Voi dưới mắt các nhà sử học và trong đời sống thiên nhiên

Nguyễn Văn Lục

Ngày nay, sự hiểu biết về đời sống các thú hoang đã có thể ở trong tầm tay của bất cứ ai muốn tìm hiểu các sinh hoạt của chúng qua các tài liệu sách báo hay phim ảnh. Ngay trẻ em ở trình độ tiểu học ở xứ người cũng có thể có kiến thức khá đầy đủ về các loài thú hoang dã rồi.

Người viết bài này sau gần 40 năm ở xứ người tự hỏi đã học được bài học gì ý nghĩa nhất? Có lẽ bài học quý giá nhất là ý thức được sự biết tôn trọng con người-thiên nhiên.

Thật sự là như vậy. Văn hóa, đạo đức Việt Nam thường dạy làm người, “đạo làm người” mà ít chú tâm đến việc tôn trọng thiên nhiên. Đó là một nền văn hóa thiếu cân bằng, nếu không nói là lệch lạc.

Hướng đạo sinh Thái Lan trong một nuối sinh hoạt ngoài trời ngoài trời. Yêu quý, bảo vệ và sống với thiên nhiên là bối cảnh giáo dục của Phong trào Hướng đạo Thế giới đã thể hiện từ 1907. Nguồn: texashillcountry.com

Trong khi đó, khoa học về môi trường, môi sinh cũng như việc bảo tồn các giống vật hoang dã đủ loại đã có những bước tiến rõ rệt tại các nước mở mang và phát triển. Người viết bài này cũng nhận thức được một cách tiệm tiến những thay đổi tích cực ấy qua từng năm tháng sống ở đây.

Mới đây, trong một chương trình truyền hình có một cuộc phỏng vấn một người thợ săn đã có 30 chục năm kinh nghiệm trong nghề ở bên Pháp. Ông phát biểu: “Nay tôi là một người thợ săn khác.” Một người ‘thợ săn biết hối cải’ về những việc ông đã làm trong quá khứ.

Đó là một cái nhìn thay đổi toàn diện của con người nói chung về thế giới loài vật. Thay đổi ngay trong cách suy nghĩ, thay đổi ngay trong trái tim, rồi đã thay đổi trong cách đối xử của con người.

Cho nên, có thể nói đến một thứ đạo đức mới khai sinh: Đó là thứ đạo đức biết tôn trọng thiên nhiên và tất cả các sinh vật sống chung quanh ta.

Đây là một bước tiến “vĩ đại” như bước lên mật trăng của con người mà nhiều khi chính chúng ta không cảm thức được điều vĩ đại ấy.

Câu phát biểu rất có ý nghĩa của người thợ săn Pháp đặt mọi người vào một tâm thức mới. Tâm thức của một nền văn minh nhân loại biết coi trọng mọi của cải trần thế, không vô hạn, không khai thác dến tận cùng, đến hủy diệt.

Riêng ở Việt Nam, thái độ của con người đối xử với thiên nhiên, với các loài sinh vật còn rất nhiều điều lạc hậu đến bất nhân, man rợ; hoặc một sự khai thác một cách dã man và tàn bạo đến nỗi có nguy cơ làm tuyệt chủng một số loại sinh vật. Chẳng hạn như cắt sừng tê giác vì cho là món ăn đại bổ. Hay giết voi lấy ngà.

Khai thác đến tận diệt ở Việt Nam vẫn chưa đủ lòng tham; họ đi khai thác thêm tại các nước Phi Châu còn kém phát triển. Buôn sừng tê giác mà trị giá 14 cái sừng tương đương một triệu Đô la. Nhiều đường dây buôn lậu do người Việt chủ xướng.

Hàng trăm vi cá mập phơi khô ngay trên mái của phòng thương mại của Đại sứ quán Việt Nam, ở Eliodoro Yáñez (Chile). Nguồn: http://bit.ly/2E34tvy.

Nghĩ đến thật đáng xấu hổ làm người Việt Nam.

Đọc lại các hồi ký của các tác giả ngoại quốc thời còn phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài như của tác giả Le Poivre (1749) hay của John Crawfurd (1830) mới thấy hết được sự tàn độc của các nhà Chúa nhất là ĐàngTrong.

Vị thế của voi trong lịch sử Việt Nam

Bé Kim Luân 6 tuổi sống ở buôn cổ M’Liêng ở Đắc Lắc đang chơi với con voi mà gia đình em đã nuôi dạy từ lâu. Nguồn: Réhahn/Caters News Agency (2 Dec 2014).

Tuy nhiên, trong các loài thú hoang dã ấy, có lẽ chỉ có voi ở Việt Nam là may mắn có “vị thế” được nể trọng hơn cả. Tại sao như thế? Và có đúng như thế không?

Câu chuyện voi có vị thế đáng nể bắt nguồn từ một nguyên do mang tính lịch sử. Voi đi vào lịch sử giải phóng dân tộc như một sự “thổi phồng” cố ý, một tôn vinh mù quáng.

Bằng nhiều cách, các người ghi chép sử Việt Nam đã đưa voi đi vào lịch sử tranh đấu giành độc lập ngay những năm đầu thế kỷ dương lịch của người Việt mà thực sự chúng chẳng có một thứ khả năng gì để có thể đảm trách một công việc vĩ đại như thế.

Người ta nường tượng ra một đàn voi hùng dũng, chậm rãi đi mở đường cho các trận chiến với kẻ địch như thể một loại xe tăng bất khả xâm phạm mà phần thắng dành cho các voi trận. Voi “cứ thong thả từng bước một tiến tới” đi đến đâu, quân địch khiếp sợ bỏ chạy đến đó.

Chiến thắng của hai Bà Trưng phải chăng là chiến thắng mở đầu cho lịch sử voi trận?

Một điều lạ là các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Cao Miên vốn được coi là thổ ngơi của các loài voi đã được thuần thục lại chỉ giữ vai trò khiêm tốn là dùng voi đi diễn hành! Thắc mắc này có chính đáng không?

