Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (tiếp theo và hết)

Nguyễn Văn Lục

Thôi thì đất nước mình nó như thế rồi. Nói hết thì còn gì để nói. Trong một xứ mù thì kẻ chột làm vua. Nước ta là nước dân chủ nhất thế giới nên kẻ dù ngu nhất cũng có cái quyền được ngu.

Hồ Ngọc Nhuận và nhóm Tin Sáng

Tin Sáng: Nơi hội tụ

Tin Sáng số 2/2/1077. Nguồn: OntheNet

Sau 1975, Hội Trí thức yêu nước thường là cái dù che chắn cho trí thức miền Nam lúc đầu có chỗ tựa. Tựa cơm áo cũng có, nhưng nhất là chỗ tựa tinh thần để khỏi bị phường khóm làm khó dễ. Hội đó đã có bao nhiêu hội viên? Có thể cũng chẳng nhiều người có điều kiện để biết.

Tuy nhiên, sau 1975, có tờ Tin Sáng với Ngô Công Đức là nơi tụ hội đông đảo của trí thức thiên tả hay lực lượng thứ ba từng sát cánh làm báo với nhau trước 1975. Nó là chỗ tựa tương đối yên ổn về mặt chính trị. Sống dưới chế độ cộng sản thì ai cũng lo cho “sức khỏe chính trị” của mình trước cả chuyện cơm áo.

Thứ mới đến miếng ăn. Ngoài chuyện làm báo, họ còn làm sơn mài, nuôi cá, nuôi heo để cải thiện bữa ăn cho anh em. Đó là chuyện “vá víu” chỉ có ở thời xã hội chủ nghĩa. Cũng có đến cả trăm người tụ hội quanh tờ Tin Sáng chứ không ít.

Người trách nhiệm điều hành chăm sóc cho tờ báo và anh em là Ngô Công Đức, kéo theo Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Dương Văn Ba. Đó là những tay làm báo tự ví mình một cách nhún nhường như “thợ bửa củi” trước 1975. Sau 1975 thì chẳng khá gì, Họ chỉ là “thợ đục và bào nhẵn”. Hiểu như thế là biết thân phận mình. Hiểu như thế cũng lộ liễu cái hèn khi tự thú nhận trước 1975 không phải nhà báo, không phải thọ mộc mà chỉ là thợ bửa củi. Còn có sự khiếp nhược nào hơn và hèn hạ nào hơn? Trước 1975 thì viết hung hãn, chửi bới không trừ ai. Sau 1975 trở thành bọn “dương vật buồn thiu”.

Cạnh đó thì có vô số bạn bè như Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Văn Điểm, Trần Ngọc Báu, Nguyễn Đồng và vợ Nguyễn Thị Hợp, Hoàng Ngọc Biên.

Nguyễn Hữu Hiệp và Trần Ngọc Báu phụ trách ban tư liệu của Tin Sáng. Họ thu xếp đi mua các sách bị cấm và bày bán trên vỉa hè Sài Gòn về làm tư liệu cho tòa soạn.

Chưa kể vô số “thợ vịn” như vợ Dương Văn Ba, em gái, em rể đều đầu quân cho Tin Sáng. Rồi con trai của cựu Nghị sĩ Hồng Sơn Đông. Ông Nguyễn Chức Sắc, chồng của Kiều Mộng Thu và con trai thì làm việc ở ban xếp chữ. Một số các chị thì lo việc bếp núc, bữa cơm hằng ngày cho anh chị em. Khá hơn một chút, con trai Lý Quý Chung làm ở văn phòng.

Trước khi chết, Ngô Công Đức viết lại chúc thư để lại cho đời, ví cuộc đời ông sau 1975 như “Lục Bình trôi”. Trước 1975, nhóm Ngô Công Đức chỉ đi “phá làng phá xóm”. Nhưng Ngô Công Đức trước sau vẫn là người làm ăn khá giả nhất trong đám bạn bè Tin Sáng sau khi báo đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Phải công nhận họ xử dụng từ khéo thế! Đóng cửa thì cứ nói đóng cửa! Khó khăn làm chi nữa!

Ngô Công Đức (6/3/1975). Nguồn: Bruce McKim / Staff Photographer / The Seattle Times

Cái khó của Tin Sáng là báo phát hành càng nhiều thì Ban Biên Tập càng lo bị đóng cửa.

Đây là những thành phần thứ ba tiêu biêu nhất, nổi bật nhất, “quậy”, những con rối phá hoại miền Nam trước 1975. Nhưng cũng tỏ ra hèn không thua ai cả.

Sau 1975, được 5 năm làm báo Tin Sáng sống tựa vào nhau qua ngày. Sau đó tan hàng khi báo đóng cửa và mạnh ai nấy lo cuộc sống mỗi ngày. Trừ Ngô Công Đức và Dương Văn Ba tương đối khá. Những người khác sống khá vất vưởng vì không có nghề ngỗng gì và cũng chẳng được chính quyền dùng vào việc gì. Họ như thể những đứa con vô thừa nhận.

Trong số những người tranh đấu trong lực lượng thứ ba, Hồ Ngọc Nhậu trước 1975 là “người dính dáng” nhiều nhất vào các hoạt động khuynh đảo. Ông cũng là người “quen biết”, được tin cẩn trong giới phật giáo, công giáo, các thành phần sinh viên tranh đấu, các dân biểu đối lập, các giáo chức trong chương trình Phát Triển Quận 8. Nhất là các nhà văn, nhà báo từng cộng tác trên các tờ Đại Dân Tộc, Tin Sáng, v.v. Và cuối cùng ông cũng có liên hệ với đám Dương Văn Minh và cũng móc nối được với các cán bộ cộng sản nằm vùng.

Ông tránh mặt không tham gia vào “chính phủ bù nhìn” Dương Văn Minh vì đã được mật báo là chuyện kết thúc chiến tranh đã định xong rồi.

