Vài lời về tiêu chuẩn của chức Tổng Bí thư
Hà Sĩ Phu
Ghét anh Phú Trọng mà trở về với Hồ Chí Minh khác nào ghét tòng phạm nhưng lại kính yêu chính phạm thì thật ngược đời!
Nhân ngày 2 tháng 9 cũng nói vài lời về tiêu chuẩn của chức Tổng Bí thư
1. Một tiêu chuẩn thật nấp sau 7 tiêu chuẩn giả
Bàn về tiêu chuẩn của 4 chức danh chủ chốt (Tứ trụ) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), tức Quy định 90-QĐ/TW, nhà báo Trần Minh Thảo nhận xét đó là “bộ máy cai trị do một người nắm giữ” và trong cái vỏ Mác-Lê thực chất là cái ruột Đại Hán!
Đó là một nhận xét chính xác, nên xin được tiếp lời, mạn đàm quanh tiêu chuẩn và đặc điểm của ngôi vị quan trọng nhất này, ngôi vị Tổng Bí thư (TBT).
Đọc 7 tiêu chuẩn thấy TBT phải là một con người tài đức vẹn toàn, nhìn xa trông rộng, ở đỉnh cao thời đại, một lòng vì nước vì dân…, nhưng xét trong thực tế đó chỉ là những tiêu chuẩn giả tạo. Thực tế khắp trong ĐCSVN hiện nay chẳng tìm đâu ra một con người như thế, và trớ trêu là giả thử có một người xấp xỉ đạt tiêu chuẩn tài đức cao như vậy thì chẳng những không thể trúng cử vào chức TBT, mà muốn làm một chức quèn như Tổ trưởng dân phố cũng chẳng được, vì một đảng viên tiến bộ như vậy sẽ bị đảng quy vào tội “tự diễn biến, tự chuyển hóa” hay biến thành lực lượng thù địch chống phá đảng. Ví dụ trước mắt như ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm kiên quyết đứng về phía người dân thì lập tức bị đảng cho người đánh gẫy xương đùi và bị An ninh Quốc phòng triệu tập lên “làm việc”!
Nhưng, đằng sau 7 tiêu chuẩn giả vờ ấy có một tiêu chuẩn ngầm cho chức TBT, tuy không nói ra nhưng lại quan trọng nhất, và được tuân thủ nghiêm ngặt: TBT của ĐCSVN phải là một người thân Tàu! Có thể có người không tin như vậy, thì dân như tôi dám thách thức đảng, thử bầu một người dám bộc lộ khí phách chống Tàu xâm lược, dám tập hợp quanh mình lực lượng toàn dân sẵn sàng chống Tàu xâm lược xem nào! Nguyện vọng khẩn thiết ấy của toàn dân chắc chắn đi ngược với phẩm chất thật của tất cả các TBT ĐCSVN, đúng như ông Trần Minh Thảo nhận xét, TBT và Tứ Trụ phải mang cái “ruột Đại Hán”. Nhưng trong những người thân Tàu (được Trung quốc duyệt) thì người nào thắng cử còn phụ thuộc tương quan phe nhóm và mẹo điều hành bầu cử như Đại hội XII cho thấy.
Trong bài “Lọc ngược” tôi đã viết:
“vì bị chất men Cộng sản dẫn dụ, tất cả các Tổng Bí thư ĐCSVN, từ HCM đến Nguyễn Phú Trong bây giờ, tất cả đều phá tan kế sách giữ nước của cha ông (phương châm Kính nhi viễn chi) trước họa xâm lăng phương Bắc. Dưới sự dẫn dắt của các đời Tổng Bí thư đã gần gũi và nhờ vả Trung quốc đến mức gắn bó như môi với răng, như chui vào vòng tay của Tàu, trở thành con nợ của Tàu, để cho lão khổng lồ ôm lấy vai, choàng lấy cổ, thọc tay vào sườn…thì khi kẻ khổng lồ ấy ra tay làm sao mà chống đỡ? Chưa kể còn chủ động ôm lấy nó để nhờ nó làm chỗ tựa chống giông bão dân chủ. Tất cả các đời TBT đều là người thân Tàu quá mức (kể cả Lê Duẩn, mặc dù có chiến tranh biên giới 1979), không chú ý gì đến khoảng cách an toàn trước con ác thú truyền kiếp Đai Hán. Về chiến lược giữ nước trước Đại Hán thì tất cả sự tuyển chọn ra các TBT đều là “lọc ngược”, bầu ra người dẫn giặc Tàu vào nhà”.
Như vậy thì đất nước và nhân dân có thể trông mong gì? Chẳng trông mong gì, chỉ xem cuộc bầu như ta xem hài kịch.
