Không phải là “dòng chảy ngầm” mà là “bọt nước”

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

Ở Trung Quốc Đại Lục, khi mà làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng trở thành “Chính trị xác tín”, cũng là lúc mà nó càng ngày càng đi về phía hiếu chiến và lưu manh hóa vô lại hóa, thì cuốn sách “Dòng chảy ngầm: Phê phán và tái định vị đối với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” lên kệ sách, quả thực là rất đúng dịp.

Giới thiệu “Dòng chảy ngầm: Phê phán và tái định vị đối với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” (do Leshan (Lạc San) biên soạn đã được nhà xuất bản Huadong Shifandaxue xuất bản. ISBN 7-5617-3909-5 / D 100)

Lạc San, NXB Đại học Su phạm Hoa Đông

Mặc dù, bị giới hạn bởi môi trường ngôn ngữ xấu xí hẹp hòi từ bên trong Trung Quốc, sự phê phán của cuốn sách đối với chủ nghĩa dân tộc, vẫn còn dùng “dòng chảy ngầm” và “hẹp hòi” làm định ngữ bổ sung, cũng không làm được đến mức có những lời nói thẳng nói thật, càng không thể có chuyện được tung hô lên cơn sốt trên truyền thông. Nhưng ở thời điểm khi mà những âm thanh điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc được nhồi nhét tràn đầy truyền thông và thị trường sách, thì cuốn sách phê phán chủ nghĩa dân tộc này, có thể liên tục chiếm lấy vị trí đầu của những bảng xếp hạng sách mang tính học thuật trong thời gian 9 tuần, cũng ít nhiều cho thấy giá trị quan của xã hội Trung Quốc Đại Lục đang dần đi về phía đa nguyên hóa: Trong tiếng nguyền rủa của phe Tân Tả trên toàn cầu, vẫn còn có những người quý trọng các giá trị phổ quát toàn cầu đến từ phe Tự do.

Trong cơn sùng bái của những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia đối với chủ quyền, vẫn còn có sự lựa chọn nhân quyền cao hơn chủ quyền của những người theo chủ nghĩa cá nhân. Khi chính quyền đem xung đột Trung Quốc – phương Tây bẻ cong trở thành cuộc tranh giành không gian sinh tồn dân tộc thuần túy, khi mà chính quyền mỗi ngày dùng “vong ngã chi tâm bất tử”(1) để dọa dẫm đám thanh niên yêu nước đầy phẫn nộ, thì vẫn còn có những nhân sĩ trí thức với trí tuệ tinh thông nhìn thấy rõ cuộc tranh giành giữa tự do và chế độ độc tài không ngừng cất lên tiếng nói. Khi mà trong cơn say của những thanh niên, trung niên yêu nước đầy phẫn nộ đối với phương thức bài ngoại của Nghĩa Hòa Đoàn, vẫn còn có những đôi mắt thanh tỉnh để nhìn rõ được thị phi đối với làn sóng chống phương Tây. Khi những chuyên gia quân sự mèo què nửa mùa đang hò hét cổ vũ cho cuộc chiến vượt qua giới hạn đối với chủ nghĩa khủng bố, vẫn còn có những học giả với nền tảng kiến thức vững vàng về các vấn đề quốc tế tiến hành phân biện rõ ràng sự khác nhau giữa văn minh và dã man.

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay, về mặt ngôn từ thì dựa vào phương Tây, hết sức vô lại nói “không” đối với toàn cầu hóa, các giá trị tự do. Trong thế giới hiện thực thì phụ thuộc dựa dẫm vào một chế độ phong tỏa tin tức và thái độ dung túng về ý thức hệ của chính quyền, càng phụ thuộc hơn từ sự im lặng và nịnh nọt khi ở đối diện trong gang tấc là một chính quyền độc đảng bá quyền. Trong khi đó chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc, về mặt ngôn từ thì thuộc về văn minh phương Tây, là sự khẳng định toàn cầu hóa, các giá trị tự do, trong hiện thực thì phụ thuộc vào những truy cầu đối với tự do ngôn luận, phụ thuộc vào sự phản kháng đối với văn tự ngục và sự ủng hộ đối với các hoạt động bảo vệ quyền lợi của tầng lớp dưới đáy xã hội. Cũng chính chủ nghĩa dân tộc dựa vào tiếng nói “không” đối với chính sách đối ngoại bá quyền của Hoa Kỳ, trong khi đó chủ nghĩa tự do phụ thuộc vào chữ “không” đối với hành vi bá quyền của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trong công tác đối nội.