Đối với chính quyền mới, lãnh đạo thành phố trao cho ông một đặc ân như một trọng trách: lên danh sách đề nghị cho một số người có dính dáng đến các hoạt động chính trị trước 1975 được khỏi đi học tập. Danh sách ông đề nghị đã bị bác nhiều người. Nhưng lúc bấy giờ, ông cũng không rõ chính sách đi học tập thời gian là bao nhiêu lâu. Ông đã đề nghị cho họ được học tập tại chỗ.

Nhưng ông cũng có thể là người “duy nhất” biết được rằng chuyện đi học tập cải tạo không phải là chuyện “một tháng”. Ông hiểu rõ cái dã tâm cũng như sự thâm độc, sự gian trá lừa đảo của cộng sản ngay từ đầu. Ông viết:

“Chỉ lõm bõm nghe vài người bạn tập kết về cho biết ở bên Tàu, sau vài chục năm vẫn có người lác đác trở về nhà. Chế độ “học tập riêng” tôi đề nghị sau cùng cũng được áp dụng, nhưng chỉ riêng cho tôi và những người được miễn học tập cải tạo tập trung mà thôi…”

(Hồ Ngọc Nhuận, “Đời”, Hồi Ký, bản thảo hay Chuyện về những người tù của tôi, tháng 2- 2003, trang 153-164)

Đây là cú lừa ngoạn mục nhất của Hà Nội sau 1975 và trở thành công án lịch sử. Cú lừa này chẳng qua cũng chỉ là học lại và bắt chước một bài học từ bên Tàu. Nhưng sau cú lừa này, không còn ai tin vào cộng sản và có một làn sóng ồ ạt vượt biển.

Ngay trước 1975, khi còn tranh đấu với tư cách dân biểu đối lập, Hồ Ngọc Nhuận đã phanh phui ra những đòn phép của cộng sản như sau:

“Tôi nhớ lúc bấy giờ, vài người trong chúng tôi phải kiêm nhiều chức trong nhiều tổ chức. Vừa giống hệt như bây giờ, vừa không giống. Hồi đó phải kiêm vì khó tìm đủ người cho nhiều tổ chức đấu tranh. Bây giờ phải kiếm vì khó tìm đủ chỗ.”

(Hồ Ngọc Nhuận, ibid., trang 19,)

Đọc đoạn trích dẫn trên, chắc bạn đọc phải nhìn nhận Hồ Ngọc Nhuận, ngay trước 1975 đã hiểu rõ bản chất cộng sản là gì rồi? Tôi rất ấn tượng trước nhận xét này của ông,“Hồi đó phải kiêm vì khó tìm đủ người cho nhiều tổ chức đấu tranh. Bây giờ phải kiếm vì khó tìm đủ chỗ.”

Ai dám bảo người miền Nam nó khù khờ, không hiểu biết gì về cộng sản? Họ cũng hiểu rõ như ai bản chất cộng sản là gian dối, bịp bơm.

Ông là người miền Nam, nhưng ông không ngu ngơ như người ta tưởng.

Ông vẫn tiếp tục chống đối chính quyền Saigon trong đám dân biểu đối lập gồm khoảng 20 chục người và cuối cùng nằm trong đám lực lượng thứ ba vây chung quanh Dương Văn Minh cho đến hồi kết thúc năm 1975.

Đến lúc này thì ông hồ hởi xông xáo hơn ra làm báo Tin Sáng với Ngô Công Đức. 5 năm làm báo này là 5 năm từng trải, vừa nhục nhã, vừa hèn. Ông thừa biết và so sánh giữa hai chế độ báo chí trước và sau 1975. Biết như thế mà vẫn phải “cố đấm ăn xôi” chỉ vì như nhiều người khác, ông mắc cái bệnh mà Lưu Hiếu Ba gọi là thứ “triết lý con heo”.

Kinh nghiệm chuyến “tham quan Hà Nội”

Trí thức lực lượng thứ Ba kể như được ưu tiên hàng đầu với một số lượng đông đảo được mời ra thăm Bắc kỳ XHCN.

Càng đông càng chứng tỏ một trò gian xảo và bịp bợm. Họ loại trừ hầu như toàn bộ những người trong MTDTGPMN, trừ trường hợp Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Hữu Thọ.

Nếu phái đoàn có nhiều đại biểu của MTDTGPMN thì việc thống nhất phải ăn nói làm sao?

Nhưng nhờ chuyến ra tham miền Bắc này, những kẻ ngu nhất, những kẻ mù quáng nhất cũng như những kẻ hăng say nhất cũng phải “sáng mắt sáng lòng”. Cái khó cho họ là khi về lại Saigon, chính quyền mời họ phải phát biểu cảm tưởng.

Có ngu mấy, họ cũng đều nhận thức được giống như Nguyễn Ngọc Lan trong bài viết 100 trang nổi tiếng, “Hà Nội tôi thế đấy”. Thế đấy là thế nào? Nhưng 10 người như một đều phải tấm tắc khen Hà Nội.

Dĩ nhiên mỗi anh phải khen một cách. Thế thì họ có khác gì những con vẹt biết nói tiếng người? Họ có hèn không? Hèn là cái chắc.

Theo Hồ Ngọc Nhuận, sau chuyến đi thăm miền Bắc về thì mọi người trong phái đoàn đều có bổn phận viết bài, hoặc phát biểu. Anh nào nói trước thì dễ, anh nói sau thì khó vì chả lẽ lặp lại anh nói trước? Phải có cái gì mới chứ? Không có thì cũng phải bịa ra chứ?Đó là cái khó của Hồ Ngọc Nhuận.

Hồ Ngọc Nhuận là người phát biểu cuối cùng. Nhưng ông đủ khôn ngoan nên nói về một xã tân tiến, điển hình là xã Như Quỳnh và đã trịnh trọng đăng lại trên Tin Sáng khi về lại Sài Gòn.

Bài viết của Hồ Ngọc Nhuận nhan đề: “Như Quỳnh nay có gì khác?”

