Minh oan cho Petrus Trương Vĩnh Ký về câu “Ở với họ mà không theo họ” (p2)
Winston Phan Đào Nguyên
Nhưng cũng chính vì sự “đi trước thời đại” hàng trăm năm này mà ông Petrus Ký đã rất cô đơn ở ngay chính trong xã hội của mình. Nếu đến hơn trăm năm sau mà những người thương mến ông nhất còn chưa hiểu được ông, còn cho là ông đã tự biện minh, tự bào chữa…
(Tiếp theo p1 và hết)
6. Hậu quả của câu dịch “Ở với họ mà không theo họ”
Một cách rất trớ trêu, câu nói về triết lý sống đầy ảnh hưởng Tây Phương “sic vos non vobis” của Petrus Ký lại được dịch ra thành một câu đầy màu sắc chính trị Đông Phương là “ở với họ mà không theo họ”. Từ câu dịch này đã sinh ra không biết bao nhiêu là dị bản cũng như những sự thêu dệt, làm cho hậu thế ngày càng hiểu lầm ông hơn nữa. Hãy nhìn lại những hậu quả của câu dịch đó.
a) Biến Petrus Ký thành người có mặc cảm phạm tội phải tự bào chữa
Những tác giả dùng câu “Ở với họ mà không theo họ” đều là những người hết lòng kính phục Petrus Ký. Tất cả đều dựa vào câu này để bào chữa cho việc ông hợp tác với Pháp mà dưới cái nhìn của họ là một việc làm hoàn toàn sai trái. Giống như nhau, họ đã cho rằng Petrus Ký tự cảm thấy phạm tội khi nhận lời làm việc với Pháp, và vì mặc cảm phạm tội đó, nên đã phải tự bào chữa cho mình bằng câu nói trên .
Nhưng câu “ở với họ mà không theo họ” là câu đã đồng hóa Petrus Ký với Tôn Thọ Tường. Và nó đã biến Petrus Ký thành một kẻ có mặc cảm phạm tội phải tự bào chữa cho mình như Tôn Thọ Tường đã làm. Trong khi đó, Petrus Ký không bao giờ nói câu này và chắc chắn sẽ không bao giờ tự bào chữa kiểu đó. Hãy đối chiếu câu dịch này với một trong những triết lý sống của Petrus Ký để thấy tại sao ông sẽ không bao giờ làm vậy:
“Hể làm người mở ra làm việc gì thì phải làm cho hết sức hết lòng, được ấy là nhằm, mà không được ấy là sái. Trong việc lớn cả thể, trước khi làm, phải xét trước xét sau cho kỉ-cang cho cùng lý rồi hãy làm; làm thì làm cho sấn sước đừng có dụ dự, làm cho hết sức mình; mà không được thì thôi, thì biết là Trời chưa cho mần nên: tận nhơn lực, tri thiên mạng. Việc lớn hơn nữa, thì lại càng phải suy xét trước sau, tìm gốc ngọn, coi mòi coi gièo cho chí-lý rồi đã hãy làm …”(31)
b) Biến Petrus Ký thành “Quan Vân Trường” hay chế biến lịch sử
Hậu quả kế tiếp của câu dịch “ở với họ mà không theo họ” là do tính chất không rõ ràng của nó với những chữ như “ở”, “theo”, “họ”, các tác giả bào chữa cho Petrus Ký đã tự động đi xa hơn bằng cách phóng tác và cho Petrus Ký làm những việc mà ông không hề làm.
Như Hồng Lê Thọ đã thêm chi tiết cho câu văn thêm đậm đà và đầy kịch tính: “Đây là việc tôi ở với các anh chứ không phải vì theo các anh.” Y như một câu đối đáp rất cứng cỏi của Petrus Ký với một thượng cấp người Pháp, trong khi thực tế là ông đang tâm tình với một người bạn. Mới nghe thì rất hào hùng nhưng suy nghĩ kỹ thì câu này không có mấy ý nghĩa.
Trong khi đó, tác giả Phan Thứ Lang đã vô tình chế biến lịch sử bằng cách viết thêm là Petrus Ký đã dùng câu này để biện minh cho việc nhận lời làm thông ngôn cho Jaureguiberry từ tận năm 1860:
“Và Pétrus Ký đã đem câu châm ngôn Latinh ‘Ở với họ mà không theo họ ‘ (“Sic vos non vobis”), để biện minh cho sự hợp tác của ông với Pháp. Rồi mặc những lời thị phi, ngày 20/12/1860, ông đã nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry.”(32)
Nhưng có lẽ đi xa hơn cả là nhà văn Hoàng Lại Giang trong cuốn tiểu thuyết “Trương Vĩnh Ký – Bi Kịch Muôn Đời”(33). Giống như Hồng Lê Thọ và Phan Thứ Lang, ông cho rằng khi Petrus Ký gặp Jauréguiberry, ông đã có những dằn vặt, và
“… cuối cùng thì anh cũng tìm ra cho chính mình một phương châm hành động, một con đường đi riêng: Cộng tác với họ, nhưng không theo họ” (trang 279).
