của Nguyễn Đổng Chi. Vậy mà làm thế nào cuốn sách đã được đưa vào miền Nam sau 1954?
Có thể nó đã được đưa vào miền Nam qua trung gian của Ủy Hội quốc tế kiểm soát đình chíến. Sau đó, sách được giao cho Bộ Thông tin cất giữ làm tài liệu.
Và câu chuyện đạo văn đã xảy ra như thế nào? Ai đạo văn? Và ai đã khám ra câu chuyện đạo văn? Rất may, một số nhân chứng nay còn sống và có thể giúp giải đáp các vấn nạn trên.
Theo nhà văn Uyên Thao, hiện đang sống ở Hoa Thịnh Đốn, trông coi Tủ sách Tiếng Quê Hương là người biết rõ đầu đuôi câu truyện đạo văn này. Vì chính Uyên Thao là người đầu tiên phát giác ra vụ đạo văn không tiền khoáng hậu này.
Vẫn theo Uyên Thao, lúc đó ông đang làm Tổng Thư ký tờ Sinh Lực, chủ nhiệm là ông Võ Văn Trưng. Khi đọc cuốn sách biên khảo “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” do tác giả Hoàng Trọng Miên biên soạn xuất bản năm 1959, Uyên Thao thấy nó có giá trị sưu tầm công phu với nhiều hình ảnh, tài liệu đính kèm.
Theo Nhị Linh, cuốn “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” này còn có lời tựa của Tam Ích.
(Nhị Linh, “Mỗi thời kỳ có một người nổi bật về tố cáo đạo văn … Sàigòn trước 1975 là Thế phong…” http://thang-phai.blogspot.ca/2015/12/moi-thoi-ky-lai-co-mot-nguoi-noi-bat.html)
Cuốn sách được in thành hai tập, do nhà Kim Lai in ấn rất đẹp, trang trọng, dày hơn 1000 trang. Bìa in hình rồng vàng có kim nhũ.
Thế rồi, vẫn theo Uyên Thao, một hôm ông đến văn phòng ông Thái trắng (Bộ thông tin), nơi đây có nhiều sách từ Hà nội và ông Thái Trắng cho Uyên Thao mượn đọc cuốn “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Từ đó Uyên Thao mới khám phá ra Hoàng Trọng Miên đã sao chép nguyên văn cuốn sách của tác giả Nguyễn Đổng Chi, chỉ đổi tên sách. Và chữ huyền thoại như tựa đề sách thì đem xuống cuối bìa sách, ghi chữ nhỏ: Huyền Thoại.
Và Uyên Thao nói ông đã viết bài phanh phui vụ đạo văn của Hoàng Trọng Miên. Hiện nay, chưa có điều kiện để có thể đọc được bài viết của Uyên Thao.
Theo Thế Phong,
“Bộ Thông Tin yêu cầu chủ nhiệm Võ Văn Trưng thay tổng thư ký nguyệt san Sinh Lực (Uyên Thao) — với lý do đã đăng bài bút chiến của Thế Phong trả lời tạp chí Văn hữu (cơ quan Văn hoá Vụ/Bộ Thông tin) gây hoang mang dư luận.”
(Thế Phong, Hiện tình Văn nghệ miền Nam: 1957-1961,ươn1, Tiết 2, http://newvietart.com/index4.463.html)
Ông Hoàng Trọng Miên lúc bấy giờ cũng trông coi tờ Văn Hữu của ông Nguyễn Duy Miễn.
Theo Uyên Thao, Hoàng Trọng Miên do không viết nổi, nhưng lại hám danh nên đã mượn được cuốn sách ấy và tưởng rằng không ai có thể biết đến tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi, một tác giả miền Bắc và khai sinh cho nó một cái tên mới. Đó là cuốn Việt Nam văn học toàn thư tên cuốn sách của Hoàng Trọng Miên và cố tình bỏ quên hai chữ Huyền Thoại. Chữ Huyền Thoại là nội dung chính của cuốn sách của ông Nguyễn Đổng Chi. Nhưng nếu bỏ hai chữ thần thoại đi thì cuốn Văn Học toàn thư là một cuốn sách rỗng về nội dung. Và để giải quyết về vấn đề này ông Hoàng Trọng Miên đã để ở cuối cuốn sách hai chữ Thần Thoại như đã nói ở trên.
Hai Chữ Thần Thoại dù có thêm vào ở cuối bìa sách của Hoàng Trọng Miên thực sự cũng không giải quyết được gì cả.