Sau khi đã rào trước đón sau, ông phát biểu:

“Là người phát biểu sau cùng, tôi cảm thấy rất lúng túng. Tất cả những góc cạnh của con người Hà Nội, của con người miền Bắc, tất cả những khía cạnh của nếp sống Hà Nội, của nếp sống miền Bắc, các đại biểu lên trước tôi đã hầu như nói hết cả rồi! Tất cả những tình cảm rạt rào, những tình tự dân tộc, những tính khí hào hùng cách mạng của miền Bắc thân yêu hầu như đã được các đại biểu báo cáo đầy đủ…”

“Phần tôi, tôi cũng muốn nói thật nhiều, nhưng lại sợ lập lại những điều đã được nói, vừa sợ không đủ khả năng nói hết được lòng mình. Vì vậy tôi chỉ còn một cách là mời quý vị và các bạn cùng tôi đi dạo một vòng, thăm một vùng quê miền Bắc, vào một sáng chủ nhật đẹp trời…”

(Hồ Ngọc Nhuận, ibid., trang 287)

Tôi có cảm tưởng, một mặt, Hồ Ngọc Nhuận muốn chửi cha các đại biểu đi trước như Nguyễn Ngọc Lan, Lê Hiếu Đằng và những đại biểu khác như Lý Chánh Trung, lm Nguyễn Huy Lịch, ni sư Huỳnh Liên, nghệ sĩ Kim Cương, v.v.

Họ đã tranh nhau nói hết, tranh nhau bợ đỡ miền Bắc. Nay tôi chỉ rất tiếc là không làm sao được nghe đầy đủ các báo cáo của các đại biểu phát biểu sau chuyến tham quan miền Bắc, đặc biệt của Lý Chánh Trung.

Cũng tiếc là không được nghe kịch sĩ Kim Cương chắc là sẽ quá xúc động đến không nói ra lời… và phải khóc. Tiếc là tôi đã có dịp gặp Lý Chánh Trung, nhưng lại quên xin bài ông đã phát biểu. Hẳn là phải hay hơn nhiều bài của Hô Ngọc Nhuận.

Tôi cũng có hỏi ông Lý Chánh Trung về chuyến đi “lịch sử” đó. Ông có vẻ rất phấn khởi, nhưng chỉ tiếc là ông dùng để nói về mình hơi nhiều. Ông cho biết, phái đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng đổ xô ra đón tiếp nồng hậu. Dĩ nhiên. Ông được tham gia thăm xã Như Quỳnh, cách Hà Nội khoảng 20km trên đương đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên cũ. Ông bị một chị trong Hợp Tác xã chặn lại đột ngột hỏi:

“Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung phải không? – Thưa phải. Thế thì hân hạnh quá được gặp giáo sư, vì tôi có được đọc bài của giáo sư viết trước đây. Rồi khi Đoàn về đến Hà Nội thì có một thanh niên chạy vội lại hỏi: Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung, cho tôi gặp mặt. Lý Chánh Trung bèn tách ra khỏi doàn và trả lời: Tôi là Lý Chánh Trung đây. – Thưa giáo sư, tôi kính phục giáo sư, vì trước đây có đọc bài của giáo sư.”

Rồi Lý Chánh Trung đưa ra nhận xét: Miền Bắc dù có chiến tranh, nhưng phải nói trình độ văn hóa cao hơn ở miền Nam nhiều.. Chỉ cần một người dân thường cũng có thể đọc bài của Lý Chánh Trung.

Tôi quên không hỏi, có bao nhiêu người cùng đi trong phái đoàn mà chỉ mình Lý Chánh Trung được hỏi đến? Và quên hỏi, họ đã đọc bài nào.

Thật nay đến là tiếc, vì đây đúng là tài liệu quý hóa quá nếu ai còn giữ được.

Phần Hồ Ngọc Nhuận phát biểu cho rằng cách đây 30 năm, xã Như Quỳnh còn đói, nay mọi nhà đều có ăn no, mọi người trong xã đều có tiền gửi quỹ tiết kiệm. Và ông kết luận:

“Những gì chúng tôi đã hết sức ước ao cách đây mấy ngày, khi ngồi xe vượt hàng trăm cây số ngàn để đi Quảng Ninh hay Hải Phòng, hôm nay chúng tôi đã được toại nguyện. Đó là được thả bộ trên những con đường làng, trên những bờ ruộng thẳng tắp, rợp mát dưới bóng phi lao hay xa cừ, hai bên lúa mọc xanh rì..

“Xã Như Quỳnh, cũng như tất cả làng mạc miền Bắc hiện nay đều như thế cả.. Nước đã được cung cấp điều hòa bởi các đập.. Điện cũng được ưu tiên cung cấp cho máy bơm để chống ún […]”

“Chủ nghĩa xã hội là con đường tiến lên tất yếu đó… Và chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi tin rằng Độc Lập dân tộc và Thống nhất tổ quốc phải được gắn liền với chủ nghĩa xã hội.”

(Hồ Ngọc Nhuận, ibid., trang 293)

Tuy nhiên, những điều trên chỉ là khen lấy được do Hồ Ngọc Nhuận đại biểu phát biểu chứ không là Hồ Ngọc Nhuận- là con người thật sau đây. Một dân Nam Kỳ xỏ xiên và “đểu” như nững người đểu thứ thiệt. Hồ Ngọc Nhuận viết tiếp:

“Tôi chép lại toàn văn ở đây là vì nhiều lý do:
• Bà con Như Quỳnh hồi đó có đọc bài của tôi không, tôi không biết. Nếu có, bà con có thấy Như Quỳnh như tôi viết? Và Như Quỳnh bây giờ, so với hồi đó, nếu đọc lại có gì khác? Có gì còn? Có gì mất. Cả cảnh vật và con người, cả lý tưởng?
• Khi tôi bước khỏi bục nói lúc bấy giờ, có nhiều thính giả đến bên tôi khen ngợi, tán thưởng. Những bà con đó bây giờ ở đâu? Có bao nhiêu bà con đã ra đi? Và dù ở đây hay ở đâu, có bao nhiêu bà con vẫn còn tán thưởng, và có bao nhiêu bà con nhìn đi chỗ khác?
• Và tôi nữa, sau 25 năm, khi đọc lại chính mình, tôi tìm thấy được bao nhiêu phần trăm của tôi hôm nay trong đó? Trong những gì mình viết, suy nghĩ, khẳng định năm xưa?”