Kỳ thực, dùng chữ “hẹp hòi” để mô tả chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, thật ra là một lời nịnh hót vuốt đuôi đối với làn sóng dân tộc chủ nghĩa hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa. Dưới góc nhìn của tôi, ngoại trừ khi đối kháng lại áp bức và xâm lược đến từ bên ngoài, khi đó chủ nghĩa dân tộc có được tính chính danh, còn trong các trường hợp khác, chủ nghĩa dân tộc luôn là công cụ ý thức hệ để các chính khách sử dụng trong trò chơi quyền lực. Từ khi nào thì không hẹp hòi? Không những hẹp hòi, mà còn điên cuồng. Điên cuồng dần dần tăng thành hiếu chiến, lưu manh và vô lại hóa: Hàng nghìn hàng vạn thanh niên phẫn nộ yêu nước đem chủ nghĩa yêu nước trở thành chiếc roi da dùng cho hoạt động ngược đãi tình dục, thực hiện hành vi hiếp dâm tinh thần đối với ngôi sao điện ảnh Triệu Vy.Đem chủ nghĩa yêu nước và phản đối bá quyền trở thành chiếc loa phóng thanh chi viện ủng hộ cho chủ nghĩa khủng bố, phong cho kẻ trùm khủng bố Bin Laden trở thành anh hùng thánh chiến, tôn sùng kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố Hamas là Ahmed Yassin cũng như Yasser Arafat trở thành chiến sĩ tự do.

Một đại đế quốc lão làng đã từng đem tự mình xem là “trung tâm thiên hạ” và có thói quen tiếp nhận “vạn bang lai triều”(2), một nước tự cho mình là vương quốc độc bá thiên hạ với “văn minh cổ quốc” duy nhất, nhìn nhận các dân tộc khác là Di Địch(3), đột nhiên bị văn minh ngoại lai bức bách đến nỗi liên tiếp chiến bại thể hiện ra sự nhu nhược ở bên trong và sự tụt hậu của bản thân qua rất nhiều sự việc, làm thế nào để không rơi vào khủng hoảng nói năng lung tung khi đôi lúc tự coi khinh bản thân, khi thì tự kiêu tự ngạo?

Ví dụ, có những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nghiễm nhiên đưa ra “Lý thuyết cô lập quang vinh”. Loại tự mình mở một lối đi tắt như vậy, đại khái là không biết bản thân mình là ai, ngay cả khi không nhắc tới Lục Tứ 1989; họ thậm chí là còn điên cuồng hơn cả thời đại Mao Trạch Đông khi đối kháng cùng lúc với hai siêu cường là Hoa Kỳ và Liên Xô. Ngay cả Mao còn biết mua chuộc các tiểu quốc gia vô lại thuộc thế giới thứ ba, và trong thời khắc chống đỡ hết nổi còn phải liên kết với Hoa Kỳ chống lại Liên Xô, huống hồ trong thời đại toàn cầu hóa khi mà chủ nghĩa toàn trị đã đi đến hồi kết như mặt trời ngả về tây. Ngay cả một kẻ ngoan cố điên cuồng như Kim Chính Nhật Kim Jong-il đều phải tham gia đàm phán sáu bên, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO; hơn nữa, mức độ phục thuộc của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới đang không ngừng tăng lên, ngay cả đảng trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bất đắc dĩ được các quốc gia phương Tây tiếp nhận; các thành phần phe Tân Tả cũng khắp nơi khoe khoang rằng bản thân được các trường đại học phương Tây mời mọc; các thành phần thanh niên phẫn nộ vô lại càng là dựa vào mạng Internet để trút bầu phẫn nộ… Như vậy thì làm thế nào để “cô lập” lại còn “quang vinh”?

Dùng chữ “dòng chảy ngầm” để mô tả làn sóng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, tôi cho rằng không chuẩn xác. Trên thực tế, với một Trung Quốc truyền thống đã từng là “Trung tâm Hoa Hạ” cường đại, trong quá trình hiện đại hóa hơn một trăm năm, từ đầu đến cuối đều đi cùng với nó là một ước muốn về chủ nghĩa dân tộc hùng mạnh. Phe Tây hóa “Dương Vụ phái”(4) với lý luận “dùng Hoa học làm nền tảng, vận dụng Tây học để phát triển đất nước”; phe Duy Tân với lý thuyết “Lập hiến cứu quốc”; Tôn Trung Sơn với tư tưởng “khu trục Thát Lỗ” đuổi bọn giặc cướp Thát Lỗ man di; Mao Trạch Đông có “chống lại đế quốc, chống lại chủ nghĩa xét lại Liên Xô”. Chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ là một “làn sóng ngầm” cả, mà một mực là những con sóng được đẩy lên cao nhờ những đám nước bọt đầy khuất nhục và tự ngạo.