Bởi vì từ nay Lược khảo về thần thoại Việt Nam đổi ra thành Lược khảo văn học toàn thư. Đáng hổ thẹn là sau này cuốn sách đã được giải thưởng nhất Văn chương toàn quốc VNCH. TT. Ngô Đình Diệm là người đã trao giải thưởng. Nhiều lời khen tặng trong đó có cơ quan Văn hóa vụ của ông Nguyễn Duy Miễn. Cơ quan này trực thuộc Bộ Thông tin.
Cũng theo Uyên Thao, ông Nguyễn Duy Miễn sau khi được biết Uyên Thao là người tố giác chuyện đạo văn này đã dùng quyền hành của Bộ Thông tin, dùng áp lực yêu cầu chủ nhiệm Võ Văn Trưng cách chức Uyên Thao ra khỏi chức vụ Tổng Thư Ký. Việc cách chức này như là một hình thức sa thải.
Đường Bá Bổn (một bút danh của Thế Phong), người chính thức viết bài tố giác Hoàng Trọng Miên trên tờ Văn hoá Á châu cũng bị vạ. Theo Đường Bá Bổn, ông chỉ ghi là nghỉ làm Biên tập Viên. Nguyễn Đăng Thục, người chủ trương tờ Văn hoá Á châu cũng mất chức Chủ bút vì cho đăng bài viết của Đường Bá Bổn. Sau đó gs Lê Thành Trị thay thế và nắm chức vụ Chủ bút, năm 1961. Nhưng cụ Nguyễn Đăng Thục vẫn còn giữ chức Chủ tịch hội Văn Hóa Á Châu.
(Thế Phong, “Hiện tình Văn Nghệ miền Nam 1957-1961”, http://newvietart.com/index4.477.html)
Nhưng một điều trớ trêu hơn cả là người hết lời ca tụng cuốn sách của Hoàng Trọng Miên lại là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tức Nguyễn Kiên Trung, tác giả cuốn sách nổi tiếng thời đó, “Đem tâm tình viết lịch sử”.
Xin trích dẫn một đoạn văn tán thưởng của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn:
“Từ ngót một năm nay trở về trước tôi thường gặp thế bí vì mấy đứa nhỏ đuổi theo đòi kể chuyện.Tôi đã kể nhưng cũng đã quên nhiều trong số những chuyện tôi đã nghe từ thuở nhỏ. Thành thử mỗi lần tôi không nghĩ ra tôi phải từ chối con tôi, là trong đáy lòng lại có một chút gì xót xa, một chút gì hối hận rằng bởi lỗi tại mình, một phần nào mà làm thiệt hại cho đời sau một gia tài vô giá. Thì anh Hoàng đã giải cho tôi một mối hận lòng đó. Từ mấy tháng nay các con tôi cũng vui vẻ gia đình tôi cũng đầm ấm, ngay đến vợ chồng tôi cũng hoan hỉ. Tôi thiết tưởng trong sự lo lắng bảo toàn văn học nước nhà anh Hoàng Trọng Miên vì biết đến tác dụng như vậy của tác phẩm anh tất cũng lấy làm vui thích. Vì đó là một lời ngợi khen mà có lẽ đến suốt đời một người đọc sách chỉ viết ra có một lần.”
(Tạp Chí Văn Hữu, chủ nhiệm Nguyễn Duy Miễn, số 2, 1959 trong bài: “Đọc sách Việt Nam Văn Học Toàn Thư, quyển I”, Quốc Hoa xuất bản, Nguyễn Mạnh Côn, chủ bút. Trích lại trong cuốn: Hồi ký ngoài văn chương, Thế Phong, trang 208.)
Trong đó có ghi Chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Duy Miễn, Thư ký tòa soạn là Sĩ Trung, do Văn Hóa vụ ấn hành và quy định rằng: tạp chí do Vụ trưởng vụ Văn Hóa của Bộ Thông tin làm chủ nhiệm cùng với một chủ bút do Bộ trưởng chỉ định.
Nhận xét về lời phê bình của Nguyễn Mạnh Côn, tôi thấy nó quá hời hợt về trình độ nhận thức của một người đọc một tác phẩm biên khảo và đi ra ngoài lề, vì một lẽ đơn giản, ông chưa đọc cuốn sách của Hoàng Trọng Miên cũng như cuốn của Nguyễn Đổng Chi..
Lối làm việc như thế thật tắc trách. Không đọc mà chê trách tác giả là thiếu đạo đức, không đọc hay chưa đọc mà khen thì là óc bè phái, nịnh bợ, bất xứng.