Tượng đài hai Bà Trưng do Điêu khắc gia Nguyễn Văn Thếthực hiện ở Công trưởng Mê Linh . (Saigon, 1962). Nguồn: Flickr.com

Nếu tôi không lầm thì kể từ thời Hai Bà Trưng, hai Bà đã biết dùng voi ra trận đánh đuổi giặc. Hay nói đúng hơn, giành được độc lập từ nhà Đông Hán bên Tàu. Hình ảnh hai bà Trưng oai phong lẫm liệt, xinh đẹp, cưỡi voi đã in vào đầu óc những thanh niên ngay từ thuở thiếu thời. Sau này, trong các buổi lễ tưởng niệm hai Bà, tại miền Nam, thường có các cô nữ sinh, đóng vai hai Bà ngồi trên mình “voi giả” đi diễn hành.

Cho đến nay, tôi không biết ai là người viết sử đầu tiên đề xướng ra việc hai Bà Trưng ngồi trên mình voi đánh đuổi quân Tàu?

DCVOnline: Sử Trung Hoa như Hậu Hán Thư của Phạm Diệp (Thế kỷ thứ 5) và Giao Châu Ngoại vực ký (thế kỷ thứ 4) đều không ghi chuyện có voi trong những trận giao chiến giữa hai Bà Trưng và quân Đông Hán. Việt Nam Sử Lược do Trần Trọng Kim biên soạn (1919) cũng không ghi chuyện có voi ra trận đánh quân Tô Định hay Mã Viện. Tuy nhiên, đến cuốn “Việt Sử Toàn Thư” (1960) của Phạm Văn Sơn thì ông ghi:

“Tương truyền khi xuất trận hai Bà cưỡi voi, mặc áo giáp vàng, che lọng vàng, trang sức rất lộng lẫy, tinh thần không vì việc tang tóc mà suy giảm.” (trang 108)

Có thể nói chuyện và hình ảnh hai Bà cưỡi voi mặc áo giáp vàng, che lọng vàng (sau này còn thêm “phất cờ vàng”) đánh Tô Định chỉ là huyền thoại, sản phẩm của chủ nghĩa Dân tộc giữa thế kỷ 20

Và một câu hỏi tiếp tại sao người Tàu không hề biết lợi dụng “cái thế thượng phong của voi” để giữ gìn bờ cõi phía Bắc cũng như phía Nam? Họ muốn thì chắc nhiều phần họ có khả năng làm được chứ?

DCVOnline: Theo Schafer, Edward H., “War Elephants in Ancient and Medieval China” Oriens (Volume 10, Number 2, 1957), trang 289–291 thì nhà Tây Ngụỵ (554) đã dùng hai thớt voi Lĩnh Nam do nô lệ người Malay điều khiển ở mặt trận nhưng đã bị địch quân dùng cung tên bắn đuổi chạy. Và nhà Nam Hán ở thể kỷ 10 là triều đại duy nhất có nuôi voi trận và đã thành công trong cuộc xâm lăng nước Sở (948). Tuy nhiên, đoàn voi trận của nhà Nam Hán đã bị quân nhà Tống tiêu diệt bằng cung tên (971). Vì voi trận dễ bị đánh bại bằng cung  tên, hầm, hố, vũng, hào ở mặt trận hay đường tiến vào thành quách nên sau đó người ở vùng đất Trung Hoa ngày nay đã trở lại với chiến thuật quen thuộc của phương bắc, không còn dùng voi và trở lại dùng ngựa ngoài mặt trận. Tuy vậy theo Sun, Laichen, trong luận văn “Chinese Military Technology and Dai Viet: c. 1390-1497”, Asia Research Institute Working Paper Series No. 11, Asia Research Institute, Singapore (2003) thì đến năm 1449 một đoàn voi trận của Việt Nam đã giúp quân nhà Minh, bảo vệ Bắc Kinh, chống lại quân Mông Cổ.

Lại một thắc mắc thứ hai. Tại sao người Tàu không biết dùng voi trận mà phần lớn xử dụng ngựa? Trong các cuộc thao dượt hoặc thi tài bắn cung, hoặc nỏ hay xử dụng cung kiếm thì đều lấy tiêu chuẩn là ngồi trên mình ngựa để thao diễn các thế đánh lúc xung trận?

Như thế, phải chăng chuyện voi trận chỉ là một câu chuyện huyền thoại?

DCVOnline: Theo một số nhà sử học, Patricia Ebrey, Ann Walthall và James Palais, trong cuốn “East Asia: A Cultural, Social, and Political History” (2009) thì voi trận đã được vua Lâm Ấp Sambhuvarman sử dụng nhưng thất bại trong cuộc chiến chống lại quân nhà Tuỳ (602-605). Ở Đông Nam Á, Đế quốc Khmer hùng mạnh ở thể kỷ 9 đã sử dụng voi có trang bị cung nỏ trên đầu khi ra trận. Đến thế kỷ 15, Đế quốc Khmer sụp đổ thì cường quốc trong vùng là Miến Điện và Thái Lan vẫn sử dụng chiến thuật dùng voi trận. Một trận song đấu dùng voi nổi tiếng xẩy ra giữa Thái tử Miến Điện với vua Thái Lan khi Miến điện tấn công Vương quốc Ayutthaya năm 1593; kết cuộc, Thái tử Miến Điện tử trận.

 Thái tử Miến Điện với vua Thái Lan tử chiến. By Fine Arts Department (กรมศิลปากร) of Thailand. – Transferred from th:ภาพ:Seal_Suphanburi.png, scanned from the book ตราประจำจังหวัด “Provincial Seals”, published by the Fine Arts Department of Thailand, 1999. The Fine Arts Department designs and produces most provincial seals, including this one, and is presumed to be the copyright holder thereof for 50 years from date of first publication., Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=4358397

Theo cách nhìn của sử gia Hà Nội, họ cũng coi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà năm 40 chống lại nhà Đông Hán. có ý nghĩa to lớn hơn, vì nó đã mở đầu cho Phong trào Giải phóng Dân tộc. (Giáo trình Lịch sử Việt Nam, Tập I. Từ nguyên thủy đến đầu thế kỷ X, nxb Đại Học sư phạm, trang 110)

Như thế, chiến công của loài “voi trận” cách này cách khác đã được huyền thoại hóa, phần lớn là do những người chép sử có uy tín của cả hai phía, tuyên truyền qua nhiều thế hệ.