Vào đầu thế kỷ 20, những phong trào như “Tây hóa”, “Phản truyền thống” và một “Ngũ Tứ” khai sáng văn hóa thì ảnh hưởng của chúng cũng thua xa phong trào “Ngũ Tứ” với các lý tưởng của chủ nghĩa yêu nước như “Chống lại nhục nhã ngoại lai”, “Phản đế quốc”. Từ khi tiến hành cải cách mở cửa tới nay, trong cuộc chiến tranh luận văn hóa ở thập niên 1980, “Cái chết non của dòng sông – Hà Thương” đã gợi lên những “làn sóng xanh” cũng thua xa so với những ảnh hưởng mà đội bóng chuyền nữ liên tiếp đoạt chức vô địch, từ đó dấy lên những con sóng lớn về “Chấn hưng Trung Hoa”. Cũng chính là, sự lan tràn của chủ nghĩa dân tộc, không hoàn toàn là thay đổi từ sau Lục Tứ 1989, trong thập niên 1980 đã bắt đầu ngóc đầu dậy và thẩm thấu vào mọi lĩnh vực. Ví dụ: ngoài “Cơn sốt tìm hiểu cội nguồn” trong giới văn hóa và “Cơn sốt khí công” từ phía người dân bình thường, còn có “Cơn sốt bóng chuyền nữ” trong giới sinh viên đã kích thích tình cảm muốn phục hưng dân tộc. Trong lĩnh vực văn hóa đại chúng vừa mới bắt đầu hiển lộ chênh vênh chót vót, sự biểu hiện điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc tuyệt đối không thua kém so với thập niên 1990, “Hùng sư mãnh tỉnh – Sự thức tỉnh của con sư tử đực” và “Cự long đằng phi – Con rồng lớn bay lượn” đã trở thành chủ đề hot nhất, phổ biến nhất được lưu truyền trong văn hóa đại chúng. Thậm chí ngay cả các phe phái chính trị trong phong trào dân chủ 1989 cũng đều dùng “chủ nghĩa yêu nước” để chứng minh tính chính danh và hợp pháp cho bản thân.

Có thể nói, quá trình hiện đại hóa Trung Quốc hiện nay lớn mạnh kéo dài đến bao nhiêu, thì lịch sử bá quyền của chủ nghĩa yêu nước đối với tính chính danh đạo nghĩa sẽ lớn bấy nhiêu.

Tuy vậy, điều kì quái là, với một làn sóng chủ nghĩa dân tộc không ngừng kích động nhằm tạo nên “đỉnh sóng”, một khi gặp phải hiện thực tàn khốc dao kiếm súng ống, thì lại ngay lập tức lộ rõ đó chỉ là những bong bóng nước bọt đang không ngừng sùi ra. Tính nhất thể của quốc gia truyền thống và nhất thể giữa đảng và quốc gia, làm cho chủ nghĩa dân tộc theo mô hình Trung Quốc cuối cùng sẽ được quán triệt định hình là yêu chính quyền.

“Yêu hoàng đế và xem thiên hạ là nhà thuộc về hoàng đế” và “Yêu lãnh tụ và xem thiên hạ là thuộc về đảng” chính là tình yêu nước lớn nhất.

Bởi vậy, bất luận là vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn đạp vào Trung Nguyên hay quân đội Mãn Thanh công phá Sơn Hải Quan, cũng bất luận là lửa to thiêu đi Viên Minh Viên hay người Nhật Bản thành lập Mãn Châu Quốc, càng là gặp phải ngoại địch hùng mạnh xâm lược đồng thời cần có lòng căm thù địch, tình yêu nước của người dân Trung Quốc càng khuyển nho hóa và âm mưu hóa. Người khổng lồ yêu nước nơi đầu môi chót lưỡi bỗng chốc biến thành những “lương dân” nhỏ bé. Càng quan trọng là, những chính khách có dã tâm kia đều sẽ nhân lúc loạn lạc để kích động nội loạn và chiếm đoạt lấy quyền lực cho bản thân từ sự hỗn loạn này. Bởi vậy, “muốn thắng được bên ngoài thì trước tiên phải dẹp yên bên trong” cũng đã trở thành sự lựa chọn nhất quán một cách tự nhiên của chính quyền. Hãy nhìn xem danh sách những danh tướng yêu nước trong chương trình giáo dục yêu nước ở Trung Quốc, có Nhạc Phi là anh hùng chống Kim bị gian thần sát hại, cũng có bại tướng Trương Học Lương đã cầm tù lãnh tụ kháng chiến chống Nhật Bản. Một kẻ có tố chất kiêu hùng đế vương như Mao Trạch Đông, có thể biến thân từ một ngọn đèn dầu nơi Diên An xó xỉnh thành một mặt trời đỏ chiếu rọi khắp Trung Quốc, chính là nằm ở chỗ ông ta rất biết cách dùng sách lược bảo tồn thực lực đối với kẻ địch ngoại lại nhưng lại tranh đoạt quyền lực, bám sát đánh không tha không ngừng đối với kẻ thù trong nước. Hoa Kỳ có thể giúp Trung Quốc đuổi đi giặc Nhật Bản xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng không có cách nào giúp đỡ Tưởng Giới Thạch chiến thắng Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến sau đó.

