Chủ nghĩa yêu nước kim tiền đắt đỏ
Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch
Khi tấm huy chương vàng biến thành Đồ Đằng tinh thần của người dân Trung Quốc Đại Lục, huy chương vàng cũng trở thành thuốc phiện tinh thần của người dân.
Một kỳ Olympic bị chính trị hóa hiếm thấy trên thế giới
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bất kỳ một thành phố thuộc bất kỳ quốc gia nào chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội, trừ phương diện chính phủ chủ đạo, ý muốn của người dân và số vốn đầu tư cùng một loạt các phương diện khác, đều có thể so sánh với việc Bắc Kinh chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội. Đồng dạng, bất kỳ một thành phố thuộc bất kỳ quốc gia nào chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội thành công, cũng đều không giống như Bắc Kinh chạy đua đăng cai tổ chức lần này như vậy, tiến hành thao túng chính trị và động viên toàn dân trên quy mô lớn như vậy, gây nên một làn sóng chủ nghĩa dân tộc điên cuồng hiếm thấy.
Thậm chí ngay cả vào thập niên 1980 khi Liên Xô cũ và Hàn Quốc có nhu cầu bức thiết tổ chức đăng cai Thế vận hội để chứng minh bản thân nhưng cũng không biểu hiện ra sự điên cuồng của làn sóng dân tộc chủ nghĩa vì Thế vận hội như thế.
Vào buổi tối mà Bắc Kinh chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội thành công, dòng người đông nghẹt, phất quốc kỳ, kích động đến chảy nước mắt, gào đến khản cổ họng, Trung Quốc hầu như đã biến thành một cái nồi to lớn sục sôi chủ nghĩa dân tộc. Hơn một triệu người Bắc Kinh đổ ra đường ăn mừng, một loạt các thành phố lớn ở Trung Quốc ăn mừng suốt đêm. Toàn bộ thành viên tầng lớp quyết sách lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, không những có mặt ở buổi lễ chúc mừng được tổ chức ở Bảo tàng nghệ thuật thế giới Bắc Kinh (hay còn gọi là quảng trường Thế kỷ Trung Hoa), hơn nữa bị nhiễm cảm xúc từ đám đông cuồng nhiệt, đã lâm thời đưa ra quyết định leo lên thành lầu Thiên An Môn để cùng chung vui với dân chúng. Trong một thời điểm, “thực hiện ước mơ trăm năm”, “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, “sự phá sản của các thế lực chống Trung Quốc”… và một loạt khẩu hiệu phô thiên cái tâm địa bao phủ khắp nơi. Trong khi đó thứ chống đỡ cảm xúc cuồng nhiệt này, chính là tâm lý muốn rửa sạch nỗi “sỉ nhục trăm năm” và “Đông Á bệnh phu” đã được gia cố bằng lịch sử cũng như tâm lý tự ti, càng là tâm thái nước lớn và dã tâm xưng bá “sự trỗi dậy của nước lớn”. Khi mà những thành tựu ở các lĩnh vực khác chưa đủ để làm tiền vốn ngạo thị thiên hạ, thắng thua ở những cuộc thi đấu thể thao trở thành phù hiệu mang tính tượng trưng cho chính trị hóa dân tộc hóa tràn lan, mang trên mình phụ tải quá mức trầm trọng về giấc mơ siêu cường.
Từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm chính quyền, thể thao đã trở thành công cụ chính trị cho nền độc tài độc đảng. Trong thời đại Mao Trạch Đông, chủ nghĩa dân tộc được gói gọn trong câu khẩu hiệu “Nhân dân Trung Quốc đã đứng lên từ đây”. Sự trỗi dậy của bóng bàn Trung Quốc và vũ khí hạt nhân bay lên không trung, trở thành ví dụ tốt nhất cho câu khẩu hiệu này, cắm vào trong giấc mơ của mỗi người dân Trung Quốc.
Thành tích đáng kiêu ngạo của đội tuyển bóng bàn Trung Quốc trong thập niên 1960, là ký ức không thể nào xóa mờ đối với lớp người ở thời đại chúng tôi. Tôi từ khi học tiểu học năm thứ nhất đã bắt đầu tập đánh bóng bàn, thậm chí cho đến tận ngày nay vẫn còn nhớ rất rõ dòng tiêu đề to màu đỏ ở trang đầu dòng đầu Nhân Dân Nhật Báo “Trang Tắc Đông đại thắng Cao Kiều Hạo Lý, Lợi dũng cảm khắc chế Quan Chính Tử” (Cao và Quan là hai tuyển thủ bóng bàn nổi tiếng của Nhật Bản, đã từng đoạt quán quân thế giới). Dã tâm của Mao Trạch Đông muốn trở thành lĩnh tụ của toàn thế giới, dựa vào ý thức hệ giáo điều bệnh hoạn của chủ nghĩa Utopia “Giải phóng toàn nhân loại” để chống đỡ, ông ta không thèm để ý đến tình hình trong nước và quốc tế; về đối ngoại thì ngoan cố mù quáng đối kháng cùng lúc với hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô, và đối ngoại dùng chiến lược “xuất khẩu cách mạng” đến thu mua và ủng hộ thế giới thứ ba, đặc biệt là những tiểu quốc gia vô lại “ai cho bú sữa thì gọi người đó là mẹ”; về đối nội, chỉ có thể giày vò chính người dân Trung Quốc ở trạng thái đóng cửa toàn diện. Cho đến khi Liên Xô cũ gây áp lực về chính trị về quân sự đối với Trung Quốc tới mức Mao Trạch Đông không thể chịu đựng được nữa, ông ta mới từ bỏ đi dã tâm xưng bá và ước muốn không tưởng giải phóng toàn nhân loại, rồi dùng thái độ của chủ nghĩa thực dụng tiến hành liên kết với Hoa Kỳ. Thế là, với một Trung Quốc vốn độc chiếm hàng đầu về môn bóng bàn, một lần nữa trở thành công cụ ngoại giao của Mao Trạch Đông.
