Mất một cơ hội cho hoà bình ở Việt Nam

Robert K. Brigham | DCVOnline

Mất cơ hội tốt nhất cho hòa bình đã định hình cuộc chiến tranh trong nhiều năm tới.

Có lẽ không có câu hỏi nào lởn vởn báo điềm gở về lịch sử chiến tranh Việt Nam năm 1967 hơn câu hỏi sau đây:

Nếu Hoa Kỳ và đối thủ người Việt Nam đã có thể đưa ra một thỏa thuận hoà bình chấp nhận được trước khi cuộc leo thang tấn công lớn vào năm 1968, có lẽ đã cứu được hàng trăm ngàn mạng sống. Một nền hòa bình như thế có thể xảy ra hay không?

Tổng thống Lyndon Johnson với Robert McNamara (phải) và Dean Rusk năm 1967. Nguồn: Hulton Archive/Getty

Trong nhiều năm, giới bình luận và giới hoạch định chính sách đã suy đoán về khả năng này. Nhiều người cho rằng sự leo thang chiến tranh là điều không thể đảo ngược, số phận chung của kẻ thù, như nó vào lúc đó, đã được niêm phong. Tuy nhiên, học thuật gần đây đã chỉ ra một hướng khác. Triển vọng của hoà bình khi đó được cho là sáng sủa hơn chúng ta từng nghĩ. Đã có một dự án gần đến thành công: cuộc đàm phán bí mật giữa Washington và Hà Nội đã bắt đầu vào tháng 6 năm 1967, có tên mã là Pennsylvania.

Pennsylvania bắt đầu khi hai nhà khoa học người Pháp, Herbert Marcovitch và Raymond Aubrac tiếp xúc với Henry Kissinger, lúc đó là giáo sư của Đại học Harvard, muốn làm người trung gian thúc đẩy đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt. Kissinger khi đó đang làm việc như một người tư vấn về cuộc chiến cho chính quyền Johnson và háo hức làm bất cứ điều gì để có thể lấy lòng tin của Tổng thống. Aubrac là một người bạn cũ của Hồ Chí Minh và hứa sẽ gửi thông điệp đến người lãnh đạo cộng sản Bắc Việt nếu Tổng thống Lyndon Johnson có bất cứ điều gì mới để nói. Kissinger đã chuyển đề nghị đó đến Ngoại trưởng Dean Rusk, với một bản sao gởi cho Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.

Mùa hè năm 1946 tại nhà của Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency. Raymond Aubrac (người đầu tiên ngậm  ống vố, từ trái), Vũ Đình Huỳnh (người đầu tiên, từ phải). Nguồn: OntheNet

McNamara dẫn đầu về ngoại giao trong suốt công tác Pennsylvania. Đã cam kết tìm cách đàm phán để rút khỏi Việt Nam, ông đẩy mạnh Pennsylvania trong một cuộc họp ăn trưa hôm thứ Ba với Tổng thống Johnson và các cố vấn chính của ông. Tuy nhiên, Johnson vẫn hoài nghi về bất kỳ cuộc đàm phán nào với Cộng sản, bác bỏ đề nghị của Pháp “chỉ là một trong những con hẻm cụt không dẫn đến đâu cả”. Nhưng McNamara vẫn kiên trì, và cuối cùng Tổng thống Johnsonđã nhượng bộ, cho phép Bộ trưởng quốc phòng của ông thiết lập dây liên lạc với Bắc Việt qua Marcovitch và Aubrac với hướng nhìn về một cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai – miễn là ông không làm gì để làm xấu hổ Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ sẽ chấm dứt chiến dịch ném bom để đổi lấy sự bảo đảm bí mật của Hà Nội rằng họ sẽ ngừng xâm nhập vào các khu vực quan trọng của Nam Việt Nam (VNCH). Một khi Bắc Việt hành động, Hoa Kỳ sẽ đóng băng các lực lượng chiến đấu của họ ở mức hiện tại và cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với sự khăng khăng trước đó của Johnson về việc cùng xuống thang chiến tranh. Tổng thống đã đánh bạc, hy vọng sẽ làm lu mờ phe tự do trong Quốc hội và khối người chống chiến tranh, đang có kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ ở Washington vào tháng Mười. Johnson có thể tiếp tục mở lại các vụ ném bom nếu không có gì xẩy ra sau khi bắt liên lạc.