Kể ra đọc một cuốn sách đạo văn mà có thể làm cho cả một gia đình như gia đình Nguyễn Mạnh Côn thấy hạnh phúc, đầm ấm thì quả là pha chè! Nếu thế thì theo tôi, mỗi gia đình Việt Nam nên mua một cuốn sách đạo văn để giúp gia đình thêm hạnh phúc.
Và mong rằng cả đời nhà văn Nguyễn Mạnh Côn chỉ viết “như thế” một lần thôi. Một lần cũng đã quá đủ.
Sau đó đến lượt tờ Văn Hóa Á Châu, số 18, 1960 có cho đăng bài đọc sách của Đường Bá Bổn (tức nhà văn Thế Phong) phê bình cuốn Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên,
Xin nói rõ thêm, theo Uyên Thao, chính anh đã đưa cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi cho Thế Phong để viết bài. Thế Phong ký tên hiệu là Đường Bá Bổn. Câu chuyện đạo văn của Hoàng Trọng Miên bị đổ bể thêm ra một lần nữa.
Tức tối vì có người phát giác ra sự gian trá của mình, Hoàng Trọng Miên ký tên giả là Hoàng Nhị Giang bêu xấu Đường Bá Bổn viết văn “là để cho phụ nữ yêu, là để cho đời khỏi quên mất khi bị đưa vào trại tế bần”.
Một lần nữa, Nguyễn Duy Miễn lại hỗ trợ Hoàng Trọng Miên và cho đăng bài của Hoàng Nhị Giang trên Văn Hữu.
Riêng nhà văn Nguyễn Mạnh Côn sau đó đã thú nhận lỗi lầm của mình khi giới thiệu cuốn sách của Hoàng Trọng Miên như sau:
“Hồi đó tôi mới đến làm chủ bút bút tờ Văn Hữu, tờ nguyệt san này mới chỉ sắp ra số 2. Mọi sự giao dịch giữa tôi và ông chủ nhiệm đều tốt đẹp. Đến một buổi tối, ông đến chơi nhà tôi, nói chuyện công việc một lúc rồi ông nhắc đến cuốn sách của Hoàng Trọng Miên và cho tôi biết rằng trong Tờ Văn Hóa Á Châu (chủ nhiệm Nguyễn Đăng Thục) có bài buộc Hoàng Trọng Miên và ông ngỏ ý yêu cầu tôi bênh vực họ Hoàng.Tôi nhận lời hoàn toàn tin vào là một quyền hạn của ông chủ nhiệm, hai là sự ngay thẳng của ông ấy.
Sự sơ xuất của tôi nặng nề nhất là tôi không biết rằng cuốn sách của Hoàng Trọng Miên, chính là cơ quan giúp vốn cho ấn hành lại là tờ Văn Hữu. Tôi chỉ vùi đầu vào đọc bài của Thế Phong (ký Đường Bá Bổn) mà lúc đó tôi cũng không hỏi về cuốn sách của Hoàng Trọng Miên. Thế rồi tôi viết bài bênh vực Hoàng Trọng Miên và tấn công Thế Phong. Bởi đúng như tôi viết trong bài của tôi trong lúc đó, tôi không có cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi, nhưng tôi bênh vực Hoàng Trọng Miên, bởi bài tấn công Hoàng Trọng Miên viết kém quá. Tôi cứ suy lối viết văn mà đoán tác giả còn đi học và dùng luôn chữ “em” để chỉ, mặc dầu tôi không có ác ý mà đọc lên rõ ràng có ác ý. Bài của tôi đăng lên báo rồi tôi mới biết một là tác giả là người, dù còn trẻ, dù mới viết văn có thể là đồng nghiệp đối với tôi, hai là cuốn sách của Hoàng Trọng Miên quả có giống cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi, đủ giống để được gọi là đạo văn. Tôi biết thế rồi thì ân hận lắm và sau đó tôi đã đi với Đỗ Tốn (tác giả Hoa vông vang) đến gặp và xin lỗi Thế Phong ở nhà hàng Thiên Thai.”
(Đường Bá Bổn, “Hồi ký Ngoài văn chương”, trích lại trên Tân văn số 8, tháng 3, 2008. trang 21)
Tôi vốn rất trân trọng và thương tiếc con người và cái chết oan nghiệt của Nguyễn Mạnh Côn trong nhà tù cộng sản. Cũng phải nhìn nhận rằng ông đã có một thái độ phục thiện và cử chỉ đẹp khi đến gặp và xin lỗi Thế Phong.