Dưới thời đại Đặng Tiểu Bình, chủ nghĩa dân tộc cô đọng lại trong những khẩu hiệu hô hào nơi cửa miệng “Chấn hưng Trung Hoa”. Đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc quật khởi cũng như năm lần giành chức vô địch, năm 1984 tại Thế vận hội mùa hè ở Los Angeles thì Trung Quốc phá vỡ thành tích đạt được huy chương vàng, đã nhận được sự tán thưởng cao độ từ phía lãnh đạo cấp cao Trung ương đảng và hoan hô nhiệt liệt từ phía quần chúng nhân dân. Sinh viên của Đại học Bắc Kinh và các trường đại học cao đẳng khác trong sự hoan hô nhiệt liệt cỗ vũ tự phát dành cho thắng lợi của bóng chuyền nữ đã dẫn đầu hô to khẩu hiệu “Học tập bóng chuyền nữ, chấn hưng Trung Hoa”; “tinh thần bóng chuyền nữ” dám đương đầu đối mặt, ngay lập tức trở thành thứ được ý thức hệ của chính quyền phát động ra toàn quốc, trở thành hình mẫu học tập của các nghành nghề trên cả nước. Xuất phát từ nguyên do Trung Quốc trong thập niên 1980 chính là thời khắc hứa hẹn nhất đối với Cải cách mở cửa, cũng là thời đại mà Trung Quốc từ ngoại giao đối kháng đi về hướng ngoại giao toàn cầu. Khi đó danh tiếng của Đặng Tiểu Bình ở trong nước và quốc tế như mặt trời lên giữa ban trưa, hơn nữa có được sự thừa nhận từ đầu sỏ toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc là Hoa Kỳ. Người dân Trung Quốc ở thời điểm vừa mới mở ra cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài, hoa mắt khi nhìn thấy cuộc sống của các quốc gia Phương Tây, nhìn thấy một cuộc sống đẹp đẽ tuyệt vời khác với bản thân, làn sóng Tây hóa lớp sau cao hơn lớp trước. Trung Quốc Đại Lục vào lúc đó, tuy rằng cũng có mặc cảm “Chấn hưng Trung Hoa”, nhưng về cơ bản là một dạng tâm thái học tập “dĩ Di chế di”(1), quan trọng chính là nhấn mạnh mặt tích cực của cải cách mở cửa, có rất ít lời kêu gọi chống lại bá quyền của Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây.
Sự kiện bi kịch Lục Tứ 1989 diễn ra, dẫn tới vấn đề nhân quyền, trở thành tiêu điểm xung đột nổi bật nhất trong quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ, đặc biệt là trục chiến lược ngoại giao lấy Hoa Kỳ làm chủ nhận được trở ngại rất nghiêm trọng. Nó không những là điểm bước ngoặt của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành tăng cường khống chế đối với người dân Trung Quốc mặt tư tưởng và chính trị, mà còn là bước ngoặt về chính sách ngoại giao: từ chỗ thực thi cải cách và mở cửa toàn diện thì chuyển sang chỉ tiếp tục cải cách mở cửa ở lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó về phương diện tư tưởng, chính trị và văn hóa thì chủ đạo là “chống diễn biến hòa bình” và chống bá quyền. Chính sách của các quốc gia Phương Tây cũng đi từ thái độ ủng hộ sang thái độ khắc chế, ngăn chặn làm chủ đạo, ít nhất là quan hệ thương mại đồng hành cùng cấm vận về chính trị và quân sự. Sau Sự kiện Lục Tứ 1989, chính vì những khó khăn chưa từng có của Trung Quốc trên trường quốc tế kể từ khi Cải cách mở cửa, cũng xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng của Đặng Tiểu Bình, nên ông ta đã đưa ra chính sách ngoại giao chờ thời cơ “Quyết không đi hàng đầu”, trở thành chính sách đối ngoại chủ đạo của Trung Quốc Đại Lục.
Trong bối cảnh rối ren về đối nội và khó khăn về đối ngoại, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp bước chính sách “Ngoại giao bóng bàn” của Mao Trạch Đông, một lần nữa đánh ra con bài thể dục thể thao. Sự ủng hộ hết mình đối với Đại hội thể thao Châu Á năm 1990 tổ chức tại Bắc Kinh và quyết sách đăng ký chạy đua đăng cai Olympic, đều là mũi nhọn cho màn biểu diễn ngoại giao thể thao. Thậm chí để tranh giành đăng cai tổ chức Thế vận hội, Bắc Kinh đã trả tự do cho hai tù nhân chính trị là Ngụy Kinh Sinh và Từ Văn Lập. Tuy nhiên, vì cách với thảm sát Lục Tứ Thiên An Môn 1989 quá gần, sự ngăn cản của các quốc gia Phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ, dẫn tới việc chạy đua đăng cai Thế vận hội vào năm 1993 thất bại. Thế là, lý thuyết về trăm năm nhục nhã và các thế lực chống phá Trung Quốc lại được tiếp thêm các chứng cứ mới. Ở trong nước bắt đầu nổi lên cơn sóng đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa. Cách nói của chính quyền là phản đối bá quyền đơn phương của Hoa Kỳ, phiên bản dân dã đã từng lên cơn sốt trong dư luận quần chúng đó là cuốn sách “Trung Quốc có thể nói “Không””, khuôn mẫu trích dẫn lý luận của tầng lớp trí thức tinh anh là dùng “Từ chối bá quyền về quyền lên tiếng của Phương Tây” làm khẩu hiệu kêu gọi bản thổ hóa về học thuật và cơn sốt về chủ nghĩa Phương Đông.
Trong thời đại Giang Trạch Dân, đi cùng với sự biến mất của tập đoàn chính trị nguyên lão cũng như sự củng cố về quyền lực cá nhân của Giang Trạch Dân dần tăng lên, giống như lý luận mới “hạt nhân chính trị Giang Trạch Dân” được đưa ra nhằm thay thế cho Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình. Dưới sự cổ vũ không ngừng của chủ nghĩa dân tộc, “Giang hạt nhân” cũng đưa ra khẩu hiệu mới “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Khẩu hiệu này thay thế cho khẩu hiệu “Nhân dân Trung Quốc đứng dậy” thời Mao và “Chấn hưng Trung Hoa” thời Đặng, Giang Trạch Dân nhiều lần ở đoạn kết những bài phát biểu nơi công cộng, dùng âm thanh cao ngất hô lên câu khẩu hiệu này. Đồng thời, ngoại giao của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc về cơ bản kế tục phương châm “Thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, nhưng Giang Trạch Dân càng ngày càng muốn trở thành nguyên thủ cường quốc, từng bước dùng ngoại giao nước lớn thay thế cho phương châm “Thao quang dưỡng hối” thời Đặng Tiểu Bình, túm chặt thời cơ tham dự các sự vụ quốc tế và nâng cao năng lực quân sự. Năm 1996 tiến hành diễn tập quân sự đối phó Đài Loan, năm 1997 đón nhận Hong Kong quay về Trung Quốc và tổ chức chuyến thăm tới Hoa Kỳ, năm 1998 có tổng thống Hoa Kỳ Clinton thăm Trung Quốc và kết thành liên minh với Liên Bang Nga…, những sự kiện trên trở thành chủ lực trong đường lối ngại giao sau khi Giang hạch tâm lên cầm quyền.