Sử gia uy tín hay không, họ đều có những phát biểu khá dễ dãi như thể “nói lấy được” về những công trạng của loài voi. Sự suy diễn ấy cũng thấy nơi một vài tác giả ngoại quốc. Người sau bắt chước người trước một cách máy móc mà không cần kiểm chứng nữa.

Đọc một trong những cuốn sách sử “hiện đại” hơn cả, người ta vẫn còn được đọc những đoạn ghi chép một cách máy móc, hời hợt có tính giả định như sau:

“Nhà vua sắp đặt cách tấn công như sau. Đi đầu là tượng binh gồm 100 thớt voi to khỏe (theo Cao Tông Thực Lục), trong đó có một số voi trang bị súng thần công (theo Thánh Vũ Ký), vừa bộ chiến tấn công, vừa phá thế trận địa lôi bao quanh thành Ngọc Hồi, vừa dùng súng phá thành. Sau tượng binh là toán cảm tử xung phong.”

(Trần Gia Phụng. Nhà Tây Sơn, trang 123)

Chiến công của loài “voi trận” hiển hách như thế, nhưng không hiểu tại sao, kể từ sau chiến thắng của hai Bà, voi đã không bao giờ xuất trận, dù chỉ một lần, trong các cuộc khởi nghĩa sau này của người Việt.

Đây là thắc mắc thứ ba.

Và phải đợi đến cuộc tấn công “thần tốc” của Quang Trung trong trận đánh Ngọc Hồi, voi mới lấy lại được vai trò của mình sau nhiều thế kỷ bị quên lãng!

Thắc mắc thứ tư là người ta cũng có thể đặt câu hỏi tại sao Nguyễn Huệ đã nhiều lần giao tranh với nhà Nguyễn cũng như ra Bắc, ông lại chi dùng tượng binh chỉ có một lần? Đánh vào Gia Định dĩ nhiên không thể dùng voi được, vì đất Gia Định xuôi phía Nam có nhiều sông lạch, voi bất khả dụng. Nhưng ai cấm Quang Trung-Nguyễn Huệ xử dụng voi trận trong những trận đánh khác tính từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc. Tại sao Quang Trung đã không lợi dụng thế mạnh voi trận của mình?

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu lý do tiềm ẩn nào, voi hầu như vắng mặt trong các chiến tích của các cuộc chống Tàu trong suốt ngàn năm lịch sử?

Ai có thể giải thích và cắt nghĩa các cuộc nổi dậy của Tây Sơn với bao chiến tích chống lại quân Nguyễn, rồi cả quân Trịnh ra vào Bắc Hà như chỗ không người lại chỉ có một lần duy nhất được nói tới là dùng tượng binh chống lại quân nhà Thanh tại trận Ngọc Hồi?

Nhưng điểm then chốt nhất, tôi muốn được biết một cách cặn kẽ, một cách thuận lý là voi ra trận xuất phát từ đâu?

Đây là thắc mắc thứ năm và là thắc mắc quan trọng nhất.

Voi xuất trận đi từ Phú Xuân hay Nghệ An, hay từ Thanh Hóa? Và bằng cách nào, phương tiện nào như đi bộ, hay dùng thuyền bè để chuyên chở đàn voi kịp ra mặt trận? Và việc cung cấp lương thực và nước uống cho voi bằng cách nào? Trong khi đoàn quân của Tây Sơn phải tự túc lương thực ăn đường trước khi ra trận?

Lương thực nuôi quân không có các trạm tiếp tế dọc đường hành quân, lấy gì có đủ luong thực nuôi voi?

Trung bình một con voi uống chừng 150L nước ngày và ăn khoảng 200Kg thực phẩm. Nếu có 100 voi thì phải cần bao nhiêu tấn thực phẩm nuôi chúng trong một ngày? Con số sẽ là 20 tấn thực phẩm ngày có đủ chăng?

Việc chuyên chở voi trong những điều kiện thời Tây Sơn cũng là điều không dễ thực hiện. Tốc độ di chuyển, nếu đi đường bộ, voi đi được bao nhiêu cây số trong một ngày. Và cần bao nhiêu thời gian để ra đến Thăng Long?

Nếu đi đường biển thì có loại tầu thuyền nào có thể chở được voi?

Nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời rõ rệt.

Voi đi từ đâu? Tứ Phú Xuân hay từ bên Lào? Việc cung cấp thức ăn và nước uống cho voi làm thế nào để thực hiện. Từ Phú Xuân ra, nhiều đồi núi, rừng suối, kinh rạch, đồng lầy, làm thế nào voi có thể vượt qua những trở ngại thiên nhiên đó?

Trong một bài viết ngày 18-11-2017, nhan đề “Voi Việt Nam lên tàu Ba Lan ra Bắc rồi đi đâu?” tác giả Nguyễn Giang (BBC) cho rằng, một hay nhiều con voi đã được chở lên tàu Jan Kilinski và về Ba Lan như quà tặng của chính phủ miền Bắc. Khoảng 12 con voi này là ở tây Nguyên đã được dùng để tải gạo, tải đạn, tải thương tham gia các chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê, năm 1952.

