Hoàng đế Annam ở La Réunion, 1927

Charles Wattebled | DCVOnline

Hòn đảo La Réunion thường đón nhận những nhân vật “lỡ vận”; Vì thế nó đã từng tiếp đón Saïd Ali, Tiểu vương của Comoros, và Nữ hoàng Ranavalo của Madagascar, cả hai nay đã qua đời.

DCVOnline | Sau đây là bài báo của ký giả người Pháp tên Charles Wattebled viết về lần ông may mắn gặp gỡ Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, cựu Hoàng đế Duy Tân tại đảo La Réunion; bài báo đã đăng ngày 7 Tháng ba 1927 trên tờ L’Echo Annamite: organe de défense des intérêts Franco-Annamites.

Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, cựu hoàng đế Duy Tân, đã chụp ảnh tại nhà ông ở St-Denis, La Réunion. Nguồn: historicvietnam.com

Hòn đảo La Réunion thường đón nhận những nhân vật đã “hết thời”; Do đó nó từng tiếp đón Saïd Ali, Tiểu vương của Comoros, và Nữ hoàng Ranavalo của Madagascar, cả hai nay đã qua đời; và gần đây nhất là những cựu hoàng của An Nam, là Thành-Thái và Duy-Tân;cả hai vẫn còn sống ở thủ đô St-Denis.

Hoàng đế Duy Tân tám tuổi sau khi đăng quang vào năm 1907. Nguồn: OntheNet

Tôi rất tò mò muốn biết thêm về đời sống của hai nhân vật lưu vong này; vì vậy đâu có ai ngờ tôi đã có cơ hội – nhờ vị thần vĩ đại của giới nhà báo — cho phép tôi gặp một trong hai người đó, và trong hoàn cảnh đẹp nhất!

Một buổi tối, rất mệt mỏi sau chuyến đi núi, đêm đó tôi trở về thành phố, lần bước trên con đường Paris đẹp và rộng, hít thở không khí buổi tối trong lành; bất ngờ tôi đã dừng lại trước cửa Tòa đô chính vì hợp âm của bản giao hưởng quen thuộc; Hội thính nhạc đang tập bản Peer Gynt (1). Niềm đam mê âm nhạc cũ trong tôi đột nhiên bừng tỉnh, tôi bước vào trong đại sảnh. Trên sân khấu, một chục nhạc sĩ đang hòa mình theo tiếng nhạc, dưới sự điều khiển của vị nhạc trưởng tóc dài, của bản “Cái chết của bà Aese” [trong Tổ khúc 1 của Peer Gynt]. Có hai hoặc ba thính giả trong ngồi trong bóng tối, mê mẩn lắng nghe.

Một lúc sau, tôi mới thấy người đứng bên cạnh mình; đó là một thanh niên thanh lịch với dáng dấp của một người châu Á, đang lắng nghe bản nhạc; trong khoảng nghỉ, ông ấy đã lên sân khấu và nói chuyện thân mật với nhạc trưởng và nhạc sĩ.

Ngạc nhiên, tôi hỏi ông ta:

“Monsieur, ông thích âm nhạc của Grieg?”

Ông ấy trả ời, “Rất thích. Tôi chơi violin, và chơi trong ban hòa tấu mà ông đang nghe. Tôi thường chơi kèn song hoàng quản (oboe).”

“Thật sao? Vậy chắng ông đã thuộc bài Peer Gynt, vì ông không thấy cần phải tập luyện tối nay.”

“Ồ không, tôi thường siêng năng tham dự những buổi tập dợt; nhưng chủ nhật tuần trước tôi ngã ngựa. Tôi dự cuộc đua Grand Prix, cưỡi con Verdun, một con ngựa đẹp nhưng nóng như lửa, cuối cùng, nó đã cho cho tôi nhào xuống mương trước khi bắt đầu cuộc đua. Ông thấy không, tay phải của tôi phải băng lại thế này.”

“Ồ! Xin lỗi nhé! Như thế, anh vừa là một người chơi kèn oboe và còn là một kỵ mã.”

Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, cựu hoàng đế Duy Tân, ảnh chụp tại nhà ông ở St-Denis, La Réunion. Nguồn: OntheNet

“Và nhiều thứ khác nữa: nhiếp ảnh gia, người được giải của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật. Các nhà soạn nhạc yêu thích của tôi là Beethoven, Saint-Saëns và Gounod. Tôi cũng dành thời gian nghe radio, và tôi thích lái ô tô của mình.”

Càng sửng sốt, tôi tiếp tục nói chuyện với người đàn ông trẻ tuổi này, một người dường như có nhiều tài, với một giọng nói là lạ, có âm hưởng tiếng Creole, đã làm cho tôi cảm thấy khá lúng túng.

Tôi có được câu trả lời cho những thắc mắc của mình khi chúng tôi rời khỏi hội trường và trao đổi danh thiếp; trên tấm danh thiếp của ông, tôi đọc được:

“Hoàng tử VĨNH SAN
Huy chương Đại thập tự Đại Nam Long Tinh
St-Denis, Réunion”

Tôi kêu lên “Đội ơn Grieg! Tôi đã tự hỏi liệu tôi có thể đến thăm ông được không, và bây giờ, hoàn toàn vì cơ may, tôi đã làm quen được với ông!”

Ở đảo La Resunion người ta biết Cựu Hoàng Duy Tân là Hoàng tử Vĩnh-San, hoặc “Hoàng tử Trung Hoa”; Ông đã tử tế cho tôi một cuộc hẹn tại nhà vào sáng hôm sau.