Nhưng mà, Giang hạch tâm ngoài những màn biểu diễn mang lại nhiều tiếng cười trên khắp thế giới, hoàn toàn không đem lại được bất cứ cải thiện mang tính thực chất nào đối với tình cảnh khó khăn của ngoại giao Trung Quốc. Bởi vì thể chế cũ của Đông Âu và Liên Xô cũ sụp đổ cũng như các quốc gia tự do ở Châu Á đẩy nhanh tiến trình tự do hóa dân chủ hóa, các giá trị của chủ nghĩa tự do Phương Tây tăng tốc mức độ phổ cập, chủ nghĩa nhân đạo được thúc đẩy trên toàn cầu với các biện pháp trừng phạt kinh tế và can dự quân sự thành công, kỳ bầu cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên ở Đài Loan cũng như sau đó là quá trình chuyển giao quyền lực giữa các chính đảng thành công ở Đài Loan… Tất cả dẫn tới việc chính quyền với chế độ độc tài độc đảng ở Trung Quốc Đại Lục trượt dần về phía bất lợi ở cả mặt đạo đức và thực lực.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc càng ngày càng dựa vào chủ nghĩa dân tộc trở thành hạt nhân về ý thức hệ; họ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể nâng cao cảm xúc của chủ nghĩa yêu nước, toàn lực tuyên truyền và dung túng cho phong trào chủ nghĩa dân tộc bắt đầu được nhen nhóm vào giữa thập niên 1990, làm cho chúng càng ngày càng nóng bỏng. Trong khi đó về đối ngoại, chính sách ngoại giao nước lớn đối với Hoa Kỳ không ngừng gặp trở ngại, năm 1999 Đại sứ quán Trung Quốc bị ném bom đã trở thành nỗi nhục quốc gia mới; làn sóng chống Hoa Kỳ chống Phương Tây một lần nữa dâng cao. Đồng thời, bởi vì Giang hạch tâm khi xử lý những sự kiện quan trọng liên quan tới chủ quyền quốc gia, ngoài việc kích động ở trong nước, đối với Hoa Kỳ không hề có bất cứ biểu hiện cứng rắng cần có của một nền ngoại giao nước lớn, là sự đả kích đối với lòng tự tôn dân tộc của người dân. Từ đó sinh ra bất mãn ngày càng tăng đối với chính sách ngoại giao của Giang hạch tâm. Tiếp đó là chính phủ mới của W. Bush lên cầm quyền, thay đổi phương châm ngoại giao của chính phủ tiền nhiệm Clinton đối với Trung Quốc, đem “đối tác chiến lược” đổi thành “đối thủ”, đem trọng điểm toàn cầu chuyển dịch sang Châu Á, hình thành xu thế bao vây đối với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vừa vặn vào lúc đó, sự kiện va chạm máy bay Trung Quốc Hoa Kỳ xảy ra, mặc dù Giang hạch tâm tuân theo thông lệ quốc tế xử lý vụ việc một cách êm thắm và không ồn ào là một cử chỉ sáng suốt, nhưng lại đem quần chúng Trung Quốc Đại Lục vốn đã có tâm lý chống Hoa Kỳ lên cao một lần nữa cảm thấy bị áp chế, tăng thêm một bước nữa khoét sâu sóng gió sự kiện ném bom Đại sứ quán, ngưng tụ thành quốc nhục. Thế là, chính quyền Trung Quốc Đại Lục và người dân đều đem tiêu điểm chú ý về đối ngoại tập trung lên cuộc chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội.
Giống như việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi lên nắm quyền đã đem thể thao trở thành một công cụ chính trị, chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội lại một lần nữa trở thành át chủ bài chính trị trong đối ngoại. Chính quyền muốn dùng hành động đăng cai tổ chức Thế vận hội để đạt tới mục chính trị là đích nâng cao danh vọng và củng cố chính quyền. Người dân dùng việc chạy đua đăng cai tổ chức thế vận hội để trút bỏ đi nỗi nhục nhã dân tộc được tích tụ ngày càng nhiều kể từ sự kiện chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội thất bại năm 1993. Bởi vậy, chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội lần này, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc toàn lực xuất kích, không những đã sử dụng chiêu bài kinh tế vốn là sách lược dùng để đối phó với áp lực chính trị, lần đầu tiên thuê công ty quan hệ công chúng hàng đầu thế giới tiến hành lên kế hoạch và bao bọc, làm mới hình ảnh, thậm chí đưa ra một số động tác cải thiện nhân quyền hứa hẹn cải thiện tự do ngôn luận đối với dư luận quốc tế. Đằng sau bối cảnh của thành công nắm chắc trong tầm tay, là nỗi sợ hãi thua cuộc không còn chút vốn liếng nào.
Bởi vì, đăng cai tổ chức Thế vận hội thành công đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp bách của cả chính quyền và người dân, làm cho một Giang hạch tâm và người dân Trung Quốc đang khát kháo cực độ sự nhìn nhận và khẳng định của dư luận quốc tế, có được một phần lễ thưởng dày dặn đến từ Ủy ban Olympic quốc tế. Nếu như phần thưởng thể thao mang nặng tính chính trị này, thật sự như là hy vọng của dư luận quốc tế dòng chính như vậy, có đủ khả năng hối thúc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cải cách chính trị, làm cho họ dần tiếp nhận trật tự thế giới mới “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, tăng nhanh bước tiến gia nhập vào dòng chảy văn minh chính của nhân loại. Có thể điều chỉnh bệnh trạng chủ nghĩa dân tộc với tâm lý hỗn hợp giữa tự ti và tự ngạo, sung ngoại và thù hận của người dân Trung Quốc Đại Lục, làm cho họ dần bước về hướng tự tôn dân tộc khỏe mạnh, dùng tâm thái khoan dung, hòa bình, không tự ti không kiêu ngạo để đối diện với thế giới, vậy thì, lần Thế vận hội mang màu sắc chính trị hiếm thấy trên thế giới này có thể sang tạo ra một kỳ tích chính trị.