Theo ông Jurdzinski, Bắc Việt đã làm quà tặng cho vườn thú Oliwia ở Ba Lan bảy con trăn, 12 con khỉ, 16 con chim, hai con cáo, hai con chồn và một con voi vào năm 1956. Và cũng theo lời của ông Jurdzinski chuyến đi cũng được báo chí Ba Lan kể lại với chuyện voi gây khốn đốn cho các thủy thủ Ba Lan. Thứ nhất là số thân chuối tươi họ mang theo cho voi chỉ đủ ăn trong một tuần. (Một con mà thôi). Và đến Sri Lanka, tàu phải cử người lên bộ mua cỏ. Nhưng voi không buồn ăn cỏ. Đến Kênh đào Suez, người Ba Lan lại lên bờ tìm mua nhiều bắp cải. Voi không chịu ăn và còn lấy bắp cải ném vào thủy thủ. Cuối cùng thì voi Việt Nam lại thích các món Ba Lan như khoai tây và củ cải đỏ và tàu đã phải “nhập hàng” loại này khi vào kênh Nord-Otsee ở Đức để nuôi voi. Về Ba Lan, đoàn thủy thủ được tiếp đón trọng thể và voi được nhập cảnh với cái tên “Paryzant” (Du kích) Thật rất tiếc là sau đó, voi không được nhập hộ khẩu ở Gdansk, có vườn thú Oliwia. (Sau đó voi được đưa về vườn thú Trung ương)

Bài báo kết luận: “Tiếu lâm thời đó nói voi Liên Xô là người cộng sản cao to nhất thế giới, voi Cuba là cậu em của nó, còn voi Việt Nam thì không được nói đến, vì ngay lập tức chúng tôi đã phải gửi nó lên Warsaw.”

Qua câu chuyện này, chúng tôi liên tưởng đến việc dẫn một đàn voi cả trăm con ra trận Ngọc Hồi là điều viển vông, không tưởng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là có thể thực sự có voi đã được luyện tập để trở thành “voi trận” không? Như ý kiến của một số đông các nhà sử học cả trong Nam lẫn ngoài Bắc từng công khai viết trong các sách sử của họ?

Theo tôi, dù chuyện “voi trận” chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó phản ánh một não trạng rất không tưởng của một số người viết sử. Nói chung người cầm bút xứ mình có thói quen viết phóng đại, không có cơ sở, không dựa vào tài liệu chúng minh được nên khổ cho người đọc sau này.

Chẳng những môn sử mà những cuốn sách mô tả về đời sống xã hội, nhân văn, địa lý như các sách của nhà văn Sơn Nam, Vương Hồng Sển cũng hoàn toàn viết phóng, bất chấp thực tế, sự thật.

Trường hợp Trương Vĩnh Ký trong Cours d’histoire d’Annam

Trương Vĩnh Ký là người xác nhận có voi trong các trận chiến. Xin tóm tắt trong ít dòng phần tài liệu của Trương Vĩnh Ký. Chỉ trong nửa trang giấy, ông viết:

Nguồn: P.J.B. Trương Vĩnh Ký

“…về chuyện Quang Trung đem quân ra Thăng Long với quân số khoảng 80 chục ngàn người. Ông dừng quân tại Thọ Bạc, thuộc tỉnh Thanh Hóa trong vài ngày. Lê Chiêu Thông biết tin này hoảng sợ nên yêu cầu tướng Trung Hoa chuẩn bị ứng phó. Nhưng tướng Trung Hoa, tự tin cho rằng không có cái gì phải sợ hãi.

Quân Tây Sơn đến trấn Sơn Nam (Thuộc tỉnh Hưng Yên và Nam Định). Quân đội Trung Hoa cho vài đơn vị ra ứng chiến. Phần Tây Sơn, đoàn quân đi đầu của Tây Sơn là 100 voi trận. (Éléphants de guerre).

Quân lính Trung Hoa trông thấy những con vật khổng lồ này thì sợ hãi vào núp trong thành. Quân của Tây Sơn đuổi theo và cứ thế đánh bại quân địch.”

(Trương Vĩnh Ký, Cours d’Histoire d’Annamite, tome 3, trang, 204, in năm 1875)

Cũng như nhiều tài liệu sau này, Trương Vĩnh Ký không cho biết voi “xuất trận” từ đâu? Đây là câu hỏi thiết yêu quan trọng nhất mà người viết bài này không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Phần quân Trung Hoa chỉ trông thấy voi đã bỏ chạy? Phần kết luận thế nào, xin để người đọc tự thẩm định!

Charles B.– Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820)

Tài liệu này chỉ là chép lại một nguồn tài liệu thu thập được mà cũng đã không cung cấp rõ ràng cho biết nguồn tư liệu lấy ở đâu. Xin tóm lược:

Nguồn: Charles B.  Maybon

“Ông (chỉ Huệ) đã có mặt ở Nghệ An ngày 26-12. Ông tổ chức đội quân của ông thành 4 binh đội, đằng trước, đằng sau, trái phải. Ông cũng tổ chức một binh đội trung ương mà phần lớn là tân binh bằng cách cứ ba người đàn ông thì lấy một người.. Và quân của Quang Trung lúc bấy giờ là trên 100.000 người, được hỗ trợ bởi vài trăm voi trận. Ở Thanh Hóa, ông phối hợp với binh đội của Ngô Văn Sở mà không hỏi tội về việc lui quân của Ngô Văn Sở. Đến ngày đầu năm ta, tức 26 tháng giêng, năm 1789. Ông mở lễ khao quân, sau đó kéo quân ra Thăng Long. Và chúng ta sẽ có mặt ở Thăng Long ngày thứ bảy.”

(Charles B.– Maybon. Histoire moderne du pays d’Annam 1592-1820, Tập II, trang 298)

Về con số binh lính Tây Sơn, Charles Maybon đã đưa ra con số trên 100.000 người mà không dẫn chứng. Ít lắm sự chênh lệch giữa Trương Vĩnh Ký và Ch. Maybon là 30.000 ngàn người. Con số voi trận nay đã tăng lên vài trăm con thay vì 100 con.

Sự chênh lệch về những con số như trên có cho phép người đọc chấp nhận có voi trận hay không?

Ngoài một vài tác giả có đề cập đến vấn đề “tượng binh” ở trên, nay cho thấy, có một số tài liệu đầu nguồn khác, cũng rất khả tín, được các tác giả quan sát tại chỗ, như nhân chứng cho thấy: voi hoàn toàn không có vai trò “voi trận”. Voi chỉ là một con vật có thể thuần phục và có thể đảm đương các công việc như chuyên trở, kéo gỗ.

