Không muốn bị Trung Quốc che khuất, Việt Nam đã đến với Hoa Kỳ

Steve Inskeep và Michael Michalak | DCVOnline

Tổng thống Trump tuần này tiếp Thủ tướng Việt Nam tại Toà Bạch Ốc. Steve Inskeep của N.P.R. nói chuyện với Michael Michalak, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

STEVE INSKEEP | Người ta nói rằng ở Đông Á, có hai loại quốc gia. Có Trung Quốc, và tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới là ngôi sao đang lên. Nhiều nước láng giềng của nó không muốn bị lu mờ, đó là một trong những lý do họ đã đến gần với Hoa Kỳ trong nhiều năm qua như một đồng minh. Kể cả CHXHCNVN, nước cựu thù của Mỹ; họ gửi Thủ tướng của họ tới Washington trong tuần này. Ông ấy sẽ gặp Tổng thống Trump, người đang rất tập trung vào Trung Quốc đến nỗi có một video ông Trump nhắc đến Trung Quốc cả trăm lần.

(Băng ghi âm của thư viện N.P.R.) | Tổng thống Donal Trump: Hãy nói về Trung Quốc… Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc.

INSKEEP: Nó tiếp tục như vậy cả trăm lần. Michael Michalak từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam; ông đã có cơ hội để quan sát tận mắt địa chính trị ở Đông Á và Đông Nam Á. Chào mừng ông Michalak đến với chương trình.

Michael Michalak, Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (Siv Channa/The Cambodia Daily)

MICHAEL MICHALAK: Cảm ơn ông rất nhiều.

INSKEEP: Cảm ơn ông đã đến sáng nay. Điều gì làm cho một quốc gia như Việt Nam phải lo lắng vào lúc này?

MICHALAK: Vâng, tại một thời điểm như thế này, họ đang lo lắng vì hai lý do. Một trong số đó là kinh tế vì TPP – đã bị đặt trong tình trạng đóng băng.

INSKEEP: Ồ, đối tác xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại lớn với các nước láng giềng của Trung Quốc.

MICHALAK: Đúng vậy. Và tất nhiên, những gì đang xảy ra ở Biển Đông.

INSKEEP: Xin ông giải thích về Biển Đông, tại sao lại là một vấn đề lớn?

MICHALAK: Vâng, Biển phía Nam Trung Hoa là một khu vực có nhiều, nhiều tuyên bố chủ quyền chống lấn ở những quần đảo khác nhau. Ở Biển Đông và dưới biển, tất nhiên, có rất nhiều nguyên liệu thô. Có rất nhiều khu đánh bắt cá phong phú, vì vậy có một số vấn đề về kinh tế ở Biển Đông.

INSKEEP: Vì vậy, khi chúng ta nghe những chuyện – và thỉnh thoảng chúng tôi đã mời TQ tham gia chương trình này – về việc TQ biến các rặng san hô thành hòn đảo, xây phi đạo hoặc khoan dầu ở những nơi họ không được phép. Việt Nam là một trong những nạn nhân của tất cả những điều đó?

MICHALAK: Tôi nghĩ ông có thể nói như vậy. Vâng, đúng vậy, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Đã có một số mâu thuẫn giữa quân đội Trung Quốc và quân dội Việt Nam.

INSKEEP: Có nguy cơ chiến tranh ở đây?

MICHALAK: Không. Sẽ không có chiến tranh, nhưng chắc chắn là rất nhiều thứ ông có thể gọi là cọ xát.

INSKEEP: Cọ xát. Vậy thì Việt Nam muốn gì từ Hoa Kỳ?

MICHALAK: Vâng, với Hoa Kỳ, Việt Nam đang kiếm hai điều. Một là sự ổn định và tiếp tục mở rộng mối quan hệ kinh tế. Thứ hai, họ muốn Hoa Kỳ ở lại – Đông Nam Á, để cân bằng với Trung Quốc.

INSKEEP: Hoa Kỳ làm gì dưới chính phủ của Trump?

MICHALAK: Vâng, ý tôi là, vì họ chưa thực sự có một chính quyền Trump là bao nhiêu, tôi nghĩ rằng còn hơi sớm để nói. Thực tế là chúng ta đã thực hiện một số quyền tự do hàng hải ở đó – là một điều tích cực. Thực tế là Trump đã gửi Mattis và Phó Tổng thống Pence sang Châu Á …

INSKEEP: Bộ trưởng Quốc phòng, James Mattis, vâng. Ông nói tiếp đi.

MICHALAK: … Chính xác – cho thấy, tôi nghĩ, ông ta bắt đầu nhận ra rằng châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á là rất quan trọng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi đúng hướng.

INSKEEP: Nhưng làm ơn giúp tôi hiểu rõ hai điều ông đã đề cập. Kinh tế, và an ninh.

MICHALAK: Đúng thế.