Vậy nhưng, hiện thực của Trung Quốc Đại Lục trước mắt hoàn toàn không làm cho người ta có lòng tin để lạc quan như vậy. Ngay tại thời khắc mà việc đăng cai tổ chức Thế vận hội thành công còn đang nóng hổi và chưa nguội lạnh, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay tại Bắc Kinh đã tổ chức “Triển lãm chống tà giáo” quy mô lớn với ý đồ tăng cường đàn áp đả kích Pháp Luân Công. Trên truyền thông đầy rẫy những âm thanh cao vút chuyên ca tụng công đức và chủ nghĩa dân tộc. Chính quyền cũng không hề có những hành động hay tư thái nhằm cải thiện tình hình nhân quyền (trả tự do cho Lý Thiếu Dân không có liên quan gì tới chạy đua đăng cai tổ chức Thế vận hội). Ngay cả khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thả ra một số tù nhân chính trị nổi tiếng nhận được sự theo dõi của các tổ chức và dư luận quốc tế, họ vẫn như cũ. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc không cải thiện sự đối xử đối với quảng đại người dân bình thường, không thể kiềm chế, thúc ước một cách có hiệu quả những hành động lãng phí cực độ của chính phủ cũng như hành động lạm dụng quyền lực của lực lượng chấp pháp nhân danh Thế vận hội; Họ không buông lỏng sự khống chế, áp chế đối với truyền thông, ngôn luận, quyền tự do lập hội và hành động đi kêu oan của người dân; Họ không thông qua tu sửa Hiến pháp để hợp pháp hóa chế độ tư hữu, không thực sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm người yếu thế trong xã hội, không từ bỏ chế độ hộ tịch cũ, nhằm cải thiện tình cảnh bị kỳ thị của quảng đại số lượng lớn người nông dân…
Thế vận hội bị chính trị hóa cao độ, chỉ đem lại cho thế giới sự thất vọng cực độ và chán nản, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhờ Thế vận hội, nhận được nguồn vốn cho thành tích chính trị, có lợi cho củng cố chế độc độc tài độc đảng. Các tập đoàn lợi ích, chính trị thân hữu của chính quyền nhân cơ hội Thế vận hội có thể thu được vô số tài phú. Tình trạng tâm lý bệnh tật chủ nghĩa dân tộc của người dân cũng vì đó càng ngày càng bành trướng, làm cho một Thế vận hội bị chính trị hóa trở thành một Thế vận hội hao tiền tốn của, phương hại người dân và tham nhũng hủ bại.
Nói cách khác, việc Bắc Kinh chạy đua đăng cai tổ chức Olympic thành công năm 2001, có thể nói là kỳ Olympic mang màu sắc chính trị hiếm thấy, thỏa mãn đồng thời sự kỳ vọng của cả chính quyền lẫn người dân, chính quyền cơ hồ đã tạo ra một thành tích chính trị to lớn, dân chúng với bệnh trạng chủ nghĩa dân tộc bắt đầu chuyển từ tự ti sang tự ngạo, sùng ngoại chuyển sang phát tiết thù hận với nước ngoài.
Bắc Kinh ngày 18 tháng 7 năm 2001 tại nhà riêng
Sự ô nhiễm của những tấm huy chương vàng chính trị đối với nền văn minh
Truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin về Olympic, trước nay đều luôn tùy tiện tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước huy chương chương vàng. Những đưa tin về kỳ Olympic năm 2004 ở Athens cũng không khác. Đoàn thể thao Trung Quốc liên tục mấy ngày có số lượng huy chương vàng đứng đầu, trở thành giọng nữ cao được cất lên để ca tụng công đức và chấn hưng dân tộc, cũng trở thành buổi tập hợp thanh thế cho Olympic Bắc Kinh vào năm 2008.
Thi đấu cạnh tranh thể thao đã có lịch sử lâu dài, từ trước tới nay vốn là một phần của văn minh nhân loại, nó không những giúp ích cho sức khỏe con người, càng là thể hiện hai loại tinh thần phổ quát của nhân loại: Một là cạnh tranh tự do trong hòa bình, thể hiện tinh thần phổ quát cạnh tranh công bằng và sàng lọc giữ lại cái tốt, loại bỏ yếu kém. Huy chương vàng chính là phần thưởng cao nhất đối với tinh thần phổ quát này. Hai là những cuộc thi đấu quốc tế lớn, có ích cho giao lưu và hữu nghị của nhân loại, Olympic chính là tượng trưng đặc biệt nhất cho toàn thế giới tụ lại một nhà.
Đồng thời, thi đấu thể thao quốc tế còn có tác dụng tích cực đối với chủ nghĩa dân tộc, nó có thể giúp một quốc gia thể hiện sức mạnh tổng hợp, trình độ văn minh của đất nước, thể hiện diện mạo tinh thần của người dân một quốc gia, cũng có thể kích phát lòng tự hào dân tộc và tăng cường lực ngưng tụ dân tộc. Bởi thế, trong những cuộc thi đấu thể thao quốc tế lớn, việc mong muốn các vận động viên nước nhà đạt được nhiều huy chương vàng, cổ vũ cho các vận động viên đạt huy chương vàng, thậm chí là rơi nước mắt ở thời khắc quốc kỳ được kéo lên, hay thời khắc cảm thấy cuồng nhiệt về cảm xúc, đều là chuyện bình thường đương nhiên.
Nhưng mà, trong một thế giới hiện đại nơi mà chủ nghĩa dân tộc đi cùng với việc thương mại hóa, huy chương vàng không hề đồng đẳng với tinh thần thể thao; đoạt được nhiều huy chương vàng không hoàn toàn đại diện cho mức độ văn minh của một quốc gia nào đó. Đầu tiên, tinh thần thể thao thường bị ô nhiễm vì chính trị. Ở một quốc gia nơi mà chế độ chính trị và tinh thần dân tộc không hoàn thiện, tinh thần thể thao mang tính phổ quát của nhân loại thường bị chính trị chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và đen tối lợi dụng. Sự lấp lánh của tấm huy chương vàng trở thành công cụ để những kẻ độc tài kích động chủ nghĩa dân tộc điên cuồng với tính tự ngạo, tính thù hận. Ví dụ, nước Đức trong thời kỳ cai tri của Hitler, Liên Xô cũ và Đông Đức từng là các cường quốc thể thao trên thế giới, nhưng chế độ toàn trị lại rời xa văn minh thế giới. Trung Quốc hiện tại cũng là như thế. Tiếp đó, trên phạm vi toàn thế giới, tinh thần thể thao không ngừng bị ô nhiễm vì bị thương mại hóa quá mức, những scandal về thuốc kích thích, doping trong thể thao chính là điển hình cho sự ô nhiễm này.
Không còn nghi ngờ gì, khi so sánh với sự phá hoại văn minh thể thao do việc thương mại hóa thì sức phá hoại của chính trị hóa dân tộc chủ nghĩa đối với văn minh thể thao càng lớn. Đặc biệt là khi buổi thịnh hội quy mô toàn cầu trở thành công cụ tuyên truyền cho các nhà độc tài. Kỳ Olympic Berlin năm 1936 đã bị Hitler lợi dụng chính là để đánh dấu sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát xít Đức. Sau đó 3 năm, Đức ngang nhiên đưa quân xâm lược Ba Lan và Tiệp Khắc. Tiếp theo đó là Đại chiến thế giới thứ hai máu tanh và những thảm sát quy mô lớn đẫ bắt đầu. Đến Olympic năm 1980 tại Moscow, khi đó chính Liên Xô cũ đang xua quân xâm lược Afganistan khiến một nửa thế giới tẩy chay Olympic Moscow, làm cho kỳ thế vận hội mang quy mô toàn thế giới biến thành một chiến trường khác của cuộc chiến tranh lạnh. Thế vận hội lần đó cũng trở thành cuộc thi đấu của đế quốc Cộng sản toàn thế giới, gây ra tổn thất to lớn đối với tinh thần Olympic.