Và rồi ông cho nhân vật Petrus Ký trong sách tự biện minh với Phan Thanh Giản như sau: “Vậy mà có lúc Quan Vân Trường đã về với Tào Tháo. Nhưng trong con người trung nghĩa này, luôn ý thức “hàng Tào Tháo mà không theo Tào Tháo.” (trang 377). Ông cũng cho luôn Petrus Ký nói với vua Đồng Khánh rằng:
“Thần hứa với mình, phải học Quan Vân Trường: Theo họ nhưng không lệ thuộc họ.” (trang 547)(34).
Đến đây chắc ai cũng đã thấy hậu quả của câu dịch này! Từ một câu dịch sai, những người đi sau càng lúc càng thêm thắt chi tiết, càng thêu dệt cho câu nói càng lúc càng đi xa với câu dịch cũng như tạo ra những tình tiết tưởng chừng là lịch sử. Điều đáng sợ là những tình tiết này càng lúc càng được đem vào những bài viết tưởng chừng rất nghiêm túc về Petrus Ký, khiến những người đọc về sau càng lúc càng khó phân chân giả.
c) Biến Petrus Ký thành một người tự mâu thuẫn
Hậu quả kế tiếp của câu “ở với họ mà không theo họ” là biến Petrus Ký thành một người tự mâu thuẫn. Hãy nhìn xem những việc làm tiêu biểu của ông Petrus Ký mà cả hai phe ủng hộ và chống đối đều dùng để biểu hiện sự mâu thuẫn này.
i) Về những hành động “không theo” Pháp
Trước nhất, ông đã sưu tầm và cho in rất nhiều tác phẩm thuộc loại “không có lợi” cho Pháp như Cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh, Trung Nghĩa Ca, Hịch Văn Thân … vì trong đó Pháp được gọi là “giặc”(35).
Sau đó, ông đã sẵn sàng phê bình những lãnh đạo Công Giáo ở Bắc Kỳ trong bản báo cáo năm 1876 là họ đã lạm dụng quyền hành để hiếp đáp những người không có đạo, tạo nên một không khí thù nghịch ở Bắc Kỳ(36)
Với những người Pháp, ông không bao giờ khúm núm rụt rè. Ông đã ăn miếng trả miếng với thượng cấp Paulin Vial sau khi người bạn Paul Bert qua đời(37), cũng như đã yêu sách với đại tá hải quân D’Ariès từ những ngày đầu mới làm cho Pháp(38). Ông cũng đã gởi cho Đồng Khánh năm 1887 một tập tấu 24 điều về cách đối phó với Pháp.(39)
Nhưng có lẽ điều nổi bật nhất là ông đã nhất quyết từ chối không vào công dân Pháp dù được thúc đẩy nhiều lần(40)
Những việc làm trên đây cho thấy ông không khuất phục người Pháp và sự hợp tác của ông với Pháp không phải lúc nào cũng suôn sẻ – như nhiều tác giả về ông đã nhận xét – kể cả những sử gia miền Bắc là những người đã gay gắt lên án ông là tay sai cho Pháp.
ii) Về những hành động “theo” Pháp
Thế nhưng, theo nhiều tác giả khác, điển hình là linh mục Trương Bá Cần, nhận xét, Petrus Ký “đã nhận cộng tác với Pháp một cách hình như không đắn đo, không day dứt, không hối tiếc …”(41)
Và đó là sự thật, vì trong các tác phẩm của ông, bên cạnh những bài gọi Pháp là giặc, là những bài viết, những lá thơ khen ngợi nước Pháp và nền văn minh Pháp hay sự rộng lượng của chính phủ Pháp. Cũng như song song với những đối kháng với Paulin Vial, với D’Ariès là sự giúp sức hết lòng với Paul Bert, với Jauréguiberry.
Do đó, với những hành động có vẻ trái ngược hay mâu thuẫn trong suốt đời mình, dường như Petrus Ký không có một lập trường thống nhất, khi theo “họ”, khi lại về “ta”. Nếu phân chia ra rõ rệt tất cả những gì thuộc về Pháp hay liên hệ với Pháp là “họ” và tất cả những gì liên hệ tới Việt là “ta” thì có lẽ câu “ở với họ mà không theo họ” của Khổng Xuân Thu có thể áp dụng được cho Petrus Ký.
Thế nhưng nếu như Petrus Ký đã không bao giờ nói câu “ở với họ mà không theo họ” thì ông cũng đã không bao giờ sống và làm như vậy, vì trong cuộc đời của Petrus Ký không có “họ” và “ta” mà chỉ có con người và xã hội mà thôi.