Nếu có vai trò “lịch sử” nào khác thì voi chỉ đóng vai trò đi diến tập, đi diễn hành trong các dịp xuất cung của các Chúa Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.

Vì thế, các tài liệu hầu như không đả động gì đến “vai trò tuợng binh” của voi, chỉ vì một lẽ đơn giản, voi, tự nó không có những tư chất cần thiết tối thiểu để trở thành voi trận như người ta tưởng.

Cố đạo A. De Rhodes và vai trò của voi

Câu trả lời gián tiếp của cố đạo Alexandre De Rhodes và một số các người ngoại quốc có mặt ở Việt Nam bắt buộc chúng ta phải đặt lại nhiều vấn đề.

Ở đây là vai trò của loài thú hoang dã: Con voi.

Thứ đến, các tài liệu của các nhà nghiên cứu về các thú vật hoang dã ngày nay đã cho thấy, voi có thể chưa bao giờ có khả năng ra trận như người ta đã cố tô vẽ cho chúng.

Nếu so sánh voi và ngựa trong chiến trận thì ngựa trở thành một thứ vũ khí quyết định trong nhiều trận đánh của các người Tây Phương cũng như của quân Mông Cổ. Về sự ưu thế của ngựa, đó là sức mạnh của ngựa có thể chạy nhanh, có thể tham dự các trận đánh xáp lá cà và tất cả tùy thuộc vào tài năng của người cưỡi ngựa.

Trong khi đó, voi hoàn toàn không có những khả năng đó.

Linh mục Alexandre De Rhodes sang truyền giáo ở Việt Nam, ở Đàng Ngoài, vào các năm từ 1626-1651.

Trong cuốn sách của ông nhan đề Histoire du royaume de Tunquin, et des grands progrez que la prédication de l’Évangile y a faits en la conversion des infidelles (Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài (Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ). Bản chính được ấn hành bằng ba thứ tiếng: tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng La Tinh năm 1652.

Trong chương 15, ông đã dành để viết về: Các súc vật thường thấy ở nước Annam như sau:

Histoire du royaume de Tunquin, et des grands progrez que la prédication de l’Évangile y a faits en la conversion des infidelles . Depuis l’année 1627 jusques à l’année 1646. Composée en latin par le R. P. Alexandre de Rhodes,… et traduite en français par le R. P. Henry Albi,… Auteur : Rhodes, Alexandre de (1591-1660) Éditeur : J.-B. Devenet (Lyon) Date d’édition : 1651 Contributeur : Albi, Henri (1590-1658). Traducteur Type : monographie imprimée

“Về voi thì cả nước Annam có những con to lớn và khỏe mạnh thường đưa từ nước Lào ở ngay kế cận. Họ bán cho người ngoại quốc với giá rất đắt, mua được rồi còn phải nuôi, cũng rất tốn kém, vì một con voi phải đủ lương thực bằng nuôi mười người. Chúa Đàng Ngoài nuôi chừng 300 trăm con, thỉnh thoảng mới dùng tới và một phần để thêm lộng lẫy khi Chúa ngự ra khỏi Kinh thành.

Nhưng khi thao luyện một đạo bộ binh thì cho tất cả voi đi diễu. Vì thế rất tốn kém để bảo dưỡng quản tượng làm huấn luyện viên.

Thật lạ lùng khi thấy chúng rất ngoan, và dễ dàng để tập nói chuyện với người thường, thường đi rảo khắp kinh thành mà không làm hại ai hay phá phách gì.

Chúng còn giúp rất nhiều cho dân trong thành khi có hỏa tai, thường hay xả ra, bởi vì nhà làm bằng gỗ. Thế là người ta dẫn mấy con voi tới để dỡ những nhà ở cạnh ngôi nhà đang cháy không cho lửa bén sang có thể làm thiêu rụi cả thành phố, nếu không dùng cách này để dập tắt.

Chúng thi hành rất chính xác, rất khéo léo. Chúng vâng theo hiệu lệnh của quản tượng, lấy vòi dỡ nóc nhà, rồi lấy chân lật đổ tường mà không làm quá lệnh người ta ra cho chúng.

(…) Người ta kể về những con voi đó, về tính dễ bảo và về nhiều sự rất lạ lùng mà tôi chưa thấy, nên tôi không nói gì thêm ở đây, tôi chỉ kể điều tôi chứng kiến mà thôi.”

(Alexandre De Rhodes. Lịch sử vương Quốc Đàng Ngoài. Bản dịch của Hông Nhuệ, trang 33-34)

Ở trang 21, cố đạo viết rõ và chi tiết hơn như sau:

“Mỗi lần Chúa về miền quê như đã nói, không những có đoàn quân binh hùng mạnh đi theo mà còn có một số kỵ binh chọn lọc để làm hàng danh dự và hơn 100 cỗ voi với thảm quí, đưa cung phi và hoàng gia với đoàn phục dịch, ngồi an toàn trong những lầu thấp rất vững chắc trên lưng voi. Con vật này rất khỏe có thể trở trong bành tới 6 người, không kể người quản tượng cưỡi trên cổ. Khi Chúa ra khỏi Kinh thành để dự cuộc thao diễn trận chiến hay cuộc đô vật do các quân binh thi hành thì đây là một nguyên nhân khích lệ rất mạnh để làm cho giỏi, cho tốt, để ngoài Chúa ra còn có một đoàn khách bàng quan sang trọng chứng kiến..”

(A. De Rhodes, Ibid, trang 21)

Theo như nhận xét của A. De Rhodes thì voi ở xứ ta vốn không có, mà đưa vào từ Lào. Giá đắt nên người dân giả không có tiền để nuôi trong nhà. Chỉ có nhà Chúa mới có tiền nuôi đến 300 con. Số voi như thế thường chỉ tập trung ở Kinh đô, tức Kẻ Chợ.