1. Nền thể thao huy chương vàng xa hoa tốn kém
Từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, thể thao trở thành lĩnh vực nghề độc quyền của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc; các cấp ủy ban thể thao đều là ban nghành của chính phủ; toàn bộ huấn luyện viên cùng vận động viên đều dựa vào sự nuôi nấng của nhà nước; ngay cả khi ngày nay thể thao Trung Quốc Đại Lục cũng tránh không khỏi sự cám dỗ của kim tiền và xâm nhập của thương mại nhưng truyền thống quản lý của đảng cầm quyền đối với những bộ môn thể thao và các hoạt động thể thao, thì không có sự thay đổi nào mang tính thực chất.
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vì mục đích tranh vàng đoạt bạc ở các kỳ Olympic mà đã đầu tư một số tiền lớn, đưa ra “Đề cương về kế hoạch giành vinh quang Thế vận hội”, xây dựng nên một đội ngũ vận động viên thi đấu Thế vận hội Olympic chuyên nghiệp khổng lồ có số lượng tới 17000 người, 4900 huấn luyện viên chuyên nghiệp. Sau đó, Tổng cục thể dục thể thao quốc gia Trung Quốc lại đưa ra “Dự án 119” nhằm đưa các bộ môn có năng lực cạnh tranh huy chương vàng yếu như Điền kinh, Bơi lội bắt kịp tiến độ. Cái gọi là “dự án 119” chính là ở các hạng mục điểm sáng của kỳ thế vận hội đoạt 119 chiếc huy chương vàng.
Bởi vậy, số tiền mà Trung Quốc đổ vào công tác chuẩn bị thi đấu cho Olympic tăng lên không ngừng. Vào Thế vận hội mùa hè năm 1988 tại Seoul của Hàn Quốc thì đầu tư mỗi năm 1 tỉ Nhân Dân Tệ, 4 năm đầu tư tổng cộng 4 tỉ Nhân Dân Tệ. Kỳ thế vận hội mùa hè năm 1992 tại Barcelona của Tây Ban Nha, mỗi năm đầu tư 3 tỉ Nhân Dân Tệ, bốn năm hết tổng cộng 12 tỉ. Kỳ thế vận hội mùa hè Sydney thì mỗi năm đầu tư 5 tỉ tệ, trong 4 năm hết tổng cộng 20 tỉ. Đầu tư cho Thế vận hội mùa hè 2004 ở Athens Hy Lạp là vượt quá 20 tỉ, dùng 30 tấm huy chương vàng đạt được để tính toán, bình quân mỗi huy chương vàng tiêu tốn hơn 700 triệu Nhân Dân Tệ đầu tư. Với những tấm huy chương vàng xa hoa như vậy, không ai thống kê xem có bao nhiêu cái nhất của thế giới. Nhưng để làm so sánh, sự đầu tư của một cường quốc thể thao là Liên Bang Nga đầu tư chuẩn bị cho Thế vận hội Athens mỗi năm chỉ là 3.3 tỉ RUB, tương đương với 400 triệu Nhân Dân Tệ. Số tiền mà Trung Quốc bỏ ra cao gấp 50 lần so với Nga.
Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội vào năm 2008 tại Bắc Kinh, nghe nói tổng số đầu tư cao tới 35 tỉ USD, khẳng định là phá kỷ lục về đầu tư trong các kỳ Thế vận hội. Thế vận hội mùa hè năm 2000 ở Sydney, chính phủ Australia chỉ đầu tư 320 triệu USD. Thế vận hội Athens năm nay, chính phủ Hy Lạp đầu tư 7 tỉ USD, trong đó có cả trợ cấp của Liên minh Châu Âu EU, nhưng người dân Hy Lạp vẫn rất bất mãn chính phủ tiêu quá nhiều tiền.
“Huy chương vàng Thế vận hội xa xỉ” của Trung Quốc, không những là độc nhất vô nhị trong số các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, ngay cả khi so sánh với các quốc gia phát triển, cũng được xưng tụng là “nền thể thao hào hoa”. Vậy nhưng, hàng trăm triệu hàng nghìn vạn người dân Trung Quốc bình thường căn bản là không được hưởng thụ nền thể dục thể thao quốc gia xa xỉ như vậy. Bởi vì, thể thao ở Trung Quốc là dùng tường cao xây bít xung quanh với đặc quyền được quốc hữu hóa, quý tộc hóa bao bọc lại, không hề có tí quan hệ nào đối với việc nâng cao sức khỏe toàn dân. Hủ bại trong thể thao càng ngày càng trầm trọng và 90% những vận động viên đoạt huy chương vàng bỗng chốc giàu lên trong một đêm, cũng dẫn tới việc phân phối tài nguyên thể thao phân hóa thành hai cực với khoảng cách ngày càng lớn. Chỉ mới nói về việc phân cực trong tỉ lệ bình quân chiếm hữu tài nguyên thể thao đầu người của người dân, chính phủ Trung Quốc đầu tư cho Thế vận hội vượt qua bất cứ quốc gia nào trên thế giới hiện nay. Trong khi đó diện tích bình quân mỗi người dân đối với các cơ sở thể thao mới chỉ có 0.006 m2, trong khi đó với hơn 600 nghìn cơ sở thi đấu thể thao các loại, có 67% thuộc về các ban nghành giáo dục, 25% thuộc về Ủy ban thể dục thể thao, số lượng cơ sở thi đấu thuộc dạng công cộng mới chỉ có 7%. Người dân các thị trấn thành thị đều chỉ có thể tập luyện trong công viên và bên lề đường, số lượng nông dân đông đảo gần như không có liên quan nào đến các cơ sở thi đấu thể dục thể thao.
Ở một đất nước với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc sở dĩ đầu tư với số tiền khổng lồ cho những tấm huy chương vàng Thế vận hội, hiển nhiên là xuất phát từ nhu cầu chính trị đối với những tấm huy chương vàng. Đằng sau “Sùng bái huy chương vàng” chính là nhu cầu thành tích chính trị của chính phủ, cũng là nhu cầu cần thiết để kích động chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt.