7. Phương châm cuộc đời của Petrus Ký không có “họ” mà chỉ có xã hội và Con người với vai trò
Phương châm trong đời hay triết lý sống của Petrus Ký mà ông đã nói ra và lập lại rất nhiều lần trong những lá thơ gởi cho Chavanne như ta đã thấy ở phần trên là: ông chỉ muốn làm một người có ích cho xã hội bằng cách làm tròn vai trò hay số phần của ông mà thôi. (Unum et unicum quaero, esse scilicet posse utilem, quam vis dicendum sit: sic vos non vobis. Haec est mea sors et consolatio). Tuy chữ dùng có lúc khác biệt, ý tưởng của ông lúc nào cũng rõ ràng: mỗi người phải làm tròn vai trò hay số phần trong đời để làm cho xã hội của mình tốt đẹp hơn.
Với một triết lý bất vị kỷ như vậy, không thể có sự phân biệt giữa “họ” và “ta” trong thế đối đầu để rồi đi đến một chọn lựa là “ở với họ mà không theo họ”. Mà triết lý đó chỉ có hai yếu tố chính là xã hội và những con người với vai trò riêng biệt trong xã hội đó.
a) Xã hội của Petrus Ký
Vậy, “xã hội” của ông Petrus Ký là xã hội nào ?
Qua một lá thơ cũng bằng tiếng Latin gởi cho Albert Kaempfen được Raphael Barquissau đăng lại trong tập “Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương –vĩnh-Ký” nói trên, xã hội lý tưởng mà ông Petrus Ký hướng đến là một xã hội không có biên giới, một xã hội chung của cả nhân loại (societatem humanam universalem), một xã hội duy nhất mà khoa học công nhận.
Petrus Ký đã viết như sau:
“Scientiarum enim imperium limites non cognoscit, montibus maribusque separatos ac remotos unit, communis laboris socios ex quatuor partibus mundi arcte admovet, societatem nullam aliam quam Humanam (universalem) admittens. Hae sunt verae personae ac partes suscipiendae viris eruditionis utiles sese reddere societati cujus membra sunt.”
“Lãnh vực khoa học thật tình không có biên giới; dù ngăn cách bởi núi và biển, từ bốn góc trời nó đã liên kết những người cùng chung việc làm đó, nó không chấp nhận một xã hội nào khác ngoài xã hội chung của loài người. Đây là vai trò thật sự phải làm của những người thông thái, làm người có ích cho xã hội mà trong đó họ là những phần tử.”(42)
Nhưng người ta có thể thấy ngay rằng Petrus Ký cũng rất thiết thực: đó cũng là xã hội mà trong đó ông là một phần tử (societati cujus membra sunt). Và đó không gì khác hơn là xã hội “An Nam” của ông thời bấy giờ, trong đó có những đồng bào của ông không phân biệt Bắc Trung Nam, không phân biệt lương giáo. Chính những người đồng bào này mới là mối quan tâm lớn nhất trong đời ông.
Hãy đọc những gì Petrus Ký viết trong bản báo cáo sau chuyến đi Bắc Kỳ năm 1776:
“trên thực tế, tôi luôn cảm thấy nhức nhối vì tấn thảm kịch mà nhân dân Bắc Kỳ bất hạnh đang phải gánh chịu … tôi cho rằng, họ không đáng phải chịu bất hạnh hơn bất cứ dân tộc nào khác.”(43)
Thêm nữa, trong một cuốn bản thảo viết tay của Petrus Ký đóng dấu Cơ Mật Viện đề ngày 15/4/1886 có một bài viết đầu đề là “Trương -Vương Vấn Đáp” đề cập đến một cuộc trao đổi chính kiến giữa Petrus Ký (Trương) và Đồng Khánh (Vương). Theo bài viết đó, cách giải quyết cho tình hình chính trị của Việt Nam mà Petrus Ký đề nghị với Đồng Khánh là như sau:
“ngoài thì xử trí đối với ngoại quốc cho êm, trong thì đâu đó cho bằng yên, nhân dân an cư lạc nghiệp thì là gốc, ấy là hữu nhân, ấy là đắc chúng.”(44)
Tương tự, năm 1887, sau khi đã về lại Sài Gòn và dù không còn làm trong Cơ Mật Viện, Petrus Ký vẫn gởi cho Đồng Khánh một tập tấu 24 điều, trong đó có điều 23 như sau:
“… Lo làm sao cho dân siêng năng làm giàu, không để người Pháp làm gầy nước ta, thu phục lòng dân ta, thời cái chính sách tự cường há chẳng nghiêm du?”(45)
Thậm chí khi viết cho người bạn Pène Siefert vào tháng 4 năm 1886 với những nhận xét về vua Đồng Khánh, Petrus Ký vẫn cho ta thấy sự quan tâm của ông với người dân:
“Sống giữa những người dân, ông ta (Đồng Khánh) bằng sự quan sát của mình đã có thể thông cảm được tình trạng khốn khổ của dân chúng trong nước.”(46)
Do đó, qua những câu viết này, và qua những việc làm của ông mà ta sẽ thấy, cái xã hội của người dân An Nam hay đồng bào của ông là những người mà Petrus Ký quan tâm đến chứ không phải là triều đình Huế hay chính phủ thuộc địa Pháp. Mục đích tối hậu của ông luôn luôn là làm cho đời sống của người dân hay xã hội An Nam của ông tốt đẹp hơn.
