11 nước đã có thoả thuận về ‘những phần cốt lõi’ trong Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương
John Paul Tasker | DCVOnline
Báo đài của Úc, New Zealand đổ lỗi cho Canada đã làm trì trệ cuộc đàm phán thương mại.
11 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương đã đạt được thoả thuận “những phần cốt lõi” của hiệp định thương mại, cụ thể là 11 quốc gia đó sẽ tuân thủ luật lao động nghiêm ngặt và những tiêu chuẩn về môi trường, một thành công mà Canada hết lòng vận động; đó là một bước đột phá lớn sau khi cuộc đàm phán bị đình trệ hôm thứ Sáu.
Một thỏa thuận cuối cùng, trên nguyên tắc vẫn còn trong đàm phán và soạn thảo, vì các quốc gia này chưa giải quyết được tất cả các khía cạnh của thỏa thuận.
Bản TPP nguyên thuỷ hiện nay đang được đàm phán lại, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, có cả những quy định cứng rắn, đòi hỏi tất cả các nước thành viên phải loại bỏ lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, áp dụng và duy trì luật pháp và thông lệ quản lý “các điều kiện làm việc chấp nhận được”, và bảo vệ quyền thương lượng tập thể của công nhân.
Nhưng một số quốc gia, gồm cả Malaysia và Việt Nam, muốn không tuân thủ quy định nói trên. Đây là điều Canada cảm thấy là không thể biện hộ được.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế François-Philippe Champagne nói, những nước đó nay đã trở lại, và và đã đồng ý với các điều khoản của TPP gốc. Ông nói thêm,
“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tốt hơn cho Canada. Chúng tôi cũng đã tăng cường các chương cấp tiến – như Thủ tướng Trudeau đã nói chúng ta không làm thương mại trong thế kỷ 21 như người ta đã làm trước đây.”
Tất cả 11 nước đã đồng ý áp dụng, ví dụ, luật về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc cũng như vấn đề an toàn lao động và sức khoẻ của công nhân như đã đồng ý ở bản thoả thuận TPP trước đây.
Champagne nói, nếu một quốc gia nào đó không tuân thủ những đòi hỏi quy định trong thỏa thuận, thì bất cứ một đối tác nào khác cũng có thể đưa quốc gia vi phạm ra trước toà án thương mại xét xử, và họ sẽ phải chấp nhận kết quả của cuộc giải quyết tranh chấp.
11 nước đối tác nay có thể đra 4 mục cụ thể để thương lượng thêm về sau, đáng kể như những chương liên quan đến quy định về xuất xứ của sản phẩm, kể cả đồ phụ tùng xe hơi, trước khi ký vào thoả thuận sau cùng.
Bộ trưởng Canada Champagne phát biểu về TPP
Champagne nói, “Điều mà chúng tôi đã đạt được ngày hôm nay là xác định được những lĩnh vực mà chúng tôi cần phải làm việc thêm.”
Một số trong giới quan sát gọi bản hiệp định đã sửa đổi gọi là “TPP11” vì có 11 quốc gia ở lại đàm phán sau khi Hoa Kỳ đã rút đi. Tên chính thức của hiệp định thương mại này là Hiệp định Toàn diện và Cấp tiến cho Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đối với khía cạnh môi trường của thỏa thuận này, tất cả các nước đều đồng ý với những điều khoản tương đối không rõ ràng đòi hỏi phải “bảo tồn và sử dụng một cách bền vững đa dạng sinh học” và việc áp dụng “cơ chế” để giảm khí thải carbon. Thỏa thuận này cũng đòi hỏi thành viên bảo vệ động thực vật hoang dã và các biện pháp để giải quyết tình trạng đánh cá quá mức.
Các điều khoản về sở hữu trí tuệ ‘bị đình chỉ’
Chương liên hệ đến tài sản trí tuệ đã bị đình chỉ. Một cách dễ nhiểu là nó không còn trong bản thoả thuận đang được đàm phán. Đây là một thắng lợi cho Canada cũng như nhiều công ty kể cả Jim Balsillie – Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Blackberry, lo ngại về những điều khoản đó. Chương này, đầu tiên được chính phủ Obama đưa vào để buộc 11 thành viên khác phải tuân thủ luật bằng sáng chế của Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố gửi đến CBC News, Balsillie nói Canada thành công trong việc thuyết phục các nước khác bỏ chương về tài sản trí tuệ [theo luật Mỹ] là một minh chứng cho sự “khôn ngoan” và “tinh tế” của chính phủ Canada e4trong những cuộc đàm phán phức tạp này. Ông Balsillie nói,
“Tôi rất hài lòng thấy Bộ trưởng Champagne và đoàn đàm phán của Canada làm việc để duy trì tính linh hoạt chính sách cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của nước chúng ta và họ tiếp tục nâng cao kiến thức về nền kinh tế thế kỷ 21 ở đó mỗi doanh nghiệp là một doanh nghiệp công nghệ cao.”