2. Dở ông dở thằng
Dân ta thường dùng hai từ “ông” và “thằng” để chỉ hai loại người đáng trọng và đáng khinh. Chức vụ TBT đứng đầu hệ thống quyền lực thì chẳng những là “ông” mà còn phải là ông lớn chứ nhỉ? Chẳng thế mà Tổng Trọng vẫn lên giọng đạo mạo, đạo đức “dân chi phụ mẫu”, mà đặt ra 7 tiêu chuẩn cao siêu cho cái ghế của ông. Nhưng liệu ông có biết rằng trong xã hội hiện nay, những người đứng đắn, còn biết “ưu thời mẫn thế” ngồi trao đổi với nhau về hiện tình đất bước thì đều gọi ông là “thằng”.
Ví dụ (xin lỗi),
“việc liều lĩnh bắt cóc thằng Trịnh Xuận Thanh chắc là thằng Trọng chứ ai, việc đầu hàng thằng Tàu nhục nhã ở bãi Tư Chính của mình chắc cũng do thằng Trọng chứ gì.”
Đại loại như thế… Tình trạng dân chúng gọi các ông lớn đứng đầu quốc gia là “thằng” báo hiệu điều gì? Là tín hiệu ngầm cho một xã hội bất an, một chế độ suy đồi vì mất niềm tin! Tất nhiên công khai người ta vẫn gọi “đồng chí” là “ông” nhưng ngôn ngữ thầm sau lưng mới là ngôn ngữ có giá trị đo lường thực chất. Ngày xưa vua chúa phải đóng giả thường dân đi “vi hành” trong dân chúng chính là để nghe được tiếng nói thầm trong dân chúng.Vậy ở tình trạng “dở ông dở thằng” bây giờ thì thiết nghĩ quan phụ mẫu tối cao Tổng Trọng cũng chẳng nên lên giọng dạy dỗ cán bộ và dân chúng toàn những mẫu mực khuôn vàng thước ngọc nhiều quá làm gì, thật giả trắng đen dân biết cà!
Đúng là
Trời bày một trận nhố nhăng,
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông
3. Thông minh hay lú lẫn, khôn ngoan hay đầu hàng, liêm khiết hay tham nhũng, đứng đắn hay ti tiện? Vị trí và đặc điểm Tổng Trọng thế nào trong dãy những người đứng đầu ĐCSVN từ trước đến nay?
Đó là những câu hỏi và cách đánh giá khác nhau trong dân chúng về đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng. Thảo luận những đề tài này sẽ rất rôm rả, mà bài viết nhỏ này không thể đề cập thấu đáo. Chỉ xin nói sơ lược như sau:
– Trong số những người đứng đầu ĐCSVN thì ông Trọng có vẻ có học hơn cả, là Tiến sĩ (mặc dù là TS Xây dựng đảng) nên con đường độc tài và theo Tàu có nhiều màu sắc “học thuật” hơn cả. Đủ thứ lý luận, phát ngôn rắc rối gây ấn tượng, nhưng vì bản chất bên trong có những mâu thuẫn không ổn nên không thể đem các mỹ từ che lấp.
Ví dụ, nói “phải nhốt quyền lực vào lồng” vì nếu để quyền lực vô hạn sẽ sinh lạm quyền nguy hiểm. Nhưng ai sẽ nhốt quyền lực Tổng Bí thư vào lồng, lồng nào (ông có bị nhốt trong cái lồng Đại Hán không), để ông cứ tự do xếp đặt mọi nhân sự của Chính phủ và Quốc hội? Ông tự do nhốt các quyền lực khác vào lồng, tự tiện “nhóm lò” liệu có bị cái lò khác của nhân dân biến ông thành củi?…
– Nhưng trong dãy các Tổng Bí thư và Chủ tịch ĐCSVN, ông Trọng và ông Hồ có vị trí riêng. Một ông gây mầm, đặt đường ray, một ông kết thúc, kết thúc thời gian trị vì của ĐCS một cách Cộng sản điển hình, về vĩ mô là thời kỳ tạm ổn định. Ông Trọng giữ vị trí cái bản lề trong giai đoạn cuối mà hai cặp xung đột “dân chủ hay độc tải” và “thoát Trung hay theo Tàu” đang đòi hỏi phải được giải quyết rõ ràng.
Tôi đã nhiều lần nói rõ khái niệm nội xâm. Nhân dân không được làm chủ đất nước thì nhân dân bị mất nước. “Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước!” (http://www.hasiphu.com/baivietmoi_16.html). Mất nước vào tay người trong nước là bị nội xâm, nền Chuyên Chính CS nắm quyền toàn diện và tuyệt đối, giữ “sổ đỏ” trên toàn lãnh thổ chữ S, dân không có quyền sở hữu trên chính mảnh đất của ông cha Việt Nam để lại. Vậy ngay từ khi ĐCS nắm quyền toàn trị là Việt Nam bị nạn nội xâm, bị mất nước bởi một chế độ độc đảng độc tài. Thực tế là VN đã là nước độc lập trước khi CS cướp Chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim nên ngày 2 tháng 9 không thể là ngày Quốc Khánh. Cuộc nội chiến Nam Bắc 1956-1975 không thể mang danh cuộc “Chống Mỷ cứu nước” được vì đoạn khởi đầu cũng như đoạn kết thúc chỉ có người Việt Nam với nhau.