Từ giữa thập niên 1990 tới nay, đi cùng với sự tăng cường liên tục về sức mạnh quân sự và địa vị quốc tế của Trung Quốc không ngừng được nâng cao, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc lấy chủ nghĩa quốc gia làm nền tảng cũng theo đó mà tăng cao, đã đi từ hình tượng một oán phụ than khóc tố khổ mang tính phòng ngự phát triển thành con mẹ ngoa ngoắt chuyên đi chửi ngoài phố mang đầy tính công kích. Chống Mỹ chống Nhật Bản chống thành phần đòi độc lập cho Đài Loan đã trở thành ba cửa ngõ để phát tiết cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Ngoại giao nước lớn, đuổi theo rồi vượt qua Hoa Kỳ cùng với công cuộc phục hưng vĩ đại trở thành ba mục tiêu lớn của chủ nghĩa dân tộc. Thế là, cả trong và ngoài nước đều có người chỉ ra một cách lo lắng: Trung Quốc trước mắt có đầy đủ các nhân tố để trở thành một quốc gia phát xít. Một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, năng lực quốc phòng đang không ngừng tăng cao, chủ nghĩa tư bản thân hữu, chính quyền độc tài… tất cả đều đang dung túng cho thứ tình cảm chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng cao, Trung Quốc đang đi về phía chủ nghĩa phát xít.

Tuy vậy, tôi không cho rẳng làn sóng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có thể phát triển thành chủ nghĩa phát xít trên phương diện hành động. Bởi vì, dưới chế độ độc tài, làn sóng chủ nghĩa dân tộc muốn phát triển thành chủ nghĩa phát xít, cần thiết phải có được sự nâng đỡ hai chiều từ cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm: Sức mạnh cứng là sự tăng cao cực nhanh của sức mạnh quân sự quốc gia và địa vị quốc tế. Sức mạnh mềm không những là tác dụng mê hoặc nhân tâm của chính bản thân chủ nghĩa dân tộc, mà còn cần phải thỏa mãn những điều kiện sau:

  • Tuyệt đại đa số người dân trong nước vứt bỏ đi lợi ích cá nhân và lợi ích của các nhóm, tập đoàn nhỏ, hơn nữa thừa nhận tính ưu việt đối của lợi ích quốc gia hay lợi ích dân tộc một cách vô điều kiện.
  • Thông qua sự nhồi nhét, nhồi sọ ý thức hệ để tăng cường dã tâm xưng bá thế giới, đem người dân trong nước rơi vào trong một huyễn cảnh về thần thoại trở thành bá chủ thế giới.
  • Có sự xuất hiện đầy mị lực của một vị cứu tinh đối với thế giới, ông ta là một nhà độc tài toàn trị có đủ khả năng thay đổi tư tưởng bên trong đầu cũng như hành vi của người dân. Đồng thời nhan vật đó được nhào nặn trở thành hóa thân của lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, cuối cùng trở thành Totem Đồ Đằng của toàn xã hội, trở thành thứ có tính gây mê đưa người dân bước vào trong cơn mộng tưởng, nhận được sự cuồng nhiệt và biểu lộ lòng trung thành của toàn dân. Chỉ có như vậy, ông ta mới có thể kích động được theo kiểu từ trên xuống ý thức quần thể với đầy đủ tính nguy hiểm và tình xâm lược cao.

Đồng thời, sự tin tưởng của người dân đối với ba điều kiện trên cần phải đạt tới trình độ nhập ma trúng tà. Trúng tà ma sẽ đem những cảm giác ảo tưởng về chủ nghĩa dân tộc biến thành hiện thực để tiếp nhận và trở thành nhận thức chung. Vị cứu tinh trong mỗi lần xuất hiện để nhằm thực hiện con đường phục hưng dân tộc, sẽ đem đến những tiếng hoan hô cuồng nhiệt như thịnh hội, tạo nên một mộng tưởng tập thể cho chủ nghĩa dân tộc, đưa toàn dân rơi vào trong cơn điên cuồng khi bị tà ma hóa; phảng phất cả quốc gia là được lãnh đạo dưới một hóa thân của Thượng Đế, đang sáng tạo ra một câu chuyện thần thoại phục hưng dân tộc ngàn năm không gặp. Cũng chỉ có dưới sự mê hoặc của vị cứu tinh độc tài toàn trị, lợi ích quốc gia và phục hưng dân tộc mới có thể trở thành Đồ Đằng thần thánh của toàn dân, chủ nghĩa dân tộc mới có thể trở thành thức ma túy tinh thần độc hại mà mọi người tranh nhau hít vào. Chỉ có khi cả quốc gia thuần phục và tuân theo những mệnh lệnh, chỉ đạo đầy mộng tưởng của lãnh tụ đầy mị lực, biến trở thành những kẻ thiểu năng về tư tưởng, trở thành những con ếch ngồi đáy giếng về tầm nhìn; người dân trở thành những phần tử hiếu chiến với đôi mắt đỏ ngầu màu máu, mới có khả năng sinh ra một loại cảm giác cao thượng, tự nguyện hiến thân mình cho đất nước, hoàn toàn vứt bỏ lợi ích cá nhân cụ thể mà đưa thân mình đầu nhập vào thứ lợi ích quốc gia trừu tượng, đầu nhập vào trong cuộc thánh chiến thống nhất quốc gia và phục hưng dân tộc.