b) Vai trò của Petrus Ký
Cũng theo Petrus Ký thì mỗi phần tử trong xã hội đều có một vai trò. Đó là số phần mà tạo hóa đã định đoạt:
“Số mạng người ta hay tin là việc Trời đã tiên định rồi, không ai đổi đặng. Mà chính nghĩa nó là làm vầy: Khi sinh mỗi người ra, thì đấng Tạo-hóa đã tùy bổn tánh mà liệu cho sau sẽ làm những việc vừa bổn tánh nó…. Hãy nhớ lại hôm trước tôi có lấy con cờ tướng cùng vai tuồng con hát mà ví cho mà nghe . Vậy thì biết mỗi con cờ đều có việc hay việc giỏi nấy cả, mỗi con hát đều có phiên thứ vai tuồng khác nhau, đều có cái sở trường riêng cả.”(47)
Và vai trò của ông để làm cho xã hội tốt lên, như ông đã tự nhận rất nhiều lần, là làm cầu nối giữa hai dân tộc Pháp và Việt:
“Tôi không làm gì khác ông viết, ngoài việc trở thành cầu nối giữa hai dân tộc vừa gặp gỡ nhau trên đất Nam Kỳ . Tôi không thể làm gì khác ngoài giúp cho hai dân tộc này hiểu nhau và thương mến nhau, cũng chính vì thế mà tôi tiếp tục chuyển ngữ từ tiếng An Nam sang tiếng Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng An Nam, tôi bị thuyết phục rằng một ngày nào đó, phía sau các con chữ sẽ là các tư tưởng và sớm thôi, chúng tôi sẽ đến được với nền văn minh đẹp đẽ của các ông.”(48)
“Tôi tính sẽ tiếp tục nghiên cứu và phụng sự cho sự thông tuệ của hai đất nước – hai mối lo duy nhất trong đời tôi.”(49)
“Về phần mình, tôi chỉ chuyên chú vào những ấn phẩm nào mà theo tôi là có thể góp phần đem lại lợi ích cho cả người Pháp và người An Nam đang cùng chung sống, và tôi tự lãnh lấy nhiệm vụ thắt chặt mối quan hệ này bằng sự hiểu biết, khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên nhanh chóng và hấp dẫn; tôi hy vọng rằng rồi họ sẽ yêu mến lẫn nhau …”(50)
Chẳng những chỉ nói những điều này với người Pháp, Petrus Ký còn viết bằng tiếng Việt trong thơ gởi cho Trần Tử Ca về chuyến ra Huế tham chính của ông:
“… Nên tôi mới lãnh đi ra điều đình việc cả hai nước. Ấy là cái phận cái chức khó nhứt trong đời; vì làm việc như mai dong, đứng giữa gánh cả hai vai nặng nề hết sức ..”(51)
Tóm lại, người ta có thể thấy phương châm sống khiêm nhường và bất vị kỷ của Petrus Ký là làm tròn vai trò của mình trong xã hội để giúp ích cho xã hội chứ không phải cho mình, theo đúng như câu “sic vos non vobis” mà ông đã viết cho bác sĩ Chavanne bạn ông.
8. Đối chiếu việc làm trong đời của Petrus Ký và phương châm làm tròn vai trò trong xã hội
Và nếu ta nhìn lại cuộc đời của Petrus Ký và đối chiếu với phương châm trên, ta sẽ thấy rằng ông đã sống và làm đúng như vậy. Thay vì nhìn dưới lăng kính thù địch “họ” và “”ta” theo câu “ở với họ mà không theo họ”, nếu nhìn những việc làm của Petrus Ký với mục đích làm cho xã hội của ông tốt đẹp hơn thì ta có thể lý giải được hầu như tất cả những gì ông đã làm trong đời.
Trước nhất, về chính trị, Petrus Ký đã có một chọn lựa rõ ràng minh bạch là cộng tác với Pháp, dựa vào Pháp để học hỏi từ họ, với mục đích cuối cùng là đưa nước nhà ra khỏi những bế tắt dưới thời Nguyễn và đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho đồng bào ông.