(Hồ Ngọc Nhuận, ibid., trang 293)

Đọc xong đoạn văn kết luận trên, tôi tự mình thấy xấu hổ, vì tôi vẫn ngây ngô nghĩ rằng dân miền Nam ngây thơ lắm, chẳng hiểu cộng sản là gì.

Không họ thuộc bài rất nhanh và “xỏ lá, đểu cáng” cũng rất nhanh. Xin bái phục.

Nhóm Chân Tín-Nguyễn Ngọc Lan

Lm. Chân Tín

Sau này, lm Chân Tín cứ nhắc đi nhắc lại, trước 1975, ông và Nguyễn Ngọc Lan chỉ tranh đấu cho nhân quyền, cho người dân. Tôi nghĩ đã đến lúc cần nêu quan điểm. Về việc này Vì lý do nào ông theo cộng sản và sau này ông tìm cách bạch hóa quá khứ trước 1975 và sau 1975 thì tôi hoàn toàn không biết? Nhưng những điều đó sẽ chứng tỏ được gì?

Trong những bài tham luận đọc trong các năm 1982 và 1983, Ông vẫn dùng lời lẽ nhẹ nhàng và bày tỏ một thái độ thiện chí góp ý, xây dựng với Đảng. Nói với các người trong Ban lãnh đạo – như trường hợp nói với Phạm Hùng – ông vẫn một điều anh hai diều anh, với một thái độ thân tình, như với người trong nhà, thay vì chữ ông như thường lệ.

Mặc dù, ông có lợi dụng chức vụ của mình để có cơ hội bênh vực những quyền lợi của giáo hội, nhất là trong vụ phong thánh tử đạo, nhưng vẫn trong một chừng mực cho phép. Sự khéo léo, rào trước đón sau tất nhiên phải có.

“Cho mãi đến năm 1987, ông không còn được mời đọc tham luận trước Hội Nghị của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận [Tổ Quốc] nữa. Chỉ còn được gửi bản góp ý, ông vạch rõ:

“Rõ ràng các Ủy viên công giáo của mặt trận là thứ trang trí.” (Ngày 24 tháng 12, 1987).”

(Minh Võ, “Phản tỉnh Phản kháng, Thực hay hư?”, NXB Thông vũ, 2004, trg 338-340

Rồi ông kêu gọi mọi người xám hối mà người đầu tiên cần xám hối có lẽ là ông và Nguyễn Ngọc Lan. Điều mà người ta thắc mắc và không tin vào độ thành tín của ông là những người như ông hay Nguyễn Ngọc Lan chẳng lẽ lại tin vào thuyết Mác Xít và Duy vật vô thần của cộng sản? Và giả dụ, ông cũng như Nguyễn Ngọc Lan vẫn được nhà nước cộng sản tin dùng, vẫn ở trong Mặt Trận Tổ Quốc, mỗi năm vẫn được lên phát biểu, liệu ông có lên chống đối hay không?

Đã có bao nhiêu người khi còn có chức, có quyền dám bỏ tất cả lên tiếng chống lại nhà nước cộng sản?

Xin trích dẫn về việc làm của Chân Tín trong cuốn “Trui rèn trong lửa đỏ”:

“Để rồi, một ngày cuối năm 1973, vào lúc 8 giờ kém 5 phút, linh mục Chân Tín đã tập hợp được khá đông đảo phóng viên báo chí, thông tấn xã trong và ngoài nước tại tòa soạn báo Đối Diện, để báo cho họ chuẩn bị mục kích một một cuộc họp xuống đường đấu tranh đẹp mắt của sinh viên học sinh.

Trước đó một hôm, anh em thuộc Ủy Ban đòi quyền sống của sinh viên học sinh đã tiết lộ nguồn tin đầy hấp dẫn này cho linh mục.”

(Trui rèn trong lửa đỏ. Bài viết của Hàng Chức Nguyên, “Lửa trong tim. Lửa trên đường phố”, trang 127)

Chân Tín sau đó đã “chia tay ý thức hệ” và coi như mình được giải phóng!

Nguyễn Ngọc Lan

Nguyễn Ngọc Lan kể lại chính ông được chứng kiến sự tàn ác của cộng sản trong bài “Nói chuyện ảo tưởng với người anh em của tôi : LM Nguyễn Quang Lãm”

“Cha già Đỗ Khắc Mỹ, ông cậu ruột của tôi mà các linh mục Bùi Chu đã học luân lý ở Đại Chủng Viên Phú Nhai những năm 1936-1938 hẳn còn nhớ. (…) Rồi một đêm, Việt Minh về phá tan đồn hương vệ, bắt bỏ Ngài trong một bao bố gánh đi. Ba tháng nhẹ tay để dụ dỗ rồi ba tháng thẳng tay. Rồi lại một đêm, 2-12-1952, Tòa án nhân dân ở Ba Lòng, vẫn tỉnh Quảng Trị. Mười “con chiên” của Ngài được đưa từ Nam Tây về để tố cáo Ngài không biết đến mười mấy thứ tội. Rồi án xử bắn. Rồi một loạt đạn, linh mục Đỗ Khắc Mỹ đã gục xuống đêm ấy.”

(Nguyễn Ngọc Lan, “Nói chuyện ảo tưởng với người anh em của tôi: LM Nguyễn Quang Lãm”, tạp chí Đất nước, số 3 trang 130-131)

Nguyễn Ngọc Lan đã có thể kể lại và ghi nhớ chính xác cả ngày tháng về cái chết oan nghiệt của người người cậu ruột mình đã bị Việt Minh xử bắn. Ký ức về tội ác của cộng sản mà Nguyễn Ngọc Lan hẳn đã khắc sâu trong tâm khảm, ngay từ thuở nhỏ, tưởng không thể nào phai nhòa. Vậy mà sau này đương sự vẫn có thể nhắm mắt, quên cái chết oan khiên của cậu mình để đi theo cộng sản thì quả là loại người gì?