Tuy sức mạnh cứng của Trung Quốc trước mắt hiện tại có sự nâng cao tương đối lớn. Nhưng khi đem so sánh với thế giới bên ngoài, sức mạnh Trung Quốc vẫn là không có cách nào chống đỡ nổi một chủ nghĩa phát xít, hơn nữa còn kém rất là xa. Huống hồ, nền kinh tế Trung Quốc phát triển theo hướng cực đoan biến dị, bản thân nó đã bao hàm nhiều nguy cơ không xác định ở nội tầng, chính quyền và tầng lớp quan liêu lại mắc phải chứng tham ô hủ bại và bệnh ung thư hoàn toàn không có thành tín, hoàn toàn không có cách nào nhận được sự ủng hộ tự nguyện của dân chúng, ngược lại đang ngày càng mất đi tính chính danh và hợp pháp từ dân ý.

Càng quan trọng hơn là, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trên phương diện sức mạnh mềm yêu ma hóa đã trở thành một mớ hỗn độn, người dân trong nước đã quá lạm dụng tới mức thành vấn nạn khi lựa chọn giá trị sống, vừa không phải là thứ lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc mang tính áp đảo, càng không có sự sùng bái cuồng nhiệt điên cuồng như đối với Hitler và Mao Trạch Đông. Ngược lại nó chỉ có được tính tính của người làm kinh tế vốn đã bị biến dạng – lợi ích cá nhân là tối thượng. Phương thức hành vi của quốc gia và cá nhân đã ngày càng trở thành chủ nghĩa cơ hội. Từ chiến lược ngoại giao nước lớn ở tầng quyết sách cao nhất, cho tới chủ nghĩa quốc gia của tầng lớp trí thức tinh anh, chủ nghĩa Mao của phe Tân Tả hoặc Nho giáo vương đạo của phe Bảo thủ, cho tới tâm lý thù hận của tầng lớp thanh niên phẫn nộ thuộc tầng đáy xã hội, tự tôn dân tộc và cơn sốt yêu nước chỉ nhõn là biểu hiện về nổi về ý thức của người dân. Trong khi đó cân bằng quyền lực và lợi ích thật sự, thứ thúc đẩy chính hành vi của người dân, tuyệt không phải là vì đảng vì tổ quốc vì dân tộc những thứ lợi ích chỉnh thể nhưng trừu tượng này, mà đó là thứ triết học mặt dày tim đen (Hậu hắc học) tức tối đa hóa lợi ích cá nhân và bất chấp thủ đoạn để đạt được mục tiêu. Đối với loại sở thích mang tính áp đảo khi thế tục hóa lợi ích cá nhân, hiển nhiên sẽ đưa tới sự coi khinh của người dân Trung Quốc đối với tất cả những giá trị thần thánh. Trong tâm trí của người dân Trung Quốc, đã không còn thứ đồ vật thần thánh nào nữa rồi: Tôn giáo tín ngưỡng không phải, lợi ích quốc gia không phải, lãnh tụ chính trị càng không phải. Bất luận là sống hay chết, các đời đảng trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc không những không còn là thần thánh, mà ngược lại đã sớm trở thành nhân vật chính xấu xí trong “dân ca mới” và “tiếu lâm chính trị” của người dân.

Nhìn từ tầng lớp quyết sách cao tầng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nói, lợi ích lớn nhất mà giới tư bản thân hữu quan tâm đó là duy trì sự ổn định của quyền lực độc tài. Lợi ích hạt nhân của duy trì ổn định là duy trì lợi ích thiết thân của tầng lớp tư bản thân hữu. Không những cần phải giữ vững những lợi ích cá nhân đã sinh lợi, mà còn cần phải tiếp tục mở rộng và điều khiển, bảo vệ những những lĩnh vực lợi ích khác. Trên thực tế, sự thật khi mà chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc cổ vũ cho chủ nghĩa yêu nước và dung túng cho làn sóng của chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt của quần chúng, càng nhiều hơn đó là sự tuyên truyền và nhồi nhét đối với nội bộ Trung Quốc, đó là xuất phát từ nhu cầu bổ trám sự thiếu hụt đối với tính chính danh hợp pháp của chính quyền. Nếu không phải như vậy, thì không có cách nào để giải thích việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trên vấn đề quan hệ đối ngoại trong thực tế, luôn giữ một thái độ kiềm chế và không phô trương cao giọng. Tại sao mỗi khi làn sóng chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt của dân chúng có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của chính quyền, liền ngay lập tức chính quyền kiên quyết trấn áp, tuyệt không cho phép bất cứ sự việc vượt qua giới hạn nào.