2. Sự bẩn thỉu của chính trị huy chương vàng
Sở dĩ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đổ rất nhiều tiền cho những tấm huy chương vàng thế vận hội là bắt nguồn từ sự cần thiết của chính trị huy chương vàng, lịch sử thể dục thể thao Trung Quốc kể từ sau năm 1949, chính là lịch sử nền thể thao trở thành công cụ cho chính trị độc tài. Bất luận là trong thời đại Mao Trạch Đông hay từ Cải cách mở cửa tới nay, liên minh giữa thể thao và chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt đều là công cụ thực thi thống trị của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà không phải là biểu hiện của trình độ văn minh quốc gia. Mục đích của thể thao là nhằm rửa đi sỉ nhục “Đông Á bệnh phu” và khôi phục lại chủ nghĩa dân tộc bá quyền “Thiên triều đại quốc”.
Trong thời đại Mao Trạch Đông, tượng trưng cho nền thể thao được chính trị hóa là “Ngoại giao bóng bàn”, thập niên 1960 dựa vào quả bóng nhỏ màu bạc để nâng cao uy thế quốc gia, lớn mạnh dân khí, thập niên 1970 thì dựa vào các trận đấu giao lưu hữu nghị bóng bàn nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ Trung Quốc.
Trong thập niên 1980 dưới sự thống trị của Đặng Tiểu Bình, dựa vào đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia năm lần đạt quán quân để “Chấn hưng Trung Hoa”, cầu thủ đội trưởng Lang Bình được quốc dân xưng tụng là “Thiết lang đầu” có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào trên thế giới, tuyển thủ Chu Hiểu Lan giỏi chặn lưới được quốc dân xưng tụng là “Trường Thành trên lưới” có thể chặn đứng tấn công của bất cứ đối thủ nào. Sinh viên Đại học Bắc Kinh đi biểu tình trên phố, đầu tiên hò hét khẩu hiệu là “Học tập bóng chuyền nữ, chấn hưng Trung Hoa”, “tinh thần bóng chuyền nữ” ngay lập tức trở thành ý thức hệ của chủ nghĩa yêu nước thân thân chính quyền phổ cập ra toàn quốc, trở thành hình mẫu học tập của đủ mọi thành phần nghành nghề.
Ở Thế vận hội mùa hè 1984 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, Trung Quốc không những thực hiện được cú đột phá giành được huy chương vàng, hơn nữa còn giành được 15 huy chương vàng, xếp hạng 4, người dân Trung Quốc với mức độ cuồng nhiệt của làn sóng dân tộc chủ nghĩa đột nhiên lên cao, vui mừng hét lên
“Hứa Hải Phong chọc vỡ tầng giấy bọc mang tên “Đông Á bệnh phu…một nước lớn chịu đựng nhục nhã hèn yếu cả trăm năm, sau khi trải qua sinh tử niết bàn, người khổng lồ Phương Đông này đã tự tuyên bố tỉnh lại tại Thế vận hội mùa hè 1984 Los Angeles.”
Vào lúc đó còn có người cao giọng hô: “Trung Quốc đã nhắm chuẩn vào nhóm siêu cường thế giới!”
Thế vận hội và huy chương vàng ở Trung Quốc đã trở thành chính trị dân tộc chủ nghĩa, huy chương vàng trở thành hạch tâm trong tuyên truyền của chủ nghĩa yêu nước, số lượng huy chương vàng nhiều hay ít trở thành tượng trưng cho năng lực quốc gia mạnh hay yếu và tinh thần dân tộc ưu hay khuyết.
Lịch sử đã như vậy, hiện tại vẫn y như vậy.
Cup bóng đá Châu Á vừa mới kết thúc không lâu, một lần nữa thể hiện rõ sức sát thương hai tầng của chính trị dân tộc chủ nghĩa đối với tinh thần dân tộc và thể thao Trung Quốc. Dưới sự cho phép ngầm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảm xúc chủ nghĩa dân tộc không ngừng lớn mạnh, đầu tiên là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Á Veerapan phê bình khán giá Trung Quốc đã có hành vi không văn minh ở lễ khai mạc, dẫn tới sự phản ứng mãnh liệt của người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, cuối cùng để Veerapan không thể không ra mặt xin lỗi. Tiếp đó là trận đấu ở khu vực Trùng Khánh diễn ra màn kịch xấu xí về chủ nghĩa dân tộc, dẫn tới sự bất mãn của chính phủ Nhật Bản. Tiếp đó nữa là cảm xúc điên cuồng thù hận Nhật Bản thành viên đội bóng đá Trung Quốc cũng như hàng nghìn hàng vạn người hâm mộ, đem trận đấu giữa Trung Quốc Nhật Bản đi về thứ chính trị dân tộc chủ nghĩa lạc lối. Trong cuộc phỏng vấn công khai trước trận đấu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thủ môn đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc đã không ngập ngừng mà sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị “Tiểu Nhật Bản”, kích thích cảm xúc thù hận Nhật Bản điên cuồng đã lâu của người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, dẫn tới bầu không khí hết thức căng thẳng giương cung bạt kiếm trước trận đấu. Bởi vậy, đợi đến khi thi đấu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, phía chính quyền xuất động một lượng lớn cảnh sát vũ trang nhằm phòng chống bạo loạn, gần 50 nghìn cảnh sát vũ trang và cảnh sát đầy đủ vũ trang canh chừng 70 nghìn chỗ ngồi ở sân vận động Công Nhân tại Bắc Kinh, siêu việt so bất cứ mức độ cảnh giới cho cấp độ thi đấu thể thao tương tự ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, ngay cả khi như thế, việc đội Trung Quốc đánh mất lợi thế vẫn dẫn đến những bạo động từ hàng vạn các cổ động viên cuồng nhiệt, tiến hành to tiếng chửi bới sỉ nhục các cầu thủ Nhật Bản, đốt quốc kỳ Nhật Bản, bao vây xe bus chở đội tuyển Nhật Bản, đập vỡ cửa kính sau xe hơi cua Đại sứ quán Nhật Bản… Một trận túc cầu cuối cùng diễn biến thành phong ba ngoại giao bị chính trị hóa. Sở công an thành phố Bắc Kinh không còn cách nào khác gửi điện xin lỗi đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc trú tại Nhật Bản là Vũ Đại Vỹ cũng gửi lời lấy làm tiếc tới ngoại trưởng Nhật Bản là Yoriko Kawaguchi. Thậm chí là, dư luận quốc tế không ngừng tỏ ra sự hoài nghi về năng lực tổ chức Thế vận hội của Trung Quốc trong tương lai. Với thanh kiếm chính trị dân tộc chủ nghĩa ngày càng sắc bén tỏa ra hàn quang lạnh lẽo khắp bốn phía này, khi tỏa sáng lấp lánh với bên ngoài đồng thời, cũng đâm ngày càng sâu vào chính bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nếu thể chế độc tài ở Trung Quốc không có sự thay đổi về thực chất, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc không thể nào đi về phía không tự ti không kiêu ngạo của tự tôn dân tộc, không thể dùng tâm thái bình đẳng và khoan dung để đối diện với thế giới. Vậy thì, Thế vận hội Bắc Kinh 2008 không thể làm cho người ta không khỏi lo lắng. Chính quyền mượn hơi Thế vận hội nâng cao uy tín, tầng lớp tư bản thân hữu mượn nhờ Thế vận hội để kiếm tiền (báo cáo thẩm tra công khai không lâu trước đây cho thấy: Tổng cục thể dục thể thao quốc gia sẽ đem 132 triệu Nhân Dân Tệ tiền dành cho Thế vận hội đem làm phúc lợi cho nhân viên). Một chủ nghĩa dân tộc đầy bệnh tật bị những bong bóng của Thế vận hội thổi cho biến hình, Thế vận hội Bắc Kinh rất có thể trở thành một thế vận hội chính trị dân tộc chủ nghĩa, vừa hao tiền tốn của vừa phiền nhiễu hại dân.