Tôi đã đọc Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan và tôi cố tìm xem trong ấy, có lúc nào, câu nào, ý nào ông ám chỉ một sự “sám hối”. Hình như qua các hàng chữ, qua các mẩu tin, qua các lời phê phán, Nguyễn Ngọc Lan lúc nào cũng ở tư thế kẻ nói thật. Có nhiều đoạn như thể ông mơ hồ ám chỉ những kẻ còn đeo đuổi cộng sản là những kẻ mù trong trường hợp ông như Dương Thu Hương viết trong cuốn “Thiên đường mù”.

Ông cho rằng, ngoài những kẻ mù lòa – ám chỉ những kẻ hăng say theo Đảng – còn có những kẻ chưa đến nỗi mù mà vẫn nhắm mắt đi theo đỡ gậy cho những kẻ mù?

Ông không nói những kẻ ấy là ai?

Bản thân ông khi trước đây viết trên Đối Diện và sau này viết trên Đứng Dậy, giữa thời gian ấy, đã có lúc nào ông tự xét bản thân ông đã từng đỡ gây cho những kẻ mù?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong hành trình viết lách của Nguyễn Ngọc Lan.

Nguyễn Ngọc Lan là người thường nhắc tới Lữ Phương với sự trân trọng về lối phát biểu đã nói lên được một số lời cảnh báo. Liệu ông Nguyễn Ngọc Lan có đồng tình và nhận ra những “bất cập” “những phê phán cực đoan” của chính ông về xã hội miền Nam trước 1975 hay không?

“Hà Nội tôi thế đó”

Nguyễn Ngọc Lan viết bài “Hà Nội tôi thế đó” đăng liên tiếp trên Đứng Dậy.

Đây là một bài viết nịnh không đúng lúc và không đúng chỗ.

Nội dung bài viết của Nguyễn Ngọc Lan khoảng 100 trang. Trong đó chỉ có 20 trang đầu viết về thực trạng miền Bắc như ông nhìn thấy. Đó là một miền Bắc còn nghèo nàn, túng thiếu đủ thứ. Phương tiện di chuyển duy nhất là xe đạp. Đường vắng không có xe cộ nên người đi xe đạp đi vòng vèo dưới bóng cây có bóng mát một cách rất thong thả.

20 trang này được đăng trên Đứng dậy từ số 73 vào tháng 10-1975.

Thật ra, Nguyễn Ngọc Lan chỉ quan sát và nói thật. Chẳng hạn căn nhà lúc ông rời Hà Nội thế nào, quét vôi mầu gì thì sau mấy chục năm vẫn là nước quét vôi đó. Nghèo lắm. Nhưng ông nói vớt vát nghèo nhưng đáng thương và đáng quý vì phải dành công của để đánh thắng giặc Mỹ.

Trong 20 trang này, Nguyễn Ngọc Lan ra sức ca tụng Thủ đô Hà Nội và cố tình biện minh cho sự nghèo đói của người dân Hà Nội. Tỉ dụ: “Không mặc đẹp không phải vì đã thay đổi tinh thần, khoái ăn ngon hơn: nhưng chỉ vì quý những cái gì khác hơn cơm áo.” (Nguyễn Ngọc Lan, Dứng Dậy, số 73, trang 37).

Hoặc ở chỗ khác, ông viết:

“Cái nghèo của Hà Nội là cái nghèo tự trọng, cái nghèo của truyền thống, đói cho sạch rách cho thơm, cái nghèo tự chủ, nhân dân ta thà còn nghèo, còn thiếu thốn, nhưng đang làm sáng rực hơn độc lập, tự do.”

(Nguyễn Ngọc Lan, ibid.)

Trong những phần sau, ở số 75, Nguyễn Ngọc Lan viết: “Ưu thế của miền Bắc không phải là ở số lượng tủ lạnh, ti-vi, nhưng ở những giá trị khác.”

Chỉ viết về thực trạng miền Bắc có 20 trang, 80 trang còn lại chỉ nhằm mục đích, giải thich và biện hộ cho 20 trang đầu.

Nguyễn Ngọc Lan tìm cách biện hộ cho tình trạng nghèo nàn ấy. Và đăng liên tiếp trên các số báo 74, vào tháng 11-1975, rồi số 75, tháng 12-1975, số 76 vào ngày 27-12-1975 và số 77-78 vào dịp xuân Bính Thìn. Cuối bài đăng trên số 77-78 có đề “Kỳ sau sẽ tiếp”. Nhưng thực tế đã không có kỳ sau.

Đây là một trường họp duy nhất không có trường hợp thứ hai. Càng bào chữa càng gây nghi ngờ; càng bối rối thất thố. 80 trang sau là một sự vớt vát, tháo gỡ, bào chữa một cách vô hiệu để cuối cùng tự mình phải ngừng bài viết. Sau này, ông cũng nhìn nhận việc viết thêm 80 trang là một sai phạm không cần thiết. Thà đừng viết gì thì hơn.

Quả việc nịnh đôi khi cũng không phải là dễ. Nhưng qua bài này, người ta mới hiểu con người thực của Nguyễn Ngọc Lan.

Câu chuyện không chấm dứt ở đây!

Theo Thế Phong, 25 năm sau để giải thích và biện minh cho bài “Hà Nội tôi thế đó”, Nguyễn Ngọc Lan đã cho in tập “Hẹn thắp lên – Lời chứng hai mươi lăm năm 1975-2000”, do Trình bày xuất bản tại hải ngoại năm 2000. 378 trang. Cuốn sách này được Nguyễn Ngọc Lan đề tặng cho Thế Phong vào năm 2001. (Thế Phong. “Hà Nội tôi thế đó”, tác giả cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan)

Theo Thế Phong viết lại lời biện bạch của Nguyễn Ngọc Lan thì “bài báo của ông đã gây ra đủ thứ dư luận đủ chiều. Chỉ cần thay đổi dấu sắc, huyền, nặng thì có thể là: Hà Nội tồi thế đó, Hà Nội tối thế đó, Hà Nội tội thế đó”.