Một loạt những sự kiện chính trị đã được bạch hóa, ông Trọng làm TBT đúng vào lúc “chuyển giao lịch sử, chuyển giao nhận thức” như thế nên ông Trọng phải đương đầu với giai đoạn bản lề dù muốn hay không.
Ông Trọng mặc dù lúc đầu được coi là một “nhân viên thư lại” hay một “ông giáo làng” nhưng thời cuộc đặt ông vào vị trí bản lề phải thay đổi, tốt hơn hoặc rất xấu hơn, mà xem chừng chính ông đã bị “nhốt vào lồng” không còn tự do lựa chọn?.
Vì ở vị trí lịch sử như vậy, ông Trọng muốn khéo léo, ngụy trang, đu dây cũng không được. Rất nhiều mặt trái của chế độ đã bộc lộ quyết liệt, khiến cho một số đảng viên phải bỏ đảng vì lý do đại ý “ông Trọng, TBT đảng bây giờ không xứng đáng với cụ Hồ ngày xưa”. Nhưng ông Trọng chỉ là một kẻ hậu duệ, cho dù rất tồi tệ, dù tâm địa tồi tệ, thì cũng chỉ là một anh lái tàu trên một đường ray đã được “bác Hồ và bác Mao” thiết kế đúng quy trình, quy trình biến “đoàn tàu” Việt Nam thành một “đoàn Tàu” từ lúc nào không biết, và anh “lái tàu” bị “Tàu lái” là lẽ đương nhiên. Ghét anh Phú Trọng mà trở về với Hồ Chí Minh khác nào ghét tòng phạm nhưng lại kính yêu chính phạm thì thật ngược đời!
Vận mệnh đất nước chỉ còn nằm trong tay dân. Nhưng tay nhân dân bị bọn nội xâm khóa chặt. Thoát khóa cũng là vượt ngục, những người cộng sản trước đây rất nhiều kinh nghiệm vượt ngục. Nay nếu tỉnh ngộ, nhận rõ sai lầm quá khứ thì hãy cùng nhau, hiệp lực vượt khỏi cái “nhà ngục Cộng sản một cổ hai tròng do nội xâm và ngoại xâm kết hợp”, để thoát ra “vùng Tự do” với thế giới văn minh.
Vượt ngục Cộng sản mà lại trở về với bác nọ bác kia của quá khứ thì chỉ là cái vòng luẩn quẩn, rất luẩn quẩn, không có lối ra mà thôi.
2-9-2017
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh hoạ bài của tác giả gởi.
DÂN TỘC VÀ ĐẤT NƯỚC
Non sông có tự ngàn đời
Gọi là Tổ quốc dân cùng sống chung
Tức là đất nước núi sông
Quốc gia cũng vậy đều không khác gì
Cho dầu bao loại danh từ
Nhưng cùng gắn với trái tim mỗi người
Gắn vào đầu óc mọi nơi
Mỗi người tâm huyết mọi thời như nhau
Nước nô lệ hay tự do
Là dân có được chủ quyền hay không
Như khi bị giặc ngoại xâm
Nước toàn bị mất dân đâu chủ quyền
Chủ quyền đã bị chiếm rồi
Người ngoài cỡi cổ cỡi đầu dân ta
Ngàn năm đô hộ giặc Tàu
Trăm năm giặc Pháp chỉ thời vậy thôi
Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu
Những người tiêu biểu ở trong muôn vàn
Muốn cho đất nước đàng hoàng
Hô hào dân tộc quyết cùng đuổi Tây
Nhưng rồi lịch sử cũng hay
Có người lại lái việc này về Nga
Từ ngày Cộng sản nổ ra
Đệ Tam thành lập Liên Xô ra đời
Người làm Cách mạng Lênin
Đi theo thuyết Mác chủ trương độc tài
Để làm vô sản mới hài
Bởi vì nó trái luật đời tự nhiên
Trời sinh người vốn tự do
Đều toàn bình đẳng ai cao hơn nào
Cao hơn chỉ một cái đầu
Vẫn ngoài thân xác dễ nào bên trong
Vậy thì cần phải thông minh
Mới làm lãnh đạo thật tình vậy thôi
Thời xưa quân chủ là vua
Ngày nay dân chủ phải người bầu lên
Độc tài thành chỉ mị dân
Nhân danh giai cấp quả không ra gì