Với một Thế vận hội bị chính trị hóa và xa xỉ cao độ, mặc dù số lượng huy chương vàng đạt được không ngừng tăng cao, nhưng Trung Quốc cũng chỉ có thể dừng bước ở “cường quốc huy chương vàng”, mà không thể nào trở thành “cường quốc văn minh” được.
3. Cảnh giác việc huy chương vàng biến thành thuốc phiện tinh thần
Truyền thông Trung Quốc trong thời gian diễn ra Olympic, nhìn không ra được thể thao, nhìn không ra tinh thần Thế vận hội, nhìn không ra giá trị nhân bản, thậm chí nhìn không ra được tôn nghiêm dân tộc, đập vào mắt chính là huy chương vàng, ngoại trừ huy chương vàng vẫn là huy chương vàng!
Khi đoàn thể thao Trung Quốc về nước bước xuống máy bay, cơ hồ như đó không phải là từng người sống, mà là từng cái từng cái huy chương vàng. Đầu tiên là huy chường vàng tràn ngập trên khắp truyền thông Trung Quốc cũng như giá cả đắt đỏ của huy chương vàng: cái danh hiệu “anh hùng dân tộc” được đổi bằng huy chương vàng. Huy chương vàng có thể đổi ra một lượng lớn tiền thương, huy chương vàng đổi lấy vinh dự chính trị – nam giới thì sẽ trở thành “huy chương lao động 1 tháng 5”, phụ nữ thì trở thành “tuyển thủ hồng kỳ 8 tháng 3”, còn nhận được sự tiếp kiến của Hồ Cẩm Đào, của Ôn Gia Bảo và một loạt nhân vật cấp cao của đảng và chính phủ. Đây chính là những vị cứu tinh ban ân đem huy chương vàng cho đám thần dân.
Cú đột phá lịch sử với 32 tấm huy chương vàng, nếu như nói cách khách là huy chương vàng mà dân tộc Trung Hoa giành được vinh dự dân tộc, không bằng nói đó là chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lại giành thêm được một huy chương vàng về thành tích chính trị. Chính là cảm giác những tấm huy chương vàng thế vận hội này bị đúc thành huy chương vàng của chính quyền, làm cho tôi hiểu rõ phần nào cảm giác của mình khi xem truyền hình trực tiếp thi đấu Thế vận hội.
Chạy vượt rào 110m với thành tích 12 giây 91, trong khoảnh khắc Lưu Tường phá vỡ kỷ lục Thế vận hội, san bằng kỷ lục thế giới, khi đó, tôi đang xem truyền hình trực tiếp trên ghế nằm nhảy bật dậy.
Trong cuộc chiến giành huy chương vàng ở điền kinh 10 nghìn mét, trước trận đấu không được đánh giá cao là cô nương Trung Quốc Hình Huệ Na, trong giai đoạn chạy nước rút cuối cùng cô đã đột phá bứt lên áp đảo bỏ qua đối thủ từ Ethiopia, giành huy chương vàng. Điều này đã làm tôi kích động không thôi, thậm chí trong mắt còn hơi ướt.
Vậy nhưng, âm thanh gần như lạc giọng của bình luận viên Đài truyền hình Trung ương CCTV, hành động của Lưu Tường khi đứng lên nhận huy chương, làm cho tôi cảm thấy buồn nôn: một bước nhảy lên bục nhận giải, đem quốc kỳ đã chuẩn bị sẵn giơ lên cao quá đầu và thả tung bay. Anh ta hành động đầy tính biểu cảm tới mức xa rời thực tế, giống như một mình anh ta dẵn dắt lấy Trung Quốc, đem toàn thế giới bỏ lại phía sau: “Châu Á có tôi, Trung Quốc có tôi”. Sau đó, màn hình TV gần như là gương mặt của Lưu Tường, chỉ có rất ít phóng viên đi phỏng vấn Hình Huệ Na.
Theo dõi trận đấu chung kết bóng chuyền nữ giữa Trung Quốc và đội Nga, đội Trung Quốc sau khi thất bại hai hiệp với tỉ số 2:0 thì đã giành chiến thắng liên tiếp ở ba hiệp sau, tôi và vợ tôi ngồi trước TV đã bị cảm động trước sự ngoan cường trong hoàn cảnh khó khăn của đội bóng chuyền nữ, tiếc nuối vì dòng lệ rơi đầy mặt của những cô gái trẻ tuổi đứng ở vị trí cao nhất làng bóng chuyền nữ thế giới. Sau khi trận đấu kết thúc, tôi và vợ còn bình luận một chút về trận đấu tranh đoạt huy chương vàng làm cho tim đập nhanh này. Trận thi đấu như vậy, đã thể hiện được tinh thần thể thao “vĩnh viễn không nói lời bại trận”, đem lại cho người xem cảm giác căng thăng lại đầy ngạc nhiên và vui mừng.
Vậy nhưng, bản tin thời sự tối nay do Đài truyền hình Trung ương CCTV đưa tin lại dùng gần hết thời lượng đi tuyên truyền tấm huy chương vàng của đội tuyển bóng chuyền nữ,. Tiếp theo dó là ở tiết mục “Bình luận phỏng vấn tiêu điểm” lại chiếu tập phim dành riêng về đội tuyển bóng chuyền nữ đoạt huy chương vàng, hồi ức lại những huy hoàng trong quá khứ của bóng chuyền nữ, nhắc lại tinh thần “đội bóng chuyền nữ cũ”, cao giọng tán thưởng “tinh thần bóng chuyền nữ mới”. Cả toàn bộ chương trình đều cố gắng hết sức để nhằm kích động cảm xúc, khoảng cách địa lý đi khắp Đông Tây Nam Bắc ở Trung Quốc, kéo dài đến tận Hongkong Ma cao, đủ mọi loại nghề nghiệp, tuổi tác cũng trải dài từ những cụ già tóc bạc cho đến thiếu niên quàng khăn đỏ và thanh niên sinh viên, những nhân viên huấn luyện của trung tâm bồi dưỡng bóng chuyền, những người cùng làng với các tuyển thủ bóng chuyền ở quê, những người đã xem trận đấu này, những người đứng đối diện với phóng viên CCTV trên phố…
Người ta đi theo sự dẫn dắt của người dẫn chương trình và phóng viên, phần lớn đều có biểu lộ quá mức kích động, âm thanh run rẩy, cũng có người khi đối diện ống kính thì cũng cất cao lời thề học tập tinh thần đội bóng chuyền nữ, cho thấy một mùi vị tanh hôi nanh ác.