Cũng theo Thế Phong, Nguyễn Ngọc Lan khi viết đã không có ý đồ hay hậu ý gì hết. Nguyễn Ngọc Lan viết: “Với tư cách cá nhân, tôi viết ngay sau chuyến đi Hà nội rất hào hứng. Với tư cách Tổng biên tập báo Đứng Dậy, tôi càng không thể cho phép mình có ý đồ, hậu ý như dã được gán cho mình.” (Thế Phong, ibid.)

Nhưng theo Nguyễn Ngọc Lan, bạn đọc ngoài Bắc họ bảo nhau: “bao nhiêu năm trời bọn mình đã phải khốn khổ vì thiếu đói, vì chế độ tem phiếu, bây giờ tự dưng một gã làm báo từ Saigòn chân ướt chân ráo ra đây rồi thanh minh, biện hộ, ca tụng cái thiếu đói ấy. Rõ khỉ.” (Thế Phong, ibid.)

Và cuối cùng Nguyễn Ngọc Lan cho rằng bài viết của ông ngưng ngang sau số 77-78 mặc dầu có lời hẹn: kỳ sau sẽ tiếp. Ông khẳng định là hoàn toàn do tự ý người viết.

Có thể nói, Nguyễn Ngọc Lan viết bài với tất cả thiện chí, nhưng lại gây ra nỗi oan nghiệt cầm bút đến không cách gì rửa được.

Sau đó thì Đảng và nhà nước cho Đứng Dậy “ngồi xuống”. Đảng sai Huỳnh Công Minh đến nói chuyện “phải quấy” với Nguyễn Ngọc Lan. Thôi thì tờ Đứng Dậy đã “hoàn thành nhiệm vụ” rồi, mình tính sang chuyện khác. Nguyễn Ngọc Lan nằm nhà “chữa sai bệnh mà không sai toa” theo chữ dùng của Hồ Ngọc Nhuận. Sau khi Đứng Dậy đình bản, được hỏi ông làm gì? Ông trả lời: Làm Thinh. “chỉ làm thinh”.

[Đứng dậy đình bản sau số 114, tháng 12, 1978 – DCVOnline.net]

Đứng Dậy, số đình bản 114, tháng 12, 1978

DCVOnline: “Mùa Giáng sinh 1978, Đứng Dậy cáo biệt “vì tạp chí không còn hội đủ điều kiện để tiếp tục nữa”. Và Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan cùng ban biên tập và tòa soạn dè dặt vài lời riêng với các bạn Kitô giáo:

“Việc tạp chí Đứng Dậy không còn nữa chỉ nên giúp chúng ta hiểu rõ hơn trong lòng tin là nó không cần thiết vì cái cần thiết thực sự, cái cần thiết tuyệt đối là “một sự sống, một niềm hy vọng và yêu mến lớn lao hơn cả bản thân Giáo hội” (…), nói chi đến bản thân một tờ báo.”.”

(Trần Trọng Cát Tường, “Từ Đối Diện đến Đứng Dậy”, Người Đô Thị số ra ngày 29-4-2016)

Nhưng ông có làm thinh thời VNCH hay không?

Thời VNCH, ông viết bài nào là chửi bài ấy. Chửi Mỹ, chửi VNCH, chửi bạn bè như trường hơp ông chửi xỏ xiên, chửi đến “tắt bếp” như trường họp ông chửi Nguyễn Quang Lãm, chủ báo Xây Dựng trong bài báo: “Nói chuyện ảo tưởng với người anh em của tôi: LM Nguyễn Quang Lãm” đăng trên tạp chí Đất Nước, số 3, từ trang 119 đến 160.

Nguyễn Quang Lãm chống Cộng, còn Nguyễn Ngọc Lan bênh cộng thì chuyện bất đồng là chuyện bình thường không tránh được. Nhưng chửi như Nguyễn Ngọc Lan thì đến tay chửi có tay nghề như Duyên Anh, bút hiệu khác Mõ Báo, một ký giả của tờ Xây Dựng còn phải nể mặt.

Trên tờ Con Ong, họ nhìn nhận chào thua Lm Lan chửi Lm Lãm là “sâu bọ”, “phá hoại nhà Trời”. Phần lớn bài viết của Nguyễn Ngọc Lan đăng trên tờ Tin Sáng, sau này được chọn in thành sách vào ngày 15-10-1971 với lời đề tựa của lm Chân Tín. Ông đã chọn tựa đề “Cho cây rừng còn xanh lá”. Lý do nào đã chọn tựa đề như vậy? Trong bài viết trên Tin Sáng, số 632, ngày 30-4-1971. Ông viết:

“Trong những ngày gần đây, người Mỹ đã cùng một lúc vừa đưa những trái bom bảy tấn rưỡi trút xuống trên đầu người Việt Nam, viện cớ để diệt cộng, lại vừa đem những quả bóng bàn mươi mười lăm gờ ram qua ve vãn Trung Cộng ngay tại Bắc Kinh… Tất cả bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ xuống trên đất nước này cho ngày mai cây rừng vẫn đứng thẳng và vẫn còn xanh lá.”

Cuốn sách tập hợp 50 bài viết của ông đã đăng báo trong đó có 13 bài viết về chiến tranh và hòa bình, 9 bài phê phán Thế giới Tự Do, 10 bài chửi đế quốc Mỹ, 7 bài về giới sinh viên, 6 bài về tôn giáo…

Vậy mà lúc ông khen với đầy thiện chí với 80 trang giải thich, biện hộ cho bài: “Hà Nội tôi thế đó” cũng không xong.

Đúng là sinh nghề, tử nghiệp. Dùng gươm thì chết vì gươm.

Trong giai đoạn sau 1975, Nguyễn Ngọc Lan có rất nhiều bài báo dùng thần học công giáo để giải thích và biện hộ cho chế độ cộng sản mà nhiều người công giáo đọc rất lấy làm khó chịu, đồng thời xỏ xiên, bôi nhọ một số chức sắc lãnh đạo công giáo trên tờ Đứng Dậy.