Tại nhà của Hoàng tử Vinh-San

Đến trong khu nhà cho thuê rẻ tiền ở St-Denis, trên đường du Conseil, tôi tìm đến một căn nhà gỗ một tầng, có một khoảng sân nhỏ phía trước.

Hoàng tử Vĩnh-San ra tận cửa đón chào, dáng người nhỏ và gầy, với làn da rám nắng, mái tóc đen tuyền của ông chải ngược ra sau. Mặc một chiếc áo khoác màu xám đầy phong cách, ông ấy đã chào đón tôi một cách lịch sự, với một nụ cười thân thiện đóng khung dưới gọng kính lớn.

Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, cựu hoàng đế Duy Tân, chụp hình vói một con ngựa đua ở La Réunion. Nuồn: OntheNet

Ông ấy đã dẫn tôi đi thăm căn nhà của mình với ba phòng nhỏ, chật chội. Ở phòng thứ nhất là một cái bàn lộn xộn những giấy tờ bụi bặm và những đồ vật khác nhau, một chiếc ghế ọp ẹp và một giá nhạc; trong phòng thứ hai là một bộ máy vô tuyến và đống ảnh chụp không có thứ tự; hai chiếc giường sắt khiêm tốn choán cả phòng thứ ba.

Trong khi tôi chuẩn bị máy ảnh thì vị Hoàng tử kể cho tôi nghe câu chuyện của ông bằng tiếng Pháp chính xác nhất:

“Sau khi trên ngôi vua của An Nam 1907-1916, những năm đẹp nhất cuộc đời tôi, vào một ngày tôi đã dại dột đi theo của một số thành viên của “Việt Nam Quang Phục Hội”, họ muốn tôi lãnh đạo phong trào cách mạng. Tôi chạy theo những người chủ mưu trốn khỏi cung điện Huế vào đêm ngày 3 tháng 5 năm. Cuộc chạy trốn của tôi đã bị phát giác ngay sau đó. Bốn ngày sau, hối hận, tôi đi gặp các ông Le Fol và Saunier; họ đã dẫn tôi đến gặp Khâm sứ Trung Kỳ, Monsieur Charles [Jean-François dit Eugène Charles].

Sau đó, tôi đã cay đăng hối hận vì điều mà tôi coi là một hành động điên rồ. Nhưng ông đã biết về câu chuyện không may này, vì vậy tôi không cần phải nói nhiều hơn.

Đi bằng thuyền Guadiana, tôi đã đến Pointe-des-Galets vào ngày 20 tháng 11 năm 1916, sau một chuyến hải hành không ngừng trong suốt 17 ngày.

Lúc đó, tôi mới 19 tuổi. Tôi hoàn toàn mất phương hướng, và ban đầu tôi thấy rất khó mà thích nghi được với La Réunion; tôi thường xuyên bị sốt và bị sốt xuất huyết 3 lần.

Tuy nhiên, phải công nhận rằng mối quan hệ của tôi với những cư dân của La Réunion rất tốt; họ luôn rất tử tế đối với tôi.

Một cảnh ở Làng Cilaos, đảo La Réunion. © AMA/age fotostock

Tôi không thể phàn nàn về đất nước đáng mến này; tôi đã đi thăm tất cả những thắng cảnh đẹp – Tôi đặc biệt thích làng Cilaos, khung cảnh tuyệt vời của núi non, với thung lũng tuyệt đẹp, khí hậu lý tưởng — nhưng tất cả những danh lam thắng cảnh như vậy cũng không thể làm cho tôi quên được Annam.

Với lương hưu rất khiêm nhường của Chính phủ Đông Dương, như ông thấy, tôi sống rất đơn giản, cùng với em trai tôi, Hoàng tử Vĩnh-Chương. Vì lý do riêng tư, tôi không có liên hệ gì với hoàng đế Thành-Thái, cha tôi.

Tôi chỉ đồng ý tham dự các cuộc đua ngựa như một tay đua vì tôi muốn có thêm chút tiền; nhờ đó, ít nhất tôi đã có thể mua chiếc xe nhỏ mà ông sắp chụp ảnh.

Tuy nhiên, mong muốn thân yêu nhất của tôi là sẽ được sống ở Pháp, ở Paris, nơi duy nhất tôi thực sự có thể theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của tôi; nhạc làm môn tôi đã học mà không có thầy — và cho văn chương vì tôi đã được giải thưởng của Académie của Réunion.”

Khi nói câu chuyện này, hoàng tử Vĩnh San đã đưa cho tôi xem một cuốn cuốn sách mà ông là tác giả, tựa đề “Trois nouvelles”, xuất bản năm 1922 tại St Denis và đề tặng riêng cho “Mademoiselle F ..”

Chính xác hơn, cuốn sách này có hai truyện ngắn và một vở hài kịch hai màn. Đừng bị hình thức đánh lừa, cuốn sách viết bằng tiếng Pháp thật tao nhã; Tôi nhận thấy trong đó giọng điệu của tiếng Pháp ở Paris cũng như cung cách Creole.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: An Emperor of Annam in La Réunion, 1927 . Tim Doling | HISTORIC VIETNAM | Tim Doling’s heritage portal | 22/08/2016.

(1) Peer Gynt là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà soạn nhạc người Na Uy Edvard Grieg. Tác phẩm này xuất phát từ vở kịch cùng tên của nhà viết kịch Na Uy Henrik Ibsen. Grieg đã viết 23 khúc nhạc đệm vào các màn trong vở kịch đó, sau đó ông chuyển soạn cho piano 4 tay, rồi lại soạn thành 2 tổ khúc cho dàn nhạc giao hưởng.