Chú thích. Xứ Đàng Ngoài thời xưa vốn được người Trung Hoa coi như một tỉnh lớn nội thuộc Trung Quốc được gọi là Annam. Annam có nghĩa là nghỉ yên ở phía Nam. Annam như thế được gọi chung cho cả hai Xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Mục đích việc nuôi voi là để diễn hành, chở người của Phủ Chúa trong những dịp ra khỏi kinh thành. Nó tỏ ra được cái uy quyền, cái oai của nhà Chúa khi ra ngoài. Hoặc dùng voi trong các buổi lễ lạc, đi diễn hành mà thôi. Cố đạo đã không hề đả động đến voi trận vì một lẽ giản dị voi di chuyển quá chậm chạp, sợ tiếng súng nổ khác hẳn loài ngựa chiến. Có người chép sử nghĩ đến chuyện chọc thủng lỗ tai voi để chúng điếc mà xông vào trận! Thêm một nhận xét rất lý thú của A. De Rhodes là người ta dùng voi trong vai trò của người lính cứu hỏa, rất công hiệu nhờ voi mà các đám cháy được dập tắt. Nếu không thì cả khu vực bị làm mồi cho lửa.

Trong phần kết luận, A. De Rhodes đã kết luận là trong dân chúng có nói nhiều đến sự lạ mà voi đã làm, nhưng vì không trông thấy nên không nói ra ở đây. Vì thế, sự lạ đó là gì, ông không đề cập tới. Nhưng vai trò voi ra trận như một “tượng binh” là hoàn toàn không thấy cố đạo đề cập tới ở đây chỉ vì một lẽ đơn giản là không có chuyện đó. Nếu có, vị cố đạo chắc hẳn đã đề cập đến.

Trich tập tài liệu: Documents relatifs à l’époque de Gia Long, par L. Cadière

Đây là tập tài liệu ghi lại những chứng từ của các nhân chứng như các người Âu Châu, nhất là các thừa sai ngoại quốc hay những thương buôn đã sống, đã nghe kể lại những sự kiện mà họ đã có dịp nghe hoặc quan sát thấy. Và họ đã viết thư về cho bạn bè, cho gia đình hoặc cho các vị bề trên của họ. Phần lớn đều tập trung vào các trận đánh của Gia Long, nhưng cũng có những sự việc liên quan đến Quang Trung..

Nói chung, đây là những tài liệu đáng quý, cho người ta thấy được những chuỗi biến cố đã xảy ra, xác định rõ được nơi chốn và điều gì thực sự đã xảy ra và ai là những tác nhân của những sụ việc đó.. Nói tóm lại theo như tựa đề bản tài liệu giới thiệu:

“En un mot, elles nous fournissent la trame de l’histoire.” (Nói tóm lại một câu, các tài liệu trên cung cấp cho chúng ta một cái nền của lịch sử)
(Documents relatifs a l’époque de Gia Long, L. Cadière)

Đúng vậy, ít ra đó cũng là những tài liệu sống, đầu nguồn của lịch sử.

Tuy nhiên, sự trung thực cũng chỉ có cách tương đối vì do chủ quan của cá nhân, lập trường chính trị của họ vv. Chính vì thế, tác giả L. Cadière, khi thu thập những tài liệu này, ông cũng đã phải cẩn thận, xem xét tỉ mỉ. Vì phần đông, các tác giả các lá thư thường ngả về phía Gia Long và gọi Tây Sơn là giặc.

Trong số những thư từ được gửi đi có tên giáo sĩ La Bartette gửi cho nhiều người. (1780) thư của Longer (13 tháng tư, năm 1784). Thư của Le Roy (1786). Thư của Doussain (1788).

Qua các thư này, tiêu biểu như thư của M. Doussain đề ngày 6 tháng 6, 1787 cho thấy:

“Nguyễn Huệ trong chiến dịch của ông đã bị thiệt hại một nửa số quân lính của ông sau hai ba tháng trong chiến dịch đánh chiếm. Điều đó chứng tỏ công việc của ông không hoàn toàn tốt đẹp, cũng vì thế, ông ép buộc mọi người phải tham gia vào chiến trận. Biết bao nhiêu điều tai hại!.. Biết bao nhiêu nỗi cơ cực khốn đốn.”

(Lettres de M. Doussain, 6-6-1787. Documents, Ibid, trang 19)

Qua những thư khác tóm lược cho thấy thời kỳ hai anh em Nguyễn Huệ-Nguyễn Nhạc đánh nhau tại vùng đất Nam Bộ thuộc các tỉnh phía Bắc đã làm cho dân chúng chịu lầm than khốn khổ thế nào.

Nội dung các thư ấy chỉ muốn chứng tỏ rằng việc binh đao của Tây Sơn đã gây rất nhiều đau thương tang tóc cho người dân. Họ chỉ được tin về về những người này người kia chết. Họ cũng than vãn về việc Nguyễn Huệ đã bắt tất cả thanh niên, tuổi từ 15 trở lên đi lính trong các tỉnh thuộc Nam Bộ ở phía Bắc như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tinh. Và những người người này được xếp đi hàng đầu ra trận của vị tướng cướp trẻ.

Việc đánh nhau giữa hai anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ cũng là đề tài được nói đến nhiều. Quân của Nguyễn Huệ đã bị quân của Nhạc đẩy lui ba lần. Cuộc chiến kéo dài đã ba tháng. Và vì thế, không biết được ai là vây hãm ai và ai là người bị vây hãm. Đây là một cuộc nội chiến đã gây đổ máu cho người dân Annam!

Chưa kể những lời trần tình trong các lá thư ấy cho thấy, Tây Sơn đã cho phá hủy một số chùa và nhà thờ. Các sư sãi trong Chùa thì Tây Sơn bắt đi lính và ra mặt trận. Đó là tất cả những điều tốt lành mà Nguyễn Huệ đã làm cho dân Nam Bộ. (Cochinchinois)

Phần Nguyễn Nhạc những được gọi là Vua Trời ( Roi du ciel). Vua Nhạc cũng cho phá hủy các chùa và chỉ cho giữ lại mỗi tổng một chùa mà thôi.