Kết quả ban đầu của Pennsylvania tỏ ra đầy hứa hẹn. Aubrac và Marcovitch đến Hà Nội vào ngày 24 tháng 7 năm 1967, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chuyến đến thăm ông Hồ của hai nhà khoa học phần lớn là nghi lễ, nhưng cuộc gặp gỡ với ông Đồng rất cụ thể và hiệu quả. Đồng nhấn mạnh rằng Bắc Việt không thể đàm phán trong khi đang bị ném bom, nhưng một cách ngạc nhiên, ông cũng cho biết rằng Hà Nội sẽ không yêu cầu Hoa Kỳ thông báo ngừng oanh tạc công khai, cứu Johnson khỏi một vấn đề chính trị. Nếu Mỹ ngưng ném bom, ông Đồng đã bảo đảm với khách của mình, cuộc đàm phán có thể bắt đầu ngay lập tức.

Một Johnson thận trọng quyết định ngưng bỏ bom, không có hỏi ý của đồng minh VNCH hay bộ tư lệnh quân sự của ông ta để bắt đầu vào ngay các cuộc đàm phán. Ông đã ủy quyền cho Kissinger để Aubrac và Marcovitch nói với lãnh đạo Bắc Việt rằng sẽ có thêm một khoảng thời gian ngừng bắn ở Hà Nội trong 10 ngày bắt đầu từ ngày 24 tháng 8, ngày của cuộc thăm viếng tiếp theo của hai nhà khoa học Pháp. Hà Nội đồng ý rằng đây là một thay đổi vị trí của Hoa Kỳ có hiệu quả và một kết quả tích cực của công tác Pennsylvania.

Dường như đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, hai bên đã nghiêm túc đàm phán. Chet Cooper, phụ tá cho W. Averell Harriman, “đại sứ hòa bình của Johnson”, gọi là Pennsylvania là cơ hội tốt nhất cho hòa bình, biết rằng nếu không chiến tranh có thể sẽ leo thang.

Vào ngày mà Aubrac và Marcovitch rời Paris đi Hà Nội, máy bay Hoa Kỳ bay hơn 200 phi vụ ném bom Bắc Việt, nhiều hơn bất cứ ngày nào trước đây trong chiến tranh. Lời giải thích chính thức cho thời điểm bất tiện của các cuộc tấn công ném bom là do những cuộc tấn công đó đã được lên kế hoạch từ hồi đầu tháng nhưng đã bị trì hoãn do thời tiết xấu. Khi thời tiết quang đãng vào ngày 20 tháng 8, Mỹ tái lập các vụ ném bom đã định và kéo dài trong bốn ngày.

Hà Nội công bố các cuộc tấn công mới, tuyên bố rằng Johnson đã sử dụng đề nghị tạm ngừng ném bom để đánh lạc hướng trong khi ông thực sự leo thang chiến tranh. Johnson bác bỏ những cáo buộc này, nhưng ông không thể giấu một thực tế là ông đã thực sự phê chuẩn một vụ leo thang đánh bom chỉ hai ngày trước khi bắt đầu, vào ngày 18 tháng 8, và đã dùng sự chậm trễ vì thời tiết như một sự bao biện thuận tiện cho hành động của mình.

Có lẽ Tổng thống Mỹ tin rằng Hoa Kỳ phải đạt được tất cả các mục tiêu sẵn có trước khi tạm ngừng trong trường hợp không có cơ hội khác. Johnson thậm chí đã phê chuẩn một mục tiêu dưới đất với lý do rằng nếu cuộc đàm phán với Hà Nội được thực hiện, ông sẽ không muốn phải chấp thuận cho oanh tạc vùng này sau đó. Từ đầu, Johnson đã hoài nghi về sự móc nối của Pennsylvania. Ông tuyên bố sau đó rằng Hoa Kỳ không bao giờ nên ngưng các vụ ném bom lại chỉ vì “hai giáo sư đã gặp nhau.” Johnson hoàn toàn chắc chắn rằng những vụ ném bom đang làm Bắc Việt thiệt hại và muốn tiếp tục “đánh tới”.