Bất kể thế nào, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc không mong muốn một kết cục đối đầu đóng băng quan hệ với phía Hoa Kỳ, càng không hy vọng cuộc chiến hai bờ eo biển Đài Loan nổ ra. Ngay cả khi Hoa Kỳ không muốn tham gia vào hành động quân sự, chỉ mới là nhen lên những điểm yếu hại chí mạng ở phía sân sau cũng như tiến hành trừng phạt kinh tế cùng với cộng đồng dư luận quốc tế, thì cũng tạo thành những uy hiếp trí mạng đối với sự ổn định của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, uy hiếp sự ổn định của chính quyền nhất định uy hiếp lợi ích của các tập đoàn tư bản thân hữu. Những người lãnh đạo Trung Quốc hiện tại đích xác rất sợ các phần tử đòi Đài Loan độc lập. Những thành phần đòi độc lập cho Đài Loan sẽ đem chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc bức bách vào tình cảnh “đánh cũng chết, không đánh cũng chết” không có lối thoát. Nếu đánh, dưới tình hình trong và ngoài nước hiện tại, khẳng định là đánh không nổi. Nếu không đánh, sẽ đem danh dự và lòng tin ở trong và ngoài nước mất sạch. Cho nên, hạt nhân trong chính sách của Trung Quốc Đại Lục đối với Hoa Kỳ đối với Đài Loan, tuyệt đối không phải là nhất định muốn thống nhất mà cố hết sức “duy trì hiện trạng”. Trong khi đó một nhúm nhỏ những nhân vật theo phe diều hâu suốt ngày kêu gào đánh nhau, cũng bất quá là một đám lo lắng nóng ruột tới đỏ mắt vì chưa leo lên được “chuyến xe cuối cùng”, trong lòng luôn lo sợ bỏ lỡ “bữa ăn tối cuối cùng”, hận không thể lập tức muốn được tham gia trò chơi chia chác bẩn thỉu, không từ mọi thủ đoạn muốn cướp nhiều thêm một phần. Việc giương cao khẩu hiệu thống nhất hai bờ eo biển vì “lợi ích quốc gia” và “tôn nghiêm dân tộc” lại vừa đúng với khẩu vị cần mưu lợi của các tập đoàn lợi ích nhỏ và lợi ích cá nhân.

Nhìn từ góc độ tầng lớp trí thức tình anh và quần chúng nhân dân, sự phân liệt của phương thức sinh tồn khuyển nho hóa giữa những phát ngôn công khai nơi công cộng và hành vi ngôn từ ở chốn riêng tư, nhất định cũng xoay quanh chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Sự phân liệt chia rẽ giữa bề ngoài mở miệng toàn là đại nghĩa dân tộc và trong bụng toàn những tính toán lợi ích cá nhân, làm cho tình yêu nước của người dân Trung Quốc Đại Lục càng nhiều trở thành show diễn nơi đầu môi chót lưỡi trong khi thực tế không được bao nhiêu. Dưới tiền đề không ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân của bản thân, tận lực hô hào những khẩu hiệu yêu nước và phát tiết sự hận thù đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản và lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, tận lực dưới sự cho phép ngầm của chính quyền đi tới trước cửa Đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản trú tại Bắc Kinh hô vài câu khẩu hiệu; họ tận lực chửi rủa Trần Thủy Biển, W.Bush, Koizumi, tận lực đem ngôn ngữ bạo lực cộng thêm “người Mỹ trong một đêm” và “Tư duy mới về Nhật Bản”, tận lực dùng mạng internet tiến hành cưỡng hiếp và thủ dâm bằng ngôn ngữ đối với nữ minh tinh điện ảnh Triệu Vy, tận lực tuyên thề không tiếng tất cả nhằm huyết tẩy Đài Loan, thậm chí có thể tìm mọi cách kiếm một chiếc thuyền đơn giản nhỏ bé để đổ bộ lên Đảo Điếu Ngư… Vậy nhưng một khi dính dáng tới lợi ích thiết thân, những thành phần trí thức tinh anh và đám thanh niên phẫn nộ yêu nước sẽ tuyệt đối không thèm để ý tới cái gì lợi ích quốc gia và tôn nghiêm dân tộc, sẽ không vì cái gọi là yêu nước để thách thức một nhà cầm quyền sợ hãi và lấy lòng nước Mỹ. Có quá nhiều tập đoàn lợi ích thân hữu và gia tộc tư bản đỏ đã sớm và đang đem người thân, tài sản chuyển dời sang Hoa Kỳ với quy mô khổng lồ, cũng có quá nhiều thanh niên yêu nước đầy phẫn nộ đã đổ bộ sang Hoa Kỳ. Số lượng thanh niên yêu nước phẫn nộ chuẩn bị chạy sang Hoa Kỳ cũng không phải là số ít. Trước cửa Đại sứ quán Hoa Kỳ đóng tại Tú Thủy Nhai ở Bắc Kinh (địa chỉ cũ) thì hàng người xin visa đi sang Hoa Kỳ vẫn dài như cũ. Đương nhiên, không ai có thể ngăn trở bọn họ sau khi nhận được thẻ xanh hay hộ chiếu Hoa Kỳ trở lại Trung Quốc và yêu nước, giống như không ai có thể ngăn cản những loại người như Nguyễn Thứ Sơn tiên sinh vốn mở mồm tự xưng là ba lần từ chối nhận hộ chiếu Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng Nguyễn Thứ Sơn vẫn thò tay cầm lấy hộ chiếu Hoa Kỳ, và suốt ngày lên kênh truyền hình Phượng Hoàng chém gió về thứ “chủ nghĩa yêu Trung Quốc”. Hình như anh ta đã sớm quên mất bản thân đã tuyên thệ dưới lá cờ sọc sao trở thành công dân Hoa Kỳ vậy.