Theo các tài liệu vừa kể trên, tôi nhận thấy không có trận đánh lớn nhỏ nào mà phía Tây Sơ n đã dùng voi cho xung trận cả. Các nhân chứng với tên tuổi vừa kể trên không hề một lần nhắc đến voi trận?

Sự thể như thế phải được hiểu là thế nào? Lý do nào Tây Sơn chỉ dùng tượng voi cho trận chiến với quân Tàu tại trận Ngọc Hồi?

Cuốn Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine (29-8-1749 jusqu’au 11-2-1750)

Trong các cuốn du hành của một số người ngoại quốc khi viết về Đàng Trong họ chỉ nói đến vai trò của voi trong thú giải trí của nhà Vua.

Trong cuốn Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, vào năm 1749- nghĩa là sau cuốn của A. De Rhodes khoảng 100 năm. Poivre cho thấy các Chúa Đàng Trong chỉ ăn chơi, rượu chè và lo ngủ với các bà vợ. Mọi việc triều chính giao cho ba vị quan và những người này mặc tình thao túng vơ vét thêm một lần nữa.

Xin trích nguyên đoạn văn như sau:

“Ce prince est vain, ignorant, avare, superstitieux et fort adonnnés aux femmes. Il a un seral de trois cents concubines d’òu il ne sort jamais. Les affaires du royaume ne l’occupent point; il les abandonne à trói ou quatre mandarins qui abusent de lautorité qu’il leur donne pour tyraniser le peuple.”

(Voyage de Poivre en Cochinchine, trang 81)

Tranh Chân dung của Pierre Poivre và thủ bút của ông. Nguồn: Collection MARGRY, relative à l’histoire des Colonies et de la Marine françaises. AFRIQUE ET ASIE. Journal de l’expédition commerciale de Pierre Poivre, agent de la Compagnie des Indes, à la Cochinchine et aux Moluques (1748-1755), avec un portrait de lui.

(Vị hoàng tử này là thứ vô tích sự, lười biếng, hà tiện, mê tín và mải mê phụ nữ. Ông có cả thảy 300 nàng hầu nên không bao giờ ông đi ra ngoài. Công việc triều chính không làm ông bận tâm, ông phó mặc cho ba hoặc bốn vị quan, những người này lợi dụng quyền thế có được trong tay để hà hiếp dân chúng.)

“Ông có thú vui đi săn hổ hoặc săn voi thì có hàng trăm người phục dịch. Khi biết có con hổ thì một đám người lo giăng lưới. Đám người khác lo đánh trống, gõ mõ, nổi lửa để con mồi hoảng sợ chạy về phía có giăng lưới. Ở đây đã có sẵn đám người túc trực giăng lưới bắt hổ.” (trang 25)

“Săn voi đực thì cho vài con voi cái đã được thuần, bắt chúng chạy vào rừng tìm voi đực. Voi đực tìm đến thì voi cái chạy hướng dẫn nó vào một nơi có một vài voi đực được thuần hóa quây chung quanh. Rồi những thợ săn tìm cách trói voi lại. Con voi đực bị trói sau đó bị bỏ nhịn đói cho đến khi voi yếu mệt. Sau đó họ cho nó tiếp tục ăn trở lại và cho bốn voi đực đã thuần kèm con voi đực đến tận bờ sông và ở nơi này voi được huấn luyện để thuần hóa. (trang 25)

“Có lần nhà vua còn tổ chức một buổi chiến đấu giữa hổ và đàn voi. Người ta chở những con hổ bị nhốt trong cũi đến một nơi gần một con sông lớn của Huế. Phía đối diện, người ta cho 40 con voi đứng xếp hàng như thể đang chiến đấu. Nhà Chúa cho lệnh chiến đấu bằng cách gõ nhiều lần vào một thanh tre. Nghe hiệu lệnh, một binh lính mở cũi cho một con hổ ra khỏi chuồng. Con vật khốn nạn này trước đó đã bị rút hết móng và bị buộc mõm, yếu ớt nửa sống nửa chết, chân bị cột vào một cái cột. Rồi một con voi được ra hiệu lệnh tiến tới gần con hổ, nhấc bổng con hổ lên không hoàn toàn chết. Sau đó, lính đến dùng rơm đốt những cái râu con hổ vì sợ dân chúng đến bứt những sọi râu này để tẩm thuốc độc.

Trò chơi nhàm chán cứ thế tiếp tục cho đến khi con hổ thứ 18. Sở dĩ có trò chơi không công bằng này, vì nhà vua sợ những con voi bị giết, vì giá trị một con voi rất dắt tiền hơn một con hổ. Vả lại, voi vốn là con vật được coi như sức mạnh chính của triều đình.”
(trang 57)

Câu kết luận của Poivre về sức mạnh của voi đáng để chúng ta suy nghĩ. Xin được trích nguyên văn như sau:

“En voyant tous ces éléphants rangés en ligne, j’ai fait réflexion que ces prétendues forces du Royaume sont bien peu de choses. Toutes ces grosses masses ne ré sisteraient pas longtemps à notre artillerie, et ces animaux sont plus propres à nuire à ceux qui les emploient qu’à le défendre contre des ennemis qui les attaqueroient.”
(trang 57)

(Khi nhìn thấy những con voi xếp thành hàng, tôi liên tưởng đến cái được gọi là sức mạnh của Triều đình thì không có gì đáng nói lắm; tất cả những con vật to xác trên chỉ cần nghe tiếng súng nổ của pháo binh của chúng ta thì chúng đã sợ hãi. Và những con vật trên thay vì bảo vệ cho những người đã xử dụng chúng chống lại quân thù sẽ tấn công chúng.)

Và Pierre Poivre còn đưa ra một nhận xét rất thích đáng và thực tế như sau: Trong đám hàng ngàn binh sĩ dưới quyền của nhà Chúa thường bị bỏ đói ăn và chỉ cần 50 người lính Âu Châu đủ để “giải quyết” xong đám lính tội nghiệp đó.