Phóng sự đưa tin của CCTV về các nữ tuyển thủ bóng chuyền đoạt huy chương vàng, tự nhiên sẽ không bỏ qua sinh viên của Đại học Bắc Kinh, bởi vì bọn họ chính là những người đầu tiên hô lên khẩu hiệu “Học tập bóng chuyền nữ, chấn hưng Trung Hoa” vào đầu thập niên 1980. Cho nên, phóng sự của CCTV đặc biệt làm nổi bật lên phản ứng kích động của sinh viên Đại học Bắc Kinh. Những sinh viên Đại học Bắc Kinh trong phóng sự, hiển nhiên là có sự chuẩn bị trước, nhất loạt đều mặc T-shirt trắng có dòng chữ màu đỏ “Đại học Bắc Kinh”; mỗi người đều kích động và cất lời thề. Vào năm xưa, sinh viên Đại học Bắc Kinh đưa ra khẩu hiệu “Tinh thần bóng chuyền nữ” dám đảm đương với khó khăn, ngay lập tức trở thành giọng điệu tuyên truyền ý thức hệ được chính quyền nhân rộng ra toàn quốc, trở thành hình mẫu của mọi nghành nghề. Ngày nay, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại một lần nữa diễn lại vở kịch cũ. Xem ra, tinh thần của Đại học Bắc Kinh cũ trước đây đã bay hết không còn gì, nhiều giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên đại học của Đại học Bắc Kinh càng ngày càng lún sâu trở thành “công cụ phát ngôn”.
Phóng sự của CCTV dùng giọng điệu kích động đao to búa lớn nói: Đội bóng chuyền nữ giành được, không chỉ là mỗi một tấm huy chương vàng, càng là tinh thần dân tộc! Loại hành động xúi giục chủ nghĩa dân tộc hết sức mình như vậy, làm tôi bỗng có cảm giác như ăn phải một con ruồi, quét sạch thứ hưng phấn, căng thẳng và vui vẻ có được khi xem trận đấu tối qua.
Thể thao dưới tay Đảng Cộng sản Trung Quốc, không những là nền thể thao huy chương vàng xa xỉ không ngừng tiêu phí thuốc nước mỡ thịt của người dân. Hơn nữa những tấm huy chương vàng được sử dụng với mục đích của chủ nghĩa dân tộc rửa sạch sỉ nhục “Đông Á bệnh phu” và một lần nữa xây dựng bá quyền “Thiên triều đại quốc”. Từ cuối thập niên 1990 đến đầu thế kỷ 21, mỗi một vận động viên thể thao Trung Quốc đạt được huy chương vàng thế giới, đều không có ngoại lệ trở thành tượng trưng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc:
Vận động viên chạy đường trường Vương Quân Hà được bồi dưỡng bởi “Mã gia quân”, đạt được thành tích quán quân vô địch Thế giới và vô địch Thế vận hội, lập kỷ lục thế giới về môn chạy 10,000m, còn nhận được giải thưởng tượng trưng cao nhất cho môn điền kinh là giải Jesse Owens. Truyền thông trong nước cao giọng tán thưởng: “tốc độ và độ bền của Thần Lộc Phương Đông đang chính phục thế giới”.
Vận động viên bóng rổ Diêu Minh thi đấu cho giải NBA của Hoa Kỳ, hơn nữa còn trở thành đội trưởng của đội bóng Houston Rockets, được giới truyền thông Trung Quốc Đại Lục tung hô là “độ cao Trung Quốc chinh phục nước Mỹ”.
Lần này tuyển thủ chạy điền kinh vượt rào 110m Lưu Tường giành huy chương vàng ở Thế vận hội Athens 2004, đã phá vỡ thành tích không có huy chương vàng tại trong các cuộc chạy đua ngắn của Trung Quốc,. Truyền thông Đại Lục lại đồng loạt hô to: “Tốc độ Trung Quốc chinh phục thế giới!”
“Tinh thần bóng bàn” trong thời đại Mao Trạch Đông, “tinh thần bóng chuyền nữ” trong thời đại Đặng Tiểu Bình, “Tinh thần Thế vận hội” trong thời đại Giang Trạch Dân, ngày nay tất cả đã biến thành tinh thần huy chương vàng, giống như “tinh thần Tiểu Khang”(2) nhất loạt biến thành “Bái vật giáo kim tiền”, Tấm huy chương vàng thế vận hội của Trung Quốc cũng là sản vật của “Bái vật giáo kim tiền”. Sự đầu tư của chính phủ vào Thế vận hội càng lớn, tham ô hủ bại trong thể thao càng ngày càng trầm trọng, những vận động viên thi đấu thể thao Thế vận hội được bồi dưỡng từ tiền đóng thuế của người dân, đại đa số đều trở nên giàu sụ trong một đêm, giống như sự phân hóa thành hai cực ở các lĩnh vực khác, khoảng cách giữa hai cực trong vấn đề phân phối tài nguyên thể thao cũng ngày càng được kéo lớn.
Tóm lại, thể thao là công cụ của nền thống trị độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà không phải là biểu hiện của trình độ văn minh quốc gia. Khi tấm huy chương vàng biến thành Đồ Đằng tinh thần của người dân Trung Quốc Đại Lục, huy chương vàng cũng trở thành thuốc phiện tinh thần của người dân.
Ngày 29 tháng 8 năm 2004 tại nhà riêng, Bắc Kinh
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Trung Văn, Lưu Hiểu Ba, “Lưỡi gươm đơn tẩm thuốc độc: Phê phán chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đương đại”. Nhà xuất bản Boda. 2006. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ bản của người dịch.
(1) 師夷長技以制夷: dùng man di để chế ngự man di. Câu này do Ngụy Nguyên魏源 (1794-1857), một học giả đời Thanh, tác giả Hải Quốc Đồ Chí 海國圖志, đề xuất chính sách dùng rợ để chế ngự rợ (dĩ di công di, sư di trưởng kỹ dĩ chế di 以夷功夷, 師夷長技以制夷)
(2) Tiểu khang: thời kỳ quốc gia từ từ ổn định, nhân dân bắt đầu được hưởng an lạc thái bình.