Nhưng, Johnson không bao giờ nghĩ đến việc các cuộc ném bom tăng lên thì phản ứng ở Hà Nội sẽ ra sao, và điều này cho thấy rõ về cách giới lãnh đạo Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam. Ngay cả sau khi hàng chục lần liên lạc hòa bình bí mật thất bại trước Pennsylvania, chính quyền Johnson không thể thấy rằng sự leo thang rõ rệt bằng những vụ ném bom vào đêm trước của một công tác có thể đem lại hòa bình không phải là một công thức để thành công về mặt ngoại giao.

Một dẫy phố ở Hà Nội sau khi bị ném bom (tháng 1, 1967). Nguồn ảnh : Lee Lockwood/GettyImages

Các cuộc không kích ném bom không chỉ phá huỷ những cuộc đàm phán hòa bình bí mật mà còn trở thanh lý cớ cho nhóm diều hâu trong Ủy ban Quân sự của Bộ Chính trị ở Hà Nội, đã liên tục lập luận chống lại những cuộc đàm phán dưới bất kỳ hình thức nào. Phủ nhận quan điểm của một số người trong Bộ Ngoại giao, nhóm diều hâu của Hà Nội đã có tất cả những bằng chứng họ cần cho rằng Hoa Kỳ không nghiêm túc về việc đàm phán. Giới lãnh đạo cao nhất kết luận rằng Bắc Việt không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng những vụ ném bom đồng thời cố gắng xói mòn khả năng Washington có thể ở lại miền Nam Việt Nam.

Bắc Việt đã gia tăng xâm nhập vào miền Nam Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc leo thang lớn vào đầu năm 1968. Tướng William Westmoreland thấy sự tích tụ quân sự này và yêu cầu Johnson tăng quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam. Số người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam đã tăng lên hơn 500.000 chỉ vài tháng sau khi dự án Pennsylvania thất bại.

Cuộc đàm phán thất bại vì giới lãnh đạo chính trị và quân sự ở Washington và Hà Nội sợ mạo hiểm vì hoà bình. Những người chủ chiến ở Hà Nội đã thắng thế sau khi Pennsylvania sụp đổ. Họ đẩy nhanh cuộc leo thang quân sự ở miền Nam Việt Nam, nhưng đã lầm khi tin rằng cuộc tấn công Tết Mậu Thân họ dự định sẽ dẫn tới cuộc tổng nổi dậy, lật đổ chính quyền Sài Gòn và buộc Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Việt Nam. Johnson, ngược lại, đã cố gắng hết sức để giữ cho mình nhiều lựa chọn bằng cách leo thang các vụ ném bom chỉ trước khi tạm ngừng, nhưng cuối cùng ông thực sự đã thu hẹp lựa chọn của mình.

Cố gắng xoa dịu cả hai phía, nghị sĩ chống chiến tranh ở Quốc hội và các tướng lãnh của mình, những người muốn một cuộc chiến rộng lớn hơn, Johnson đã cố gắng đi tìm một giải pháp trung dung nhưng không có. Ông không bao giờ hết lòng muốn đàm phán và tin rằng chiến tranh là phải chiến đấu với tổn thất và rủi ro, đã thất bại khi xoay xở giữa những lợi ích và ý tưởng trái chiều. Dĩ nhiên, Johnson cũng không bao giờ hỏi ý kiến các đồng minh của mình ở Sài Gòn về các cuộc đàm phán hòa bình bí mật, điều này tạo thêm một chiều phức tạp cho bất kỳ thỏa thuận nào.

Trớ trêu thay, trong vòng chín tháng sau thất bại của Pennsylvania, Hoa Kỳ đã tham gia vào các cuộc đàm phán với Bắc Việt và Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam, còn được gọi là Việt Cộng, cuối cùng dẫn đến việc Mỹ rút quân quân đơn phương và ngừng bắn vào năm 1973 Cho phép 10 đơn vị bộ binh của quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam Việt Nam. Mất cơ hội tốt nhất cho hòa bình đã định hình cuộc chiến tranh trong nhiều năm tới.

Robert K. Brigham là một giáo sư về lịch sử và quan hệ quốc tế tại Vassar.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: A Lost Chance for Peace in Vietnam. ROBERT K. BRIGHAM | The New York Times, June 16, 2017.