Cần phải phân biệt rõ ràng xã hội hay người dân Việt Nam với triều đình nhà Nguyễn(52). Phải thấy rằng triều đình nhà Nguyễn không phải là một đại diện cho người dân hay xã hội An Nam thế kỷ 19. Vì không phải là một nhà nho, và vì hấp thụ tư tưởng dân chủ Âu Châu, Petrus Ký đã nhìn thấy triều đình nhà Nguyễn – với chế độ cai trị thối nát, với tệ nạn tham nhũng, giặc giả liên miên – mới chính là kẻ thù của người dân Việt Nam, như ông đã viết trong Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi.
Trong khi đó, Petrus Ký lại có được cái may mắn là thấy tận mắt một xã hội dân chủ, văn minh vào bậc nhất thế giới thời đó tại nước Pháp với chuyến đi theo sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1863. Ở đó, Petrus Ký đã có cơ hội làm bạn và học hỏi thêm về những tư tưởng dân chủ, dân quyền – từ những nhà trí thức tiến bộ hàng đầu thế giới như Émile Littré, như Victor Hugo, như Léon Gautier – những tư tưởng mà trước đó ông đã được đọc trong sách của Rousseau, Montesquieu, Voltaire(53) Ông chắc chắn đã thấy ra rằng ngoài sức mạnh khoa học, nước Pháp và xã hội Pháp còn có được sự tự do, sự tôn trọng quyền con người mà những xã hội Á Châu chưa hề có.
So sánh xã hội Pháp với xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn, ông Petrus Ký đã chọn việc dựa vào Pháp để học hỏi nhằm tiến tới một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Và ông đã chọn chính phủ Pháp thay vì những ông vua nhà Nguyễn.
Đương nhiên, “chính phủ Pháp” hay chính quyền thuộc địa Pháp có khác nhau, cũng như chính sách thuộc địa có lúc này lúc khác, như Paul Bert có khác Paulin Vial, hay Jauréguiberry không phải là D’Ariès. Và do đó, ta có thể hiểu được tại sao Petrus Ký ủng hộ Paul Bert nhưng chống lại Paulin Vial, tại sao ông đồng ý làm việc với Jauréguiberry nhưng yêu sách với D’Ariès. Tất cả đều vì mục đích tối hậu là làm cho đời sống người dân và xã hội của ông tốt đẹp hơn.
Vậy, về chính trị, Petrus Ký rõ ràng đã chọn mô hình của Pháp thay vì mô hình quân chủ phong kiến nhà Nguyễn. Nếu có khi ông tỏ vẻ chống đối Pháp thì đó là vì ông chống đối những chính sách hay những cá nhân đem lại những điều bất lợi cho xã hội An Nam chứ ông chưa bao giờ chống lại chế độ bảo hộ của Pháp.
Muốn biết rõ ràng hơn về quan điểm chính trị này của Petrus Ký, hãy đọc đoạn văn mà ông tự thú nhận là đã “lạc đề” trong cuốn Cours d’Histoire Annamite:
“… chúng tôi không thể quên rằng, người An Nam của nước Pháp hay người An Nam của Nam Kỳ và của Bắc Kỳ chúng tôi đều có cội nguồn chung. Dầu cho có bị rẽ phân bởi vận mạng chính trị, chúng tôi cũng sẽ mạnh dạn chống lại cái cơ chế chính trị sai lầm, trái nghịch với nền kinh tế chánh trị lành mạnh, cái cơ chế chánh trị coi dân như đàn trâu, bầy bò, của những ông vua. Cái cách cai trị ấy chỉ là một sự khoét đẽo vụng về và tội lỗi của bọn quan lại tham nhũng và hám chức, đối với một dân tộc.
Chúng tôi không ngại thú nhận là trong khi đó, sự tổ chức chánh trị tốt đẹp của những dân tộc Tây Phương mà đứng đầu là dân tộc Pháp, đã cám dỗ tâm trí chúng tôi, đã chinh phục lòng yêu chuộng kính mến và trung thành của chúng tôi, cũng như nó biết gây cảm tình với những sắc dân mà nước Pháp đã sáp nhập vào bá quyền của nó. Những dân chúng ấy bắt phải sững sốt mà thấy mình được tự do như vậy, được bình yên như vậy, được bảo bọc như vậy, là nhờ những người chủ mà trước kia mình coi là những kẻ thù (kể cũng là lôgich).
(Tôi xin lỗi về cái nghị luận lạc đề này mà sự khảo sát những sự kiện lịch sử đã dẫn đến. Người ta đâu nỡ trách tôi, nếu một cảm giác u buồn, chua chát xâm chiếm lòng tôi, khi tôi nhìn thấy xứ sở này đã ra thân như thế nào, mà đáng lẽ nó đã có được như thế nào rồi).”(54)
Trong khi đó, về văn hóa hay chính xác hơn về đạo đức ông đã chọn đời sống đạo đức của phương Đông. Đó là lý do ông đã không ngừng dạy dỗ phổ biến văn hóa đạo đức phương Đông qua những sách vở của ông cũng như sống một cuộc đời hoàn toàn phương Đông từ cách ăn mặc đến việc từ chối vào dân Tây .