Đó là thuyết Mác khác chi
Thuyết toàn mê tín lạ gì nữa sao
Cứ hô vô sản ào ào
Đấu tranh giai cấp có nào đúng đâu
Bởi vì ai cũng con người
Học hành đạo đức mới người tinh hoa
Nếu toàn dốt nát ta bà
Lấy gì năng lực để lên cầm quyền
Mác ngu chỉ nói huyên thiên
Cho rằng sứ mạng tiềm tàng ở đây
Nghĩ rằng biện chứng Hegel
Tạo nên vô sản thành người tiên phong
Đứng ra giải phóng nhân quần
Thật là ngu dốt toàn đầu u mê
Nên thành mê tín khỏi chê
Cuối cùng tan rã mọi bề Liên Xô
Hi sinh biết nói thế nào
Bảy mươi năm chẳn ối dào là vui
Bây giờ hội nhập cả rồi
Đã toàn cầu hóa Liên Xô đâu còn
Đông Âu cũng vậy mõi mòn
Ôm chân Sô Viết cuối cùng cũng tiêu
Nên thành nói ít hiểu nhiều
Nước ta giờ quả biết về toàn đâu
Một thời bao cấp hô hào
Thời kỳ quá độ ào ào giương lên
Danh từ thảy chỉ lềnh khênh
Nhưng về thực chất hỏi nào ra chi
Cuối cùng đổi mới y sì
Nhưng bao nhiêu đổi khác chi ngày nào
Hiến tranh hai đợt tiêu hao
Bảo rằng giải phóng lẽ nào là đây
Bởi vì dân chủ tự do
Hỏi dân có được chút quyền nào không
Toàn theo lý tưởng màu hồng
Do người chỉ đạo ngay trong bước đầu
Khác gì như một đoàn tàu
Đường rây đã sẳn có nào tự ta
Giờ thì đã mất Hoàng Sa
Trường Sa cũng vậy có chi vẹn toàn
Mối nguy Hán hóa rõ ràng
Nhiều người than oán như Hà Sĩ Phu
Nhưng còn đa số biết gì
Bảo sao hay vậy rõ thì dân ngu
Ngu dân thành một tội đồ
Hỏi đâu cơ sự ai người gây ra
Ngày xưa từng có Tây Hồ
Cho rằng Dân trí phải hoài đặt trên
Thứ là Dân khí đưa lên
Cuối cùng tất yếu phải là Dân sinh
Trăm năm qua thật tội tình
Giờ này đất nước của mình về đâu
Nhao nhao toàn tụng Bác Hồ
Quyền dân thử hỏi ở mô bây giờ
Ai làm dân hóa dại khờ
Lỗi này hay tội kiểu này tại ai
Bởi điều căn bản Mác sai
Nhưng ai dám nói thảy thành dân ngu
Cả như trí thức lu bù
Cũng hùa một giọng có nào khác đâu
Bởi đều khuôn đúc một lò
Có nào độc lập tự do bao giờ
Cứ hoài mở miệng Bác Hồ
Có ai nói thử dân quyền gì đâu
Chỉ vì dân chủ tự do
Mới điều cơ bản để cho dân quyền
Nói ra lại bảo tuyên truyền
Những điều phản động việc nầy là sao
Thử xem ai phản động nào
Ai người cố chấp lẽ nào không thông
Thế nên nếu mỗi người dân
Đảng viên cũng thế còn gì nước non
Hóa toàn những thứ bồ hòn
Ngậm vào đều đắng hỏi còn ngon sao
Nên chi đất nước thế nào
Đều dân quyết định chớ nào là ai
Tiếc thay ở nước độc tài
Dân thành phổng đá nước non còn gì
Vài điều giản dị để suy
Nâng thuyền cũng nước lật thuyền khác sao
Nước trong dân chẳng khù khờ
Còn toàn nước đục dân thành u mê
Mà thôi lịch sử còn dài
Trăm năm mới biết ai người ra sao
Ngàn năm sự thật thế nào
Sử xanh ghi mãi có nào chạy đâu
Dẫu ai có nói trỗ trời
Nhưng đều sự thật vẫn hoài một thôi
Đó là thực chất tấm lòng
Đó là ngôn ngữ thật tình không ngoa
Còn như gian dối ta bà
Còn như ngôn ngữ tà ma lạ gì
Gạt vài người cứ được đi
Dễ nào gạt hết nhân quần trăm năm
Cuối cùng lịch sử rõ ràng
Tiếng thơm tiếng xấu chỉ càng lộ ra
Bởi vì lịch sử khách quan
Ngàn năm sàng lọc phải toàn tinh hoa
ĐẠI NGÀN
(05/9/17)