Tuy nhiên, tôi phải nói thêm rằng, lối làm việc của ông Nguyễn Mạnh Côn thể hiện tình bè phái tắc trách. Không đọc cuốn sách của Hoàng Trọng Miên mà dám chửi Đường Bá Bổn. Ông chê Đường Bá Bổn viết “thấp”. Tôi cho là không công bằng. Tôi đã đọc bài viết của Đường Bá Bổn trong “Hiện tình văn nghệ miền Nam 1957-1961” trên mạng newvietart.com. Khi đo tác giả là một người trẻ dưới 25, đã chịu đọc và so sánh hai cuốn sách, liệt kê so sánh hai dàn bài, so sánh hai nội dung hai cuốn sách, so sánh hai quan điểm về thần thoại, tố giác lối tiểu xảo “lưu manh vặt” hạ cấp của Hoàng Trọng Miên đổi ngược vị trí dàn bài, cái trước xuống cái sau để đánh lừa người đọc.
Đối với tôi, cùng lắm Nguyễn Đổng Chi cũng chỉ là người sưu tầm tài liệu về các huyền thoại của người thiểu số, người kinh gom góp các huyền thoại trong dân gian và kể lại.
Người Việt Nam thời bấy giờ ở cả hai miền đất nước, Bắc cũng như trong Nam chưa có mấy ai có điều kiện học hỏi về các chuyên ngành để có thể, thay vì kể truyện Huyền Thoại thì giải lý, cắt nghĩa, tìm ra nguyên ủy tại sao lại có Huyền Thoại như thế các nhà Nhân chủng học ngoại quốc thường làm.
Giải lý huyền thoại đòi hỏi kiến thức của nhiều chuyên ngành như Xã hội Học, địa lý nhân văn, ngôn ngữ học, phân tâm học, nhân chủng học, v.v..
Theo tôi, Nguyễn Mạnh Côn chỉ hiểu một cách đơn thuần huyền thoại như là những câu truyện dân gian kể lại cho con cháu nghe cho vui. Hiểu như thế cũng được.
Nhưng đó không phải là cách hiểu của người chuyên ngành và hạ thấp giá trị huyền thoại!
Phần tôi, tôi phải gọi Hoàng Trọng Miên là một thứ “đạo chích” văn nghệ.
Lần đầu tiên trong đời tôi đã phải dùng cum từ này vì nó xứng đáng với một người cầm bút tồi tệ như thế của miền Nam.
Tệ hại hơn nữa là hậu duệ, anh em hoặc con cháu Hoàng Trọng Miên lại tiếp tục cho in lại các sách của Hoàng Trọng Miên mà không biết trơ trẽn và biết ngượng. Phải xếp những loại người này vào loại người nào?
Tôi cũng sưu tập được lá thư “cậy đăng” của Hoàng Trọng Miên đăng trên tờ Bách Khoa. Nội dung lá thư chỉ tìm cách chạy tội, một thứ ngụy biện như một thách thức lương tri người đọc.
Bài viết mang tựa đề, “Chung quanh bộ sách “ Việt Nam Văn Học Toàn Thư””. Bách Khoa ghi chú rõ, “Bài cậy đăng. Tiếng nói của tác giả Hoàng Trọng Miên.”
“Từ ngày bộ sách Việt Nam Văn Học Toàn thư ra đời, ngoài những lời giới thiệu nồng hậu của các báo Việt, Pháp, một nhà văn viết văn hay viết về học thuật đã nói đến. Khen hay chê là quyền của dư luận: một tác giả đẻ một đứa con tinh thần rồi, thì đứa con ấy thuộc về thiên hạ trên phương diện phê phán. Đối với lời khen hay chê, tác giả đều cám ơn: lời khen có tác dụng khuyến khích; lời chê, nếu đúng, giúp tác giả nghiên cứa sửa đổi khuyết điểm. Tựu trung, có những lời phê bình mà chúng tôi cần có một vài lời để trả lời: một là để trình một lời giải thích chung, hai là để thưa với các bạn đọc chỉ nghe một tiếng chuông, ba là để định luôn một vài vấn đề nguyên tắc trong kỹ thuật viết sách cảo luận hay sáng tác.”