Chẳng hạn các bài như: “Chúa hôm nay và ngày mai”. Bài này ám chỉ Cách mạng sắp đến là giờ của Chúa. Cách Mạng sẽ đem lại niềm tin.

Hay bài khác: “Đi vào lịch sử mới” để nói tới niềm vui của dân chúng với hình ảnh các anh bộ đội hiền lành, khiêm tốn và đạo đức của họ..

Rồi bài “Ngàn Năm một thuở”, lại một lối giải thích và tán tụng Cách mạng. Cách mạng là đổi đời, một lần không có lần thứ hai. Cũng như bài: “Tại sao cứ đứng đó mà nhìn lên”, ám chỉ các tông đồ của Chúa khi Chúa về Trời, cám thấy bơ vơ, cứ nhìn lên trời. Nguyễn Ngọc Lan giải thích đã Cách mạng rồi mà còn nhiều tín hữu tiếc rẻ, cứ nhìn lại quá khứ mà không dám nhìn về tương lai XHCN..

Tuyền là chuyện giải thích bóp méo sự thật mà chỉ có Nguyễn Ngọc Lan mới nghĩ ra được.

Và nhất là những hoạt động phá hoại của nhóm Nguyên Ngọc Lan nhằm ý đồ trục xuất khâm sứ Tòa Thánh cũng như phản đối việc Giám Mục Nguyễn Văn Thuận về Sài Gòn qua các bản ghi lại của Thanh Lãng.

Và vì thế, người viết đặt nghi vấn là phải chăng ông chỉ lợi dụng tấm áo chùng đen để làm chính trị, lợi dụng ngay cả nhà dòng Chúa Chúa Cứu Thế và Giáo Hôi như địa phận Sài Gòn bằng những bài báo chỉ trích TGM Nguyễn Văn Bình và những hoạt động gây rối sau 1975. Như vụ trục xuất Khâm sứ tòa Thánh, vụ TGM Nguyễn Văn Thuận về Saigon trong vai trò kế nhiệm TGM Nguyễn Văn Bình sau này cho những mưu cầu đen tối của ông và Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ.

Nhất là lợi dụng cả Chúa vào hùa bằng cách trích dẫn Kinh Thánh khi nói về ngày “Saigon giải phóng”!

Tài liệu đánh máy dài 13 trang do Thanh Lãng ghi lai, bản Photocopy, thuật lại diễn tiến toàn bộ vấn đề từ âm mưu đòi thay thế Khâm sứ, ngay từ hồi tháng 3-75 cũng như nội dung buổi họp ở Ủy Ban Quân Quản. Tài liệu cho biết ai là chủ động, trang 11-13 ghi lại như sau:

“Chiều thứ tư, ngày 7-5-1975, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần lại kéo đến tôi (Tôi là Thanh Lãng) bàn hành động. “Hai anh Cần và Lan đề nghị nên tổ chức buổi họp có đông đảo anh em hơn. Cần và Lan nhận công tác triệu tập buổi họp đó, tức là buổi họp ngày 9 tháng 5 gồm các linh mục đã ghi ở Tâm Thư số 3.”

(Tài liệu đánh máy nhan đề “Thử ghi lại một biến cố, phổ biến công khai ngày 20-5-1975”, photocopy của Thanh Lãng trao lại cho Nguyễn Văn Trung).

Đây là danh sách gồm 20 lm đã họp tại Câu Lạc Bộ Phục Hưng ngày 8-7-1975 đòi trục xuất Khâm sứ và ngưng việc bổ nhiệm GM Thuận về Sài Gòn.

Xin đọc tên họ một lần cho biết: Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trần Viết Thọ, Nguyễn Văn Trinh, Huỳnh Văn Huệ, Trần Xuân Lai, Nguyễn Quang Lãm, Đinh Bình Định, Trần Thái Hiệp, Nguyễn Thiện Toàn, Hoàng Kim, Nguyễn Văn Hòa, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Hoàng Văn Thiên, Thanh Lãng, Vương Đình Bích. (Tài liệu Thanh Lãng đưa Nguyễn Văn Trung, ibid.)

Tất cả những hoạt động khuynh đảo, gây rối trên đặc biệt không bao giờ tìm thấy trong Nhật Ký của Nguyễn Ngọc Lan. Phải chăng từ đó có sự xích mích giữa Nguyễn Ngọc Lan và Đỗ Mạnh Trí? Đỗ Mạnh Trí nhìn nhận có sự bất đồng đưa đến giận nhau giữa hai người, nhưng không xác nhận cho biết là xích mích gì.

Chỉ biết chắc chắn là sau đó, Nguyễn Ngọc Lan đã trao các tài liệu của ông cho nhà thơ Diễm Châu, ở Strasbourg cho in một tập sách có nhan đề: “Hẹn Thắp lên, Lời chứng 25 năm, từ 1975-2000”, dầy 378 trang. Rất tiếc, ngoài Thế Phong, không biết có ai còn có cuốn sách này để tìm hiểu xem tác giả đã viết gì trong giai đoạn từ 1975 trở đi.

Thật khổ cho giáo hội vì có những kẻ mặc áo nhà tu mà tu không ra tu. Giáo Hội không xin đặc ân nào mà chỉ xin để mình được tự do hành đạo và phục vụ xứ sở mà cũng không xong.

Vài dòng cuối về một phần của giới trí thức thức miền Nam

Có một số trí thức miền Nam được tin dùng như ông Châu Tâm Luân, học nông nghiệp ở Mỹ về. Ông bị chính quyền VNCH bắt giam và chỉ được thả ra khi Dương Văn Minh lên cầm quyền và ngay sau đó, ông được Dương Văn Minh cử một trong 4 “sứ giả” đi gặp phái đoàn cộng sản ở Tân Sơn Nhất.

Ông cũng là người được chính quyền mới tin dùng là đại biểu. Ông là đại biểu Khóa I Hội đồng Nhân Dân TP HCM, đồng thời là ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc.

Được Đảng và nhà nước tin dùng như thế mà đến năm 1976, ông đã trốn đi cả thẩy sáu lần, cuối cùng đến được trại tỵ nạn.