INSKEEP: Tổng thống Obama kết nối hai vẫn đề. Ông nói chúng ta đang có một Trung Quốc đang lên. Và một trong những điều chúng ta muốn làm là bảo đảm rằng các nước láng giềng của Trung Quốc thực sự ràng buộc với chúng ta, ràng buộc với Hoa Kỳ. Do đó mới có Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại lớn, mà Tổng thống Trump đã hủy bỏ. Điều đó làm cho việc giữ đồng minh của Hoa Kỳ ở với Hoa Kỳ trở nên khó khăn hay khó hơn chăng?

MICHALAK: Vâng, nó phức tạp, như tôi chắc chắn nhiều người đã nói với ông. Chúng ta – và tất cả mọi người trong khu vực đó đều đã có một mối quan hệ với Trung Quốc. Không có cách nào người ta không có một mối quan hệ với Trung Quốc. Làm thế nào để ứng xử trong khu vực? Chỗ nào chúng ta sẽ cạnh tranh và chỗ nào chúng ta sẽ cần bổ túc là một ứng xử cân bằng rất tinh tế.

Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đã ứng xử cân bằng kể từ khi Nixon mở cửa cho Trung Quốc. Việt Nam đã làm như vậy một vài ngàn năm. Vì vậy, tôi không biết họ giỏi về việc đó như thế nào, nhưng cho đến nay họ có vẻ đã có thể sống với Trung Quốc. Họ luôn luôn nói, ông biết đấy, ‘chúng tôi có thể chọn bạn bè của chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể chọn những người hàng xóm của chúng tôi.’ Và đôi khi người Canada cũng nói về chúng ta như thế, nhưng …

(Cười)

INSKEEP: Ông đang nói rằng người Việt Nam sẽ không quỵ luỵ và trở thành một vệ tinh của Trung Quốc chỉ vì TPP đã bị hủy bỏ.

MICHALAK: Hoàn toàn chính xác. Đúng nư vậy.

INSKEEP: Ông có thể chỉ cho chúng tôi biết về Việt Nam không? Vì đây là một quốc gia mà hầu hết người Mỹ chỉ biết về Chiến tranh Việt Nam …

MICHALAK: Đúng thế.

INSKEEP: … Việt Nam đã là chiến trường và người Mỹ đã là một kẻ thù. Khi ông đến Việt Nam như một người Mỹ, ông đã được đối xử như thế nào?

MICHALAK: Vâng, Việt Nam không còn là một cuộc chiến nữa, đó là một đất nước. Tôi nghĩ rằng điều đó rất quan trọng. Và người Việt Nam – một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đâu đó trên 80 phần trăm người Việt Nam có một cái nhìn rất tích cực đối với Hoa Kỳ, lớn hơn con số nếu hỏi người dân ở Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi nghĩ …

INSKEEP: (Tiếng cười) Những gì đã thay đổi? Những gì đã thay đổi?

MICHALAK: Vâng, tôi nghĩ điều gì đã thay đổi là họ nhìn quanh và cố gắng tìm cách, làm thế nào có thể phát triển đất nước sau cuộc chiến tàn khốc? Hoa Kỳ đã sẵn sàng giúp đỡ. Và tôi nghĩ rằng họ coi Hoa Kỳ như một nguồn của những thị trường, như là một nguồn công nghệ và là một nguồn quan hệ cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Họ – người Trung Quốc và người Việt Nam luôn có một mối quan hệ nghi ngờ lẫn nhau.

INSKEEP: Và họ đã chiến đấu chống lại nhau.

MICHALAK: Ồ, rất nhiều lần. Ý tôi là, cả nghìn năm, Việt Nam đã là một phần của Trung Quốc. Và ngàn năm lệ thuộc đó được chấm dứt bằng cuộc nổi dậy của Việt Nam.

INSKEEP: Tóm lại, nếu là Tổng thống Trump và ông tập trung vào những thứ như thương mại và việc làm của Mỹ, cơ hội nào – nếu có – khi Thủ tướng Việt Nam đến Hoa Kỳ?

MICHALAK: À, tôi nghĩ có cơ hội để tiếp tục xây dựng mối quan hệ với họ. Chúng ta có nhiều – chúng ta – Việt Nam, tôi nghĩ, là thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất cho Hoa Kỳ trong hai năm qua. Nó có tiềm năng trở thành một cường quốc trong khối ASEAN và trong các quốc gia Đông Nam Á và một nước lãnh đạo ở đó.

INSKEEP: ASEAN, đó là một hiệp hội của các quốc gia Đông Nam Á. Mời ông nói tiếp.

MICHALAK: Đúng và tiếp tục là một nước lãnh đạo ở Đông Nam Á. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tương lai rất sáng sủa cho mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc – xin lỗi, tôi muốn nói với Việt Nam.

INSKEEP: Đại sứ – đúng vậy. Vâng, có thể với cả hai, Đâu biết được?

MICHALAK: Vâng.

INSKEEP: Cảm ơn Đại sứ rất nhiều.

MICHALAK: Vâng.

INSKEEP: Michael Michalak từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Bản ghi âm này của NPR có thể sẽ được cập nhật hoặc sửa đổi trong tương lai.

© 2017 NPR. © 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Not Wanting To Be Overshadowed By China, Vietnam Reaches Out To U.S.. Steve Inkeep and Michael Michalak, NPR. May 30, 2017.