Tóm lại, dưới mắt giáo sĩ A. De Rhodes cũng như dưới cái nhìn của thương gia Pierre Poivre ở hai thời kỳ khác nhau – một của Đàng Ngoài, một của Đàng Trong — cách nhau một thế kỷ — cho thấy voi chỉ là một vật trang trí cho chế độ, tỏ lộ ra cái uy quyền mà thực chất không thể trở thành “voi trận”.

Chúng sợ tiếng súng nên việc chở súng trên voi để bắn – nghe thì hấp dẫn – nhưng lại là một điều bất khả thi trên thực tế.

Cũng xin nhắc thêm ở đây là tác giả người Anh John Crawfurd trong cuốn “Journal of Embassy, to the Courts of Siam and Cochinchina” một cuốn hồi ký du hành từ Xiêm La sang xứ Nam Kỳ với rất nhiều ghi chú kiến thức đủ loại cũng có nhắc đến, ông cũng được mời chứng kiến một buổi giao đấu giữa hổ và voi như Le Poivre ở trên đã kể lại.

Thay lời kết luận

Viết xong bài này, dư vị để lại trong tâm thức một người đọc và cũng là một người cầm bút là thái độ nghi ngờ những người viết sử. Đó là một thái độ tiêu cực không nên có của người đọc. Và cũng là một thái độ có đôi phần “sa đích” đối với giới cầm bút nói chung. Nhưng cái lỗi ấy cũng cần chia xẻ cái phần trách nhiệm của một số lớn người cầm bút để cái tôi quá lớn, để cái phần “hoang tưởng” che lấp sự sáng suốt bắt buộc mỗi khi viết ra điều gì!

Thời giờ thì có hạn, quỹ thời gian thì mỗi ngày thu ngắn lại, chẳng lẽ mỗi chốc lại lên tiếng phê phán, vạch ra những sai lầm đến ấu trĩ của một số người cầm bút hiện nay? Sự im lặng phải chăng là thái độ tốt nhất?

Tuy nhiên, phần cá nhân người viết bài này, sở dĩ có một thái độ nghi ngờ mang tính phê bình các người viết sử là do sự mở đường của Nguyễn Duy Chính mà tác giả đã có nhã ý gửi cho một số tài liệu sử do ông biên soạn. Đó là thái độ đọc sử, viết sử của ông một cách thận trọng và nghiêm túc, cố gắng tối đa trong việc đi tìm nguồn tài liệu, rồi so sánh đối chiếu, biết đặt lại một số vấn đề sử học trong một cái nhìn mới mẻ, không câu nệ lệ thuộc vào tài liệu cũ.

Trong lúc này thì tôi nghĩ một cách khiêm tốn là thái độ viết sử quan trọng hơn việc viết gì!

Chính vì thế, khi viết bài này, tôi đã có dụng ý lấy phần biên khảo của sử gia K.W. Taylor thay cho phần kết luận của mình:

Tinh thần viết sử của K.W Taylor, theo tôi suy đoán, ấy là điều gì mình còn nghi hoặc, không đủ tài liệu, hoặc không dễ dãi đối với một số tài liệu mà sự kiểm chứng là bất khả thi thì bỏ qua không nói đến. Đó là thái độ trí thức cần thiết mà tôi đã đọc được trong cuốn A History of the Vietnamese. Một cuốn sách thu tóm một cách cô đọng chiều dài lịch sử Việt Nam thu gọn trong 700 trang. Thật khó chứ không dễ dàng gì. Điều thứ hai là tác giả trình bày sự kiện sử học một cách khách quan và trong sáng, không nghiêng ngả về phía này phía kia, không phê phán hầu như bất cứ ai. Điều mà 10 người viết sử Việt đều sa vào lỗi lầm “tổ tiên” này. Điều thứ ba mới thật sự là quan trọng là tác giả tự đặt ra một số chủ đề lớn và trong chủ đề lớn có chủ đề nhỏ và cố gắng đi sát với chủ đề ấy, vì thế tránh được sự dài dòng lê thê, tránh được sự tản mát lan rộng của sự kiện sử học. Chằng hạn chủ đề: Nguyễn Phúc Ánh at Saigon, Ngô Đình Diệm between communists and Americans, Minh Mang’s centralizing policies.

Vì khá cô đọng và bỏ qua những chi tiết rườm rà cũng như không kiểm chứng được nên viết về cả triều đại Quang Trung, sử gia thu gọn trong 4 trang 377-380. Thừa thì chắc là không có. Chẳng thấy ông đả động gì đến voi trận, số quân Tây Sơn ra mặt trận cũng như sự tổn thất của quân nhà Thanh là bao nhiêu như lối viết trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí.

Xin trích đoạn kết luận của sử gia K.W. Taylor về triều đại Quang Trung như sau:

“Nguyên Huệ còn được biết với danh hiệu Hoàng Đế Quang Trung, trở thành một người anh hùng nổi tiếng do sự tường thuật của các sử gia sau này, mặc dầu sự ngắn ngủi của triều đại của ông. Chính bởi vì những chiến công dũng cảm của ông ngoài mặt trận trong việc đánh bại quân Xiêm ở phía Nam và quân đội Tàu tại phía Bắc. Tuy nhiên, sự hiển hách của những chiến công ngoài mặt trận của ông không đi đôi với tài quản trị đất nước. Không giống những người từng là những người khai sinh ra một triều đại, ông không có đầu óc đi vào các kế hoạch của việc quản trị. Trong khi Nguyễn Huệ chiến thắng ngoài trận mạc và mơ tưởng tới những cuộc chinh phục trong tương lai về phương Bắc, Nguyễn Phúc Ánh lại quan tâm đến công việc đặt nền móng cho một xứ sở mới ở phía Nam.”

(K.W. Taylor. A history of the Vietnamese, Cambridge University Press, 2013, trang 380)

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline minh hoạ vfa phụ chú.