Đối với những quốc gia không có năng lực gây ảnh hưởng lên các thanh niên yêu nước đầy phẫn nộ, sự ồn ào và lao xao của đám bò đỏ phẫn nộ này cơ hồ có thể khuấy động được Thái Bình Dương. Trong khi đó một khi tình yêu nước cuồng nhiệt dính dáng tới quan hệ với Trung Nam Hải, thì đám thanh niên tràn ngập phẫn nộ này bỗng nhiên lại rất biết khắc chế và tuân thủ pháp luật. Con sư tử điên cuồng bỗng chốc trong nháy mắt biển thành một con cừu non hiền ngoan. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Iraq, đám thanh niên yêu nước đầy phẫn nộ dưới sự cho phép ngầm của chính quyền, đã phát động hoạt động có thanh thế to lớn, hoành tráng ký tên công khai kêu gọi chống Hoa Kỳ. Như vậy nhưng khi bọn họ chuẩn bị tiến hành diễu hành thị uy với quy mô cả nghìn người nhằm diễu võ dương oai và phản đối trước của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, thì bị chính quyền dẹp bỏ không cần lý do. Ngược lại, bọn họ không hề có bất cứ hành động lên tiếng kháng nghị. Trong phong trào bảo vệ Đảo Điếu Ngư, có 7 người yêu nước đã đổ bộ lên được đảo Điếu Ngư, trước khi bọn họ xuất phát, khi ở trên thuyền, khi tiến hành đổ bộ lên đảo, khi bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ… một đường luôn giữ vững ngẩng cao đầu kiểu không sợ chết. Như vậy nhưng khi bọn họ được phía Nhật Bản trao trả lại về phía Trung Quốc, mới bước xuống máy bay đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt đi, những cái đầu luôn cất cao của bọn họ thế mà, không tiếng động nào, đã rũ xuống. Hóa ra lần chuẩn bị đổ bộ tiếp theo đã bị hủy bỏ, hoạt động thịnh hội được tổ chức để nhằm chào đón những anh hùng yêu nước cũng không diễn ra, bảy vị dũng sĩ đổ bộ lên đảo càng là không có bất cứ tin tức gì.

Cơn sốt điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, khi thò tay vươn tới đại nghĩa dân tộc thần thánh, cũng không có được sự tự tin từ trong nội tại và một nội tâm trong sáng, ngược lại thấm chìm trong sự đen tối của những tính toán, lí trí và tinh ranh. Một bên vừa yêu nước, bên kia thì di dân; một bên hô hào chống Mỹ một bên chuyển tài sản ra nước ngoài,. Tình yêu nước đã sâu đậm đến mức lời nói và hành động bất nhất, vừa vặn tới mức ngôn từ và hành vi trái ngược nhau, cũng xem như là đạt tới một loại thăng hoa cảnh giới yêu ước thành tinh rồi! Một bình luận viên hàng đầu của chuyên mục bình luận thời sự Đài truyền hình Phượng Hoàng là Nguyễn Thứ Sơn đã có quốc tịch Hoa Kỳ, đã nhiều lần dùng chính bản thân mình để hiện thân, tạo dựng nên một tấm gương sáng về chủ nghĩa yêu nước khuyển nho hóa đối với tầng lớp thanh niên phẫn nộ Trung Quốc.