1 Comment on “Mất một cơ hội cho hoà bình ở Việt Nam

  1. CHIẾN TRANH VIỆT NAM

    Bây giờ nó đã qua rồi
    Ba mươi năm ấy quả thời khác xưa
    Hai lần bom lửa đạn như mưa
    Lần đầu đánh với Pháp lần sau Hoa Kỳ

    Thời gian giờ cũng qua đi
    Bốn hai năm ấy có gì không thông
    Đúng là cách mạng màu hồng
    Đảo điên tơi tả con rồng Việt Nam

    Người thì nghĩ tới giang sơn
    Người thì ý hệ nguồn cơn vậy mà
    Chỉ dân không mấy thiết tha
    Nhằm tìm đường sống ngoài ra cần gì

    Hai lần từng đã ra đi
    Một lần vượt biển một lần di cư
    Cho nên từ chuyện bây chừ
    Nghĩ về quá khứ in như rõ ràng

    Chỉ hiềm bao kẻ lang bang
    Một thời từng đã la làng nhiều phen
    Tưởng ai ngu dốt chẳng bằng
    Riêng mình sáng suốt mới hăng xà ngầu

    Miền Nam rướn cổ hô hào
    Phải cần giải phóng lẽ nào mà không
    Phải làm cách mạng toàn hồng
    Phải cần vì nước vì dân diệt thù

    Những anh khuynh tả lu bù
    Những anh nhảy núi lu bu một thời
    Nguyễn Hữu Thọ Nguyễn Thị Bình
    Giương cờ giải phóng cho mình mới ngon

    Miền Nam thế đứng chon von
    Núp vào dù Mỹ hỏi còn nói chi
    Tin vào sức mạnh Hoa Kỳ
    Đạn bom chống lại tuyên truyền mới hay

    Tạo thành thực tế cùi đày
    Người dân lãnh đủ ai hay nỗi này
    Đạn bom Nam Bắc rãi đầy
    Tuyên truyền dậy sóng hăng say cũng huề

    Chỉ ai hiểu biết não nề
    Còn ai ngu dốt phân đều hai phe
    Để nhằm đánh đấm hầm hè
    Còn mà thực chất có dè ra sao

    Paris hiệp nghị ký ào
    Cuối cùng xé bỏ lẽ nào không vui
    Bởi vì mục đích mới cao
    Còn mà phương tiện cũng nào kể chi

    Cuối cùng đến đích đường đi
    Đúng là “Mỹ cút” cùng khi “Ngụy nhào”
    Bắc Nam còn chỉ “Bác Hồ”
    Con đường cộng sản lẽ nào không sang

    Chuyển thành bao cấp vội vàng
    Con đường thắng lợi âm vang một thời
    Bởi làm kinh tế tả tơi
    Khiến làm xã hội một thời âm u

    Liên Xô bổng sụp cái vù
    Lại như Trung Quốc quay khu ngon lành
    Việt Nam liền phải giật mình
    Thình lình đổi mới do mình hay ai

    Giống thuyền trên sóng gió lay
    Bốn phương tứ hướng loay hoay nhiều chiều
    Nhưng mà chốt lại mọi điều
    Dễ nào độc lập dễ nào tự do

    Chẳng qua phải nhảy lò cò
    Bởi vì toàn cảnh líu lo vậy mà
    Nên thôi mọi cái đã qua
    Tiếc gì quá khứ để mà buồn tênh

    Vấn đề là hướng tương lai
    Nhưng mà vẫn kẹt mọi bề cũng hay
    Tự do dân chủ bao ngày
    Có ai nói được điều này điều kia

    Hay toàn chỉ nói về hùa
    Mọi điều sau trước vì vua trên đầu
    Nên luôn nghĩ lại vẫn rầu
    Trăm năm đô hộ dẫu thời ra đi

    Nhưng mình còn lại được gì
    Còn toàn cái miệng có chi mà ngầu
    Tư duy tự chủ óc đầu
    Nó toàn teo héo hóa hầu như không

    Tội thay giòng giống Lạc Hồng
    Ngàn năm giờ phải lông bông nhiều điều
    Tự mình phong thánh bao nhiêu
    Cuối cùng thực tế cũng đều ra chi

    Nói chung vẫn ở con người
    Người thành hèn yếu dễ đời ngon sao
    Nhìn ra thế giới thế nào
    Mỗi người độc lập mỗi người tự do

    TIẾU NGÀN
    (21/6/17)