Tóm lại, với mục đích tối hậu là làm cho xã hội của ông tiến bộ hơn, Petrus Ký đã chọn những gì tốt đẹp nhất theo ông nhận xét từ cả hai phía Đông Tây. Với mục đích đó, ông đã ủng hộ những người Pháp tiến bộ muốn làm điều tốt cho nước ông như Paul Bert và sẵn sàng đối phó với những người có máu thực dân như Paulin Vial hay D’Ariès. Với mục đích đó, ông đã sẵn sàng đả kích những người cùng đạo với ông trong khi lại bênh vực những kẻ khác đạo. Với mục đích đó, ông đã ủng hộ những quan lại nhà Nguyễn có óc cải cách như Phạm Phú Thứ trong khi sẵn sàng lên án những kẻ khuynh loát triều đình nhà Nguyễn như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường . Với mục đích đó, ông đã chép lại tội ác của thực dân Pháp khi dân chúng gọi là giặc, trong khi lại ca tụng đất nước Pháp văn minh và những người bạn trí thức Pháp. Với mục đích đó, ông đã khuyên Paul Bert vây quanh Đồng Khánh với các nhà nho, trong khi trong sớ tấu cho Đồng Khánh ông khuyên vua nên đề phòng người Pháp.
Nếu hiểu cái mục đích tối hậu của Petrus Ký là làm cho xã hội của ông tốt đẹp hơn bằng cách đóng trọn vai trò gạch nối hay trung gian của ông thì người ta sẽ hiểu được tại sao ông làm những việc có vẻ như là mâu thuẫn. Ở thời nay, có thể phê bình sự lựa chọn của ông là đúng hay sai, nhưng người ta không thể nghi ngờ được cái mục đích tối hậu này của ông.
Và mục đích tối hậu của Petrus Ký là cho xã hội chứ không phải cho chính ông hay gia đình ông. Lịch sử đã chứng minh là ông làm việc cho Pháp với mức lương cao nhất thời đó, nhưng ông đã chết nghèo vì tiền làm ra được ông dùng để in thêm sách học. Ông đã từ chối làm giàu dù học trò của ông, những người làm việc cho Pháp cùng thời hay sau ông đều phát lên giàu có nhờ dựa vào thế của Pháp. Ông cũng đã từ chối không làm quan chức gì mà chỉ nhận là thầy giáo mà thôi, cho đến khi chết trên phần mộ cũng chỉ đề đơn giản là Giáo Sư Ngôn Ngữ Đông Phương.
9. Kết Luận
Người viết bài này bắt đầu khởi sự tìm hiểu về “sic vos non vobis” với một mục đích rất đơn giản là tìm hiểu nghĩa đen của chúng. Và ở thời đại internet ngày nay, người viết đã không mấy khó khăn để nhận ra rằng “sic vos non vobis” hoàn toàn không có nghĩa “ở với họ nhưng không theo họ” như ta vẫn thường biết. Từ khám phá đó, người viết đã tìm đọc thêm nhiều tài liệu về Petrus Ký cũng như của Petrus Ký để đưa đến bài viết này. Quả nhiên Petrus Ký đã dùng “sic vos non vobis” để nói lên triết lý sống của ông với một người bạn, nhưng đó là một ý nguyện cao đẹp bất vị kỷ để phụng sự xã hội, chứ không phải là một câu để tự bào chữa như chúng ta đã tin tưởng từ bao lâu nay.
Điều may mắn là Petrus Ký đã viết rất nhiều, và những sách báo viết về ông cũng rất nhiều, nên người viết có thể tham khảo trực tiếp những nguồn tài liệu quí báu đó. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là rất khó khăn để tìm hiểu con người thông thái này. Ở vào thế kỷ 19, trong khi những người có học thức cùng thời với ông, những nhà nho, còn miệt mài với sách đèn thi cử, thì Petrus Ký đã là bạn tâm giao với những trí thức lớn nhất thời đại. Ở vào thời mà “trung quân” mới là “ái quốc” và vẫn còn là mục đích cho các người cùng thời thì ông đã đàm luận về nhân loại, xã hội, khoa học bằng Latin, bằng Pháp Văn, bằng Anh Văn, với các bạn trí thức người Pháp của ông. Sự hiểu biết của ông càng rộng thì những gì ông viết đòi hỏi rất nhiều thì giờ để hiểu và suy ngẫm.