Nói cách khác, Trung Quốc trong thời đại Mao Trạch Đông chính là thời kỳ dễ dàng bước lên con đường phát xít hóa nhất, mặc dù vào lúc đó năng lực quốc gia Trung Quốc yếu kém, nhưng người dân Trung Quốc đã trúng tà quá sâu về mặt tinh thần. Không phải là trong thời đại hậu Mao Trạch Đông, mặc dù năng lực quốc gia đang dần tăng lên, nhưng đại đa số người dân đã biến thành khuyển nho tinh thông tính toán. Huống hồ, sự dung túng của chính quyền đối với chủ nghĩa dân tộc và sự phong tỏa, kìm kẹp đối với chủ nghĩa tự do, đem buộc “Lý thuyết sự uy hiếp từ Trung Quốc” cùng với các thế lực bên ngoài làm một, phóng đại chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.

Nguồn: Reuters

Bởi vậy, sự điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc về mặt ngôn từ đang đi về phía phát xít hóa. Điều này đáng để chúng ta phải cảnh giác, nhưng cũng cần phải thanh tỉnh nhận thức rõ sự dẫn dắt sai lầm của loại bong bóng nước nóng hổi điên cuồng này đối với dư luận quần chúng trong nước và xã hội quốc tế.

Ngày 14 tháng 11 năm 2004 tại nhà riêng, Bắc Kinh.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Trung Văn, Lưu Hiểu Ba, “Lưỡi gươm đơn tẩm thuốc độc: Phê phán chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đương đại”. Nhà xuất bản Boda. 2006. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ bản của người dịch.

(1) Vong ngã chi tâm bất tử: 亡我之心不死 kẻ thù trong thâm tâm lúc nào cũng cầu mong cho đối thủ đi đến chỗ chết.
(2) Vạn bang lai triều: trung tâm của thiên hạ, do đó xứ man di khắp nơi trong vòm trời này phải đến quỳ bái triều cống, chầu thiên tử, chờ được ban ân điển.
(3) Di Địch: Di chỉ các dân tộc phía đông Trung Hoa. Địch chỉ các dân tộc phía Bắc. Di địch chỉ các dân tộc thấp kém. Cũng có nghĩa như mọi rợ.
(4) Dương Vụ phái: “Dương Vụ” là để chỉ những người làm các công việc như ngoại giao, soạn thảo điều ước, cử học sinh đi học nước ngoài, mua vũ khí của nước ngoài cho đến những công việc liên quan đến quân sự, học tập khoa học nước ngoài, sử dụng cơ khí, khai mỏ, mở xưởng,… có quan hệ với nước ngoài. Phe Dương Vụ chủ trì và đề xướng việc dương vụ, ban đầu số người không nhiều nhưng thế lực của họ ngày càng tăng, có ảnh hưởng như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường, Trương Chi Đồng… Nội dung của Dương Vụ vận động rất đa dạng, liên quan đến quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao… vì mục đích “tự cường”, mở mang công nghiệp quân sự, xoay quanh mở mang những xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, chế tạo những loại vũ khí mới để trang bị cho lục quân, hải quân,…

1 Comment on “Không phải là “dòng chảy ngầm” mà là “bọt nước”

  1. NHÂN TÀI LƯU HIỂU BA
    Ở TRUNG QUỐC

    Một người yêu nước tận tình
    Một người hiểu rộng thông minh tuyệt vời
    Một người cao cả hơn người
    Một người vĩ đại kiểu đầu triết gia

    Biết bao tư tưởng mặn mà
    Biết bao nhận xét quả là tinh vi
    Nếu dân Trung Quốc ra chi
    Thì đây tiêu biểu người cần đề cao

    Đọc vào mới nễ thế nào
    Dù sao Trung Quốc vẫn còn người hay
    Ngày xưa đã có Tôn Văn
    Ngày nay tiêu biểu chính là Hiểu Ba

    Đây người rửa mặt quả là
    Cho dân Trung Quốc suốt gần trăm năm
    Một người đáng giải Nobel
    Bởi vì trái ngược hoàn toàn họ Mao

    Cho dầu Trung Quốc ra sao
    Người này xứng đáng ghi vào sử xanh
    Sử xanh Trung Quốc đã đành
    Sử xanh thế giới như người tinh hoa

    Tàu xưa Khổng Mạnh cao xa
    Tàu nay cũng có Hiểu Ba quả ngầu
    Con người thánh thiện trên đời
    Con người tâm huyết của thời âm u

    Nhân văn vậy mới đặc thù
    Con người từng học Mỹ về ngày xưa
    Đã từng ủng hộ biểu tình
    Thiên An Môn ấy phải người ra sao

    Chỉ là sinh bất phùng thời
    Dẫu người lãnh đạo tuyệt vời hơn ai
    Khiến đời nhiều chuyện bẽ bai
    Bởi Trời thọc gậy bánh xe con người

    PHIẾM NGÀN
    (20/9/17)