(Đăng lại trên Tân Văn, ibid., trang 34)
Trong suốt hai trang lá thư cậy đăng, Hoàng Trọng Miên đủ mánh lới không nhắc gì đến vụ đạo văn, đến bài tố cáo của Uyên Thao và bài viết của Đường Bá Bổn. Hoàng Trọng Miên chỉ tự vẽ ra nguyên tắc làm nghiên cứu của ông cũng giống như công việc mà Nguyễn văn Tố, Đào Duy Anh đã làm.
Câu kết luận, Hoàng Trọng Miên viết:
“Sao lại có người cứ cố gán cho chúng tôi giấu ám ý trong sách, trong lúc chúng tôi công khai phụng sự nền văn hóa tự do của dân tộc mà bằng chứng rất cụ thể?T.B.- Trên vấn đề này, chúng tôi chỉ lên tiếng một lần, lần thứ nhất mà cũng là lần cuối.”
(Tân Văn, ibid., trang 35).
Hoàng Trọng Miên phải có đủ can đảm và lì lợm mới có thể viết một lá thư như thế và phủ nhận gián tiếp chuyện đạo văn. Sách của Hoàng Trọng Miên vẫn công khai được bày bán tại các tiệm sách và vỉa hè Sài Gòn. Đáng lẽ chính quyền nên có biện pháp thu hồi quyển sách về mới phải và ngay cả Giải thưởng văn chương toàn quốc đã phát cho Hoàng Trọng Miên .
Theo nghị định số 213 GĐ/NĐ ra ngày 5 tháng 2, 1957 phải có thêm điều lệ, nếu tác phẩm sau khi được phát giải mà có vấn đề thì phải có quy định thu hồi lại giải thưởng. Nếu không một ai làm gì cả hóa ra những giải thưởng này giá trị không bằng tấm giấy lộn? Phải chăng cái di hại của cặp Nguyễn Duy Miễn và Hoàng Trọng Miên là sau này tất cả những gì liên quan giữa văn học và chính quyền thì đều bị nghi ngờ và bị đánh giá thấp! Nhất là các giải thưởng xuất pháp từ “phủ đầu rồng” thì dù tác phẩm có thể khá đi nữa cũng có nhiều hy vọng không ai mua và bị bày bán ở lề đường.
Sách có thể là hay bị đánh tụt giá là sách dở.
Sau này, Mai Thảo có kể ông Bình Nguyên Lộc được mời chấm giải Văn Chương toàn quốc ông lấy cớ nọ cớ kia để từ chối rất ư là khôi hài. Ông từ chối làm giám khảo vì bệnh cao máu nên không leo nổi những bậc thềm của Dinh Độc Lập. Mai Thảo viết rất có ý nghĩa, “Năm đó ông không vào Dinh Độc Lập được thật. Những bậc thềm cao quá cho tài viết hàng đầu.”
(Mai Thảo, “Nhân cách Bình Nguyên Lộc”, Hợp Lưu, trang 39. Đăng lại trên Tân Văn, ibid., trang 23.)
Giải thưởng thay vì làm vinh danh cho tác giả và nền văn học của miền Nam, nó đã không vinh danh cho tác phẩm cũng như tác giả.
Tôi viết lại một vết nhơ văn học như một nhắc nhở người cầm bút hiện nay, Đừng đi vào vết xe đổ của thứ đạo chích văn học như Hoàng Trọng Miên. Rất may cho Văn học miền Nam, những vết nhơ như thế thật hiếm hoi. Có những trường hợp khác, chỉ được coi là “cầm nhầm” một vài ý, một câu thơ, một nhái lại một bản nhạc, v.v..
Ngoài trường hợp Hoàng Trọng Miên, còn một trường hợp thứ hai, theo Nhị Linh, ít người biết hay nhắc đến. Đó là trường hợp của Linh mục Thanh Lãng than phiền các ông Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, và Phan Canh.
“Khi cho ‘Phong trào Văn hóa’ in bộ ‘Phê bình văn học thế hệ 1932’ (2 tập, năm 1972) Thanh Lãng viết lời tựa mang tên ‘Tại sao xuất bản’:
“Sở dĩ có 2 quyết định khổ tâm này là vì, 3 đấng đại văn hóa Nguyễn tấn Long, Nguyễn hữu Trọng, Phan Canh, cứ đánh cắp tà tà các bài giảng Khoa (in rô-nê-ô) của tôi để đem xuất bản thành sách, ký tên mấy đấng.””
(Nhị Linh, ibid., http://thang-phai.blogspot.ca/2015/12/moi-thoi-ky-lai-co-mot-nguoi-noi-bat.html)
Ngoài những trường hợp nêu trên chúng ta vẫn có thể tự hào về nền văn học miền Nam.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.