Canada cũng đang thúc đẩy các đối tác thay đổi các quy định liên quan đến văn hoá. Canada cho biết 10 quốc gia khác đã “khẳng định quyền của mỗi bên để bảo vệ, phát triển và thực hiện các chính sách văn hoá của nước mình”, nhưng vẫn chưa hoàn tất những chi tiết cụ thể.
Champagne nói, “Tất cả chúng ta đều hiểu rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn về chương văn hoá. Tranh đấu vì văn hoá Canada đối với tôi là điều cần thiết.”
Một số trong giới quan sát đã cảnh cáo các văn bản TPP do ban đàm phán của chính phủ Bảo thủ soạn thảo và cuối cùng cũng có chữ ký của Chính phủ đảng Tự do không lâu sau khi nhậm chức, sẽ làm suy yếu sự ủng hộ về văn hóa của Canada của chính phủ liên bang, bằng sự tài trợ cho các nghệ sĩ và cho giới sản xuất phim và các đài phát thanh công.
Thỏa thuận TPP ban đầu chỉ có sự bảo vệ yếu kém hơn cho các ngành công nghiệp văn hoá so với các hiệp định thương mại khác, kể cả NAFTA và CETA, hiệp định thương mại tự do giữa Canada và EU.
Lời mở đầu của hiệp định TPP công nhận quyền của mỗi nước để quy định một số lĩnh vực – Sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường – nhưng đáng chú ý là nó lại bỏ rơi ngành công nghiệp văn hóa ra khỏi danh sách, điểm khởi đầu cho Canada, dưới bất kỳ chính phủ của đảng chính trị nào, đã thúc đẩy chính quyền liên bang và tỉnh bang hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hoá mà không lo ngại bị trả đũa ở các toà án thương mại.
Canada bị đổ lỗi đã làm chậm trễ TPP11
Sang thứ Sáu, một cuộc họp TPP theo chương trình đã định bất ngờ bị bãi bỏ sau khi cuộc họp song phương giữa Thủ tướng Nhật Abe và Thủ tướng Canada Trudeau chấm dứt và không có sự đồng ý.
Giới chức của chính phủ Tự do của Canada phủ nhận những bản tin – từ các kênh tin tức của Úc và New Zealand – cho thấy chỉ mình Canada đã bị đổ lỗi đã “phá hoại” cuộc đàm phán TPP..
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của Thủ tướng Trudeau cho biết không có sự đồng thuận giữa 11 nước thành viên. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nói rằng Canada không phải là nước duy nhất do dự. Bà nói: “Chắc chắn, theo sự hiểu biết của tôi, là có một số quốc gia có một vài vấn đề quan trọng mà họ muốn giải quyết và tôi nghĩ đó là chuyện hợp lý.”
Nhật Bản đã vận động mạnh cho thỏa thuận TPP nhằm xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp trong khối 11 quốc gia với thị trường lên đến 356 tỷ USD trong năm ngoái.
Vào cuối ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng tất cả các nước đã đều đồng ý về kế hoạch để tiếp tục đàm phán.
Canada, nước có nền kinh tế lớn thứ hai, sau Nhật Bản, trong số các nước TPP còn lại nói rằng họ muốn có một hiệp định tốt bảo vệ được việc làm, trong khi Trudeau lặp lại suốt tuần qua là ông sẽ không vội ký ngay thoả thuận.
Vị thế của Canada còn phức tạp hơn bởi thực tế là nước này đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với chính quyền Trump.
Trong một bài phát biểu tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã nói rõ là ông chỉ muốn có hiệp định thương mại song phương ở châu Á, mà chúng sẽ không bao giờ gây bất lợi cho Mỹ.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: TPP partners reach agreement on ‘core elements’ of Pacific trade deal. By John Paul Tasker, CBC News, Nov 10, 2017.
THẾ GIỚI CHỈ CÒN LÀ MỘT
Ngày nay thế giới một nhà
Cái thời ấu ó đã xa quá rồi
Châu Âu thống nhất cả thôi
Giờ thì châu Á lại hồi châu Phi !
Con đường tất yếu cần đi
Ích chi “cách mạng” tí toe một thời
Thành nay thuyết Mác xưa rồi
Cả như mao ít cũng hồi phôi pha !
Phỉnh nhau toàn kiểu gian tà
Nên chi có được bền lâu bao giờ
Nay đều bình đẳng mới hay
Hòa bình cùng thảy bắt tay liên hoàn !
Công bằng mua bán đàng hoàng
Công bằng sản xuất mới càng tốt thôi
Con buôn cướp giựt cũ rồi
Nay thời nhân bản tới hồi đi lên !
Song còn vũ khí hạt nhân
Chỉ vì quá khứ vạn phần còn lưu
Chiến tranh lạnh dẫu qua rồi
Nhưng còn hệ lụy làm đời éo le !
Do thời “ý hệ” hoa hòe
Nhưng nay đều thảy ai nghe nữa nào
Mà cần khoa học dồi dào
Mà cần thực tế mới hoài khách quan !
VIỄN NGÀN
(16/11/17)