Nhưng cũng chính vì sự “đi trước thời đại” hàng trăm năm này mà ông Petrus Ký đã rất cô đơn ở ngay chính trong xã hội của mình. Nếu đến hơn trăm năm sau mà những người thương mến ông nhất còn chưa hiểu được ông, còn cho là ông đã tự biện minh, tự bào chữa, thì quả nhiên ông đã không lầm khi viết rằng:
“Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”
(Hết.)
© 2017 by Winston Phan Đào Nguyên. All Rights Reserved
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi đến DCVOnline. DCVOnline minh hoạ.
31. Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi, Guilland et Martinon, Saigon 1882, trang 3-4
32. Dù như ta đã thấy, Petrus Ký viết câu này trong thơ cho Chavanne tháng 10 năm 1887, gần 30 năm sau!
33. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Và Thông Tin, 2001. Dù là một tiểu thuyết, Hoàng Lại Giang đã dùng rất nhiều tài liệu có thật và điều này đã làm cho nhiều người nghĩ rằng tất cả những chi tiết trong sách này là lịch sử.
34. Việc dùng cả hai phiên bản dịch này cho thấy Hoàng Lại Giang đã dùng toàn bộ những câu dịch của Khổng Xuân Thu.
35. Nhưng mặc dù vậy, chính quyền thực dân Pháp vẫn cấp giấy phép và đôi khi bỏ tiền ra xuất bản những tác phẩm này!
36. Báo Cáo Gửi Đô Đốc Qua Trung Gian Của Ông Regnault De Premesnil, Tham Mưu Trưởng (28/4/1876), in lại trong NOTK, trang 244-249, 245.
37. Trương Vĩnh Ký Trả Lời Paulin Vial, NOTK, trang 269.
38. NOTK, trang 242-243.
39. Theo Mai Hanh “Tìm Hiểu Thực Chất Vấn Đề Trương Vĩnh Ký Trong Lịch Sử Việt Nam”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 58, tháng 1/1964, in lại trong NOTK, trang 450-451. Với tấu văn này, tác giả cho rằng: “Trương coi thực dân Pháp như kẻ thù”
40. Trương Vĩnh Ký Viết Cho Pène Siefert, NOTK, trang 276.
41. Trương Bá Cần, “Cuốn Sổ Bình Sanh Của Trương Vĩnh Ký”, NOTK, trang 590.
42. “Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương –vĩnh-Ký”, Publication de la Société des Etudes Indochinoises, Saigon 1934, trang 23.
43. Báo Cáo Gửi Đô Đốc Qua Trung Gian Của Ông Regnault De Premesnil, Tham Mưu Trưởng (28/4/1876). In trong NOTK trang 244-249, phần trích bên trên ở trang 246-247.
44. Câu này được trích lại trong bài của Mai Hanh, “Tìm Hiểu Thực Chất Vấn Đề Trương Vĩnh Ký Trong Lịch Sử Việt Nam”, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử, số 58, tháng 1/1964, trang 15-28, Chú Thích số 1: “Tập Bản Thảo của Trương Vĩnh Ký – Thư Viện KHoa Học Trung Ương. Tất cả bài viết được in lại trong NOTK, trang 443-465.
45. Cũng trong bài của Mai Hanh in lại trong NOTK, trang 451.
46. Ernest Millot, “Le Tonkin, Son Commerce Et Sa Mise En Exploitation”, Librairie Coloniale, Paris 1888, trang 242-243: “Vivant au milieu du peuple, il a pu par des observations personnelles arriver à apprécier aussi l’état misérable de la population”.
47. Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi, Guilland et Martinon, Saigon 1882, trang 3-4. Tưởng cũng nên trích thêm một đoạn trong cuốn “Kiếp Phong Trần” của ông (Guilland et Martinon, Saigon 1882) để thấy rõ thêm quan niệm về vai trò của mỗi phần tử trong xã hội của Petrus Ký:
“Trương: – Là mỗi người đều có một cái sở trường riêng, ai cũng có; còn vật mỗi vật mỗi có ích riêng cả. Mà đâu nó theo thứ nó đó. Hãy xem trong bàn cờ tướng thì hiểu mau. Trước có 5 con chốt đứng giăng, kế sau 2 bên 2 con pháo; sau nữa, ở giữa có tướng, 2 bên 2 con sĩ, 2 con tượng, 2 con ngựa, 2 con xe. Trong ấy đều nhờ nhau cả. Tướng một mình thì làm gì được? Phải có tả hữu vây cánh mà đỡ mà che, là sĩ, tượng, xe, pháo, ngựa. Lâu rốt hết là con chốt, đến chừng nó qua được nước người ta nó mạnh là dường nào? Khi nó đứng đầu, nó lại đỡ cho những con chạy thối về, người ta không dám ăn. Vậy hết thảy con nào đều cũng có tài nghề riêng con nấy; mà tới phiên tới thứ nó mới ngó thấy sức nó cho. Vì vậy người ở đời, vang danh phú quý, vinh hiển, cao quờn lớn chức, cùng là hèn mọn, bần tiện, vô danh, cô thế độc một, cũng chả biết lấy đâu làm chắc: còn trong tục lụy biết ai công hầu? Nên có khác nhau chăng là vì một chữ thì.”