Ông Dương Kích Nhưỡng, một kỹ sư về cầu đường cũng bỏ trốn. Kỹ sư Phạm Văn Hai có hai người con trai đặt tên Phạm Chí Minh, người kia Phạm Ái Quốc cũng bỏ trốn vào năm 1977. Ông Phạm Hoàng Hộ trả lại chức hiệu phó, “làm kiểng”. Nhà trường sợ mang tiếng, không nhận. Ông tự khóa phòng, trả chìa khóa. Sau này có dịp được mòi sang Pháp giảng dạy, ông ở lại luôn.

Ông Phạm Biểu Tâm, không đóng góp, không phát biểu. Được hỏi tại sao không phát biểu? Ông trả lời: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khỏe, vì cái gì cũng có mấy anh nghĩ hết.”

18 tháng liên tiếp học chủ nghĩa Mac Xít đủ để trí thức miền Nam chán ngấy chế độ.

Ông Nguyễn Công Hoan là dân biểu ở hai chế độ. Trước 1975, ông là dân biểu ở Hạ Nghị Viện. Ông là người của Thành Đoàn. Sau 1975, ông đắc cử đại biểu Quốc Hội thống nhất khóa đầu ở đơn vị Phú Yên. Nửa chừng, ông bỏ trốn sang Mỹ.

Ông Võ Văn Kiệt là người hiểu rõ đám trí thức miền Nam. Muốn dùng họ, bao che cũng không xong. Đám trí thức được gọi là nhóm “Chiều thứ sáu” tuyền là thứ chuyên viên về ngân hàng cuối cùng cũng không được dùng. Trừ một vài người như Lâm Võ Hoàng.

Chất xám của miền Nam coi như hoàn toàn bất khả dụng. Vấn đề chỉ ở chỗ họ là “người ngoài”, không phải “người của ta”. Số người cũ còn ở lại đã thưa thớt và nhất là nay phần lớn đã “teo não” bất khiển dụng.

Đó là số phận dành cho trí thức miền Nam. Và phải chăng câu nói của Lê Duẩn lúc mới tiếp thu miền Nam là: “Nãy giờ có một chiến lợi phẩm rất lớn mà các đồng chí không đề cập. Đó là lực lượng trí thức được đào tạo từ nhiều nguồn.” chỉ là câu nói đùa chăng?

Trước khi chấm dứt, tôi có một kết luận rõ ràng. Đối với cộng sản, nó có tử tế với anh thì cũng đừng tưởng bở. Mà dến lúc nó hết tử tế, nó trở mặt thì cũng đừng nên bất mãn rồi đâm ra phản tỉnh hay phản kháng.

Phản tỉnh thì đã trễ, phản kháng thì vượt sức mình.

Đó là trường hợp những người như ông Lê Hiếu Đằng, ông Tương Lai.

Ông Hồ Ngọc Nhuận hưởng ứng quan điểm của Lê Hiếu Đằng tuyên bố, “Đã đến lúc phải phá xiềng.” Câu tuyên bố của Hồ Ngọc Nhuận nghe ngon ơ! Điều này có thể thực hiện trước 1975 như ông đã làm chăng?

Xin thưa ngay là tôi tôn trọng tất cả những người nêu trên. Nhưng tôi vẫn tự hỏi họ chống đảng hay muốn cứu đảng, hay muốn vớt vát cho đảng, như Hà Sĩ Phu, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Đào Hiếu, Hoàng Hữu Quýnh, Phạm Đình Trọng, Vũ Cao Quận,

Người như Võ Văn Kiệt vốn có lòng, có tâm huyết, bộc trực, cả đời đi theo Đảng. Mà theo Lê Phú Khải trong “Lời ai điếu” viết:

“Cái chết của ông thật khó hiểu. Đang khỏe mạnh, còn mua vé trước để đi Hà Lan với tiến sĩ Tô Văn Trường để nghiên cứu về chống nước biển dâng tràn tới ĐBSCL. Vậy mà chỉ đi Hà Nội về là lăn ra chết. Bác sĩ Quế- Phó Ban bảo vệ sức khỏe Trung Ương bạn với tôi nói – Chụp phổi máy trắng xóa (tức là den) là điều rất hiếm. Bệnh phổi không thể chết nhanh thế được! Tôi là một trong những người được tin ông Sáu Kiệt mất sớm nhất.”

(Lê Phú Khải, ibid., trang 339)

Sinh mạng những người như Võ Văn Kiệt đảng còn chẳng coi ra gì huống chi người dân!

Ông già Chợ Đệm Nguyễn Văn Trấn là người sớm nhất “giác ngộ” với cuốn “Viết cho mẹ và Quốc Hội”, 1995, xuất bản với tư cách cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nói:

“Tội ác của chế độ này từ 40 năm nay, thật nói không hết.” (Trang 152, bản pdf)

Thôi thì đất nước mình nó như thế rồi. Nói hết thì còn gì để nói. Trong một xứ mù thì kẻ chột làm vua. Nước ta là nước dân chủ nhất thế giới nên kẻ dù ngu nhất cũng có cái quyền được ngu.

Hiện nay lãnh đạo từ trên xuống dưới đều ngu cả. Nhưng ngu vẫn là độc quyền của họ.

Chẳng hạn, trong chiến tranh, quân số trên một triệu người, chỉ có 36 tướng lãnh. Nay thời bình, quân số giảm còn chưa tới nửa triệu người, nhưng số tướng lãnh ở Việt Nam lại tăng vọt. Chắc là vô địch thế giới với con số 489 tướng lãnh. Chưa kể các “tướng chìm”, nghĩa là quân hàm là đại tá, nhưng vẫn được hưởng lương tướng.

Hiện nay có cả trăm ngàn người Việt sang Đài Loan, Nam Hàn, Singapore, Thái Lan, Nhật và Saudi Arabia đi làm vợ hoặc làm đầy tớ cho họ. Ngược lại, khi họ sang Việt Nam thì họ làm chủ.

Hết.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, mi h hoạ và phụ chú.