48. Thơ gởi cho Stanislas Meunier, in lại trong NOTK, trang 275
49. Thơ gởi cho Alexis Chavanne, in lai trong NOTK, trang 270
50. Thơ gởi cho Ronmanet du Caillard, trích lại trong bài phát biẻu của Lê Thành Ý, in lại trong NOTK, trang 334
51. Thơ gởi Đốc Phủ Ca, NOTK trang 278-282, 281. Lá thơ này NOTK cho là từ cuốn “Trương Vĩnh Ký – Con Người Và Sự Thật” của Nguyễn Văn Trấn nhưng chính trong sách này Nguyễn văn Trấn cho biết đã lấy lá thơ từ cuốn sách “Trương Vĩnh Ký – Người Là Ai” của Phạm Đình Tân (trang 165).
52. Có lẽ cũng cần nêu ra là chủ nghĩa dân tộc hay khái niệm quốc gia chưa có ở Việt Nam vào thời gian đó. Khái niệm “trung quân” hay “cần vương” vẫn còn là khái niệm chính thời đó. Sự lựa chọn đối với những nhà nho thời đó chỉ có thể là theo triều đình nhà Nguyễn hay theo Pháp.
53. Như ông đã bàn luận với Léon Gautier trong KXT, trang 141.
54. Xin chép lại nguyên văn đoạn quan trọng này để thấy quan điểm chính trị ít khi được bày tỏ của Petrus Ký. Đoạn tiếng Việt bên trên lấy từ Trương Vĩnh Ký -Con Người Và Sự Thật của Nguyễn Văn Trấn, trang 49-50. Nguyễn Văn Trấn không cho biết ai là người dịch nên có lẽ đó chính là ông. Đoạn văn tiếng Pháp lấy từ Cours D’Histoire Annamite, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1875, trang 251-252, như sau:
“… nous n’oublierons point qu‘Annamites de la France, ou Annamites de la Cochinchine et du Tonquin, nous avons des origines communes. Bien que séparés par les destinées politiques, qui fait du peuple le bétail des rois, qui n’est que l’exploitation maladroite et criminelle d’une nation par la caste des fonctionaires avides at ambitieux.
Tandis, nous n’hésitons par à l’avouer, que la belle organisation politique des peuples de l’Occident, et du peuple francais en prèmiere ligne, à seduit notre esprit, a conquis notre estime, notre respect et notre dévouement, comme elle a su gagner la sympathie des populations que la France a annexées à son empire, étonnées de trouver tant de liberté, tant de protections, tant de sécurité chez de maitres qu‘elle avait logiquement considérés comme des ennemis. (1)
(1) Je demande pardon de cette digression, que la contemplation des faits historiques m’a arrachée. On ne m’en voudra point, si un sentiment de tristesse amère me domine, lorsque je considère sont devenus ces pays et ce qu‘ils auraient pu être.”
NHÀ BÁC HỌC TRƯƠNG VĨNH KÝ
Dân ta vào thuở còn nghèo
Nước còn lạc hậu mọi điều chưa lên
Triều đình mềm yếu ươn hèn
Quốc gia phải mất vào tay giặc ngoài
Nhưng vùng Lục tỉnh Nam Kỳ
Bắt đầu xuất hiện con người nhân văn
Hiểu nhiều các việc ai bằng
Quả Trương Vĩnh Ký đúng rằng người hay
Thật người trí thức hôm nay
Đầu tiên Tây hóa sánh tày người Âu
Một lòng nghĩ tới nước nhà
Muốn dùng văn hóa thiết tha lòng mình
Đúng là tâm huyết chí tình
Bây giờ còn lại nhiều điều vẽ vang
Sinh nhằm thời đại trái ngang
Sống mà không uổng quả càng đáng khen
Người Tây cũng phải kính hằng
Khiến làm nở mặt nở mày nước Nam
Lại người cao cả nhân văn
Vươn lên chỗ đứng thường hằng thế gian
Vượt lên trên mọi nguồn cơn
Trở thành cao khiết khác hơn người thường
Khuyên vua giúp nước mọi đường
Ở trong tình huống tự lường khả năng
Từng theo phái bộ đi Tây
Ngày đàng nhằm để học nhiều sàng khôn
Chỉ thương vận nước héo hon
Anh hùng ẩn dật chí hơn người đời
Lê Quý Đôn cũng một thời
Từng là bác học khác gì thời nay
Nên Trương Vĩnh Ký vẫn hay
Một cây cổ thụ Miền Nam mãi còn
NGÀN MAI
(17/4/17)